Khoảng ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki. Lúc ấy tôi hãy còn theo học trường Trung học Kònan. Ngay lúc gặp ông, ông đã hỏi quan niệm của tôi về cuộc sống. Tôi đã trả lời: "Tôi nghĩ là chúng ta cần phải chân thành." Không một chút nghĩ ngợi, ông vặn hỏi: "Theo anh thế nào là ‘chân thành’?" Câu hỏi này đã cho tôi ấn tượng sâu sắc, và những lời đó của ông đã trở thành một thứ công án cho suốt thời niên thiếu của tôi. Đến giờ nó vẫn còn âm vang bên tai tôi.
Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, tôi được giải ngũ khỏi Hải quân Trừ bị và vào viện Đại học Kyoto. Khoảng thời gian này tôi bắt đầu viếng thăm đều đặn Thư viện Matsugaoka ở Liêm thương, nơi Bác sĩ Suzuki cư ngụ. Ở Matsugaoka này không những ông đã trực tiếp hướng dẫn tôi mà còn thu xếp cho tôi được gặp và chuyện trò với những người lỗi lạc trên nhiều phương diện.
Vài năm sau, vào năm 1950, khi tôi có dịp du học tại Hoa kỳ thì Bác sĩ Suzuki đã có mặt ở đó. Sau một năm theo học tại Đại học Harvard tôi đã chuyển về Đại học Claremont ở California, nơi Tiên sinh (Sensei) đang giảng dạy. Tôi, chưa từng hài lòng với các khuynh hướng triết học lúc bấy giờ ở Harvard, đã quyết định theo học các khóa giảng của ông về Phật giáo Hoa nghiêm ở Đại học Claremont.
Ở đây tôi đã thấy các sinh viên lắng nghe Bác sĩ Suzuki giảng những điều đại loại như "cái Nhất thể là cái đa thù, và cái đa thù chính là cái Nhất thể," hay "Cái tên đó là gì, tôi tự hỏiỢ Có thể là Robert hay, có lẽ là Henderson. Dù sao, điều đó không quan trọng lắm". Tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước sự kiện chúng tôi có thể lắng nghe một lối giảng dạy hy hữu trong một đất nước mà luận lý ký hiệu, chủ nghĩa thực dụng, hay chủ nghĩa duy nghiệm vẫn thường lớn lối trong hầu hết các giảng đường Đại học.
Mùa xuân năm sau (1954) tôi chuyển về Đại học Columbia với Bác sĩ Suzuki. Chính trong giai đoạn này tôi cảm thấy quan hệ của chúng tôi bắt đầu thay đổi. Tôi hiểu ông sâu sắc hơn một cách nhanh chóng và yêu quí ông gần như nồng nhiệt, mà kết quả là, thay vì chỉ nghĩ về ông như một tiền bối trong Phật pháp và một học giả lừng danh thế giới, tôi bắt đầu ngày càng gần gũi hơn với chính con người Bác sĩ Suzuki.
Sự hiện diện của ông đã khơi dậy trong tôi vấn đề của Chánh Pháp như là "thẩm quyền tôn giáo" mà cuối cùng trở thành đề tài rộng lớn nhất hay đúng hơn, liên quan duy nhất của tôi. Thiền bảo "Gặp Phật giết Phật!". Thái độ tinh thần này của Thiền đã ảnh hưởng tôi mạnh mẽ đưa tôi đến chỗ đối diện với Bác sĩ Suzuki, một người đối với tôi là hiện thân của Chánh Pháp, tự nó chính là thẩm quyền tôn giáo vậy.
Tôi cảm thấy mình được nâng đỡ bởi thẩm quyền này, hay Chánh Pháp, mà không có nó tôi sẽ không còn tồn tại. Nhưng đồng thời, nếu không phủ nhận nó, tôi chẳng thể trông mong giải thoát thật sự và cứu rỗi linh hồn vĩnh viễn cho chính mình. Đây là một mâu thuẩn mà với tôi thực là vấn nạn về sống và chết.
Dĩ nhiên, trong thực tế tất cả điều này không liên quan gì đến Bác sĩ Suzuki; nó hoàn toàn là cuộc đấu tranh trong chính bản thân tôi. Nếu ông biết điều này, làm sao ông tiếp nhận tôi được? Dường như ông không hề biết bão tố đang vần vũ trong tôi. Dù sao, vào lúc ấy, Bác sĩ Suzuki và thẩm quyền không thể vượt qua trong Chánh Pháp đối với tôi là một và bất khả phân.
Vấn nạn thôi thúc; những nỗ lực để khắc phục nó gia tăng từng ngày trong tôi. Và tháng 2 năm sau đó (1953), tôi đã trải qua bước ngoặc vĩ đại nhất trong đời. Tôi đã vượt qua thẩm quyền tối hậu. Cho đến giờ tôi vẫn tin rằng mình đã thành đạt mục tiêu. Nhưng điều thực sự xảy ra với tôi vào giây phút đó vừa là niềm hoan hỷ tột đỉnh vừa là sự hối tiếc sâu xa; hoan hỷ vì cuối cùng tôi đã được giải thoát, và hối tiếc vì những gì tôi đã làm là không thể thay đổi. Và chao ôi, sau đó tôi kinh hoàng nhận ra: cái mà tôi đã tuyệt diệt không phải là Pháp mà tôi coi như "thẩm quyền", cũng chẳng phải Bác sĩ Suzuki, mà chính là cái ngã của tôi. Càng kinh ngạc hơn là tôi đã nhận ra mình được ban cho và chịu đựng một cách vững vàng cuộc sống này bằng chính Chánh Pháp.
Dù sao, phải thú nhận sau khi trải qua kinh nghiệm này, có một thời kỳ, đứng trước ông tôi không thể cư xử một cách tự nhiên và thẳng thắn với những ai trước tiên tôi cho là "có thẩm quyền", để rồi sau đó bị phủ nhận. Chính Bác sĩ Suzuki, khi được biết kinh nghiệm này của tôi qua lời kể của Bác sĩ Akihisa Kondo, một trong những người bạn thân nhất của tôi và cũng là nhà tâm trị học nổi tiếng có kiến giải sâu sắc về Phật học, ông đã khai ngộ và hỗ trợ tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tất nhiên, kinh nghiệm này đối với tôi là vô giá. Không có nó có lẽ tôi vẫn còn giữ khoảng cách với Sensei, chỉ hiểu về ông như một học giả lừng danh đã từng truyền bá Thiền ra thế giới.
Tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng Bác sĩ Suzuki không hề thay đổi, nhưng tôi thì đã thay đổi. Tuy nhiên có thể không sai khi nói rằng, vì tôi đã thay đổi, ông cũng thay đổi. Đành là nếu thế giới đổi thay thì tôi cũng thay đổi, nhưng đồng thời tôi vẫn tin rằng nếu tôi thay đổi thì chắc chắn thế giới cũng thay đổi. Không thể có chuyện một người muốn thay đổi thế giới mà trước tiên không tự thay đổi mình.
Dù sao, có thể nói là với kinh nghiệm như một bước ngoặc quyết định này của tôi, tình thân của chúng tôi đã thay đổi một cách toàn diện. Đó là, không những tôi đã tìm lại được một vị thầy, là Sensei, mà còn có thêm một người bạn thật sự. Nói cách khác, ông bây giờ vừa là "Sensei" vừa là "bạn hữu" để tôi có thể hàn huyên bình đẳng trong lãnh vực siêu việt của Chánh Pháp. Ai đó có thể thấy lạ kỳ khi tôi gọi một người lớn tuổi hơn mình cả nửa thế kỷ là bạn, nhưng không phải vậy. Đó là một thực tế trong Pháp giới vi diệu khôn dò. Với tôi có những cái đáng lạ kỳ hơn: dù có hàng tỉ người sống trên mặt đất này, mà hàng ngày chúng ta gặp không biết bao nhiêu người, có mấy người ta có thể gọi là "bạn"? Sự thật này mới đáng buồn làm sao. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức được thực tế khốn khổ này và không còn ảo tưởng về cái được gọi là tình bạn, và khi những mối quan hệ thân tình trong ý nghĩa trần tục chấm dứt, chỉ khi đó một tình bạn thật sự mới bắt đầu.
Theo tôi nhớ, có lần Sensei đã giảng và bình luận với một số chuyên gia tâm trị học ở tư thất sang trọng của Bác sĩ Harte gần tòa nhà Liên hiệp quốc trong khu Manhattan. Sensei đã ân cần mời tôi một tách trà bột và nói với tôi bằng tiếng Anh: "Uống một chút trà đi, ông Shimmon"; và tôi còn nhớ vào lúc đó cô Mihoko Okamura đã tình nguyện làm thư ký cho ông.
Sau bốn năm học tại Hoa kỳ, tôi trở về Nhật qua ngõ châu Âu cùng với Sensei. Từ đó tôi thường xuyên thăm viếng ông gần như đều đặn mỗi tháng một lần, nhưng sau đó tôi đã hạn chế bớt vì thấy quá nhiều người đến thăm ông sẽ khiến ông khó còn thời gian cho những công việc quan trọng hơn. Bài thuyết trình mà Sensei và tôi đồng diễn thuyết ở Hokkaido mấy năm về trước cũng trở thành một kỷ niệm đáng nhớ của tôi.
Trong lãnh vực triết học-tôn giáo, tôi nhớ có lần tôi hỏi Sensei trong một buổi thuyết trình, ông bảo: "Niệm Phật là một loại định Tâm". Phản luận của tôi là: "Niệm Phật, nhất là trong Phật giáo Tịnh độ, có ý nghĩa sâu sắc hơn sự tập trung đơn thuần". "Như vậy cũng hoàn toàn đúng", ông đáp. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của tôi, có vẻ như ông chẳng thay đổi quan niệm của mình. Thời gian sau, tôi đi đến chỗ chấp nhận hiệu quả của sự tập trung trong lời Niệm Phật, còn Sensei dường như cũng đã thay đổi đáng kể và nghiên cứu sâu hơn vào Niệm Phật của Tịnh độ.
Tôi luôn kinh ngạc về tầm đọc sách mênh mông của ông từ Anh văn cho đến Hoa văn, từ Phật giáo đến Thiên chúa giáo (kể cả thần học); và ông đọc cả loại sách thời thượng đang ăn khách (best-sellers) của Mỹ.
Vào những năm cuối đời, cũng như cá nhân tôi, ông nghiên cứu sâu hơn về Phật giáo Tịnh độ. Chẳng hạn, biểu lộ sự quan tâm sâu sắc trong những bức thư đề cập đến những vấn đề hiện tại của Giáo phái Higashi Honganji, ông nói với tôi: "Nếu tôi có thể làm được bất cứ gì cho ông và Giáo phái của ông, tôi sẽ làm ngay." Tôi còn nhớ một nhận xét đầy gợi ý của ông: "Các hành giả Chân tông nên quan tâm hơn đến lao động tay chân."
Tháng Năm vừa qua, khi tôi đến thăm, ông đã quăng cho tôi câu hỏi về "anjin" (an tâm), một thuật ngữ quen thuộc trong Phật giáo Chân tông, mà ông đang tìm từ dịch tương xứng. "Anjin, nói cho cùng, không phải là sự bình an cũng không phải là sự yên ổn của tâm." Cuộc mạn đàm sau đó về chủ đề này đã cho tôi những điều thú vị mới mẻ khiến tôi dự định sẽ còn bàn luận xa hơn với ông, có thể ở Karuizawa, nhưng.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 12 tháng 7, tôi bật dậy vì tiếng chuông điện thoại reo vang bên giường. Ở đầu dây bên kia Bác sĩ Kondo nói: "Sensei đang hôn mê và sẽ từ trần trong vòng một tiếng nữa". Ông kể: Mới ngày hôm qua, Đại đức Suehiro (Giám quản chi nhánh của Tu viện Higashi Honganji ở Tokyo) vừa đến thăm Bác sĩ Suzuki ở Liêm thương. Sensei vẫn trông khỏe mạnh và họ đã đứng chuyện trò với nhau ở hàng hiên vì ông đang bận thu xếp hành lý cho chuyến đi Karuizawa. Sensei đã hỏi Đại đức Suehiro: ‘Có đúng là Shimmon-san sẽ đến Honganji ở Tokyo?’ Suehiro đáp: ‘Vâng, nhưng không hẳn vậy. Chỗ ở của Shimmon-san vẫn là Kyoto, nhưng anh ấy sẽ biến Tokyo thành cơ sở cho hoạt động xa hơn của anh ấy.’
Câu chuyện làm tôi rơi nước mắt bởi nó gợi lên hình ảnh ông đang đứng dưới hàng hiên - hình ảnh đầy trìu mến thân thương - đang vẫy tay và nhìn chúng tôi xa dần khỏi tầm mắt.
Vào lúc tôi nhận cú điện thoại cũng là lúc ông đang chống lại sự đau đớn cực cùng của cơn bịnh với sức mạnh phi thường của tinh thần, và chính ông lại đang trấn an người thân quanh ông với những câu "Đừng lo", và "Cám ơn".
Theo tôi, thái độ của ông càng tỏ ra tương đắc với Phật giáo Chân tông thì ông càng thường xuyên sử dụng hai tiếng ‘cám ơn’. Lời ‘cám ơn’ này, với giọng nói đặc biệt của riêng ông, xuất phát từ sự giáo dưỡng trong môi trường Phật giáo Chân tông ở Kanazawa. Nói cách khác, Phật giáo Chân tông đã kết hoa trong cảm nhận chân thành của ông, còn Thiền tông đã tự hiện trong tâm trí nhạy bén và kiên cường của ông; như thể Tịnh độ là mẹ còn Thiền là cha, cả hai yếu tố này đã hình thành nên một Bác sĩ Suzuki.
Ngày hôm đó, khi được tin ông mất, tôi đã cùng với ông Shôjun Bando và Bác sĩ Kondo vội vã đến bịnh viện nơi quàng di thể ông. Khách viếng thăm đã về hết và căn phòng trống vắng, chỉ còn tiếng chúng tôi khe khẻ tụng kinh. Bổng nhiên tôi có cảm giác như nghe Sensei nói ‘cám ơn’ một lần nữa. Tôi cảm thấy buồn nhưng không đơn độc, có lẽ vì tôi biết Sensei đang ở bên tôi, cũng như tôi đang bên cạnh Sensei.
Tôi đã nói với một phóng viên: "Từ sau cái chết của Bác sĩ Suzuki, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ trách nhiệm của chúng tôi đối với Phật giáo là cần phải theo bước chân ông; cảm nhận này ngày càng sâu sắc hơn theo năm tháng."
Cùng ngày hôm đó, cô Okamura, dù đau buồn vô hạn cũng đã quyết định "Tôi sẽ làm tất cả để thể hiện lòng biết ơn Sensei." Tôi tin cô cũng đang ấp ủ một tình cảm như tôi.
Những lời than thở của Bác sĩ Kondo, "Chúng ta đã mất rồi một người thực sự để chúng ta có thể hàn huyên", đã khiến mắt tôi nhòa lệ.