Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan thưa : Con thường nghe Phật dạy bốn chúng, do tâm sanh nên thảy thảy pháp sanh, do pháp sanh nên thảy thảy tâm sanh.
Nay con suy nghĩ thì cái thể suy nghĩ ấy thật là tâm tánh của con, hễ hợp với chỗ nào thì tâm tùy theo chỗ đó mà có, chẳng phải ở trong, ở ngoài, hay ở giữa.
Phật bảo A Nan : Nay ông nói, do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, hễ hợp với chỗ nào thì tâm tùy theo chỗ đó mà có. Cái tâm ấy nếu không có tự thể ắt không có chỗ hợp. Nếu không có tự thể mà có thể hợp được thì cũng như giới thứ mười chín nhân nơi trần thứ bảy mà hợp. Nghĩa ấy không đúng.

Nếu tâm có tự thể thì khi ông lấy tay tự gãi trên thân, chỗ tâm ông biết là từ trong thân ra, hay từ ở ngoài vào? Nếu từ trong thân ra thì phải thấy trong thân. Còn nếu từ ngoài vào thì trước phải thấy mặt.
A Nan thưa: Thấy là con mắt, còn tâm thì biết chứ không phải thấy như con mắt. Nói tâm thấy là không đúng nghĩa.

Phật bảo : Nếu mắt thấy được thì khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được không ? Vả lại những người chết vẫn còn mắt, lẽ ra phải thấy được vật. Nếu thấy được vật thì sao gọi là chết ?
A Nan, lại nữa, nếu cái tâm hay biết của ông có tự thể, thì có một thể hay nhiều thể ? Nay nó ở thân ông, thể ấy khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân ?
Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả bốn chi đều cảm biết. Nếu tất cả đều cảm biết thì chẳng có chỗ gãi nhất định. Nếu chỗ gãi mà có thì nghĩa một thể của ông không thành. Nếu có nhiều thể thì thành ra có nhiều người. Vậy cái thể nào là của ông ?

Nếu như ở cùng khắp thì như trước đã nói, không cảm biết được chỗ gãi. Còn nếu như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng thời sờ chân, hễ đầu có biết lẽ ra chân phải không biết. Nhưng hiện nay ông không phải như vậy.
Thế nên phải biết, hễ hợp với chỗ nào thì tâm tùy theo chỗ đó mà có; điều ấy không thể có.

………………………

Ngài A Nan càng dùng thức phân biệt để tìm tâm thì Đức Phật càng triệt tiêu thức phân biệt ấy.

“ Cái thể suy nghĩ hễ hợp với chỗ nào thì tâm tùy theo chỗ đó mà có” . Đức Phật bác bỏ tâm không có tự thể lẫn tâm có tự thể. Tâm không có tự thề và tâm có tự thể vẫn nằm trong phạm trù của thức phân biệt, không thể vượt lên đến Trí căn bản vô phân biệt được.

Tâm không có tự thể và tâm có tự thể đều bị Phật bác bỏ. Với người thật tu, phải thiền định thiền quán lâu ngày mới thấu hiểu điều này. Vì như ở sau sẽ nói, có năm mươi lăm cấp bậc của sự thấu hiểu,

từ Càn huệ địa cho đến Diệu Giác. Còn nếu hiểu bằng ý thức phân biệt thì cái hiểu ấy chỉ là vọng tưởng.

Đoạn đầu này Đức Phật chỉ ra ‘chẳng phải có chẳng phải không’, ‘chẳng phải trong chẳng phải ngoài’. Đoạn sau Đức Phật chỉ ra ‘chẳng phải một chẳng phải nhiều’. Có không, trong ngoài, một nhiều trong thực tại chân tâm, chỉ là hý luận. Biết tất cả đều là hý luận thì tâm mới dừng lại được.

Sự bác bỏ các chỗ trụ chấp của ngài A Nan là để đặt tâm ngài A Nan vào không chỗ trụ, tức là tánh Không.

Cái tâm chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, chẳng phải một chẳng phải nhiều. Chính cái chẳng phải này gạn lọc, cắt bỏ hết những vọng động phân biệt hý luận của tâm thức, trả lại tâm bổn nguyên ‘chẳng phải’ tất cả.

Xem mục lục