Những người quan niệm Tự ngã tồn tại nói rằng:
"Tự ngã hẳn phải tồn tại (mệnh đề chủ trương)
Bởi vì, cái sở thuộc (cái "của mình") của nó tồn tại (luận cứ)
Ví dụ như: Có tài sản thì phải có chủ nhân của nó (tỉ dụ)
Những cái sở thuộc của Tự ngã, trong đó có nhà "của mình", phòng ngủ, quần áo, mắt, tai "của mình"...(liên kết luận lý)
Vì vậy, Tự ngã hẳn phải tồn tại (qui kết)".
Trả lời điều này, chúng ta có thể nói: Nếu từ giờ trở đi mà cái gọi là "Tự ngã" bắt đầu tồn tại, thì chúng ta có thể nói với "anh ta" rằng cái này là "của anh", nó là một tồn tại thuộc về "anh", là sở hữu chủ của nó (vì nó mà "anh tồn tại đấy!). Thế nhưng, đã rõ ràng rằng một cái "Tự ngã" như thế không tồn tại:
"Nếu không tồn tại Tự ngã,
Thì làm sao có được những tính chất và tính năng thuộc về Tự ngã ấy?". (TL18.2ab)
Như vậy thì, luận cứ của suy luận thức trên không hình thành ý nghĩa được. Tỉ dụ đưa ra, thực tế thì cũng không thể có được. Nghĩa là, nếu nhìn từ điểm tối hậu của thực tại, thì cả tài sản và cả chủ nhân tài sản đều không tồn tại như là một thực tại (mà chỉ tồn tại như là sự vật, vật thể, hiện vật theo quan điểm của thế gian). Hơn thế nữa, đặt cơ sở trên vật thể tính*15 (của những cái như "tài sản" và "sở hữu chủ") để luận chứng cho tồn tại của Tự ngã-cái "tôi", theo thế gian thường tình quan niệm, như vậy thì, kết luận có được dựa trên sự qui kết vào những quan điểm thế gian ấy, ý nghĩa của nó không thỏa đáng trong cái nhìn từ Thực tại tối hậu.
Cùng một suy lý như thế, rằng những hệ quả có từ Tự ngã cũng tồn tại, những tính chất và tính năng của Tự ngã cũng tồn tại, chúng ta có thể phê phán đó là những sai lầm được diễn dịch từ luận cứ sai lầm. Vì thế, người tâm cầu Trí tuệ Giải thoát khi tinh tấn quán sát những điều như thế, thì:
"Nếu triệt tiêu được tất cả cái Ngã và tính chất thuộc về cái Ngã ấy,
Thì gọi là chứng đắc được Trí Tuệ Vô Ngã". (TL18.2cd)
Đây là ý nghĩa của việc tu chứng Vô ngã.
Những người quan niệm Tự ngã tồn tại còn phản luận xa hơn nữa:
"Tự ngã hẳn nhiên tồn tại (mệnh đề chủ trương)
Bởi vì, đối với người đã chứng đắc Chân Thực Trí không còn tương quan với cái "chính mình"-Tự ngã và cái "thuộc về mình", thì người ấy tự mình biết rằng cái "tự mình biết" ấy thuộc về một cách nhìn khác, không còn bị hạn định trong cái "tôi"-Tự ngã và cái "thuộc về tôi" nữa.(luận cứ)
Ví dụ như: Đứa con của thạch nữ, một cái gì được cho hoàn toàn không tồn tại, thì không thể có cái biết như thế.
Một người đã chứng đắc Giải Thoát thì biết cái biết Chân Thực như thế.(liên kết luận lý)
Vì vậy, Tự ngã hẳn nhiên tồn tại (như là chủ thể của cái biết chân thực đó)". (qui kết).
Về điểm này, chúng ta đáp lại rằng: Tất cả những gì có thay đổi-chuyển biến thuộc vào những điều kiện tạo tác, đều là những cái gì do từ cái khác sỉnh ra, từng mỗi mỗi sát-na sinh khởi ra và hoại diệt đi. Ở đó, không tồn tại Tự ngã và những gi thuộc về nó. Tất cả những đệ tử Phật giáo (Thượng Tọa bộ) cũng hiểu điều này, như là:
"Thực thể gọi là "Tự ngã" không tồn tại, chỉ có những gì sinh khởi và hoại diệt, như chúng được sinh ra như thế và phải diệt mất đi như thế thôi".
Vì rằng, cái gọi là "Tự ngã" đó chỉ là đối tượng của ý thức biện biệt (Thức Biệt) về nó thôi. Nếu "Tự ngã" không có, thì ý thức về "nó" cũng không có, ý thức về nó không có, thì không dấy lên được ý thức về những gì nội tại và ngoại tại "thuộc về nó". Một khi ý thức về "Tự ngã" và ý thức về những cái "thuộc về nó" không khởi dấy lên, thì cho dù cái mà ngôn ngữ thế gian ràng buộc (và giả định) như là cái "tôi"-Tự ngã-Àtman như thế nào đi nữa, thì cũng không thể quyết định được rằng cái "tôi" bản thể ấy là thực sự tồn tại được.
Huống chi là người chứng đắc một trạng thái đã vượt qua khỏi những khái niệm hạn định và tương đối của tư duy về vạn hữu, nhìn rõ một cách chân thực (Chân Thực Trí, Chân Tri) rằng mọi sự vốn không tự-nó khởi sinh ra. Trong quan điểm tinh cần Bồ Tát đạo (như là một lý tưởng của Đại Chúng bộ) như thế, thì không cần phải nói nữa:
"Tất cả những yếu tố nội tại và ngoại tại của cái Ngã (Àtman)và những gì thuộc về Ngã (Àtmìya-Ngã Sở)
đều triệt tiêu hoàn toàn, không tồn tại nữa". (TL18.4ab)
Nghĩa là: "Tự ngã" như là một tồn tại có tính cách giả định (Giả Danh) và cả Điều kiện Nhận thức (tính chất của vật chất, cảm thụ của giác quan, biểu tượng về sự vật, tác vi của tâm thức và thức biệt_Ngũ Ấm) cũng vốn không phải là những gì tự-chúng khởi sinh ra. Việc này cũng giống như: người bị bệnh đau mắt, nhìn thấy dạng tướng (ngẫu nhiên đo những tác động khác) của râu tóc, mà cho rằng đó là những tồn tại cố hữu:
"Những cái thụ nhận đều triệt tiêu,
Cái thụ nhận triệt tiêu, thì hẳn chủ thể thụ nhận cũng triệt tiêu". (TL18.4ab)
Nghĩa là: Tồn tại hay không-tồn tại, đó cũng chỉ là những gì chẳng khác hơn sự chấp trước vào những kiến giải dựa trên cơ sở của ảo tưởng.
Vì thế, luận cứ của người phản luận đưa ra (rằng "Tự ngã tồn tại như là chủ thể nhận biết của Chân Tri") không thành lập ý nghĩa được. Vả lại, trong tiền đề được đặt ra (một cách mặc định rằng "cái Chân Tri ấy thuộc về nhận biết của chủ thể Tự ngã"), thì ý thức về Tự ngã và những gì thuộc về nó vẫn tồn tại như là một cứ điểm của ý thức biện biệt (Thức biệt-thuộc Ngũ Ấm), vì vậy, đó không thể gọi là Chân Tri được. Hơn thế nữa, trong luận cứ ấy còn bao hàm cả tính cách phản-tồn tại của Tự ngã: trên cơ sở của Tự ngã, mà lại "không còn tương quan với Tự ngã và những gì thuộc về nó", vì vậy, không thể xác quyết được tự thể của cái "Tự ngã" ấy là gì được.
_________________________________________________________
(1) Tự Ngã: Àtman 自我. Các học phái khác nhau có những quan niệm khác nhau về Àtman, theo đó có nhiều ý nghĩa và nhiều cách dịch khác nhau: học phái Vainshesika (Thắng Luận) và học phái Niyàya (Chính Lý) dùng ý nghĩa như Tự Ngã, học phái Sàmkhya (Số Luận) quan niệm như là Linh Ngã 霊我, hay Thần Ngã 神我, học phái Vedanda quan niệm là Ngã, như là cái "Tôi". Trong Phật giáo nói chung, được dùng với ý nghĩa như Tự Ngã, cái "Tôi", đôi khi được dùng với ý nghĩa như Tâm Thức 心識, hay Tự Kỷ 自己
Àtmìya, Hán dịch: Ngã sở 我所, cái thuộc về Tự Ngã, thuộc tính của Tự Ngã.
(2) Tác Vi của Nhận thức: Samkàra, Hán dịch: Hành行, là một trong năm yếu tố hình thành nên nhận thức con người (Ngũ Ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, xem tiếp chú thích 3). Trong đó, Tác Vi là yếu tố chủ động nhất của nhận thức trong việc tạo tác ra những giá trị phán đoán như: đúng-sai, thiện-ác, cái này-cái kia…Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất để tạo ra những giá trị chủ quan cho nhận thức trong tương quan với thế giới chung quanh, và khởi đầu cho những quan niệm có định hướng của con người, từ đó tạo nên những sai lệch (Vô Minh) trong nhận thức đối với thực tại. Vì vậy nó trở thành cứ điểm quan trọng nhất, trung tâm điểm cho mọi luận cứ của Trung Quán.
Thực ra Samkàra (Cái làm ra, cái tác tạo_Anh dịch: Doer) có ý nghĩa gần với Tác và Vi hơn là với Hành (hiện ra ngoài một cách cụ thể như là "hành" động). Đúng hơn, Samkàra không phải là "Hành động" hay "Hành vi", mà có ý nghĩa căn nguyên hơn: Căn nguyên của hành vi, cái được tạo tác ra từ trong nhận thức con người, mà chính con người thường không ý thức được nó (Vô Minh). Chính vì những Samkàra-Tác Vi có tính tạo tác của nhận thức mà tạo ra một thế giới chủ quan riêng theo định hướng tạo tác riêng của con người: Samkrta (Hán dịch: Hữu Vi Pháp).
(3) Năm Điều Kiện Nhận Thức: Skandha hay Upàdàna-skandha, Hán dịch: Uẩn hay Ấm陰, hay Thủ Ấm取陰. Skandha nguyên nghĩa là "tập hợp", "nhóm" gồm có: 1 Tồn tại khách quan như là một nguồn những tính chất của sự vật: màu, sắc, âm, thanh, vị, mùi, cứng, mềm…(Hán dịch: gọi chung là "Sắc" thường đi chung với "Trần": tồn tại khách quan của thế giới), 2 Cảm thụ của giác quan (Thọ): thuộc mắt, tai, mũi, luỡi… để thụ nhận những tính chất trên, 3 Những khái niệm hay biểu tượng về sự vật (Tưởng), như là những bản sao, bản in, của sự vật, 4 Tác Vi của tâm thức(xem chú thích 2), 5 Thức biệt (Thức): ý thức ra sự khác nhau của sự vật. Năm yếu tố này "tập hợp" (skandha) lại hình thành một không gian thuộc nhận thức của con người. Khái niệm này vốn đã có từ Phật giáo Nguyên thủy, để giải thích mối quan hệ giữa Thân, Tâm con người trong tương quan với thế giới chung quanh.
(4)Biểu Trưng: hay Biểu Trưng Luận pháp-Upalaksana (Synecdoche), một ngôn pháp chỉ dùng một, hai mệnh đề tượng trưng để biểu hiện tất cả tương quan có thể suy diễn ra được
(5) Cấu trúc luận lý: là cấu trúc luận lý được cách tân bởi Trần Na để thành một hình thức luận lý học của Phật giáo Ắn độ, gồm ba mệnh đề: 1. Mệnh đề chủ trương: là mệnh đề qui kết trên sự thực như là một chủ đề để suy luận, 2. Mệnh đề thứ hai nêu ra luận cứ (năng chứng) rút ra từ tính tất nhiên từ chủ đề của mệnh đề chủ trương, trong đó, chủ từ thường được nhắc lại một cách giản lược, hay mặc định. 3. Mệnh đề thứ ba là tỉ dụ cụ thể, diễn dịch với những cái cùng chung tính chất, qua đó cho thấy những tính chất làm nên luận cứ từ mệnh đề thứ hai, là thuộc từ (sở chứng) phải có tất nhiên trong chủ từ của mệnh đề chủ trương. Đồng thời cũng qua tỉ dụ, bằng loại suy để phủ định những gì không nằm trong tính chất của mệnh đề chủ trương. Trong cấu trúc luận lý của Trần Na, thì những tỉ dụ của mệnh đề thứ ba không đơn thuần là những ví dụ, mà nó bao hàm tính tất được cường điệu hóa giữa sờ chứng và năng chứng
(6) Học phái Số Luận (Sàmkhya) chủ trương nhị nguyên luận với những Thực Thể Tối Sơ (Prakrti hay Pradhàna) tiếp xúc với Linh Ngã (霊我 Purusa), tạo nên những chuyển biến cho Linh Ngã, từ đó ứng hiện nên những dạng tướng cụ thể khác nhau về: Trí năng-Buddhi, Ý-Manas, Ý Thức Tự Ngã -Ahamkàra, Điều Kiện Nhận Thức-Skandha… Sự ứng hiện-Vyakta là kết quả sau cùng để hình thành cái-được-ứng-hiện-ra, Vyakti. Những Thực Thể Tối Sơ vốn gồm có ba loại ở trạng thái quân bình với nhau: Chất Thuần Nhất, Chất Kích Hoạt và Chất U Tối. Tính quân bình giữa ba yếu tố này bị phá vỡ khi tiếp xúc tương tác với những Linh Ngã, để tạo ra thiên hình vạn trạng của tồn sinh. Trung tâm điểm của luận chứng này là Linh Ngã, rằng thế giới này tồn tại vì Linh Ngã, là điểm qui kết của vạn hữu. Quan niệm này có những tương đồng với Platon với học thuyết về Idea (Thế Giới Hoàn Hảo và Lý Tưởng), linh hồn, và sự phân hữu (ứng hiện) cho những tồn tại cá biệt. Cả hai quan niệm đều cố gắng đưa ra nguyên nhân và cứu cánh của tất cả mọi tồn tại. Điểm khác biệt là ở Platon, cứu cánh mà ông hướng tới là cái Chân Tri (Epistheme) thuộc về lãnh vực tri thức của con người, trong lúc tra vấn Thực tại. Platon cũng không hề đặt cơ sở trên cái Khổ, để tìm cầu Giải thoát như là vấn đề cốt lõi như ở Phật giáo.
(7) Học phái Thắng Luận (Vainshesika): Quan niệm rằng Tự Ngã và Tâm vốn là hai thực thể khác nhau, và Nhận thức chỉ là thuộc tính của Tự Ngã. Theo đó, Tự Ngã tự nó và Tâm và Nhận thức đều là những cái khác biệt nhau.
(8) Phương hướng (như là một thực thể của Ngã): Học phái Thắng Luận chủ trương: Đất, nước, gió, lửa, phương hướng, thời gian, không gian, Tự ngã, đều là những thực thể vốn thường hằng. Khi bốn thực thể đất, nước, gió, lửa tập họp lại để hình thành những cá thể tồn tại như là sự phối hợp tạm thời của chúng, nên những tồn tại này không thường hằng (vô thường). Tuy nhiên, những thực thể như đất, nước, gió, lửa, phương hướng, thời gian, không gian, Tự ngã, như là những thực thể cơ bản, là những cái gì vốn không có giới hạn, là những cái thường hằng bất biến.
(9) Tự thể (cái làm cho nó là nó):"Cái tự nó tồn tại", svo bhàvah, "thể của nó", àtmìyam rùpam_cái làm cho nó tồn tại như là nó.
(10) Thực tại mà ngôn ngữ nói đến: padàrtha, Hán dịch: Cú Nghĩa-句議(từ này chỉ có tính cách ước lệ và không chuẩn nghĩa), Cái làm ý nghĩa cho khái niệm ngôn ngữ, thực tại mà nguyên từ đó hình thành biểu tượng về nó như là khái niệm ngôn ngữ, hay nói cách khác: nguyên bản tồn tại trong thực tế mà khái niệm ngôn ngữ sao chép lại. Về mặt ý nghĩa luận (semantics) thì padhàta không khác với khái niệm "thing-itself" của triết học tây phương: một tồn tại (khách quan) như nó là thế bên ngoài ý chí và tư duy của con người, những khái niêm về nó mà người ta có thể có được trong nhận thức và ngôn ngữ, chỉ là những biểu tượng mô phỏng về nó, chứ không phải nó.
(11) "Chính mình": nguyên nghĩa của Àtman: Tự Ngã, cái "tôi".
(12) Ở cái bình, thực ra trong một cách nào đó, cũng tồn tại tự ngã: học phái Thắng Luận và học phái Chính Lý quan niệm rằng đất, nước, gió, lửa... là những thực thể cơ bản và có tính chất thường hằng, không có giới hạn cũng như Tự ngã. Theo đó, một vật thể vô tri như cái bình đi nữa cũng tồn tại những tính chất của Tự ngã. Khi cái bình bị hủy hoại thì những yếu tố cấu thành nó (đất, nước, gió, lửa) rã ra, và một lúc nào đó lại tụ lại để thành ra những sự vật khác, trong đó có con người với Tự ngã. Học phái Số Luận, thì quan niệm rằng tất cả mọi vật chất đều tồn tại vì Tự ngã, như là điểm đến của chúng. Theo đó thì ngay cả những sự vật vô tri như cái bình, cũng được xem là một phần trong tiến trình của Tự ngã. Những quan niệm này có thể được xem như dấu ấn của Ấn độ giáo lên Phật giáo, và cũng là quan niệm khá phổ biến Á châu nói chung (Trung hoa, Việt nam, Nhật bản...).
(13) Chủ trương-luận cứ-tỉ dụ-liên kết lý luận và qui kết: là năm mệnh đề (chi phân) của suy luận thức được các học phái sử dụng. Về sau Trần Na cho là hai mệnh đề cuối của suy luận thức này là thừa, nên đã bỏ đi, vì chỉ cần mệnh đề tỉ dụ được sử dung như là cơ sở thực chứng cho chủ trương và luận cứ, là đã đủ để kết luận. Ông đề ra suy luận thức với ba mệnh đề (Chủ trương-luận cứ-tỉ dụ) đơn giản và súc tích hơn, nhưng cần và đủ những điều kiện luận lý để phán một cách hiển nhiên và thỏa đáng cho mọi trường hợp. Suy luận thức của Trần Na được xem là cấu trúc hoàn chỉnh của luận lý học Ấn độ, ở đây Thanh Biện đã sử dụng nó để đối lập với những suy luận kiểu cũ của các học phái khác.
(14)
(15) Vật thể tính (ontische): Trong trường hợp này, có lẽ cần thiết phải hiểu theo cách phân định của M. Heiddegger về Tồn Tại tính (Ontologische) và Vật Thể tính (Ontische). Mặc dù có một độ lệch khá lớn trong cách sử dụng những khái niệm giữa Đông và Tây, tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy những chỗ giao thoa giữa hai dòng văn hóa và tư tưởng để nhìn ra được những điểm chung nhất. "Những quan điểm thế gian" ma Thanh biện đang nói đến với tính cách như là một đối tượng của nhận thức luận thông tục với những phạm trù nhất định, với tính cách tri thức luận nhị nguyên, thì thật ra cũng không khác gì lắm so với những quan niệm cận đại của châu Âu về "sự vật-things". Mặt khác cái mà Thanh Biện đang nói tới như là "Tự Ngã-cái Tôi" ở đây, cũng chẳng có gì chênh lệch lắm nếu thay thế từ này bằng cái "Cogito ergo sum" của Descartes. Có lẽ sẽ thỏa đáng hơn, nếu chúng ta hiểu cái "Quan niệm của Thế gian" theo cách đương đại của chúng ta với ý nghĩa rộng nhất là "Vật thể tính" (Ontische)