Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Phù vi Đạo giả, thí như nhất nhân dữ vạn nhân chiến. Quải khải xuất môn, ý hoặc khiếp nhược, hoặc bán lộ nhi thối, hoặc cách đấu nhi tử, hoặc đắc thắng nhi hoàn. Sa-môn học Đạo, ưng đương kiên trì kỳ tâm, tinh tấn dũng nhuệ, bất úy tiền cảnh, phá diệt chúng ma, nhi đắc Đạo-quả."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người hành Đạo ví như một người chiến đấu với muôn người; mang giáp ra cửa, hoặc có ý khiếp nhược, hoặc nửa đường rồi lui, hoặc chống cự đến chết, hoặc đắc thắng mà về.

Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả."

 

Lược giảng:

Đây là chương thứ ba mươi ba. Trong chương này, Đức Phật dùng thí dụ để cho chúng ta thấy rõ rằng người tu Đạo cần phải tu học ba môn học vô-lậu là Giới, Định, Huệ và nên một lòng một dạ tinh tấn học Đạo.

Lấy thí dụ là có một người có nhiều điều gian dối, vô số thói hư tật xấu và đủ các thứ "hoặc" - kiến-hoặc, tư-hoặc, trần-sa hoặc - tích lũy từ vô thủy. Nếu quý vị có thể giữ tâm cho chuyên nhất mà học Đạo, thì quý vị được ví như "một người." Nếu quý vị có rất nhiều điều giả dối, rất nhiều mối "hoặc" cùng thói hư tật xấu - những thứ ấy được ví như "muôn người." Nếu quý vị có thể thọ trì và tu tập giới hạnh thanh tịnh, thì quý vị chẳng khác nào người chiến sĩ được trang bị áo giáp và nón sắt.

Ngoài ra, nếu quý vị có thể giữ vững quyết tâm, không khiếp nhược, tức là quý vị có được sự tinh tấn xuất phát từ Giới-lực. Nếu quý vị có thể tinh tấn, dũng mãnh, không nửa đường quay về, tức là quý vị có được Định-lực. Có Định-lực thì không bỏ cuộc giữa đường, không nửa đường quay về. Lại nữa, nếu quý vị không sợ trùng trùng điệp điệp cảnh giới trước mặt, không sợ hằng hà sa số địch quân ở đằng trước đang chờ dịp để tấn công mình, thì quý vị sẽ không bị mất mạng ngay khi vừa giao chiến - đây là một thứ Huệ-lực.

Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như "chúng ma." Phá tan "chúng ma" thì sẽ chứng được Đạo-quả. Chứng được Đạo-quả tức là "chiến thắng quay về" vậy!

Đức Phật dạy: "Người hành Đạo ví như một người chiến đấu với muôn người." Nếu quý vị có thể chuyên tâm tu hành thì quý vị chẳng khác nào một người mà phải chiến đấu, đương đầu với cả vạn kẻ địch. Ở đây ngụ ý rằng trừ khử các thói hư tật xấu, thói giả dối, tham, sân, si, của bản thân thì cũng cam go như chiến đấu chống lại cả vạn địch quân vậy.

Người ấy "mang giáp ra cửa." Bấy giờ, quý vị cũng như người đã được trang bị áo giáp và nón sắt, sẵn sàng chiến đấu, không run sợ.

Người ấy "hoặc có ý khiếp nhược." Nếu ý chí của quý vị không kiên quyết, có vẻ như sợ sệt - đó là khiếp nhược.

"Hoặc nửa đường rồi lui." Có thể quý vị tu hành được một lúc rồi lại nản lòng chùn bước, không tu hành nữa - bỏ dở nửa chừng.

"Hoặc chống cự đến chết." Có thể là khi chiến đấu với những tập khí hư vọng và ma quân, quý vị bị bại trận, phải bỏ mình - tu hành không thành công.

"Hoặc đắc thắng mà về." Có thể là quý vị được trở về trong chiến thắng vinh quang.

"Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững. Bền tâm vững chí, chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước. Chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả." Nếu quý vị không khiếp sợ đông đảo địch quân ở phía trước, kiên quyết đánh bại hết thảy bè lũ Ma vương, thì tự nhiên chứng được Đạo-quả.

Xem mục lục