Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT SÁU THỰC THỂ: ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA, HƯ KHÔNG VÀ Ý THỨC

 

1

空相未有時

則無虛空法

若先有虛空

即為是無相

5.1

Khi chưa có tính chất để phân biệt ra hư không,*

Thì hẳn không tồn tại khái niệm "hư không".

Nếu hư không là cái tồn tại trước tiên,

Thì nó vốn không có tính chất gì cả.

______* "Hư không-Không-空", chữ "Không-空" ở đây dùng với ý nghĩa đơn thuần: Hư không, không gian, chỗ trống rỗng không có gì cả. Tuy nhiên, ý nghĩa này liên quan đến quan niệm Đa nguyên Thực tại luận nằm rất sâu trong Upanishad và các hệ phái như Số Luận-Sàmikhya, Thắng Luận-Vaisùesïika, Chính Lý-Nyàya... qua đó "hư không-Àkàsùa" được xem là một trong những bản thể tối sơ như: Đất (Prïithivi), Không (Àkàsùa), Nước (Ap), Thời gian (Kàla), Lửa (Tejas), Phương hướng(Dik), Gió (Vàyu)... Những bản thể tối sơ này, như là những cái không thể biến đổi, vĩnh hằng... từ đó hình thành thế giới thiên hình vạn trạng, nhưng cũng vốn có những bản thể tính không thay đổi (Tự tính-prakrïti_như Số luận quan niệm), hay Tự ngã-àtman với bản thể tính không thay đổi (như Chính Lý, Thắng Luận quan niệm)...Ở đây, Nagarjuna phủ nhận tính chất bản thể của Hư không: Hư không không phải là một bản thể thường hằng và bất biến, đó chỉ là khái niệm tương đối do nhận thức tuơng đối thiết lập ra, từ những gì đối lập với nó là "Có"-Hữu-有, tức là cái "Không Có gì cả"-Vô-無.

 

是無相之法

一切處無有

於無相法中

相則無所相

5.2

Tất cả những cái gì không có tính chất nào,*

Thì bất kỳ ở đâu cũng không tồn tại.

Trong cái hư không vốn không có tính chất nào,

Thì tính chất của nó tức là "không-có-tính-chất".

_______*"Tất cả những cái gì không có tính chất của nó", Hán văn: "Thị vô tướng chi pháp-是無相之法" với nghĩa văn bản: "Những gì không có hình tướng như thế". Trong rất nhiều trường hợp của chữ Hán cổ, thì chữ "Tướng-相: hình tướng" và "Tính-性: tính chất" được sử dụng lẫn với nhau, điều này có nguyên do: hình tướng cũng là một tính chất. Tuy nhiên, ở đây dụng ngữ "Tướng-相" không phải là "hình tướng" mà là "tính chất-性", vì hai lý do:

 a. Phẩm thứ 5 này từ kệ 1 đến kệ 7, quán sát chung cả 6 thực thể: Đất, Nước, Gió, Lửa, Hư Không và Ý thức, chứ không phải riêng gì hư không.

 b. Ở sự quán sát này, Nagarjuna chỉ nhằm vào phá hủy quan niệm của các hệ phái về bản thể tính thường trụ bất biến về 6 thực thể tối sơ này (như đã chú thích ở kệ 1). Đây mới chính là trọng tâm cần công kích của Nagarjuna. Phá vỡ luận điểm này thì những quan điểm liên hệ như: Tự tính, Tự Ngã, Thần Ngã, Thường Trụ Luận, Đoạn Diệt Luận... cũng đều tan rã hết.

 

有相無相中

相則無所住

離有相無相

餘處亦不住

5.3

Ở trong một tồn tại có tính chất "không-có-tính-chất" như thế (hư không),*

Thì "tính chất" hẳn không có chỗ nào để thường hằng.

Rời khỏi một tồn tại có tính chất "không-có-tính-chất" như thế,

Thì tất cả những chỗ còn lại, không có tính chất nào thường hằng được nữa.

______*"Ở trong một tồn tại có tính chất "không-có-tính-chất" như thế"

 Sau Nagarjuna khoảng 5 thế kỷ, Kumarila (thế kỷ thứ 7, thuộc hệ phái Di-Man-Tác-Mìmàmïsà) đưa ra khái niệm về "Vô thể" (abhàva-pramànïa) như là một đối tượng của nhận thức: Cái "Không có gì" không hẳn chỉ là "rỗng không" mà là không gian cho cái "Có" choáng chỗ. Quan niệm này có những điểm tương tự như quan điểm của Wittgenstein "Trong hình học, cũng như trong luận lý học, không gian là một khả năng: một cái gì đó có thể tồn tại ở đó" (In geometry and logic alike a place is a possibility: something can exist in it. Tractatus Logico-Philosophicus, 3.411)

 Tuy nhiên, ở 2cd và ở đây, chúng ta thấy mệnh đề luận lý của Nagarjuna đưa ra đã nội hàm cái "Vô Thể" này rôi: "Trong cái hư không không có tính chất nào, thì tính chất của nó là 'không-có-tính-chât'"_"Hư không" ( hay"Không gian") được xem như là một khả năng (posibilyty) để cho các tính chất có thể tồn tại một cách hằng thường, bất biến (vì không có cái gì tác động vào được). Từ tiền đề này dẫn đến:

 " Nếu trong Hư không, mà không thể có tính chất nào hằng thường được, thì chẳng ở đâu có các tính chất thường hằng được nữa" (kệ 3).

 

相法無有故

可相法亦無

可相法無故

相法亦復無

5.4

Vì không tồn tại tính chất nào thường hằng,_liên kết ý với 3d

Nên cũng không tồn tại cái gì hằng thường.

Vì không tồn tại cái gì hằng thường,

Nên cũng không tồn tại tính chất nào thường hằng.

 

是故今無相

亦無有可相

離相可相已

更亦無有物

5.5

Vì vậy, hiện không có tính chất,

Thì cũng không thể tồn tại cái có tính chất.

Không có tính chất và cái có tính chất,

Thì cũng chẳng có cái gì tồn tại cả.

 

若使無有有

云何當有無

有無既已無

知有無者誰

5.6

Nếu không có cái gì tồn tại cả,

Thì làm sao có hư không bây giờ?

Đã không có tồn tại và hư không,

Thì ai mà biết được rằng chúng "Có" hay "Không có"

 

是故知虛空

非有亦非無

非相非可相

餘五同虛空

5.7

Vì thế, hãy biết rằng hư không vốn là cái gì ở ngoài tính cách "Có" hay "Không có",

Nó ở ngoài tính cách "tính chất" hay "cái có tính chất"

Những thực thể còn lại (Đất, Nước, Gió, Lửa và Ý thức) cũng đều giống như thế cả.

 

淺智見諸法

若有若無相

是則不能見

滅見安隱法

5.8

Kẻ có trí tuệ hời hợt nhìn sự vật tồn tại,

Qua tính cách "Có" hoặc "Không có",

Thì hẳn không có khả năng nhìn ra:

Giáo pháp lặng lẽ ẩn tàng có thể diệt mọi định kiến.

Xem mục lục