XXXI. LỮ QUÁN MỘT BỮA ĂN[165]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ nước Câu-tát-la có thôn không có trú xứ,[166] nên có cư sĩ xây cất trú xứ[167] cho tỳ-kheo, thường cung cấp đồ ăn, thức uống. Nếu trụ nơi trú xứ này sẽ được nhận sự cúng dường một bữa ăn.
Lúc bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo muốn đến thôn không có trú xứ nước Câu-tát-la. Khi đến trú xứ kia trải qua một đêm. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng. Lại qua đêm thứ hai cũng nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, nên nhóm sáu tỳ-kheo khởi ý nghĩ rằng: «Sỡ dĩ chúng ta du hành là vì thức ăn. Nay thì đã được.» Rồi họ thường xuyên ăn ở trú xứ này.
Bấy giờ, các cư sĩ đều cùng cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử này không biết chán, không biết đủ, không biết tàm quý. Bên ngoài [655a1] tự xưng ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Họ thường xuyên đến nhận thức ăn ở nơi trú xứ này. Làm như chúng ta phải thường xuyên cung cấp thức ăn cho sa-môn Thích tử này. Bản nguyện của chúng ta là cung cấp cho những vị tạm trú một đêm mà thôi.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các Thầy cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nước Câu-tát-la du hành cũng đến nơi thôn không có trú xứ ấy, trụ lại một đêm, sáng ngày nhận được thức ăn ngon.
Hôm ấy, Tôn giả lâm bệnh nhưng nghĩ, đức Thế tôn đã chế giới, tỳ-kheo nơi ngủ trọ một đêm chỉ nhận một bữa ăn, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Vì vậy, dù bị bệnh, Tôn giả vẫn dời đi chỗ khác. Do vậy bệnh tình càng nguy kịch. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh nhận quá một bữa ăn.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, tỳ-kheo không bệnh chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Trú xứ: nơi đó được ở một đêm.
Bữa ăn: nhẫn đến bữa ăn đúng thời.
Bệnh: rời khỏi thôn đó thì bệnh bị tăng.
Nếu tỳ-kheo không bệnh, đối với nơi nghỉ tạm một đêm đó, mà nhận quá bữa ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Ngoài thức ăn ra, nhận các thứ áo lót, dầu thắp đèn, dầu thoa chân, tất cả phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nghỉ một đêm nhận một bữa ăn; bệnh thì được nhận hơn một bữa ăn. Nếu cư sĩ mời: «Mời Đại đức ở lại. Con sẽ cúng thức ăn. Chúng con vì sa-môn Thích tử cho nên thiết lập nơi nghỉ đêm này và cung cấp đồ ăn thức uống. Nếu không có sa-môn Thích tử thì cũng sẽ cúng cho người khác vậy.»
Hoặc đàn-việt theo thứ tự mời thọ thực, hoặc các cậu, các cô, các chị, các bà theo thứ tự mời thọ thực thì không phạm. Hoặc hôm nay thọ của người này, ngày mai thọ của người khác. Hoặc bị nước lụt, đạo lộ gặp nguy hiểm; hoặc có giặc cướp, hổ lang sư tử, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhận quá bữa ăn không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXII. TRIỂN CHUYỂN THỰC[168]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Trúc khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ. Từ thành La-duyệt đức Thế tôn cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị du hành trong nhơn gian.
Vào lúc đó, trong nước mùa màng không thu hoạch được, giá lúa gạo tăng cao, khất thực khó được, Người người có sắc diện đói.
Bấy giờ, có năm trăm hành khất đi theo sau đức Thế tôn. Lúc ấy, có người bà-la-môn tên là Sa-nậu [169] vận chuyển năm trăm cỗ xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo sau đức Thế tôn, hết mùa đông đến mùa hạ, chờ ngày nào không có ai cúng thì thiết trai cúng dường Phật và Tăng.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, từ nước Ma-kiệt-đà, tuần tự giáo hóa đến quốc giới của A-na-tần-đầu.[170] Nhân dân trong nước kia tranh nhau cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng tỳ-kheo, không có ngày nào thiếu vắng. Người bà-la-môn chờ mãi không có ngày trống nào để thiết trai cúng dường, liền đến chỗ Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả rằng:
«Tôi là Sa-nậu có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.»
Tôn giả A-nan bảo:
«Chờ một chút. Tôi vào bạch đức Thế tôn ngay bây giờ.»
Bấy giờ Tôn giả đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế tôn:
«Kính bạch đức Thế tôn, có bà-la-môn Sa-nậu vừa đến chỗ con thưa như vầy, ‹Tôi có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.› Con có nói với người bà-la-môn Sa-nậu rằng, ‹Chờ tôi một chút. Tôi vào bạch đức Phật.› Cho nên con đến thưa, xin tôn ý đức Thế tôn.»
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
«Ông có thể đến nói với người bà-la-môn, sáng mai đem đồ ăn ẩm thực đó nấu thành cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.»
Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ người bà-la-môn nói rằng:
«Ông có thể dùng những thức ăn ấy nấu cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.»
Bấy giờ người bà-la-môn quan sát thấy trong những thứ đã được cúng dường không hề có bánh, nên trong đêm ấy sửa soạn các loại mỹ vị như: dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát[171] để nấu các loại cháo và làm các thứ bánh.[172] Đêm đã qua, Sa-nậu đem cháo cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo. Song các tỳ-kheo không dám thọ nhận, và nói với bà-la-môn rằng: «Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bơ dầu cho đến ba món thuốc[173] mà nấu thành cháo.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nhận dầu bơ cho đến ba món thuốc nấu thành cháo để ăn. Ăn cháo có năm điều lành: Trừ đói, trừ khát, làm tiêu thức ăn qua đêm, điều hòa tiểu tiện và trừ bệnh phong. Ăn cháo có năm việc hay như vậy.»
Bấy giờ, người bà-la-môn đem bánh[174] dâng. Các tỳ-kheo không dám nhận và bảo người bà-la-môn rằng:
«Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bánh.»
Các tỳ-kheo liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay cho phép các tỳ-kheo nhận bánh để ăn.»
Bấy giờ, [656a1] các cư sĩ ở nước A-na-tân-đầu nghe đức Thế tôn cho phép nhận bánh và cháo để ăn, đều hết sức vui mừng, họ nói với nhau:
«Chúng ta có cơ hội được làm phước cúng dường.»
Họ cúng dường xong lại có một vị Đại thần mà tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và chư Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn nói như vầy:
«Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong lúc gạo khan hiếm mà đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được phẩm vật cúng dường nhiều đến mức như thế này. Nay ta nên sắm sửa các loại đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt.»
Bấy giờ, vị Đại thần liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa:
«Bạch đại đức Tăng! Cúi xin quý ngài ngày mai nhận lãnh bữa cúng dường của tôi.»
Đêm ấy Đại thần cho sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng và sáng ngày đi báo đã đến giờ.
Hôm đó, đức Thế tôn ở lại Tăng-già-lam; sai người nhận phần ăn.[175]
Bấy giờ, có các cư sĩ nơi nước A-na-tân-đầu trước đó đã nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo, nên trong đêm đó cũng sửa soạn các thứ cháo như trên đầy đủ, sáng sớm đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo trước đó cũng đã nhận sự mời ăn của người khác, và lại ăn loại cháo đặc này, sau mới đến nhà vị Đại thần. Khi ấy vị Đại thần tín tâm mỏng ấy dâng các loại đồ ăn thức uống lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nói:
«Thôi, thôi, sớt một ít thôi!»
Vị Đại thần thưa các tỳ-kheo:
«Tôi vì các tỳ-kheo nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ dâng cúng, mỗi vị một tô thịt. Các Đại đức chớ nên nghĩ rằng lòng tin mỏng mà không dùng cho no. Quý ngài cứ ăn. Tôi cũng có tín tâm vậy.»
Các tỳ-kheo bảo:
«Không phải vì vậy mà chúng tôi dùng ít đâu. Vì nhân dân trong thành nghe tin đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo và bánh, nên đêm vừa rồi họ đã sắm sửa đầy đủ các thứ dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát để nấu cháo. Sáng ngày đã đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Chúng tôi đã ăn cháo trước rồi nên bây giờ không thể ăn nhiều được. Đại thần chớ nên ngại như vậy.»
Bấy giờ, vị Đại thần tín tâm nông cạn liền cơ hiềm rằng:
«Tôi cố tâm vì chúng Tăng làm các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt với ý nghĩ, mong muốn chúng Tăng dùng hết. Sao chư Tăng lại ăn cháo đặc trước khi đến thọ thực chúng tôi?»
Bấy giờ, vị Đại thần sân hận, liền cất đi các thứ bánh thịt, những thứ mỹ vị; chỉ bố thí cơm canh mà thôi. Rồi vị Đại thần liền đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
«Vừa rồi con thiết trai cúng dường; được phước nhiều hay tội nhiều?»
Đức Phật bảo vị Đại thần:
«Sự cúng dường mà ông sửa soạn mang lại phước rất nhiều. Chính đó là nhân lành để sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm của ông đi nữa, nhưng phước đức ấy cũng vô lượng.»
Rồi đức Thế tôn tuần tự nói các pháp bố thí, trì giới, sanh thiên. Ngài quở trách dục là tai hại, là ô uế;[176] khen ngợi ích lợi thiết thực của sự xuất ly, và giải thoát. Đức Phật vì Đại thần nói các pháp này rồi, ngay nơi chỗ ngồi, vị Đại thần đoạn trừ các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp mà được tăng thượng quả .[177] Ông bạch Phật rằng:
«Từ nay về sau con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-tắc; trọn đời không sát sinh, cho đến không uống rượu. »
Sau bữa ăn, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:
«Sáng sớm hôm nay các ông ăn cháo đặc của người khác rồi, sau đó mới thọ thực do vị Đại thần dâng cúng phải không?»
Đáp:
«Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.»
Bấy giờ, đức Thế tôn mới dùng vô số phương tiện, quở trách các tỳ-kheo rằng:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại ăn cháo đặc trước rồi mới nhận sự cúng dường? Không được, đã nhận lời thỉnh trước mà còn ăn cháo đặc.[178] Cháo đặc là cháo lấy cọng cỏ kẻ ngang qua mà nó không hiệp lại. Cháo như vậy không được ăn, nếu ăn thì trị như pháp.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ nước A-na-tần-đầu du hành trong nhân gian cùng với chúng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ trong nước gặp lúc lúa thóc khan hiếm, khất thực khó được. Người người có sắc diện đói. Nhưng lại có năm trăm hành khất thường đi sau đức Thế tôn.
Bấy giờ, đức Thế tôn tuần tự du hành trong nước Ma-kiệt-đà, trở về thành La-duyệt. Trên đường đi đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều sự cúng dường. Trong thành La-duyệt có một vị nhạc sư tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được nhiều sự cúng dường liền nghĩ rằng: «Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong khi lúa gạo khan hiếm thế này mà Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được quá nhiều phẩm vật cúng dường. Hôm nay ta hãy dùng vật sở hữu trong một năm, sắm sửa các đồ ăn thức uống béo bổ để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo, riêng mỗi vị một tô thịt.» Nghĩ xong liền đến trong Tăng-già-lam bạch với các tỳ-kheo rằng:
«Sáng mai tôi xin được cúng dường một bữa ăn.»
Rồi trong đêm đó, ông sắm sửa mọi thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày nhạc sư đến báo các ngài đã đúng giờ ăn. Bấy giờ, trong thành La-duyệt nhằm ngày tiết hội, các cư sĩ tranh nhau đem cơm, bánh bột,[179] cơm khô, cá và thịt đến trong Tăng-già-lam để dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận được thức ăn và ăn, xong sau đó mới đến thọ thỉnh nơi nhà nhạc sư. Bấy giờ nhạc sư đích thân tiếp các đồ ăn thức uống để cúng dường. Các tỳ-kheo nói:
«Thôi, thôi, cư sĩ đừng sớt nhiều thức ăn quá! »
Vị nhạc sư nói:
«Tôi tích lũy vật sở hữu một năm, cố tâm vì Tăng tỳ-kheo sắm sửa những thức ăn ngon bổ để dâng cúng mỗi vị một tô thịt. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tín tâm của tôi mỏng, sợ sanh lòng bất tín mà không ăn nhiều. Xin các ngài cứ thật tình thọ dụng. Tôi có lòng tin ưa thật sự.»
Các tỳ-kheo trả lời vị nhạc sự rằng:
«Chúng tôi không phải nghĩ như vậy nên không ăn nhiều. Mà vì vừa rồi chúng tôi đã nhận thức ăn của các người trong thành Vương-xá, cho nên bây giờ chỉ ăn ít thôi. Ngoài ra không có ý gì. Ông chớ nghi ngại như vậy.» Khi vị nhạc sự tín tâm mỏng nghe những lời như vậy, liền sanh cơ hiềm: ‹Sao, tôi dùng tất cả những vật sở hữu trong một năm, một lòng vì chúng Tăng sắm sửa các thức ăn ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt, mà các tỳ-kheo lại đi nhận cơm, bánh bột, cơm khô, thịt và cá của người khác trước khi đến thọ thức ăn của tôi?› Vì vậy vị nhạc sư hờn giận, liền dọn cất hết các thức ăn béo bổ, chỉ để lại cơm canh mà thôi.»
Sau đó, vị nhạc sư đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi xong, liền thưa hỏi đức Phật:
«Vừa rồi con thiết trai cúng dường, phước nhiều hay tội nhiều?»
Đức Phật bảo:
«Sự dâng cúng của ông vừa rồi là nhân lành sẽ được sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm đi nữa, thì phước đức cũng đã là vô lượng, huống là ông dâng cúng như vậy, phước này không thể lường được.»
Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhạc sư nói diệu pháp: Bố thí, trì giới, sanh thiên. Đức Phật chỉ trích dục là tai hại, là ô uế. Nhạc sư nghe Phật nói pháp rồi liền từ chỗ ngồi các trần cấu đều hết sạch, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp đặng quả tăng thượng, liền bạch đức Phật:
«Từ nay về sau con nguyện được làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sinh cho đến không uống rượu.»
Bấy giờ, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Đức Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:
«Có thật các ông nhận và ăn năm loại thức ăn[180] của người khác rồi sau mới thọ sự thỉnh mời của người đã thỉnh trước hay không?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại thọ năm loại thức ăn của người khác rồi sau mới đến thọ thỉnh của người đã thỉnh trước?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Không nên nhận năm loại ăn của người khác mà ăn, rồi sau mới đến nhận lời mời của người thỉnh trước. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, nơi mời thọ thực không có thức ăn cho người bệnh, không có thuốc cho căn bệnh. Hoặc có thức ăn thích hợp đối với bệnh, có thứ thuốc đúng căn bệnh, nhưng các tỳ-kheo e sợ không dám dùng, sợ phạm tội ăn nhiều lần. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực. Lại cũng có một cư sĩ khác cũng thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thiết trai cúng dường, và dâng y. Cư sĩ ấy đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Tôi muốn thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo cúng dường thức ăn.»
Tỳ-kheo trả lời:
«Chúng tôi đã nhận lời mời của cư sĩ khác rồi!»
Cư sĩ thưa:
«Bạch Đại đức, tôi muốn dâng cúng thức ăn và y. Cúi xin chúng Tăng nhận sự mời thỉnh của tôi.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo e sợ, liền đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, trường hợp có người dâng cúng y thì được phép lần lượt ăn.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh, khi thí y. Đó gọi là trường hợp đặc biệt.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Ăn nhiều lần:[181] được mời ăn. Mời có hai cách: thỉnh theo thứ tự của Tăng, và thỉnh riêng.
Thức ăn: cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[182]
Bệnh: không thể ngày ăn một bữa mà đủ no được.
Thí y: Tự tứ rồi, không thọ y Ca-thi-na là một tháng, có thọ y Ca-thi-na thì năm tháng.
Nếu có nhiều chỗ mời thọ thực và dâng y, như hôm nay nhận được nhiều chỗ thỉnh, thì mình nên nhận một chỗ, còn các chỗ kia mình nhường lại cho các vị khác. Nói như thế này để nhường: «Thưa trưởng lão, lẽ ra tôi phải đến đó nhưng xin cúng dường cho ngài.»
Nếu tỳ-kheo không xả chỗ mời trước mà nhận chỗ mời sau thì mỗi một miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Không xả chỗ mời sau mà nhận chỗ thỉnh trước thì mỗi một miếng ăn phạm một đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni cũng đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi bệnh, khi thí y. Nếu trong một ngày mà có nhiều chỗ thỉnh, mình chỉ nhận một chỗ, còn các nơi khác nhường lại cho các vị khác; hoặc thỉnh chẳng phải dùng thức ăn, hoặc ăn không đủ, hoặc không thỉnh ăn, hoặc ăn xong lại nhận được thức ăn, hoặc một chỗ gồm cả bữa ăn trước và bữa ăn sau thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [183]
XXXIII. BIỆT CHÚNG THỰC[184]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị cắt đứt.[185]
Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà. Năm tỳ-kheo này tên là: Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…[186]
Các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị đoạn tuyệt, đã cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà một.[187]
Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa:
«Có thật ông cùng với năm tỳ-kheo đến từng nhà khất thực hay không?»
Đề-bà đáp lời:
«Có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đề-bà-đạt-đa, sao ông cùng với năm tỳ-kheo đi đến từng nhà khất thực?»
Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đề-bà-đạt-đa ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng,[188] ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh có nơi thỉnh thọ thực không có những thức ăn và món thuốc theo chứng bệnh, và có nơi có các thức ăn tốt cùng các loại thuốc theo chứng bệnh, nhưng họ e sợ không dám thọ nhận vì sợ phạm điều ăn theo chúng riêng. Đức Thế tôn biết nên bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được ăn chúng riêng.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt, là khi bệnh.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo đã tự tứ; trong tháng Ca-đề,[189] là thời gian may y. Các ưu-bà-tắc khởi ý nghĩ, ‹Các tỳ-kheo này tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Ta nên làm thức ăn cúng dường chúng Tăng. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo này may y vất vả nên không thể ăn được.› Các vị ưu-bà-tắc ấy đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
«Sáng mai, chúng con cúng dường cơm. Xin chư tôn nhận lời cho.»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chỉ mời được ba vị[190] ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.»
Các ưu-bà-tắc thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Bọn chúng tôi đều có ý nghĩ rằng, chư tôn tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Sợ các tỳ-kheo vất vả không thể ăn được cho nên mời chư tôn thọ thực. Các tỳ-kheo lại nói, chỉ mời được ba vị, vì không được phép ăn chúng riêng.»
Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo:
«Từ nay về sau, cho phép khi may y được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các cư sĩ muốn cúng thức ăn và y, lại đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
«Sáng mai tôi muốn cúng đồ ăn. Xin chúng Tăng nhận lời.»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chỉ mời được ba vị ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.»
Cư sĩ thưa:
«Đại đức, tôi muốn cúng thức ăn và y. Xin quý ngài nhận [658a1] lời mời cho.»
Nhưng vị tỳ-kheo kia nói, «Chỉ mời được ba vị ăn vì không được phép ăn thành chúng riêng.»
Bấy giờ các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi thọ sự dâng y được ăn riêng chúng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và các cư sĩ đi cùng đường đến nước Câu-tát-la. Giờ khất thực đến, các tỳ-kheo nói với cư sĩ:
«Chúng tôi muốn vào xóm khất thực. Xin chờ một chút, chúng tôi sẽ trở lại, rồi cùng nhau đi.»
Các cư sĩ trả lời:
«Hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sễ cung cấp đồ ăn thức uống.»
Các tỳ-kheo nói:
«Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Các cư sĩ thưa:
«Đại đức, đường này nguy hiểm có sự nghi ngờ khủng bố. Hãy đến đây! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho. Chớ nên đi sau vì quý thầy ít người quá.»
Các Tỳ-kheo nói:
«Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Rồi các tỳ-kheo liền vào trong thôn khất thực. Các cư sĩ đi trước; tỳ-kheo đi sau, theo không kịp, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau trên đường có nguy hiểm, cho phép tỳ-kheo được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo cùng các cư sĩ đi trên thuyền xuôi theo dòng nước. Giờ khất thực đến, nói với các cư sĩ rằng:
«Cho thuyền dừng lại thời gian ngắn. Chúng tôi cần vào trong thôn khất thực, và sẽ trở lại cùng đi.»
Các cư sĩ nói:
«Chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.»
Tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Các cư sĩ nói rằng:
«Nơi khoảng bờ sông này có nhiều giặc cướp, nơi có nghi ngờ khủng bố. Các thầy ít người, không nên đi sau, sẽ bị giặc cướp đoạt. Các thầy chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Rồi các tỳ-kheo vẫn lên bờ để khất thực. Bạn đồng thuyền đi trước; các tỳ-kheo đi sau, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi đi thuyền được ăn chúng riêng.»
Từ đây trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành đến một thôn nhỏ. Các cư sĩ nghĩ rằng, «Chúng Tăng thì lại nhiều mà thôn xóm thì lại nhỏ. Chúng ta hãy làm thức ăn cho chúng Tăng dùng, đừng để cho chúng Tăng vất vả, khổ cực.»[191] Họ liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Bạch chư Đại đức, ngày mai xin nhận thức ăn của chúng tôi.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Các cư sĩ nói:
«Chúng tôi nghĩ rằng chúng Tăng thì nhiều mà thôn xóm lại nhỏ. Chỉ sợ không đủ thức ăn khiến chúng Tăng phải vất vả thôi.»
Tỳ-kheo lại nói rằng:
«Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Bấy giời các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo rằng:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, khi đại chúng tập hợp đông, được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có người con của chị Vua Bình-sa[192] tên là Ca-la[193] dâng thức ăn cho các sa-môn, trước khi xuất gia trong phái dị học ngoại đạo, đến chỗ Vua Bình-sa thưa:
«Tôi đã vì các sa-môn thiết trai cúng dường rồi. Nay muốn xuất gia.»
Vua Bình-sa hỏi rằng:
«Muốn xuất gia nơi nào?»
Đáp rằng:
«Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.»
Nhà Vua lại hỏi:
«Có làm thức ăn cúng dường sa-môn của ta không?»
Ca-la bảo:
«Tâu Đại vương, đó là hạng sa-môn nào?»
Nhà Vua bảo:
«Đó chính là sa-môn họ Thích.»
Ca-la nói:
«Tôi chưa làm thức ăn cúng dường các vị đó.»
Nhà Vua nói rằng:
«Ngươi nay nên dọn đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử.»
Ca-la liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Nay tôi muốn làm đồ ăn cúng dường Tăng tỳ-kheo. Xin quý ngài nhận lời mời của tôi.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cúng cho ba vị. Chúng tôi không được ăn chúng riêng.»
Bấy giờ, Ca-la nói với các tỳ-kheo:
«Tôi làm đồ cúng dường các sa-môn trước khi xuất gia trong phái ngoại đạo. Rồi tôi đến chỗ Vua Bình-sa thưa, ‹Tôi đã làm đồ cúng dường các sa-môn. Nay tôi muốn xuất gia.› Vua hỏi tôi, ‹Muốn xuất gia nơi nào?› Tôi trả lời, ‹Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.› Nhà Vua lại hỏi tôi, ‹Đã làm đồ ăn cúng dường sa-môn của ta chưa?› Bấy giờ tôi hỏi, ‹Đó là hạng sa-môn nào?› Vua nói với tôi, ‹Đó chính là sa-môn Thích tử.› Vua bảo tôi, ‹Ngươi hãy đến đó làm đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử, sau đó mới xuất gia.› Vì lý do ấy cho nên tôi dến trong Tăng-già-lam mời các Đại đức. Cúi mong các vị nhận thỉnh lời mời của tôi.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe kể như vậy liền đến bạch đức Thế tôn. Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi có sa-môn thí thực[194] thì được phép ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi sa-môn thí thực. Đó là các trường hợp khác.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Ăn chúng riêng: hoặc bốn người hay hơn bốn người.
Thức ăn: chỉ cho cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[195].
Bệnh: cho đến cái gót chân bị trẹo.
Thời may y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng, cho đến trên y chỉ may một đường như răng con ngựa.
Thời thí y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng; và các trường hợp thí thực và y khác.
Khi đi đường: cho đến chỉ đi trong nửa do tuần gồm cả đi tới và đi lui.
Khi đi thuyền: cho đến nương trên thuyền xuôi hay ngược dòng nước trong vòng nửa do tuần.
Khi đại chúng tập hợp:[196] thức ăn đủ cho bốn người mà dư một người là có sự khốn đốn. Năm người, mười người, cho đến trăm người mà dư một người là khốn đốn.
Sa-môn thí thực:[197] đây chỉ cho những người xuất gia theo ngoại đạo bên ngoài sa-môn Thích tử.
Nếu tỳ-kheo không có lý do ăn chúng riêng, tỳ-kheo ấy nên đứng dậy thưa: «Tôi không có nhân duyên gì trong bữa ăn chúng riêng này. Tôi muốn ra khỏi chúng.»
Đức phật nói:
«Cho phép ra.»
Nếu những người nào không có lý do cũng được phép cho ra khỏi chúng. Nếu hai người, ba người, thì tùy ý thọ thực. Nếu bốn người hay hơn bốn người thì nên chia ra làm hai bộ, thay nhau vào ăn.
Nếu tỳ-kheo có nhân duyên để ăn theo chúng riêng mà muốn vào, thì hãy đứng dậy thưa: «Tôi có nhân duyên ăn riêng chúng. Tôi muốn vào.»
Đức Phật dạy:
«Nên chấp thuận. Tùy theo thứ tự Thượng tọa mà ngồi vào.»
Nếu tỳ-kheo nào ăn riêng chúng, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Nếu có lý do mà không nói, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa-môn thí, hoặc ba người, bốn người đổi nhau ăn, hoặc đi có nhân duyên; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXIV. NHẬN QUÁ BA BÁT[198]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một người nữ tên Già-nhã-na,[199] trước đó ở nơi đại thôn, sau lấy chồng người nước Uất-thiền. Qua vài tháng thì có mang, nên trở về nhà cha mẹ ở. Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà đó khất thực; cô đích thân dâng thức ăn, trái cây cho các tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian, người chồng sai người đến kêu về. Cô nói với sứ giả rằng:
«Hãy ở lại đây chờ một chút! Để tôi sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống và trang điểm y phục rồi sau đó cùng đi.»
Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà này khất thực, người nữ thấy, nên đem đồ ăn thức uống vừa sửa soạn, cúng hết cho các tỳ-kheo và thưa:
«Đại đức có thể nhận thức ăn này.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận hết thức ăn, không để lại chút nào. Sau đó, cô phải sửa soạn và trang điểm trở lại xong mới ra đi.[200]
Trong khi cô chưa kịp trở lại đó, thì chồng cô đã lấy vợ khác và sai sứ giả nói với cô rằng, «Nay tôi đã lấy vợ khác rồi, về hay không về tùy ý.»
Cha của Già-nhã-na nghe như vậy, đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo thấy liền nói:
«Già-nhã-na, con gái của ông có tín tâm bền chặt và ưa bố thí.»
Cha của cô nói:
«Như tôn giả nói, con của tôi thật có tín tâm bền chặt. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay nó gặp phải điều mà phụ nữ không vui.»
Các tỳ-kheo hỏi:
«Gặp chuyện gì?»
Cha của Già-nhã-na nói:
«Chồng của nó đã lấy vợ khác rồi.»
Khi ấy, ngoài cửa thành Ba-la-nại có nhiều đoàn khách thương đang nghỉ đêm cùng với xe cộ. Hôm đó có một tỳ-kheo khất thực, đến giờ mặc y bưng bát vào trong doanh trại của đoàn thương khách này khất thực.
Tỳ-kheo kia theo thứ tự đi xin, và đến đứng im lặng trước mặt thương chủ có lòng tin sâu đậm. Thương chủ thấy vậy, hỏi:
«Ngài đứng nơi đây có việc gì?»
Tỳ-kheo trả lời:
«Tôi khất thực.»
Thương chủ liền nói:
«Ngài đưa bình bát đây.»
Tỳ-kheo trao bình bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bình bát. Tỳ-kheo khất thực mang thức ăn ra khỏi trại. Cách đó không xa, lại có một tỳ-kheo khất thực cũng muốn vào trong doanh trại khất thực, nên hỏi vị tỳ-kheo vừa nhận được thức ăn:
«Xin thức ăn được không?»
Đáp rằng:
«Được.»
Lại hỏi:
«Nhận được từ người nào?»
Đáp rằng:
«Nhận được từ thương chủ nọ.»
Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực liền đến đứng yên lặng trước thương chủ nọ. Thương khách hỏi:
«Ngài đứng đây làm gì?»
Tỳ-kheo đáp rằng?
«Tôi khất thực.»
Thương khách nói:
«Đưa bình bát của ngài đây.»
Tỳ-kheo liền trao bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bát rồi trao lại cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận được thức ăn vừa mang ra khỏi trại. Đi khỏi trại không xa, lại gặp một tỳ-kheo cũng muốn vào nơi doanh trại khất thực, nên hỏi:
«Xin thức ăn được không?»
Đáp rằng:
«Được.»
Lại hỏi:
«Nhận được từ người nào?»
Đáp rằng:
«Nhận được từ thương chủ nọ.»
Các tỳ-kheo khất thực thông tin cho nhau như vậy, đã khiến cho thương chủ hết cả lương thực đi đường.
Bấy giờ, thương chủ phải vào trong thành Ba-la-nại sắm lại lương thực. Trong khi đó các đồng bạn đã đi. Thương chủ phải đi sau, nên không theo kịp, dọc đường bị giặc cướp.
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rằng: «Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của thương khách?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo đó:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo ấy rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô,[201] nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo bệnh, e sợ không dám nhận thức ăn quá mức, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn quá mức đã ấn định.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu tỳ-kheo không bệnh nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: nhà có nam, có nữ.
Bệnh: không thể ăn một bữa mà no đủ.
Nếu tỳ-kheo đến nhà bạch y, được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nên hỏi người chủ rằng, «Có phải là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn?» Nếu họ nói là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn, thì nên ăn xong rồi ra về. Về lại trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu muốn ăn, hãy ăn xong rồi ra về. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai, ba bát.[202] Còn tôi hiện giờ không mang thức ăn về.»
Nếu muốn mang về một bát ăn, khi về đến trong Tăng-già-lam phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Nên nói với tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai bát.[203] Còn tôi hiện giờ mang về một bát.»
Nếu mang hai bát thức ăn về trong Tăng-già-lam, phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Rồi lại nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang một bát.[204] Còn tôi hiện giờ mang về hai bát.»
Nếu mang hết ba bát về phân chia cho các tỳ-kheo khác dùng thì nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì cẩn thận chớ mang về.[205] Vì tôi hiện giờ mang về đủ ba bát rồi.»
Nếu tỳ-kheo không có bệnh, nhận thức ăn quá hai ba bát nơi nhà đó mang về, ra khỏi cửa phạm ba-dật-đề. [660a1] Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà đứng lại, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu mang về trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng mà ăn một mình, phạm đột-kiết-la. Nếu không nói với các tỳ-kheo khác, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nhận hai, ba bát; vì bệnh mà nhận quá; có hỏi để biết là thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng hay lương thực đi đường của khách buôn; mang về trong Tăng-già-lam chia cho các tỳ-kheo khác dùng; bạch với các tỳ-kheo khác biết nơi chốn như vậy. Hoặc tự họ đưa đến trong Tăng-già-lam thì được phép nhận. Hoặc họ đưa đến trong chùa của tỳ-kheo-ni, nhận thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXV. DƯ THỰC PHÁP[206]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một lần,[207] khen ngợi pháp ăn một lần.
Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy về pháp ăn một lần, khen ngợi pháp ăn một lần, nên các tỳ-kheo ăn thức ăn khư-xà-ni,[208] hoặc ăn năm loại chánh thực,[209] hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn uống một lần không dám ăn lại, khiến cho hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.
Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan:
«Các tỳ-kheo này tại sao hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một bữa, khen ngợi pháp ăn một bữa. Các tỳ-kheo nghe rồi, tại một chỗ ngồi ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi ăn cho thật no.»
Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào thật no. Khi ấy các tỳ-kheo hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Các tỳ-kheo này tại sao hình thể khô héo, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào đầy đủ; hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Thế tôn bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo ăn năm loại thức ăn hoặc cơm, hoặc bánh in, hoặc cơm khô, cá và thịt, khiến cho thật no. Đối với trong năm món ăn này, sẽ tùy thuộc vào thứ nào đã nhận được theo đó ăn cho thật no.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh, tuy đã nhận được thức ăn ngon như, cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt, mà không đủ sức khỏe để ngồi ăn luôn một lần cho nên hình thể bị gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Tại sao các tỳ-kheo bệnh hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
«Tỳ-kheo bệnh này tuy nhận được năm món ăn ngon, nhưng không đủ sức khỏe ngồi ăn một lần cho đủ no nên hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.[210] Người bệnh không cần có phép túc thực .[211]»
Lúc ấy các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn ngon bổ không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn bèn đem bỏ. Các loài chim tranh nhau đến, giành ăn kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan rằng:
«Tại sao các loài chim kêu la inh ỏi thế?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo bệnh này nhận được thức ăn ngon bổ ăn không hết, còn dư đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Cho nên các loài chim giành nhau ăn kêu la inh ỏi như thế.»
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép người nuôi bệnh được ăn thức ăn dư của người bệnh, khỏi phải làm pháp dư thực .»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi, không dám ăn nữa, đem bỏ các loài chim tranh nhau ăn kêu la. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Tại sao các loài chim kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn nữa, đem bỏ cho nên các loài chim tranh nhau ăn kêu la như vậy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo lấy thức ăn nhận được làm pháp dư thực rồi ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.»
Về sau, có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:
«Tại sao các loài chim kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan bạch:
Có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la như vậy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, thức ăn từ nơi khác đem về nên làm pháp dư thực để ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Vị tỳ-kheo kia nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.»
Khi ấy trong nước Xá-vệ có một tỳ-kheo tham ăn, không biết ăn đủ là thế nào, ăn không đủ là thế nào; không biết pháp dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, ‹Sao lại tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ, không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?›
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
«Thật sự ông có tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ; không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?»
Tỳ-kheo kia thưa rằng:
«Bạch đức Thế tôn, thật vậy.»
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại tham ăn như vậy?»
Đức Thế tôn quở trách xong, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo [661a1] kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh,[212] không làm pháp dư thực[213] mà ăn nữa, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn : gồm năm thứ: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt. Đối với trong năm thức ăn này, bất cứ ăn một thứ nào, hoặc cơm, hoặc bánh bột, hoặc cơm khô, hoặc cá và thịt khiến cho no đủ. Có năm loại ăn đủ:[214] biết là cơm, biết được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Ăn đủ rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực mà nhận được và ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, quỳ gối chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Tỳ-kheo đang đi, có bao nhiêu chỗ được xem là túc thực?»
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
«Có năm chỗ được xem túc thực. Thế nào là năm? Ưu-ba-ly, Tỳ-kheo biết mình đang đi, biết thức ăn là cơm, biết đã được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Biết túc thực rồi, đã xả oai nghi ,[215] không tác pháp tàn thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó,[216] Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết mình đang đi, biết bánh bột, biết cơm khô, cá và thịt, biết sự mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm khô, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cơm khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cá, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thịt, cơm, bánh bột, cơm khô, biết người đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là thịt, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Ưu-ba-ly, như vậy gọi là năm chỗ túc thực của tỳ-kheo trong khi đang đi. Đứng, ngồi, nằm cũng như vậy.»
Thức ăn khư-xà-ni,[217] gồm có thức ăn khư-xà-ni củ, thức ăn nhánh, lá, hoa, trái khư-xà-ni, thức ăn dầu, mè, đường mía, (thức ăn) nghiền nát.[218] Tỳ-kheo nào túc thực rồi, không tác pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề.
Nếu túc thực rồi vì người khác làm pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu biết người khác túc thực rồi, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, đột-kiết-la.
Nếu cầm thức ăn để dưới đất, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo khiến tịnh nhơn cầm thức ăn, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tác pháp dư thực trước tịnh nhơn, phạm đột-kiết-la. Lấy thức ăn không ngon phủ lên trên thức ăn ngon, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo nhận pháp dư thực của người khác đem hết đi, không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu túc thực tưởng là túc thực, ba-dật-đề. Nếu túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo không túc thực tưởng là túc thực, phạm đột-kiết-la. Không túc thực mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn mà tưởng chẳng phải thức ăn, không nhận tác pháp dư thực; chẳng phải thức ăn, không tác pháp dư thực; tự tay giữ lấy, làm pháp dư thực; không để dưới đất tác pháp dư thực; cho đến tay rờ đụng đồ đựng thức ăn; hoặc vì người, người vì mình, tác pháp dư thực; hoặc bị bệnh không tác pháp dư thực; thức ăn dư của người bệnh, không tác pháp dư thực; hoặc đã tác pháp dư thực. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVI. MỜI NGƯỜI TÚC THỰC[219]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong nước Xá-vệ có hai anh em đều làm tỳ-kheo. Một người ham thích ăn uống, không biết túc thực hay không túc thực; dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn. Có vị tỳ-kheo khác nói rằng: «Chưa từng có một người nào như thầy, ham thích ăn uống, không biết túc thực, không túc thực; dư thực, không dư thực; nhận được thức ăn là ăn liền.»
Tỳ-kheo kia nghe câu nói như vậy, ôm lòng thù hận. Sau đó, một thời gian, thấy vị tỳ-kheo này ăn rồi không làm pháp dư thực liền ân cần mời ăn. Tỳ-kheo này ăn. Tỳ-kheo tham ăn kia nói rằng:
«Chưa từng thấy có thầy nào ham thích thức ăn như thầy, không biết túc thực hay không túc thực; không biết dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn, không biết nhàm chán, không biết đủ.»
Tỳ-kheo này nói:
«Tuy tôi đã ăn nhưng chưa đủ.»
Tỳ-kheo kia nói:
«Thầy trước đó đã ăn no đủ rồi.»
Tỳ-kheo này nói:
«Thầy đã biết tôi ăn đủ rồi phải không?»
Đáp rằng:
«Vâng, tôi biết.»
Tỳ-kheo này hỏi rằng:
«Thầy biết tôi như vậy mà cố mời tôi ăn phải không?»
Đáp rằng:
«Vâng, tôi biết.»
Khi ấy tỳ-kheo này hiềm trách tỳ-kheo kia rằng:
«Tại sao biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người khác phạm giới?»
Bấy giờ các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia: «Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn khiến cho họ phạm tội?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Phật vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
«Có thật ông biết người kia đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người kia phạm giới hay không?»
Vị tỳ-kheo kia thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi lại ân cần mời ăn, muốn cho họ phạm giới?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy các tỳ-kheo chưa biết đã ăn hay chưa ăn, không biết đã ăn đủ hay chưa ăn đủ, sau đó mới biết là đã ăn đủ, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ. Đức Phật bảo:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, hoặc thọ thỉnh,[220] mà ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn: có năm thứ như trước đã giải.
Mời: cũng có năm cách như đã nói trên.[221]
Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, không làm pháp dư thực, mà ân cần mời ăn, nói rằng, «Trưởng lão, hãy dùng món ăn này.» Vị kia nhận ăn, mỗi miếng, cả hai đều phạm ba-dật-đề. Nếu mời ăn, tỳ-kheo được mời không ăn, đem bỏ, thì người mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời ăn, người kia nhận mà không ăn, đem cất thì kẻ mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời, người kia nhận rồi chuyển cho người khác, thì người mời phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không tác pháp dư thực, đem cho người. Người ấy tác pháp dư thực rồi ăn. Người cho phạm đột-kiết-la. Nếu đem thức ăn người bệnh cho, muốn người khác phạm. Người cho phạm đột-kiết-la. Đem thức ăn dư của người bệnh cho người khác, muốn người khác phạm thì người cho phạm đột-kiết-la. Nếu tác pháp dư thực rồi, đem cho người khác muốn cho người khác phạm, thì người cho phạm đột-kiết-la.
Ăn đủ tưởng là ăn đủ, ba-dật-đề. Đủ mà nghi, đột-kiết-la. Không ăn đủ tưởng là ăn đủ, đột-kiết-la. Không ăn đủ mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nếu trước không biết; hoặc ăn đủ tưởng là không ăn đủ; hoặc cho để bỏ mà ăn; hoặc cho để cất mà ăn; hoặc bảo đem cho người mà lấy ăn; hoặc chưa làm pháp dư thực mà cho; bảo làm pháp dư thực mà ăn; người kia không làm pháp dư thực mà ăn; hoặc đem thức ăn dư của người bệnh mà cho, không khiến cho người khác phạm; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVII. PHI THỜI THỰC[222]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Bấy giờ nhân dân trong thành La-duyệt làm lễ tiết hội, tổ chức kỹ nhạc.
Khi ấy, hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà đến xem kỹ nhạc. Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà vì tướng mạo đoan chánh nên mọi người đều muốn ngắm nhìn. Khi ấy có một người trong đám đông nói:
«Quý vị chỉ ngắm suông Sa-môn Thích tử. Sao không cung cấp thức ăn? Phải cúng dường, sau đó mới ngắm!»
Lúc ấy, mọi người đều cho thức ăn. Hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà ăn xong, tiếp tục coi ca nhạc mãi cho đến chiều tối mới về đến núi Kỳ-xà-quật. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:
«Các thầy sao lại đi vào lúc tối mịt thế?»
Nan-đà, Bạt-nan-đà đem nhân duyên ấy thuật lại các tỳ-kheo.
Cũng trong khi sẩm tối ấy, Ca-lưu-đà-di[223] khoác y, bưng bát vào thành La-duyệt khất thực. Trong lúc trời đang nhá nhem tối, Ca-lưu-đà-di lại đến khất thực nhằm nhà người đàn bà đang mang thai. Người đàn bà ấy mang thức ăn ra cửa ngõ, gặp lúc trời chớp, chợt thấy sắc diện của Ca-lưu-đà-di,[224] hoảng sợ hét to: ‹Quỷ! quỷ!› Do đó trụy thai. Ca-lưu-đà-di nói rằng:
«Đại muội, tôi chẳng phải là quỷ mà là Sa-môn Thích tử.»
Người đàn bà nổi giận nói:
«Sa-môn Thích tử, hãy lòi ruột ra đi, chứ đừng đi khất thực ban đêm!»
Ca-lưu-đà-di nghe câu nói ấy, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe.
Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách việc làm Nan-đà, Bạt-nan-đà thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di: «Này Nan-đà, Bạt-nan-đà và Ca-lưu-đà-di, sao các thầy lại đi khất thực vào lúc phi thời cùng xem ca nhạc?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, Bạt Nan-đà, Ca-lưu-đà-di, sao các ông lại khất thực lúc phi thời, cùng xem ca nhạc?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, không được xem kỹ nhạc. Xem kỹ nhạc phạm đột-kiết-la.
«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhận thức ăn[225] phi thời và ăn, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thời : từ khi sáng xuất hiện cho đến giữa ngày. Đây là thời giờ đúng pháp để ăn. Bốn châu thiên hạ cũng ăn như vậy.
Phi thời: từ giữa ngày cho đến khi bình minh chưa xuất hiện.
Thức ăn : có hai loại: khư-xà-ni và bồ-xà-ni,[226] mỗi thứ có năm loại như trên.
Nếu tỳ-kheo nào nhận được thức ăn phi thời và ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu phi thời, quá phi thời, ba-dật-đề. Bảy ngày,[227] mà để quá bảy ngày, ba-dật-đề. Thuốc trọn đời,[228] không nhơn duyên mà dùng, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là phi thời, ba-dật-đề. Phi thời mà nghi, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là thời đột-kiết-la. Thời tưởng là phi thời đột-kiết-la. Thời mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực thấy người ta làm đường đen,[229] trong đó có chất kế-ni,[230] vì e sợ nên cẩn thận không dám dùng phi thời. Đức Phật dạy, «Cho phép dùng, không phạm. Phương pháp chế biến phải như vậy.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh uống thuốc xổ. Tỳ-kheo nấu cháo. Thời gian chờ cháo chín quá giờ. Nên nấu lúa mạch, đừng cho nó bể vỏ, lọc lấy nước mà dùng thì không phạm. Thức ăn trong cổ ói ra, mà nuốt vào không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVIII. THỨC ĂN CÁCH ĐÊM[231]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Ca-la[232] cũng đang tọa thiền tư duy ở trong đó. Hằng ngày, đến giờ Tôn giả khoác y, bưng bát, vào thành La-duyệt, khất thực.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt khất thực dễ dàng, nên Ca-la khởi ý nghĩ: «Phiền gì hằng ngày ta phải vào thành khất thực cho vất vả. Ta hãy ăn những thức ăn được trước; [663a1] thức ăn đang được thì mang về.» Sau đó, làm theo như điều suy nghĩ.[233] Tôn giả liền thực hiện theo ý nghĩ ấy.
Bấy giờ các tỳ-kheo không thấy Ca-la vào giờ tiểu thực, và đại thực, nên các cùng nhau bàn tán, «Chúng ta không thấy Ca-la vào tiểu thực, và đại thực. Phải chăng thầy ấy đã qua đời, hay đi xa, hoặc thôi tu, hay bị giặc giết, bị ác thú hại, cũng có thể bị nước cuốn trôi lắm!»
Sau đó một thời gian lại thấy Ca-la xuất hiện. Các tỳ-kheo hỏi:
«Mấy hôm nay thầy đi đâu mà vào giờ tiểu thực, và đại thực không thấy thầy? Chúng tôi tưởng thầy đã qua đời hay đi xa, hoặc bị ác thú hại, hay là thôi tu, hoặc bị ác thú hại.»
Bấy giờ, Ca-la đem sự việc trên kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-la: «Sao lại chứa cất thức ăn cách đêm mà ăn?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà ngài vẫn hỏi Ca-la:
«Thật sự ông có cất thức ăn cách đêm để ăn hay chăng?»
Ca-la thưa:
«Thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-la:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-la, sao ông lại cất đồ ăn cách đêm mà ăn? Ý nghĩ của ông tuy là thiểu dục tri túc, nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo.»
Đức Thế tôn quở trách Ca-la rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn cách đêm,[234] ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn cách đêm :[235] nhận được hôm nay để đến ngày mai. Tất cả sa-môn Thích tử, đã thọ đại giới, mà ăn thức ăn như vậy, đều không thanh tịnh.
Thức ăn có hai loại: Thức ăn chánh và thức ăn phi chánh.[236] Thức ăn phi chánh là thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn được nghiền vụn.[237] Thức ăn chính là thịt, cá, cơm khô, lương khô và cơm.
Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Thức ăn phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có lý do bệnh mà dùng, đột-kiết-la.
Cách đêm khởi ý tưởng cách đêm, ba-dật-đề. Cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà tưởng là cách đêm, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn nhận được dư cách đêm, còn dư đem cho cha mẹ. Hay cho người làm tháp, người làm phòng xá, tính giá công bằng thức ăn; sau đó, tỳ-kheo khất thực nơi người làm ấy mà được lại thức ăn. Nơi bát có lỗ nứt, thức ăn nhét vào, khi rửa cạy sợ bể thì nên cẩn thận như pháp mà rửa, nếu nó không ra thì không phạm. Nếu ban đêm nhận sữa, dầu, bơ, mỡ dùng để nhểu vào lỗ mũi; nếu khi nhểu vào sữa dầu chảy ra lại nên bỏ. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [238]
XXXIX. BỎ VÀO MIỆNG VẬT KHÔNG ĐƯỢC CHO[239]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một tỳ-kheo[240] nghĩ rằng, «Ta nên thường đi khất thực với chiếc y phấn tảo.»[241] Và vị ấy liền thực hành theo ý nghĩ.
Bấy giờ, có các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, anh em, chị em, hay chồng vợ, con trai con gái của họ qua đời, làm đồ ăn thức uống thiết lễ cúng tế ở ngả tư đường, hoặc nơi cửa ngõ, hoặc bên bờ sông, dưới gốc cây, hoặc bên hòn đá, hoặc trong miếu thờ.
Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực kia tự lấy phẩm vật họ cúng đó ăn. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn; phạm điều lấy vật không cho. Bên ngoài tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có chánh pháp gì? Chúng ta vì cha mẹ, anh em, chị em… qua đời, sắm đồ ăn thức uống tế tự cúng dường, mà họ lại lấy ăn. Hình như chúng ta vì họ làm đồ ăn thức uống, đặt nơi đó, để cúng dường cho họ vậy! Sự thật, chúng ta vì cha mẹ, cho đến anh chị em của chúng ta qua đời cho nên mới thiết lập thức ăn này để tế tự, mà họ lại tự ý lấy ăn.»
Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo khất thực rằng:
«Tỳ-kheo khất thực, sao các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, cho đến anh chị em của họ qua đời; họ sửa soạn thức ăn để tế tự cúng dường, mà thầy lại tự tiện lấy ăn?»
Bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo khất thực, sao ông tự tiện lấy thức ăn cúng tế của các cư sĩ trong thành Xá-vệ mà ăn?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo khất thực kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo khất thực ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận,[242] ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đối trong vấn đề ấy có nghi, không dám tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống. Đức Phật bảo:
«Tỳ-kheo tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống, không phạm.»
Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận,[243] trừ nước và tăm xỉa răng,[244] ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Không được cho:[245] tức là chưa được trao nhận.
Nhận: có năm cách nhận. Tay trao tay mà nhận; hoặc tay trao dùng vật mà nhận; dùng vật trao tay mà nhận; dùng vật trao dùng vật nhận, từ xa dùng vật trao cho người nhận lấy, giữa người trao và người nhận đều biết có khoảng cách không xúc ngại; vật cho được rơi vào trong tay. Đó gọi là năm cách nhận.
Lại có năm cách nhận thức ăn : cho qua thân và nhận qua thân, cho qua y (áo, vải) và nhận qua y; cánh tay này co lại để trao, cánh tay kia co lại để nhận; dùng vật đựng để cho, dùng vật đựng để nhận; hoặc có nhân duyên để dưới đất cho. Đó gọi là năm cách nhận thức ăn.[246]
Thức ăn khư-xà-ni: Thức ăn từ rễ, cho đến thức ăn được nghiền nhỏ mịn.
Thức ăn:[247] gồm có cơm, bánh bột, cơm khô, thịt và cá.
Thức ăn xà-da-ni: gồm có tô, du, sanh tô, mật, thạch mật.[248]
Tỳ-kheo nào, thức ăn không được trao mà tự tay lấy bỏ vào miệng, trừ nước và tăm xỉa răng, [664a1] mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có nhơn duyên, không được trao cho nhận mà dùng, đột-kiết-la. Không được trao cho nhận, tưởng không được trao cho nhận, ba-dật-đề. Không được trao cho nhận mà nghi, đột-kiết-la. Nhận mà khởi ý tưởng không nhận, đột-kiết-la. Nhận mà có nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Lấy nước và tăm xỉa răng; hoặc sữa, dầu, mỡ không được trao nhận mà nhểu vào mũi; chảy vào miệng rồi nhổ ra hết, còn dư,[249] không phạm. Hoặc tỳ-kheo khất thực, chim ngậm thức ăn bay rơi vào bát, hay gió thổi rớt vào bát, muốn trừ bỏ thức ăn ấy, cho đến chỉ bằng một móng tay cũng có thể trừ bỏ, còn dư, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XL. YÊU SÁCH MỸ THỰC[250]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có một thương chủ là đàn-việt. Đến giờ khất thực, Bạt-nan-đà Thích tử khoác y, bưng bát, đến nơi nhà thương chủ đó, nói như vầy:
«Nay tôi muốn có được thức ăn mỹ diệu.[251]»
Thương chủ hỏi:
«Nay, Đại đức có bệnh gì mà phải nghĩ đến thức ăn ấy?»
Đáp rằng:
«Tôi không có bệnh hoạn gì cả. Mà muốn được thức ăn như vậy thôi.»
Thương chủ thưa:
«Chúng con là nhà buôn, buôn bán để sinh sống, còn không thể có được thức ăn như vậy, huống là người xuất gia.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nghe những lời này, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử:
«Tại sao thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu[252] như thế?»
Khi tỳ-kheo khất thực thọ thực rồi, trở về trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói lại cho các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử:
«Tại sao Thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà, sao chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Bạt-nan-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Nếu có các thức ăn mỹ diệu như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào, với thức ăn ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nghe vậy, vì e sợ không dám xin, không dám vì tỳ-kheo bệnh xin, nhận được không dám ăn.
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được xin; người kia vì tỳ-kheo bệnh được xin. Xin được rồi, cho phép ăn.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Nếu có[253] các thức ăn mỹ diệu[254] như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào không bịnh, với thức ăn[255] ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn mỹ diệu: sữa, bơ, cá và thịt.
Bệnh: cho đến không đủ sức ngồi để ăn xong một bữa.[256]
Tỳ-kheo nào không bệnh, vì tự thân, xin thức ăn mỹ diệu này mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Người bệnh tự xin; vì người bệnh xin; khất thực được mà ăn; hoặc mình vì người, người vì mình xin; hoặc không xin mà được, thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.