Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Cớ sao? Vừa lên giới phẩm, liền khoác (dóc) ta là Tỳ-kheo.

Câu trên, mới thấm thể vô tác. Câu dưới, chưa đủ đức chỉ ác. Do vì, danh và hạnh chưa đáng, chẳng xứng với nghĩa Tỳ-kheo.

Từ biệt song thân, vào nhà Tam bảo, trong siêng… ngoài rộng… đấy là, vốn vì kỳ cho được ra khỏi đường sanh tử. Cớ sao mới vào trong số đại tăng, liền vội tham tài, tham thực, cả danh lẫn lợi, buông chơi lung tình, gây cái nhân hữu lậu, kết cái quả sanh tử, mâu thuẫn với sơ tâm, bỏ mất cái hạnh xuất ly ư ?

Vừa lên giới phẩm, mới thụ giới cụ túc, thể vô tác mới thành.

Giới phẩm có bốn hạng: 1-Ngũ giới, 2-Thập giới, 3-Cụ túc giới, 4-Bồ-tát giới. Hai giới trước và sau là đều thông đồng chúng tại gia. Hai giới giữa là, chỉ riêng cuộc về chúng xuất gia.

Ta là Tỳ-kheo, là người đã thụ giới cụ-túc.

Tỳ-kheo, tiếng Phạm là Bhiksu, hàm có cả ba danh nghĩa: 1- Phá ác, 2- Bố ma, 3- Khất sĩ. Bởi bao hàm ba nghĩa ấy mà chữ Nho Trung Hoa không thể phiên dịch được, nên vẫn còn để nguyên bổn âm (tiếng Phạm).

Ký: Vô tác, cũng gọi là vô giáo, lại là vô biểu sắc, tức là giới thể, từ khi “Bạch tam Yết-ma” mà đắc, đắc giới thể đây rồi, mặc ý thôi dứt điều ác, tha hồ tự tiện làm lành, không dụng tâm làm đi làm lại việc sái quấy nữa, nên gọi là vô tác. Chỉ: thôi dứt các điều ác, khiến chẳng cho gây lại.
Phá ác, đứng về khi ban đầu đắc giới, do nghe ba lần pháp Yết-ma, mà nảy ra cái “thiện luật nghi”, nên phá được ác luật nghi.

Còn như về mặt phổ thông tu hạnh giải thì, hay phá được các điều ác của kiến hoặc và tư hoặc.

Bố ma, đã hay phá ác, nên trời ma vương lo nghĩ rằng “Người ấy chẳng những chỉ siêu xuất ngoài cõi xứ của ta, hoặc còn có thể truyền đăng kế Tổ, chuyển hóa quyến thuộc của ta nữa, bỏ trống cung điện không ai ở, vì chúng đã xả tà qui chánh”. Nên ma vương lấy làm lo sợ!

Khất sĩ, khất là cái danh khất cầu, sĩ là tiếng xưng thanh nhã. Nghĩa là, bên trong thì tu tạo cái đức thanh nhã, với ngoài thì xa lìa món ăn tứ tà(47), tự xử lấy cái mạng trong sạch, để làm phước lợi cho chúng sanh, phá cái tâm kiêu mạn, giữ cái hạnh khiêm nhượng tự thấp, rao xin nuôi thân, để tạo thành cái đức thanh nhã.

Kẻ xuất gia ngày nay, mưu cầu đã nhiều, chứa để cũng lắm thì đâu có xứng với cái đức thanh nhã, thế đã mâu thuẫn với cái danh khất sĩ, đâu còn là Tỳ-kheo ư!?

Hoặc tiêu xài của đàn-na, hoặc ăn dùng của thường trú.

Câu trên rõ của tín thí; câu dưới rõ của tăng vật. Thì ra, dẫu một tấc tơ, một nhỏ nước, cũng khó mà tiêu đặng, nếu ta chẳng có cái đức giữ giới, phương chi là cả bốn món của đàn-việt cúng dường và hằng ngày thụ dụng của tăng-kỳ ư?

Đàn việt, Đàn là tiếng Tây Vực, đây dịch là thí; Việt là lời của phương đây. Nghĩa là, người mà năng hành cúng thí, thì về sau mỗi đời vượt (việt) qua khỏi biển khổ bần cùng. Như kinh Địa Tạng nói “Thí nhứt đắc vạn báo”.

Một danh từ thường trú mà, có bốn mặt luật:

1-Thường trú thường trú: của chùa trong chùa như Tăng tự, Tăng phòng, Tăng xá, cả các khí cụ, cây cối, hoa quả, ruộng vườn, già-lam dân và súc vật…, do là thể nó chỉ cuộc của chùa đương xứ, không đồng với các chùa nơi khác chỉ ở đó thì được thụ dụng tại đó, chứ chẳng được thông đồng chia bán, nên nói lặp lại hai chữ Thường trú.

2-Thập phương thường trú: như tứ sự cúng dường trong chùa mà chúng tăng thực dụng hằng ngày, dù thể nó thông đồng tăng khách nơi mười phương (vì tới lui thết đãi nhau), nhưng chỉ cuộc ở nơi chùa bổn xứ.

Hai thể dụng trên, chung gọi là của tăng-kỳ vật(48).

3-Hiện tiền hiện tiền, nghĩa là, chúng Tăng hiện diện được lãnh tài vật của người cúng thí, vì chỉ cúng thí cho chư Tăng hiện diện tại chỗ chùa này.

4-Thập phương hiện tiền (dù chư Tăng các chùa khác mà có sự hiện diện tại đây), giả như, đồ đạc, vật mọn của năm chúng (Sa-di, Sa-di ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni) đã qua đời, nếu chưa làm pháp Yết-ma thì, vật mọn ấy thể nó thông đồng thập phương Tăng, còn như đã làm pháp Yết-ma rồi thì, tài vật ấy thuộc về chúng tăng có mặt hiện tiền.

Hai thể dụng ấy gọi là của hiện tiền Tăng vật.

Ký: Sở tu là cần dùng (tiêu xài) nghĩa nó thông đồng cả ăn lẫn dùng. Khích dụng, khích: nuốt vào, nghĩa nó chỉ cuộc về uống và ăn, như y dược. Dụng: dùng, nghĩa nó thông đồng cả y phục, ngọa cụ, phòng xá…

Chẳng biết xét nghĩ chỗ đến, bướng rằng lẽ phải cúng dâng.

Câu trên, mất quan sát (ngũ quán); câu dưới, luận nghị si mê. Do vì không có cái huệ quán xét, nên chẳng biết cái phép tư duy. Bởi ngu si u ám, nên riêng sanh cái ý kiến ngây dại. Thế, không biết xấu, chẳng hổ ngươi, nên nhân đó mà phát sanh ra cả các thói ngã mạn, giải đãi, tham lam và tật đố.

Thổn: Kể đo nghĩ kỹ. Tư: tính lường. Vị ngôn: nói bướng, tức tự thốt ra lời nói phi nghĩa. Pháp nhĩ là lẽ phải vậy. Hiệp cung có hai nghĩa, 1-Thí chủ kia lẽ phải cúng dường nơi ta. 2-Ta đáng phải thụ người cúng.

Lai xứ: chỗ đến. Người thụ phải quán xét: kể ra, cơm trong một bát đây, kẻ làm ra cơm, công lao chẳng ít, người thí chủ bớt phần của vợ con, đến cúng cho ta, để gây ruộng phước, giới đức của ta nếu chẳng hoàn toàn, đâu nên thụ người cúng! Mặc dù các giới đức đều đủ, còn cần phải tu hạnh quán tưởng mới có thể tiêu dùng của tín thí.

Kinh Văn Thù Vấn nói “Với cơm của thí chủ, cũng chẳng nên ăn, nếu Bồ-tát không tư duy ngũ quán”.

Ký: Kinh Ca-Diếp chép rằng bấy giờ, có năm trăm vị tân học Tỳ-kheo tự kiểm thảo rằng “Chúng ta chẳng thể tinh tiến tu học gì, e không kham nổi tiêu dùng của tín chủ cúng dường, thôi chúng ta nên xin phép huờn tục”.

Đức Văn Thù Bồ-tát khen phải chấp thuận rằng “Như đã tự xét, chẳng thể tiêu rỗi được vật thực của thí chủ cúng thí, thà nên một hôm nọ mà mấy trăm Tỳ-kheo huờn tục còn hơn, chứ chẳng nên phá giới rồi mà, chỉ ở lại một ngày để thụ của người tín thí”.

Phật bảo Văn Thù rằng “Có kẻ lo tu thiền giải thoát, ta cho kẻ ấy được phép thụ vật thực của tín thí”.

Từ Ân pháp sư nói “Chẳng nuôi tằm, dệt vải mà mặc áo, không cày ruộng cấy gặt mà ăn cơm, cô chức nữ, anh nông phu nhọc đổ mồ hôi, vì ta nên đạo nghiệp, nên thí chủ đem dâng, đạo nghiệp chưa thành đâu tiêu được”.

Từ Thụ Thâm thiền sư quở rằng “Ngày nay có bọn sơ học Tỳ-kheo, chỉ thích ăn no ngủ kỹ, mặc tình qua ngày, còn than phiền là chẳng được mấy xứng ý. Chứ họ có biết đâu rằng người xuất gia, tỷ như một viên đá mài dao, nghĩa là, tất cả ai nấy (các thí chủ) cũng đều tự muốn lưỡi dao của họ bén (muốn được phước), nên đem dao đến mài trên viên đá, mài đi, mài lại (cúng thí nhiều lần), mỗi lưỡi dao của chúng đều được bén, mà viên đá của mình (người xuất gia) dần dần mòn mỏng (bị chúng lễ cúng mà tổn phước).

“Có bọn (cũng kẻ xuất gia) kia, lại còn trách cứ người ta (thí chủ) sao chả đem dao đến mài trên đá hắn, vì hắn tự hào đá của hắn có chỗ hay lắm”.

Lời của ngài Từ Thụ rất thiết đáng, tỷ như chích mũi kim vàng trúng vào chỗ bệnh của người (kẻ xuất gia ham cúng dường)! Giả sử, viên đá của mình đã cứng như ngọc kim cang (giới đức hoàn toàn), thì chẳng ngần ngại trách chúng chẳng đem dao đến mài.

Trí Độ Luận nói “Gẫm nghĩ cơm đây, từ vỡ đất cày bừa, gieo cấy, giẫy cỏ, cắt gặt, đạp lúa, giũ rơm, xay thóc, giã gạo, vo gút, xôi nấu đây mới thành ra cơm, công dụng nặng nề lắm. Kể ra, cơm trong một bát đây những người làm ra, thiếu điều đổ mồ hôi cục, mới thành ra được, nên chỉ một bát đây tuy chả bao lăm mà công lao mồ hôi quá nhiều. Đấy, làm ra cơm đây, công nặng tân khổ như thế”.

Ăn nuốt vào khỏi cổ rồi, liền thành đồ bất tịnh, lại không còn giá trị gì nữa, trong khoảng cách đêm, nó biến thành vật đại tiểu tiện, đó, nguyên là mỹ vị, ai cũng ưa thèm, liền biến thành bất tịnh, ai cũng gớm chả muốn ngó!

Hỡi các hành giả! Tự phải nghĩ nhớ món tệ thực như thế, ta mà tham đắm, phải đọa địa ngục, để rồi trả quả bằng cách nuốt hoàn sắt đốt đỏ…!

Từ địa ngục ra rồi, phải đọa vào súc sanh, như là trâu, ngựa, bò, dê, lạc đà, để rồi đền bồi nợ đời trước của thí chủ, hoặc đọa làm con heo, con chó, thường ăn đồ bất tịnh như phẩn uế.

Đối với vật thực, chúng ta cần quan sát như thế, sanh cái lòng tưởng chán lìa, nhiên hậu mới xiết thụ thực.

Đạo An pháp sư nói “Cơm của thí chủ giảm bớt phần mình nên quá thâm trọng, sở dĩ, một hột gạo mà có thể nặng bằng bảy cân, kẻ xuất gia mà không giữ giới, ăn của tín thí, sau khi chết rồi, đọa vào chốn Thái Sơn Phủ Quân, đốt hoàn sắt cho ăn, nấu nước đồng cho uống, chịu thống khổ như thế, kinh Pháp Cú đã kể bày”!

Chính chỗ bảo “Kẻ học đạo mà bất thông lý, đem thân trả nợ cho tín thí, trưởng giả tuổi đến tám mươi mốt, cây trong vườn chẳng mọc nấm nữa”. Bằng như một niệm sáng suốt lại, chợt cùng hợp với đạo lý, muôn lượng vàng ròng cũng tiêu được.

Ăn rồi, dụm đầu reo reo (ào ào), chỉ nói chuyện bậy nhân gian.

Câu trên nêu chung; câu dưới thích riêng. Do reo reo, chưa rõ ra lời chi,nên thích rằng “nói câu chuyện xằng bậy của nhân gian”.

Khích liễu: ăn no rồi. Tụ đầu: cùng nhau dụm đầu. Tạp thoại: lời nói của thế tục, chả dính líu gì với tiếng nói của kinh luật. Hãy trong không hay chính niệm, nên ngoài thốt lời bậy bạ. Không tu pháp quán huệ, đâu biết xét nghĩ. Chẳng riêng kiểm thảo ba nghiệp, thì, cái tâm sở điếu cử là những cái mà hạnh thô, tướng tục, tưởng bậy nói xằng do đó sanh ra.

Kinh Di Giáo nói “Hễ mỗi lời hí hước, thì tâm niệm tán loạn, dù đã xuất gia, hãy chưa giải thoát! Thế nên, kíp phải xả lìa cái tâm hí luận tán loạn, để cầu lấy cái vui vô vi tịch diệt. Muốn đắc cái vui tịch diệt, chỉ phải khéo thâu nhiếp cái phóng tâm, để diệt trừ cái bệnh hí luận(49)”.

Trường Lô Sách thiền sư tự cảnh văn nói “Nếu mà trộm bàn việc chánh trị của triều đình, riêng phẩm bình các quận huyện quan liêu, giảng năm đặng mất mùa trong cõi nước, luận thói tốt xấu của phong tục. Nhẫn đến, việc mọn của kẻ thợ, lái buôn, chuyện phiếm nơi chợ quán, giếng nước. Cơn binh qua ngoài bờ cõi, trận giặc giã chốn trung nguyên. Áng văn chương hay dở, phường kỹ nghệ sang hèn. Quần áo, uống ăn, hàng hóa, của cải. Khoe chỗ hay của mình, giấu việc tốt của chúng. Nêu bày điều lỗi trống, vạch chỉ chỗ vít kín. Đã trái phước nghiệp, vô ích đạo tâm. Du ngôn(50) như thế, đều tổn thật đức! Ngồi không luống tiêu của tín thí, ngửa mặt hổ với long thiên! Tội mới đầy chén, hoạn trọn ngập đầu!(51)

Sao thế! Chúng sanh bị lửa khổ(52) đốt cháy tứ bề(53), há khá rỗi yên, ngồi bàn vô nghĩa. Cổ Đức (thiền sư) còn rằng tự cảnh (răn mình), chúng ta là người hạng nào sao chẳng tự nghĩ!?

Ký: Huyên là nói lớn tiếng reo ồn. Điếu cử, có ba:

1-Cái thân điếu cử, nghĩa là, cái thân ưa đi dạo chơi, làm các trò hí hước, chẳng chút ngồi yên, thế là cái thân lau chau. 2-Cái khẩu điếu cử: miệng lưỡi lua khua, nghĩa là, ưa thích ngâm vịnh, giành cãi thị phi, vô ích hí luận, tán tỉnh chuyện thế gian. 3-Tâm điếu cử: ý thức tháy máy như là, tâm tình buông lung, thả niệm vướng víu lung tung, lo nghĩ làm bài vở, học nghề nghiệp của đời, bao điều ác giác quan(54)…

Đời nhà Tống tại chùa Quang Hiếu, ngài An thiền sư, khi ở trong giờ tọa định, thấy hai ông sư đứng dựa ngoài cửa sổ dưới hiên để nói chuyện với nhau, ban đầu thấy có vị thiện thần vòng tay nghiêng mình để nghe, giây lâu rồi bỏ đi nơi khác; xảy lại có ác quỷ đi đến tỏ thái độ khinh bỉ, khạc nhổ, lấy chổi quét dấu chơn của hai ông sư. Sau giờ ra định, gạn hỏi duyên cớ thì biết rằng hai sư ấy, ban đầu luận về câu chuyện Phật pháp, có thứ tự rỗng rãng; rốt sau nói về chuyện tư sanh trưởng dưỡng! Từ đó nhẫn đi, ngài An thiền sư trọn đời, chưa hề nói đến chuyện đời.

Luận nói “Có hai Bật-sô, cùng đi dọc đường, nói những câu chuyện phi pháp; bấy giờ có quỷ dạ xoa tên là Bất Tín, muốn hớp hồn của hai sư ấy!”
Phật dạy “Bật-sô khi đi trên đường, cần phải suy nghĩ việc lành, có hai điều kiện: 1-Nói những lời pháp ngữ. 2-Hoặc làm thinh như bậc thánh yên lặng; đi đến chỗ nghỉ, thuyết bài già-đà của Phật giáo”.

Người đời nay, trọn ngày rảnh ngồi bàn chuyện lăng xăng bậy bạ, hãy còn chẳng khỏi bị quỷ thần quở trách thay, mà muốn cầu các Ngài ủng hộ thì, đâu có thể được ru!?

Thế thì, một kỳ đua vui, đâu biết vui là nhân khổ.

Câu trên rõ quá lung vui, câu dưới rõ nguyên nhân khổ. Nghĩa là, đời nay lung tình thả theo cuộc truy hoan trong trường dục lạc, tức là tạo cái nhân khổ cho đời đương lai. Cái khổ nhân đã tích tập từ đây thì, cái khổ quả đưa đến. Nên nói “Tạo nhân chẳng ngay thì, kết quả quanh vạy, trả liền trước mặt, chết rồi trầm luân”, đây bảo thế chẳng.

Một kỳ: sự thụ thân của các chúng sanh, tuy rằng thọ mạng (mạng sống lâu) mà, hoặc dài hay vắn chẳng đồng nhau, song, đều là cái quả báo trong một thời kỳ.

Thế thì, một đời (một kỳ) rượt theo cuộc chơi vui, thực là, để rồi tự chịu khổ ương cả muôn kiếp!

Ký: Vui năm điều dục lạc, tức là tài, sắc, danh, thực, thùy. Cũng gọi ngũ trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nghĩa là, năm điều ấy hay khiến người sanh ra cái tâm tham dục, nên gọi là Dục; cũng là hay làm ô nhiễm chân lý, nên gọi là Trần. Sách Chỉ Quán nói “Ngũ trần chẳng phải là dục mà, trong đó, nó có cái mùi vị bị hành nhân năng sanh cái tâm tham dục, nên nói là ngũ dục”.

Trí Độ Luận 17 nói “Thương cho chúng sanh, thường bị ngũ dục làm khổ, thế mà, chúng cứ tham cầu mãi không thôi. Với ngũ dục, hễ cầu được lại càng hăng sướng, tỷ như bệnh lác được hơ lửa. Ngũ dục không ích gì, như chó nhăn cây đuốc lửa. Ngũ dục càng giành, như bầy chim giành thịt. Ngũ dục đốt người, như cầm đuốc lửa đi ngược gió. Ngũ dục hại người như đạp lên con rắn độc. Ngũ dục không thực, như nằm mộng được vật gì đó. Ngũ dục chẳng bao lâu, như tạm mượn trong giây phút. Người đời ngu lầm, tham đắm ngũ dục, đến chết không buông, làm cho đời sau, chịu vô lượng khổ!”

Kiếp trước theo trần (trần túc, tập quán), chưa hề xét lại.

Câu trước, rõ thuận theo tập quán trần tục. Câu sau, rõ mê mất nhãn quang trí huệ.

Bởi từ vô thỉ lại, chỉ một bề thuận theo cái tập tánh mê hoặc của tự mình, rượt mãi theo những cảnh vọng ảo của trần tục, cho đến ngày nay vẫn còn tưng bừng trong tâm khảm, chưa hề một niệm hồi đầu soi xét lại để biết là quấy thì, làm gì có thể siêng tu định huệ, để phủi trừ những tập tục mê hoặc kia, hầu ra khỏi cảnh trần lao.

Ký: Vãng kiếp là kiếp trước, ngày kia. Kiếp: thời kỳ cực dài(55) tức là từ kiếp vô thỉ đến nay. Trần, trần cấu: bụi nhơ, nghĩa là ô nhiễm, tức là các điều vọng trần, mê hoặc, tập quán, nó thường làm cho chân tánh tự tâm bị nhiễm nhơ, chẳng thấy được đạo, nên gọi là Trần.

Giờ, ngày lu lấp, tháng, năm chần chờ.

Câu trên bỏ mất qua ngày đêm. Câu dưới bỏ mất qua năm tháng. Yếm một: vùi lấp. Ta đà: luống mất ngày giờ. Nếu chẳng chuyên tu định học, huệ học, chẳng những mai một quang âm mà thôi, lại thực là luống mất trăm năm nữa.

Ký: Nói giờ ngày là cả ngày lẫn đêm. Thời là nói cả mười hai can chi(56). Quang là tam quang(57).

Tiêu xài quá nhiều, lợi chủ càng lắm.

Câu trên, là tự tiêu dụng. Câu dưới, là thí chủ vì cầu phúc, nên cúng dường không nhàm; mà kẻ thụ thí, phải sanh cái niệm biết tàm quý, biết tự lượng mà thụ dụng.

Rằng thụ dụng là thu nạp để tư nhuận nơi thân tâm bằng cách lung tình hưởng của thí chủ.

Ân phiền (quá nhiều) là bốn món cúng dường càng nhiều, ngoài trăm món mỗi một, lại thêm dư dả.

Thí lợi (lợi chủ) là cả tứ sự cúng dường, với bách nhứt sở tu(58). Quá nhiều (ân phiền), càng lắm (nồng hậu), cái danh chữ dù khác mà đồng nghĩa với nhau.

Ký: Ngài Huệ Hưu pháp sư, hơn ba mươi năm chỉ mang có một đôi giày, có rách thì chằm chắp, chứ không đổi bỏ, mỗi khi đi đường, gặp chỗ đất mềm bủn thì cởi xách mà đi chơn truồng; người ta hỏi sao thế? Ngài thường đáp rằng tín thí nan tiêu. Ngài từng dạy chúng “Các người ngày nay, với mỗi món thụ dụng, chưa đói đã ăn lặt vặt, chưa rét đã bận áo ấm, chưa dơ đã đi tắm giặt, chưa buồn ngủ đã đi nằm ngủ, đạo nhãn chưa sáng suốt, vọng tâm chưa diệt hết, thế thì làm sao tiêu nổi được của tín thí!?”

Ân: thạnh lắm. Phiền: nhiều lắm. Nồng: chẳng lợt lạt. Hậu: chẳng mỏng mẻo. Tứ cúng: ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược. Bách nhứt là đồ đạc vật dụng của thầy Sa-môn để cần dùng hộ thân.

Trải lâu năm tuổi(59) chẳng toan bỏ lìa.

Câu trên, nói về thời gian; câu dưới, nói về tâm mê. Do tiêu xài quá nhiều, đắm mùi chẳng thôi nên đến đỗi lửng quên, đã trải qua từng bấy tuổi năm mà, chưa từng sanh một quan niệm chán nhàm lìa bỏ.

Ký: Nghĩ là toan liệu trước rồi sau mới làm, tức xét soi để đợi dịp tiện bề thi thố.

Ngài Chu Dung thiền sư nói “Vì chán khổ trần lao, cầu thoát đường sanh tử, thôi thức tâm, dứt vọng niệm, đoạn tuyệt hẳn cái tình cảnh phan duyên (sáu căn vín vướng với sáu trần), nên gọi là xuất gia; đâu nên húng hính theo lợi dưỡng, đành mai một cả bình sanh. Chỉ cần hai đầu(60) vẹt ra, chính giữa buông xuống. Gặp thanh gặp sắc, như trên đá trồng hoa, thấy lợi thấy danh, như trong mắt bị bụi. Phương chi, từ vô thỉ lại, không phải không từng đã trải qua rồi, cần gì còn khắn khắn tham luyến? Nếu nay chẳng thôi, đợi khi nào nữa!?

Chứa nhóm ê hề, tưng tiu xác huyễn.

Câu trên, súc tích những tài vật không kiên cố. Câu dưới, bảo dưỡng cái nhục thân như mộng hoạn. Nghĩa là, nhóm chứa tài vật không bền chắc của tứ cúng, để giữ gìn thân vật chất mộng ảo của ngũ ấm. Một mai cơn vô thường đến thì, của chứa cất kia dùng chi? Thân tứ đại phân tán, công giữ gìn ấy đâu còn!?

Nên Tịnh Trú Pháp nói: Với cái sanh chẳng thể bảo đảm mà, chỉ muốn kinh doanh cái sanh; với cái tư nó nhất định đến mà, chả biết đoái lo cái tử. Huống chi cái sanh mạng nguy kịch đây, nó hung hiểm, biến đổi vô thường trong một chốc lát bất ngờ thoạt chết!

Song, với nguyên nhân ác, đã nhóm chứa từ đây, thì với quả báo ác cũng khó trốn! Hễ, cái hình vạy thì cái bóng xiên đâu phải lời dối ru?

Ký: Tiền tài đồ vật, đều thuộc về năm nhà sau đây nên nói là không bền chắc: 1-Bị nước chìm trôi. 2-Bị hỏa hoạn cháy mất. 3-Bị đạo tặc cướp trộm. 4-Bị kiện đến quan lại được dâng. 5-Bị ác tử làm hư gia phá sản.

Ngài Vô Tác thiền sư nói “Người mà phước yếu (ít), tiền tài mạnh (nhiều) thì tất nhiên bị ương họa vì tiền tài; đức mỏng nhỏ mà lãnh trách nhậm to tát thì mau thành tai hại vì trọng nhậm! Người xưa, chỉ cầu cho cái tâm được thông đạt, chứ chẳng cần cho cái thân hiển đạt. Với người bực hiền, ta chẳng nên che giấu, mình mà được bực hiền, không nên khoe bày. Nếu được như thế, là tự biết cái mạng, hợp cùng cái đạo, tự bảo toàn được trọn một đời của mình vậy”.

Đức Đạo sư có dạy răn nhắc thầy Tỳ-kheo “tiến đạo nghiêm thân, ba thường chẳng đủ” (không tham nhiều dư).

Hai câu trên, răn bảo gắng cần, hai câu dưới, khai thị pháp huấn. Đức Như Lai là ngôi pháp vương cả tam giới, đấng Đạo sư của tứ chúng. Biết hết tánh người, xem theo căn cơ, truyền trao pháp lý, như hợp bệnh nào cho thuốc nấy. Thế nên lập thành phương pháp, chế ra giới luật, dạy bảo các hàng đệ tử, tu hành tấn đạo, cốt phải tinh chuyên cần mẫn, ít muốn, biết đủ, dùng ba sự để tự sửa mình. Ba sự là ẩm thực, y phục và thùy miên.

Vì ba sự ấy khiến người bị che tối, thành ra cái nhân duyên chướng ngại đạo. Nên Phật dạy thường cần chẳng đủ, mới hợp với đạo.

Ký: Đạo sư là Thầy hướng đạo dẫn đường chỉ ngõ cho chúng sanh, ra khỏi nhà lửa tam giới.

Kinh Tư Ích nói “Đối các chúng sanh, phát tâm đại bi, khiến vào chánh đạo, chẳng cầu trả ơn, nên gọi là Đạo sư”.

Kinh Báo Ân nói “Mở bày nẻo Niết-bàn, khiến đặng chân thường, chân lạc nơi cảnh vô vi, nên gọi là Đại đạo sư”.

Kinh Di Giáo, Phật dạy “Các ông Tỳ-kheo! Nếu muốn thoát ly mọi điều khổ não, cần phải xem ngay pháp tri túc, vì pháp tri túc, tức là chỗ giàu vui an ổn. Người mà tri túc, dẫu nằm mặt đất, cũng là an vui. Người chẳng tri túc, tuy ở thiên đường, cũng chẳng vừa lòng. Người chẳng tri túc, tuy giàu mà nghèo. Người mà tri túc, tuy nghèo mà giàu. Người không tri túc, thường bị ngũ dục lôi cuốn, làm cho người tri túc thấy mà xót thương!”

“Các ông Tỳ-kheo! Thụ món ăn uống, phải như uống thuốc, với ngon và dở, chớ muốn thêm bớt, vừa đủ nuôi thân để dứt đói khát, như ong hút hoa, chỉ dùng cái vị, chẳng tổn sắc hương. Tỳ-kheo cũng thế, chịu người cúng dường, vừa đủ dứt ngặt, chớ đặng tham nhiều hoại thiện tâm người.”

Lại nói “Các ông Tỳ-kheo! Tự rờ đầu mình, đã bỏ trau chuốt, bận áo hoại sắc, tay bưng bình bát, đi xin sự sống”.

Lại nói “Các ông Tỳ-kheo! Ngày thì lòng siêng, tu tập pháp lành, đừng cho mất giờ, đầu đêm, sau đêm, cũng chớ bỏ tu, giữa đêm tụng kinh, để tự tiêu tức(61), chớ quá ư ham ngủ, khiến luống qua một đời, không sở đắc gì! Phải nhớ lửa vô thường đốt cháy thế gian, sớm cầu độ mình, chớ ham nghỉ ngủ”. Húc: khuyên gắng. Nghiêm: chính.

Người nhiều với ấy, đắm mùi chẳng thôi, ngày qua tháng lại, thoạt đã bạc đầu.

Hai câu trên là tham lợi dưỡng. Hai câu dưới là lửng qua đời mình. Ôi! Mãi tham thế lợi, hãy còn chưa nghỉ, phút đã tóc bạc đầy đầu! Ngày qua tháng lại, như lửa quay tròn(62), tin chết(63) chẳng bao lâu lại hầu đến.

Ký: Với ấy là ba sự (ẩm thực, y phục, thùy miên) trên kia. Tạp: thoạt, như gió thoạt vậy liền đến. Như kinh A Hàm nói “Có bốn việc trước chẳng bảo với người là 1-Đầu bạc, 2-Già nua, 3-Đau ốm, 4-Chết”. Thế là, với bốn sự ấy, chẳng thể trốn lánh, cũng không trừ khước.

Kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú, cần phải rộng hỏi bực tiên tri.
Câu trên, là nói người thiếu ích lợi; câu dưới, khiến nương trước được lợi ích. Nghĩa là, luống uổng sống già, mà không lời chi để tiếp dẫn kẻ hậu lai!

Muốn làm được sự lợi ích cho người thì phải lo cho phần tự lợi trước đã. Muốn được tự lợi thì, phải rộng hỏi bực tiên tri, hiểu suốt cái nguyên lý tâm tánh của Phật Tổ. Muốn được lợi tha thì, mình phải rõ thấu chân tông, rộng bày cái môn phương tiện của sự lý.

Rộng hỏi thì, chẳng phân biệt là người bực tôn hay bực ty, là không lấy làm hổ đến với kẻ thấp nhỏ hơn mình, chính chỗ gọi “y pháp bất y nhân” (căn cứ nơi pháp, phi cứ nơi người)
Rộng bày thì, bất luận là kẻ oan người thân (kẻ ơn người thù), không phân biệt kẻ sang người hèn. Chính chỗ bảo “Tâm từ thể chánh, pháp thí bình đẳng”.

Dẫu còn ôm ấp cái thành kiến bỉ ngã thì, mình với người đôi bên đều mất lợi.

Kinh Pháp Cú nói “Phàm là sự học thì, trước phải nghiêm chính lấy mình, nhiên hậu mới nghiêm chính cho người. Hòa mình vào huệ, ắt là trên tất cả.
Thân của mình chưa thể được lợi ích, đâu có thể làm ích gì cho ai! Tâm đã điều hòa, thể đã nghiêm chính thì, nguyện gì không được.

Tuy đọc được ngàn lời mà, chẳng thực hành thì ích chi, chẳng bằng chỉ nghe một lời mà, siêng tu được lợi ích. Dẫu đọc ngàn lời, không cầu lối thoát, chẳng bằng chỉ tỏ ngộ một lời, lìa hẳn tam giới. Dù đọc thuộc lòng một ngàn lời, chẳng gìn bi trí; không bằng chỉ nghe rõ một lời, mình cùng người đều được lợi.

Ký: Chỉ là tông chỉ của bộ kinh bộ luật. Thú, là chỗ sở qui của Tông. Tôn, là cao, là chuộng. Chỉ, là ý chỉ. Nghĩa là, kinh luật ma chỗ phải tôn sùng, phải chủ trương là ý chỉ, tức là chỗ qui thú cứu cánh.

Bác: rộng, lan rộng giao kết tham cứu. Vấn, là xin hỏi học thêm. Tiên tri là tiên giác.

Sự Sao chép: Cổ Đức nói “Rộng học là vì để cứu giúp cái nghèo về hiểu biết”.

Cao Tăng Truyện nói “Chẳng rộng học thì, lời nói không chỗ điển cứ, nên với sự học, chẳng chán sự rộng hỏi, hễ học hỏi được rộng thì là thông”.
Khổng Tử nói “Quân tử rộng học nơi văn tự, dón rút lại lấy lễ pháp, cũng khá dùng chẳng trái đạo vậy chăng? Dẫu sống mà nghèo nơi sự học là đứa nhụ phu(64), chết mà giàu nơi đạo học là người quân tử”. Thế được biết rằng, rộng học là giúp cho kiến thức khỏi bị nghèo thiếu.

Thầy Trang Tử nói “Người mà chẳng học, gọi là con thị nhục, học mà chẳng hành gọi là cái toát nang”.

Phất bạn: Chẳng trái đạo hạnh.

Toan rằng xuất gia, quí cầu ăn bận.

Hai câu đây là xâu kết văn trên, phát khởi văn dưới.

Tương toan, tức muốn, nghĩ, cũng là lời giằn gạn lại. Song, đã bỏ tình tục lụy đi xuất gia, vốn là lấy đạo làm trọng, chứ phi lấy ăn bận làm quí.

Ký: Ngài Đạo An pháp sư răn chúng rằng “Các ngươi đã xuất gia, bỏ tục từ vua, chẳng đoái tài sắc, không họp quần với đời, chả quí vàng ngọc, chỉ đạo là báu, khép mình giữ tiết, đành khổ hạnh vui phận nghèo, thân cận bực có đức, để tự độ mình, rồi ra độ người”.

Xem mục lục