18. Đầu bếp giác ngộ
Ngày xưa có một người đầu bếp tên là Ma-Tschen-La, ông sống trong một trong những tu viện lớn nhất Tây Tạng và mỗi ngày phải nấu nướng cho hàng trăm người ăn. Năm này qua năm khác, lúc nào ông cũng đứng dưới thứ thịt trâu hun khói và cứ quậy mãi cái nồi to tướng, nấu thức ăn và trà bơ bổ dưỡng cho các vị đồng tu.
Ai cũng mến Ma-Tschen-La, chỉ vì muốn được hàng ngày sống trong bếp của ông, trong đó chứa đựng một thứ năng lực kỳ diệu.Sau khi ông chết, tu viện tổ chức một buổi lễ hết sức trọng thể, chỉ dành riêng cho các đại sư, dù rằng mọi người đều biết, đối với Ma-Tschen-La thì vứt xác cho kiến mối hay kên kên ăn thịt thì cũng chẳng hề gì.Trong buổi lễ, xác của Ma-Tschen-La được chất lên một giàn hỏa, các vị sư ngồi xung quanh bắt đầu tụng niệm và châm lửa. Khi ngọn lửa vừa đến đỉnh đầu, người ta thấy xuất hiện một hào quang ngũ sắc. Sau đó xuất hiện vòng thứ hai, thứ ba, rồi không ai đếm nổi bao nhiêu vòng ngũ sắc đã xuất hiện trên xác người đầu bếp. Qua dấu hiệu này, người ta mới nhận ra, người đầu bếp ngày trước là một vị thánh vô danh suốt hàng chục năm.Ngay sau đó người ta kể vô số chuyện về người đầu bếp đắc đạo, đã thực hiện được thánh quả mà kẻ khác chịu bao nhiêu khổ nhọc mà cũng vẫn chưa đạt được.Người ta kể rằng, Ma-Tschen-La, trước khi trở thành đầu bếp, là người đã từ bỏ mọi tham cầu, chỉ cần cái đang có sẵn. Ông đã nhận ra rằng mọi cầu mong đều chỉ vô ích, một ngày kia đã từ bỏ tư tưởng về một cái ta, tự mình trở về thể tánh chân như và thể nhập trong đó.Người ta kể rằng Ma-Taschen-La không hề bám giữ hay từ chối bất cứ điều gì và vì thế cũng chẳng cử hành bất cứ nghi lễ gì, cũng chẳng học tập kinh điển làm gì. Nói thế nhưng cũng có người phản đối ngay, tiết lộ rằng từng nghe Ma-Tschen-La hay niệm danh hiệu Quán Thế Âm và Bồ-tát Tara.
Dù gì đi nữa người ta vẫn cho rằng ông đầu bếp là người sớm đắc đạo hơn ngài phương trượng; ngày nay chuyện về Ma-Tschen-La vẫn còn được nhắc nhở. Ma-Tschen- từ Tây Tạng có nghĩa là “đầu bếp” và Ma-Tschen-La là người đầu bếp cho tất cả mọi người cần đến.
19. Tên trộm hối cải
Patrul Rinpoche là người truyền đạo ở mọi nơi mà ngài đặt chân đến. Có lần ngài đến Zamthang và được một người đàn ông nghèo khổ tặng cho một móng ngựa bằng bạc vì quá cảm kích ngài. Người đó đặt tặng phẩm dưới chân ngài và ép ngài phải nhận. Tặng phẩm bằng bạc này là vật quý giá duy nhất mà người đó sở hữu, nhưng ông ta cũng biết rằng mình dâng cúng món này sẽ tạo được một công đức cao quý ở một cấp khác.
Một tuần sau đó, Patrul lại lên đường đi từ làng này qua làng khác mà trong một vùng ít dân như ở Tây Tạng thì gần như đi từ nhà này qua nhà khác. Lần này Patrul bị một tên trộm theo dõi, y đã thấy Patrul nhận tặng phẩm quý giá nọ.Patrul đi trong hoàng hôn, lòng không chút vướng bận và khômg có mục đích nào khác hơn là kiếm một chỗ ngủ dưới bầu trời sao. Tại một nơi, Patrul kiếm một hang kín gió và nhắm mắt ngủ. Tên trộm đợi một lát, sau đó từ từ bò đến chỗ ngủ, mò mẫm bình nấu trà, rồi túi xách vai và cuối cùng mò đến bộ áo dài bằng lông trừu, trong đó Patrul nằm cuốn tròn vì cái lạnh ban đêm.“Ka-hô”, vị đại sư lầm bầm, “Ngươi mò cái gì trong áo của ta đấy?”
“Cái móng ngựa bằng bạc đâu rồi? Tôi biết, ông giấu trong áo”.
“Trời đất”, Patrul thở dài, “Xem này, ngươi làm cái gì với cuộc đời ngươi thế? Ngươi theo ta suốt cả dặm đường, qua bao nhiêu cảnh vắng vẻ trơ trọi, chỉ vì cái miếng kim loại đó sao. Nghe đây, hãy đi lui hết đường cũ, tìm cho ra chỗ ta đốt lửa, nơi ta giảng pháp và ngủ tối tại Zamthang. Giữa đống tro và mấy viên đá, ngươi sẽ thấy miếng bạc đó. Ta dùng nó để kê bình trà”.
Tên trộm không hề tin những gì ngài nói, nhưng vì y kiếm hoài không ra nên đành trở về chỗ cũ, cuối cùng y tìm thấy ngọn đồi con, nơi Patrul đã nói chuyện với dân làng Zamthang. Tên trộm quả nhiên đào trong tro ra miếng bạc quý, y nhìn ngắm một hồi lâu. Nhưng bây giờ, khi miếng bạc đã vào tay, tên trộm không còn thấy vui sướng nữa. “Ôi”, y than thầm, “rõ ràng ông Patrul này không còn quan tâm đến của cải thế gian nữa và ông đúng là một đạo sư đích thực. Còn ta, nghiệp báo vốn đã xấu xa rồi bây giờ còn gây thêm ác nghiệp ăn trộm đồ của ông nữa, trong tương lai chắc phải chịu trừng phạt khủng khiếp”.
Tên trộm biết hổ thẹn đó đứng dậy và lên đường đuổi theo Patrul. Ba ngày sau, tìm thấy ngài trong khung cảnh hoang vắng, y chạy theo kêu réo. Patrul gọi lại :”Máu tham của ngươi vẫn còn hay sao? Ta đã chỉ ngươi tìm miếng bạc. Ngươi còn muốn gì nơi ta?”
Tên trộm nước mắt đầm đìa, quì xuống chân ngài: "Tôi, tôi đã thấy miếng bạc, nhưng tôi làm gì vói nó đây? Vì nó mà tôi đánh mất bao nhiêu điều trọng đại khác. Hãy nghe lời sám hối của tôi, ông là một đạo sư đích thực, hãy tha thứ cho tôi.”
Patrul nói: "Không cần thiết. Hãy trở về với nội tâm của ngươi, hãy qui y Phật, đó là tâm thức sâu kín nhất của ngươi; hãy qui y Pháp, đó là nhận thức của chưPhật; hãy qui y Tăng, đó là toàn thể những người cũng muốn học hỏi nhận thức đó”.
Tên trộm nghe lời một cách thành tâm và Patrul nhận y làm đệ tử ngay tại chỗ. Vài năm sau, có kẻ nhắc lại câu chuyện này trong làng Zamthang. Một nhóm người nghe xong nóng tính mang gậy guộc đến nhà tên trộm và lôi y đến gặp lại Patrul đang ở gần đó.“Thả nó ra”, Patrul kêu lên khi thấy các tín đồ hành hung đệ tử của mình, “các ngươi không biết rằng khi đụng đến người khác cũng là đụng đến ta chăng? Cái tự tính trong mỗi người chỉ là một với nhau, dù cho tự tính này mang nhiều dạng hình khác nhau, mỗi lúc mỗi khác, lúc nào cũng mới mẻ. Các ngươi không thấy sao?”
Lời nói của Patrul có một năng lực mạnh mẽ làm ngay lúc đó có nhiều ngươi đạt tuệ giác và đã nhận ra được một phần của chân như vốn không thể nắm bắt.
20. Ba điều ước
Ngày xưa có một nông dân nghèo tên là Dorje, hàng ngày phải vật lộn với miếng đất khô cằn, chịu bao nhiêu khổ nhọc mới có miếng bánh mì. Mỗi ngày Dorje đi làm về thì lại không được lời an ủi nào của vợ mình, vì Pemala vợ ông lúc nào cũng chê bai, không chịu làm kiếp vợ một ông nông dân. Nhiều đêm trước khi đi ngủ, Dorje chỉ mong có điều duy nhất là bà vợ ngày nào đó sẽ câm luôn. Ông cầu nguyện thật sự điều đó, ngoài ra ông không còn biết điều gì cao quý khác.
Một buổi sáng, lúc Dorje còn đang cày thửa ruộng lúa mì thì bỗng nhiên có một bóng người đàn bà từ xa đi tới. Người đó phát ra hào quang như một bà tiên, Dorje lập tức quì xuống xin ban phước.Bà tiên cho Dorje hơn cả một điều ước: "Ngày hôm nay, ba điều ước của ngươi sẽ thành hiện thực”. Bà tiên nói xong liền biến mất ngay trước mặt Dorje.Dorje run rẩy đặt cày xuống và đi thẳng vào nhà. Trời còn sớm nên Dorje biết rằng sẽ bị vợ mắng chửi, nhưng ông phải kể cho vợ mình nghe đã gặp bà tiên và đã được bà ban cho ba điều ước. Trong mọi trường hợp, ông cần có thì giờ để bàn bạc với vợ, và làm sao đạt được điều tốt nhất từ cơ hội vô song này.Dorje vừa tới cửa nhà nằm trên đồi thì Pemala bước ra và bắt đầu trách móc: “Ông muốn cái gì đây, đồ bị gạo? Vợ ông không có gì trong bụng cả mà ông lại đi chơi, đồ mũi khoai tây”.
Đúng là Dorje có cái mũi to đùng nên nghe thế ông không nhịn được giận dữ. Bước vào bếp, ông la lên: "Mũi khoai tây. Ta mong cái mũi ta to như cái bếp này để ngươi biết thế nào là một lỗ mũi to”. Vừa nói xong thì cái mũi của Dorje phồng lên to tướng, to mãi, to mãi và đè bẹp hai vợ chồng khốn khổ vào vách tường.
‘Cứu tôi với, cứu tôi với!’Pemala la lên một cách tuyệt vọng và Dorje sực nhớ ra, nói “Ta mong rằng, ta không có mũi nữa”. Ngay tức khắc điều đó thành sự thực. Bấy giờ trên khuôn mặt của Dorje chỉ còn một lỗ đen khủng khiếp.Pemala vừa thở vừa nhìn sửng sốt khuôn mặt của chồng. Dorje sờ lên mũi và thò tuột tay vào trong đầu mình. Ông rên rỉ: “Ôi, lẽ ra đừng bao giờ gặp ngươi mà lại hay, bà tiên đáng nguyền rủa!”
Ba lời ước của ông đã thành sự thật. Vợ chồng ông sống bình thường như không hề gặp bà tiên, cũng không nhớ những gì của một ngày đáng nhớ đó.