Trước đây, chúng ta đã thấy trường hợp của người nhạc sĩ mù, mà nguyên nhân là do bởi kiếp trước, trong một bộ lạc dã man ở Ba Tư, ông đã lấy dùi sắt nhọn nung đỏ chọc vào mắt những kẻ tù binh để hành tội những người này. Trong trường hợp này, người ta sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao ông lại chịu trách nhiệm về những phong tục bổn xứ hồi đương thời? Tại sao một người phải bị quả báo trong khi ông chỉ thừa hành chức vụ mà xã hội giao phó cho ông?" Thí dụ, hồi xưa nước Pháp dùng những đao phủ quân để hành tội những phạm nhân trên đoạn đầu đài. Người đao phủ ấy chỉ là một công chức của Nhà Nước và làm việc ăn lương của chính phủ. Có thể nào người ấy bị quả báo khi ông thừa hành chức vụ chém đầu tội nhân do luật pháp bắt buộc chăng? Nếu là không, thì tại sao người đao phủ của bộ lạc dã man nước Ba Tư hồi thời cổ, lấy dùi sắt nung đỏ chọc vào mắt tù binh của một bộ lạc cừu địch, lại phải chịu quả báo? Trước đây chúng ta đã thấy rằng không phải hành động gây nên nghiệp quả mà chính là cái nguyên nhân làm động lực bên trong cho hành động ấy, chính cái tinh thần bên trong làm chủ động cho mọi việc làm, mới là cái nguyên nhân tạo nên nghiệp quả. Ngoài ra, còn có vấn đề trách nhiệm chung, hay nghiệp quả công cộng, nghĩa là nếu một xã hội có những tập quán xấu xa, độc ác gây nên đau khổ cho nhiều người thuộc về xã hội đó đều phải chia xẻ một phần nào trách nhiệm và quả báo của xã hội ấy gây nên. Theo ý nghĩa của nền luân lý thông thường, nếu những hành vi tàn bạo như sát phạt, giết chóc, gây thương tích cho kẻ khác, tuyệt đối là những điều ác dữ, thì tất cả những người nào thuộc về thành phần của xã hội tàn bạo đó đều phạm tội, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Tội ác đó càng tăng nếu họ biết rằng phong tục tập quán đó là độc ác, mà họ vẫn tiếp tục tán thành và không làm gì để trừ bỏ những thói tàn bạo hung ác ấy. Và nếu họ trực tiếp nhúng tay vào những hành động hung dữ ấy, thì tội ác của họ càng tăng hơn nhiều. Lấy dùi sắt nhọn chọc thủng mắt những người khác chỉ vì họ là tù binh của một bộ lạc cừu địch, dĩ nhiên là một hành động hung ác bạo tàn. Nếu người đao phủ tự trong lòng ông chống đối việc làm hung bạo này, và chỉ thừa hành chức vụ vì bắt buộc phải tuân lệnh thượng cấp, thì có lẽ ông không gây nên nghiệp ác. Nhưng nếu trong khi thừa hành chức vụ, tự trong lòng ông tán thành việc làm hung ác này, nghĩa là ông cũng nuôi trong lòng một sự hung ác tương đương với phong tục bổn xứ của ông, thì chắc chắn là ông phải chịu quả báo. Vấn đề này được giải đáp một cách mỹ mãn trong kinh Bhagavad Gita của Ấn Độ: "Làm mà như không làm, tuy hữu vi mà vô vi, nghĩa là làm một cách vô tư, với một tinh thần giải thoát, không bám víu, không vụ lợi; đó tức là cái bí quyết của sự hành động cao thượng, siêu thoát, và không gây nên nghiệp quả... " Thậm chí đến tình thương cũng phải là một tình thương vô tư, không tha thiết, không chiếm hữu, một tình thương siêu thoát, chứ nếu không, nó sẽ tạo nên những sợi dây trói buộc trong kiếp sau. Nếu người đao phủ xứ Ba Tư kể trên chỉ thừa hành chức vụ với một tinh thần hy sinh theo như việc làm của những nhà hiền triết thời xưa, không thỏa mãn dục vọng riêng, không có lòng hung dữ bạo tàn và đàn áp kẻ khác, thì ông sẽ không gây nên ác quả. Theo lý luận đó, vì lẽ người ấy đã bị quả báo mù mắt trong kiếp này, nên ta có thể kết luận rằng ông đã nuôi thói hung ác trong khi thừa hành chức vụ, theo phong tục bổn xứ của y. Trong chương mười một, chúng ta đã thấy rằng sự hiểu biết về Luật Nhân Quả không khỏi làm cho người ta băn khoăn lưỡng lự trước một vài vấn đề xã hội, và không biết sẽ hành động như thế nào cho hợp lý. Chúng ta đã thấy rằng trong nhiều trường hợp, sự lạm dụng quyền năng trong những kiếp quá khứ đã đưa đến cảnh nghèo khổ, khó khăn trắc trỏ trong kiếp hiện đại. Nếu phần nhiều sự đau khổ buồn rầu của con người đều do bởi những việc làm ác của họ gây nên trong quá khứ thì ta phải đối xử thế nào với những kẻ hoạn nạn khốn cùng? Ta phải có thái độ như thế nào đối với hoàn cảnh khó khăn đau khổ của kẻ khác? Ta có nên ngảnh mặt làm ngơ và nói như thế này chăng: "Này ông bạn ơi, ông bạn đau khổ vì quả báo của ông bạn tự gây ra, chứ không phải oan uổng gì đâu. Tôi không còn quyền can thiệp vào sự hành động của Luật Nhân Quả." Ta có nên nghĩ rằng sự thiện cảm là một thái độ trái mùa, và lòng nhân từ là một điều không phải chỗ của nó trước sự hành động vô tư của Luật Nhân Quả hay chăng? Có lẽ ta không nên giải đáp những câu hỏi đó một cách hấp tấp vội vàng, và với một sự cảm tình bồng bột. Chúng ta biết rằng một kẻ sát nhân nguy hiểm sẽ không học được bài học của y, nếu vì lòng nhân hậu quá đáng, người ta để cho ông được tự do có điều kiện sau một thời gian giam cầm ngắn ngủi. Chúng ta biết rằng một người học trò dốt không thể học hết chương trình lớp học của y, nếu ông giáo sư quá dễ dãi để cho y về sớm ba giờ mỗi ngày. Chúng ta biết rằng một đứa trẻ không thể biết vâng lời, nếu người mẹ luôn luôn bênh vực con, không để cho nó chịu hình phạt nghiêm khắc và roi vọt của người chạ Chúng ta biết rằng những khó khăn trắc trở và đau khổ của người đời, dưới hình thức những tật nguyền, tại nạn, nghèo khổ... Thật ra là sự biểu hiện ý muốn cải thiện và giáo dục của Thiêng Liêng. Như vậy, làm sao ta dám can thiệp vào sự hành động của Thiên Y, và phá luật lệ thiên nhiên? Thí dụ, chúng ra thấy một người kia sống trong cảnh lầm than khốn khổ, nghèo nàn cơ cực, với một thân hình tàn phế, tật nguyền, chúng ta không khỏi động lòng thương hại. Nhưng nếu chúng ta xét mọi sự theo khía cạnh Nhân Quả, chúng ta cũng có thể nhìn thấy con người bất hạnh ấy dưới một hình thức khác. Chúng ta có thể nhìn về dĩ vãng và tưởng tượng người ấy trong một vai trò khác, với một bộ y phục khác và sống trong một thời đại khác hơn bây giờ. Chúng ta có thể tưởng tượng con người vô phước ấy dưới những nét của một vị lãnh chúa nước Nga hồi thời Nga Hoàng; một vị lãnh chúa có một thân hình cao lớn, lực lưỡng, khỏe mạnh, nhưng lại hung tợn, độc ác và vô nhân đạo. Với những tài sản khổng lồ, giàu sang không kể xiết, ông đã tỏ ra lạnh nhạt dửng dưng trước sự đau khổ của những người nông dân đã làm việc cặm cụi suốt đời để làm giàu cho ỵ Với một thân hình tráng kiện, sức khỏe dồi dào, ông ra hiên ngang hống hách, khinh thường những kẻ yếu đuối, đối xử tàn nhẫn với đàn bà, trừng phạt thẳng tay không chút lòng thương xót đối với những kẻ đã làm mất lòng ông. Đó là hình ảnh cho người của ông trong kiếp trước. Nhìn chung quanh ông, ta thấy những nạn nhân của ông đang sống vất vưỡng, dở chết dở sống trên những vùng hoang vu lạnh lẽo ở xứ Tây Bá Lợi Á, do bởi ông đã dùng quyền lực áp chế để đày ải họ sang xứ này. Ta thấy những trẻ con xanh xao gầy còm, mặt mày ngơ ngác vì đói lạnh, bởi cha mẹ chúng là những nông dân nô lệ, suốt đời phục dịch vị lãnh chúa tàn bạo, nhưng vẫn không đủ cơm ăn áo mặc, vợ con phải chịu đói rách quanh năm. Khi chúng ta nhìn thấy cảnh tượng kiếp trước của người ấy như thế, một cảnh tượng có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trong những thời đại đã qua, thì chúng ta biết rằng ông sẽ có lúc phải trả quả báo về những tội ác của ông đã làm. Và ngày nay, chúng ta đã gặp lại ông trong bộ áo của một kẻ hành khất khốn khổ lầm than, thân hình tàn phế, chúng ta có thể nào còn thương hại ông được chăng? Gặp cảnh này, chúng ta đã đứng trước một vấn đề tâm lý, luân lý và xã hội có một tầm quan trọng rất lớn, một vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu rõ trong việc xử thế hằng ngày. Người ta đã tìm thấy một phương pháp giải quyết vấn đề này trong chế độ xã hội của một xứ trên thế giới là xứ Ấn Độ. Vấn đề mà chúng ta nêu ra khi chúng ta vừa mới chấp nhận thuyết Luân Hồi, người Ấn Độ đã từng biết rõ từ bao nhiêu thế kỷ về trước. Người Ấn Độ đã giải quyết vấn đề này bằng cách không can thiệp vào sự hành động của luật nhân quả. Điều này giải thích một phần lớn thái độ thản nhiên của họ đối với những kẻ đau khổ, hoạn nạn, khốn cùng, và cách đối xử đặc biệt mà họ dành cho những người thuộc gia cấp cùng đinh (paria) Chế độ giai cấp ở Ấn Độ vốn căn cứ trên pháp luật của đức Manou, một luật gia và triết gia danh tiếng của Ấn Độ thời cổ. Cũng như Platon, Ngài tuyên bố rằng theo luật tự nhiên, xã hội loài người chia ra từng thành phần, tùy theo công việc hay chức nghiệp của mỗi người. Điều huấn thị này về sau trở nên một tập quán xã hội, và tập quán đó dần dần kết tinh lại thành ra một trật tự về giai cấp. Truyền thống, phong tục và thói dị đoan của một dân tộc gồm đến chín mươi phần trăm những kẻ thất học, đã làm cho tập quán nói trên trở thành bất di dịch, không thể sửa đổi. Gia cấp hạ tiện gồm thành phần những người làm những công việc ti tiện, thấp kém nhất trong xã hội. Giai cấp này về sau trở nên thành phần "Bất khả tiếp xúc" (intouchable), do sự lý luận rằng nếu họ đầu thai làm những người thuộc giai cấp hạ tiện đó, là để trả quả báo về những việc làm xấu xa và tội ác của họ trong một kiếp trước. Bởi sử lý luận đó, người ta không can thiệp vào luật Trời khiến cho họ phải lầm than khổ sở, mà cứ dửng dưng trước sự hành động tự nhiên của Luật Quả Báo. Nếu chúng ta chấp nhận lý lẽ thứ nhứt của người Ấn Độ, theo đó Luật Nhân Quả đặt để ta vào một hoàn cảnh hay thân phận thích nghi, tương xứng với nghiệp quả của mình, và nếu chúng ta cũng chấp nhận luôn lý lẽ thứ hai của họ về đẳng cấp trong xã hội, thì ta thấy rằng lập luận của họ rất vững chắc và rất có lý. Lập luận ấy dầu rằng có cái lý lẽ vững chắc, nhưng nếu nó đưa chúng ta đi đến kết luận là phải dửng dưng trước sự đau khổ của kẻ khác, thì đó thật là một điều đáng buồn! Tuy thế, ta cũng thấy có những người luôn luôn cố gắng hoạt động trong các công trình cứu tế để làm dịu bớt sự đau khổ của nhân loại. Đó là bởi vì họ có lòng nhân từ bác ái đến một mực độ rất cao. Thấy vậy, lòng bác ái tức là tình thương bao la phủ nhận lý luận của những kẻ thản nhiên, bất can thiệp, mặc dầu lý luận này bề ngoài dường như có lý. Chính đó là ý nghĩa lời răn dạy của đấng Christ, vì Ngài đã dành trọn cuộc đời để đi truyền giáo và chữa bịnh cho người thế gian mê lầm và đau khổ. Cuộc đời của đấng Christ đã chứng minh rằng dầu cho tội lỗi của con người nặng đến đâu, ta cũng phải luôn luôn đưa ra một cánh tay cứu giúp. Cuộc đời của ông Edgar Cayce tuy không thể đem so sánh với đấng Christ, nhưng ông cũng là một người cái tinh thần cứu độ chúng sinh giống như đấng Christ, vì trong bốn mươi năm, ông đã hoạt động với một tấm lòng nhiệt thành và bác ái để cứu giúp những người đau khổ từ thể xác đến tinh thần. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều xác nhận rõ ràng quan niệm này, là đời người bị chi phối và cai quản bởi một định luật rất khoa học, đó là Luật Nhân Quả mà phương Đông đã biết rõ từ lâu đời. Đồng thời, những cuộc soi kiếp đó cũng xác nhận định luật bác ái nhân từ và lý tưởng phụng sự, là những điểm cốt yếu trong giáo lý của mọi tôn giáo. Không cần biết về tội lỗi của người khác ra sao trong những kiếp quá khứ, chúng ra nên cố gắng giúp đỡ họ, và đừng lầm tưởng rằng làm như thế, chúng ta có thể can thiệp vào sự hành động của Luật Nhân Quả. Ngoài ra, chúng ta nên hiểu rằng dửng dưng nguội lạnh trước sự đau khổ của kẻ khác cũng là một tội ác mà chúng ta phải chịu quả báo về sau này. Một khía cạnh khác của vấn đề tế nhị này là con người có quyền tự do ý chí trong mọi hành động, và không phải tất cả mọi việc lớn nhỏ trong đời đều đã được định saün từng chi tiết theo một cái định mệnh bất di dịch. Bởi đó, sự cố gắng của chúng ta để giúp đỡ một người đau khổ hoạn nạn, không phải chỉ là một kinh nghiệm bản thân cần thiết cho ta để tự cải thiện lấy mình trong sự thực hành tình bác ái mà thôi, nó còn là một điều quý báu có thể làm thay đổi cả một thái độ tinh thần, và cả một cuộc đời của đương sự. Xét cho cùng, ta nên hiểu rằng nghiệp quả là do tư tưởng tạo nên. Sự sinh hoạt trái đạo, cách xử thế sai lầm, nguyên nhân là do sự lầm lạc trong tư tưởng. Bởi đó, người ta chỉ có thể hoàn toàn thay đổi thái độ đối với cuộc đời bằng ách hoàn toàn cải tạo tư tưởng. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đã tuyên bố một cách rất đúng rằng tư tưởng chính là sức mạnh sáng tạo, và trừ phi có sự thay đổi tư tưởng ở tự nơi mình, người ta không thể nào cứu chuộc và sửa đổi lại những nghiệp quả xấu đã gây từ trước. Hiểu theo một ý nghĩa thần bí, các tôn giáo cho rằng Thượng đề sáng tạo ra con người; những theo ý nghĩa thiết thực thì con người tự sáng tạo lấy mình! Luật Nhân Quả là cái định luật theo đó con người tự tạo nên cái thân phận sang hèn, may rủi, tốt xấu, vui buồn của chính mình. Luật Nhân Quả đặt con người trong sự kiềm tỏa, trói buộc và đặt ông trong vòng kỷ luật để cho ông tự tu tiến lấy bản thân, nhưng đồng thời nó cũng là kẻ giải phóng và là một người bạn tốt. Biết rõ điều này, người Phật tử luôn luôn giữ thái độ hồn nhiên, thanh thoát trước mọi nghịch cảnh, mọi nỗi thăng trầm chìm nổi của cuộc đời và nói: "Phật Pháp là chỗ trú ẩn của ta" Đối với những người thông hiểu mục đích tốt lành của mọi định luật thiên nhiên trong Trời Đất, thì câu nói đó cũng có ý nghĩa đầy đủ với những tính cách an ủi và khích lệ như câu tương tự của người tín đồ Gia Tô Giáo: "Chúa Trời là niềm vui, là Ánh Sáng, và là đấng Che Chở của ta" |