Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Mùa thu năm 1957, tôi đi Mỹ để phiên dịch cho Bác sĩ Shin’ichi Hisamatsu khi ông được mời giảng dạy về "Thiền và văn hóa Thiền" với tư cách giáo sư thỉnh giảng tại khoa Thần học viện Đại học Harvard. Cùng với Bác sĩ Suzuki, chúng tôi lưu trú tại khách sạn Continental ở Cambridge khoảng sáu tháng. Ông thường giúp chúng tôi tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong việc dịch thuật ở hội thảo. Và khi Bác sĩ Hisamatsu có buổi giảng thuyết đại chúng ở thủ đô Washington, Bác sĩ Suzuki đã tình nguyện làm phiên dịch cho ông.

Bác sĩ Hisamatsu trẻ hơn Bác sĩ Suzuki mười bảy tuổi, là người mà ông gọi là Sư thúc, vì Bác sĩ Suzuki và Bác sĩ Kitarô Nishida, Sư phụ của Bác sĩ Hisamatsu, là bạn thâm giao từ thuở nhỏ. Bác sĩ Suzuki rất yêu và kính Bác sĩ Hisamatsu và coi ông như người có uy tín về Thiền tông.

Sau hôm đến Cambridge, tôi đi chợ cùng với Bác sĩ Suzuki. Trên đường đi ông bảo tôi: "Bác sĩ Hisamatsu rất giỏi về nghệ thuật Thiền. Ông có hiểu các họa phẩm Thiền không?" Tôi trả lời, "Không, con không rành lắm". "Thật sao? Tôi cũng không rành lắm. Vì Bác sĩ Hisamatsu là một người có thẩm quyền trong lĩnh vực nghẹõ thuật Thiền, tôi thường hỏi ý kiến của ông khi chọn tranh minh họa cho các sách của tôi. Nhưng ông ấy có khả năng phân biệt thật lạ lùng!" Ông nói, đầu hơi nghiêng nghiêng cúi xuống.

Trong khách sạn, phòng của Bác sĩ Suzuki nằm kế phòng của Bác sĩ Hisamatsu, còn phòng của tôi ở tầng trệt. Buổi tối, tôi thường thấy Bác sĩ Suzuki ngồi làm việc rất khuya. Gần như lúc nào ông cũng tham dự các buổi thuyết giảng đại chúng và các cuộc nói chuyện chuyên đề của Bác sĩ Hisamatsu. Có một hôm có chuyện rắc rối phải giải quyết, không đến được, ông bảo, "Thật tiếc tôi phải vắng mặt trong buổi hội thảo tối nay vì thấy hơi mệt." Bác sĩ Hisamatsu quí trọng nhất sự hiện diện đều đặn của Bác sĩ Suzuki ở các cuộc hội thảo, nên ông đáp, "Xin Thầy giữ gìn đừng để kàm việc căng quá có hại sức khỏe." Tối hôm đó, khi dự hội thảo về, tôi thấy Bác sĩ Suzuki đang ngồi Thiền. Ông ngồi trong ánh sáng lờ mờ, bên những nén nhang trầm tỏa cháy. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh của Bác sĩ Suzuki ngồi đó với cái cằm của ông hơi nhô ra.

Bài giảng của Bác sĩ Hisamatsu tiến triển, số người dự thính xin được ông hướng dẫn trực tiếp càng tăng. Người ta thường hỏi, "Hình như Thiền của Bác sĩ Suzuki hoàn toàn khác với Thiền của thầy. Theo thầy cái nào chính thống hơn?"

Loại câu hỏi như vậy giúp tôi thấy những khó khăn Bác sĩ Suzuki đã trải qua trên tiến trình đưa Thiền đến với phương Tây, và sự vĩ đại của ông trong việc làm cho nó trở thành phổ biến như ngày nay.

Ở Mỹ, Bác sĩ Suzuki được đông đảo người ngưỡng mộ. Ông gây sự chú ý của cử tọa ngay khi xuất hiện trên bục giảng, với dáng vẻ độc đáo và cách sử dụng tiếng Anh lưu loát ông chiếm ngay cảm tình của họ. Sau khi thuyết trình, nếu có câu hỏi, Bác sĩ Suzuki thường nhận được những câu viết để bổ sung cho thính giác yếu kém của ông. Đọc xong là ông trả lời lập tức từng câu một. Với những lời đáp sâu sắc và dí dỏm, thường là trường hợp trong các vấn đáp Thiền, cử tọa vỗ tay tán thưởng một cách thích thú. Có lần sau khi dự một cuộc thuyết trình như vậy, trên đường về tôi nói với Bác sĩ Hisamatsu: "Bác sĩ Suzuki quả là một người trác tuyệt, đúng không?" Bác sĩ Hisamatsu đáp: "Bác sĩ Suzuki độc đáo, nhưng chúng ta không nên cố bắt chước ông. Người ta phải tuyệt đối chính xác và trung thực khi nói về Thiền."

Trở về Nhật, Bác sĩ Suzuki với tư cách cố vấn Thiền viện F.A.S., thường đóng góp nhiều ý kiến quí báu cho chúng tôi. Ông nhận lời thuyết trình bất cứ lúc nào chúng tôi đề nghị. Một hôm, khi chúng tôi rảo bước từ Bắc môn chùa Myôshinji (Diệu tâm tự) đến Hôsekian (Bảo thạch am? am của Bác sĩ Hisamatsu), bất chợt Bác sĩ Suzuki nói, giọng xúc động: "Không biết Thiền sẽ như thế nào trong tương lai? Dù hiện tại chúng ta có những tự việntráng lệ như thế này, trừ khi chúng bị quét sạch hoàn toàn, chân Thiền sẽ không bao giờ có thể hiển lộ."

Sáng ngày 12 tháng 7, 1966, nghe tin tức trên đài tôi được biết Bác sĩ Suzuki đã từ trần. Ngay hôm sau tôi đi Liêm thương dự tang lễ của ông với tư cách đại diện của Viện F.A.S.. Tôi đến Tôkeiji (Đông khánh tự) buổi chiều ngày 13 đúng lúc quan tài ông đang được chuyển từ Đồ thư quán Matsugaoka xuống khu chính của chùa. Tại đây chúng tôi đã thức suốt đêm bên di thể của ông. Bằng hữu của ông từng người lần lượt nói lời vĩnh biệt. Sau chót, Cô Mihoko Okamura, thư ký của ông, đặt một xấp giấy trên ngực ông, và nắp quan tài được đóng lại. Cô khóc.

Không thể dự tang lễ của Bác sĩ Suzuki vì bịnh, Bác sĩ Hisamatsu đã gởi đến bức điện: "Vĩnh viễn chia tay, hằng hội ngộ". Cô Okamura, trong lúc đau buồn, nói là cô vô cùng cảm ơn những lời này. Khi tôi trở lại Đồ thư quán Matsugaoka, cũng chính trong căn phòng đã đặt quan tài của ông, tôi nhìn thấy bức trướng đề bài thơ của Sengai mà Bác sĩ Suzuki rất thích:

Ở giữa lòng thiện ác,
Ta nghe trong chiều
Gió mát.

Hôm sau, tang lễ của ông được cử hành tại chùa Tôkeiji, tôi thật sự xúc động trước bài kệ tống biệt của ngài Sàm chủ, Hòa thượng Sogen Asashina:

Kệ tống biệt
Vô vị chân nhân,
Con người vĩ đại;
Chín mươi lăm năm
Quay Bánh xe Nguyền;
Chợt biến mất.
Người đi đâu?
Trên Đồi Thông,
Lá xanh tươi;
Tháng Sáu.
Đèn Thiền lên tiếng,
Tỏa rạng thế gian.
Công đứữc người ai tưởng,
Kém La-thập, Huyền Trang?
Kwatz!

Lặng nghe những lời này, tôi cảm thấy bản thân Bác sĩ Suzuki đúng là "một chân nhân vĩ đại không danh hiệu". "Chín mươi lăm năm Quay Bánh xe Nguyền" quả đúng là người. Và ấn tượng hơn hết là hai câu này:

Chợt biến mất.
Người đi đâu?
Trên Đồi Thông,
Lá xanh tươi;
Tháng Sáu.

Sau này cô Okamura nói với tôi ngày ông ra đi, Bác sĩ Suzuki mặc bộ kimono mà Bác sĩ Hisamatsu đã tặng ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của ông. Bác sĩ Hisamatsu nói ông "thật xúc động" khi nghe tôi kể lại chuyện này.

Sinh nhật lần thứ 88 của ông, chúng tôi đang ở Đại học Harvard, đã tổ chức buổi tiệc nhỏ trong một nhà hàng Trung hoa ở Cambridge. Lúc ấy trông ông rất khỏe mạnh và ông đã vui vẻ thổi tắt tám ngọn nến, cho rằng ông phải sống thêm ít lâu nữa để có thể làm việc. Ông bảo: "Tôi thường nói với những người muốn thác sanh cõi Tịnh độ rằng bạn muốn làm gì ở đó? Tịnh độ không là nơi để ở lâu. Các bạn nên xuống địa ngục hơn, để cứu giúp bao người đang đau khổ ở đó." Và ông tiếp: "Thiết nghĩ lòng Từ bi nên có trước Adiđà và Tịnh độ. Chưa thấu rõ lòng Từ bi, các bạn không thể hiểu A-di-đà và cõi Tịnh độ. Trừ phi bạn ôm chặt lòng Từ bi, các bạn sẽ không bao giờ hiểu được Di-đà hay Tịnh độ."

Ngoài những trước tác về Thiền tông, ông còn để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm viết về học thuyết Tịnh độ như Tính cách tâm linh Nhật Bản, Luận về tư tưởng Tịnh độ, và Myôkônin (Diệu hảo nhân). Trong nỗ lực phi thần thánh hóa học thuyết Tịnh độ, ông đã làm được nhiều hơn cả Bultmann đã làm với học thuyết Cơ đốc giáo. Ông đã nhận thấy sự đồng nhất cơ bản của tư tưởng Thiền và Tịnh độ, vì thế ông đã giới thiệu với thế giới những vị Myôkônin mà hầu hết đều là những người không học vấn.

Ta không nên đánh giá sai một trong những đóng góp quan trọng của ông, đã trình bày với Tây phương Tín ngưỡng Tịnh độ thực chất là một so với Thiền tông, dù vẫn còn vài vấn đề cần lý giải trong lãnh vực này.

Ngài Tenkô Nishida ở Ittôen (Làng Nhất đăng) có bài đoản thi:

Nghỉ một chút thôi,
Rồi tôi sẽ trở lại nơi này
Khi Anh đào nở.

Bác sĩ Suzuki cũng vậy, chỉ tạm dừng chân nơi cõi Tịnh độ một chút thôi, có thể ông sẽ quay lại. Hay là, xuống địa ngục trước khi về Tịnh độ, biết đâu có ngày ông sẽ ôm đầu mình trong tay mà reo vang, "Xin chào! Số mệnh run rủi lại gặp các bạn ở đây!"

Xem mục lục