Như vậy, người tu đạo nỗ lực quán sát tương quan chân thật giữa những cơ năng nhận tri nội tại (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức_Lục Căn) và những tính chất thuộc đối tượng ngoại tại (màu sắc, âm thanh, mùi, vị, cứng mềm…và những tính cách của đối tượng_Lục Trần), và nhận ra căn để của chúng đều là Không (Sùnyatà):
"Tất cả những yếu tố nội tại và ngoại tại của Ngã và những gì thuộc về Ngã đều triệt tiêu hoàn toàn, không tồn tại nữa.
Những cái thụ nhận đều triệt tiêu,
Cái thụ nhận triệt tiêu, thì hẳn chủ thể thụ nhận cũng triệt tiêu". (TL18.4)
Tức là: Khi những cái nội tại, như là cứ điểm để hình thành cái mà người ta nghĩ là "chính mình"-"tôi"-Ngã-Àtman và những cái ngoại tại, mà người ta có thể thụ nhận từ thế giới quanh mình và nghĩ là chúng "thuộc về mình"-"của tôi"-Ngã sở-Àtmìya, đều dừng lại (ở mức độ chúng là như thế, và không còn gây ra những ảo tưởng về những giá trị tự chúng không là như thế), thì bốn loại chấp trước: 1. Những chấp trước cho những gì giác quan đem lại là thực hữu (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc_Dục Thủ), 2. Chấp trước con đường mình đi là đúng, ngoài ra là sai (Giới Cấm Thủ), 3. Chấp trước vào những định kiến sẵn có, cho đó là Chân lý bất biến (Kiến Thủ), 4. Chấp trước cái "chính mình" và những gì "thuộc về" nó là có giá trị tồn tại (Ngã Ngữ Thủ), cũng đều dừng lại. Trong đó, đầu tiên phải nói đến là việc Chấp trước vào giá trị tồn tại của Ngã (Ngã Ngữ Thủ), một khi đã nhận biết và hiểu (giác ngộ) được rằng cái "tôi"-Tự ngã ấy không thực hữu, thì chấp vào Ngã cũng tự dứt. Ngã chấp đã dứt rồi, thì các chấp trước khác cũng tự dứt. Điều này có nghĩa là: Chấp trước một cái Ngã thực hữu chính là cứ điểm cho mọi chấp trước tiếp theo sau đó, một khi chấp trước tâm điểm này đã tuyệt, thì mọi cái tồn tại dựa trên cơ sở của cứ điểm đó, cũng tự nhiên không còn nữa. Căn nguyên cho mọi cái dấy lên (Sinh khởi) đã tận tuyệt, đó gọi là Giải Thoát.
Tuy nhiên, sự Giải Thoát này tùy thuộc vào mức độ của cái biết và hiểu của từng người như thế nào về việc không tồn tại của Ngã. Cái biết và hiểu ấy có thể có được qua ngôn ngữ được truyền dạy (Thanh Văn), hoặc giả, có thể có được bởi tâm chứng riêng tư (Độc Giác), là hai phương thức để thành tựu cái biết Chân Thực, nhằm vào việc chấm dứt phiền não-đau khổ (_Nhân Vô Ngã, như là một lý tưởng của Tiểu thừa) . Còn phương thức để thành tựu Chân Thực Trí không chỉ nhằm vào việc chấm dứt dứt phiền não-đau khổ mà còn để tận tuyệt mọi chướng ngại của nhận thức và tư duy của con người, thì đó là con đường của Bồ Tát (_Pháp Vô Ngã, như là lý tưởng của Đại Thừa). Phương thức chấm dứt mọi đau khổ phiền não đã được thuyết dạy ngay từ đầu, còn phương thức tận tuyệt mọi chướng ngại do chính tư duy và nhận thức tạo ra, thì được thuyết dạy như sau:
"Như thế, tích lũy tạo tác và Phiền Não cũng triệt tiêu,
Nên gọi là Giải Thoát". (TL18.5ab)
Tích lũy Tạo tác (Nghiệp) và Phiền Não là cơ sở của tiến trình Sinh Khởi, nên khi đình chỉ hai yếu tố này được giải phóng khỏi ràng buộc trong Đau Khổ, nên gọi là Giải Thoát. Như là hai yếu tố cơ sở của tiến trình Sinh Khởi, Tích lũy Tạo tác và Phiền Não vốn không dấy lên từ những đối tượng ngoại tại, nếu con người ta lìa khỏi dục vọng nội tại trong chính mình, thì dù đối tượng vẫn cứ tồn tại như thế, thì hai yếu tố này cũng không có cơ hội để khởi dấy lên. Nó khởi dấy lên như thế nào:
"Tích lũy tạo tác và Phiền Náo vốn đều là những cái phi-Thật của tư duy" (TL18.5c)
Tích lũy tạo tác và phiền não, là những cái tiến hành dựa trên phán đoán giá trị "(tôi) thích" hay "(tôi) không thích" của tư duy. Những phán đoán giá trị (luôn luôn mang tính cách quy hướng vào Ngã-"tôi") như thế là nguyên nhân cho Sinh Khởi (của tạo tác và phiền não). Cũng như trên thế gian này, có hạt giông thì có lúc nó nẩy sinh ra mầm, một cái khi tồn tại làm nẩy sinh ra cái khác, cái trước làm nguyên nhân cho cái sau. Cũng giống như thế, đối với con người chưa thức tỉnh, thì tư duy chính là cái do một tâm thức chưa nhận biết rõ chính nó tạo tác ra, và chính tư duy lại tạo tác ra những phán đoán giá trị (quy hướng về Ngã) làm nền tảng cho tích lũy tạo tác và phiền não (trong một vòng tròn khép kín của luân hồi); ngược lại, đối với tâm thức của người đã thức tỉnh Vô Ngã, thì tư duy không còn tác tạo ra những phán đoán giá trị (quy ngã) như thế, nên cũng không dấy lên tích lũy tạo tác và phiền não.
Trong đó, sự tích lũy tạo tác (Nghiệp) trong một gắn kết liên hoàn với tâm thức tạp nhiễm bởi phiền não và những phán đoán giá trị sai lệch, lại dẫn đến việc khởi động cho những hành vi thuộc thân xác và ngôn ngữ. Phiền Não, là cái dày vò tâm hồn con người ta, cũng chính là cái khởi lên từ Dục Vọng (gắn liền với Sân Hận và Mông Muội).
"Tích lũy tạo tác và Phiền Não được sinh ra từ tư duy, từ đó khởi dấy lên những hí luận" (TL18.5c)
Những cái được cho là "Chân lý" theo thói thường của thế gian (Ngôn Thuyết Đế) đều dựa trên cơ sở của tính đa chiểu của khái niệm ngôn ngữ (Hí Luận). Tính đa chiều của khái niệm ngôn ngữ này có thể triệt tiêu như thế nào?:
"Trên cơ sở của Không Tính (Sùnyatà), mọi hí luận đều triệt tiêu". (TL18.5d)
Trong ý nghĩa "trên cơ sở của Không Tính" này, cần phải bổ sung thêm ý "biết và hiểu (Giác và Ngộ) về Không Tính" (tức là nhận thức theo một chiều hướng khác của Thực Tại). Tức là, nếu có thể biết và hiểu rằng Tự Tính của vạn hữu (theo như cách người ta đâ nhận thức về chúng một cách quy ngã) vốn không tồn tại (theo như cách nhận thức của Pháp Vô Ngã), thì tính cách đa chiều của khái niệm ngôn ngữ (hí luận, trong hệ quy ngã) cũng triệt tiêu.
Vả lại, ý nghĩa Không Tính trong cách nói "trên cơ sở của Không tính", có nghĩa là khi cái Tuệ giác (trực quan) về Thực Tại Chân Thực đã dấy lên, thì mọi cơ sở thuộc về tính đa chiều của ngôn ngữ tạo tác (hí luận) đều triệt tiêu.
Người ta có thể hỏi rằng: Nếu con người có thể tư duy với tính cách Vô Ngã (Nhân Vô Ngã), thì tư duy ấy không đưa ra những phán đoán giá trị "thích" và "không thích" (theo hệ quy ngã) nữa, thì mọi tích lũy tạo tác và phiền não đều đình chỉ (Giải Thoát). Vậy thì đâu cần gì phải có một cách nhận thức khác về vạn hữu, rằng Tự Tính của chúng không tồn tại?
Tuy nhiên, điều này không đúng. Bởi vì, theo quán tính của nhận thức (được huân tập cùng với quá trình tích lũy tạo tác, đã trở thành thế giới quan với tất cả những quan niệm về sự vật tồn tại), phiền não vẫn cứ tiếp tục theo hướng có sẵn của nó, dù người ta có muốn căn tuyệt nó đi, mà nếu không quán sát ngọn nguồn rằng mọi tồn tại đều không có tự tính (mà người ta đã cho là "cố hữu"), thì không thể nào đạt đến sự đoạn tuyệt hoàn toàn được. Vả lại, những gì người ta "biết một cách tự nhiên" về tất cả những sự vật như là đối tượng của nhận thức (quy Ngã) đều dựa trên một cơ sở hoàn toàn khác đối với phương thức nhận tri không qui hướng về Ngã (Pháp Vô Ngã), như là một phương thức nhận tri không chỉ để "biết" (Vô Trí), hay không tạp nhiễm bởi cái biết (Bất Tạp Nhiễm Vô Tri), vì thế mà những gì người ta nghĩ là mình "vốn đã biết" dựa trên cơ sở của Ngã, đều bị loại. Do đó, sự quán sát tính cách Vô Tự Tính của vạn hữu không thể nói là không để làm gì cả.
Bởi lẽ đó, Không Tính, như là căn nguyên triệt tiêu của tính đa chiều đa biện của khái niệm ngôn ngữ (nói theo chiều nào cũng có thể đúng và cũng có thể sai cả), cũng không là gì khác hơn chính Giải Thoát. Đề Bà Thánh Thiên (Àryadeva) cũng giải thuyết:
"Giản ước tất cả những gì Như Lai thuyết giảng cho thế gian, thì chỉ có hai điều: Một, là không sát sinh (như là một cái Thiện phổ quát), và hai, là Giải Thoát, gọi là Không Tính (như là cơ sở cho cái Thiện phổ quát và là ý nghĩa tối hậu của tồn tại con người)".