Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



101. Vết chàm trên người

"Từ lúc lọt lòng, cháu đã có một vết chàm trên người. Khi lớn lên, cháu hỏi mẹ thì bà bảo "bị đổ chàm vào người vì tội ngang bướng cứ muốn đầu thai". Lâu nay cháu cứ trăn trở về điều này mà không tài nào hiểu được. Khoa học có cách gì giúp cháu xóa nó đi không, để khỏi có mặc cảm tội lỗi?".

Theo thuyết luân hồi, mỗi con người có nhiều kiếp sống nối tiếp nhau: sinh ra - lớn lên - chết đi - đầu thai làm con của hai bố mẹ khác để được sinh ra lần nữa... Cứ thế cho đến khi nào trở nên "hoàn thiện hoàn mỹ" thì được thoát khỏi cảnh luân hồi, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu... Trước đây, khi gặp cảnh trẻ sơ sinh bị chết yểu liên tiếp, người ta cho là "tại một kẻ đầu thai rồi chết ngay, lặp đi lặp lại nhiều lần". Do vậy, một số người đổ chàm, đổ mực tàu lên thi hài đứa con chết yểu đó để đánh dấu, phòng khi nó đầu thai lại thì nhận ra!

Còn theo giải thích của khoa học, vết chàm, vết bớt bẩm sinh xuất hiện do hiện tượng đổi màu của sắc tố da tại vùng đó trong quá trình bào thai. Nguyên nhân của nó chưa được xác định rõ. Không có chất gì làm cho nó mất đi được. Một số anh chị em ruột có vết chàm gần giống nhau, có thể do gene.

Như vậy, cháu chẳng tội gì mà phải trăn trở nghĩ ngợi về lời nói không đâu.

102: Phải đề phòng ra sao?

"Ở thôn cháu, vào khoảng nửa đêm đến 2-3 giờ sáng, thường có một người đàn ông chuyên đi lấy cắp đồ lót của phụ nữ, có khi chỉ lấy áo hoặc quần thôi. Mọi người khuyên nên vứt cái quần hay cái áo mà hắn để lại, nói là để tránh bệnh lậu. Như vậy tên kia bị bệnh gì, và chúng cháu phải đề phòng ra sao?".

Người hay ăn cắp đồ mặc trong của phụ nữ để hôn hít, ôm ấp... nhằm tạo khoái cảm tình dục (thực hiện ngay tại chỗ hoặc mang vào chỗ kín) là người mắc chứng loạn dâm đồ vật (danh từ chuyên môn là fetishism). Không có gì đảm bảo là họ không cưỡng bức phụ nữ khi có điều kiện. Vì vậy, các cháu nên cùng gia đình kín đáo xác định người đó là ai để đề phòng. Trong khi ngủ, bất kể ngày hay đêm, phải chú ý cài then cửa để phòng nguy cơ bị đột nhập. Ngoài ra, nên phơi quần áo ở chỗ không ai với tới được.

Có lẽ lời khuyên của bà cháu là đúng, bởi vì người kia có thể đã "sử dụng" tại chỗ cái áo hay cái quần kia rồi bỏ lại, và không có gì đảm bảo là anh ta không mắc bệnh ở cơ quan sinh dục.

103. Chuyện người đẻ ra chuột

"Cháu nghe đồn là việc dùng băng vệ sinh Tàu sẽ ảnh hưởng không tốt cho sự sinh sản sau này, thậm chí có người đẻ ra toàn chuột, chuyện đó có đúng không ạ?".

Khi đặt câu hỏi về chuyện người đẻ ra chuột, chắc cháu đã quên mất các kiến thức sơ đẳng về sinh học.

Cách đây chừng chục năm, có nhà khoa học đã cho lai được một trường hợp cừu - dê và có thể sau này, nhờ kỹ thuật gene, người ta có thể tạo ra các giao loài khác (giao loài là con lai giữa hai loài khác nhau, ví dụ như bò - lợn).

Tuy nhiên, chuyện tinh trùng của chuột thụ tinh được cho noãn (trứng chưa thụ tinh) của chị em là điều quá phi lý. Đó là chưa nói đến chuyện tinh trùng chuột (nằm trong băng vệ sinh) không thể "thượng thọ" đến thế (tinh trùng của người, nằm trong cơ quan sinh dục nữ, cũng chỉ sống được có 12-16 giờ).

Còn về chất lượng băng vệ sinh thì, qua điều tra sơ bộ, người ta thấy loại có nhãn chữ Trung Quốc (thường được gọi là băng vệ sinh Tàu) mỏng hơn nên độ thấm kém hơn các loại băng khác; một số trường hợp gây ngứa nếu không được thay kịp thời; ngoài ra không có gì khác biệt.

104. Đừng nhổ nước bọt

"Tại sao khi em ăn hạt dưa, kẹo..., nước bọt của em tiết ra nhiều, phải nhổ ra liên tục?".

Việc tiết nhiều nước bọt khi ăn hạt dưa, kẹo... chứng tỏ cơ thể em "mê" các thứ đó lắm, không sao cả. Nước bọt là một chất dịch quý báu gồm nước, men tiêu hóa, chất làm tan vi khuẩn..., không ai dại gì đem nhổ đi. Ngoài ra, động tác nhổ nước bọt là một thói quen không hay ho gì, khiến những người có văn hóa không thích, thậm chí khó chịu ra mặt. Vì vậy, về phần em, nếu không cố gắng nuốt được hết nước bọt thì hãy thôi, đừng ăn vặt các thứ kia làm gì.

105. Hãy cho mồ hôi ra nhiều hơn

"Chừng vài năm nay tôi hay đi tiểu nhiều, nhất là vào những ngày mát mẻ và sau khi uống nhiều nước. Bác sĩ khám và cho chụp X quang rồi kết luận là thận không việc gì, nhưng tôi vẫn lo. Xin nói thêm là tôi không hề tập thể dục hay chơi thể thao, hễ uống trà là đêm không ngủ được và càng đi tiểu nhiều lần".

Nếu chắn chắn không có vấn đề gì ở thận, không phải bệnh tiểu đường hay tiểu nhạt (do rắc rối ở tuyến yên và nếu vậy phải có hiện tượng thèm uống và lượng nước tiểu thường xuyên phải rất lớn) thì nguyên nhân rất có thể là do bạn không hoạt động thể lực. Các tuyến mồ hôi không hoạt động mấy, chỉ ỷ lại vào hai quả thận nên bạn mới đi tiểu nhiều như vậy (nhớ rằng khi đi bộ bình thường, mỗi giờ cơ thể thải ra ít nhất 0,5 lít mồ hôi).

Bạn hãy bắt đầu tập thể dục với mức tăng dần. Về sau, khi thấy quen hơn, bạn nên tham gia một vài môn thể thao thích hợp. Mồ hôi ra đúng mức thì nước tiểu sẽ ít đi, và thận của bạn nhẹ gánh biết mấy! Lúc bấy giờ, có khi bạn phải uống nhiều hơn mới đủ để có nước tiểu đấy. Còn hiện giờ, bạn hãy hạn chế việc ăn canh, nhất là canh có rau (cải, cải bắp...), đồ chua (trái cây, yaourt...), giảm bớt lượng nước uống vào (có theo dõi chặt chẽ) để... phấn khởi bước đầu đã, sau này sẽ điều chỉnh lại. Và dĩ nhiên bạn không nên dùng trà hay cà phê vì cơ thể bạn thuộc dạng dễ bị kích thích.

106. Chú ý khi tiếp xúc với chó mèo

"Các con tôi rất yêu súc vật, đặc biệt là chó, mèo. Bọn trẻ hay hôn hít chúng, cho ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Tôi thấy ở phương Tây, vật nuôi cũng được yêu quý và chăm nom như vậy. Gần đây, tình cờ thấy trong phân mèo có mấy đốt sán ngọ nguậy, tôi mới hoảng hồn. Vậy sán chó, mèo có lây sang người không?".

Con người (nhất là trẻ em, người cô đơn, bệnh tật, tàn phế) đã quen với sự có mặt của các vật nuôi. Ngoài chó mèo, cho tới nay danh sách vật nuôi đã có thêm nhiều loài thú hoang dã.

Tại các nước phát triển, người ta luôn theo dõi để phát hiện những ký sinh trùng trên "vật cưng" (giun sán, bọ chét, chấy rận...) để chúng không thể gây hại cho người. Thậm chí người ta còn phát hiện những mầm bệnh tiềm tàng trong cơ thể "vật cưng" để kịp thời chữa trị. Ngoài ra, do thói quen sử dụng hố xí tự hoại (bệt) từ tuổi ấu thơ, họ giữ cho môi trường đất không bị các mầm bệnh hay vật ký sinh từ phân xâm nhập.

Ở Việt Nam, tình hình có những khác biệt:

- Đất ở nước ta hầu hết bị nhiễm phân do nạn phóng uế bừa bãi và do việc sử dụng phân người một cách tùy tiện (thời gian ủ phân không đủ diệt hết trứng giun và một số mầm bệnh khác; điều này có thể khắc phục dễ dàng bằng cách dùng hố xí bệt). Chó mèo giẫm vào đất bẩn nhiều khi vẫn được leo lên giường ngủ chung với người.

- Do bị đói, chó mèo thường tìm xơi mọi thứ ở mọi nơi, nên miệng chúng không thể là "miệng người yêu dấu" để có thể hôn hít.

- Chó mèo có thể mắc một số bệnh như cúm, dại, thậm chí có con chó bị lao hang ở phổi do thường xuyên ăn đờm của bà chủ bị lao nặng.

Bạn cũng cần biết rằng, trong các con bọ chét của chuột có ấu trùng Toxoplasma gondii (một loại ký sinh trùng đơn bào). Nếu chó mèo ăn thịt chuột, ấu trùng sẽ trưởng thành trong ruột non chó mèo, đẻ trứng. Trứng theo phân ra ngoài, có khả năng gây bệnh trong vòng mấy tháng. Người bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii sẽ có nhiều nguy cơ bị các chứng sau:

- Sẩy thai, đẻ non, thai nhi bị dị tật bẩm sinh, chết yểu. Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm ký sinh trùng này thường có đầu rất bé, vàng da, lách to, viêm phế quản, động kinh, khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ... Ở nhiều đứa trẻ, những triệu chứng trên chỉ xuất hiện sau mấy năm chào đời.

- Đau mình mẩy, sốt nhẹ, nổi hạch ở cổ hay nách. Các triệu chứng này thường hết sau một thời gian ngắn; nhưng cũng có trường hợp biến chứng viêm phổi, viêm não, màng não, tim...(thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch).

- Bị một số tổn thương ở mắt.

Con mèo nhà bạn bị sán, vậy con bạn rất có thể đã nhiễm loại sán này.

107. Chống mốc quần áo

"Quần áo cháu mặc hay bị mốc, mặc dù cháu đã cho muối vào nước lúc giặt giũ. Xin cho biết cách xử trí".

Cháu phải luộc kỹ quần áo để diệt các bào tử nấm (nước muối không ăn thua đâu); không để quần áo bị mốc lẫn với đồ mới (để nấm mốc không lan sang). Quần áo thay ra phải giặt ngay và phơi chỗ thoáng, không phơi sương. Cần tắm giặt hằng ngày.

108. Nghề uốn tóc có nguy hiểm không?

"Cháu làm nghề uốn tóc được 5 năm nay. Cháu nghe nói việc ăn huyết bò giúp thải được bụi tóc ra ngoài theo đường phân, có đúng vậy không? Nếu hay hít mùi thuốc uốn tóc thì có bị nhiễm hóa chất không?".

Nếu không phải là hàng giả thì thuốc uốn tóc không gây hại cho cả thợ uốn tóc và khách hàng, vì các sản phẩm này đã được kiểm tra chặt chẽ trước khi tung ra thị trường. Thuốc nhuộm tóc cũng vậy, hàng giả gây rụng tóc dần, còn hàng thật thì không.

Khi cắt tỉa tóc, tuyệt đối cháu phải đeo khẩu trang để tránh hít phải tóc vụn và những chất bẩn từ đầu người khác. Còn chuyện huyết bò thì cháu hãy quên đi, vì làm sao mà tóc đang nằm ở đường hô hấp lại chui vào ruột được.

Cháu cứ yên tâm làm ăn, nhớ đừng bao giờ dùng chung khăn cho khách để tránh lây bệnh từ người nọ sang người kia.

109. Bao dương vật có từ bao giờ

Thời tiền sử, để dương vật khỏi bị gai đâm hoặc côn trùng cắn, đàn ông bảo vệ nó bằng cách lấy các mảnh vỏ cây dài quấn lại, hoặc dùng một cái vỏ cứng úp lên, hay đút nó vào một vật hình trụ (tập quán này hiện vẫn tồn tại ở một số bộ tộc ít người).

Từ thời xưa, đàn ông đã biết phòng lây bệnh hoa liễu bằng cách dùng các dụng cụ bảo vệ với những tên gọi khác nhau tùy theo địa phương. Ở Paris (Pháp), người ta gọi nó là "áo đuôi tôm Anh Quốc". Đối lại, người London (Anh) gọi nó là "màng ruột già Pháp". Người châu Phi đặt tên cho nó là "mũ đi rừng"; người Brazin gọi nó là "áo sơ mi nhí"...

Suốt ba nghìn năm nay, người ta đã dùng bàng quang lợn, ruột cừu, ruột thỏ, bong bóng cá (đặc biệt của cá tầm và cá heo)... làm bao dương vật để tránh lây "các bệnh của thần Vệ Nữ".

Từ thế kỷ 10, người Nhật Bản đã sản xuất được những dụng cụ bảo vệ cơ quan sinh dục nam giới bằng da thuộc hoặc vảy rùa.

Năm 1564, trong cuốn sách nhan đề De morbo gallico, chuyên gia tình dục học nổi tiếng Gabriel de Fallope đã gợi ý nên dùng một dụng cụ hình mũ chụp có phết một thứ nước lá cây sắc đặc, đặt lên bộ phận sinh dục nam ngay sau khi giao hợp để tránh mắc bệnh.

Mãi tới thế kỷ 17, người ta mới dùng bao dương vật vào việc tránh thai. Vua Charles của Anh và vua Louis của Pháp là những người đầu tiên sử dụng nó với mục đích này. Từ đó, bao dương vật được phổ biến nhanh chóng. Trong thời gian này, nó mang một cái tên mỹ miều là "găng tay của quý bà", được chế tạo bằng ruột hay bàng quang súc vật, đôi khi lót bằng lụa hoặc nhung (người Trung Quốc thường dùng lụa mỏng thấm dầu). Trong khi giao hợp, nam giới luôn phải giữ chặt trong tay một dải băng được dính vào dụng cụ. Mất thoải mái đã đành, dụng cụ này lại không thật đảm bảo, đến nỗi nữ văn sĩ Pháp Mme de Sévigné phải thốt lên: "Đó là tấm áo giáp chống lạc thú và là mảnh mạng nhện chống hiểm nguy".

Vào những năm 70 của thế kỷ 20, triết gia Pháp Condorcet và nhà kinh tế học Anh Malthus đã rất nhiệt thành bảo vệ chủ trương dùng bao dương vật để hạn chế sinh đẻ. Từ đó, dụng cụ này trở nên thực sự phổ biến.

Bao dương vật cũng có những bước thăng trầm, được cải tiến dần về hình dạng và chất liệu, nhất là từ khi có kỹ thuật lưu hóa cao su. Hiện đã có những loại cực mỏng và bền chắc, bảo hành 5 năm. Tuy nhiên, người ta còn muốn yên trí và tiết kiệm hơn nên đã tạo ra một thiết bị nhỏ mang tên Vérifior kèm theo bao cao su để "kiểm tra, hong khô và quấn lại"

110. Thụ tinh nhân tạo và thụ thai trong ống nhiệm nhằm sử dụng được nhiều lần.

"Bạn em nói thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm là 2 kỹ thuật khác nhau, còn em thì cho rằng đó chỉ là 2 tên gọi của một kỹ thuật. Xin bác sĩ làm trọng tài giùm".

Em thì chắc chắn sai rồi, còn bạn em cũng không đúng nốt, bởi vì trong đầu bạn có thể nghĩ đúng nhưng lại lẫn lộn về thuật ngữ. Đã gọi là nhà khoa học thì không nên dùng sai thuật ngữ khoa học, bởi lẽ thiên hạ sẽ hiểu nhầm điều mình định giải thích, nguyên nhân do dịch sai thuật ngữ của nước ngoài.

Thụ tinh nhân tạo (inséminatinon artificielle) là bơm tinh dịch vào âm đạo đúng giữa ngày rụng trứng, với hy vọng tinh trùng có thể gặp được noãn tại ống dẫn trứng và thụ thai; trứng được thụ tinh sẽ đi xuống tử cung để làm tổ và phát triển ở đó. Như vậy có nghĩa là tuy tiến hành thụ tinh nhưng chưa chắc đã thụ thai. Tinh dịch có thể tươi (lấy xong đem bơm ngay) hoặc đông lạnh, có thể là của người khác (vì của người chồng yếu hoặc không có) hay của chính người chồng (vẫn tốt, nhưng vì độ axit âm đạo người vợ qúa cao, làm chết tinh trùng, phải bơm "nhân tạo" mới thoát hiểm được).

Thụ thai trong ống nghiệm (fécondation in vitro) là lấy noãn cho tiếp xúc với tinh trùng để thụ thai thành trứng; phôi được giữ trong ống nghiệm chừng 2-3 hôm, khi phát triển thành 4 tế bào thì được đem cấy vào tử cung (của người mang thai hộ hoặc mẹ ruột). Có thể tiến hành tạo cùng lúc với nhiều phôi để có 2-3 con, thậm chí đông lạnh phôi để dùng dần.

Xem mục lục