CHƯƠNG 3
GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
KINH: Bà-già-bà (Bhagavat).[1]
LUẬN: Sao gọi là Bà-già-bà? Bà-già (Bhaga) là đức (guṇa); Bà (vat) là có. Vậy Bà-già-bà là “Có đức.”
Lại nữa, Bà-gia (bhāga) là phân biệt (vibhāga), Bà-vat là xảo (kuśala). Khéo phân biệt tướng chung tướng riêng của các pháp, nên gọi là Bà-già-bà.[2]
Lại nữa, Bà-già là thanh danh; Bà là có. Vậy là có thanh danh. Thanh danh không ai có như Phật. Chuyển luân Thánh vương, Đế-thích, Phạm-thiên, Hộ-thế, không có ai bằng Phật, huống những người phàm khác, vì cớ sao? Vì Chuyển luân Thánh vương còn dính mắc với kiết sử, mà đức Phật thì đã xa lìa kiết sử. Chuyển luân Thánh vương còn chìm trong bùn sanh già bệnh chết; Phật đã qua khỏi. Chuyển luân Thánh vương (cakravartī-rāja) còn làm tôi tớ cho ân ái; Phật đã xa lìa vĩnh viễn. Chuyển luân Thánh vương còn ở trong cánh đồng tai hoạn của thế gian, Phật đã xa lìa. Chuyển luân Thánh vương còn ở trong chỗ vô minh đêm tối, Phật thì ở trong chỗ sáng suốt nhất. Chuyển luân Thánh vương cùng lắm là thống lãnh bốn châu thiên hạ, Phật thì thống lãnh cả vô lượng thế giới. Chuyển luân Thánh vương tiền của tự tại, Phật thì tâm tưởng tự tại. Chuyển luân Thánh vương còn tham cầu cái vui
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜 阿 含 經), quyển 35, kinh số 981, tr. 255b; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增一阿含經), quyển 40, tr. 615a.
[2] T. 25: Đại trí độ luận: Khéo phân biệt tổng tướng, biệt tướng, gọi là Bà-già-bà.
* Trang 75 *
cõi trời, còn Phật cho đến cái vui của cõi trời Hữu đỉnh cũng không tham đắm. Chuyển luân Thánh vương theo người khác cầu vui, Phật trong tâm tự vui. Vì nhân duyên ấy, Phật hơn Chuyển luân Thánh vương. Các hàng Đế-thích, Phạm-thiên, Hộ-thế cũng lại như vậy, chỉ hơn Chuyển luân Thánh vương chút ít.
Lại nữa, Bà-già là phá; Bà là năng. Vì là người năng phá dâm, nộ, si nên xưng là Bà-già-bà.
Hỏi: Như A-la-hán, Bích-chi Phật cũng phá dâm, nộ, si, với Phật khác gì?
Đáp: A-la-hán, Bích-chi Phật tuy phá ba độc nhưng không sạch hết khí phần.[1] Ví như hương ở trong đồ đựng, hương tuy lấy đi mà hơi vẫn còn. Lại như lửa đốt cây, cỏ, củi, khói bay mà than vẫn còn, vì sức lửa yếu. Phật dứt hẳn ba độc không còn thừa. Ví như lúc kiếp tận, lửa đốt núi Tu-di, tất cả đất đai tiêu hết, khói không, than không. Như Xá-lợi-phất còn tập khí sân nhuế, Nan-đà còn tập khí dâm dục, Tất-lăng-già-bà-ta còn tập khí kiêu mạn.[2] Ví như người bị xiềng chân mới được thả ra đi không vững.
Bấy giờ Phật từ thiền định dậy đi kinh hành, La-hầu-la đi theo, Phật hỏi La-hầu-la vì sao gầy ốm? La-hầu-la thưa với kệ:
“Nếu người ăn dầu thì có sức,
Nếu uống sữa tươi thì sắc tốt,
Nếu ăn mè, rau, không sắc, lực.
Đại đức Thế Tôn tự nên biết.”
[1] T. 31: Đại thừa a-tỳ-đạt-ma tập luận (Mahāyānābhidharma–samuccaya-大 乘 阿 毘 達 磨 集 論), quyển 7, tr. 691; T. 31: Đại thừa a-tỳ-đạt-ma tạp tập luận (Mahāyānābhidharma–samuccayabhaṣya-大 乘 阿 毘 達 磨 雜 集 論), quyển 14, tr. 761b25.
[2] T. 31: Nhiếp đại thừa luận, Vô tánh dịch (Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra-攝 大 乘 論 -無 性 釋), quyển 9, tr. 44a26-29; Xem Đại trí độ luận quyển 26, 27.
* Trang 76 *
Phật hỏi La-hầu-la: “Trong chúng này ai là Thượng tọa?” La-hầu-la thưa: “Hòa thượng Xá-lợi-phất.”[1] Phật nói: “Xá-lợi-phất ăn đồ bất tịnh.” Bấy giờ, Xá-lợi-phất nghe nói lại lời ấy, tức thì mửa đồ ăn, và tự thề: “Từ nay không còn nhận lời người thỉnh.”
Khi ấy vua Ba-tư-nặc, Trưởng giả Tu-đạt-đa v.v... đến chỗ Xá-lợi-phất và nói với Xá-lợi-phất: “Phật không vì vô sự mà nhận lời người thỉnh, Đại đức Xá-lợi-phất cũng không nhận lời thỉnh, thời kẻ cư sĩ áo trắng chúng tôi làm sao có được lòng tin lớn lao thanh tịnh.” Xá-lợi-phất nói: “Phật, Đại sư của tôi nói: Xá-lợi-phất ăn đồ bất tịnh, nay không được nhận lời người thỉnh.”
Lúc ấy vua Ba-tư-nặc v.v... đi đến chỗ Phật, bạch Phật: “Phật không thường nhận lời người thỉnh, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng không nhận lời thỉnh, thời chúng con làm sao có được lòng tin lớn? Mong Phật sắc Tôn giả Xá-lợi-phất trở lại nhận lời người thỉnh.” Phật nói: “Thầy ấy tâm cứng cỏi, không thể lay chuyển.”
Bấy giờ, Phật dẫn Nhân duyên Bản sanh: “Xưa có một Quốc vương bị Rắn độc cắn, vua sắp muốn chết, gọi các lương y khiến trị độc Rắn. Bấy giờ các lương y nói: “Phải làm cho rắn hút lại độc khí mới hết được.”
Khi ấy các lương y đều đọc chú thuật, con Rắn đã cắn vua liền đến chỗ vua, các lương y chất củi và đốt lửa lên, bảo con Rắn: “Ngươi phải hút lại chất độc của ngươi, nếu không thì sẽ phải nhảy vào lửa.” Rắn độc suy nghĩ: “Ta đã nhã chất
[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama -增 一 阿 含 經), quyển 7, tr. 173c.
* Trang 77 *
độc, làm sao hút lại, thà phải chịu chết!” Tư duy định tâm, liền nhảy vào lửa. Rắn độc lúc ấy chính là Xá-lợi-phất, đời đời tâm cứng cỏi không thể lay động.”
Lại nữa, Trưởng lão Tất-lăng Già-bà-ta thường bị đau mắt. Ông ấy khi đi khất thực thường đi ngang qua sông Hằng. Khi đến bên dòng sông, ông gảy móng tay mà nói: “Tiểu tỳ, dừng lại đừng cho nước chảy.” Nước liền rẽ làm hai, ông ấy qua được, rồi đi khất thực. Thần sông Hằng đến chỗ Phật, bạch Phật: “Đệ tử của Phật là Tất-lăng Già-bà-ta thường mắng tôi: “Tiểu tỳ, dừng lại, đừng cho nước chảy.” Phật bảo Tất-lăng Già-bà-ta sám hối thần sông Hằng. Tất-lăng Già-bà-ta tức thì chấp tay mà nói với thần sông Hằng: “Tiểu tỳ chớ giận, nay ta tạ lỗi nhà ngươi.” Khi ấy đại chúng cười nói: “Tại sao tạ lỗi mà lại mắng nữa?” Phật nói với thần sông Hằng: “Ông thấy Tất-lăng Già-bà-ta chấp tay tạ lỗi chăng? Tạ lỗi là không có lòng kiêu mạn mà lại nói lời ấy, nên biết không phải là ác. Chẳng qua ông ấy năm trăm đời lại đây, thường sanh trong nhà Bà-la-môn, thường tự kiêu, cho mình cao quý, khinh rẻ người khác, tập khí xưa nay như vậy, nên miệng nói mà tâm không kiêu mạn.”[1]
Như vậy, các A-la-hán tuy dứt kiết sử mà còn có tập khí tàn dư, còn như chư Phật Thế Tôn, hoặc có người lấy dao cắt một cánh tay, hoặc có người lấy hương Chiên-đàn xoa một cánh tay, cũng như con mắt bên phải và con mắt bên trái, tâm Ngài không thương ghét; vì Ngài vĩnh viễn không còn tập khí tàn dư.
[1] T. 22: Ma-ha tăng kỳ luật (Mahāsāṃghika-vinaya-摩 訶 僧 祇 律), quyển 30, tr. 467c.
* Trang 78 *
Con gái Bà-la-môn tên là Chiên-xà (Cinca) độn cái bát giả mang bầu đến mắng Phật ngay ở giữa đại chúng rằng: “Ông làm cho tôi có thai sao không chịu lo cơm áo cho tôi. Ông là người không biết xấu, mê hoặc thiên hạ.”
Bấy giờ năm trăm thầy Bà-la-môn giơ tay mà xướng lên: “Phải, phải, chúng ta biết việc ấy.” Lúc ấy Phật không đổi sắc, cũng không thẹn thùng. Việc ấy tức thời bị lột trần ra, đất liền động mạnh, chư thiên cúng dường, rải các danh hoa, tán thán đức của Phật, Phật cũng không có sắc mừng.
Lại nữa, Phật phải ăn thóc của ngựa mà cũng không buồn bực.[1] Thiên vương dâng đồ ăn đủ cả trăm vị, Phật cũng không lấy làm mừng, nhất tâm không hai.
Như thế đó, đủ các thứ ẩm thực, y phục, ngọa cụ, khen, chê, khinh bỉ, cung kính, tâm Ngài vẫn không đổi khác. Cũng như vàng thật dù đốt, rèn, đập, mài vẫn không thêm bớt. Vì vậy, cho nên, A-la-hán tuy đoạn kiết sử, đắc đạo, nhưng vẫn còn tàn khí, không được gọi là Bà-già-bà.
Hỏi: Bà-già-bà chỉ có một danh hiệu ấy hay còn có danh hiệu khác?
Đáp: Công đức của Phật vô lượng, danh hiệu cũng vô lượng. Danh hiệu ấy (Bà-già-bà-Tathāgata) được dùng hơn cả là do nhiều người biết đến.
* Lại có danh hiệu khác như Đa-đà A-già-đà (Tathāgata). Sao gọi là Đa-đà A-già-đà (Tathāgata - Như Lai)? Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết, như chư Phật theo con đường an ổn mà đi đến, Phật
[1] Xem Đại trí độ luận quyển 9, 27, 38.
* Trang 79 *
cũng như vậy đi đến, lại không còn đi đến trong đời sau cho nên gọi là Đa-đà A-già-đà.[1]
* Lại có danh hiệu A-la-ha (Arhat). Sao gọi là A-la-ha?. A-la là giặc; Ha là giết. A-la-ha gọi là giết giặc, như kệ nói:
“Phật lấy nhẫn làm áo đồng,
Lấy tinh tấn làm giáp sắt,
Lấy trì giới làm ngựa hay,
Lấy thiền định làm cung tốt.
Lấy trí tuệ làm tên nhọn,
Ngoài thì phá quân Ma vương,
Trong thì diệt giặc phiền não,
Ấy gọi là A-la-ha.”
Lại nữa, A là chẳng; La-ha là sanh. A-la-ha là chẳng sanh. Hạt giống Phật tâm không sanh trong thửa ruộng đời sau; vì vỏ trấu vô minh đã lột rồi.
Lại nữa, A-la-ha là ứng thọ cúng dường. Phật đã trừ hết kiết sử, được nhất thiết trí tuệ, xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của hết thảy trời đất chúng sanh, vì thế, Phật cũng gọi là A-la-ha.
Lại có danh hiệu Tam-miệu Tam Phật-đà (Saṃyak-sambuddha). Tại sao gọi là Tam-miệu Tam Phật-đà? Tam-miệu là chánh, Tam là biến, Phật-đà là tri. Tam-miệu Tam Phật-đà là Chánh biến tri đối với hết thảy pháp.
Hỏi: Thế nào gọi là Chánh biến tri?
Đáp: “Biết Khổ đúng như khổ tướng,
Biết Tập đúng như tập tướng.
[1] T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (Daśabhūmivibhāsā śāstra-十 住 毘 婆 沙 論), quyển 1, tr. 25a-b.
* Trang 80 *
Biết Diệt đúng như diệt tướng.
Biết Đạo đúng như đạo tướng.”
Đó gọi là Tam-miệu Tam Phật-đà.
Lại nữa, biết tướng chơn thật của tất cả pháp là bất hoại, bất tăng bất giảm.
Tại sao gọi là tướng bất hoại? Con đường tâm tưởng nói năng đều đoạn diệt, quá hơn các pháp, như tướng Niết-bàn bất động. Vì vậy gọi là Tam-miệu Tam Phật-đà.
Lại nữa, hết thảy danh tự của mười phương thế giới, của chúng sanh trong lục đạo, nhân duyên đời trước và chỗ thác sanh trong vị lai của chúng sanh, hết thảy tâm tưởng của mười phương chúng sanh, các kiết sử, các thiện căn, các đạo xuất ly, hết thảy các pháp như vậy đều biết. Ấy gọi là Tam-miệu Tam Phật-đà.
* Lại có danh hiệu Bệ-đa Giá-la-na Tam-ban-na (Vidyā-caraṇa-sampanna). Tiếng Tàu dịch là Minh hạnh túc. Sao gọi là Minh hạnh túc? Túc mạng, thiên nhãn và lậu tận[1] gọi là tam minh.[2]
Hỏi: Thần thông và minh khác nhau như thế nào?
Đáp: Biết thẳng việc Túc mạng trong quá khứ gọi là thông; biết hạnh nghiệp nhân duyên trong quá khứ gọi là minh; biết thẳng chết chỗ này sanh chỗ kia gọi là thông; biết hạnh nghiệp nhân duyên tập hợp không mất gọi là minh. Dứt thẳng hết kiết sử mà không biết còn sanh lại hay không sanh gọi là thông. Nếu biết lậu hoặc dứt hết không còn sanh lại, gọi là minh. Ba minh này là sở chứng của đại A-la-hán, đại
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿 毘 達 磨 俱 舍 論), quyển 27, tr. 143b23-24.
[2] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大 毘 婆 沙 論), quyển 102, tr. 529c.
* Trang 81 *
Bích-chi Phật.
Hỏi: Nếu như vậy, A-la-hán và Bích-chi có gì khác với Phật?
Đáp: Các vị ấy tuy được Tam minh, mà minh không đầy đủ, còn Phật đầy đủ hết thảy, nên khác.
Hỏi: Sao là không đầy đủ, và sao là đầy đủ?
Đáp: Trí túc mạng của A-la-hán và Bích-chi Phật biết thân mình và thân người khác cũng không thể đủ. Có vị A-la-hán biết một đời, hoặc hai đời, ba đời, mười, trăm, ngàn, vạn kiếp, cho đến tám vạn kiếp, xa hơn thì không còn biết được nữa, thế nên không đầy đủ; Thiên nhãn minh biết về đời vị lai cũng như vậy. Phật ngay trong một niệm khi sanh, trụ, diệt, các phần kiết sử, khi sanh như vậy, khi trụ như vậy, khi diệt như vậy. Các kiết sử do khổ pháp nhẫn và khổ pháp trí đoạn diệt, đều biết rõ các kiết sử đã được giải thoát như vậy, được giải thoát về bao nhiêu pháp hữu vi, được giải thoát về bao nhiêu pháp vô vi. Như vậy, cho đến đạo tỷ nhẫn (đạo loại nhẫn) trong mười lăm tâm thuộc kiến đế đạo (kiến đạo vị) thì hàng Thanh-văn và Bích-chi Phật không thể giác tri, vì thì gian quá mau đối với họ; biết nhân duyên, lậu tận của chúng sanh quá khứ như thế, biết vị lai, hiện tại cũng thế.
Hành là thân nghiệp, khẩu nghiệp. Nhưng chỉ có thân nghiệp, khẩu nghiệp của Phật là hoàn toàn; còn người khác đều còn có sai quấy, như thế gọi là Minh hạnh túc.
* Lại có danh hiệu Tu-già-đa (Sugata - Thiện thệ). Tu (Su) Tàu dịch là khéo; Già-đa (gata) hoặc nói là đi, hoặc là
* Trang 82 *
thuyết. Ấy là khéo đi, khéo thuyết. Khéo đi qua là đi trong các Tam-ma-đề sâu xa và vô lượng đại trí tuệ, như kệ nói:
“Phật lấy Nhất thiết trí làm xe,
Đi đường Bát chánh vào Niết-bàn.”
Vì vậy gọi là khéo đi (Tu-già-đa-sugata).
Khéo thuyết là như thật tướng các pháp mà thuyết, không vì ưa đắm pháp mà thuyết, quán sát trí tuệ lực của đệ tử: Người ấy dù đem tất cả phương tiện thần thông trí lực mà hóa cũng không độ được; còn người ấy độ được, người ấy mau, người ấy chậm, người ấy nên ở chỗ ấy độ, người ấy nên thuyết về bố thí, hoặc thuyết về trì giới, hoặc thuyết về Niết-bàn; người ấy nên thuyết về năm uẩn (ngũ chúng-pañcaskandha), mười hai Nhân duyên (Dvādaśaṅga pratītyasamutpāda), các pháp Tứ đế (catvāri-ārya-satyāni) thời có thể đưa họ vào đạo. Biết các loại trí lực của đệ tử như vậy mà vì họ thuyết pháp; ấy gọi là khéo thuyết.
* Lại có danh hiệu Lô-ca-bị (Lokavid - Thế gian giải). Lô-ca (Loka), Tàu dịch là thế gian; Bị (vid) dịch là tri. Lô-ca-bị là Tri thế gian.
Hỏi: Thế nào là Tri thế gian?
Đáp: Biết hai thứ thế gian: Một là chúng sanh, hai là phi chúng sanh. Và đúng như thật tuớng biết thế gian, nhân của thế gian, sự diệt tận của thế gian, đạo xuất ly thế gian.
Lại nữa, biết thế gian không phải như thế tục biết, cũng không như ngoại đạo biết. Biết thế gian vì vô thường nên khổ, vì khổ nên vô ngã.
* Trang 83 *
Lại nữa, biết thế gian phi hữu thường, phi vô thường, phi hữu biên, phi vô biên, phi khứ, phi bất khứ, cũng không đắm trước những tướng như vậy, tướng thanh tịnh, thường, bất hoại, như hư không, ấy gọi là Biết thế gian.
* Lại có danh hiệu là A-nậu-đa-la (Anuttara). Tàu dịch là Vô thượng.
Hỏi: Thế nào là Vô thượng?
Đáp: Pháp Niết-bàn là Vô thượng. Phật tự biết Niết-bàn ấy, không phải nghe từ người khác, cũng dắt dẫn chúng sanh khiến đi đến Niết-bàn. Như trong các pháp, Niết-bàn là vô thượng, thời trong chúng sanh, Phật cũng Vô thượng.
Lại nữa, công đức trì giới, thiền định, trí tuệ, giáo hóa chúng sanh, hết thảy không có ai bằng, huống là hơn được, cho nên gọi là Vô thượng.
Lại nữa, A là không; Nậu-đa-la là trả lời. Hết thảy pháp ngoại đạo có thể trả lời, có thể phá hủy; vì nó không phải thật, không phải thanh tịnh. Còn Phật pháp không thể trả lời, không thể phá hủy; vì nó ra ngoài con đường nói năng, cũng là thật, là thanh tịnh. Do đó nên gọi là không trả lời.
* Lại có danh hiệu Phú-lâu-sa Đàm-miệu Bà-la-đề (Puraṣa-damyasārathi). Phú-lâu-sa, Tàu dịch là Trượng phu; Đàm-miệu dịch là Có thể giáo hóa, Bà-la-đề dịch là Điều ngự sư. Ấy gọi là đấng Thầy điều ngự của những người có thể giáo hóa (Điều ngự trượng phu). Phật đem đại từ đại trí, có khi nói lời êm dịu, có khi nói lời khắc khổ, có khi nói lời chi
* Trang 84 *
li, lấy đó điều phục chế ngự khiến không mất Chánh đạo,[1] như kệ nói:
“Phật pháp là xe, đệ tử là Ngựa,
Bảo chủ điều ngự thật pháp là Phật,
Nếu Ngựa vượt ra ngoài lối chánh,
Thì sẽ tự sửa khiến điều phục.
Nếu căn nhỏ không điều, thì dùng pháp nhẹ trị,
Khéo léo thành lập cho vào thượng đạo,
Nếu không trị được thì vứt bỏ.
Do vậy là đấng Điều ngự vô thượng.”
Lại nữa, Điều ngự sư có năm thứ: 1- Trước hết là pháp sửa trị của cha mẹ, anh chị, thân lý. 2- Thứ đến là phép của quan. 3- Dưới hết là phép của thầy. Đó là ba thứ sửa trị trong đời hiện tại. 4- Đời sau thì có Diêm-la vương trị. 5- Phật thì dạy sự lợi ích an lạc cho đời này, đời sau và Niết-bàn. Thế nên gọi là Điều ngự sư.
Bốn pháp xử trị người trên kia không bao lâu tất hủy hoại, không thể thường có kết quả thật sự. Phật thành đạt cho người với ba thứ đạo, thường theo đạo, không bỏ. Như lửa không bỏ tự tướng của nó cho đến khi tắt. Phật làm cho người được thiện pháp cũng vậy, đến chết không bỏ; vì vậy cho nên Phật có hiệu là Điều ngự trượng phu.
Hỏi: Đối với nữ nhân Phật cũng giáo hóa cho được đạo, sao chỉ nói trượng phu (nam giới)?
Đáp: Vì người nam là tôn quý, người nữ thì thấp hèn; vì người nữ thì theo người nam. Và vì người nam là chủ
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 33, kinh số 923, tr. 234b-c.
* Trang 85 *
sự nghiệp.
Lại nữa, người nữ có điều chướng ngại là không được làm Chuyển luân vương, Đế-thích Thiên vương, Ma thiên vương, Phạm-thiên vương và Phật Pháp vương; vì vậy nên Phật không nói.
Lại nữa, nếu nói Phật là đấng Điều ngự sư của nữ nhân thì không tôn trọng, nếu nói của trượng phu thì gồm hết tất cả. Cũng như vua đến thì không đến một mình, chắc chắn còn có người tùy tùng. Như vậy, nói trượng phu là gồm hết cả người hai căn, không căn và nữ nhân trong đó; vì vậy, nên nói là trượng phu.
Bởi nhân duyên ấy, Phật là Điều ngự trượng phu.
* Lại có danh hiệu Xá-đa Đề-bà Ma-nậu-xá-nẫm (śāstā-deva-manuṣyānām). Xá-đa (śāstā) là Giáo sư, Đề-bà (deva) là Thiên (trời), Ma-nậu-xá-nẫm (Manuṣyānām) là Nhân (người). Ấy là Thiên nhân sư.
Sao gọi là Thiên nhân sư? Phật dạy việc ấy nên làm, việc ấy không nên làm, việc ấy thiện, việc ấy bất thiện, và chúng sanh theo lời dạy mà làm, không bỏ đạo pháp, được quả báo là giải thoát phiền não, ấy gọi là Thiên nhân sư.
Hỏi: Phật có thể hóa độ Rồng, Quỷ, thần và các chúng sanh trong các đạo khác, sao chỉ nói là Thiên nhân sư?
Đáp: Độ các loài khác thì ít, độ hàng thiên nhân thì nhiều. Ví như người da trắng, có chấm ruồi đen mà không gọi là người da đen, vì đen ít.
Lại nữa, trong loài người kiết sử mỏng, tâm nhàm chán
* Trang 86 *
dễ sanh, trong loài trời trí tuệ lanh lợi, vì vậy hai nơi nầy dễ đắc đạo; còn trong các loài khác không được như thế.
Lại nữa, nói thiên là gồm luôn các loài ở trên trời, nói nhân là gồm luôn các loài sanh sống ở quả đất, vì cớ sao? Vì trên trời thì trời lớn hơn cả, trên quả đất thì người lớn hơn cả. Do đó, nói thiên là gồm hết loài trên trời, nói nhân là gồm hết loài trên đất.
Lại nữa, trong loài người có được sự thọ giới luật nghi, kiến đế đạo (kiến đạo), tư duy đạo (tu đạo) và các đạo quả. Hoặc có người nói: “Trong các loài khác không có được, hoặc có người nói nhiều ít có được; còn trong hàng thiên nhân thì dễ được, nhiều người được.” Do vậy, gọi Phật là Thiên nhân sư.
Lại nữa, ở trong loài người tạo nhân vui nhiều, ở trong loài trời hưởng quả báo vui nhiều. Thiện pháp là nhân vui, vui là quả báo của thiện pháp. Trong các loài khác , nhân và báo vui đều ít. Do vậy, Phật là Thiên nhân sư.
* Lại có danh hiệu Phật-đà (Buddha).[1] Tàu dịch là Tri giả. Biết những pháp gì? Biết quá khứ, vị lai, hiện tại, chúng sanh số, phi chúng sanh số, hữu thường, vô thường. Hết thảy các pháp, tại dưới cội bồ-đề, giác tri rõ ràng, cho nên gọi là Phật-đà.
Hỏi: Người khác cũng biết được hết thảy các pháp, như trời Ma-hê-thủ-la (Maheśvara), Tàu dịch là Đại tự tại, có tám tay, ba mắt, cỡi Bò trắng. Như trời Vĩ-nữu (Viṣṇu), Tàu dịch là Biến văn, có bốn tay, cầm Tù-và (śaṅkha), nắm bánh xe
[1] T. 12: Đại bát niết bàn kinh (Mahā-parinirvāṇa sūtra-大 般 涅 槃 經), quyển 16, tr. 712b; T. 26: Phật địa kinh luận (Buddha-bhūmi Sūtra-佛 地 經 論), quyển 1, tr. 291b; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大 毘 婆 沙 論), quyển 143, tr. 735b; T. 44: Đại thừa nghĩa chương (大 乘 義 章), quyển 2, tr. 864; Xem Đại trí độ luận quyển 70.
* Trang 87 *
(cakra), cỡi chim Kim-sí. Như trời Cưu-ma-la (Kumāra), Tàu dịch là Đồng tử, tay đưa cao con Gà, cầm linh, nắm phan đỏ, cỡi chim Khổng tước, đều là đại tướng của chư thiên. Các vị trời như vậy đều gọi là “Đại,” đều xưng là Nhất thiết trí (sarvajña). Có người theo làm đệ tử, học kinh sách và lãnh thọ giáo pháp của họ, nói đó là Nhất thiết trí?.
Đáp: Đó không đáng gọi là Nhất thiết trí, vì cớ sao? Vì tâm còn dính vào sân nhuế, kiêu mạn, như kệ nói:
“Hoặc thấy hình vẽ, hoặc tượng đất,
Hoặc nghe trong kinh, hoặc nghe khen.
Bốn loại chư thiên như thế ấy,
Mỗi mỗi tay cầm các binh khí,
Ai sức không bằng phải sợ hãi,
Ai tâm bất thiện phải sợ hãi,
Trời ấy chắc chắn làm người sợ,
Nếu vì sức kém thì sợ người,
Đối trời ấy, hết thảy thường sợ,
Không thể trừ khử các khổ nạn.
Người nào phụng sự hoặc cung kính,
Đời nay không khỏi chìm biển khổ.
Hoặc người không cung kính cúng dường,
Đời nay chẳng ngại hưởng giàu vui.
Nên biết đó là giả dối, không thật,
Thế nên kẻ trí không theo trời.
Bởi các chúng sanh trong thế gian,
Theo nghiệp nhân duyên mà luân hồi,
* Trang 88 *
Nhờ duyên phước đức sanh thiên thượng,
Tạo nghiệp nhân duyên sanh loài người,
Thế gian hành nghiệp thuộc nhân duyên,
Thế nên kẻ trí không theo trời.”[1]
Lại nữa ba vị trời ấy,[2] thương ai thời muốn cho mãn nguyện tất cả, ghét ai thời muốn cho bảy đời tiêu diệt. Phật không như vậy. Lúc làm Bồ-tát, nếu gặp oan gia, giặc đến muốn giết, còn tự đem thân, thịt, đầu, mắt, tủy não mà cho, hà huống là khi đã thành Phật. Nên chỉ có Phật mới có danh hiệu Phật-đà, vậy phải nên quy y Phật, lấy Phật làm thầy, không nên thờ Trời.
Lại nữa, Phật có hai sự: Một là sức đại công đức thần thông, hai là tâm thanh tịnh bậc nhất, các kiết sử dứt bặt. Chư thiên tuy có thần lực phước đức, mà vì kiết sử chẳng dứt nên tâm không thanh tịnh, tâm không thanh tịnh nên thần lực cũng ít. Thanh-văn, Bích-chi Phật tuy kiết sử đã dứt, tâm khéo thanh tịnh nhưng vì phước đức mỏng nên lực thể ít. Phật đầy đủ cả hai thứ nên hơn hết mọi người, các người khác không được như vậy nên gọi là Vô thượng sĩ (Sarvanaritama).
Bà-già-bà (Bhagavat) là có đức (Hữu đức) như trước đã nói.
Lại có danh hiệu A-ta-ma (anupma), Tàu dịch Vô đẳng.
Lại có danh hiệu A-ta-ma-ta-ma (asamasama), Tàu dịch là Vô đẳng đẳng.
Lại có danh hiệu Lô-ca-na-tha (Lokanātha), Tàu dịch là Thế Tôn.
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra- 阿 毘 達 磨 俱 舍 論), quyển 7, tr. 38a, quyển 19, tr. 100a-b.
[2] Ma hê thủ la thiên, Vĩ nữu thiên, Cưu ma la thiên.
* Trang 89 *
Lại có danh hiệu Bà-la-già (Pāraga), Tàu dịch là Độ bỉ ngạn.
Lại có danh hiệu Bà-đàn-đà (Bhadanta), Tàu dịch là Đại đức.
Lại có danh hiệu Thi-lê-già-na (śriguṇa), Tàu dịch là Hậu đức (đức dày).
Như vậy... có vô lượng danh hiệu.
Tên cha mẹ đặt là Tất-đạt-đa (Siddhārtha), Tàu dịch là Thành lợi. Khi đắc đạo, biết hết thảy các pháp, nên gọi là Phật, bậc xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của chư thiên và người đời, như vậy được gọi là Đại đức, Hậu đức.
Như vậy, tùy theo mỗi đức mà lập danh hiệu.
Hỏi: Vì ông ưa thích Tất-đạt-đa con vua Tịnh-phạn (Suddhodana) dòng Sát-đế-lợi (Kṣatriya) nên hết lời xưng tán rằng là Nhất thiết trí, chứ thật không có ai là đấng Nhất thiết trí, đúng không?
Đáp: Không phải vậy, người nói lời ấy là tà tâm ganh ghét Phật nên vọng ngữ như vậy. Thật sự có đấng Nhất thiết trí, vì sao? Đối với hết thảy chúng sanh, Phật có thân sắc, nhan mạo đoan chánh, không thể bì được: Tướng (lakṣaṇa), Đức (guṇa) và Minh (alaka) đầy đủ hơn hết thảy mọi người. Tiểu nhân thấy thân tướng Phật cũng biết đó là đấng Nhất thiết trí, hà huống đại nhân? Như trong kinh Phóng Ngưu thí dụ nói:[1] “Quốc vương xứ Ma-già-đà (Magadha) là Tần-bà-ta-la (Bimbisāra) thỉnh Phật và năm trăm đệ tử trong ba tháng. Vua cần sữa tươi để cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng nên
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜 阿 含 經), quyển 47, kinh số 1249, tr. 342c-343b; T. 2: Phật thuyết phóng ngưu kinh (佛 說 放 牛 經), tr. 546a-547a; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增 一 阿 含 經), quyển 46, phóng ngưu phẩm 49 (放 牛 品 第 四 十 九), tr. 794a-795b.
* Trang 90 *
mới gọi những người chăn Trâu đến ở nơi đó, ngày ngày mang sữa tươi đến. Sau ba tháng, Vua cảm thương những người chăn Trâu ấy nên bảo: “Các ngươi đến hầu Phật rồi trở về chăn Trâu.”
Các người chăn Trâu đi đến chỗ Phật, ở giữa đường, cùng nhau bàn rằng: “Chúng ta nghe nói Phật là đấng Nhất thiết trí, bọn ta là hạng tiểu nhân hạ liệt, làm sao biết được Ngài là Nhất thiết trí hay không?”
Các Bà-la-môn ưa uống sữa, thường qua lại chỗ các người chăn Trâu mà làm thân thiện. Những người chăn Trâu do đó được nghe danh hiệu về các kinh sách của Bà-la-môn, nên nói với nhau: “Phương pháp trị bệnh, phương pháp chiến đấu, phương pháp xem tinh tú, phương pháp tế trời, ca múa, phương pháp luận nghị, nạn vấn, v.v... sáu mươi bốn thứ kỷ nghệ thế gian ấy, con vua Tịnh-phạn học rộng nghe nhiều, thì biết những việc ấy không khó, nhưng mà từ khi sanh đến nay không hề chăn Trâu. Vậy chúng ta hãy lấy bí pháp chăn Trâu để hỏi, nếu giải đáp được thì mới thật là bậc Nhất thiết trí.”
Bàn như vậy xong, họ cùng nhau vào trước vườn Trúc (Veṇuvana), thấy ánh sáng của Phật chiếu khắp rừng, tiến tới trước tìm Phật; thấy Phật ngồi dưới cây, trạng tợ núi vàng, như sữa tươi rót vào lửa, cháy rực sáng ngời, hoặc tợ như vàng ròng rải màu Tử kim trên khắp rừng Trúc, trông không biết chán, tâm rất hoan hỷ, cùng nhau nói:
“Nay, Thích Sư tử này,
Có Nhất thiết trí không?
* Trang 91 *
Trông thấy đều vui mừng,
Việc ấy cũng đủ rồi.
Quang minh sáng bậc nhất,
Nhan mạo rất quý trọng.
Thân tướng uy đức đủ,
Tương xứng danh hiệu Phật.
Tướng, tướng đều phân minh,
Uy thần cũng đầy đủ,
Phúc đức tự rạng rỡ,
Ai thấy cũng ái kính.
Thân ở trong vòng sáng,
Người xem không hề chán.
Nếu có Nhất thiết trí,
Tất có công đức ấy.
Hết thảy các màu vẻ,
Tượng châu báu trang nghiêm.
Muốn sánh diệu thân này,
Không thể nào sánh được.
Làm thỏa mãn người xem,
Khiến được vui bậc nhất,
Thấy rồi sanh tịnh tín,
Tức là Nhất thiết trí.”
Suy nghĩ như vậy xong, họ lễ Phật rồi ngồi xuống, hỏi Phật: “Người chăn trâu có mấy điều thành tựu để cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn? Có mấy điều không thành tựu, khiến
* Trang 92 *
bầy trâu không thêm, không an ổn?” Phật đáp: “Có mười một điều để người chăn trâu làm cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn. Những gì là mười một? Đó là biết sắc, biết tướng, biết mổ xẻ, biết che vết thương, biết hun khói, biết đường đi tốt, biết chỗ trâu thích hợp, biết khéo đưa qua sông, biết chỗ an ổn, biết giữ sữa, biết nuôi trâu chúa. Nếu người chăn trâu biết mười một điều này thì có thể làm cho bầy trâu thêm nhiều và an ổn. Tỳ-kheo cũng như thế, biết mười một pháp thì có thể làm cho thiện pháp tăng trưởng.
- Sao gọi là biết sắc? Là biết sắc đen, sắc trắng, tạp sắc. Tỳ-kheo cũng như thế, biết tất cả sắc đều là tứ đại và tứ đại sở tạo.
- Sao gọi là biết tướng? Là biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt, khi hợp với bầy trâu khác nhân tướng mà biết. Tỳ-kheo cũng như vậy, thấy tướng thiện nghiệp biết là người trí, thấy tướng ác nghiệp biết là người ngu.
- Sao gọi là biết mổ xẻ? Trâu bị các loại trùng hút máu thì vết thương lở ra, mổ xẻ thời trừ hại, thời vui tươi. Tỳ-kheo cũng như vậy, bị trùng giác quán ác tà hút máu thiện căn, tăng trưởng vết thương lòng, trừ bỏ thời được an ổn.
- Sao gọi là biết che vết thương? Là biết lấy vải, cỏ, lá để ngăn ngừa muỗi mòng chích đốt. Tỳ-kheo cũng như vậy, lấy pháp chánh quán để che vết thương sáu căn không để bị các ác trùng phiền não tham dục, sân nhuế châm chích, làm tổn thương.
- Sao gọi là biết hun khói? Hun khói là để trừ muỗi
* Trang 93 *
mòng, trâu ở xa nhìn thấy khói thì nhắm theo mà về nhà. Tỳ-kheo cũng như vậy, đúng như điều được nghe mà thuyết để trừ các muỗi mòng kiết sử. Dùng khói thuyết pháp để dắt dẫn chúng sanh đi vào nhà thật tướng không, vô ngã.
- Sao gọi là biết đường đi? Biết con đường trâu đi về tốt hay xấu. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết Tám thánh đạo có thể đưa đến Niết-bàn, lìa con đường ác đoạn và thường.
- Sao gọi là biết chỗ trâu thích hợp? Là biết làm cho trâu sinh sôi, an ổn, ít bệnh. Tỳ-kheo cũng như vậy, lúc thuyết Phật pháp, được pháp hỷ thanh tịnh, các thiện căn tăng thịnh.
- Sao gọi là biết đưa qua sông? Biết chỗ dễ vào dễ qua không sóng dữ, trùng độc. Tỳ-kheo cũng như vậy, hay đến chỗ Tỳ-kheo đa văn hỏi pháp, người thuyết pháp biết rõ người nghe lợi căn hay độn căn, phiền não nhẹ hay nặng, khiến họ khéo léo sang bờ, qua được an ổn.
- Sao gọi là biết chỗ an ổn? Biết chỗ ở không có Cọp Beo, Sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết Bốn niệm xứ là an ổn không có ác Ma, độc thú phiền não, Tỳ-kheo vào đó thời không hoạn nạn.
- Sao gọi là biết giữ sữa? Trâu mẹ ái niệm trâu con nên cho sữa. Vì giữ sữa lại một phần nên trâu mẹ vui mừng, thời tiếp nối không khô kiệt, chủ trâu và người chăn trâu ngày ngày có ích. Tỳ-kheo cũng như vậy, hàng cư sĩ áo trắng cấp thí áo mặc, thức ăn, nên biết tiết lượng, không khiến khánh kiệt, thời Đàn-việt hoan hỷ, tín tâm không dứt, người thọ
* Trang 94 *
nhận được đầy đủ không thiếu.
- Sao gọi là biết nuôi Trâu chúa? Bảo hộ trâu đực lớn, vì nó giữ gìn đàn trâu, nên phải nuôi nấng không để ốm gầy, cho uống dầu mè, trang sức bằng Anh lạc, ra dấu hiệu với cái Tù-và sắt, biết cọ xát, khen ngợi v.v... Tỳ-kheo cũng như vậy. Trong chúng Tăng có bậc đại nhân uy đức, hộ trì ích lợi Phật pháp, hàng phục ngoại đạo, hay khiến tám chúng[1] gieo trồng các thiện căn, thì nên tùy chỗ sở nghi của bậc ấy mà cung kính cúng dường.”
Các người chăn trâu nghe nói như thế rồi, suy nghĩ: “Bọn người chăn trâu chúng ta biết được không quá ba, bốn việc, các ông thầy của chăn trâu biết nhiều hơn nữa cũng không quá năm, sáu việc.” Nay nghe như vậy tán thán là chưa từng có: “Nếu biết được việc này, thì các việc khác cũng thế. Thật là bậc Nhất thiết trí, không còn nghi ngờ gì nữa!”
Như trong kinh ấy nói rộng, vì thế nên biết có bậc Nhất thiết trí.
Hỏi: Thế gian đúng ra không có bậc Nhất thiết trí, vì sao? Vì không ai thấy bậc Nhất thiết trí?
Đáp: Không phải vậy. Không thấy có hai cách, không thể vì không thấy mà nói không có: Một là, việc thật có, vì nhân duyên che lấp mà không thấy. Cũng như giòng họ ban sơ của người, cân nặng của núi Tuyết, hay số cát bên bờ sông Hằng, thật có mà không thể biết. Hai là thật không có nên không thấy; như cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba của một người, không có nhân duyên che lấp mà vẫn không thể thấy.
[1] Xem Đại trí độ luận quyển 25: trong chúng Sư-tử hống là: chúng gọi là tám chúng: Sa-môn chúng, Bà-la-môn, Sát-lợi, thiên, chúng tứ-thiên-vương, tam-thập-tam, ma và phạm chúng. Chúng sanh đối với tám chúng này hy vọng trí tuệ, ấy nên trong kinh chỉ nói là tám chúng.
* Trang 95 *
Cũng thế, bậc Nhất thiết trí ấy vì nhân duyên che lấp mà ngươi không thấy, chứ chẳng phải không có bậc Nhất thiết trí. Nhân duyên che lấp ấy là những gì? Là chưa có được bốn tín tâm, đắm trước tà ác. Ngươi vì nhân duyên ấy che lấp nên không thấy bậc Nhất thiết trí.
Hỏi: Vì những điều để biết thì vô lượng, nên không có bậc Nhất thiết trí. Các pháp vô lượng vô biên, nhiều người hợp lại còn không biết nỗi, huống chi một người; vì vậy không có bậc Nhất thiết trí?
Đáp: Như các pháp vô lượng, trí tuệ cũng vô lượng vô số vô biên. Như cái hộp to thì cái nắp cũng to, hộp nhỏ thì nắp cũng nhỏ.
Hỏi: Phật chỉ tự thuyết Phật pháp, không thuyết các kinh khác như phương thuốc, tinh tú, toán số, sách vở thế gian, những pháp như thế, nếu là bậc Nhất thiết trí, tại sao không thuyết? Vì thế nên biết là chẳng phải bậc Nhất thiết trí?
Đáp: Tuy Phật biết hết thảy pháp, nhưng có cần dùng mới nói, không cần dùng không nói. Có người hỏi mới nói, không hỏi không nói.
Lại nữa, hết thảy pháp lược có ba thứ: Một là pháp hữu vi, hai là pháp vô vi, ba là pháp không thể nói. Ba thứ đó gồm hết thảy pháp.
Hỏi: Có mười bốn nạn vấn mà Phật không đáp, nên biết không phải là bậc Nhất thiết trí. Mười bốn nạn vấn là những gì? Là: (1-4) Thế giới và ngã là thường, hay vô thường? hay
* Trang 96 *
cũng thường cũng vô thường? hay chẳng phải thường chẳng phải vô thường?. (5-8) Thế giới và ngã có biên hay không biên?. Vừa cũng có biên cũng không biên?; vừa chẳng phải có biên chẳng phải không biên?. (9-12) Sau khi chết có linh hồn đi đến đời sau hay không có linh hồn đi đến đời sau? hay cũng có linh hồn cũng không linh hồn đi đến đời sau? hay cũng chẳng phải có linh hồn chẳng phải không linh hồn đi đến đời sau?. (13-14) Thân là linh hồn? hay thân khác linh hồn?. Nếu Phật là bậc Nhất thiết trí, vì sao không đáp mười bốn nạn vấn này?
Đáp: Việc ấy không thật nên không đáp. Các pháp là thường, không có lẽ đó. Các pháp là đoạn diệt, cũng không có lẽ đó; vì vậy nên Phật không đáp. Ví như có người hỏi vắt sừng trâu được mấy đấu sữa. Đó không phải là câu hỏi không cần đáp.
Lại nữa, thế giới vô cùng như bánh xe, không đầu không cuối.
Lại nữa, đáp vấn nạn ấy, không có lợi mà có hại, là rơi vào tà ác. Phật biết mười bốn nạn vấn ấy che lấp Tứ đế, che lấp Thật tướng các pháp. Như chỗ đi qua có ác thú, không nên dẫn người đi qua, chỗ an ổn không hoạn nạn, có thể chỉ cho người qua.
Lại nữa, có người nói việc ấy không phải là bậc Nhất thiết trí thời không thể hiểu. Vì người không thể hiểu nên Phật không đáp.
Lại nữa, nếu người, việc không nói có, việc có nói
* Trang 97 *
không, ấy gọi không phải là bậc Nhất thiết trí. Bậc Nhất thiết trí thì việc có nói có, việc không nói không. Đức Phật, việc có chẳng nói không, việc không chẳng nói có, chỉ nói Thật tướng các pháp, sao lại không gọi là bậc Nhất thiết trí? Ví như mặt trời, bình đẳng chiếu khắp, không tạo nên chỗ cao thấp, cũng không tạo nên bình địa. Phật cũng như thế, không khiến cho có làm thành không, không làm thành có, mà thường nói về trí tuệ chơn thật chiếu soi các pháp. Như có một đạo nhân hỏi Phật: “Mười hai nhân duyên do Phật làm hay do người khác làm?” Phật nói: “Ta không làm Mười hai nhân duyên, người khác cũng không làm.” Dù có Phật hay không có Phật, thì Sanh vẫn làm nhân duyên cho Già chết, pháp ấy quyết định thường trú. Phật thường nói Sanh làm nhân duyên cho già chết, cho đến Vô minh làm nhân duyên cho các Hành.
Lại nữa, trong mười bốn nạn vấn, nếu trả lời thì sai lầm. Như có người hỏi đứa con của người lại cái, của con gái đá là cao hay thấp, đẹp hay xấu? Điều đó không nên trả lời, vì không có đứa con ấy.
Lại nữa, mười bốn nạn vấn ấy là tà kiến không chân thật. Phật chỉ nói những gì chân thật, nên bỏ qua không đáp.
Lại nữa, bỏ qua không đáp tức là đáp. Có bốn cách đáp: Một là quyết định đáp, như nói Phật là an ổn bậc nhất trong Niết-bàn. Hai là giải nghĩa đáp. Ba là đáp bằng cách hỏi trở lại. Bốn là bỏ qua không đáp. Ở đây Phật dùng cách bỏ qua không đáp. Ông nói “không có bậc Nhất thiết trí,” có lời ấy
* Trang 98 *
nhưng vô nghĩa, ấy là đại vọng ngữ. Thật có bậc Nhất thiết trí (sarva-jñāna), vì sao? Vì đã được chứng Mười lực như:[1] Vì biết đấy là xứ hay phi xứ, vì biết nhân duyên quả báo, vì biết các Thiền định giải thoát, vì biết căn thiện ác của chúng sanh, vì biết các thứ lạc dục, trí giải, vì biết đủ thứ vô lượng tánh của thế gian, vì biết hết thảy trú xứ của đạo, vì biết nhớ rõ hành xứ của đời trước, vì được thiên nhãn phân minh, vì biết hết thảy lậu tận, vì biết phân biệt tịnh và bất tịnh, vì thuyết thượng pháp trong hết thảy thế giới, vì được vị cam lồ, vì được trung đạo, vì biết thật tướng của hết thảy pháp hữu vi, vô vi, vì vĩnh viễn xa lìa tham dục của ba cõi. Do các nhân duyên như thế nên Phật là bậc Nhất thiết trí.
Hỏi: Có bậc Nhất thiết trí, ai là người ấy?
Đáp: Đó là bậc Đệ nhất đại nhân (Mahāpūruṣa), là đấng Tam giới tôn (Trailokya-jyeṣṭha) hiệu là Phật, như kệ tán Phật:
“Chuyển luân vương đản sanh,[2]
Như mặt trời, trăng, đèn,
Dòng quý tộc Thích-ca,
Thái tử vua Tịnh-phạn.
Khi sanh động ba ngàn,
Tu-di và nước biển,
Vì phá già, bệnh, chết,
Thương xót nên ra đời.
Sanh ra đi bảy bước,
Ánh sáng khắp mười phương,
[1] T. 1: Trường a-hàm thập báo pháp kinh (長 阿 含 十 報 法 經), quyển hạ, tr. 241b12; T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (Daśabhūmivibhāsā śāstra-十 住 毘 婆 沙 論), quyển 11, tr. 82b6-83a24; Xem Đại trí độ luận quyển 48.
[2] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中 阿 含 經), quyển 11, kinh số 60, tr. 494b10-496a12.
* Trang 99 *
Nhìn bốn phương, nói lớn:
Ta sanh, thai phần hết.
Thành Phật thuyết diệu pháp,
Tiếng lớn gióng trống pháp,
Để giác tĩnh chúng sanh,
Đời ngủ say vô minh.
Việc hy hữu xuất hiện,
Đủ các thứ như vậy,
Chư thiên và người đời,
Thấy rồi đều hoan hỷ.
Tướng thân Phật trang nghiêm,
Mặt như trăng rằm sáng,
Hết thảy nam hoặc nữ,
Nhìn thấy không biết chán.
Sanh thân nhờ nhũ bộ,
Mạnh hơn vạn Voi chúa,
Sức thần túc vô thượng,
Sức trí tuệ vô lượng.
Thân Phật tỏa sáng lớn,
Soi sáng quanh thân Phật,
Phật ở giữa ánh sáng,
Như trăng giữa ánh sáng.
Các thứ ác hủy Phật,
Phật cũng không ác tưởng,
Các thứ xưng tán Phật,
* Trang 100 *
Phật cũng không hỷ tưởng.
Đại từ, xem chúng sanh,
Oán thân đều như nhau,
Hết thảy loài hữu thức,
Đều biết rõ việc nầy.
Sức nhẫn nhục từ bi,
Nên thắng hết tất cả,
Vì độ thoát chúng sanh,
Đời đời chịu cần khổ.
Mà tâm thường nhất định,
Vì chúng làm lợi ích,
Trí tuệ lực có mười,
Vô úy lực có bốn.
Bất cọng có mười tám,
Kho công đức vô lượng,
Có vô số như vậy,
Công đức lực hy hữu.
Như Sư tử vô úy,
Phá pháp của ngoại đạo,
Chuyển pháp luân vô thượng,
Độ thoát hết ba cõi.”
Ấy gọi là Bà-già-bà. Nghĩa của Bà-già-bà vô lượng, nếu nói rộng nữa thì sẽ bỏ việc khác, cho nên nói lược.
(Hết cuốn 2 theo bản Hán)
__________
* Trang 101 *