Học phái Số Luận cho rằng: Ý thức về Tự ngã và những gì thuộc về nó, vốn thuộc về Linh ngã (như là một thực thể tối sơ của tinh thần, là cái tương tác với những Thực Thể Tối Sơ của vật chất như Đất, Nước, Gió, Lửa, để ứng hiện nên những tồn tại cụ thể của vạn hữu. Và, Linh ngã, như là một thực thể tinh thần thường hằng và vô hạn, tồn tại biệt lập với tất cả những Tự ngã cụ thể (thông qua vật chất hữu hình) ấy:
"Tri năng (Buddhi-Giác) có thể "biết" được rằng những cơ năng nội tại*16 (gồm tri năng, tự-ý thức và tri giác) không phải là Linh ngã, ngoại trừ tự-ý thức. Và tri năng cũng "biết" rằng chính nó (một cái hữu hạn) không phải là Linh ngã, mà cũng như những cơ năng khác, chỉ có thể tồn tại trong tương quan với Linh ngã, một cái khác thường hằng và vô hạn. Do vậy, một cái "biết" Chân Tri (biết chân thực trong tương quan thống nhất với cái thường hằng và vô hạn_Linh ngã) thì không còn dấy lên ý thức về "thuộc về" Tự ngã nữa. Vì vậy điều phản bác của Trung Quán (rằng "cái biết ấy vẫn còn phụ thuộc vào ý thức biện biệt thuộc về Tự ngã, nên không phải là Chân Tri" và "Tự ngã tự phủ định nó bởi cái biết không thuôc về nó"), là không đúng.
Tuy nhiên, khi họ (học phái Số Luận) thừa nhận rằng Linh ngã vẫn cứ tiếp tục tồn tại trong mỗi "Tự ngã nhỏ", thì nó cũng chỉ có thể ý thức được bởi cái "Tự ngã nhỏ" ấy thôi, qua đó, không thể loại bỏ ý thức "thuộc về mình" thông qua cảm quan (mắt, tai, mũi, lưỡi...) trong tương quan với tính cách của đối tượng (màu sắc, âm thanh, mùi, vị…) , để có thể nhận biết chân thực về Thực tại được. Theo đó, thì họ cũng không thể thành lập được một cái biết chân thực (Chân Tri) mà không thông qua ý thức về Tự ngã và cái gì "thuộc về nó" được. Về điều này thì Đề Bà (Àrya Deva, môn đệ của Long Thọ), cũng có nói:
"Nếu cái gọi là "Tự ngã" tồn tại, thì Vô Ngã là một điều gì không thể. Hoặc giả, Trí Tuệ Vô ngã (Chân Thực Trí) và cả Niết Bàn nữa, cũng chỉ là ảo tưởng".
Về vấn nạn trong vấn đề Giải Thoát này, có người trong học phái Số Luận cho rằng: "Chính những Thực Thể Tối Sơ tự nó giải thoát", có người trong họ lại cho rằng: "Chính Linh Ngã tự nó giải thoát". Trong đó, theo "Kim Thất Thập Luận" thì:
"Chính những Thực Thể Tối Sơ (gồm Linh ngã và Đất, Nước, Gió, Lửa) tự chúng lưu chuyển-biến đổi, tự chúng ràng buộc với nhau, và cũng tự chúng giải thoát".
Như vậy, nếu theo như họ chủ trương thì "tri năng và những thực thể tối sơ (trong đó có Linh ngã) tồn tại biệt lập" và qua đó, tri năng có thể có căn cứ để nhận biết "các Thực Thể Tối Sơ ấy tự giải thoát". Tuy nhiên, thực ra thì cái "tri năng" ấy chẳng là gì khác hơn ngoài nhận thức sai lầm của họ. Một mặt, họ quan niệm tri năng như là cái gì "ứng hiện từ những thực thể tối sơ" và như thế không thể thừa nhận là nó hoàn toàn không thể tách rời với những Thực Thể Tối Sơ ấy được; mặt khác, họ lại vẫn cứ chủ trương rằng "Linh ngã, như là một thực thể tối sơ là chủ thể giải thoát". Cứ cho là như thế đi, thì có rất rất nhiều những Tự ngã, (như là những "Linh ngã nhỏ" đang cùng tồn tại cộng thông với cái "Linh ngã lớn" kia), chúng vẫn cứ đang tiếp tục hoạt động không nhắm vào mục đích giải thoát và sẽ không có cơ hội giải thoát (cho dù chủ thể giải thoát là "Linh ngã lớn" có giải thoát đi chăng nữa) (?).
Những người khác trong họ lại cho rằng: "Dưới ảnh hưởng của Linh ngã (lớn) như là chủ thể giải thoát, thì cho dù những cái ứng hiện của nó là những Tự ngã cụ thể ("Linh ngã nhỏ") vẫn cứ hoạt động trong trói buộc, thì cuối cùng cũng sẽ được giải thoát".
Tuy nhiên, họ lại xác quyết rằng "tri năng tự nó tồn tại biệt lập với những Thực Thể Tối Sơ", mặt khác, lại xác tín rằng cái "Linh ngã như là một thực thể tối sơ vốn thường hằng và vô hạn_một cái vốn không thay đổi" ấy, cuối cùng cũng sẽ không khác với những cái mà nó "ứng hiện" ra (Tự ngã và tri năng của nó). Theo những điều kiện (vốn mâu thuẩn trong tiền đề) như thế, thì không thể có căn cứ nào để phân ra được đâu là trói buộc và đâu là Giải thoát nữa.
Ví như dù họ có thể giải thích rằng: "Tuy bản chất của Linh ngã là không hề có thay đổi-chuyển biến, cũng giống như một khối vàng, thì cũng có khi biến thành vật trang sức cho cổ tay, có khi thành vật trang sức cho cổ chân, thì Linh ngã cũng chuyển đổi như thế". Tuy nhiên, ngay khi họ cho Linh ngã là "cũng chuyển đổi như thế", thì nó đã không thể là "Linh ngã thường hằng và vô hạn" nữa rồi, mâu thuẩn đã phát sinh.
Họ cũng cho rằng: "Có những cái dù chỉ tồn tại thôi, cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến những cái khác. Tri năng, như là một cơ năng nội tại (vốn mang những tính cách nguyên sơ của những Thực Thể Tối Sơ_gồm tính Thuần Nhất, tính Kích Hoạt và tính U Tối ), trong đó phần Thuần Nhất*6 của nó phát triển cho đến khi nó nhận ra được tính dị biệt giữa Linh ngã (tinh thần) và những Thực Thể Tối Sơ khác (vật chất), như tương quan giữa hình và bóng, thì nó cũng nhận biết (buddhi-khả năng Giác ngộ) ra sự khác nhau giữa nó và những Thực Thể Tối Sơ khác, thì lúc đó những gì thuộc về Linh ngã lại hướng về sự Giải Thoát của chính nó ra khỏi những ràng buộc tối sơ ấy".
Tuy nhiên, đối với những cơ năng nội tại (như là những cái tương đối với những điều kiện) thì có thể xảy ra những tương quan "khác biệt" có tính tương đối như thế, nhưng đối với Linh ngã (như là một thực thể tuyệt đối như họ quan niệm) thì không thể có được sự "khác biệt" nào có thể xảy ra đến với nó cả, nên chính nó lại là cái gì không thể có Giải Thoát (một trạng huống khác). Nếu ở Linh ngã cũng có thể diễn ra một trạng huống "khác biệt" mang tính tương đối như thế, thì cũng lại giống như điểm đã phê phán như trên.
Vả lại, cứ cho rằng việc Linh ngã tự nó và những Thực Thể Tối Sơ khác tồn tại biệt lập có thể chuyển hoán thành tri tính mà tri năng có thể nhận biết-giác ngộ được, tuy nhiên, chính Linh ngã tự nó không phải là một đối tượng (có tính tương đối) của nhận thức (có tính tương đối), thì lẽ nào lại có thể nhận biêt được nó như là một tri tính có thể chuyển hoán được và có khả năng giác ngộ? Họ cho rằng "có thể nhận biết được sự Giải Thoát của Linh ngã giống như nhận biết được cái ấn triện để lại dấu ấn của nó". Về điều này thì chúng ta có thể luận bác rằng: Linh ngã được quan niệm như là cái không có biến đổi chuyển hóa nào cả, từ trước nó đã không hề có thể chuyển hoán, thì sau này nó cũng không thể nào có thể chuyển hoán được thành ra một tri tính thanh tĩnh khả tri nào cả. Vì thế, không thể tồn tại một sự Giải Thoát nào ở nó. Bởi vì, nếu nó có khả năng chuyển hoán thành một trạng thái tri tính vô nhiễm (Giác Ngộ), thì nó, "Linh ngã thường hằng bất biến và vô hạn" không phải là "Linh ngã " như đã quan niệm, điểm sai lầm này vốn có từ trong quan niệm.
Học phái Số Luận quan niệm "Linh ngã" là một cái gì từ tối sơ không thể tác động chuyển hóa được (như là một Tuyệt Đối Thể), chỉ có nhận thức và hành vi con người, như là những cơ năng căn bản có tính cách tương đối, được hình thành từ những Thực Thể Tối Sơ với những tính cách mâu thuẩn tối sơ (Thuần nhất, Kích hoạt, U tối). Theo đó, tri tính (buddhi) của con người, cái có khả năng tính Giác Ngộ, cũng là một cơ năng tương đối và nó được ví dụ như là một chủ nhân công có khả năng đem lại chiến thắng (Giác Ngộ) cho Linh ngã, và ví dụ này chỉ có tính cách giả định về một cái giả định là "Linh ngã". Điều này có nghĩa là cả "Linh ngã" và khả năng "Giác Ngộ" của nó, đều là giả định. Đến đây, đã có đầy đủ căn cứ luận chứng, chúng ta hãy khảo sát vào vấn đề chính:
(Xem tiếp)