XII. Ô THA GIA[140]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, ở Kỳ-liên[141] có hai tỳ-kheo. Một tên là A-thấp-bà ,[142] người thứ hai tên là Phú-na-bà-sa.[143] Cả hai ở tại Kỳ-liên có hành vi xấu, làm hoen ố nhà người. Hành vi xấu mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Họ làm những điều phi pháp như: tự mình trồng cây hoa, sai người trồng cây hoa; tự mình tưới nước, sai người tưới nước; tự mình hái hoa, sai người hái hoa; tự mình làm tràng hoa, sai người làm tràng hoa; tự mình xâu chỉ cột, sai người xâu chỉ cột; tự mình cầm hoa, sai người cầm hoa; tự mình đem tràng hoa cho người, sai người đem tràng hoa cho người. Hoặc ở trong thôn xóm kia có người phụ nữ, đồng nữ, họ cùng ngồi một giường, một ghế, cùng ăn uống một mâm, nói năng cười cợt; hoặc tự ca múa xướng hát, hoặc người khác làm, mình hòa theo; hoặc diễn kịch, hoặc đánh trống, thổi ống tiêu, ống sáo; làm tiếng chim sẻ, làm tiếng các loài chim khác kêu; hoặc chạy, hoặc giả kiểng chân mà đi, hoặc huýt gió, [597a1] tự làm lộng thân,[144] hoặc giúp vui cho kẻ khác...
Khi ấy, có số đông tỳ-kheo từ nước Ca-thi[145] tuần tự du hành đến Kỳ-liên, nghỉ đêm tại đó. Sáng ngày, đắp y, bưng bát vào thôn khất thực. Pháp phục tề chỉnh. Bước đi thong thả. Mắt nhìn trước bước đi, không xoay ngó hai bên. Theo thứ tự khất thực. Khi ấy, các cư sĩ thấy vậy, cùng nhau bàn nói: «Đây là người gì cúi đầu mà đi, không ngó hai bên, cũng không nói cười, không bặt thiệp, không khéo léo trong lời chào hỏi. Chúng ta không nên cho thức ăn cho họ. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa của chúng ta, hai vị ấy không cúi đầu đi. Họ ngó hai bên. Họ bặt thiệp với mọi người, khéo léo trong lời chào hỏi. Chúng ta nên cúng dường thức ăn cho họ.»
Lúc ấy, số đông tỳ-kheo kia khất thực tại Kỳ-liên, khó khăn lắm mới nhận được thức ăn. Do vậy, họ tự nghĩ: «Có tỳ-kheo xấu hiện đang trú tại trú xứ này, làm ác hạnh như vậy… cho đến, giúp vui cho kẻ khác.»
Các tỳ-kheo liền từ Kỳ-liên đến thành Vương-xá, và đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn như thường lệ hỏi thăm và an ủi các tỳ-kheo khách:
«Các ông đi đứng có được an lạc chăng? Chúng Tăng có hòa hợp không? Có gặp khó khăn vì ăn uống không?»
Các tỳ-kheo bạch đức Thế tôn:
«Bạch Đại đức, chúng con đi đứng được an lạc. Chúng Tăng hòa hợp. Chúng du hành từ nước Ca-thi đến Kỳ-liên…» Rồi đem nhân duyên trên trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện từ xa quở trách hai tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa rằng: «Việc làm của các người ấy là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa ở nơi Kỳ-liên mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu? Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe, (…) cho đến giúp vui cho kẻ khác.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo hai ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên:
«Này, hai ông nên đến Kỳ-liên trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất.[146] Tại sao vậy? Vì họ là đệ tử của hai ông.»
Bạch tứ yết-ma như sau:
Tăng nhóm họp xong, tiến hành cử tội [147] hai ông ấy. Cử tội xong tác pháp ức niệm.[148] Tác ức niệm xong nên trao tội [149] cho họ. Rồi sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc đã xảy ra tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở nơi Kỳ-liên làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận; nay Tăng vì A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa tác pháp yết-ma tẫn xuất, rằng: ‹Các ông đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đã có những hành vi xấu như vậy thì nên đi khỏi đây, không nên ở nơi nầy.› Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa này, ở nơi Kỳ-liên đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất, rằng: ‹Các ông đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đã có những hành vi xấu như vậy thì nên đi khỏi đây, không nên ở nơi nầy.› Vị trưởng lão nào đồng ý Tăng vì hai người này tác yết-ma tẫn xuất thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy).
«Tăng đã chấp thuận trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất rồi. Tăng đã chấp thuận vì im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên vâng lời Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng rồi đi.
Ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên khoác y, bưng bát, cùng với số đông năm trăm vị đại tỳ-kheo, từ nước Ca-thi du hành đến Kỳ-liên.
Khi ấy, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa nghe Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm vị đại tỳ-kheo, từ Ca-thi du hành đến Kỳ-liên, bèn nghĩ: «Chắc chắn vì chúng ta làm yết-ma tẫn xuất.» Hai người kia liền đến chỗ các cư sĩ, nói rằng:
«Nay có hai tỳ-kheo đến. Một, tên là Xá-lợi-phất, và hai, tên là Mục-liên. Một vị giỏi về huyễn thuật, bay đi trên hư không. Tỳ-kheo thứ hai, thì hành ác hạnh, tự mình có khả năng thuyết pháp. Quý vị nên khéo tự quán sát, đừng để bị mê hoặc.»
Khi ấy, Xá-lợi-phất và Mục-liên từ nước Ca-thi tuần tự du hành đến Kỳ-liên, nghỉ đêm nơi đó. Sáng ngày, khoác y, bưng bát, vào thôn khất thực. Đại Mục-liên hiện thần túc, phóng thân lên không trung; Xá-lợi-phất đích thân nói pháp.
Bấy giờ, các cư sĩ thấy vậy rồi, cùng nhau bàn tán: «Hai tỳ-kheo này, một vị rành nghề huyễn thuật, bay đi trong không trung. Tỳ-kheo thứ hai hành ác hạnh, nhưng tự nói pháp được.» Lúc này, Xá-lợi-phất và Mục-liên liền vì các cư sĩ tại Kỳ-liên mà nói pháp, khiến họ được tin ưa.
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên ăn xong, rửa bát, trở về lại trú xứ, vì nhơn duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo. Tăng nhóm họp, rồi họ vì A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa mà cử tội. Cử tội xong tác ức niệm. Tác ức niệm xong trao tội. Tôn giả Xá-lợi-phất ở giữa chúng liền tác yết-ma như trên. Khi ấy, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa bị Tăng tác yết-ma rồi, liền nói:
«Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng chỉ riêng đuổi tôi.»
Khi ấy, Xá-lợi-phất và Mục-liên ở tại Kỳ-liên vì A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa tác yết-ma rồi, trở về vườn Cấp-cô-độc rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
«Chúng con đã đến Kỳ-liên trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa yết-ma tẫn xuất rồi. Khi chúng Tăng tác yết-ma tẫn xuất, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa lại nói: ‹Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.›»
Lúc ấy, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện từ xa quở trách A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa:
«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao khi chúng Tăng trao cho pháp yết-ma tẫn xuất lại nói: ‹Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi›?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa rồi bảo các Tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, cho phép Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián, bằng bạch tứ yết-ma.»
Trong chúng nên sai một người có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc đã xảy ra, tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở tại Kỳ liên, khi Tăng trao cho pháp yết-ma, lại nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián để bỏ việc ấy, rằng: ‹Các ông chớ nói Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà [598a1]có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Các ông làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu, ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các ông đã làm hoen ố nhà người, đã có hành vi xấu.› Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở tại Kỳ-liên khi Tăng trao cho pháp yết-ma bèn nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh vì có Tỳ-kheo đồng tội mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Các ông chớ nói Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Các ông làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các ông đã làm hoen ố nhà người, đã có hành vi xấu.› Các trưởng lão nào chấp nhận Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián, cho bỏ việc này, thì im lặng. Ai không đồng ý thì xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận, trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy rồi, các tỳ-kheo mới đến bạch đức Thế tôn. Đức Phật bảo:
«Có tỳ-kheo nào, Tăng tẫn xuất rồi, hoặc đang tẫn xuất, hoặc chưa tẫn mà nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh,› cũng cần trao cho họ pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy.
«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới sẽ nói như vầy:
B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, sống nương tựa xóm làng, hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo ấy rằng: ‹Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa.› Tỳ-kheo ấy nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Chư Đại đức, các tỳ-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Các tỳ-kheo nên trả lời tỳ-kheo đó rằng: ‹Đại đức chớ nói ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe.› Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng già bà thi sa.
C. THÍCH TỪ
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thôn: có bốn loại, như trước đã nói.
Xóm làng thành ấp: thuộc về của nhà Vua.
Nhà: có nam có nữ.[150]
Làm hoen ố nhà người:[151] có bốn sự. Nương tựa[152] nhà làm hoen ố nhà, nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà, nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà, nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà.
- Thế nào là nương tựa nhà làm hoen ố nhà? Từ một nhà (này) nhận được vật, đem cho một nhà (khác). Nhà mình nhận được vật nghe nói thì không vui. Còn nhà mình đem vật cho, lại nghĩ chuyện trả ơn, bèn nói: «Nếu có cho ta, thì ta sẽ đáp lại. Nếu không cho ta, ta lấy cớ gì cho lại?» Đó gọi là nương tựa nhà làm hoen ố nhà người.
- Thế nào gọi là nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà? Tỳ-kheo được lợi dưỡng như pháp, cho đến thức ăn còn thừa nơi bát, đem cho một cư sĩ (này) mà không cho một cư sĩ (kia). Người cư sĩ nhận được liền sanh ý niệm trả ơn, nói: «Có cho ta, ta sẽ trả ơn. Nếu không cho ta, làm sao ta cho lại?» Đó gọi là nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà người.
- Thế nào gọi là nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà người? Tỳ-kheo nương tựa nhà Vua, hoặc Đại thần, rồi vì (giúp) một cư sĩ (này), không vì một cư sĩ (kia). Người cư sĩ được (giúp) liền nghĩ việc trả ơn, nói: «Có vì ta, ta sẽ cúng dường. Nếu không vì ta, ta không cúng dường.» Đó gọi là nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà người.
- Thế nào gọi là nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà người? Tỳ-kheo lấy bông trái của Tăng cho một cư sĩ (này), không cho một cư sĩ (kia). Cư sĩ được cho liền nghĩ việc trả ơn, nói: «Nếu có cho ta, ta sẽ cúng dường. Nếu không cho ta, ta không cúng dường.» Đó gọi là nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà người. Vì bốn sự này mà làm cho nhà người bị hoen ố,[153] cho nên gọi là làm hoen ố nhà người.
Có hành vi xấu[154]: tự mình trồng cây hoa, hay sai người trồng cây hoa, cho đến, giúp vui cho người, như trên đã nói.
D. PHẠM TƯỚNG
Tỳ-kheo nương tựa nơi tụ lạc, làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy, ai cũng nghe; có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này rằng: «Đại đức làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nên bỏ việc này, đừng để Tăng già quở trách, lại phạm trọng tội.»
Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời, nên tác bạch. Tác bạch rồi, nên tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác bạch rồi. Còn có ba yết-ma nữa, nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»
Nếu vị ấy bỏ thì tốt, bằng không bỏ nên tác yết-ma lần đầu. Tác yết-ma lần đầu rồi, nên lại tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn có hai yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách lại phạm trọng tội.»
Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, nên lại phải tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn có một yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách lại phạm trọng tội.»
Nếu vị ấy nghe theo thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ ba. Tác yết-ma lần thứ ba rồi, tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu tác pháp yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Nếu tác pháp yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai thâu-lan-giá. Nếu bạch xong mà bỏ thì phạm một thâu-lan-giá. Nếu bạch chưa xong mà bỏ thì phạm đột-kiết-la. Nếu trước khi chưa bạch, nói Tăng có thiên vị, có thù hận, có sợ hãi, có bất minh, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Khi Tăng tác pháp quở trách can gián lại có Tỳ-kheo khác bảo: «đừng bỏ.» Tỳ-kheo này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa tác pháp quở trách can gián thì phạm đột-kiết-la. Nếu khi Tăng tác pháp can ngăn quở trách có tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ.» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Nếu trước khi chưa tác pháp quở trách can gián thì cô ni phạm đột-kiết-la.
Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác bảo: «đừng bỏ»; quở trách, không quở trách đều phạm đột-kiết-la. Nếu không xem thư mà mang đi, phạm đột-kiết-la. Nếu vì bạch y làm người đưa tin sứ giả, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, tăng già bà thi sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Hoặc yết-ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp tượng tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hiệp chúng, phi pháp, phi luật, phi Phật giáo. Nếu tất cả trước khi chưa tác pháp quở trách can ngăn thì không phạm. Nếu cho cha [599a1] mẹ, cho người bệnh, cho tiểu nhi, cho phụ nữ có thai, cho người bị nhốt trong ngục, cho người làm thuê trong nhà chùa thì không phạm. Trồng cây hoa, sai người trồng cây hoa, để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình tạo tràng hoa, sai người tạo tràng hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình dùng chỉ xâu hoa, sai người dùng chỉ xâu hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình cầm hoa, sai người cầm hoa cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình dùng chỉ xâu tràng hoa, sai người dùng chỉ xâu tràng hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng, đều không phạm.
Nếu bị người đưa tay muốn đánh,[155] hoặc bị giặc, hoặc bị voi, báo, sư tử, hổ lang, hoặc nơi có hoạn nạn, hoặc chạy tránh vì người gánh gai nhọn thì không phạm. Nếu lội qua sông, rãnh, mương, hầm phải nhón gót nhảy thì không phạm.
Nếu đồng bạn đi sau, quay lại ngó không thấy, huýt gió kêu thì không phạm. Nếu vì cha mẹ bịnh, hoặc vì người bị nhốt trong ngục, hoặc vì người ưu-bà-tắc có lòng tin sâu đậm bệnh hay bị giam cầm, xem thư rồi đem đi, hoặc vì tháp, vì Tăng, vì tỳ-kheo bệnh mang thư tới lui, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.