Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

40 PHẬT TÁNH

Một lần tôi nghe một thiền sư lỗi lạc nói rằng thậm chí Hitler cũng có Phật tánh nhưng không may nó chưa hề biểu lộ. Điều này chắc chắn, theo quan điểm Đại thừa, nhưng Thân Loan sẽ không đồng ý. Do sự thấu hiểu hiện thực của ngài về bản chất giới hạn, ngu dại và nhiễm ô của con người, ngài thấy thậm chí chính ngài cũng hoàn toàn không có Phật tánh. Điều này có nghĩa gì trong bối cảnh phổ khắp của Phật tánh ?

Lập trường của Chân tông là Phật tánh không phải là một cái đã được cho, cũng không phải giáo lý trừu tượng. Đối với tâm ước mong giác ngộ (Bồ đề tâm) cũng như vậy, nó cũng gần như không hiện hữu ở người mức độ trung bình. Thân Loan phát biểu nhận xét của ngài trong bài kệ sau :

Nghiệp xấu vốn không có hình tướng ;
Nó đến từ những mê lầm và tư tưởng điên đảo ;
Bản tánh của Tâm vốn là thanh tịnh,
Nhưng không ai có một tâm chân thật và thành thực.

Dù “không ai có một tâm chân thật và thành thực”, khi một người được thức tỉnh bởi ánh sáng của lòng bi chân thật, nguyện vọng giác ngộ trở nên thực sự sống động và Phật tánh lần đầu tiên trở nên thực sự năng động.

Tuy nhiên tất cả điều này phụ thuộc vào sự tin cậy chân thật, sự tin cậy này là công việc của A Di Đà biểu lộ trong đời sống của chúng ta. Tin cậy chân thật không thể đến từ một chúng sanh bị nghiệp ràng buộc ; nó trở nên chân thật và thực sự do lòng đại bi, công việc phổ khắp của Như Lai thấm nhuần thế giới. Trong cách trình bày của Thân Loan :

Phật tánh không gì khác hơn Như Lai. Như Lai này phổ khắp vô số thế giới ; nó làm đầy lòng và tâm của đại dương tất cả chúng sanh. Như thế, cỏ, cây và cõi nước, tất cả đều đạt đến Phật quả. Bởi vì chính với tâm này của tất cả chúng sanh mà họ giao phó chính họ cho Lời Nguyện của pháp thân như là lòng bi, sự tin cậy này không gì khác hơn Phật tánh.

Khi chúng ta giao phó mình cho Phật A Di Đà, chính Phật tánh xuất hiện cụ thể trong đời sống chúng ta. Khi Thân Loan đặt tin cậy, giao phó chân thật ngang bằng với giác ngộ tối thượng, Phật hay Như Lai, ngài không nói rằng chúng đồng nhất. Hơn nữa, ngài gợi ý rằng nội dung tin cậy chân thật đến từ Phật, khiến con người có sự tin cậy chân thật “ngang bằng” với Phật. Sự chứng ngộ tối hậu này được Thân Loan tóm lại :

Con người có tin cậy chân thật
Thì ngang bằng với Như Lai ;
Tin cậy chân thật là Phật tánh,
Phật tánh là Như Lai.

Quan điểm của Thân Loan về Phật tánh hòa hợp rốt ráo với tư tưởng chung của Đại thừa nhưng có một phẩm tính thực dụng. Chúng ta có thể mở rộng sự thấu hiểu kinh nghiệm của ngài trong hệ thống được biết là “Như Lai tạng” (Tathagatagarbha). Từ ngữ này có hai hàm ý. Thứ nhất, chứa trong mỗi chúng ta là một tạng hay dạ con có tiềm năng sanh ra Như Lai. Và thứ hai, đồng thời, mỗi chúng ta được chứa đựng trong tạng hay dạ con của Như Lai. Trong từ vựng Tịnh Độ mỗi chúng ta được chứa trong đại bi của Phật A Di Đà, và khi lòng bi này thức tỉnh trong chúng ta, Phật tánh trở thành một thực tại. A Di Đà gieo trồng Phật tánh vào chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy những kiểu mẫu khác nhau của tính chất hai phần này trong thế giới tôn giáo, nhưng một giải thích hiện đại và khêu gợi là “cõi giới huyền thoại” của Alexander Eliot. Trong công trình mới nhất, Huyền Thoại Trái Đất, Eliot viết rằng :

“Cõi giới huyền thoại” giống như vòm đêm huy hoàng bởi đầy ánh trăng và tuy nhiên đồng thời nó ít nhiều giống với xương sọ của chúng ta. Thế nên chúng ta có thể nói rằng nó ở trong da chúng ta. Ngược lại, đôi khi chúng ta thấy chính mình trong cõi giới huyền thoại ! Không có ảnh hưởng có kết quả phồn tạp của nó, đời sống tâm trí của chúng ta sẽ hầu như hoang vắng như mặt trăng.

“Cõi giới huyền thoại” này là lòng bi vô biên của Phật bao trùm vũ trụ, nhưng nó cũng được thực hiện trong mỗi chúng ta như là Phật tánh. Công việc của chúng ta ở đời là thức tỉnh với chiều sâu, chiều rộng và sự giàu có của cõi giới huyền thoại.

Xem mục lục