CHƯƠNG XII
TRỰC THỨC
Tự hiểu biết mình có nghĩa là hiểu biết sự quan thiết của mình với thế gian ; chẳng những với thế giới của ý tưởng và người đời mà kể cả với thiên nhiên, với những vật sở hữu. Đấy, đời sống của chúng ta là như thế ; đời sống chúng ta là mối giao tiếp quan thiết với toàn thể. Muốn hiểu được mối quan thiết ấy có cần phải giới hạn sự hiểu biết trong một phạm vi chuyên biệt , như kiến thức của một chuyên viên ? Hiển nhiên là không phải thế. Muốn hiểu biết, mình cần phải để ý thức gặp gỡ đời sống trong toàn thể, toàn diện sắc thái. Mình phải trực thức thế nào ? Đây chính là vấn đề của chúng ta . Làm thế nào mình có được trực thức như vậy ? Tôi dùng tiếng “trực thức” ở đây không có nghĩa gì liên quan với kiến thức chuyên khoa cục bộ. Làm thế nào chúng ta có thể gặp gỡ đời sống trong toàn diện sắc thái ? Nói như vậy có nghĩa là chẳng những mình có quan thiết cá nhân với người láng giềng, mà lại còn quan thiết cá nhân với thiên nhiên, với những vật sở hữu, với những ý tưởng, và với những điều mà tâm trí đã tạo thành ảo tưởng, khát vọng , vân vân . Làm thế nào mình ý thức được trọn vẹn tiến trình tương quan này ? Hiển nhiên đời sống chúng ta là thế, phải không ? Không có đời sống nào mà lại không có tương quan ; và hiểu được tương quan này thì không có nghĩa là cần phải gây ra sự cô lập. Trái lại muốn hiểu, mình cần phải tri nhận trọn vẹn hay trực thức trọn vẹn toàn thể tiến trình tương giao.
Mình phải ý thức thế nào ? Chúng ta ý thức về một sự thể như thế nào ? Các ngài ý thức về mối quan thiết của các ngài với một người nào đó như thế nào ? Các ngài ý thức về những rặng cây, về tiếng gọi của một con chim như thế nào ? Khi đọc nhật báo, các ngài ý thức về những phản ứng của các ngài như thế nào ? Các ngài có ý thức về những đáp ứng hời hợt của tâm trí , cũng như về những đáp ứng của nội tâm ? Chúng ta ý thức về bất cứ cái gì như thế nào ? Có phải trước tiên chúng ta ý thức về sự đáp ứng đối với sự khích động bên ngoài ? Đó là một sự kiện hiển nhiên ; tôi thấy những cây lá, rồi tôi đáp ứng lại, rồi cảm giác, va chạm, đồng hóa và ham muốn. Phải chăng đó là tiến trình thông thường ? Chúng ta có thể quan sát những gì xảy ra trong thực tế mà không cần phải nghiên cứu sách vở gì cả.
Thế là chính tinh thần đồng hóa đã mang đến sự sung sướng và đau khổ cho các ngài. Và cái ta gọi là “khả năng”, “tài năng” chỉ là liên hệ với sự sung sướng và trốn tránh đau đớn, phải thế không ? Nếu các ngài chú tâm một sự thể nào đó, nếu sự thể ấy mag đến sự sung sướng cho các ngài, các ngài sẽ thấy rằng các ngài có “khả năng” lập tức. Ý thức về sự kiện ấy xảy ra tức khắc ; và nếu sự kiện ấy đau đớn, “khả năng” được hình thành để trốn tránh sự kiện đau đớn. Khi mà chúng ta còn mong chờ dùng “khả năng” để tìm hiểu bản thân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thất bại ; vì sự tìm hiểu bản thân không tùy thuộc vào khả năng. Đó không phải là một kỹ thuật mà các ngài có thể khai triển, tôi luyện và tăng trưởng qua thời gian, qua sự mài giũa thường xuyên. Trực thức về bản thân hiển nhiên có thể được thí nghiệm trong tác động của sự tương giao ; nó có thể được trắc nghiệm trong cách ta nói chuyện, trong cách ta đối xử với nhau. Các ngài hãy ngắm nhìn bản thân mà đừng đồng hóa gì cả, đừng so sánh, đừng phán xử ; chỉ ngắm nhìn thôi và các ngài sẽ thấy một sự thể tuyệt vời xảy ra. Chẳng những các ngài làm dứt tuyệt tác động của vô thức bởi vì hầu hết sinh hoạt của chúng ta đều là vô thức – chẳng những các ngài chấm dứt tác động vô thức ấy, hơn thế nữa, các ngài lại ý thức cả những động lực của chính tác động ấy ; mà không cần phải tra tìm, không cần phải đào xới vào tác động ấy.
Khi các ngài ý thức được như vậy, các ngài thấy được toàn thể tiến trình của tư tưởng và hành động các ngài ; nhưng điều ấy chỉ có thể thành hình khi nào chúng ta không còn chỉ trích, khiển trách, phê phán nữa. Khi tôi phán xét một sự thể nào đó thì chỉ có nghĩa là tôi không chịu hiểu sự thể ấy, và đó chỉ là một cách trốn tránh tất cả mọi sự giao cảm. Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều trốn tránh một cách cố ý như vậy ; chúng ta phán xét ngay mọi sự và cho rằng mình đã hiểu mọi sự. Nếu chúng ta không phán xét mà chỉ tôn trọng để ý chú tâm vào sự thể, ý thức nó, thì lúc ấy nội dung, ý nghĩa của hành động kia mới bắt đầu khai mở. Thể nghiệm điều này và các ngài sẽ tự thấy ngay. Chỉ ý thức thôi và đừng tìm cớ biện minh, biện giải ; cử chỉ này có vẻ khá tiêu cực nhưng thực ra không hẳn tiêu cực chính là hành động trực tiếp nhất ; các ngài sẽ khám phá như thế nếu các ngài thể nghiệm điều ấy.
Tựu chung, nếu các ngài muốn hiểu điều gì, các ngài phải mang một tâm thái thụ động, tiêu cực phải như vậy không ? Các ngài không thể nào liên miên suy nghĩ về nó, suy tưởng hay liên miên đặt vấn đề về nó. Các ngài phải đủ nhạy cảm để đón nhận nội dung của nó. Điều đó giống như một kiến ảnh tinh nhạy. Nếu tôi muốn hiểu các ngài, tôi phải ý thức một cách thụ động, tiêu cực ; lúc ấy, các ngài mới cởi mở mọi sự cho tôi. Cố nhiên đây không phải là vấn đề khả năng hoặc vấn đề chuyên môn. Trong tiến trình kể trên, chúng ta bắt đầu tự hiểu bản thân, không phải chỉ hiểu ở những tầng nông cạn hời hợt của ý thức chúng ta , mà phải hiểu cả những gì sâu thẳm nhất mới là quan trọng hơn ; bởi vì ở đó chứa đựng tất cả những động lực hoặc ý định của ta, những đòi hỏi hỗn độn giấu kín, những nông nỗi lo âu, xao xuyến, sợ hãi, những thèm khát nhục dục. Bên ngoài chúng ta có vẻ như kiểm soát chế ngự những thứ ấy, nhưng bên trong lòng chúng ta sôi sục. Chỉ khi nào mình hoàn toàn ý thức được tất cả những thứ ấy thì hiển nhiên mình mới có tự do, mới có thể được hạnh phúc, mới có được sự minh mẫn thông suốt.
Có phải sự thông minh là một vấn đề chuyên môn? Thông minh chính là trực thức trọn vẹn của tiến trình chúng ta . Và sự thông minh ấy có thể tôi luyện được qua bất cứ hình thức chuyên môn nào ? Bởi vì sự kiện này hiện nay đang xảy ra, phải thế không ? Giáo sĩ, bác sĩ, kỹ sư, kỹ nghệ gia, thương gia, giáo sư – chúng ta đều có đầu óc thuộc tất cả phạm vi chuyên môn này. Muốn thể hiện được hình thức cao nhất của sự thông minh – tức là chân lý, tức là Thượng đế ; điều không thể diễn tả được – muốn thể hiện như thế chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải trở thành những chuyên viên. Chúng ta nghiên cứu, mò mẫm, tra tìm ; mang tâm thức của một chuyên viên hoặc nương cậy vào chuyên viên, chúng ta nghiên cứu bản thân để mà phát triển khả năng khả dĩ giúp đỡ mình tháo gỡ những xung đột , những khốn khổ cơ cực.
Nếu chúng ta có trực thức, vấn đề chúng ta là tìm xem những xung đột, những cơ cực khốn cùng, những đau khổ của đời sống thường nhật của chúng ta có thể nào giải quyết được nhờ trung gian của một kẻ khác hay không, và nếu kẻ khác không giải quyết được thì làm thế nào chúng ta có thể đối trị những thảm trạng ấy ? Muốn hiểu được một vấn đề hiển nhiên mình phải có một mức độ thông minh nào đó, và sự thông minh ấy không thể được rèn luyện hay xuất phát từ sự hiểu biết có tính cách chuyên môn. Thông minh ấy chỉ thực hiện khi chúng ta trực thức một cách tiêu cực về toàn thể tiến trình của tâm thức mình, nghĩa là trực thức về bản thân mà không chọn lựa, không chọn lựa giữa điều đúng và điều sai. Khi các ngài ý thức một cách tiêu cực, thụ động, các ngài sẽ thấy rằng vấn đề mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, xuất phát từ tính chất tiêu cực thụ động ấy, tiêu cực ở đây không có nghĩa là nhàn rỗi, lười biếng, ăn không ngồi rồi, mê ngủ ; không, không, không phải như vậy, tiêu cực ở đây có nghĩa là linh động thức tỉnh cực độ ; có nghĩa là không còn sự đồng hóa với vấn đề, không còn phê phán, và nhờ đó, vấn đề mới mở lộ nội dung của nó. Nếu các ngài có thể làm thế thường xuyên thì tất cả mọi vấn đề đều có thể được giải quyết một cách căn bản, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài. Đây là điều khó khăn, bởi vì hầu hết chúng ta đều không thể ý thức một cách tiêu cực thụ động, không thể để vấn đề tự giải bày tự sự mà không cần đến sự giải thích của mình. Chúng ta không biết cách nhìn một vấn đề một cách bình thản an nhiên, không vọng động. Chúng ta không thể làm như vậy, thực là bất hạnh, bởi vì chúng ta muốn rút một kết quả nào đó từ vấn đề, chúng ta muốn có một câu trả lời, chúng ta mong mỏi một cứu cánh ; hoặc chúng ta cố gắng diễn dịch vấn đề tùy theo niềm vui sướng hoặc nỗi đau đớn của chúng ta ; hay là chúng ta muốn có sẵn đáp số về cách đối trị vấn đề . Do đó, với khuôn khổ cũ, chúng ta đi đến một vấn đề mà mỗi vấn đề đều hoàn toàn mới lạ. Sự thách thức luôn luôn mới mẻ, nhưng đáp ứng thì vẫn luôn luôn cũ kỹ ; điều khó khăn của chúng ta là phải đón gặp sự thách thức một cách thích đáng, tức là một cách trọn vẹn. Vấn đề vẫn luôn luôn là vấn đề tương giao – tương giao với những sự vật, với người đời hoặc với những ý tưởng ; chẳng có vấn đề nào khác nữa ; muốn đón gặp vấn đề tương giao, với những yêu sách thường xuyên biến dạng của vấn đề ấy – muốn đón nhận nó một cách chính xác, đón nhận một cách thích đáng – mình phải ý thức nó một cách thụ động , tiêu cực. Tính chất tiêu cực ở đây không phải là vấn đề quyết chí, ý chí kỷ luật ; trực thức rằng chúng ta không tiêu cực, ý thức như vậy chính là sự khởi đầu. Trực thức rằng chúng ta muốn có một câu trả lời đặc biệt nào đó về một vấn đề đặc biệt nào đó – ý thức được như vậy, nhất định đó là khởi đầu, tự hiểu biết mình trong tương giao với vấn đề và cách đối trị vấn đề. Rồi lúc ấy khi chúng ta bắt đầu tự hiểu biết mình trong tương giao với vấn đề - cách chúng ta đáp ứng , chân tướng của đủ loại thành kiến, yêu sách, ngưỡng vọng trong lúc đón gặp vấn đề - trực thức này sẽ khai mở tiến trình tư tưởng của chúng ta , của chính bản chất nội tâm chúng ta : chỉ trong tâm thái này mới phát hiện sự giải phóng.
Điều quan trọng nhất định phải là trực thức không chọn lựa, vì sự chọn lựa đem đến xung đột. Người chọn lựa ở trong trạng thái hỗn loạn, vì hỗn loạn nên hắn mới chọn lựa ; nếu hắn không ở trong tâm trạng hỗn loạn thì không cần sự chọn lựa nữa. Chỉ có kẻ hỗn loạn mới chọn lựa những gì hắn phải làm hoặc không nên làm. Một người đơn giản minh bạch sáng suốt không bao giờ chọn lựa ; những gì đang là hiện thể thì vẫn là hiện thể, “đương xứ tiện thị”, không có gì phải thắc mắc. Hành động xây dựng trên ý tưởng cố nhiên là hành động của sự chọn lựa và hành động ấy không có gì là giải phóng cả : trái lại, hành động ấy chỉ tạo thêm sự chống đối, tạo thêm xung đột ; tùy thuộc vào sự suy tư bị qui định kia.
Do đó, điều quan trọng phải là trực thức từng giây phút một, mà không phải tích lũy kinh nghiệm mà trực thức mang đến ; bởi vì lúc các ngài tích lũy, các ngài chỉ trực thức tùy thuộc vào sự tích lũy kia, tùy thuộc vào khuôn khổ kia, tùy thuộc vào kinh nghiệm kia. Nghĩa là sự trực thức của các ngài đã bị qui định bởi sự tích lũy của các ngài ; do đó, không còn sự chiêm nghiệm quan sát mà chỉ là sự diễn dịch thôi. Khi nào còn có sự diễn dịch thì vẫn có sự chọn lựa, chọn lựa gây ra xung đột tương tranh ; không thể nào có được sự giao cảm trong xung đột.
Đời sống là sự việc tương giao, muốn hiểu được tương giao linh động ấy, mình phải có trực thức uyển chuyển, trực thức tiêu cựa một cách linh hoạt, chứ không tích cực một cách hiếu thắng xâm lược. Như tôi đã trình bày ở trên, sự trực thức tiêu cực này không phải xuất hiện từ bất cứ hình thức kỷ luật nào, bất cứ sự thực hành tôi luyện nào. Chúng ta chỉ cần trực thức từng khoảnh khắc một, trực thức về tư tưởng và cảm giác chúng ta , chẳng những lúc chúng ta tỉnh thức thôi. Khi chúng ta đi sâu hơn nữa, chúng ta thấy rằng chúng ta bắt đầu mộng mị, rằng chúng ta bắt đầu tạo ra đủ loại biểu tượng mà chúng ta diễn dịch ra thành mộng mị. Thế là chúng ta mở cửa đi vào thế giới sâu kín. Thế giới sâu kín ấy trở thành những điều quen biết ; nhưng muốn tìm thấy thế giới xa lạ, không quen biết, chúng ta phải vượt qua ngưỡng cửa này – cố nhiên, đây là nỗi khó khăn của chúng ta . Thực tại không phải là điều mà tâm trí có thể biết được, vì tâm trí là kết quả của những gì quen biết, của quá khứ ; do đó, tâm trí phải tự hiểu nó và hiểu tác động của nó, sự thực của nó, chỉ có thế, những gì xa lạ, không hề biết mới có dịp hiện thể được.