Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 25          
GIẢI THÍCH: TỲ-LÊ-GIA BA-LA-MẬT
            KINH: Thân tâm tinh tấn không giải đãi, nên có thể đầy đủ Tỳ-lê-gia (tinh tấn-vīrya) Ba-la-mật.
            LUẬN: Hỏi: Tinh tấn là gốc hết thảy thiện pháp, đáng phải ở đầu hết, nay cớ sao nó lại ở vào hàng thứ tư?
            Đáp: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục ở thế gian thường có; như cái đạo nghĩa, giữa khách và chủ theo lẽ phải cung cấp cho nhau, đến như súc sanh cũng biết cách bố thí đó. Hoặc có người vì lý do này, lý do khác, cho nên bố thí; hoặc vì đời này, hoặc vì đời sau, hoặc vì đạo cho nên bố thí mà không cần tinh tấn. Còn như trì giới là vì thấy người làm ác, bị phép vua trị tội nên sợ hãi mà không dám làm quấy. Hoặc sẵn có tánh thiện, nên không làm điều ác. Hoặc có người nghe nói đời này làm ác, đời sau chịu tội mà sợ hãi, cho nên trì giới. Hoặc có người nghe nói, do trì giới mà xa lìa được cảnh khổ sanh, già, bệnh, chết, nên trong tâm sanh, miệng nói: “Ta từ ngày nay không còn sát sanh.” Như vậy, đó là giới, đâu cần có tinh tấn Ba-la-mật mới làm được ư?
            Như trong phép nhẫn nhục, hoặc bị mắng, bị đánh, bị giết mà hoặc vì sợ nên không đáp trả, hoặc vì sức kém, vì sợ

* Trang 604 *
device

tội lỗi, hoặc vì tu theo pháp thiện nhân, hoặc vì cầu đạo cho nên giữ yên lặng không đáp trả, đều là không cần phải có tinh tấn Ba-la-mật mới nhẫn được.
            Nay muốn được biết thật tướng các pháp, phải thực hành Bát-nhã Ba-la-mật và nên tu hành thiền định. Thiền định là cánh cửa trí tuệ chơn thật, trong ấy phải siêng tu tinh tấn, nhất tâm hành thiền.
            Lại nữa, bố thí, trì giới, nhẫn nhục là phước đức lớn, được an ổn khoái lạc, có danh dự tốt, muốn gì được nấy. Đã biết được mùi vị của phước lợi ấy, nay muốn tinh tấn để tiếp tục có được thiền định, trí tuệ thắng diệu, thời ví như đào giếng, đã thấy bùn ướt, càng thêm tinh tấn, hy vọng chắc chắn có nước, lại cũng như dùi lửa, đã thấy được khói, gắng sức gấp bội, chắc chắn thấy được lửa.
             Muốn thành Phật đạo, phàm có hai môn: 1- Phước đức, 2- Trí tuệ. Tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, là môn phước đức. Đại Bát-nhã Ba-la-mật biết thật tướng hết thảy các pháp là môn trí tuệ. Bồ-tát nhập vào phước đức môn thì trừ hết thảy tội, sở nguyện đều thỏa mãn. Nếu không được thỏa mãn, là vì tội cấu ngăn che. Bồ-tát nhập vào trí tuệ môn thời không chán ngán sanh tử, không ưa vui Niết-bàn, vì hai việc là một.[1] Nay muốn xuất sanh Đại Bát-nhã Ba-la-mật thì phải nhân nơi thiền định môn, và muốn có thiền định môn cần phải nhờ đến sức đại tinh tấn, vì cớ sao? Vì ở Dục giới loạn tâm, không thể thấy được thật tướng của các pháp; ví như đèn ở giữa gió, ánh sáng  không  thể  chiếu rõ vật, nhưng đèn ở trong nhà kín, ánh
 

[1] T. 11: Đại bảo tích kinh (Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 90, Ưu ba ly hội (優波離會24), tr.  519a1-6: Hết thảy chúng sanh như huyễn như hóa, cầu biên tế không thể được, nếu biết vô biên tánh như vậy, người ấy không nhàm chán, biết rõ thật tướng của các pháp, thường hành sanh tử tức là Niết-bàn, đối trong các dục thật không ô nhiễm, điều phục chúng sanh. Đại bi làm lợi ích các chúng sanh, mà thật là vô nhơn, vô thọ giả, không thấy chúng sanh mà làm lợi ích, nên biết việc này rất là khó.
 

* Trang 605 *
device

sáng chắc chắn chiếu rõ được.
            Thiền định, trí tuệ ấy, không thể lấy phước đức mà cầu được, cũng không phải quán chiếu sơ sài mà được, mà phải thân tâm tinh cần gấp rút bám chặt không giải đãi, mới thành tựu được. Như Phật từng nói dù cho huyết, thịt, mỡ, tủy kiệt hết, chỉ còn lại da, xương, gân cũng không bỏ tinh tấn, thời như vậy mới được thiền định, trí tuệ. Được hai việc này thời mọi việc đều thành. Do vậy nên tinh tấn đứng vào thứ tư, làm căn bản cho thiền định và trí tuệ chơn thật. Trong ba thứ đầu tuy đều có tinh tấn, nhưng vì ít cho nên không nói.
            Hỏi: Có người nói: “Chỉ thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục là được đại phước đức, khi được đại phước đức thời sở nguyện đều thành tựu, thiền định trí tuệ tự nhiên đến, vậy cần gì phải có tinh tấn Ba-la-mật?
            Đáp: Phật đạo sâu xa khó được, tuy có sức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, song cần phải có tinh tấn mới được thiền định sâu xa, trí tuệ chơn thật và vô lượng Phật pháp. Nếu không thực hành tinh tấn thời không sanh thiền định, khi thiền định không sanh thời cõi Phạm-thiên vương cũng không thể sanh đến được huống gì muốn cầu được Phật đạo ư?”
             Lại nữa, có người như Dân Đại cư sĩ (Meṇḍaka) v.v... muốn được vô lượng phước báu, thời đều được như ý. Như vua Đảnh Sanh (Mūrdhaja) làm vua cả bốn châu thiên hạ, trời mưa xuống bảy báu và các vật cần dùng, lại còn được trời Đế-thích chia chỗ cho ngồi. Tuy có phước ấy, nhưng không thể đắc đạo. Như Tỳ-kheo La-tần-châu tuy chứng được đạo quả A-la-hán, nhưng

* Trang 606 *
device

khi đi khất thực đến bảy ngày mà không có được vật gì, đành phải mang bình bát không trở về, sau dùng lửa thiền định tự thiêu thân mà vào Niết-bàn. Do đó, nên biết chẳng phải chỉ có sức phước đức mà đắc đạo được. Muốn thành Phật đạo, cần phải có đại tinh tấn.
            Hỏi: Bồ-tát xem tinh tấn có lợi ích gì mà siêng tu, không giải đãi?
            Đáp: Hết thảy đạo đức lợi ích đời này đời sau đều do tinh tấn mà có được.
            Lại nữa, nếu người muốn tự độ thân, còn phải cần kíp tinh tấn, huống chi Bồ-tát thệ nguyện muốn độ tất cả chúng sanh. Như trong bài kệ tán thán hạnh tinh tấn nói:
                        “Người mà không tiếc thân,
                        Tâm trí tuệ quyết định,
                        Tinh tấn đúng như pháp.
                        Việc mong cầu không khó.
                        Như nông phu siêng làm,
                        Thu hoạch chắc đầy đùủ,
                        Cũng như đi đường xa,
                        Siêng đi chắc mau đến.
                        Nếu được sanh cõi Trời,
                        Và được vui Niết-bàn,
                        Lý do được như vậy,
                        Đều do sức tinh tấn.
                        Chẳng trời, chẳng vô nhân,
                        Tự làm nên tự được,

* Trang 607 *
device

                        Đâu phải người trí tuệ,
                        Mà không tự gắng sức?
                        Lửa ba cõi cháy bùng,
                        Ví như ngọn lửa lớn.
                        Người có trí quyết đoán,
                        Mới được thoát ra khỏi!
                        Do vậy nên Phật bảo:
                        A-nan! Phải tinh tấn!
                        Như vậy không giải đãi,
                        Đi thẳng đến Phật đạo.
                        Mạnh mẽ mà siêng làm,
                        Đào đất thông được suối,
                        Tinh tấn cũng như vậy,
                        Không gì không cầu được.
                        Như hành được đạo pháp,
                        Tinh tấn không giải đãi,
                        Chắc được vô lượng quả,
                        Báo ấy trọn không mất.”
            Lại nữa, pháp tinh tấn là căn bản của mọi điều thiện, có thể xuất sanh hết thảy các thiện đạo, cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống gì là lợi nhỏ! Tất cả đều từ tinh tấn, không phóng dật mà phát sanh.[1]
           Lại nữa, tinh tấn có thể làm phát động phước đức đời trước, như mưa thấm hạt giống, làm cho mọc mầm, đây cũng như vậy. Tuy có phước đức nhân duyên đời trước, nếu không có tinh tấn thời không phát sanh được, cho đến cái lợi đời này
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 31, kinh số 882, tr.  222a5-7: Hết thảy các thiện pháp, không phóng dật tối vi căn bản. như đã nói ở trên, cho đến Niết bàn; T. 22: Tứ Phần luật (四分律), quyển 31, tr. 781b29-c2: Do tinh tấn không phóng dật, khi Bồ-tát được thanh tịnh định ý như vậy, các kiết sử đoạn tận , thanh tịnh không lỗi lầm, sở hành nhu nhuyến, sở trú kiên cố, được trí vô lậu.
 

* Trang 608 *
device

còn không có được, huống chi được Phật đạo?
            Lại nữa, các đại Bồ-tát cứu vớt chúng sanh, phải chịu đủ thứ khổ, cho đến khổ trong địa ngục A-tỳ, tâm cũng không giải đãi; ấy là tinh tấn.
            Lại nữa, hết thảy mọi sự, nếu không tinh tấn thời không thành được. Ví như thuốc xổ, lấy vị bả đậu làm chủ, nếu bỏ bả đậu thời không đủ để xổ. Như vậy Bốn niệm xứ (ý chỉ), Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo, chắc chắn phải cần có tinh tấn; nếu không có tinh tấn thời mọi việc không thành. Như giới chỉ có trong tám chánh đạo, các chỗ khác không có; tín chỉ có trong năm căn, năm lực, các chỗ khác không có; còn tinh tấn thời không chỗ nào không có. Tinh tấn tuy có khắp  trong các pháp mà vẫn riêng tự có mặt sai khác; ví như vô minh sử tuy có khắp trong hết thảy các kiết sử, mà vẫn riêng có bất cọng vô minh.
            Hỏi: Bồ-tát muốn được hết thảy Phật pháp, muốn độ hết thảy chúng sanh, muốn diệt hết thảy phiền não, đều được như ý; sao còn phải tăng thêm tinh tấn mới có thể được thành Phật; như đốm lửa nhỏ không thể đốt rừng lớn, phải có thế lửa tăng thêm mới có thể đốt tất cả?
            Đáp: Bồ-tát từ khi sơ phát tâm, thệ nguyện sẽ độ hết thảy chúng sanh, làm cho họ được hoan lạc, thường vì hết thảy, không tự tiếc thân, nếu tiếc thân thì không thể thành tựu các thiện pháp. Do vậy nên phải tăng thêm tinh tấn.
            Lại nữa, Bồ-tát dùng đủ lý do quở trách tâm giải đãi, khiến mê say tinh tấn. Đám mây đen giải đãi che lấp ánh sáng

* Trang 609 *
device

trí tuệ, nuốt mất các công đức, tăng trưởng điều bất thiện. Người giải đãi lúc đầu tuy được vui nhỏ mà về sau thời bị khổ lớn. Ví như đồ ăn có độc, lúc đầu tuy thơm ngon, mà lâu thời chết người. Tâm giải đãi đốt cháy các công đức, ví như lửa lớn đốt cháy hết rừng cây hoang dã. Người giải đãi bị mất hết các công đức; ví như bị giặc cướp, không còn lại chút gì, như kệ nói:
                        “Đáng được mà chẳng được,
                        Đã được rồi lại mất,
                        Đã tự khinh thân mình,
                        Mọi người cũng không kính.
                        Thường ở chỗ rất tối,
                        Không có các uy đức.
                        Pháp trí tuệ tôn quý,
                        Việc ấy mất vĩnh viễn.
                        Nghe các pháp diệu đạo,
                        Không thể giúp ích thân,
                        Các tội lỗi như thế,
                        Đều do tâm giải đãi.
                        Tuy nghe pháp tăng ích,
                        Chẳng thể được tới trên,
                        Các tội lỗi như thế,

* Trang 610 *
device

                        Đều do tâm giải đãi..
                        Sanh nghiệp không tu lý,
                        Không vào được đạo pháp,
                        Các tội lỗi như thế,
                        Đều do tâm giải đãi.
                        Bậc thượng trí bỏ xa,
                        Trung nhân thường lại gần,
                        Hạ ngu vì đó chìm,
                        Như heo ưa ở chuồng.
                        Nếu làm người ở đời,
                        Ba việc đều phế mất,
                        Dục lạc và tài vật,
                        Phước đức cũng mất luôn.
                        Nếu làm người xuất gia,
                        Thời không được hai việc,
                        Sanh Thiên và Niết-bàn,
                        Danh dự mất cả hai.
                        Những phế mất như vậy
                        Muốn biết lý do nó,
                        Trong hết thảy các giặc,
                        Không qua giặc giải đãi.
                        Vì có các tội ấy,
                        Không nên nuôi tâm nhác,
                        Hai Tỳ-kheo Mã, Tĩnh,
                        Giải đãi sa ác đạo,[1]
                        Tuy thấy Phật nghe Pháp,
                        Cũng chẳng thoát khỏi được.”
            Quán các tội lỗi của giải đãi như vậy, mà tinh tấn được tăng trưởng.
            Lại nữa, quán sát sự lợi ích của tinh tấn, thời biết cái lợi
 

[1] T.  23: Tát bà đa tỳ ni tỳ-bà-sa (Sarvāstivāda Vinaya-vibhāsā-薩婆多毘尼毘婆沙), quyển 4, tr. 525c29-526a5 Lục quần tỳ-kheo (ṣaḍ-vargīka-bhikṣu): Nan-đà (Nanda), Bạt-nan-đà (Upananda), Ca-lưu-đà-di (Kālodāyin hoặc Udāyin), Xiển-na (Chanda), Mã-túc hoặc Mã-sư (Aśvaka) và Mãn-túc hoặc Phú-na-bà-đề (Punarvasu). Hai người được lậu tận nhập vô dư Niết-bàn: Ca-lưu-đà-di và Xiển-na. Hai người sanh lên trời. Lại có hai người phạm trọng giới, lại không phạm, nếu phạm trọng giới không được sanh thiên, Nan-đà và Bạt-nan-đà, hai người đọa ác đạo sanh trong loài rồng.
 

* Trang 611 *
device

của đời này đời sau, Phật đạo hay Niết-bàn mà có được là đều do tinh tấn.
             Lại nữa, Bồ-tát biết hết thảy các pháp đều là không, không có gì, nhưng không chứng Niết-bàn, chỉ vì thương xót chúng sanh, chứa nhóm các điều thiện, ấy là sức Tinh tấn Ba-la-mật.
            Lại nữa, Bồ-tát chỉ là một người đơn độc không có bằng hữu, chỉ do sức phước đức tinh tấn mà phá được Ma quân và giặc kiết sử, được thành Phật đạo. Đã được Phật đạo, đối với hết thảy các pháp thấy rõ là nhất tướng vô tướng, nó thật đều là không, song Bồ-tát vì chúng sanh mà thuyết các danh tự về các pháp, dùng các phương tiện khéo léo độ thoát chúng sanh khỏi khổ sanh, già, bệnh, chết. Khi sắp diệt độ, đem pháp thân (giáo pháp) trao cho Bồ-tát Di-lặc, Đại Ca-diếp, A-nan v.v...vậy sau vào Kim-cang tam muội, tự làm nát thân cốt ra như hạt cải để độ chúng sanh mà không rời bỏ sức tinh tấn.
            Lại nữa, như A-nan vì các Tỳ-kheo nói về Bảy giác ý, cho đến tinh tấn giác ý, Phật hỏi A-nan: "Thầy nói tinh tấn giác ý ư?” A-nan thưa: “Con nói tinh tấn giác ý.” Như vậy ba lần hỏi ba lần đáp, Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy bảo A-nan: “Thầy ưa thích tu hành tinh tấn thì không việc gì không được, được đến Phật đạo, trọn không hư dối.”[1]
           Do các nhân duyên như vậy, quán xét sự lợi ích của tinh tấn mà được tăng trưởng lợi ích. Và sự tinh tấn như vậy, có khi Phật nói là dục, có khi nói là tinh tấn, có khi nói là không phóng dật. Ví như người muốn đi xa, khi bắt đầu muốn đi, thế
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 27, kinh số 727, tr. 195c8-196a12.
 
 

* Trang 612 *
device

gọi là dục; cất bước không ngừng, thế gọi là tinh tấn; tự khuyến khích cố gắng, không để cho việc làm ngăn trở, thế gọi là không phóng dật. Do vậy biết dục sanh ra tinh tấn, tinh tấn sanh ra không phóng dật, không phóng dật nên có thể sanh ra các pháp, cho đến khi chứng thành Phật đạo.
            Lại nữa, Bồ-tát nếu muốn thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, muốn độ thoát chúng sanh, thì thường phải tinh tấn, nhất tâm không phóng dật, cũng như người bưng bát dầu đầy đi vào giữa đại chúng, nhờ hiện tiền nhất tâm không phóng dật, nên được sanh lợi lớn.[1] Lại như tầng gác nghiêng, đường hiểm, dây treo, ven núi rủ xuống, tại các chỗ hiểm ác đó, nhờ nhất tâm không phóng dật nên thân được an ổn, đời này được sanh lợi lớn. Cầu đạo mà tinh tấn cũng như vậy, nếu nhất tâm không phóng dật, thì sở nguyện đều được thành tựu.
            Lại nữa, ví như dòng nước có thể làm vỡ đá lớn, tâm không phóng dật cũng như vậy, chuyên tu khéo léo, thường hành không bỏ, thời có thể phá các núi kiết sử phiền não. Lại nữa, Bồ-tát có ba thứ suy nghĩ: Nếu ta không làm thời không được quả báo; nếu ta không tự làm thời không từ người khác đưa đến; nếu ta làm thì cuối cùng không mất. Suy nghĩ như vậy rồi, nên quyết tâm tinh tấn vì Phật đạo mà chuyên tu, chứ không phóng dật. Như một tiểu Tỳ-kheo tu hạnh A-lan-nhã, một mình ở trong rừng tọa Thiền mà sinh giải đãi, trong rừng có vị  thần vốn là đệ tử Phật nhập vào trong xương của một tử thi, nói bài kệ:
                        “Tiểu Tỳ-kheo trong rừng,
 

[1] Tham khảo T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 24, kinh số 623, tr. 174b15.
 

* Trang 613 *
device

                        Vì sao sanh giải đãi,
                        Ngày đến nếu không sợ,
                        Đêm lại đến như vầy.”
            Tỳ-kheo ấy sợ hãi ngồi dậy, trong tâm tự suy nghĩ, để đến nữa đêm lại ngủ, vị thần ấy lại đến hiện ra mười đầu, trong miệng tuôn lửa, răng vút như kiếm, mắt đỏ như lửa, ngoái lại nói và đi theo nắm vị Tỳ-kheo giải đãi ấy, nói: “Ở chỗ này không nên giải đãi, sao lại làm vậy?”
            Bấy giờ vị Tỳ-kheo quá sợ, liền khởi tâm suy nghĩ đến việc đó, rồi chuyên tâm niệm pháp, chứng được đạo quả A-la-hán. Ấy gọi sức tự cường tinh tấn, không phóng dật, có thể được đạo quả.
            Lại nữa, sự tinh tấn ấy không tự tiếc thân mà tiếc quả báo. Trong bốn oai nghi của thân là ngồi, nằm, đi, ở, thường siêng tinh tấn, thà tự mất thân không bỏ đạo nghiệp. Ví như bị lửa cháy, dùng bình nước để cứu, cốt làm sao để dập tắt lửa chứ không tiếc cái bình. Như vị Thầy tiên nhân dạy đệ tử bài kệ rằng:   
                        “Tâm quyết định vui vẻ,
                        Như được quả báo lớn,
                        Như khi được toại nguyện,
                        Mới biết tối diệu này.”
            Do các nhân duyên như vậy, quán xét cái lợi của tinh tấn mà có thể làm cho sự tinh tấn tăng thêm.
            Lại nữa, Bồ-tát tu các khổ hạnh, nếu có người đến xin đầu, mắt, tủy, não, thời có thể cho hết, rồi tự nghĩ: "Ta có sức

* Trang 614 *
device

nhẫn nhục, tinh tấn, trí huệ, phương tiện, thế nhưng khi chịu sự cắt đầu mắt ấy mà vẫn còn thấy đau đớn, huống gì chúng sanh ngu si, lẫn thẫn trong ba đường ác. Ta nên vì các chúng sanh ấy, siêng tu tinh tấn để sớm thành Phật đạo, cứu vớt chúng sanh.”                                              
(Hết cuốn 15 theo bản Hán)
 
GIẢI NGHĨA: TINH TẤN BA-LA-MẬT
            Hỏi: Thế nào là tướng của tinh tấn?
            Đáp: Có khả năng đối với việc làm, phát khởi không khó, ý chí kiên cường, tâm không mệt mỏi, làm việc rốt ráo, như vậy là tướng của tinh tấn.
            Lại nữa, như Phật dạy: “Tướng của tinh tấn là thân tâm không ngừng nghỉ.” Ví như Thích-ca Văn Phật, kiếp trước từng làm chủ khách buôn, đem các người buôn đi vào chỗ hiểm nạn, ở đó có quỷ La-sát đưa tay ngăn lại nói rằng: “Ngươi đứng yên đừng nhúc nhích, không cho ngươi đi.” Chủ khách buôn liền lấy nắm tay phải đánh nó, nắm tay liền dính không kéo ra được, lại lấy nắm tay trái đánh nó, cũng không kéo ra được, lại lấy chân phải đạp nó, chân bị dính luôn, lại lấy chân trái đạp nó, cũng dính như thế, lại lấy đầu húc tới, đầu cũng dính luôn. Quỷ hỏi: “Ngươi nay đã như vậy, còn muốn làm gì nữa, tâm ngươi đã chịu ngừng chưa?” Đáp: “Tuy cả năm vóc bị trói dính, nhưng tâm ta không bao giờ để cho

* Trang 615 *
device

ngươi dẹp, ta sẽ dùng sức tinh tấn đánh lộn với ngươi, quyết định không giải đãi thối lui.” Quỷ liền hoan hỷ nghĩ rằng: “Người này đởm lực rất lớn.” Liền nói với người ấy rằng: “Sức tinh tấn của ngươi rất lớn, quyết chắc không ngừng nghỉ, ta để cho ngươi đi.” Người tu hành như vậy, đối với thiện pháp, đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm tụng kinh, tọa thiền, cầu chứng thật tướng các pháp, không để bị các kiết sử che lấp, thân tâm không giải đãi. Ấy là tướng của tinh tấn.
            Tinh tấn ấy là một tâm sở pháp, siêng làm không trụ tướng, theo tâm hành, cùng tâm sanh, có giác có quán (tầm tứ), hoặc không giác có quán, hoặc không giác không quán, như trong pháp của A-tỳ-đàm nói rộng.
            Đối hết thảy thiện pháp, siêng tu không giãi đãi, ấy là tướng của tinh tấn. Ở trong năm căn, gọi là Tinh tấn căn, căn tăng trưởng thì gọi là Tinh tấn lực, tâm được khai ngộ thì gọi là Tinh tấn giác chi, có thể đưa đến thành Niết-bàn của Phật đạo, thì gọi là Chánh tinh tấn. Trong bốn Niệm xứ, siêng năng buộc tâm là Tinh tấn phần. Bốn Chánh cần là Tinh tấn môn. Trong bốn Như ý túc, dục và tinh tấn là Tinh tấn như ý túc. Trong sáu Ba-la-mật gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.
            Hỏi: Ông trước kia đã nói khen ngợi tinh tấn, nay nói tướng của tinh tấn, ấy là tinh tấn gì?
            Đáp: Ấy là tướng tinh tấn đối với hết thảy thiện pháp.
            Hỏi: Nay đang luận nghị về Đại Bát-nhã Ba-la-mật, thì chỉ nên nói Tinh tấn Ba-la-mật, chứ sao lại nói tinh tấn đối hết thảy thiện pháp?

* Trang 616 *
device

            Đáp: Bồ-tát mới phát tâm, phải tinh tấn đối với hết thảy thiện pháp, dần dần mới được Tinh tấn Ba-la-mật
            Hỏi:  Tinh tấn đối với hết thảy thiện pháp thì có nhiều, nay chỉ nói Tinh tấn Ba-la-mật là đã nhiếp vào trong sự tinh tấn đối với hết thảy thiện pháp rồi?
            Đáp: Tinh tấn vì Phật đạo gọi là Ba-la-mật, còn tinh tấn vì các thiện pháp khác thì chỉ gọi là tinh tấn, chứ không gọi là Ba-la-mật.
            Hỏi: Siêng năng đối với hết thảy thiện pháp, sao không gọi là Tinh tấn Ba-la-mật, mà chỉ gọi Bồ-tát tinh tấn mới Ba-la-mật?
            Đáp: Ba-la-mật gọi là đến bờ kia, người thế gian và Thanh-văn, Bích-chi Phật, không thể hành tinh tấn một cách đầy đủ, cho nên không gọi là Ba-la-mật. Lại nữa, người ấy không có tâm đại từ, đại bi, bỏ rơi chúng sanh, không cầu các thiện pháp như mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cọng, Nhất thiết trí và Vô ngại giải thoát, Vô lượng thân, Vô biên quang minh, Vô lượng âm thanh, Vô lượng trì giới, Thiền định, Trí tuệ, do vậy người ấy tinh tấn mà không gọi là Ba-la-mật.
           Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn không ngừng không nghỉ, nhất tâm cầu Phật đạo. Tu hành như vậy gọi là tinh tấn Ba-la-mật. Như Bồ-tát Hảo Thí vì cầu ngọc Như ý mà tháo cho chảy cạn nước biển lớn, dầu gân xương bị khô kiệt, trọn không giải đãi phế bỏ, để được ngọc Như ý, cấp thí cho chúng sanh, cứu vớt sự khổ nơi thân họ. Bồ-tát làm được việc khó làm như vậy; ấy

* Trang 617 *
device

Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật.
            Lại nữa, Bồ-tát lấy Lực tinh tấn làm đầu để thực hành năm Ba-la-mật kia, khi ấy gọi là Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật. Ví như hòa hợp đủ các thứ thuốc mới trị lành trọng bệnh, Bồ-tát tinh tấn cũng như vậy, chỉ thực hành tinh tấn mà không thực hành năm Ba-la-mật kia, thời không gọi là Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn không phải vì tài lợi, giàu sang, thế lực; cũng không vì thân, không vì sanh lên trời, làm Chuyển luân Thánh vương, Phạm-thiên, Đế-thích, Thiên- vương, cũng không vì cầu Niết-bàn cho riêng mình, mà chỉ vì Phật đạo, lợi ích chúng sanh. Các tướng như vậy, gọi là Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn, tu hành hết thảy thiện pháp đều lấy tâm đại bi làm đầu, như cha mẹ lành, chỉ có một đứa con, mà nó bị bệnh nặng, thì nhất tâm tìm thuốc, để cứu bệnh cho con. Bồ-tát tinh tấn, lấy tâm từ làm đầu cũng như vậy, cứu vớt cho hết thảy tâm không tạm rời bỏ.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn, lấy trí tuệ biết rõ thật tướng làm đầu, để thực hành sáu Ba-la-mật; ấy gọi là Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật.
            Hỏi: Thật tướng của các pháp là vô vi vô tác, còn tinh tấn là tướng hữu vi hữu tác, làm sao lấy thật tướng làm đầu?
            Đáp: Tuy biết thật tướng các pháp là vô vi vô tác, nhưng vì bản nguyện đại bi muốn độ chúng sanh nên ở trong vô tác mà dùng lực tinh tấn độ thoát hết thảy.

* Trang 618 *
device

            Lại nữa, nếu thật tướng các pháp đã là vô vi như tướng Niết-bàn, không một không hai thì ông làm sao nói thật tướng khác với tướng tinh tấn ư? Chính là ông không  hiểu rõ thật tướng các pháp thế nào cả!.
            Lại nữa, Bồ-tát được lực thần thông, dùng Thiên nhãn thấy chúng sanh trong ba cõi, năm đường vì mất vui nên khổ, thấy chư thiên ở cõi Vô sắc vì ham vui trong thiền định, tâm mê đắm không giác tỉnh, khi mạng tận phải rơi trở lại trong cõi Dục, thọ thân hình cầm thú.
            Thấy chư thiên ở cõi Sắc cũng như vậy, từ chỗ thanh tịnh bị đọa trở lại chịu sự dâm dục ở trong bất tịnh.
            Thấy sáu tầng trời ở cõi Dục ưa đắm ngũ dục, nên trở lại đọa địa ngục, chịu các khổ thống.
            Thấy trong nhân đạo, nhờ phước của mười điều thiện đổi được thân người, thân người thì nhiều khổ ít vui, mệnh tận phần nhiều bị đọa vào đường ác.
            Thấy các súc sanh chịu các khổ não, roi gậy ruổi chạy, chở nặng đi xa, cổ họng bị đâm thủng, sắt nóng thiêu đốt, đó là những người vì hạnh nghiệp đời trước, trói buộc chúng sanh, roi gậy đánh đập khổ não. Vì các nhân duyên như vậy cho nên phải chịu mang thân hình cầm thú voi ngựa, trâu dê, hưu nai.
           Thấy người có tính dâm dục nặng, vô minh nhiều thì chịu làm loài Ngỗng ngang, chim Sẻ, Uyên ương, Tu hú, Bồ câu, Gà, Vịt, Anh võ, chim Trăm lưỡi. Làm các thứ chim trăm ngàn chủng loại, do tội dâm dục mà thân mọc lông vũ, bị

* Trang 619 *
device

bức với các thứ xúc trơn mịn, mỏ cựa thô cứng, không phân biệt được sự xúc chạm.
            Thấy người sân giận  nhiều, thì chịu làm loài trùng như: Rắn độc, Rết, Bò cạp, Sâu bò, Ong, loài Trăm chân ngậm độc.
            Thấy người ngu si nhiều thì chịu làm loài Giun, con Ngãi, Bọ hung, Kiến hôi, Cú mèo, loài chim mạnh tợn, những thứ trùng chim lẫn thẫn.
            Thấy người kiêu mạn sân giận nhiều thì chịu mang thân mảnh thú như Sư tử, Hổ báo. Do tà mạn mà chịu sanh trong loài Lừa, heo, Lạc đà. Người xan tham, tật đố, khinh khi, nóng nảy, ngắt ngặt thì chịu mang hìmh con Khỉ, Khỉ đột, Gấu. Do nghiệp nhân tà tham ghen ghét thì chịu mang hình các loại thú Mèo, Chồn, Cọp đất. Do nghiệp nhân không biết hổ thẹn, tham ăn tham uống nên chịu mang hình các loài chim Quạ, chim Khách, Kên kên. Do khinh mạn người lành nên chịu mang thân Gà, Chó, Chồn. Làm việc bố thí lớn mà tâm sân giận quanh co, do nhân duyên ấy nên chịu mang thân loài Rồng. Làm việc bố thí lớn mà tâm cao ngạo lăng ngược, làm khổ não chúng sanh nên chịu mang thân chim Kim-sí. Do các kiết sử hành nghiệp nhân duyên  như vậy nên chịu các thống khổ của loài cầm thú súc sanh.

            Bồ-tát được thiên nhãn quán thấy chúng sanh luân chuyển năm đường, cứ quanh quẩn trong đó. Chết ở cõi trời sanh vào cõi người, chết ở cõi người sanh lên cõi trời; chết ở cõi trời sanh vào địa ngục, chết ở địa ngục sanh lên cõi trời; chết trên cõi trời sanh vào ngạ quỷ, chết ở ngạ quỷ lại sanh

* Trang 620 *
device

lên cõi trời; chết trên cõi trời sanh vào súc sanh, chết ở súc sanh lại sanh lên cõi trời; chết trên cõi trời trở sanh lại trên cõi trời. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng như vậy.
            Chết trong cõi Dục sanh trong cõi Sắc, chết trong cõi Sắc sanh trong cõi Dục; chết trong cõi Dục sanh trong cõi Vô sắc; chết trong cõi Vô sắc sanh trong cõi Dục; chết trong cõi Dục lại sanh trong cõi Dục. Cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng như vậy.
            Chết trong Hoạt địa ngục sanh trong Hắc-thằng địa ngục, chết trong Hắc-thằng địa ngục sanh trong Hoạt địa ngục; chết trong Hoạt địa ngục sanh lại trong Hoạt địa ngục. Hợp hội địa ngục cho đến A-tỳ địa ngục cũng như vậy. Chết trong Thán-khanh địa ngục sanh trong Phất-xí địa ngục, chết trong Phất-xí địa ngục sanh trong Thán-khanh địa ngục; chết trong Thán-khanh địa ngục sanh lại trong Thán-khanh địa ngục. Thiêu-lâm địa ngục cho đến Đại Ba-đầu-ma địa ngục cũng như vậy. Triển chuyển sanh vào trong đó.
            Chết trong loài noãn sanh lại sanh trong loài thai sanh; chết trong loài thai sanh lại sanh trong loài noãn sanh; chết trong loài noãn sanh lại sanh trong loài noãn sanh. Thai sanh, thấp sanh, hóa sanh cũng như vậy.
            Chết trong châu Diêm-phù-đề sanh trong châu Phất-bà-đề, chết trong châu Phất-bà-đề sanh trong châu Diêm-phù-đề; chết trong châu Diêm-phù-đề sanh lại trong châu Diêm-phù-đề. Châu Cù-đà-ni Uất-đơn-la-việt cũng như vậy.

* Trang 621 *
device

            Chết ở chỗ Tứ-thiên-vương sanh trong Đao-lợi thiên, chết trong Đao-lợi thiên sanh ở chỗ Tứ-thiên-vương; chết ở chỗ Tứ  thiên  vương  lại  trở sanh ở chỗ Tứ-thiên-vương. Đao lợi thiên cho đến Tha-hóa-tự-tại thiên cũng như vậy.
            Chết trong cõi trời Phạm-chúng, sanh trong cõi trời Phạm-phụ, chết trong cõi trời Phạm-phụ sanh trong cõi trời Phạm-chúng; chết trong cõi trời Phạm-chúng, sanh trở lại trong cõi trời Phạm-chúng. Trời Phạm-phụ, trời Thiểu-quang, Vô-lượng-quang, Quang-âm, Thiểu-tịnh, Vô-lượng-tịnh, Biến-tịnh, A-na-bạt-la-già (Anabhraka), Đắc-sanh (puṇyaprasava), Đại-quả (bṛhatphala), Hư-không-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng cũng như vậy. Chết trong cõi trời Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng sanh trong địa ngục A-tỳ. Như vậy triển chuyển sanh trong năm đường.[1]
            Bồ-tát quán thấy như vậy rồi, sanh tâm đại bi: “Ta đối với chúng sanh không có lợi ích gì, tuy giúp cho cái vui thế gian, khi vui cùng tột thời khổ. Vậy ta hãy lấy cái vui chơn thường của Niết-bàn Phật đạo giúp ích cho tất cả. Làm sao giúp ích? Phải siêng năng đại tinh tấn, mới được trí tuệ chơn thật, được trí tuệ chơn thật biết được thật tướng của các pháp, lấy các Ba-la-mật khác giúp thành để làm lợi ích cho chúng sanh”, ấy là Bồ-tát tinh tấn Ba-la-mật.

            Bồ-tát quán thấy trong loài Ngạ quỷ bị đói khát, hai mắt bị hăm sâu, lông tóc dài, chạy đông chạy tây; nếu muốn chạy đến chỗ nước thì bị các con quỷ giữ nước lấy gậy sắt đánh đuổi lui; nếu không có quỷ giữ gìn thì nước tự nhiên
 

[1] Tham khảo T. 28: Nhập a-tỳ-đạt-ma luận (入阿毘達磨論), quyển hạ, tr.  985a24-b7.
 

* Trang 622 *
device

khô; hoặc trời có mưa, nước mưa hóa thành than. Hoặc có loài Ngạ quỷ thường bị lửa đốt, như lúc kiếp tận, các núi đều tuôn lửa. Hoặc có loài ngạ quỷ gầy guộc chạy cuồng, lông tóc rối loạn phủ khắp thân mình. Hoặc có loài ngạ quỷ thường ăn phân, nước giải, nước mắt, đồ nhơ, mũi, nước cặn bã rửa ráy, có khi đi đến đứng bên cầu xí rình chờ đồ bất tịnh. Hoặc có loài ngạ quỷ thường tìm tàng huyết của sản phụ để uống, thân hình như cây cháy, cổ như lỗ kim; nếu cho nó nước uống ngàn năm không đủ. Hoặc có loài ngạ quỷ tự phá đầu mình, lấy tay móc não mà liếm. Hoặc có loài ngạ quỷ thân hình như núi đen, bị móc sắt móc cổ, dập đầu cầu thương xót, lạy lục lính ngục. Hoặc có loài ngạ quỷ, đời trước ác khẩu, ưa lấy lời thô ác gia hại chúng sanh, thấy chúng sanh rất oán ghét, trông thấy như kẻ thù. Vì tội ấy mà bị đọa vào đường ngạ quỷ chịu vô lượng thống khổ.
             Bồ-tát quán thấy tám đại địa ngục, khổ độc muôn mối:[1] Thấy trong đại địa ngục “Hoạt” các tội nhân đấu tránh nhau, ác tâm sân giận tranh giành, tay cầm dao bén chặt chém lẫn nhau, lấy giáo dài đâm nhau, lấy chĩa sắt thọc nhau, lấy gậy đánh nhau, lấy đùi sắt đả nhau, dây sắt quấn nhau; lấy dao bén vằm nát nhau, lấy móng tay sắt quào xé nhau, lấy máu nơi thân mà bôi trét nhau. Khổ độc bức thiết mê man không biết gì. Do nhân duyên của nghiệp trước mà có ngọn gió lạnh thổi đến, lính ngục kêu lên: “Ôi chao! Tội nhân sống lại!” Liền sống lại, sống lại lại tiếp chịu khổ độc. Do vậy nên gọi là địa ngục Hoạt (sống) (Saṃjiva). Những chúng sanh ở trong đây do
 

[1] Tham khảo T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 53, kinh số 199, Si huệ địa kinh (癡慧地經), tr. 760a-761a; quyển 12, kinh số 64, Thiên sử kinh (天使經), tr. 504c-505a; Thiết thành nê lê kinh (鐵城泥犁經), tr. 827c-828b; Nê lê kinh (泥犁經), tr. 907b-908b; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增一阿含經), quyển 24, tr. 675b-676b.
 
 

* Trang 623 *
device

nhân duyên hành nghiệp đời trước, ham giết sanh vật như trâu, dê, cầm thú. Vì ruộng vườn nhà cửa, nô tỳ vợ con, quốc thổ tiền tài mà giết hại lẫn nhau. Do các thứ nghiệp báo giết hại như vậy, mà phải chịu tội quá lắm như vậy.
            Thấy tội nhân trong đại địa ngục “Hắc-thằng (Kālasūtra)” bị quỷ La-sát hung ác, ngục tốt, thợ quỷ, thường lấy dây sắt cháy đen đo đạt tội nhân, lấy búa sắt trong ngục sai người đẵn chém dài làm cho ngắn, ngắn làm cho dài; vuông làm cho tròn, tròn làm cho vuông; chém đứt tứ chi, xẻo bỏ tai mũi, cắt rớt chân tay, lấy cưa sắt cưa xẻ chặt đứt, phá phần máu huyết, thái thịt từng miếng đem cân.
            Những tội nhân này do hành nghiệp nhân duyên đời trước hay dèm pha kẻ trung lương, nói dối, ác khẩu, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, giết oan kẻ vô tội, hoặc làm sứ gian, hung bạo xâm lăng sát hại quá lắm. Do các thứ ác khẩu dèm pha như vậy, nên phải chịu tội ấy.

            Thấy trong đại địa ngục “Hợp-hội (Saṃghāta)” loài ác La-sát, lính ngục làm ra các hình thù Trâu, Ngựa, Heo, Dê, Hươu, Nai, Chồn, Chó, Cọp, Sói, Sư tử, loài Lục bác, Voi lớn, Kên kên, chim Cắt, chim Nhỏ. Làm ra các thứ đầu chim, đầu thú đi đến nuốt cắn, mổ xé, nghiến ngấu tội nhân. Hai núi ép lại (hợp hội), vành sắt nóng lớn ép nghiến làm cho thân tội nhân tan nát, ở trong cối sắt giã làm cho nát; như ép dầu, ép nho; ví như bãi chiến trường dày xéo, thịt chứa thành đống, đầu chất như núi, huyết chảy thành ao; Kên kên, chim Cắt, Cọp Sói lại tranh cấu xé. Những tội nhân này do nhân duyên hành nghiệp đời trước,

* Trang 624 *
device

hay giết Trâu, Ngựa, Heo, Dê, Hươu, Nai, Chồn, Thỏ, Cọp, Sói, Sư tử, loài Lục bác, Voi lớn, tàn hại rất nhiều điểu thú như vậy, cho nên bị các loài điểu thú đến làm hại lại. Lại lấy thế lực lấn áp, ép uổng kẻ hèn kém, nên phải chịu tội hai núi ép lại. Tham xẻn, giận tức, ngu si, sợ hãi, sử đoán việc khinh trọng không theo chánh lý. Hoặc phá chánh đạo, thay đổi chánh pháp, nên phải chịu vành sắt nóng nghiền nát, cối sắt nóng giã tan.
            Thứ tư, thứ năm là địa ngục “Khiếu-hoán (Raurava), Đại-khiếu-hoán (Mahāraurava).” Tội nhân ở trong địa ngục này bị quỷ La-sát, Ngục tốt đầu vàng như kim, trong mắt tuôn lửa, mặc áo sắt đỏ, thân thịt cứng rắn, chạy nhanh như gió, tay chân dài to, miệng buông lời ác, cầm chĩa ba mũi, tên bay như mưa, đâm bắn tội nhân, tội nhân cuồng chạy, cúi đầu cầu xin Đại tướng quân buông tha một chút, thương xót một chút, tức thời bị đưa vào địa ngục sắt nóng, ngang dọc một trăm do tuần, đuổi đánh rong chạy, chân đều bị cháy, mỡ tủy chảy ra; như ép sữa dầu, gậy sắt đánh đầu, đầu vỡ não chảy như vỡ bình sữa; lại chém đâm cắt lóc, thân thể nát tan, rồi lại đưa vào nhà sắt, trong nhà khói đen xông lên, xô đè lẫn nhau; lại oán hại lẫn nhau, đều nói: “Sao lại đè ép ta?”. Vừa muốn tìm ra thì cửa đã đóng, cất to tiếng gào khóc, âm vang không ngớt.

            Những người này do hành nghiệp nhân duyên đời trước đều bởi đo lường gian cân dối, đoán sự phi pháp, nhận gởi không trả, lấn hiếp kẻ thấp kém, não hại kẻ nghèo cùng, làm cho kêu khóc, phá thành quách người, phá xóm làng người,

* Trang 625 *
device

làm tổn hại cướp bóc, nhà nhà oán nghét, cả thành kêu la, có khi lừa bịp dối trá dụ dỗ cho đi ra rồi lại hại tiếp. Do các nhân duyên như vậy, nên phải chịu tội thế ấy.
             Những người trong địa ngục “Đại-khiếu-hoán (Mahāraurava),” đều là loài người bắt kẻ khác ở trong hang mà hun khói giết, đây là nhà giam đóng kín u tối. Hoặc bắt ở trong hang hun khói tối tăm, hun khói giết chết, hoặc quăng kẻ khác xuống giếng mà cướp đoạt tài sản người. Do các nhân duyên như vậy, nên phải chịu tội ở địa ngục Đại-khiếu-hoán (kêu la to).
            Thứ sáu, thứ bảy là địa ngục “Nhiệt (Tapana), Đại nhiệt (Pratāpana).” Trong hai địa ngục này có hai cái vạc đồng lớn, là Nan-đà và Bạt-nan-đà, chứa đầy nước mặn sôi, quỷ La-sát, ngục tốt bắt tội nhân quăng vào trong đó, như người đầu bếp nấu thịt. Người ở trong vạc, đầu chúc xuống chân chõng ngược lên; giống như nấu đậu nhừ nát, xương tiếc rã rời, da thịt ly tán, biết đã nát rồi, lấy đĩa vớt ra. Do hành nghiệp nhân duyên nên có ngọn gió lạnh thổi đến liền sống lại; lại tiếp quăng vào hầm than, hoặc quăng trong tro nóng, giống như cá ra khỏi nước; lại để trên cát nóng; lại lấy máu mủ mà tự nấu nung.

            Từ trong hầm than ra lại đem bỏ trên giường lửa, cưỡng ép bắt ngồi; mắt, tai, mũi, miệng và các lỗ chân lông, tất cả đều bốc lửa. Người này đời trước làm não hại cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, đối trước các phước điền, người tốt bức não làm cho họ nóng bức. Do tội ấy phải chịu tội ở địa ngục “Nhiệt” nóng. Hoặc có người lấy cây xâu người nướng sống, hoặc thiêu đốt núi rừng đồng nội, làng xóm,

* Trang 626 *
device

tượng Phật, tinh xá v.v...; hoặc xô chúng sanh rớt trong hầm lửa. Do  các  nhân  duyên  như  vậy,  phải sanh trong địa ngục “Nhiệt, Đại nhiệt” này.
           Thấy trong A-tỳ địa ngục (Avīci), dọc ngang bốn ngàn dặm, tường sắt bao quanh, so với bảy địa ngục trên thì chỗ này rất sâu. Ngục tốt, quỷ La-sát lấy chùy sắt lớn đánh đập tội nhân, như thợ rèn đập sắt, lột da từ đầu đến chân, lấy năm trăm cái đinh đóng vào thân, như xẻ da trâu, giằng kéo lẫn nhau bị phá nát theo tay kéo. Xe lửa sắt nóng nghiền thân xác, đuổi vào hố lửa bắt ôm than ra lại đuổi vào trong sông phân sôi nóng, có trùng độc mỏ sắt, chui vào từ đằng mũi ra đằng chân, hoặc chui vào từ bàn chân ra đằng mồm. Hoặc đuổi vào đường dựng kiếm, bàn chân rách nát như nhà bếp nấu thịt; đao, kiếm, giáo bén nhọn bay đâm vào thân như sương xuống lá rụng, theo gió rơi xuống. Tay, chân, tai, mũi các chi tiết đều bị róc lột chặt đứt rơi xuống đất, máu chảy thành ao. Hai con Chó dữ lớn là Xa-ma và Xa-bà-la mồm sắt cứng mạnh, phá nát gân xương người, sức hơn Hổ báo, mạnh như Sư tử. Có rừng gai lớn, khua đuổi tội nhân, bắt trèo lên cây; khi tội nhân leo lên thì gai chỉa xuống, khi tội nhân trụt xuống thì gai chọc lên. Rắn độc lớn, Rết, Bò cạp, ác trùng tranh nhau lại cắn cấu. Chim to mỏ dài, mỗ đầu ăn óc. Vào sông nước mặn, theo nước chảy lên xuống; khi ra khỏi phải đạp trên đất sắt nóng, đi trên gai sắt; hoặc ngồi trên mác sắt, mác từ dưới đâm lên, rồi lấy kềm vạch miệng rót nước đồng sôi vào. Nuốt hòn sắt nóng, vào miệng miệng tiêu, vào cổ cổ tan, vào bụng bụng

* Trang 627 *
device

cháy, năm tạng đều tiêu, rơi thẳng xuống đất, chỉ thấy cảnh xấu ác, thường nghe hơi hôi thối, thường chạm xúc thô rít, gặp  toàn các thống khổ, mê man ủ rủ. Hoặc chạy cuồng loạn xông xáo, hoặc lẩn trốn quăng vất, hoặc ngã nghiêng đạo lạc.
            Người này đời trước thường tạo trọng tội ngũ nghịch đại ác, dứt hết thiện căn, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp; thật nói là không thật, không thật nói là thật; phá nhân phá quả, ganh ghét người lành. Vì các tội ấy, nên vào địa ngục A-tỳ này chịu tội rất kịch liệt.
            Có tám địa ngục lớn như vậy, Lại có mười sáu địa ngục nhỏ làm quyến thuộc, đó là tám ngục băng lạnh, tám ngục lửa nóng, trong đó tội độc, không thể thấy nghe.
            Tám địa ngục hỏa nóng là hầm than, phân nóng, rừng cháy, rừng gươm, đường đao, rừng gai sắt, sông mặn, cọc sắt ấy là tám. Tám địa ngục băng lạnh là Án-phù-đà, Ni-la-phù-đà, A-la-ca, A-bà-bà, Hầu-hầu, Âu-ba-la, Ba-đầu-ma, Đại Ba-đầu-ma, ấy là tám. Nếu phá giới hạnh thanh tịnh của phép xuất gia để kẻ cư sĩ khinh rẻ Phật đạo. Hoặc xô chúng sanh rớt trong hố lửa, hoặc khi mạng chúng sanh chưa hết mà đem nướng trên lửa. Do các nhân duyên như thế, nên bị đọa vào địa ngục hầm than, lửa cháy than nóng đến gối, thiêu đốt thân tội nhân.

            Nếu món ăn của ruộng phước tức là Sa-môn, Bà-la-môn mà lấy tay bẩn sờ mó vào, hoặc ăn trước, hoặc lấy vật bất tịnh bỏ vào, hoặc lấy nước phân nóng đổ vào thân người ta, phá tịnh mạng lấy tà mạng nuôi sống. Do các nhân duyên như thế,

* Trang 628 *
device

phải đọa trong ngục phân sôi. Địa ngục phân sôi rộng sâu như nước biển cả trong đó có loài trùng nhỏ, mõ sắt phá đầu tội nhân ăn óc, phá xương ăn tủy.
            Nếu thêu đốt cỏ cây, làm thương hại các loài trùng, hoặc đốt rừng săn bắn gây hại rất nhiều. Do các nhân duyên như thế, phải đọa trong địa ngục rừng cháy, lửa cháy cỏ cây để đốt tội nhân.
            Nếu cầm dao kiếm tranh đấu, giết hại, hoặc chặt cây để báo oán cũ, hoặc người đem lòng trung tín thành thật khuyến cáo, lại bí mật cùng nhau hảm hại. Do các nhân duyên như thế, phải đọa trong địa ngục rừng gươm. Tội nhân vào trong địa ngục này gió thổi là gươm chém, chặt tay chân, tai mũi đều bị rơi rụng. Khi ấy trong rừng có chim cắt, chó dữ tranh nhau ăn thịt.

            Nếu lấy dao bén đâm người, hoặc cọc gỗ, hay lấy thương đao đánh giết người, hoặc cắt đứt đường sá, phá đỗ cầu cống, phá chánh pháp chánh đạo, chỉ bày phi pháp phi đạo. Do các nhân duyên như thế, phải đọa trong địa ngục đường đao. Trong địa ngục đường đao, ở chỗ đường hẹp vách cao dựng đao bén bắt tội nhân đi trên ấy mà qua. Hoặc phạm tà dâm, xâm phạm phụ nữ người ta, ham hưởng thú vui xúc chạm. Do các nhân duyên như thế, phải đọa vào trong địa ngục rừng gai sắt, cây gai cao một do tuần, trên có rắn độc lớn hóa thành thân gái đẹp, gọi tội nhân trèo lên cùng hưởng vui, Ngục tốt đuổi bắt trèo lên, gai đều chỉa xuống đâm suốt tội nhân vào xương thấu tủy. Khi đã đến trên cây, hóa nữ liền

* Trang 629 *
device

trở lại thân rắn, phá đầu rúc vào bụng tội nhân nơi nơi moi thành hang lỗ đều bị phá nát, bỗng trở lại thân thể bình phục, hóa nữ lại ở dưới cây gọi xuống, ngục tốt lấy cung tên bắn lên, kêu phải trụt xuống, gai lại chọc ngược lên. Khi đã xuống đến đất, thân hóa nữ trở lại làm Rắn độc, phá thân tội nhân.
            Như vậy, lâu lâu từ rừng gai sắt nóng đi ra, xa thấy nước sông trong mát khoái lạc chạy đến bơi lội vào thì biến thành nước mặn sôi nóng, tội nhân ở trong đó chốc lát da thịt rã rời, xương dựng đứng trong nước, quỷ La-sát lấy xoa móc ra đem bỏ trên bờ.
            Người này do nhân duyên hành nghiệp đời trước tàn sát loài thủy tánh, hoặc xô người, các chúng sanh chìm vào trong nước, hoặc ném vào nước sôi, nước băng. Do các nhân duyên ác nghiệp như vậy, nên phải chịu tội ấy.

            Hoặc ở địa ngục “Cọc đồng” Ngục tốt, La-sát hỏi các tội nhân: “Ngươi từ đâu đến?” Đáp: “Tôi đau khổ mê man không rõ từ đâu đến, chỉ lo đói khát.” Khi ấy nếu nói khát, thì ngục tốt liền đuổi tội nhân bắt ngồi trên cọc đồng nóng, lấy kềm sắt vạch miệng, rót nước đồng sôi vào. Nếu nói dối thì bắt ngồi trên cọc đồng nuốt hoàn sắt nóng, vào miệng miệng tiêu, vào cổ cổ tan, vào bụng bụng cháy, năm tạng tiêu hoại, rơi thẳng xuống đất. Người này vì nhân duyên của các hành nghiệp đời trước, hay trộm cướp tài sản của người khác để cung cấp cho miệng mình. Có người xuất gia đôi khi giả bệnh để cầu tìm dầu, sữa, đường phèn cho nhiều, hoặc không trì giới, không tham thiền, không có trí tuệ mà lãnh thọ nhiều

* Trang 630 *
device

vật thí của người. Hoặc ác khẩu làm tổn thương người. Do các nhân duyên hành nghiệp đời trước như vậy, phải đọa địa ngục Cọc đồng.
            Nếu người đọa vào địa ngục “Át-phù-đà”, chỗ này chứa băng lạnh, gió độc thổi đến làm cho các tội nhân da lông xé rụng, gân thịt đứt mất, xương phá tủy lòi, liền cứng trở lại chịu tội như lúc đầu.
            Người này vì nhân duyên của hành nghiệp đời trước, tháng rét lột da người, hoặc trộm cướp củi lửa của người đang lạnh cóng, hoặc làm ác long sân độc tức giận đổ mưa đá lớn, băng rét hại người, hoặc khinh dễ Phật và đệ tử Phật, ngườì trì giới. Hoặc bốn nghiệp của miệng gây các trọng tội. Do các nhân duyên như vậy, phải đọa vào trong địa ngục Át-phù-đà. Địa ngục Ni-la-phù-đà cũng như vậy. Ở Á-phù-đà đôi khi có gián đoạn tạm được nghĩ ngơi, còn ở Ni-la-phù-dà không gián đoạn, không có lúc nghỉ ngơi. Ba địa ngục A-bà-bà, A-la-la, Hầu-hầu gió rét run khóa miệng không mở được. Nhân tiếng kêu rên ấy mà đặt tên ngục. Trong địa ngục Âu-ba-la băng rét thấm khắp, tợ như hoa sen xanh. Ngục Ba-đầu-ma hình trạng như hoa sen đỏ. Ngục Đại Ba-đầu-ma, trú xứ của Câu-già-ly ở trong đó. Người có trí nghe như vậy kinh hãi nói: “Ôi cha! Vì vô minh tham ái sân nhuế mới phải chịu khổ này.”

            Được ra rồi lại vào, không cùng không thôi. Bồ-tát thấy thế, suy nghĩ như vầy: “Nhân duyên của nghiệp khổ này đều là do các phiền não vô minh tạo tác, ta phải tinh tấn siêng tu Lục độ, nhóm các công đức để dứt trừ các khổ của chúng

* Trang 631 *
device

sanh trong năm đường, hưng phát lòng thương lớn, tăng thêm tinh tấn, như thấy cha mẹ mình ở trong nhà giam tối tăm bị tra khảo đánh đập thì lo buồn muôn mối, tìm cách cầu cứu, tâm không lơi bỏ.” Bồ-tát thấy các chúng sanh chịu khổ trong năm đường tưởng đó là cha mẹ, cũng như thế.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn, đời đời siêng tu cầu các tài bảo cấp thí cho chúng sanh, tâm không biếng nhác phế bỏ. Tự có của cải có thể cho hết, tâm cũng không biếng nhác.
            Lại nữa, tinh tấn trì giới, hoặc giới lớn hoặc giới nhỏ, hết thảy đều thọ, hết thảy đều trì, không hủy không phạm, lớn bằng lông tóc, giả sử có trái phạm, liền phát lộ sám hối ngay từ đầu, không che dấu.
            Lại nữa, siêng tu nhẫn nhục, nếu người dùng dao gậy đánh hại, mắng nhiếc hủy nhục, hay cung kính cúng dường, tất cả đều nhẫn, không thọ nhận, không dính mắc, cũng không nghi ngờ hối hận, tâm không thối mất đối với pháp sâu xa.
            Lại nữa, chuyên tinh một lòng, tu các thiền định có thể trụ vững, có thể học tập, được Bốn tâm vô lượng, Năm thần thông, Tám thắng xứ, Tám bội xả, và Mười nhất thiết xứ, đủ các công đức, được Bốn niệm xứ và các Bồ-tát thấy Phật tam muội.

            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn cầu pháp, thân tâm không giãi đãi, siêng năng nỗ lực cúng dường pháp sư các thứ cung kính cung cấp, sai sử, không hề trái lỗi, cũng không phế bỏ thối lui, không tiếc thân mạng, chỉ vì pháp tụng đọc, hỏi đáp; đầu

* Trang 632 *
device

đêm, giữa đêm, cuối đêm tư duy ức niệm, trù lượng phân biệt, tìm nhân duyên của nó, chọn lựa chỗ đồng, chỗ dị để biết thật tướng. Đối với hết thảy các pháp tự tướng, dị tướng, tổng tướng, biệt tướng, nhất tướng, hữu tướng, vô tướng, như thật tướng và vô lượng trí tuệ của chư Phật, Bồ-tát, tâm không thối không mất; ấy gọi là Bồ-tát tinh tấn. Do các nhân duyên như vậy, có thể làm phát sanh, có thể làm thành tựu các thiện pháp, cho nên gọi là tinh tấn Ba-la-mật. Nghĩa chữ Ba-la-mật như trước đã nói.
            Lại nữa Bồ-tát tinh tấn thì gọi là Tinh tấn Ba-la-mật, còn người khác tinh tấn thì không gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.
            Hỏi: Thế nào là tinh tấn được viên mãn, cụ túc?
            Đáp: Bồ-tát sanh thân, pháp tánh thân đều có thể đầy đủ công đức, ấy là Tinh tấn Ba-la-mật viên mãn cụ túc. Nghĩa chữ “Mãn-túc” như trên đã nói vì thân và tâm tinh tấn không phế bỏ vậy.
            Hỏi: Tinh tấn là một tâm số pháp, sao trong kinh gọi là thân tinh tấn?
            Đáp: Tinh tấn tuy là một tâm số pháp, mà từ thân lực xuất hiện, nên gọi là thân tinh tấn. Như thọ là một tâm số pháp, mà thọ tương ưng với năm thức, gọi là thân thọ, thọ tương ưng với ý thức gọi là tâm thọ. Tinh tấn cũng như vậy. Do thân lực siêng tu, hoặc hay bố thí, miệng tụng lời pháp, hoặc giảng thuyết pháp... Tinh tấn như vậy, gọi là thân tinh tấn.

            Lại nữa, thực  hành  bố thí, trì giới, ấy  là thân  tinh tấn.

* Trang 633 *
device

Thực hành nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ ấy là tâm tinh tấn.
            Lại nữa, siêng tu việc bên ngoài; ấy là thân tinh tấn. Tự chuyên  tinh bên trong; ấy  là tâm tinh tấn. Thô tinh tấn gọi là thân, tế tinh tấn gọi là tâm. Tinh tấn vì phước đức gọi là thân, tinh tấn vì trí tuệ gọi là tâm. Nếu Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi chứng được vô sanh nhẫn, ở khoảng trung gian ấy gọi là thân tinh tấn, vì sanh thân chưa xả. Khi chứng được vô sanh nhẫn, xả nhục sanh thân, được pháp tánh thân, cho đến khi thành Phật; ấy là tâm tinh tấn.

            Lại nữa, Bồ tát khi mới phát tâm, vì công đức chưa đủ nên gieo ba nhân duyên phước báo là bố thí, trì giới, thiện tâm, dần dần được phước báo đem thí cho chúng sanh, chúng sanh vẫn chưa được đầy đủ, lại rộng tu phước, phát tâm đại bi: “Hết thảy chúng sanh không đủ của cải, gây nhiều tội ác, ta đem chút ít của không thể làm cho đầy đủ được ý họ, ý họ rất bất mãn, thời họ không thể siêng lãnh thọ giáo hóa, không lãnh thọ đạo giáo thời không thể giải thoát sanh, già, bệnh, chết. Vậy ta phải tạo phương tiện lớn, cung cấp của cải cho đầy đủ!” Bèn vào biển cả, tìm các báu lạ, đạp nguy nan leo lên núi để tìm thuốc hay, vào hang đá sâu để tìm vật lạ, nhựa đá, trân bảo để cung cấp cho chúng sanh. Hoặc làm Tát-đà-bà (Sadāprarudita= Tát-đà-ba-luân: Thường-đề Bồ-tát) siêng cầu tài bảo để bố thí cho chúng sanh mà mạo qua đường hiểm, giặc cướp, Sư tử, Hổ lang, ác thú vẫn không cho là nạn. Cỏ thuốc, chú thuật có thể làm cho đồng biến thành vàng. Các thứ biến hóa như vậy, làm thành tài vật và vật vô chủ từ

* Trang 634 *
device

bốn phương đem cấp cho chúng sanh; ấy là thân tinh tấn. Được năm thần thông, có thể tự biến hóa làm thành các vị ngon, hoặc lên trời lấy thức ăn tự nhiên, như vậy gọi là tâm tinh tấn. Chứa nhóm tài vật để bố thí; ấy là thân tinh tấn. Do đức bố thí ấy mà đến được Phật đạo; ấy là tâm tinh tấn. Sanh thân Bồ-tát tu sáu Ba-la-mật là thân tinh tấn. Pháp tánh thân Bồ-tát tu sáu Ba-la-mật; ấy là tâm tinh tấn (chưa được pháp thân thời tâm theo thân, đã được pháp thân thời tâm không theo thân; thân tâm không hai).
            Lại nữa, trong hết thảy pháp đều được thành tựu, không tiếc thân mạng; ấy là thân tinh tấn. Khi cầu hết thảy thiền định, trí tuệ, tâm không biếng nhác mỏi mệt; ấy là tâm tinh tấn.
            Lại nữa, thân tinh tấn là chịu mọi sự siêng năng khổ nhọc, không bao giờ biếng nhác, phế bỏ. Như nói: Vua Phạm-ma-đạt nước Ba-la-nại đi dạo săn trong rừng thấy hai bầy Nai, mỗi bầy đều có chủ, mỗi chủ có bầy Nai năm trăm con. Một chủ có thân sắc bảy báu, ấy là Thích-ca Văn Bồ-tát, một chủ là Đề-bà-đạt-đa. Bồ-tát Chúa nai thấy đại chúng của vua người giết hại đồ đảng Nai, mới khởi tâm đại bi đi thẳng đến trước vua người, vua người đua nhau bắn, tên bay như mưa. Vua người thấy Nai ấy cứ đi thẳng đến mình không chút sợ sệt, húy kỵ, liền ra lệnh cho kẻ tùy tùng thu nhiếp cung tên lại, không được làm dứt mất ý muốn đi đến của chúa nai kia.

            Chúa nai khi đã đến, quỳ xuống thưa với vua người rằng: “Vua chỉ vì dục lạc du hý là việc nhỏ mà bầy Nai trong

* Trang 635 *
device

một lúc đều phải chịu chết khổ. Nếu vì cung cấp cổ ăn ngon thì chúng tôi sẽ tự chia phiên mỗi ngày đưa đến một con Nai để cung cấp vào nhà bếp vua.” Vua khen lời ấy, chấp thuận theo ý Nai.
          Bấy giờ chúa của hai bầy Nai họp lại chia phiên cứ tuần tự mỗi bầy ngày nộp một con. Trong bầy Nai của Đề-bà-đạt-đa có con đang mang thai, đến phiên phải tống nộp, đến thưa với chúa nó rằng: “Ngày nay thân tôi phải nộp vào chỗ chết, nhưng tôi đang mang đứa con trong bụng, không phải đến phiên nó, xin dũ lòng liệu lý, để cho kẻ chết được đúng phiên, kẻ sống không bị xâm lạm.” Chúa nai nổi giận nói: “Ai không tiếc mạng, đến phiên chị phải đi, đâu được từ thác!” Nai mẹ suy nghĩ: “Chúa ta bất nhân, không lấy lẽ tha thứ, không chịu xét lời ta, nóng giận ngang trái, không để ta thưa nói gì nữa.” Liền đi đến chỗ Bồ-tát Chúa nai, đem tình thật thưa đủ. Chúa hỏi Nai rằng:” Chúa ngươi nói thế nào?” Nai đáp:” Chúa tôi bất nhân, không thấy liệu lý mà chỉ thấy nóng giận. Đại nhân là nhân từ khắp hết thảy, cho nên tôi đến quy mạng. Như tôi ngày nay, trời đất tuy rộng mà không biết nơi nào để cáo mách.” Bồ-tát suy nghĩ:” Đây rất đáng thương, nếu ta không liệu lý thì đứa con kia sẽ bị giết oan uổng! Nếu chẳng phải phiên mà lại sai khiến thì chưa đến phiên làm sao sai khiến được, chỉ có ta phải thay thế đó thôi.” Suy nghĩ đã chắc chắn, liền tự đi nộp mình, bảo Nai mẹ trở lui: “Ta nay thay thế cho ngươi, chớ có lo buồn.” Nai chúa đi thẳng đến cửa vua, mọi người trông thấy, lấy làm lạ: “Sao nó tự đi đến!” Đem chuyện

* Trang 636 *
device

thưa lại vua, vua cũng lấy làm lạ, bảo đi đến trước mặt hỏi rằng: “Các con Nai đã tiệt hết cả hay sao mà ngươi đến?” Chúa nai đáp:” Đại vương nhân từ phổ cập bầy Nai, không cho ai xâm phạm, nên chỉ có đông đúc, đâu có tiệt hết được! Tôi vì trong bầy Nai khác có một con Nai đang mang thai, sắp sanh con mà đến phiên phải thân đưa đến dao thớt thì đứa con kia phải mất mạng luôn. Đến cáo bày với tôi, tôi nghĩ nếu sai các con nai chưa đến phiên đi thế cũng không được, nếu để nó trở về mà không cứu thì có khác gì cây đá! Thân này không bao lâu chắc không khỏi chết, nếu thương xót cứu vớt khổ ách thì công đức vô lượng. Nếu người không có từ tâm thì đâu khác hổ lang.” Vua nghe lời ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà nòi kệ rằng:
                        “Ta thật là súc sanh,
                        Gọi là nai đầu người.
                        Ngươi tuy là thân nai,
                        Gọi là người đầu nai.
                        Lấy lý để mà nói,
                        Không lấy hình làm người.
                        Nếu có tâm từ huệ,
                        Tuy thú, thật là người.
                        Ta bắt đầu từ nay,
                        Không ăn mọi thứ thịt.
                        Ta thí điều không sợ,
                        Và để an ý người.”
          Các con nai được ở yên, vua được tiếng nhân từ tin

* Trang 637 *
device

tưởng.
            Lại nữa,  như  Phạm-chí Ái pháp, mười hai tuổi đi khắp cõi Diêm-phù-đề cầu biết Thánh pháp mà không được, vì gặp lúc không có Phật, Phật pháp cũng tận hết. Có một Bà-la-môn nói: “Ta có một bài kệ Thánh pháp, nếu thật yêu pháp ta sẽ cho ngươi.”[1] Đáp: “Thật yêu pháp!” Bà-la-môn nói: “Nếu thật yêu pháp, hãy lấy da ngươi làm giấy, xương ngươi làm bút, lấy máu để chép thì ta sẽ cho ngươi.” Liền đúng như lời ấy, phá xương lột da, lấy máu để chép kệ:
                        “Như pháp nên tu hành,
                        Phi pháp không nên thọ.
                        Đời này và đời sau,
                        Người hành pháp an ổn.”

            Lại nữa, xưa lửa đồng đốt cháy rừng,[2] trong rừng có một con trỉ, tự lực siêng năng bay vào trong nước, nhúng ướt lông cánh đem về dập tắt lửa lớn, lửa to nước ít, bay đi bay lại mệt nhọc không lấy làm khổ. Khi ấy thiên Đế-thích đi đến hỏi rằng: “Ngươi làm gì vậy?”  Đáp: “Tôi cứu rừng này, vì thương xót chúng sanh, rừng này là chỗ rộng rãi có bóng rợp, nuôi sống mát mẻ khoái lạc các chủng loại và các tôn thân của tôi cùng các chúng sanh đều nương nhờ nơi đây. Tôi có thần lực, đâu được biếng nhác mà không cứu.”   Đế-thích hỏi: “Ngươi thật tinh tấn, như vậy phải đến bao lâu?” Trỉ đáp: “Đến chết là kỳ hạn.” Đế-thích nói:” Tâm ngươi tuy như vậy, lấy chi làm chứng mà biết?” Liền tự thệ nguyện:” Tâm tôi chí thành, nếu chơn thật không hư dối, thì lửa liền dập tắc.” Khi ấy trời
 

[1] T. 3: Bồ tát bản hạnh kinh (菩薩本行經), quyển 2, tr. 119b16.
[2] Tham khảo T. 4: Tăng già la sát sở tập kinh (僧伽羅剎所集經), quyển 1, tr. 120a-b; T. 4: Tạp bảo tạng kinh (雜寶藏經), quyển 2, tr. 455a-b; T. 4: Cựu tạp thí dụ kinh (舊雜譬喻經), quyển 1, tr. 515a; T. 51: Tây vực ký (西域記), quyển 6, tr. 903b-c; T. 53: Kinh luật dị tướng (經律異相), quyển 11, tr.  60b-c.
 

* Trang 638 *
device

Tịnh-cư biết thệ nguyện của Bồ-tát, liền làm cho lửa tắt, nên từ xưa đến nay, chỉ có độc nhất rừng này tươi tốt, không bị lửa cháy.
            Các sở hành đời trước như vậy, việc khó làm mà làm được không tiếc thân mạng, quốc tài, vợ con, voi ngựa, bảy báu, đầu mắt, tủy não, siêng bố thí không biết mệt. Như đã nói Bồ-tát vì các chúng sanh mà trong một ngày ngàn lần chết ngàn lần sống. Giống như tinh tấn bố thí, thực hành trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ Ba-la-mật cũng tinh tấn như vậy.
            Các tướng nhân duyên nói ở trong kinh Bồ-tát Bổn Sanh ấy, cũng là thân tinh tấn. Đối với các thiện pháp, tu hành tin vui, không sanh nghi ngờ hối hận, không biếng nhác mỏi mệt, theo các bậc Thánh Hiền xuống đến phàm phu, cầu pháp không nhàm chán, như biển nuốt dòng sông, ấy là Bồ-tát tâm tinh tấn.
            Hỏi: Tâm không biết nhàm đủ, việc ấy không đúng, vì cớ sao? Nếu việc sở cầu đã thành tựu, sở nguyện đã viên mãn, thời nên biết nhàm đủ, nếu biết lý không thể cầu, sự không thể thành biện, thời cũng nên buông bỏ, chớ sao lại thường không biết nhàm đủ? Như người đào giếng tìm suối; dụng công càng nhiều càng không thấy dấu hiệu nước, thời phải nên ngừng bỏ; cũng như đi đường đã đến chỗ ở rồi thời không còn đi nữa, chứ sao lại thường không biết nhàm chán đủ?

            Đáp:  Bồ-tát tinh tấn không thể lấy việc thế gian ví dụ

* Trang 639 *
device

so sánh, như đào giếng sức ít thì không thể có nước, chứ chẳng phải không nước. Nếu chỗ này không có, các chỗ khác ắt có, như có chỗ đến chắc chắn là cầu Phật, đến Phật rồi không nhàm chán là để dạy người không biết mệt mỏi, cho nên nói không nhàm chán.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn, chí nguyện rộng lớn, thệ độ hết thảy, chúng sanh vô cùng tận, cho nên tinh tấn cũng không cùng tận. Ông nói việc xong rồi phải ngưng. Việc ấy không đúng. Tuy đã được đến Phật, mà chúng sanh chưa độ hết thì chẳng nên ngừng nghỉ. Ví như tướng lửa nếu không tắt thì luôn luôn cháy, Bồ-tát tinh tấn cũng như vậy, chưa vào diệt độ thì luôn luôn không ngừng nghỉ, Do vậy trong mười tám pháp bất cọng, hai pháp là dục và tinh tấn thường tu tập (là dục vô yểm và tinh tấn vô yểm).
            Lại nữa, Bồ-tát không trú pháp mà trú trong Bát-nhã Ba-la-mật, không bỏ tinh tấn, ấy là Bồ-tát tinh tấn chứ không phải Phật tinh tấn.

            Lại nữa, Bồ-tát khi chưa được Bồ-tát đạo, với thân sanh tử đem việc tốt mà thí cho chúng sanh, chúng sanh lại đem việc không tốt gia hại Bồ-tát . Hoặc có chúng sanh, Bồ-tát khen ngợi lại đem lời hủy nhục, Bồ-tát cung kính lại đem tâm khinh mạn, Bồ-tát thương tưởng lại đi tìm lỗi Bồ-tát, mưu toan làm thương tổn. Các chúng sanh không có thể lực đến bức não Bồ-tát, Bồ-tát đối với các chúng sanh ấy, phát thệ nguyện rộng lớn: “Ta đắc Phật đạo cốt để độ các chúng sanh ác hơn trong sự ác ấy, đối với các ác ấy, sanh tâm đại bi,

* Trang 640 *
device

không giải đãi, ví như từ mẫu thương con mình bệnh, lo nghĩ  không dứt. Tướng trạng như vậy, ấy là Bồ-tát tinh tấn.
            Lại nữa, khi hành Bố thí Ba-la-mật, những kẻ đi xin từ mười phương đến muốn cầu xin, cái không đáng xin cứ đến xin, và xin những vật hệ trọng khó xả thí, nói với Bồ-tát rằng: “Cho tôi hai mắt, cho tôi đầu óc, xương tủy, vợ con yêu quý và các trân bảo quý giá....” Những vật khó xả thí như vậy, kẻ đi xin cứ nài xin cho được, mà tâm Bồ-tát vẫn bất động, không khởi ý keo kiệt, sân hận, không sanh tâm nghi ngại mà chỉ một lòng vì Phật đạo nên bố thí. Ví như núi Tu-di, gió bốn phương thổi đến không làm lay động được. Các tướng trạng như vậy, gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.
            Lại nữa, Bồ-tát tinh tấn là tu đủ cả năm Ba-la-mật kia, ấy là Tinh tấn Ba-la-mật.
            Hỏi: Có người đến xin ba y và bình bát, nếu cho thời phá giới, vì sao? Vì Phật không cho phép, nếu không cho thời phá Đàn Ba-la-mật. Như vậy tinh tấn làm sao mà thực hành đủ cả năm Ba-la-mật kia?
            Đáp: Nếu Bồ-tát mới tu thời không thể một đời một thời thực hành đủ cả năm Ba-la-mật. Ví như khi Bồ-tát thực hành Đàn Ba-la-mật, thấy Cọp bị đói quá muốn ăn con nó, bấy giờ Bồ-tát hưng phát tâm đại bi, liền đem thân thí cho. Cha mẹ Bồ-tát vì mất con mình, ưu sầu áo não, hai mắt bị mù, Cọp giết Bồ-tát cũng phải mắc tội, nhưng không trù tính cha mẹ ưu khổ, Cọp mắc tội giết mà chỉ muốn đầy đủ Đàn Ba-la-mật, tự được phước đức.

* Trang 641 *
device

         Lại như Tỳ-kheo trì giới, tùy theo sự khinh trọng, đuổi các người phạm giới, người bị đuổi âu sầu phiền não, nhưng chỉ muốn trì giới, không thương sự khổ của người kia. Hoặc có khi thực hành Bát-nhã thế tục, dứt tâm từ bi, như Bồ-tát Thích-ca Mâu-ni kiếp trước làm Thái tử của đại Quốc vương, Vương phụ, có người thầy Phạm-chí đến dối gạt là không ăn ngũ cốc, mọi người tin theo cung kính cho là kỳ lạ. Thái tử suy nghĩ: “Con người có tứ chi, phải nhờ ăn ngũ cốc nuôi sống, mà người này không ăn, chắc là quanh co để lấy lòng người chứ không phải thật.” Cha mẹ bảo con: “Người này tinh tấn nên không ăn, đó là điều hiếm có trên đời, con sao quá ngu mà không cung kính?”. Thái tử đáp: “Xin tế nhị lưu ý người này, không bao lâu chứng nghiệm sẽ tự bại lộ ra.” Bấy giờ Thái tử tìm đến chỗ người ấy ở trong rừng, hỏi kẻ chăn trâu trong rừng: “Người ấy ăn những thứ gì?” Kẻ chăn trâu đáp: “Người ấy nửa đêm ăn ít nhiều váng sữa để toàn mạng.” Thái tử biết thế rồi trở về cung muốn đưa ra sự chứng nghiệm ấy, liền lấy các thứ thuốc xổ ướp vào Hoa sen xanh, sáng ngày Phạm-chí đi vào cung ngồi bên vua, Thái tử tay cầm Hoa sen ấy đến cúng dường, vái chào xong trao hoa cho Phạm-chí. Phạm-chí vui mừng nghĩ rằng: “Vua và phu nhân lớn nhỏ trong ngoài đều phục sự ta, chỉ có Thái tử không tin tưởng cung kính, mà nay đem hoa đẹp cúng dường, thật quá tốt không lường!. Được hoa đẹp ấy rồi, vì kính người đã cúng cho mình, nên đưa hoa lên mũi ngửi, hơi thuốc trong hoa đi vào bụng, giây lát thuốc hành trong bụng, muốn tìm chỗ đi

* Trang 642 *
device

xổ. Thái tử nói:” Phạm-chí không ăn, vì sao đến nhà xí?” Bắt gấp đi, giây lát mữa ở bên vua, trong đó thấy toàn là váng sữa, chứng nghiệm đã rõ ràng, vua và phu nhân mới biết nó dối trá. Thái tử nói: “Người này là giặc thật! Vì cầu danh mà dối gạt cả một nước.”
            Như vậy thực hành Bát-nhã thế tục, chỉ muốn cầu đầy đủ trí tuệ mà xâm phạm đến lòng thương, không sợ người ta giận.
            Hoặc có khi Bồ-tát thực hành Bát-nhã xuất thế gian, đối với việc bố thí, trì giới tâm không nhiễm trước, vì sao? Vì đối với người thí, người thọ, tài vật bố thí, tội và không tội, sân và không sân, tinh tấn và giải đãi, nhiếp tâm và tán tâm, đều là không thể có được (bất khả đắc).
            Lại nữa, Bồ-tát thực hành Tinh tấn Ba-la-mật, đối với hết thảy các pháp vốn là bất sanh, bất diệt, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ chẳng phải vui, chẳng phải không chẳng phải thật, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã, chẳng phải nhất chẳng phải dị, chẳng phải có chẳng phải không. Biết rõ các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, chỉ có tên gọi, còn thật tướng là không thể có được.

            Bồ-tát quán như vậy, biết hết thảy pháp hữu vi đều là hư dối, tâm ngưng đứt không tác vi, muốn diệt bỏ tâm, chỉ lấy sự tịch diệt làm an ổn. Nhưng bấy giờ, vì nhớ đến bổn nguyện thương xót chúng sanh, nên trở lại thực hành Bồ-tát pháp, nhóm các công đức. Bồ-tát tự suy nghĩ: “Ta tuy biết các pháp là hư dối, nhưng chúng sanh không biết việc ấy, nên phải chịu

* Trang 643 *
device

các thống khổ trong năm đường, ta nay phải thực hành đầy đủ sáu Ba-la-mật” Bồ-tát được quả báo khi sinh ra có thần thông, cũng chứng được Phật đạo, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tất cả trí tuệ, đại từ đại bi, vô ngại giải thoát, mười lực, bốn điều không sợ, mười tám pháp bất cọng, ba đạt minh...và vô lượng các Phật pháp. Khi được các pháp ấy, tất cả chúng sanh đều có được tâm tin thanh tịnh, đều lãnh thọ hành trì, ưa vui Phật pháp. Thành tựu được việc này là đều do sức của tinh tấn Ba-la-mật, ấy là tinh tấn Ba-la-mật. Như Phật đã nói: Bồ-tát tinh tấn không còn thấy thân, không còn thấy tâm, thân không tạo tác, tâm không nghĩ tưởng, thân tâm nhứt mực bình đẳng không phân biệt, cầu Phật đạo để độ  chúng sanh , nhưng không thấy chúng sanh là bờ này, Phật đạo là bờ kia, hết thảy sự tạo tác nơi thân tâm đều phóng xả, như trong mộng có tác vi, khi thức không có làm chi, ấy gọi là tịch diệt mọi tinh tấn, nên gọi là Ba-la-mật. Vì cớ sao? Vì biết hết thảy mọi tinh tấn đều là tà ngụy, vì hết thảy các pháp đều là hư vọng không thật, như mộng như huyễn, các pháp bình đẳng, mới là chơn thật. Trong pháp bình đẳng thì không có sự cầu tìm gì. Cho nên biết hết thảy các pháp tinh tấn đều là hư vọng. Tuy biết tinh tấn đều là hư vọng, mà vẫn thành tựu không thối chuyển, ấy gọi là Bồ-tát tinh tấn chơn thật. Như Phật nói: “Ta ở trong vô lượng kiếp, thí cả đầu mắt tủy não cho chúng sanh khiến được mãn nguyện.
         Khi trì giới, nhẫn nhục, thiền định ở trong rừng núi, thân thể khô khao, hoặc trì trai bớt ăn, hoặc dứt các thứ sắc

* Trang 644 *
device

vị, hoặc nhẫn chịu sự tai hoạn mạ nhục, đao gậy, do vậy thân thể tiêu khô. Lại thường tọa thiền, siêng khổ không kể nắng sương, để cầu trí tuệ, tụng kinh, suy nghĩ, vấn nạn, giảng thuyết các pháp, dùng trí phân biệt tốt xấu, thô tế, hư thật, nhiều ít, cúng dường vô lượng chư Phật, ân cần tinh tấn cầu các công đức ấy, muốn đầy đủ năm Ba-la-mật. Ta khi ấy chứng được gì, chẳng được bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ Ba-la-mật, thấy đức Phật Nhiên Đăng, ta lấy những cành hoa rãi trên Phật, trãi tóc trên bùn (để Phật đi qua) liền chứng được Vô sanh pháp nhẫn, tức thời cả sáu Ba-la-mật được đầy đủ, đứng giữa hư không ca ngợi đức Phật Nhiên Đăng, trông thấy mười phương vô lượng các Phật khi ấy mới được thật tinh tấn.
            Thân tinh tấn bình đẳng nên được tâm bình đẳng, tâm bình đẳng nên được các pháp bình đẳng. Các tướng trạng nhân duyên như vậy, gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.
(Hết cuốn 16 theo bản Hán)
___________

* Trang 645 *
device

Xem mục lục