Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT CÁI TÔI (Ngã-) và CÁI THUỘC VỀ TÔI (Ngã Sở-)

(Àtma-parĩksà) 

 

若我是五陰

我即為生滅

若我異五陰

則非五陰相

18.1

Nếu cái Tôi (Ngã-我)* đồng nhất với Năm Điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰)

Thì Tôi là cái gì có Sinh khởi và Hoại diệt.

Nếu cái Tôi dị biệt với Năm Điều kiện nhận thức,

Thì nó không có tương quan với những tính chất của Năm Điều kiện nhận thức.

 ______* “Cái Tôi (Àtman-Ngã-我): cái Tôi nói chung. Khác với trường hợp ở Phẩm 9, Quán sát Bản Trụ, đó là Àtman hình thành do quan niệm của các hệ phái, nó được củng cố bởi các hệ tư tưởng và được gọi với những tên riêng biệt (Tự Ngã, Thần Ngã…). Ở đây, dụng ngữ “Tôi-Ngã” được sử dụng đơn thuần trong cách nói thông dụng với ý nghĩa đơn giản: Con người ai cũng có “cái Tôi”. Cái Tôi này hình thành trong mỗi con người một cách tự nhiên với hai ý nghĩa: 1. Con người như là một sinh vật và 2. Con người như là một phần tử của xã hội.

 1.Con người như là một sinh vật: Cấu tạo con người hình thành trong quá trình liên tục của sinh vật, trong một ý nghĩa nào đó. vẫn còn mang những dấu vết của động vật như: bản năng sinh tồn, những phản xạ có điều kiện, bản năng giới tính… Những điều kiện này có thể gọi là bẩm sinh, như những”trang bị” (“apparatus”, từ của K. Lorenz, xem chú thích phẩm 17.9) cần thiết, tự nó không mang tính chất “tốt” hay “xấu”. Tốt hay xấu, khi nào nó được theo một chiều hướng cá biệt và định hướng chung của xã hội. Phật giáo quan thường sử dụng thuật ngữ rất đầy đủ ý nghĩa là “Chúng Sinh-衆生”, trong đó “Sinh-生” nói chung là “sinh vật” trong một quá trình liên tục chung nhất, không phân biệt ở giai đoạn nào (từ sinh vật đơn bào như vi khuẩn cho đến giai đoạn cao nhất là con người), trong đó hàm ý: Cấu tạo của “con người” vốn không khác với “sinh vật” trong cùng một quá trình liên tục, và trong con người cũng có những dấu vết sinh vật đó, chứ không phải là cái gì biệt lập.

 2.Con người như là một phần tử của xã hội: Cái Tôi này được hình thành trong một bản giá trị sắn có của xã hội (truyền thống, tập tục, văn hóa, tri thức, giáo dục…). Hầu như luôn luôn có sự mâu thuẫn và xung đột giữa cái Tôi như là một sinh vật và cái Tôi như là một con người trong xã hội. Chính sự xung đột này (Nghiệp-業) hình thành tính cách của mỗi con người “cái Tôi” riêng biệt, kết quả của hai cái Tôi trên.

 Cả hai điều kiện 1 và 2 gọp lại thành điều kiện nhận thức-Ngũ Ấm-五陰, từ đó hình thành một “thế giới riêng” (“Cái Tôi”-Ngã-我) trong tâm thức mỗi người.

 

若無有我者

何得有我所

滅我我所故

名得無我智

18.2

Nếu cái Tôi (Ngã-我_năng động) không tồn tại,

Thì làm sao có được cái gì thuộc về Tôi (Ngã Sở-我所_bị động)?

Khi đã triệt hủy hết mọi năng động và bị động của cái Tôi và cái thuộc về Tôi,

Thì gọi là chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã (không năng động và không bị động).*

 

______*"Trí Tuệ Vô Ngã (không có cái Tôi-năng động và cái thuộc vể Tôi-bị động)"-Vô Ngã Trí-無我智,bản thân dụng ngữ này đã vốn nội hàm ý nghĩa: Không có Ngã-我 và Ngã Sở-我所, không có cái Tôi năng động và cái thuộc vể Tôi bị động. cũng có thể hiểu theo cách diễn đạt khác của Krishnamurti: "Cái thụ động mẫn cảm" (Alert Passivity), trong đó cái Thụ động -Passivity cũng chính là cái gì Năng động-Alert, ở đó cái Tôi không tác vi vào cái thuộc về tôi, như là một chủ thể tác động vào đối tượng nữa, mà chủ thể (Alert) chính là đối tượng (Passivity). Hai dụng ngữ này có vẻ khác nhau về ngữ nghĩa trên bình diện nhị nguyên luận (Dualism): 1. Không có chủ thể và không có đối tượng; và 2. Chủ thể và đối tượng là một. Nhưng cả hai đều biểu trưng cho một Thực tại duy nhất phi-nhị nguyên. Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa có không biết bao nhiêu là dụng ngữ để biểu trưng cho cái Thực Tại Tối Hậu vô hạn này: Đệ Nhất Nghĩa Đế, Nhât Thiêt Chủng Trí, Diệu Giác, Viên Giác, Đương Thể Tức Không, Nhất Hành Tam Muội, Quốc Độ Tuyệt Đối,Ly Tứ Cú Tuyệt Bách Phi ..v.v... (thậm chí cả cách diễn đạt rất "giáo ngoại biệt truyền" của Thiền tông: Ba cân mè, Cái thùng lủng đáy, Que cứt khô...). Nói chung, đó là một Thực Tại mà ý nghĩa của nó nằm ngoài ngữ nghĩa, chỉ khi nào chứng đắc rồi thì tự nó mới mở ra, với vô hạn ý nghĩa...

 

得無我智者

是則名實觀

得無我智者

是人為希有

18.3

Kẻ chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã,

Được gọi là kẻ nhìn sâu thẳm vào Thực Tại Tối Hậu.

Kẻ chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã,

Con người ấy hy hữu biết là chừng nào.

 

內外我我所

盡滅無有故

諸受即為滅

受滅則身滅

18.4 (Đối với một người như thế, thì:)

Vì cái Tôi và cái thuộc về Tôi, sự phân biệt nội giới và ngoại giới,

Tất cả mọi phân định đều triệt tiêu ý nghĩa của chúng,

Tất cả mọi "đối tượng" thụ nhận cũng triệt tiêu,

"Đối tượng" thụ nhận triệt tiêu, thì cái gọi là "Bản Thân" (Chủ thể thụ nhận) cũng triệt tiêu.

 

業煩惱滅故

名之為解脫

業煩惱非實

入空戲論滅

18.5

Vì đã không còn tích lũy tạo tác, phiền não,

Nên gọi là Giải Thoát.

Tích lũy tạo tác và phiền não đều vốn không thật có,

Trên cơ sở Không tính, những hí luận biện biệt đều vô nghĩa.

 

諸佛或說我

或說於無我

諸法實相中

無我無非我

18.6

Chỗ chư Phật thuyết giảng về Ngã,

Hoặc thuyết giảng về Vô Ngã,

Rằng trong những gì chân-thật-như-vốn-là-thế,

Thì không có cái Tôi chủ thể và vượt ra ngoài cái Tôi ấy.

 

諸法實相者

心行言語斷

無生亦無滅

寂滅如涅槃

18.7

Trong cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế ấy,*

Tâm thức vận hành khước từ những khái niệm biện biệt của ngôn ngữ,

Không biện biệt ra Sinh khởi, cũng chẳng biện biệt ra Hoại diệt,

Tâm thức tự nó tĩnh lặng im vắng như Niết Bàn.

 

一切實非實

亦實亦非實

非實非非實

是名諸佛法

18.8

Tất cả những gì (được cho là) thực có hay không thực có,

Thì cả cái "Có thực" và cái "Không có thực",

Cả cái "Không có thực" và cái "Không phải là cái không có thực",

Thì cũng đều là những cái gọi là Phật pháp.

 

______*Nghĩa kệ 8 có cùng ý với nghĩa của kệ 10, phẩm 16:

 Sinh tử Luân hồi không lìa bỏ,

 Niết bàn Giải thoát vẫn y nhiên,

 Diệu nghĩa Chân như phơi lộ rõ,

 Sao còn cố mãi biệt phân thêm?

Cả hai cùng diễn ý: Cái gọi là "Phật pháp" hay "Niết Bàn" không phải là cái gì tách lìa khổi Sinh tử Luân Hồi và Thế gian giới như là một thực thể biệt lập, mà nó cũng chính là những cái gì đang tồn tại trong Sinh tử Luân hồi và Thế gian giới với một ý nghĩa khác: Một khi đã vượt qua cảnh giới biện biệt giữa chủ thể và khách thể, thì không còn tác vi tạo tác và bị tác tạo bởi Sinh tử Luân hồi , tất cả những khái niệm biện biệtcủa thế gian cũng vì thế mà trở nên vô nghĩa. Nói cách khác: Đó là một chiều hướng khác của cùng một Thực tại, hay một cách nhìn khác về Thực tai, chứ không phải là một thực tại khác.______

 

自知不隨他

寂滅無戲論

無異無分別

是則名實相

18.9

Đó là cái gì do chính mình tự biết, chứ không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt,*

Tự nó tĩnh lặng im vắng, không xôn xao hí luận biện biệt.

Vì không có tương quan dị biệt, không có biện biệt xôn xao,

Nên gọi nó là cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế.

 

______*"Chứ không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt", bản Hán văn: "Bất tùy tha-不隨他": không tùy thuộc vào những cái khác. Ba chữ này với ý nghĩa khái quát, tự chúng cho phép chúng ta có thể hiểu nhiều ý: 1. Cái đó tự mình mình biết,chứ không thể nào nhờ người khác mà biết được; 2. Cái đó là cái gì tự mình biết như là cái gì tự-nó-vốn-là-như-thế, chứ không phải là cái được biết qua tương quan dị biệt với những cái khác, do tác vi tạo tác (thuộc Ngũ Ấm-五陰) và quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業) gây ra. Nghĩa thứ hai này theo sát hơn với mạch luận lý có từ kệ 6,7,8, và tự nó cũng nội hàm nghĩa thứ nhất. Hơn nữa, chúng ta có thể hiểu "Bất tùy tha-不隨他: không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt với những cái khác", theo nghĩa rộng nhất mà hiện nay chúng ta có thể giải được với quan điểm nhận thức luận và nhận thức luận khoa học (Episthemology) của Bertrand Russell (1872-1970, người Anh, nhà Toán học, Triết gia, được giải Nobel 1950 như là "Một nhà quán quân của Chủ nghĩa Nhân đạo và Tự do trong Tư tưởng"): Con người ta chỉ có thể nhận biết được đối tượng sự vật thông qua những tương quan dị biệt của chúng, những tương quan dị biệt này hình thành những điều kiện dị biệt của cảm giác ($Ngũ Ấm-五陰) mà con người ta có thể nhận biết được. Sự vật tự-nó (#Tự tính-自性) thì chúng ta không thể biết. (ví dụ: người ta chỉ có thể biết trái táo qua tương quan của nó với trái chanh, tức là tương quan do điều kiện cảm giác đem lại: Măt nhận biết trái táo màu "đỏ", trái chanh "vàng", Lưỡi nhận biết vị "ngọt" của trái táo khác với trái chanh-"chua", ...Đo đó, có thể phân biệt ra khái niệm về "trái táo" và định nghĩa "Trái táo" như là "Trái cây có vị ngọt, màu đỏ...". Nhưng trái táo tự-nó là cái gì, thì chúng ta không thể biết được).______

 

10 

若法從緣生

不即不異因

是故名實相

不斷亦不常

18.10

Nếu quán sát mọi tồn tại do Điều kiện tạo tác (Duyên-緣) khởi sinh,

Như là cái gì không phải là, cũng không khác với Nhân tác tạo (Nhân-因) ra nó,

Thì đó chính là cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế,

Vốn không đứt đoạn, cũng không hằng thường.

 

11 

不一亦不異

不常亦不斷

是名諸世尊

教化甘露味

18.11

Không đông nhất, cũng không dị biệt,

Không đứt đoạn, cũng không hằng thường,

Chính là vị cam lộ mà chư Phật

Đã từng khuyến dạy.

 

12 

若佛不出世

佛法已滅盡

諸辟支佛智

從於遠離生

18.12

Cho dù đức Phật không còn tại thế,

Cho dù Phật pháp có diệt tận đi nữa,*

Thì trí tuệ của các vị Độc Giác Phật nương theo nghĩa ấy (11) mà sinh ra,

Xa rời những biện biệt của thế gian.

______*"Cho dù Phật pháp có diệt tận đi nữa", bản Hán văn của Cưu Ma La Thập:"佛法已滅盡-Phật pháp dĩ diệt tận". Bản Anh ngữ của Stephen Batchelor: "and when their disciples have died out": Và khi các đệ tử của Phật đã diệt độ hết. Bản Nhật ngữ của Kajiyama Yuichi: "Seibuntachi mo shini tsukushita tokinimo": Cho dù các bậc thanh văn đã chết hết rồi đi nữa.

Xem mục lục