Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Như vậy tôi nghe: Một thời Đức Phật cùng chúng đại tỳ kheo và đại Bồ tát Lăng Già trên đỉnh núi Ma La Dà bên biển lớn. Các đại Bồ tát này đều đã thông đạt năm pháp, ba tánh, tám thức, hai vô ngã, khéo biết nghĩa cảnh giới là tự tâm hiện, dạo chơi trong vô lượng tam muội tự tại, các lực thần thông. Tùy tâm chúng sanh mà hiện đủ loại hình phương tiện điều phục, các ngài đều từ thảy thảy cõi nước Phật mà đến hội này, được tất cả chư Phật dùng tay quán đảnh. Đại Bồ tát Đại Huệ làm thượng thủ.

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp trong cung vua rồng biển đã hơn bảy ngày, từ biển lớn đi ra, có vô lượng ức Phạm Vương, Đế Thích hộ trì thế gian, các trời, rồng nghinh đón. Bấy giờ Như Lai đưa mắt nhìn khắp thành lớn Lăng Già trên núi Ma La Dà, bèn mỉm cười mà nói rằng: “Các bậc Chánh đẳng giác ngày xưa đều ở trong thành này nói pháp thánh trí tự chứng. Đó chẳng phải là cảnh giới các ngoại đạo tà kiến có thể suy lường và chỗ tu hành của Nhị thừa. Nay ta cũng sẽ khai thị pháp này cho La Bà Na vương”.

Khi ấy vua loài Dạ xoa La Bà Na nhờ thần lực Phật, nghe âm thanh lời ngài, từ xa biết Như Lai ra khỏi cung rồng, có các hộ thế Phạm Vương, Đế Thích, trời, rồng vây quanh. Như Lai nhìn các làn sóng biển, thấy cảnh giới của tạng thức chúng hội như đại dương có gió chuyển động làm sóng thức khởi. La Bà Na sanh tâm hoan hỷ, ở trong thành ấy cao giọng nói rằng: “Ta hãy đến thỉnh Phật vào thành này, khiến cho ta và các trời, người ở trong đêm dài tối tăm này được lợi lạc lớn”. Nói xong cùng quyến thuộc cưởi xe hoa đến chỗ Thế Tôn, đến nơi xuống xe nhiễu quanh Phật ba vòng về phía phải, trỗi các thứ âm nhạc cúng dường Như Lai. Các nhạc khí đều nạm ngọc nhân đà la, lưu ly… được bọc trong thượng y vô giá. Âm thanh mỹ diệu hòa điệu, nói kệ tán thán Phật:

Tự tánh tâm pháp tạng

Vô ngã lìa kiến dơ

Chỗ biết của chứng trí

Nguyện Phật tuyên nói cho.

Pháp thiện gồm thành thân

Chứng trí thường an lạc

Bậc biến hóa tự tại

Xin vào thành Lăng Già

Phật, Bồ tát quá khứ

Đều từng ở thành này

Các dạ xoa chúng con

Nhất tâm nguyện nghe pháp.

Kinh giảng rõ nghĩa “cảnh giới là tự tâm hiện”, “duy tâm mà hiện”. Bồ tát là vị tu nghĩa ấy để đạt đến chỗ “khéo biết” của chứng trí, giải thoát cho mình và cho người, khi đã chứng tất cả đều trong tam muội như huyễn như mộng.

Khi thấy được “cảnh giới của tạng thức chúng hội như đại dương có gió chuyển động làm sóng thức khởi” tức là biết được bản tánh của tạng thức là “tự tánh của tâm”, đó là “pháp tạng”, và “sóng thức khởi” thì như huyễn như mộng. So với đại dương và sóng, thì tự tánh của tâm là đại dương vô tướng, vô niệm và các thức khởi đều là một bản tánh với đại dương, không ở ngoài đại dương, và sóng khởi nhưng thật ra là không khởi vì vẫn là một với đại dương, nên sóng có thì cũng như huyễn như mộng.

Bấy giờ La Bà Na, vua thành Lăng Già, tán thán Phật theo âm điệu Đô ta ca xong, lại hát lên bài tụng:

Thế Tôn trong bảy ngày

Trụ trong biển Ma Kiệt

Sau ra khỏi Long cung

An nhiên lên bờ này.

Con và các thể nữ

Cùng quyến thuộc dạ xoa

Thân đà, Xa thích na

Cùng các vị thông tuệ

Đều dùng thần lực này

Đi đến chỗ Như Lai

Rồi bước xuống xe báu

Lễ kính đức Thế Tôn.

Lại nương oai thần Phật

Trước Phật xưng tên mình:

Con là vua La sát

La Bà Na mười đầu

Nay đi đến chỗ Phật

Xin Phật thâu nhận con

Và tất cả chúng sanh

Ở trong thành Lăng Già.

Vô lượng Phật quá khứ

Đều lên đỉnh núi báu

Ở trong thành Lăng Già

Nói pháp tự sở chứng

Xin Thế Tôn cũng vậy

Ở núi báu nghiêm kia

Chúng Bồ tát vây quanh

Diễn nói pháp thanh tịnh.

Chúng con ngày hôm nay

Cùng chúng ở Lăng Già

Nhất tâm đều muốn nghe

Pháp tự chứng lìa lời.

Con nhờ đời quá khứ

Có vô lượng đức Phật

Chúng Bồ tát vây quanh

Diễn nói kinh Lăng Già.

Kinh Nhập Lăng Già này

Phật xưa từng tán thán

Nguyện Phật như đời trước

Vì chúng sanh khai diễn.

Xin Phật vì xót thương

Vô lượng chúng Dạ Xoa

Vào thành nghiêm báu này

Nói diệu pháp môn ấy

Diệu thành Lăng Già này

Đủ thứ báu nghiêm sức

Vách không bằng đất đá

Lưới màn bằng trân bảo

Các chúng Dạ Xoa đây

Xưa từng cúng dường Phật

Tu hành lìa các lỗi

Thường rõ chỗ chứng biết

Các dạ xoa nam nữ

Khát ngưỡng với Đại thừa

Tự tin vào pháp ấy

Cũng muốn khiến người trụ.

Duy nguyện Vô Thượng Giác

Vì các chúng La sát

Các quyến thuộc Lung Nhĩ

Đi đến thành Lăng Già

Con từ xưa đến nay

Siêng cúng dường chư Phật

Nguyện nghe pháp tự chứng

Đạo đại thừa rốt ráo

Xin Phật xót thương con

Cùng các chúng Dạ Xoa

Và các hàng con Phật

Vào thành Lăng Già này

Cung điện, các thể nữ

Và các chuỗi anh lạc

Vườn vô ưu khả ái

Nguyện Phật thương nạp thọ.

Con với Phật, Bồ tát

Không vật nào chẳng xả

Đến cả thân phục vụ

Xin nguyện thương nạp thọ.

Bấy giờ Thế Tôn nghe những lời trên, liền bảo:

“Dạ Xoa vương! Các đại đạo sư thời quá khứ đều thương xót ông, nhận lời ông thỉnh cầu  mà đến núi báu nói pháp tự chứng. Chư Phật đời vị lai cũng lại như thế. Đây là chỗ trụ của những bậc tu hành quán hạnh sâu xa hiển hiện pháp lạc. Ta cùng các Bồ tát thương xót các ông mà nhận lời thỉnh cầu. Nói lời ấy xong ngài yên lặng.

Thành Lăng Già là chỗ chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai nói ra pháp của các bậc giác ngộ tự chứng. Pháp tự chứng ấy do sự tu hành quán hạnh sâu xa khiến pháp lạc được hiển hiện. Nếu không có sự thiền quán sâu xa thì những người học chúng ta không thể hiểu “pháp tạng tự tánh tâm” vẫn thường hằng làm nền tảng cho mọi kiếp sống của chúng ta, dầu trói buộc trong sanh tử hay giải thoát trong Niết bàn.

Pháp lạc là thấy thân tâm và thế giới là như huyễn, do đó không dính dáng với cái gì cả. Đây cũng là tự tánh của tâm.

Lúc ấy vua La Bà Na liền đưa xe hoa đẹp của long cung cúng Phật. Phật ngồi lên xe, vua và các Bồ tát đi theo sau. Vô lượng thể nữ ca ngâm tán thán chào đón Phật vào thành. Sau khi vào thành, vua La Bà Na cùng các quyến thuộc lại dùng các món quý báu cúng dường. Đồng nam đồng nữ trong chúng dạ xoa lấy lưới báu cúng dường Phật. Vua La Bà Na cúng Phật và các Bồ tát các chuỗi anh lạc đeo cổ. Bấy giờ Thế Tôn và các Bồ tát nói cảnh giới tự chứng thâm sâu.

Lúc ấy vua La Bà Na và các quyến thuộc lại cúng dường Bồ tát Đại Huệ, nói lời thỉnh cầu:

Tôi nay thỉnh đại sĩ

Kính hỏi đức Thế Tôn

Cảnh giới trí tự chứng

Của tất cả Như Lai.

Tôi cùng các dạ xoa

Và các Bồ tát này

Nhất tâm nguyện được nghe

Thế nên đều xin thỉnh.

Ngài là bậc tối thắng

Tu hành và ngôn luận

Thế nên tôi tôn kính

Xin ngài thỉnh hỏi pháp.

Pháp tự chứng thanh tịnh

Cứu cánh vào Phật địa

Lìa tất cả lầm lỗi

Của ngoại đạo, Nhị thừa.

Bấy giờ Thế Tôn dùng thần thông lực, ở trong núi ấy, lại hóa ra vô lượng núi báu, đều dùng trăm ngàn vạn ức thứ quý báu của chư thiên mà trang nghiêm. Trên mỗi mỗi núi đều có thân Phật hiện. Trước mỗi Phật đều có vua La Bà Na và chúng hội. Tất cả các cõi nước trong mười phương đều hiện trong đó, trong mỗi cõi nước đều có Như Lai, trước mỗi đức Phật đều có vua La Bà  Na cùng quyến thuộc, vườn A Du Dà trong thành Lăng Già trang nghiêm, tất cả đều trang nghiêm không khác. Mỗi mỗi đều có Bồ tát Đại Huệ thỉnh hỏi Phật khai thị cảnh giới trí tự chứng. Dùng trăm ngàn âm thanh vi diệu nói xong kinh này, Phật và chư Bồ tát biến vào hư không.

Đây là cảnh giới của tự tánh tâm pháp tạng: một phản ánh thành tất cả, tất cả được bao gồm trong một. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại được nói nhiều trong Kinh Hoa Nghiêm.

“Nói xong kinh này Phật và chư Bồ tát biến vào hư không”: cảnh giới ấy là tự tâm hiện trên nền tảng tánh Không.

Chúng ta thấy Đức Phật chưa nói gì cả, mà kinh nói “nói xong kinh này”. Chỉ có sự xuất hiện khắp cả và biến mất không dấu vết là đã nói xong kinh. Để thực hành theo kinh, chúng ta cần tham thiền rất nhiều về “duy tâm sở hiện” này.

Vua La Bà Na tự thấy chỉ còn thân mình trong cung, bèn khởi suy nghĩ: Người thấy những việc vừa rồi là ai? Ai là người thấy? Phật và thành, rừng núi báu, các vật như thế bây giờ ở đâu? Hay là nằm mộng? Hay là ảo ảnh? Hay giống như thành Càn thát bà? Hay do nhặm mắt thấy? Hay là sự mê lầm do sóng nắng? Hay là như trong mộng, con của người nữ bằng đá? Hay như ngọn đuốc quay mà thấy thành vòng lửa?

Lại nghĩ: Tánh của tất cả các pháp đều như thế, chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt. Kẻ phàm phu mê lầm không thể hiểu rõ. Không có người thấy cũng không có cái được thấy, không có người thuyết cũng không có cái được thuyết. Thấy Phật nghe pháp đều là phân biệt. Hướng theo cái được thấy như vậy thì chẳng thể thấy được Phật. Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật.

Khi ấy vua Lăng Già bỗng nhiên khai ngộ, lìa các nhiễm ô, chứng duy tự tâm, trụ vô phân biệt. Do sức những thiện căn được trồng từ xưa, ông được cái thấy như thật đối với tất cả các pháp, không do người khác mà ngộ, có thể dùng tự trí quán sát một cách khéo léo, xa lìa vĩnh viễn tất cả so lường tà kiến. Trở thành một bậc thầy trong những người tu hành, có thể hiện đủ thứ thân, thông suốt các phương tiện, khéo biết các địa và cách vượt lên các địa. Thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt ba kiến (cái thấy) tương tục, lìa chấp trước của ngoại đạo. Bên trong tự ngộ, nhập vào Như Lai tạng, hướng đến Phật địa.

Đức Phật dùng sự xuất hiện và biến mất để chỉ cho vua La Bà Na thấy thân tâm, thế giới trước mắt là như huyễn, như mộng vì duy tâm tạo. Như bài kệ chấm dứt Kinh Kim Cương:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, ảnh

Như sương, như điện chớp

Hãy quán thấy như vậy.

Ngày nay, vật lý học cho chúng ta hiểu phần nào thế giới của chúng ta. Thế giới chỉ là những nguyên tử, không màu sắc, không mùi vị… xuống thấp hơn nữa là những hạt nhỏ hơn, xuống tận cùng chỉ còn là năng lượng. Những đám mây nguyên tử, những cầu vồng năng lượng. Thế mà bằng các giác quan, bằng hệ thần kinh, bằng ý nghĩ, bằng ngôn ngữ, bằng trí nhớ… chúng ta đã diễn dịch thành một thế giới của hạnh phúc và khổ đau, xây dựng bằng tham, sân, si, kiêu căng, ghen ghét, hy vọng và sợ hãi. Thế giới sanh tử ấy do chính tâm thức chúng ta tạo ra, nó không hoàn toàn có thật.

Giải thoát không phải là ra khỏi thế giới này, mà là ra khỏi những tà kiến tạo ra thế giới này. Giải thoát là “được cái thấy như thật đối với tất cả các pháp”. Giải thoát là “tất cả các pháp chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt”, trong đó không có chủ thể thấy, nghe. Những cái có, được thấy, được nghe đều là do tâm phân biệt. Thấy theo tâm phân biệt hư vọng như vậy thì chẳng thể thấy Phật. “Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật”.

Thật thấy biết tất cả duy tự tâm hiện, đó gọi là khai ngộ, bước vào hàng Bồ tát pháp thân, vào được trí vô phân biệt. Trong trí vô phân biệt, sanh tử do phân biệt hư vọng tạo thành dần dần tiêu tan. Vào được ít nhất là Sơ địa, thấy một phần pháp thân của tất cả chư Phật, nên “khéo biết các địa và cách vượt lên các địa”. Vào Pháp thân tức là “tự ngộ, nhập vào Như Lai tạng, hướng đến Phật địa”. Phật địa là chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân, chứ không từng phần như Bồ tát ở trong Mười địa.

Đã thấy trực tiếp Pháp thân tánh Không, mới có thể “thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt các kiến tương tục”. Nếu khai ngộ là đi vào con đường của cái thấy đúng và trực tiếp, thì “thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt các kiến tương tục” là con đường tu tập, để đi đến Phật địa.

“Chứng duy tự tâm” tức là chứng tất cả thế gian đều như huyễn, như mộng. Càng như huyễn như mộng bao nhiêu, Bồ tát càng chứng được lực như huyễn bấy nhiêu. Lực ấy được gọi là Như huyễn tam muội, mà sự hóa hiện của Đức Phật đã cho vua Lăng Già thấy.

Nếu như sanh tử “chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt”, chỉ là sự quán tưởng sai lầm của tự tâm khiến vọng thấy ra, thì sự quán tưởng như huyễn của người tu hành đưa thế giới trở lại thật tướng của nó, hoàn nguyên lại lực như huyễn của tự tâm khiến thấy thế giới là như huyễn. Chứng được lực như huyễn ấy được gọi là Như huyễn tam muội và công dụng của nó là ý sanh thân.

Nếu ngay đây mà xa lìa tâm, ý, ý thức đã dệt nên sanh tử, ngay đây mà chẳng khởi phân biệt, bèn tức thì thấy Phật, thấy Pháp thân, thấy Như Lai tạng vì chúng ta luôn luôn ở trên và trong “tự tánh tâm pháp tạng”. Chúng ta chưa từng lìa khỏi nó một mảy tóc, một khoảnh khắc nào dầu có trôi lăn đến đâu.

Ông bỗng nghe giữa không trung và trong cung điện đều phát tiếng nói: Hay thay, đại vương! Như chỗ ông học, các người tu hành cũng phải học như thế, phải thấy như thế. Tất cả chư Như Lai cũng thấy như thế.

Nếu thấy tất cả các pháp khác như thế thì tức là đoạn kiến. Ông phải xa lìa vĩnh viễn tâm, ý, ý thức, nên chuyên cần quán sát tất cả các pháp, nên tu hạnh ở bên trong, chớ bám trước cái thấy ở bên ngoài. Chớ sa vào những pháp tu, câu nghĩa, cảnh giới thấy được, các định có được của nhị thừa và ngoại đạo. Ông chớ nên ưa thích những hý luận, đàm tiếu, chớ khởi các kiến về tự ngã, cũng chớ bám trước vào địa vị tự do của vua, cũng chẳng nên trụ trong sáu định (của sanh tử).

Nếu có thể như vậy là sự thực hành của người như thật tu hành, có thể bẻ gãy các luận khác, có thể phá trừ ác kiến, có thể xả bỏ tất cả chấp trước ngã kiến, có thể dùng diệu huệ chuyển thức sở y, có thể tu đạo Đại thừa của Bồ tát, có thể vào địa tự chứng của Như Lai. Ông nên chuyên cần tu học thêm như vậy, khiến pháp sở đắc càng thêm thanh tịnh. Hãy khéo tu tam muội, tam ma bát đề, chớ bám trước cảnh giới ngoại đạo và nhị thừa cho là cái lạc sao siêu, như chỗ phân biệt tu của phàm phu, ngoại đạo chấp ngã kiến, có tướng ngã, có đấng tối cao nhân đức mà chấp giữ. Nhị thừa thấy thật có vô minh duyên hành, nên trong tánh Không sanh loạn tưởng phân biệt.

Vua Lăng Già! Pháp thù thắng đây là đạo Đại thừa, có thể khiến thành tựu thánh trí tự chứng, trong ba cõi có được đời sống cao cả tốt đẹp. Vua Lăng Già! Hạnh Đại thừa này phá sự che lấp của vô minh, diệt làn sóng thức, chẳng sa vào những tà hạnh của ngoại đạo. Vua Lăng Già! Các hành giả ngoại đạo chấp trước ngã, tạo các dị luận, chẳng thể diễn nói mà lìa khỏi chấp trước, thấy tánh thức có hai nghĩa. Hay thay, vua Lăng Già! Hãy tư duy nghĩa ấy như khi trước đây ông thấy Phật, tư duy như thế bèn là thấy Phật.

Cái thấy chân thật của Phật giáo là vô ngã và vô pháp. Nền tảng tu học của một người theo đạo Phật là vô ngã vô pháp, hay tánh Không. Đường lối của kinh này và Duy thức học là tiếp cận tánh Không bằng tâm thức.

Đoạn kinh ở trên nói về Nền tảng, Con đường và Quả của người như thật tu hành. Chỉ cần một đoạn này là có đủ cái Thấy, Thiền định, Hạnh và Quả để chúng ta đi vào duy tâm tánh Không, tránh những lối tẻ vào đoạn kiến hay dừng lại nửa chừng.

Chẳng hạn Nhị thừa, Thanh Văn và Duyên Giác, cho rằng thân tâm và thế giới là do mười hai duyên sanh và chuỗi sanh ra nhau ấy là thật có. Với Đại thừa thì có cái thấy rốt ráo: mười hai duyên sanh đều vô tự tánh nên là tánh Không, chưa từng sanh ra, sự sanh ra của duyên sanh trong tánh Không chỉ là vọng tưởng phân biệt. Đại thừa duy tâm này “phá sự che lấp của vô minh, diệt làn sóng thức, thành tựu thánh trí tự chứng”.

Bấy giờ vua La Bà Na lại nghĩ: Xin cho con lại được thấy Như Lai. Như Lai Thế Tôn tự tại trong quán, lìa pháp ngoại đạo, có thể nói cảnh giới thánh trí tự chứng, vượt khỏi các thân ứng, hóa và các sự việc ứng hiện, trụ trong định Như Lai tam muội lạc, thế nên được xưng là Đại quán hạnh sư, cũng được xưng là bậc Đại ai mẫn, đã đốt sạch phiền não và phân biệt, các chúng Phật tử đồng vây quanh, vào khắp trong tâm của tất cả chúng sanh, bậc ở khắp tất cả chỗ, đầy đủ Nhất thiết trí, vĩnh viễn lìa tất cả phân biệt sự tướng.

Con nay xin thấy lại lực đại thần thông của Như Lai, nhờ được thấy mà đắc được cái chưa đắc, con đã đắc thì không thối chuyển, lìa các phân biệt, trụ tam muội lạc, tăng trưởng đầy đủ trí địa Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn biết vua Lăng Già sẽ chứng ngộ Vô sanh pháp nhẫn nên thương xót bèn hiện thân, khiến các sự hóa hiện trở lại như cũ. Vua mười đầu thấy những gì từng thấy, vô lượng núi, thành trang nghiêm châu báu, trong mỗi mỗi thành đều có Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, ba mươi hai tướng nghiêm thân, tự thấy thân mình khắp trước chư Phật, đều có Đại Huệ, dạ xoa vây quanh, nói pháp thực hành trí tự chứng. Cũng thấy quốc độ của mười phương chư Phật. Tất cả sự như vậy đều không khác trước.

Hiện và không hiện đồng nhau, thấy và không thấy đồng nhau, sắc và Không đồng nhau, sanh tử và Niết bàn đồng nhau. Không hiện và hiện đồng nhau, không thấy và thấy đồng nhau, Không và sắc đồng nhau, Niết bàn và sanh tử đồng nhau, “vĩnh viễn lìa tất cả các phân biệt sự tướng”. Đồng nhau vì cả hai đều vô sanh. Đây là Vô sanh pháp nhẫn.

Tất cả duy tâm tạo. Hiện và không hiện, thấy và không thấy, sắc và Không, sanh tử và Niết bàn, tất cả duy tâm tạo và duy tâm tạo tức là vô sanh, đây là Vô sanh pháp nhẫn, cũng là như huyễn như mộng. Duy tâm, chỉ là tâm, dầu hiện hay không hiện. Chỉ là tâm tức là sanh tức vô sanh, vô sanh tức là sanh.

Duy tâm, chỉ là tâm, tức là vô sanh pháp nhẫn.

Phật đã đốt sạch phiền não và phân biệt trong tâm, lúc ấy không phải là không có tâm, mà là Phật tâm thanh tịnh, là duy tâm vì thế “vào khắp trong tâm của chúng sanh, bậc ở khắp tất cả chỗ, đầy đủ Nhất thiết trí”.

Bấy giờ Thế Tôn từ xa quán khắp chúng hội bằng huệ nhãn rồi bỗng hân hoan mạnh mẽ cười lớn như vua sư tử. Từ giữa hai lông mày, đùi, hông, lưng, cổ và vai, cánh tay, chữ vạn giữa ngực, mỗi mỗi lỗ chân lông đều phóng vô lượng ánh sáng diệu sắc như cầu vồng, như tia sáng mặt trời, cũng như ngọn lửa cháy lúc hết kiếp. Lúc ấy trong hư không Phạm Thiên, Đế Thích, Bốn Thiên vương, từ xa thấy Như Lai ngồi như núi Tu Di trên đỉnh Lăng Già hân hoan cười lớn.

Bấy giờ các Bồ tát và chư thiên đều nghĩ: Như Lai Thế Tôn tự tại nơi các pháp, mà vì nhân duyên gì hân hoan cười lớn? Thân phóng ánh sáng, lặng yên không động, trụ trong cảnh giới tự chứng, nhập tam muội lạc, như vua sư tử nhìn khắp các hướng, nhìn La Bà Na, niệm pháp như thật?

Khi ấy Đại Bồ tát Đại Huệ, trước do được vua La Bà Na mời, sau vì biết tâm của chúng hội Bồ tát, quán tất cả chúng sanh đời tương lai, đều ưa bám vào ngôn ngữ văn tự, tùy theo ngôn ngữ mà nắm giữ nghĩa mà sanh mê lầm, chấp giữ hạnh nhị thừa ngoại đạo, bèn suy nghĩ: Thế Tôn đã lìa cảnh giới của thức, mà vì nhân duyên gì lại hân hoan cười lớn? Vì muốn phá trừ nghi cho họ mà thưa hỏi Phật.

Hân hoan mạnh mẽ cười lớn khi nhìn khắp chúng hội vì cái thấy của Phật vượt khỏi có và không, hiện hữu và không hiện hữu. Đây là cái thấy của “duy tâm sở hiện”, duy tâm mà hiện.

Thánh trí tự chứng không phải là không thấy gì cả, mà thấy như mộng như huyễn. Thấy thật tướng như mộng như huyễn của tất cả chúng hội nên cười lớn như vua sư tử. Đây là tam muội lạc của duy tâm.

Trong khi ấy, đại chúng còn nhiều vô minh phiền não chướng và sở tri chướng, nghĩa là đang sống trong thức thì nghi ngờ: Đức Phật đã lìa cảnh giới phân biệt của thức, đáng lẽ phải tịch diệt bất động, không chủ thể đối tượng thì tại sao lại cười lớn khi thấy đối tượng là đại chúng?

Khi ở trong trí, thì tất cả đều là trí, toàn thức tức trí, xưa nay thanh tịnh. Khi ở trong thức, thì tất cả đều là thức, toàn trí biến thành thức phân biệt, nhấp nhô trong sanh tử bất tịnh.

Phật đáp: Hay thay, Đại Huệ! Hay thay, Đại Huệ! Ông quán sát thế gian, thương cho chúng sanh bị trói buộc trong quan niệm sai lầm về ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, muốn cho họ khai ngộ mà hỏi ta. Các người trí huệ vì lợi mình lợi người mà hay hỏi như vậy. Đại Huệ, vua Lăng Già đây từng hỏi tất cả Như Lai, Ứng Chánh đẳng giác hai thứ nghĩa, nay cũng muốn hỏi và trong đời vị lai cũng thế. Tướng sai khác của hai thứ nghĩa ấy, tất cả hàng Nhị thừa và ngoại đạo đều không thể suy lường.

Bấy giờ Như Lai biết vua Lăng Già muốn hỏi nghĩa ấy nên nói rằng: Vua Lăng Già, ông muốn hỏi ta điều gì thì hãy hỏi, ta sẽ phân biệt giải thích cho ông, khiến ông mãn nguyện hoan hỷ. Có thể dùng trí huệ tư duy quán sát, lìa các phân biệt, khéo biết sự tu tập đối trị trong các địa, chứng chân thật nghĩa, nhập tam muội lạc, được chư Như Lai nhiếp thọ, trụ trong tam ma địa lạc, xa lìa lỗi lầm của tam muội Nhị thừa, trụ trong Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa của Bồ tát. Có thể như thật biết các pháp vô ngã, sẽ ngồi trong hoa sen báu lớn, được chư Phật lấy nước tam muội quán (rưới) đảnh, lại hiện vô lượng hoa sen vây quanh, trong đó vô lượng Bồ tát đứng thẳng cùng chúng hội hướng nhìn, cảnh giới như thế không thể nghĩ bàn. Vua Lăng Già, ông sẽ khởi Một phương tiện hạnh, trụ địa tu hành, lại khởi vô lượng các hạnh phương tiện. Ông quyết định sẽ đắc các sự không thể nghĩ bàn như trên, ở vị Như Lai, tùy hiện ứng thân. Những gì ông sẽ đắc thì tất cả Nhị thừa và ngoại đạo Phạm Vương, Đế Thích, Bốn Thiên vương đều chưa từng thấy.

Khi đã vào được Sơ Hoan hỷ địa, chứng đắc một phần Pháp thân, có được trí căn bản, trí huệ vô phân biệt, bèn “có thể dùng trí huệ tư duy quán sát, lìa các phân biệt, khéo biết sự tu tập đối trị trong các địa, chứng chân thật nghĩa, nhập tam muội lạc, được chư Như Lai nhiếp thọ, trụ trong địa Bất động thứ tám, địa Thiện huệ thứ chín, địa Pháp vân thứ mười”.

Đây là con đường tu tập sau khi vào con đường thấy của Sơ địa. Sự tu tập ấy là mở rộng, đào sâu hai vô ngã, người vô ngã và pháp vô ngã, trên nền tảng duy tâm sở hiện.

Bấy giờ vua Lăng Già được Phật cho phép, đứng dậy từ chỗ ngồi trên núi báu như hoa sen lớn đầy ánh sáng thanh tịnh, chúng thể nữ vây quanh, hóa ra vô lượng đủ thứ báu màu sắc, đủ thứ hương, tràng phan, lọng che, anh lạc cùng các đồ trang sức quý báu thế gian chưa từng thấy nghe. Lại biến hóa ra đủ thứ âm thanh nhạc khí mà dục giới có, các âm nhạc khí vượt hơn cõi trời, rồng, càn thát bà, tất cả thế gian, các âm thanh nhạc khí mà chư Phật ở mười phương đều thấy. Lại hóa ra các lưới báu che khắp chư Phật, Bồ tát. Lại hiện đủ thứ y phục đẹp đẽ, dựng lên tràng phan để cúng dường. Làm xong ông bay lên hư không cao bảy cây đa la, ở trong hư không mưa xuống đủ thứ cúng dường, trổi âm nhạc, rồi hạ xuống ngồi ở đỉnh núi hoa sen báu lớn ánh sáng như mặt trời thứ hai, hoan hỷ cung kính bạch rằng:

Con nay muốn hỏi Như Lai hai nghĩa. Con đã từng hỏi các Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác đời quá khứ, chư Phật Thế Tôn đã nói cho con. Nay con cũng muốn hỏi hai nghĩa ấy, xin Như Lai tuyên nói cho con. Bạch Thế Tôn, hai nghĩa ấy được các đức Như Lai biến hóa tuyên thuyết, chứ không phải Phật căn bản (Phật Pháp thân). Phật căn bản thì nói cảnh giới tam muội lạc, chứ không nói việc làm trong thế giới phân biệt hư vọng. Hay thay! Đức Thế Tôn, tự tại trong các pháp, xin ngài thương xót nói cho hai nghĩa ấy, tất cả Phật tử đều có lòng muốn nghe.

Khi ấy Thế Tôn bảo nhà vua: Ông hãy hỏi ta sẽ nói cho.

Vua Dạ Xoa liền mang thêm các thứ mũ báu và anh lạc, các đồ trang sức để trang nghiêm thân, mà nói lời rằng: Pháp còn xả bỏ, huống hồ phi pháp. Làm sao xả được hai pháp ấy? Pháp là gì? Phi pháp là gì? Pháp bị bám trước phải xả thì làm sao có hai? Có hai pháp tức là đã rơi vào tướng phân biệt. Hữu thể và vô thể, thật và chẳng phải thật, tất cả như vậy đều là phân biệt, không thể rõ biết thức A lại da vốn là tướng vô sai biệt. Như vòng tóc xoắn giữa hư không, chẳng phải là cảnh giới của tịnh trí. Pháp tánh vốn như vậy, làm sao có thể xả?

Bấy giờ Phật dạy nhà vua: Vua Lăng Già! Ông há chẳng thấy các sự vật như bình, lọ…. là pháp vô thường hư hoại, phàm phu trong ấy vọng sanh phân biệt. Nay ông vì sao không biết pháp và phi pháp khác biệt như thế nào ư? Sự khác biệt ấy là chỗ phân biệt của phàm phu, chứ chẳng phải cái thấy của bậc chứng trí. Phàm phu thì rớt trong đủ thứ tướng, chẳng phải các bậc chứng ngộ.

Sự cúng dường, trang nghiêm của vua Dạ Xoa để tỏ lòng thành kính ngưỡng cầu đối với Phật, Pháp, Tăng (ở đây là Bồ tát Đại Huệ). Với sự tôn quý Pháp thánh trí tự chứng như vậy thì lời khai thị mới truyền thông qua tâm nhà vua được.

Phi pháp là chỗ phân biệt của phàm phu. Chỗ nào có phân biệt, chỗ đó là phi pháp. Thấy bằng tâm phân biệt, đó là phi pháp, và người thấy cái phi pháp phân biệt ấy được gọi là phàm phu.

Chỗ nào không có phân biệt, đó là chánh pháp, đó là cái thấy của bậc chứng trí. Thánh trí tự chứng là “rõ biết thức A lại da vốn là tướng vô sai biệt”.

Bậc tự chứng trí huệ thì thấy không có phân biệt và khi nhìn chúng sanh thấy họ vẫn mãi mê trong điên đảo vọng tưởng phân biệt bèn khởi tâm bi. Chúng ta thấy ở Đại thừa, trí huệ và đại bi luôn luôn đi với nhau.

Vọng sanh phân biệt là làm cho thức A lại da vốn vô sai biệt mà thành sai biệt, thành đủ thứ tướng. Vừa vọng sanh phân biệt là tức khắc tạo ra sanh tử thiết lập bằng vô vàn các tướng sai biệt.

Còn không vọng sanh phân biệt thì đây là Một tướng Vô tướng, đây là thức A lại da vốn thanh tịnh, vốn là tướng vô sai biệt.

Vua Lăng Già! Như khi thiêu cháy cung điện, vườn rừng, thấy đủ thứ ngọn lửa, tánh lửa là một, nhưng do sức cháy của các vật mà lửa cháy sáng dài ngắn to nhỏ mỗi mỗi sai khác. Nay sao ông không biết pháp và phi pháp sai khác thế nào? Vua Lăng Già! Như một hạt giống sanh mầm, thân, cành cho đến hoa trái vô lượng sai khác; ngoại pháp như vậy, nội pháp cũng thế. Vì vô minh làm duyên sanh uẩn, giới, xứ, tất cả các pháp trong ba cõi, thọ sanh vào các nẻo, có khổ vui, tốt xấu, nói nín, đi dừng mỗi mỗi sai khác. Lại như các thức, tướng chỉ là một mà tùy cảnh giới bèn có cao, giữa, thấp, nhiễm, tịnh, thiện, ác đủ thứ sai khác.

Do thấy thảy thảy khác nhau mà có sanh tử với thảy thảy hình tướng khác nhau, chia cắt nhau, đối địch nhau. Thấy khác nhau, đây là cái thấy sai, hư vọng của thức phân biệt. Tu hành là “diệt (tịnh hóa) các làn sóng thức”, “chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật”.

Tánh lửa chỉ là một mà do sức cháy của các vật, nghĩa là theo duyên, mà thấy lửa dài ngắn to nhỏ khác nhau. Tâm chỉ là một Nhất Tâm mà do sự phân biệt thành ra có các hình tướng khác nhau, tách biệt nhau, xung đột nhau. Ngay đây mà không phân biệt thì tất cả chỉ là Một Tâm.

Như một hạt giống sanh ra mầm, cây, lá, hoa, trái, thấy trong phân biệt thì sai khác nhau, nhưng thực ra chỉ là một cây, một hạt giống. Vô minh làm duyên sanh ra các pháp trong ba cõi thấy thì khác nhau nhưng thật chỉ có một vô minh phân biệt ta, người, chúng sanh, thế giới. Không có vô minh phân biệt thì cũng không có sanh tử luân hồi ba cõi sai khác.

Các thức chỉ có một đặc tính (tướng) là hoạt động phân biệt và chỉ là một tánh là Nhất Tâm, như các sóng chỉ có một tướng là sóng và một tánh là đại dương. Thế mà duyên theo cảnh giới để hoạt động phân biệt bèn thấy ra ta người, chúng sanh, thế giới sai khác nhau. Rồi gán tên cho các thứ thấy là sai khác ấy, rồi thương ghét, lấy bỏ… làm nhiễm ô thêm để thành ra sanh tử luân hồi khổ đau bất tận. Cho nên thấy các thức là một, là một tánh, thì ngay đó là vô sanh. Vô sanh mà thấy là có sanh chỉ bởi vì “vọng sanh phân biệt”.

“Pháp tánh vốn như vậy, làm sao có thể xả?”

Vua Lăng Già! Chẳng phải chỉ những pháp như trên có sai khác, mà các người tu hành khi tu quán hạnh thì trong tâm trí của mình cũng lại thấy các tướng sai khác, huống gì pháp và phi pháp mà không có đủ thứ sai khác phân biệt hay sao? Vua Lăng Già! Pháp và phi pháp, tướng sai khác nhau, hãy biết tất cả đều là tướng do phân biệt vậy.

Vua Lăng Già! Pháp là gì? Đó là những cái mà Nhị thừa và các ngoại đạo hư vọng phân biệt rồi cho là có thật, làm nhân duyên cho các pháp. Các “pháp” như thế cần xả, cần lìa, chớ nên ở trong phân biệt mà giữ lấy tướng. Thấy pháp tánh tự tâm tức là không có chấp trước. Các vật như cái bình mà phàm phu nắm giữ thì vốn không có tự thể. Các người tu quán hạnh dùng Tỳ bát xá na (vipassana) như thật quán sát, đó gọi là xả các pháp.

Vua Lăng Già! Phi pháp là gì? Đó là các pháp không có tự tánh (vô tánh), không có tướng (vô tướng), vĩnh viễn lìa khỏi phân biệt. Người thấy như thật thì các cảnh giới vướng mắc có, vướng mắc không như vậy đều không khởi, đây gọi là xả phi pháp. Lại nữa, phi pháp mà có thì đó gọi là sừng thỏ, con của người gái đá… đều không có tánh, không có tướng, chẳng thể phân biệt, chỉ theo thế tục nói mà có danh tự, chẳng phải như cái bình các thứ mà có thể nắm giữ.

Các pháp không có như lông rùa sừng thỏ và các pháp có là chỗ nắm giữ của thức đều là phân biệt nên cũng cần xả lìa. Đó gọi là xả pháp và xả phi pháp.

Pháp và phi pháp đều là tướng do phân biệt hư vọng mà có. Các pháp không có thật, vì sở tri chướng mà cho là có thật. Nắm giữ các pháp không có thật ấy thì thành phi pháp. Chúng đều vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc, là tánh Không. Chính sự nắm giữ các pháp và phi pháp không thật có, do hư vọng phân biệt này đã tạo ra việc trôi lăn trong sanh tử.

Thấy bản tánh của tâm mình vốn không có một vật gì, vì chưa từng có phân biệt, tức là không bám nắm, không bám nắm thì không tạo ra sanh tử hư vọng, do đó mà biết cái vốn giải thoát, “pháp tánh tự tâm”.

Động tâm phân biệt thì bèn có mặt trăng thứ hai, quơ tay thì hoa đốm sanh nơi hư không. Phân biệt là nghiệp, không phân biệt thì nghiệp không sanh. Hãy biết rõ cái chưa từng sanh, không thể sanh, cái chưa từng có nghiệp này.

Tu hành chỉ là vậy: biết các pháp là vô tự tánh, không thể cầm nắm, chỉ do thức bị nhiễm ô biến hiện, bèn không bám nắm. Không bám nắm thì đây là bản tánh của tâm, pháp tánh tự tâm, đây là thánh trí tự chứng.

Vua Lăng Già, chỗ ông hỏi ở trước ta đã nói rồi vậy.

Vua Lăng Già, ông nói: Con ở nơi chư Như Lai quá khứ đã hỏi nghĩa này, chư Như Lai đã nói cho con. Vua Lăng Già, ông nói quá khứ thì đó chỉ là phân biệt, vị lai cũng như vậy, hiện tại ta cũng đồng các đức Như Lai kia. Vua Lăng Già, pháp của các đức Như Lai đều lìa phân biệt, đã ra khỏi tất cả hý luận phân biệt, chẳng phải như sắc tướng, chỉ trí mới chứng được, vì khiến chúng sanh đắc an lạc mà thuyết pháp. Dùng trí vô tướng mà thuyết gọi là Như Lai, thế nên Như Lai lấy trí làm thể, lấy trí làm thân nên không thể phân biệt, cũng không thể bị phân biệt. Không thể lấy tướng ngã, nhân, chúng sanh mà phân biệt Như Lai. Tại sao không thể phân biệt? Vì ý thức khởi nhân cảnh giới, bám giữ hình tướng của sắc, thế nên phải lìa chủ thể phân biệt và đối tượng được phân biệt.

Vua Lăng Già! Chúng sanh và thế gian giống như biến hóa, phàm phu và ngoại đạo không thể rõ thông. Vua Lăng Già! Có thể thấy như vậy gọi là chánh kiến, nếu thấy khác như vậy gọi là phân biệt kiến. Do phân biệt nên bám giữ hai pháp. Vua Lăng Già! Thí như có người nơi gương mặt nước tự thấy mặt mình, dưới ánh sáng đèn tự thấy bóng mình, trong hang núi tự nghe tiếng vang của mình, bèn sanh phân biệt mà khởi bám giữ, sự việc này cũng như vậy.

Pháp cùng phi pháp chỉ là phân biệt, do phân biệt nên chẳng thể bỏ lìa, chỉ tăng trưởng thêm tất cả hư vọng, chẳng được tịch diệt. Tịch diệt ấy nghĩa là một duyên, một duyên ấy là tam muội tối thắng, từ đó mà sanh thánh trí tự chứng, lấy Như Lai tạng làm cảnh giới.

Lìa chủ thể phân biệt, lìa đối tượng phân biệt, khi không có phân biệt hư vọng thì xưa nay, trên dưới chỉ là một “tam muội tối thắng”, một duyên duy tâm Phật tánh.

Ở trong thức phân biệt thì thấy có quá khứ, hiện tại, vị lai. Chính cái thức phân biệt tạo ra thời gian. Không phân biệt thì chỉ có “một duyên tịch diệt”, một hiện tại thường trụ toàn khắp không biên bờ giới hạn.

Lìa phân biệt tức là lìa các tướng do phân biệt tạo thành, thì đó là Không, Vô tướng, Vô tác, đó là thân Như Lai (Pháp thân), trí Như Lai. Lìa thức phân biệt thì ngay đó là trí vô phân biệt, là thánh trí tự chứng.

Chính thức phân biệt tạo ra chúng sanh, tạo ra thế giới môi trường chứa đựng chúng sanh. Thấy chúng như biến hóa, không có nghiệp không có báo, tức thì giải thoát khỏi chúng sanh và thế giới phân biệt hư vọng mà có.

Thấy mặt mình trong gương nước mà tưởng là ai khác, cái gì khác ở ngoài mình, đâu biết rằng đó là chính mình, do thức mình biến hiện. Dưới ánh sáng của thức mình như ngọn đèn, tự thấy bóng mình mà cứ ngỡ là chúng sanh và thế giới. Nghe trong hang núi tiếng vang của mình mà cứ lầm cho âm thanh của người khác và thế giới. Quán sát những thí dụ này cho kỹ, sẽ biết thức mình đang hoạt động phóng chiếu như thế nào, đang đánh lừa mình ra sao, phân biệt hư vọng là cái gì.

Khi thấy tất cả là mình, không còn mảy may phân biệt chia cắt nào nữa, sanh tử là mình, Niết bàn cũng là mình, thì đây là “toàn thân Như Lai”, nói theo Kinh Pháp Hoa.

Xem mục lục