Sn 5.11: JATUKANNI-MANAVA-PUCCHA
CÁC CÂU HỎI CỦA JATUKANNI
Chàng trai Jatukannin hỏi rằng làm sao buông bỏ sinh và già.
Đức Phật trả lời rằng chớ tham ái dục, nhưng cũng chớ nắm giữ hay xua đẩy gì. Và chớ để dính gì tới quá, hiện, vị lai. Nghĩa là, buông bỏ cả quá, hiện, vị lai.
Tham là cội gốc của ưa/ghét, nắm giữ/xua đẩy. Hợp ý thì ưa, thì nắm giữ. Không hợp ý thì ghét, thì xua đẩy. Trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán viết mấy dòng đầu là: "Đạo lớn chẳng gì khó, cốt đừng chọn lựa thôi; quí hồ không thương ghét, thì tự nhiên sáng ngời."
Đức Phật cũng dạy rằng, chớ dính mắc gì trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Thiền sử có kể rằng, nhà sư Đức Sơn nổi tiếng là giảng sư về Kinh Kim Cang, cho rằng các Thiền sư nêu tông phong "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" là sai, vì đã xuất gia là phải học ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh, rất mực gian nan chớ có đâu mà Thấy Tánh là xong. Đức Sơn đi về hướng Nam, gánh theo bộ Thanh Long Sớ Sao, để sẽ tranh luận với các thiền sư để đền ơn Phật. Trên đường, gặp một bà già bán bánh rán, sư hỏi mua vài cái bánh. Bà cụ hỏi Thầy gánh bộ kinh luận gì, sư đáp là bộ Thanh Long Sớ Sao. Cụ bà nói là có câu hỏi, nếu sư đáp được, cụ bà xin cúng dường bánh điểm tâm.
Cụ bà hỏi: “Trong Kinh Kim Cang có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc,’ xin hỏi Thầy muốn điểm tâm nào?”
Sư lặng thinh, không đáp được, lặng lẽ bước đi. Cụ bà già gọi lại, khuyên sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm Sùng Tín.
Trung Luận của ngài Long Thọ, bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu, giải thích về thời gian: “Nhân nơi vật thể nên có thời, lìa vật thể thì đâu có thời; nhưng vật thể còn không có, huống gì có thời.”
Nhưng, làm sao buông bỏ quá, hiện, vị lai? Làm sao xả ly cả ba thời? Đức Phật đã dạy rất rõ trong Kinh 35.95 (Kinh Maluṅkyaputta), kể rằng nhà sư Malunkyaputta đã cao niên, tự biết không còn ở lâu trên cõi đời này, nên xin Đức Phật dạy Pháp ngắn gọn để nhà sư tìm chỗ ngồi tu khẩn cấp.
Đức Phật đã dạy như sau:
“Nơi đây, Malunkyaputta, với những gì được ngươi thấy, nghe, cảm thọ, và thức tri: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.
“Hỡi Malunkyaputta, khi nào những gì được ngươi thấy, nghe, cảm thọ, và thức tri: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri, rồi thì, hỡi Malunkyaputta, ngươi sẽ không hiện hữu ‘trong liên hệ với cái đó.’
“Hỡi Malunkyaputta, khi ngươi không hiện hữu ‘trong liên hệ với cái đó,’ rồi thì ngươi sẽ không hiện hữu ‘ở nơi đây’.
“Hỡi Malunkyaputta, khi ngươi không hiện hữu ‘ở nơi đây’, rồi thì ngươi sẽ không ở trong đời này, không ở trong đời sau, và cũng không ở giữa hai đời ấy. Thế này, tự thân là kết thúc khổ đau.”
Tóm lược ý kinh: Sống với tâm vô sở trụ, dù là quá, hiện, vị lại.
Kinh này gồm các bài kệ từ 1096 tới 1100.
1096. [Jtukanni] Con được nghe về bậc anh hùng, người không còn chút tham dục nào. Con tới để hỏi người vô dục, người đã vượt qua trận lụt, người đã có Tâm Nhãn, xin ngài nói về trạng thái bình an. Xin nói cho con biết thực sự thế nào.
1097. Thế Tôn là bậc đã chiến thắng tham ái, như mặt trời rực rỡ rọi sáng hào quang cõi đất. Vì con trí tuệ hạn chế, xin bậc Đại Trí Tuệ giải thích cho con hiểu về Pháp để buông bỏ sinh và già nơi đây.
1098. [Đức Phật]
Hỡi Jatukanni, hãy gỡ bỏ lòng tham ái dục, hãy nhìn thấy an toàn trong hạnh xuất ly. Chớ để trong tâm khởi lên ý muốn nắm giữ hay xua đẩy gì.
1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an.
1100. Hỡi chàng trai Phạm chí, [bình an là] với người đã dứt bặt lòng tham về tâm và thân, khi lậu hoặc cũng không còn nữa, mà chính lậu hoặc này trước giờ đã đẩy người vào nơi Sự Chết kiểm soát.
Hết Các Câu Hỏi của Chàng Trai Jatukanni