Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

38 CĂN NHÀ VÀ MÁI NHÀ

Một căn nhà, theo tự điển, là một kết cấu có nhiệm vụ đặc biệt, trước hết là dùng để ở cho một hay nhiều gia đình. Một mái nhà, ngược lại, không chỉ là một kiến trúc mà là một nơi cư ngụ cho những liên hệ gia đình. Nó là một nơi chốn nghỉ ngơi, thường đầy ắp tình thương, ấm cúng và tiếng cười. Sự khác biệt giữa một căn nhà và một mái nhà không là chuyện đơn giản, vì một số căn nhà có người sống trong đó có thể trống rỗng và lạnh lẽo, trong khi những căn nhà khác chỉ với một người ở lại đầy ấm cúng...

Sự khác biệt đầy ý nghĩa giữa một căn nhà và mái nhà có thể được tìm thấy trong ngôn ngữ hàng ngày. Chẳng hạn, chúng ta nói, “Tôi cảm thấy đang ở nhà” để gợi ra một cảm giác dễ chịu và thoải mái dù đang ở một chỗ lạ. “Như ở nhà” để chỉ sự quen thuộc với một ngoại ngữ, một dụng cụ mới, hay sự khéo léo tinh xảo.

Tôi thấy nơi con người có một cái gì tương tự với căn nhà và mái nhà. Khi chúng ta nghĩ về chính mình chủ yếu về mặt vật lý hay những đặc tính bên ngoài, đấy cũng giống như nói về một căn nhà. Nhưng khi chúng ta thấy mình như hiện thân của một đời sống giàu có hơn ở bên trong, đặc biệt về tâm linh, nó cho một cảm giác một mái nhà. Trong sự tương tự này, thân thể như một cái để chứa (căn nhà) trong đó đời sống chân thật và đích thực (mái nhà) trôi chảy. Đời sống cốt lõi này được gọi theo tôn giáo là Ánh Sáng và Đời Sống Vô Lượng.

Mục đích của người Phật giáo là thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự đang chảy trong chúng ta. Nhưng đời sống này không tách lìa với cái chứa đựng thuộc vật chất. Như thế, khi cả hai hoàn toàn hòa nhập với nhau nhờ sự trau dồi và thực hành tôn giáo, cả tâm và thân trở nên mềm dẻo và rộng mở. Điều này trái với suy nghĩ thông thường phân chia tâm và thân, tạo ra một sự mất căn bằng giữa hai cái, thành ra một tâm cứng cỏi và một thân căng thẳng. Cách tập Yoga đang thịnh hành có thể góp phần cho một thân thể khỏe mạnh, nhưng ý nghĩa chân thực của nó chỉ được nhận biết khi nó được theo đuổi như là phần của một thực hành tâm linh hòa nhập của Ấn Độ.

Bởi vì phần đông chúng ta lơ là hay không biết đời sống chân thật và thực sự đang trôi chảy qua chúng ta, nó kêu gọi sự chú ý đến nó qua Danh Hiệu, “Nam mô A Di Đà Phật.” Trong khi niệm nam mô A Di Đà Phật, chính là đời sống kêu gọi chính đời sống, dù người ta có ý thức điều đó hay không. Khi chúng ta đáp ứng trọn vẹn sự kêu gọi này, chúng ta xé rách vỏ bọc bản ngã và trở về sự tự do của đời sống chân thật và thực sự. Vị thầy Chân tông Daiei Kaneko diễn tả điều này một cách sinh động, “Niệm Phật là âm thanh của sự tan rã bản ngã và người làm việc đó đau đớn vì một cái ngã mới được sanh ra.”

Nam mô A Di Đà Phật xác nhận bản tánh nền tảng của người ta chính là đời sống chân thật và thực sự. Cái nam mô lẻ loi, lang thang và bấp bênh cuối cùng đã về đến nhà A Di Đà Phật. Sự về đến này tôn vinh cả sự yên nghỉ lẫn sự làm mới lại. Saichi viết :

Nam mô A Di Đà Phật
Nó như mặt trăng, như mặt trời ;
Nó như mặt trời đang lên.
Tâm thức tôi ấm dần, thân thể cũng thế.
Hãy để tôi nghỉ một lát ở đây.
Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật.

Bởi vì người ta đã đến nhà, không có gì được đòi hỏi nữa. Người ta chỉ để ý tới thân thể được ban cho, bởi vì không có nó thì sự thức tỉnh với đời sống sinh động sẽ bị ngăn chặn, và người ta hành động một cách bi mẫn trong thế giới như là cách thức tự nhiên nhất của đời sống. Con người niệm Phật thì luôn luôn ở nhà, bất kể ở đâu và làm gì. Không vướng bận với điều kiện hoàn cảnh nào, thậm chí cả với niệm Phật.

Tôi không nói lời niệm Phật nào
Nó không cần thiết.
Được cứu độ bởi lòng bi Phật đà,
Tôi biết ơn biết bao nhiêu.
Nam mô A Di Đà Phật bao giờ cũng ở với tôi,
Và tôi bao giờ cũng ở với nó.
Khi ngủ, nam mô A Di Đà Phật.
Khi dậy, nam mô A Di Đà Phật.
Khi đi, đứng, ngồi hay nằm, nam mô A Di Đà Phật.
Khi làm việc, nam mô A Di Đà Phật.

Xem mục lục