Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

Chương VI
Những Bức thư Ngộ 
của Yaeko Iwasaki gửi Lão sư Đại Vân
và những Lời bình của Ông

DẪN NHẬP CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Trong lịch sử Phật giáo Thiền Nhật bản hiện đại, không một cái tên nào sáng chói hơn tên của một cô gái 25 tuổi, Yaeko Iwasaki, người đã đạt ngộ sau năm năm tọa thiền, phần lớn là trên giường bệnh, và rồi trong năm ngày liên tiếp đã phát triển cái ngộ của mình sâu đến mức hiếm thấy tại Nhật bản ngày nay. Một tuần lễ sau, hoàn toàn đúng như dự cảm của cô, cô đã qua đời. Nếu ở Ấn độ cô đã được dự báo như một vị thánh và sẽ được hàng nghìn người sùng bái. Ở Nhật bản, câu chuyện về cuộc đời dũng cảm của cô và thành tựu vinh quang tột đỉnh ấy hầu như không ai được biết đến ngoài giới Thiền.

Đây là những bức thư cô ấy đã viết vào tháng 12 năm 1953, gửi cho vị thầy hướng dẫn cô, Thiền sư Đại Vân Tổ Nhạc Nguyên Điền (Daiun Sogaku Harada), lúc ấy 65 tuổi, kể lại những gì cô đã nhận thức, cảm thấy và suy nghĩ trong năm ngày anh hùng ca ấy, cùng với những lời bình minh xác của ông. Chúng tôi tin rằng trong văn học tôn giáo không có nhiều những tài liệu tiết lộ về tâm thức giác ngộ sâu xa một cách chua cay hay hùng hồn như các bức thư này. Mặc dù số lượng ít và tương đối ngắn, chúng vẫn chuyển vận được cái cốt tủy của Phật giáo sống. Sản sinh trong nghịch lý và tràn ngập biết ơn, các phẩm chất của chúng rõ ràng đã phân biệt kinh nghiệm tâm linh sâu xa với các mức độ nội kiến nông cạn hơn và xuyên suốt qua đó là sợi chỉ thanh tịnh duy nhất, một khát vọng nồng cháy muốn thành tựu viên mãn, không chỉ vì riêng cô mà còn vì những người khác cũng có thể đạt được Tự viên mãn và bình an lâu dài bên trong qua các nỗ lực làm cho Đạo của Phật được biết đến. Cái chết không đúng lúc của cô – không đúng lúc chỉ vì người ta tính theo khoảng thời gian sống của một đời người – đã không chấm dứt nghiệp mệnh làm cho Pháp được biết đến. Nếu có một cái gì đó, nói một cách nhã nhặn, cho nó một động lực mới, theo lời Lão sư Đại Vân: “Cuộc đời dũng cảm của cô ấy thật là đầy hứng khởi và ảnh hưởng của nó thật là xa vời đến độ chắc chắn nó sẽ nâng cao sự truyền bá Phật giáo và làm lợi ích cho loài người.” 

Thuộc dòng dõi quí tộc của người sáng lập tổ hợp kỹ nghệ Mitsubishi giàu có, Yaeko Iawasai có đủ mọi thứ có thể mua được bằng tiền, trừ sức khỏe. Lúc lên hai, cô đã bị bệnh trầm trọng suýt chết và hậu quả cả hai van tim bị suy nhược để lại cho cô thân thể gầy yếu trong suốt quãng đời còn lại của cô. Không thể chịu đựng nổi những đòi hỏi của việc theo học ở trường hàng ngày, cô được dạy kèm tại nhà cho đến khi cô gần 11 tuổi. Khi sức khỏe có vẻ khả quan hơn, cô ghi tên học các lớp tương đương của trường phổ thông cấp hai. Bất chấp không đủ sức khỏe để tham dự một số các hoạt động ở trường, cô đã hoàn tất cấp hai cũng như cấp ba với chúng bạn với một kỷ lục học tập tuyệt vời. Với tâm trí sắc bén, sống động, tính tình vui vẻ, nồng nhiệt, tinh thần độ lượng, cô đã chiếm được sự ngưỡng mộ và lòng yêu mến của các bạn đồng lớp.

Sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu học cắm hoa và trà đạo, các nghệ thuật truyền thống của người Nhật, nhằm tu dưỡng tinh thần trầm tĩnh và ôn nhu, tất cả để chuẩn bị cho hôn nhân và làm mẹ tương lai.

Nhưng định nghiệp đột ngột đưa cô theo một chiều hướng khác. Vào khoảng 20 tuổi, cô bắt đầu ho ra máu và được chẩn đoán là lao phổi. Bác sĩ bảo cô phải nằm yên trên giường và ra lệnh cho cô phải tịnh dưỡng từ hai đến ba năm. Rất có thể trạng thái không hoạt động kéo dài này có ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của cô, đã phát triển trong cô sự nhạy cảm có tính chất quyết định đối với sự nở hoa tâm linh phong phú của cô.

Một cách trực tiếp hơn, những gì thúc đẩy cô hướng đến Thiền là sự phát triển đột nhiên liên quan đến cha cô, người cô yêu mến sâu xa. Ông được bảo là tình trạng tim của ông có thể khiến ông chết bất ngờ bất cứ lúc nào, và nỗi lo sợ chết bất ngờ bám giữ, ông đã theo dự bài thuyết giảng của Lão sư Đại Vân nói về nỗi lo âu cơ bản nhất này của con người và làm thế nào người ta có thể giải quyết nó qua tọa thiền và cuối cùng là giác ngộ. Cha của Yaeko Iawasaki tin chắn vào những gì ông nghe đến độ ông đã trở thành đệ tử của Lão sư Đại Vân và ông đã bắt đầu tọa thiền tại nhà riêng. Vì tình trạng tim của ông, ông không thể theo dự đều đặn được các khóa nhiếp tâm, ông đã cố gắng mời thẳng Lão sư Đại Vân mỗi tháng đến nhà ông một lần, trong chuyến du hành thường lệ của lão sư đến Tokyo, ban cho gia đình và bạn bè ông một bài thuyết giảng và một kỳ độc tham.

Với nhiệt tình do nỗi sợ chết quá độ, cha của Yaeko  đã hiến mình cho tọa thiền và chưa đầy một năm ông đã đạt được kiến tánh. Kinh nghiệm này đã quét sạch tất cả sợ hãi và đem lại cho ông làn sóng sinh lực và lòng tự tin đến độ một lần nữa ông lại gánh vác trách nhiệm của người đứng đầu xí nghiệp kỹ nghệ của gia đình. Nhưng với sức mạnh không khôn ngoan, sự rán sức tỏ ra quá nhiều đối với ông, và một hôm ông đã chết vì một cơn đau tim không báo trước.

Cái chết đột ngột ghê gớm của người cha dội lên Yaeko vẫn còn bệnh liệt giường sức mạnh bi đát, sự tiêu hao dần mòn sức sống và thực thế trần truồng của cái chết đẩy cô vào những suy tư tìm kiếm nhất về ý nghĩa cuộc đời, và kiếp người. Cho đến khi cha cô giác ngộ, cô đã nghe những bài giảng hàng tháng của lão sư Đại Vân ở tại nhà, nhưng vẫn chưa nhận độc tham hay thử tọa thiền. Song sự biến này nung đốt những tưởng tượng của cô, mẹ cô, hai người em gái cô đến nỗi họ bắt đầu sùng mộ tọa thiền đều đặn. Lão sư đã chỉ định cho cô tham công án Mu, và chỉ dẫn cô tham công án liên tục ngay cả trong lúc nằm trên giường. Với cái chết của người cha và sự tìm kiếm linh hồn do nó gợi ra, tọa thiền và sự quan tâm trọn vẹn về Phật giáo của cô mang ý nghĩa cấp bách sâu xa và mới mẻ. Những lời bình luận dài của Lão sư Đại Vân về bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên mà cô đã đọc mười bảy lần, ngấu nghiến mọi chữ, và trong lúc vẫn còn rất yếu cô đã thực hiện tọa thiền, ngồi theo tư thế cổ truyền Nhật bản, thay đổi nó với tư thế kiết già. Lúc này các giai đoạn tệ hại nhất của bệnh lao phổi đã qua và cô không cần ở trên giường nữa. Song căn bệnh đã lưu lại những dấu vết của nó nơi thể chất vốn đã yếu ớt của cô và bác sĩ thúc giục cô đến dưỡng bệnh ở Kumakura đầy nắng ấm, nơi đây gia đình cô có một biệt thự riêng.

Ở nơi ẩn cư mới này, càng ngày cô càng mất hút trong tọa thiền, mãi quay lưng lại với những bận tâm mà chúng đã có lần có nhiều ý nghĩa đối với cô. Cô hăng hái theo đuổi Con Đường của Phật đến độ cô đã van xin Lão sư Đại Vân đến Kamakura để tiếp tục những bài bình luận và các giờ độc tham của ông. Nhìn thấy nơi sự nhiệt tâm và lòng sùng mộ phi thường của cô một tinh thần hiếm có, Lão sư Đại Vân đã đều đặn mỗi tháng một lần đặc biệt đến hướng dẫn cô, Lão sư Bạch Vân và Lão sư Taji – hai môn đệ được kính trọng nhiều nhất của Lão sư Đại Vân – thỉnh thoảng cũng đã làm như vậy.

Khoảng năm năm trôi qua từ khi cô bắt đầu tọa thiền trên giường cho đến khi cô đạt kiến tánh đầu tiên vào ngày 22 -12- 1955. Trong những ngày kế tiếp, như các bức thư này tiết lộ một cách sống động, con mắt Tâm của cô đã mở ra trọn vẹn trong một cơn lụt ánh sáng và tri kiến. Niềm hân hoan phát sinh, từ đó cô khám phá ra rằng ngay sự giác ngộ viên mãn cũng không thêm cho người ta cái gì mà họ vốn không có, do đó trạng thái cực lạc này cũng chỉ là một loại điên mà thôi. Điều này cùng với thừa nhận đầy hoan hỉ của Lão sư Đại Vân về tinh thần Bồ-tát của cô và lời khiển trách nhẹ nhàng của ông về cái “mùi” giác ngộ của cô đủ sức cung cấp một nội kiến chân thực, như nó đang chiếu sáng một cách hiếm có vào quá trình giác ngộ phức tạp và tu dưỡng đầy nghịch lý.

Chết như Yaeko đã chết với dự cảm về cái chết trước một tuần, không đau đớn và hoàn toàn bình thản, như Lão sư Đại Vân nêu ra, là mục tiêu của tất cả mọi Phật tử, dù ít ai đạt được. Điều mà Yaeko có thể thành tựu được chính là độ cao phi thường của tâm thức mà cô đã vươn tới với niềm tin thuần khiết, lòng can đảm và sự kiên trì đã khiến nó khả hữu. Ai có thể đọc lời tường thuật chua chát của Lão sư Đại Vân về những giờ phút cuối cùng của cô với ông mà không xúc động vì tinh thần dũng cảm và sự vô ngã hoàn toàn của cô. Người y sĩ chứng kiến cái chết của cô, mà về mặt chuyên môn ông cho là sưng phổi, hồi tưởng: “Tôi chưa từng thấy ai chết đẹp đến như thế!” Nhưng cống hiến lớn lao nhất có lẽ là ở trong lễ kỷ niệm cô cử hành tại chùa Phát Tâm trong tuần nhiếp tâm xảy ra sau khi cô qua đời. Gần cuối tuần nhiếp tâm, Lão sư Đại Vân, trong nước mắt, kể lại với khoảng 90 người tham dự, những bất ngờ trong cuộc chiến đấu hào hùng để nhận ra Tự tánh của Yaeko và chung cuộc mỹ lệ của nó. Cuối tuần nhiếp tâm, do tác động như thế, hơn hai mươi người, một con số chưa từng có, đã đạt kiến tánh. 

Những bức thư này đầu tiên xuất hiện trên một tạp chí Phật giáo chẳng bao lâu sau khi Yaeko chết, trong một bài xã luận do Lão sư Đại Vân viết. Những lời bình của ông (ở đây tất cả được in nghiêng) do chính ông ghi lại trên các bức thư đã nhận được, song các lời bình tổng kết và các đề mục do thêm vào đặc biệt cho bài báo cốt để hướng dẫn người đọc Phật giáo cũng như để làm sáng tỏ các bức thư này. Dĩ nhiên Yaeko không bao giờ có dịp xem những lời bình này trước khi cô qua đời.

Khoảng một năm sau, chính tài liệu này được in trong một tập sách gọi là Yaezakura (Hoa Đào Hai Lần Nở) là một tường thuật ngắn về cuộc đời của Yaeko do gia đình Iwasaki in riêng để kỷ niệm cô vào tháng 12 năm 1937, bản dịch này được thực hiện theo tập sách ấy.

Tất cả những ngoặc móc trong cả các bức thư lẫn các lời bình của Lão sư Đại Vân là của người dịch [Philip Kapleau].

Xem mục lục