Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

Luận Bốn

VII. LỤC TỔ HUỆ NĂNG (638-713)

Huệ Năng là người ở Tân Châu xứ Lãnh Nam, mồ côi cha từ thuở nhỏ, Năng bán củi nuôi mẹ. Ngay kia sau khi gánh củi bán tại một tiệm khách, ông ra về thì nghe có người tụng kinh Phật. Lời kinh chấn động mạnh tinh thần ông. Ông bèn hỏi khách tụng kinh gì và thỉnh ở đâu, và sau khi biết rõ đem lòng khát khao muốn học kinh ấy với vị thầy ấy. Kinh ấy là kinh Kim Cương, và thầy ấy là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở núi Hoàng Mai trại Kỳ Châu. Huệ Năng bèn lo liệu tiền bạc để lại cho mẹ già, và lên đường cầu pháp.

Phải gần một tháng ông mới đến núi Hoàng Mai xen lẫn với đồ chúng năm trăm người, (có nơi nói bảy trăm hoặc cả ngàn) và làm lễ Ngũ Tổ.

Ngũ Tổ hỏi: Ông từ đâu đến?

Huệ Năng đáp: Lãnh Nam.

Tổ hỏi: Ông muốn cầu gì?

Đáp: Chỉ cầu làm Phật.

Tổ nói: Người Lãnh Nam không có tánh Phật sao làm Phật được?

Dù vậy, đã quyết tâm cầu đạo nên không ngã lòng, Huệ Năng bèn đáp ngay:

“Người đành có Nam Bắc, tánh Phật há vậy sao?”.

Lời đáp đẹp lòng Tổ lắm lắm. Thế rồi Huệ Năng được giao cho công việc giã gạo cho nhà chùa. Truyện chép đã tám tháng ngoài Năng chỉ biết có công việc hạ bạc ấy cho đến khi Ngũ Tổ định chọn người kế ngôi Tổ giữa đám môn nhân. Ngày kia, Tổ bố cáo vị nào có thể tỏ ra đạt lý đạo, Tổ sẽ truyền áo pháp cho mà làm Tổ thứ sáu. Thần Tú (tịch năm 706) là người học cao nhất trong bọn, và nhuần nhã nhất về việc đạo, và cố nhiên được đồ chúng coi như xứng đáng nhất hưởng vinh dự ấy bèn làm một bài kệ trình chỗ hiểu biết, và biên nơi vách bên chái nhà chùa. Kệ rằng:[29]

Thân là bồ đề cội

身 是 菩 提 樹

Tâm như gương sáng đài

心如 明 鏡 臺

Giờ giờ siêng phủi quét

時 時 勤 拂 拭

Chớ để nhuốm trần ai

勿 使 惹 塵 埃

Ai đọc qua cũng khoái trá, và thầm nghĩ thế nào tác giả cũng lãnh được phần thưởng xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau vừa thức giấc, đồ chúng rất đỗi ngạc nhiên thấy một bài kệ khác viết bên cạnh, như sau:

Bồ đề vốn không cội

菩提 本 無 樹

Gương sáng cũng không đài

明 鏡 亦 非 臺

Nguyên chẳng có một vật 

本 來 無 一 物

Sao gọi phủi trần ai

何 處 惹 塵 埃

Tác giả mười sáu chữ trên là một cư sĩ quèn lo tạp dịch dưới bếp, suốt ngày chỉ biết bửa củi, giã gạo cho chùa. Diện mạo ông ta quá tầm thường đến không mấy ai để ý nên bấy giờ toàn thể đồ chúng rất đỗi sửng sốt chứng kiến cuộc thách đố ấy nhắm vào một uy quyền đã được thừa nhận. Nhưng Ngũ Tổ thấy ở ông tăng[30] không tham vọng ấy một pháp khí có thể thống lãnh tăng chúng sau này, và nhất định truyền áo pháp cho ông. Nhưng Tổ có ý lo, vì hầu hết môn đồ của Tổ đều chưa đủ huệ nhãn để nhận ra ánh trực giác thâm diệu trong những hàng chữ trên của người bửa củi giã gạo là Huệ Năng, nên nếu công bố vinh dự đắc pháp ấy lên e nguy hại đến tánh mạng người thọ pháp. Do đó Tổ ngầm bảo Huệ Năng đúng canh ba khi đồ chúng ngủ yên, vào tịnh thất dạy việc.

Thế rồi Tổ trao lại áo pháp cho Huệ Năng làm tín vật chứng tỏ cái bằng cớ đắc pháp vô thượng, và báo trước hậu vận của đạo Thiền sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Tổ còn dặn Huệ Năng chớ vội nói pháp hãy tạm mai danh ẩn tích nơi rừng núi chờ đến thời sẽ công khai xuất hiện và hoằng dương; Tổ còn nói cái áo pháp truyền lại từ tổ Đạt Ma làm tín vật sau này đừng truyền xuống nữa, vì từ đó Thiền sẽ được thế gian công nhận, không cần phải dùng áo tiêu biểu cho tín tâm. Ngay trong đêm ấy Huệ Năng từ giã Tổ.

Sự tích trên, do môn đệ của Lục Tổ chép lại[31], e có thiên vị phần nào. Nếu ta có được những tài liệu khác của Thần Tú và môn đệ của ông, chắc chắn câu chuyện phải khác hơn nhiều. Đáng tiếc hiện ta chỉ có một tài liệu duy nhất liên quan đến Thần Tú và Hoằng Nhẫn. Đó là một văn bia của Chang Shuo (?), một cư sĩ đệ tử của Thần Tú. Bia chép Thần Tú là người được phó pháp tự tay Hoằng Nhẫn. Xét theo đó thì ngôi Tổ của Huệ Năng đương thời cũng bị tranh giành dữ lắm, hoặc ngôi thứ chánh thống cũng dằng dai khó định lắm cho đến khi Thiền Huệ Năng được xác định hẳn với tất cả uy thế vượt qua bất cứ phái Thiền nào có thể có đương thời. Rất tiếc bài văn bia trên không cho biết thêm gì về sự liên hệ giữa Huệ Năng và Thần Tú, nhưng trong sự tích vừa kể cũng đủ cho ta thu thập vài yếu tố soi sáng được lịch sử đạo Thiền.

Trước hết thử hỏi: vì nhu cầu nào tổ Huệ Năng được trình bày như một anh nhà quê thất học chỏi lại cái học uyên bác gán cho Thần Tú ? Tổ Huệ năng có thật dốt không, dốt đến đỗi chữ nhất là một cũng không biết ? Nhưng bộ Pháp Bửu Đàn Kinh chép lại những bài pháp của Tổ có những đoạn dẫn kinh, như kinh Niết Bàn, Kim Cương, Lăng Già, Pháp Hoa, Duy Ma, Di Đà và Bồ Tát Giới. Điều ấy há chẳng đủ chứng rằng tác giả những bài pháp ấy phải đâu hoàn toàn không biết gì đến văn học Đại Thừa? Đành rằng Tổ không biết gì đến văn học Đại Thừa? Đành rằng Tổ không phải là một học giả uyên bác so với Thần Tú, nhưng trong sự tích của Tổ ta thấy người viết cố làm cho Tổ dốt hơn sự thực. Thử hỏi người viết có dụng ý gì? Theo thiển ý, nhấn mạnh đến sự chỏi ngược giữa hai cao đệ ưu tú nhất của Ngũ Tổ tức đồng thời nhấn mạnh đến thực chất của Thiền, độc lập ngoài học hỏi và kiến thức. Nếu Thiền, như chủ trương của các bậc Thiền đức, là “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” thì sự hiểu Thiền chẳng dành riêng cho ai, dầu là người dốt và người không học đạo giáo. Cái cao của Huệ Năng, nhân đó, càng cao thêm trên ngôi vị Thiền Tổ. Chắc chắn vì lý do ấy người ta đã làm Lục Tổ Huệ Năng thành một người dốt, mà đôi khi còn dốt một cách bi tráng nữa. 

Thứ nhì, tại sao Huệ Năng áo pháp không nên truyền nữa? Nếu Hoằng Nhẫn dạy Năng giữ lấy cái áo ấy, lời khuyên ấy thật sự ngụ ý gì? Nói rằng mạng sống của người được áo sẽ bị hăm dọa, điều ấy chứng tỏ giữa môn nhân của Hoằng Nhẫn có nạn tranh giành. Họ coi áo là tiêu biểu cho tổ vị chăng? Nhưng được áo thì được gì, về đời và về đạo? Giáo lý Đạt Ma nay đã được coi là chánh pháp thừa truyền từ Phật chăng? Và nếu thế thì áo không còn ý nghĩ tương đối nào hết đối với đạo lý Thiền sao? Nếu vậy thì khi lần đầu tiên Bồ Đề Đạt Ma tuyên bố sứ mạng đặc biệt của ông là Thiền Sư truyền tâm ấn Phật, ông có bị coi như ngoại đạo, và bị ngược đãi không? Truyền thuyết ông bị các đối phương người Ấn đầu độc hầu như cốt làm cho ông cao lớn thêm. Dầu sau, vấn đề áo vẫn liên quan mật thiết với quy chế truyền thừa Thiền pháp của các trường phái Phật giáo đương thời cũng như với uy tín của Thiền đạo vững chắc hơn lúc nào hết trong tinh thần đại chúng.

Thứ ba là sự mật truyền y pháp trong đêm giữa Hoằng Nhẫn và Huệ Năng khiến ta phải đặc biệt chú ý. Nâng một chú nhà quê chuyên bửa củi giã gạo trong chùa, một chú nhà quê chưa quy y thọ giới nữa, lên ngôi vị tổ, dầu chỉ mới là tên gọi thôi, để kế vị một đại sư thống lãnh năm bảy trăm đồ chúng, hẳn phải gây mầm ganh tị, và thù oán là khác. Nhưng thực sự nếu đó là người đủ thực ngộ để đảm nhận trọng trách tống lãnh tăng đoàn thì sự phối hợp chung của thầy và trò há không thắng qua mọi sự chống đối sao? Có lẽ dầu ngộ đạo vẫn không thắng nổi dục vọng của thế gian, phi lý quá, trẻ con quá. Dầu vậy, tôi vẫn không thể không nghĩ rằng nhà chép sử Huệ Năng có ý bi kịch hóa tấn kịch. Có lẽ tôi nghĩ lầm thật đấy, vì có lẻ tựu trung còn nhiều tình tiết éo le khác mà nay ta không biết vì thiếu tài liệu lịch sử.

Ba ngày sau khi Huệ Năng đi khỏi Hoàng Mai Sơn thì tin mật truyền y bát tràn lan khắp chốn già lam, một số tăng phẫn uất do Huệ Minh cầm đầu đuổi theo Huệ Năng. Qua một hẻm núi cách chùa khá xa, thấy nhiều người đuổi theo kịp, Năng bèn ném cái áo pháp trên tảng đá gần đó, và nói với Huệ Minh: “Áo này là vật làm tin của chư tổ, há dùng sức mà tranh được sao? Muốn lấy thật cứ lấy đi!” Huệ Minh nắm áo cố dở lên, nhưng áo nặng như núi. Ông ngừng tay, bối rối, rồi run sợ.

Tổ hỏi: Ông đến đây cầu gì? Cầu áo hay cầu Pháp? Huệ Minh thưa: Chẳng đến vì áo, chính vì Pháp đó.

Tổ nói: Vậy nên tạm dứt tưởng niệm, lành dữ thảy đừng nghĩ tới.

Huệ Minh vâng nhận.

Giây lâu, Tổ nói : Đừng nghĩ lành, đừng nghĩ dữ, ngay trong lúc ấy đưa tôi xem cái bổn lai diện mục của ông trước khi cha mẹ chưa sanh ra ông. 不 思 善, 不 思 惡, 正 當 與 麼 時 還 我 明 上 座 父 母 來 生 時 面 目 來

Thoạt nghe, Huệ Minh bỗng sáng rõ ngay các pháp(chân lý) căn bản bấy lâu tìm kiếm khắp bên ngoài ở muôn vật. Cái hiểu của ông bây giờ là cái hiểu của người uống nước nóng lạnh tự biết. Ông cảm động quá đỗi đến toát mồ hôi, trào nước mắt, rồi cung kính đến gần Tổ chắp tay làm lễ bạch:

Ngoài lời mật ý mật như trên còn có ý mật nào nữa không?

Huệ Năng nói: Điều tôi nói với ông tức chẳng phải là mật. Nếu ông tự soi trở lại sẽ thấy cái mật là ở nơi ông.

Dầu những hoàn cảnh lịch sử bao quanh Huệ Năng trong những ngày xa xôi ấy diễn ra thế nào, điều chắc chắn là câu: “thấy cái bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”[32] đúng là một thông điệp mới, mới được công bố lần đầu, để khai diễn ra dòng sử Thiền vô tận, và nâng Huệ Năng lên hàng Tổ xứng với cái áo pháp. Đó là một chân trời mới Huệ Năng mở ra cho Thiền cổ truyền Ấn Độ. Ở cách nơi ấy, ta không thấy có gì là Phật giáo hết, thế nghĩa là Huệ Năng tự vạch ra một con đường riêng để diễn đạt chân lý Thiền theo kinh nghiệm riêng, độc đáo, và đầy tinh thần sáng tạo. Trước Huệ Năng, để biểu thị kinh nghiệm ấy, người ta vay mượn đó đây mượn chữ cũng như mượn phương pháp. Nói rằng “Ông là Phật” hoặc “Ông và Phật vốn là một” hoặc “Phật ở trong ông” thật quá sáo, quá chìm, vì quá trừu tượng, quá khái niệm. Những câu ấy đành là có chứa đựng một chân lý thâm diệu nào đó, nhưng thiếu cụ thể, không đủ sanh khí lay hồn ta dậy trong giấc ngủ ngầy ngật và vô tri - những câu nói bác học chìm lỉm giữa trừu tượng là từ chương vậy. Huệ Năng, chất phát ở tâm, mộc mạc ở trí, không nhiễm phải cái học của đời và đạo, Huệ Năng có thể nắm lấy chân lý nóng hổi trong tay. Và đó là chỗ tươi mát khác thường của tâm trí trong khi tiếp xử với đời. Chúng ta có thể trở lại điểm ấy sau này.

Xem mục lục