Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

IV. CHỈ RÕ GIÁC CHẲNG SANH MÊ

Kinh : Ông Phú Lâu Na thưa : “Nếu cái Diệu Giác đó, bản tánh là Diệu Minh, cùng với Tâm Như Lai, không tăng không giảm, mà không cớ gì bỗng sanh các tướng hữu vi núi, sông, đất đai. Vậy nay Như Lai đã đắc Diệu Giác Minh Không đó, thì lúc nào lại sanh ra núi, sông, đất đai và các tập lậu hữu vi ?”

Phật bảo Ông Phú Lâu Na : “Ví như người mê, nơi một xóm làng, lầm phương Nam làm phương Bắc, thì cái mê ấy nhân do Mê mà có hay nhân Ngộ mà sinh ra ?”

Ông Phú Lâu Na thưa : “Người mê như vậy, cũng chẳng nhân Mê, cũng chẳng nhân Ngộ. Vì sao thế ? Cái Mê vốn không có gốc gác, làm sao mà nhân Mê ? Ngộ chẳng sanh ra Mê, làm sao mà nhân Ngộ ?”

Đức Phật nói : “Cái người mê kia, ngay trong lúc mê, bỗng có người ngộ chỉ bày cho khiến tỏ ngộ. Này Phú Lâu Na, ý ông thế nào ? Người ấy đã thả cái Mê ra rồi, thì đối nơi xóm làng đó, có còn sanh mê lại không ?”

- Bạch Thế Tôn, không”.

- Phú Lâu Na, mười phương Như Lai lại cũng như thế. Cái Mê ấy không có gốc gác, tánh nó rốt ráo không. Xưa vốn chẳng có Mê, chỉ hình như có Mê, có Giác. Giác được cái Mê, thì Mê diệt mà cái Giác vốn chẳng sanh Mê. Cũng như người lòa mắt, thấy hoa đốm giữa hư không. Bệnh lòa nếu hết, thì hoa đốm ở hư không diệt mất. Bỗng có người ngu, ở chỗ hư không mà hoa đốm kia đã diệt, đợi chờ hoa đốm sanh ra trở lại. Ông xét người đó là ngu hay là trí huệ ?”

Ông Phú Lâu Na thưa : “Hư không vốn không có hoa đốm, mà vọng thấy có sanh có diệt. Thấy có hoa diệt mất giữa hư không đã là điên đảo rồi. Lại còn muốn bảo nó sanh ra lại thì thật là điên dại, làm sao mà gọi người điên như vậy là ngu hay là trí.”
Phật dạy : “Ông hiểu như thế, sao lại còn hỏi : “Tánh Diệu Giác Minh Không của Chư Phật Như Lai khi nào lại sanh ra núi, sông, đất đai ?” Cũng như quặng vàng lẫn lộn với vàng ròng, một khi vàng đã thành ròng, chẳng trở lại thành dơ tạp. Như cây đã đốt thành tro, không trở lại thành cây nữa. Bồ Đề, Niết Bàn của chư Phật Như Lai cũng lại như thế.

Thông rằng : Kinh Viên Giác, Bồ Tát Kim Cang Tạng hỏi Đức Thế Tôn rằng : “Nếu chúng sanh xưa nay thành Phật, thì tại sao có hết thảy Vô Minh ? Nếu chúng sanh vốn có Vô Minh, thì vì nhân duyên gì Như Lai lại nói bổn lai thành Phật ? Các loài dị sanh trong mười phương, vốn thành Phật Đạo, sau lại khởi Vô Minh, thì tất cả Như Lai khi nào lại sanh ra tất cả phiền não ?”
Thế Tôn đáp rằng : “Này trai lành ! Hết thảy thế giới thủy chung sanh diệt, trước sau Có, Không, Tụ, Tán, Khởi, Dừng niệm niệm nối nhau, xoay vòng đi lại, đủ thứ nắm bỏ, đều là luân hồi. Chưa ra khỏi luân hồi mà tìm hiểu Viên Giác thì tánh Viên Giác kia cũng đồng trôi chuyển. Nếu thoát khỏi luân hồi, thì làm gì có chuyện đó !”

Nay chỗ nghi của Ông Phú Lâu Na không khác với Bồ Tát Kim Cang Tạng mà Thế Tôn chỉ tùy theo cái thấy sanh diệt của ông mà phá. Đưa tiếp nhau bốn thí dụ : Thứ nhất là Giác chẳng trở lại Mê; hai là Diệt rồi chẳng sanh trở lại; ba là vàng ròng chẳng trở lại quặng ; bốn là tro chẳng thành lại cây. Hai ý sau diễn lại hai ý chánh trước. Giác chẳng trở lại Mê, tức là Bồ Đề. Diệt chẳng trở lại sanh, tứùc là Niết Bàn. Đây là đã ra khỏi luân hồi mà biện hiểu Viên Giác. Tánh Viên Giác ấy tức chẳng có luân hồi, nên nói Bồ Đề, Niết Bàn của Chư Phật Như Lai cũng lại như thế.

Chúng sanh ở trong Mê, chỗ cần yếu là phải Giác. Nhưng từ xưa vốn không có sự Mê, cái Mê từ vô thủy, chỉ tương tự như Mê. Bởi vì ngay khi Mê cũng chưa từng bỏ mất, nên nói chỉ tựa hồ như Mê. Nay cũng không phải là không có Giác. Từ Mê mà Giác, thì cũng tựa hồ có Giác, vì ngay khi Giác, thì có đắc gì đâu, nên gọi là tợ hồ như Giác. Giác cái Mê, thì Mê diệt, đó là Thủy Giác. Giác cho đến chỗ Thủy Giác và Bổn Giác không khác, thì chỉ là một Diệu Giác. Thế là chẳng trở lại sanh Mê, chỉ tự chẳng Mê, Giác cũng thành vô dụng.

Quốc Sư Huệ Trung hỏi quan Cung Phụng Tử Lân rằng : “Phật là nghĩa gì ?”
Lân đáp : “Là nghĩa Giác.”
Ngài nói : “Phật có từng mê không ?”
Lân đáp : “Chẳng từng mê.”
Ngài nói : “Thế dùng Giác làm gì ?”
Ông Lân không đáp được.

Lại Hòa Thượng Mễ Hồ, khiến nhà sư đến hỏi Tổ Ngưỡng Sơn : “Người đời nay có mượn sự Ngộ không ?”

Tổ Ngưỡng nói : “Ngộ thì chẳng phải là không, ngặt vì sợ lạc vào đệ nhị đầu !” 

Thầy Mễ Hồ rất chịu đó.

Tổ Đầu Tử nêu ra rằng : “Ngưỡng Sơn nói với người thì được, nhưng tự mình có khỏi lạc chăng ? Nếu khỏi được, lại có người nhất định chẳng chịu đấy. Nếu không khỏi được, thì cũng lạc vào đệ nhị đầu. Mễ Hồ tuy là chấp nhận đó, nhưng tự mình lại có đường xuất thân hay không ? Các ông thử xét xem coi ! Nếu xét ra được, thì cả hai người ngói vỡ, băng tan ! Nếu xét không được, hãy chớ gấp gáp !”
Rồi tụng rằng :

“Chót núi cao xanh mượn hỏi người
Chỉ nơi tột núi chữa yên thân
Tuy là khỏi được (tiết) Trùng Dương khiến
Cũng tợ linh miêu chẳng phạm xuân”.

Về sau, Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Đệ nhị đầu : phân Ngộ phá Mê
Mau hãy buông tay bỏ lưới, nôm
Công chưa xong hết, thành trói buộc
Trăng già mặt tuyết sương thu khóc
Chim hàn cây ngọc, gió thê lương
Đem đến Ngưỡng Sơn phân chân giả
Tỳ vết tuyệt không, ngọc trắng trong”.

Tóm lại, chẳng có được gió Xuân thì hoa không nở, đến khi hoa nở lại thổi rụng ! Dầu có Diệu Ngộ, cũng cần mửa bỏ !  

Xem mục lục