Lúc ấy đại Bồ tát Hư Không Tạng ở trong đại hội từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt pháp y ở vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay tôn kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem cái lọng thượng hạng có gắn tràng phan và kết những thứ hoa vàng ngọc tinh hảo mà hiến dâng lên Ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, Bồ tát đại sĩ tu hành chính xác như thế nào về bí mật sâu xa của chư vị Thế tôn? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, hãy nghe cho kyլ hãy khéo suy nghĩ, Như lai sẽ phân tích giải thích cho ông.
Thiện nam tử, chư vị Như lai có ba thân, một là hóa thân, hai là ứng thân, ba là pháp thân. Ba thân như vậy bao quát đầy đủ về vô thượng bồ đề, nhận thức chính xác thì mau chóng siêu thoát sinh tử. Thiện nam tử, Bồ tát nên nhận thức hóa thân như thế nào? Nên nhận thức rằng Như lai quá khứ ở trong vị trí tu hành, vì chúng sinh mà tu tập diệu pháp. Tu tập cho đến vị trí viên mãn. Thì do sức mạnh tu tập mà được sự tự tại lớn lao. Được sự tự tại nên tùy ý muốn của chúng sinh, tùy việc làm của chúng sinh, tùy thế giới của chúng sinh, biết rành tất cả. Rồi không chờ đợi cơ hội, không lỡ mất cơ hội, thích ứng địa phương, thích ứng thì gian, thích ứng việc làm, thích ứng thuyết pháp, mà thị hiện mọi loại thân hình, đó là hóa thân. Thiện nam tử, Bồ tát nên nhận thức ứng thân như thế nào? Nên nhận thức rằng Như lai vì làm cho Bồ tát được sự thông đạt mà nói về chân đế, rằng do thấu triệt sinh tử với niết bàn là nhất thể, do loại trừ sự sợ hãi và sự vui mừng của chúng sinh chấp ngã, do làm căn bản cho vô biên phẩm chất Phật đà, do sức mạnh bản nguyện thích ứng đích thực với như như trí của như như lý, mà hình thành thân thể với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi nét đẹp, sau cổ là vầng sáng tròn, đó là ứng thân. Thiện nam tử, Bồ tát nên nhận thức pháp thân như thế nào? Nên nhận thức rằng do loại trừ phiền não chướng và sở tri chướng, do đầy đủ thiện pháp, mà chỉ có như như lý của như như trí (12) , đó là pháp thân.
Thiện nam tử, hai thân trước là có giả, thân thứ ba mới có thật, làm căn bản cho hai thân trước. Tại sao? Vì tách rời như như lý và như như trí thì chư vị Như lai không có phẩm chất nào cả. Nhưng chư vị Như lai thì tuệ giác toàn hảo, phiền não diệt tận, thủ đắc vị trí Phật đà tối cực thanh tịnh. Thế nên như như lý và như như trí tổng quát tất cả phẩm chất Phật đà.
Thiện nam tử, chư vị Như lai tuyệt đối lợi ích mình người (13) . Lợi ích mình là như như lý. Lợi ích người là như như trí. Như như lý và như như trí làm cho đạt được tự tại trong sự lợi ích mình người, hoàn thành vô biên diệu dụng, do vậy mà phẩm chất Phật đà có vô biên các dạng dị biệt. Thiện nam tử, ví như do vọng tưởng mà nói các loại phiền não, các loại nghiệp dụng, các loại quả báo; cũng y như vậy, do như như lý và như như trí mà nói các pháp Phật đà, các pháp Độc giác, các pháp Thanh văn. Do như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành tất cả Phật pháp, đó là sự thể bậc nhất, bất khả tư nghị. Thiện nam tử, như vẽ đồ dùng trong không gian, đó là sự khó thể nghĩ bàn; do như như lý và như như trí mà hoàn thành phẩm chất Phật đà cũng khó nghĩ bàn như vậy. Tại sao như như lý và như như trí cả hai đều không phân biệt mà lại tự tại hoàn thành sự thể? Điều này ví như Như lai nhập niết bàn, nhưng do nguyện lực tự tại mà thành được đủ mọi sự thể. Như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành mọi sự cũng là như vậy. Thiện nam tử, Bồ tát đại sĩ nhập định vô tâm (14) , nhưng do nguyện lực trước đó mà xuất định vẫn làm mọi sự; như như lý và như như trí không phân biệt mà vẫn tự tại thành sự cũng vậy. Như trời trăng không có phân biệt, nước gương không có phân biệt, ánh sáng không có phân biệt, nhưng cả ba thứ này hợp lại thì có hình ảnh; như như lý và như như trí không phân biệt, nhưng do nguyện lực tự tại mà chúng sinh thấy có ứng thân và hóa thân. Thiện nam tử, rất nhiều nước gương do ánh sáng mà không ảnh (15) hiện ra đủ hình dạng khác nhau, nhưng không gian thì không có hình dạng như vậy. Cũng y như vậy, những người tiếp nhận giáo hóa chính là hình ảnh của pháp thân. Do nguyện lực mà hai thân đủ mọi hình tướng, nhưng pháp thân thì không có hình tướng khác nhau.
Thiện nam tử, do hai thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn hữu dư, do pháp thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn vô dư, vì những gì dư lại đã tuyệt đối diệt tận. Lại do ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn. Hai thân là không trụ niết bàn, còn tách rời pháp thân thì không có Phật thân nào biệt lập, [nên pháp thân cũng là không trụ niết bàn]. Tại sao hai thân không trụ niết bàn, vì hai thân là có giả, sinh diệt như mỗi ý nghĩ, không cố định trụ lại, lại luôn luôn xuất hiện chứ không cố định. Pháp thân thì không như vậy. Nên hai thân thì không trụ niết bàn, còn pháp thân thì vì bất nhị [với hai thân] nên cũng là không trụ niết bàn mà thôi. Do vậy, căn cứ ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn (16) .
Thiện nam tử, phàm phu vì ba tướng mà có ràng buộc, có ngăn cách, rời xa ba thân, không đạt đến ba thân. Ba tướng là gì, một là biến kế, hai là y tha, ba là thành tựu. Ba tướng như vậy mà không thể lý giải [cái nên lý giải], không thể diệt trừ [cái nên diệt trừ], không thể trong sáng [cái nên trong sáng], thế nên không thể đạt đến ba thân. Ba tướng như vậy mà có thể lý giải, có thể diệt trừ, có thể trong sáng, thì toàn hảo ba thân của chư vị Như lai. Thiện nam tử, phàm phu chưa trừ bỏ được ba tâm nên rời xa ba thân, không thể đạt đến. Ba tâm là gì, một là tâm sinh sự, hai làm tâm dựa vào căn bản, ba là tâm căn bản. Do đạo tạm dẹp mà tâm sinh sự diệt tận, do đạo đoạn trừ mà tâm dựa vào căn bản diệt tận, do đạo hơn hết mà tâm căn bản diệt tận. Tâm sinh sự diệt tận thì biến hiện hóa thân, tâm dựa vào căn bản diệt tận thì hình thành ứng thân, tâm căn bản diệt tận thì hiển lộ pháp thân. Do vậy, chư vị Như lai đủ cả ba thân.
Thiện nam tử, nơi thân thứ nhất thì chư vị Như lai đồng nhất công việc, nơi thân thứ hai thì chư vị Như lai đồng nhất ý muốn, nơi thân thứ ba thì chư vị Như lai đồng nhất thể tánh.
Thiện nam tử, thân Phật thứ nhất là tùy ý chúng sinh có lắm dạng nên hiện ra lắm dạng, do vậy mà nói thân này là nhiều. Thân Phật thứ hai thì ý của đệ tử là một tướng nên hiện ra một tướng, do vậy mà nói thân này là một. Thân Phật thứ ba siêu việt tất cả dạng tướng, không phải lĩnh vực dạng tướng, do vậy mà nói thân này là phi nhất phi dị.
Thiện nam tử, thân thứ nhất dựa ứng thân mà biểu hiện, thân thứ hai dựa pháp thân mà biểu hiện, còn thân thứ ba thì có thật, không cần chỗ dựa.
Thiện nam tử, ba thân như vậy có nghĩa nói là thường còn, có nghĩa nói là vô thường. Hóa thân thường chuyển pháp luân, nơi nơi tùy duyên, phương tiện liên tục, không có chấm dứt, nên nói là thường còn; nhưng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ không được biểu hiện, nên nói là vô thường. Ứng thân thì vô thỉ đến nay liên tục bất đoạn, thu giữ được hết thảy phẩm chất đặc hữu của chư vị Như lai, chúng sinh vô tận nên diệu dụng cũng vô tận, nên nói là thường còn; nhưng cũng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ cũng không biểu hiện, nên nói là vô thường. Pháp thân không phải là hữu vi (17) , không có các dạng khác nhau, mà là căn bản, tựa như không gian, nên nói là thường còn. Thiện nam tử, rời như như trí thì không có tuệ giác tối thượng nào nữa, rời như như lý thì không có đối cảnh tối thượng nào nữa. Một mặt là như như của các pháp, một mặt là như như của tuệ giác, hai mặt như như ấy là như như, phi đồng nhất phi dị biệt. Do vậy, pháp thân thì tuệ giác trong sáng, diệt trừ trong sáng, do hai sự trong sáng này mà pháp thân hoàn toàn trong sáng.
Thiện nam tử, phân biệt ba thân thì có 4 sự khác nhau: có hóa thân không phải ứng thân, có ứng thân không phải hóa thân, có hoá thân cũng là ứng thân, có không phải hoá thân cũng không phải ứng thân. Hóa thân không phải ứng thân là thế nào, là chư Như lai nhập niết bàn rồi, do đại nguyện tự tại mà vẫn tùy duyên lợi ích chúng sinh. Ứng thân không phải hóa thân là thế nào, là cái thân được thấy bởi Bồ tát trước mười địa (18) . Hóa thân cũng là ứng thân là thế nào, là cái thân ở nơi niết bàn hữu dư. Không phải hóa thân cũng không phải ứng thân là thế nào, là chính pháp thân. Thiện nam tử, pháp thân như vậy do hai sự vô sở hữu mà hiển lộ. Hai sự vô sở hữu là thế nào, là nơi pháp thân thì ngã chấp pháp chấp (19) toàn là không, phi có phi không, phi một phi khác, phi số lượng phi siêu số lượng, phi sáng suốt phi ngu tối, ấy vậy, như như trí thì không thấy ngã chấp pháp chấp, không thấy phi có phi không, cho đến không thấy phi sáng suốt phi ngu tối. Thế nên phải biết đối cảnh trong sáng với tuệ giác trong sáng là bất khả phân biệt, không phải ở giữa [những khái niệm đối lập lẫn nhau]; làm căn bản cho diệt đế và đạo đế (20) , nên pháp thân đầy tính năng biểu hiện đủ loại sự nghiệp của chư vị Như lai.
Thiện nam tử, thân này (21) thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả, tất cả toàn là dựa vào căn bản [như như lý] (22) và nó thật khó mà nghĩ bàn. Nếu hiểu nghĩa ấy thì biết thân này là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai (23) . Dựa vào thân này thì được cái tâm vị trí mới phát và cái tâm vị trí tu hành đều hiện ra, cái tâm vị trí bất thoái cũng hiện ra, cái tâm vị trí bổ xứ, cái tâm vị trí kim cang, cái tâm vị trí Như lai cũng hiện ra cả, vô lượng vô biên phẩm chất tinh tế của Như lai cũng hiện ra. Thiện nam tử, dựa vào pháp thân mà đại định và đại trí được thực hiện, và do đó mà hóa thân dựa vào đại định với ứng thân dựa vào đại trí cũng được thực hiện. Pháp thân như vậy do tự thể của Nó mà nói là thường và nói là ngã, do đại định của Nó mà nói là lạc, do đại trí của Nó mà nói là tịnh. Do vậy mà Như lai thường trú, tự tại, an lạc, thanh tịnh (24) .
Do đại định mà hết thảy thiền định, định Thủ lăng nghiêm và các định đồng đẳng, hết thảy niệm xứ, đại pháp niệm xứ và những niệm xứ đồng đẳng, đại từ đại bi, hết thảy tổng trì, hết thảy thần thông, hết thảy tự tại, hết thảy bình đẳng, hết thảy các pháp Phật đà như vậy đều được thực hiện. Do đại trí mà mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp bất cọng (25) , hết thảy các pháp bất khả tư nghị như vậy đều được thực hiện. Ví như do ngọc như ý mà vô số các loại ngọc quí đều được xuất hiện, cũng là như vậy, do ngọc đại định và ngọc đại trí mà xuất ra vô số diệu pháp của chư vị Như lai.
Thiện nam tử, pháp thân như vậy, và đại định đại trí của Nó, toàn là siêu việt hết thảy khái niệm (26) , không vướng mắc khái niệm nào hết, không thể phân biệt, phi thường phi đoạn, gọi là trung đạo (27) ; tuy phân biệt mà thể tánh không phân biệt, tuy có ba số (28) mà thể tánh không phải ba số, bất tăng bất giảm, tựa như mộng ảo không có năng chấp với sở chấp; là pháp thể như như, là xứ sở giải thoát, vượt qua lĩnh vực của vua chết, vượt qua luôn sự tối tăm của sinh tử, là chỗ chúng sinh không thể tu hành và đạt đến [bằng khái niệm của mình], là chỗ an trú của chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát.
Thiện nam tử, như người muốn có vàng nên tìm kiếm khắp nơi, và tìm được mỏ vàng. Rồi đập ra, chọn phần nào tinh hơn thì bỏ vào lò mà luyện, nên thành vàng ròng, chế tạo đủ thứ đồ trang sức, đồ trang sức khác nhau mà vàng không biến đổi. Thế nên, thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu giải thoát siêu việt mà tu hành thiện căn thuộc phạm vi thế gian (29) , thì được thấy chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, được thân gần, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, cái gì là thiện? cái gì là ác? cái gì là chính tu hành được thanh tịnh hạnh? Chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, thấy họ hỏi thì nghĩ, thiện nam thiện nữ này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp. Nghĩ vậy nên liền nói cho họ khai ngộ. Họ nghe rồi chính xác ghi nhớ, phát tâm tu hành, được sức mạnh tinh tiến, loại trừ sự chướng ngại vì biếng nhác, diệt mọi tội lỗi, đối với giới pháp họ tách rời sự không tôn trọng, ngưng cả sự háo động và tiếc nuối, nên nhập vào địa thứ nhất. Do tâm của địa thứ nhất này loại trừ sự chướng ngại cho sự lợi ích chúng sinh, nên nhập vào địa thứ hai. Trong địa thứ hai này loại trừ sự chướng ngại cho sự không áp bức quấy rối chúng sinh, nên nhập vào địa thứ ba. Trong địa thứ ba này loại trừ sự chướng ngại cho tâm mềm dịu trong sáng, nên nhập vào địa thứ tư. Trong địa thứ tư này loại trừ sự chướng ngại cho phương tiện khéo léo, nên nhập vào địa thứ năm. Trong địa thứ năm này loại trừ sự chướng ngại vì thấy chân đế tục đế đối lập với nhau, nên nhập vào địa thứ sáu. Trong địa thứ sáu này loại trừ sự chướng ngại vì thấy có hành tướng, nên nhập vào địa thứ bảy. Trong địa thứ bảy này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự diệt, nên nhập vào địa thứ tám. Trong địa thứ tám này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự sinh, nên nhập vào địa thứ chín. Trong địa thứ chín này loại trừ sự chướng ngại cho lục thông, nên nhập vào địa thứ mười. Trong địa thứ mười này loại trừ sự chướng ngại vì ngu muội các pháp sở tri, loại trừ cái tâm căn bản, nên nhập vào Như lai địa. Như lai địa do ba sự trong sáng mà gọi là cực trong sáng. Ba sự ấy là những gì? Một là trong sáng vì loại trừ phiền não, hai là trong sáng vì loại trừ khổ não, ba là trong sáng vì loại trừ tập khí. Như vàng thật chảy ra vì nung luyện, nung luyện rồi thì không còn quặng bẩn nữa, chứng tỏ vàng vốn trong sáng, chứ không phải không có vàng. Như nước dơ mà lọc trong thì không còn cặn bẩn, chứng tỏ nước vốn trong suốt, chứ không phải không có nước. Cũng là như vậy, pháp thân vốn tách rời phiền não, khổ và tập loại trừ rồi thì không còn tập quán thừa lại, chứng tỏ thể tánh pháp thân vốn trong sáng, chứ không phải không có thể tánh. Như không gian bị khói mây bụi mù che đi, trừ cái che ấy rồi thì không gian trong sáng, chứ không phải không có không gian; pháp thân cũng vậy, mọi sự khổ não loại bỏ hết rồi thì nói là trong sáng, không phải không có thể tánh pháp thân. Như có kẻ trong mộng thấy bị trôi theo dòng nước sông lớn, nên vận dụng cả tay chân mà bơi qua, đến được bờ bến bên kia, ấy là do cả thân tâm kẻ ấy không nhác, không lùi. Khi mộng tỉnh thì không còn thấy nước, thấy bờ bên này bờ bên kia, nhưng không phải không có cái tâm: vọng tưởng sinh tử loại bỏ hết rồi thì tuệ giác trong sáng, chứ không phải không có tuệ giác. Ấy vậy, pháp thân thì mọi thứ vọng tưởng không còn phát sinh nên nói là trong sáng, chứ không phải chư vị Như lai không có thật thể.
Lại nữa, thiện nam tử, pháp thân do làm sạch hoặc chướng mà biểu hiện ứng thân, do làm sạch nghiệp chướng mà biểu hiện hóa thân, do làm sạch trí chướng mà pháp thân tự biểu hiện. Ví như do không gian mà phát điện lực, do điện lực mà phát ánh sáng; cũng là như vậy, do pháp thân mà biểu hiện ứng thân, do ứng thân mà biểu hiện hóa thân. Do thể trong sáng mà pháp thân tự biểu hiện, do trí trong sáng mà biểu hiện ứng thân, do định trong sáng mà biểu hiện hóa thân. Ba sự trong sáng như vậy là pháp tánh như như, bất dị như như, nhất vị như như, giải thoát như như, cứu cánh như như, do vậy, chư vị Như lai thì thể tánh không có dị biệt. Thiện nam tử, nếu thiện nam hay thiện nữ nào nói đức Thế tôn là bậc Thầy cao cả của tôi, tin tưởng quyết định như vậy, thì người ấy, từ trong tâm trí sâu xa, thấu hiểu pháp thân Như lai không có dị biệt. Và thiện nam tử, do vậy mà, đối với các pháp, người ấy loại trừ hết cả sự tư duy không chính xác, biết các pháp là phi nhị biên, là vô phân biệt, là thánh giả tu hành. Đối với các pháp, chính xác tu hành sự không có nhị biên như thế nào, thì đối với các chướng cũng loại trừ như vậy; loại trừ các chướng như thế nào thì như như lý và như như trí cũng tối cực trong sáng như vậy; như như lý và như như trí trong sáng như thế nào thì mọi sự tự tại cũng như vậy, bao quát đầy đủ, thành đạt tất cả. Các chướng loại trừ, các chướng lọc sạch, đó là chân tướng của như như lý và như như trí. Thấy như vậy là cái thấy của thánh giả, và thế gọi là thật thấy Như lai, tại sao, vì đó là đúng như sự thật mà thấy như như lý của các pháp. Do vậy, chư vị Như lai thấy biết tất cả chư vị Như lai. Còn chư vị Thanh văn và Độc giác tuy siêu thoát ba cõi, nhưng cầu mà không thể thấy biết như như lý. Thánh giả mà còn không thể thấy biết, huống chi phàm phu thì nghi hoặc, phân biệt thác loạn, nên không thể vượt đến. Khác nào thỏ mà bơi qua biển cả thì bơi không qua được, vì sức lực của thỏ quá kém, phàm phu cũng vậy, họ không thể thông đạt như như lý của các pháp. Nhưng chư vị Như lai thì siêu phân biệt, nên được đại tự tại đối với hết thảy các pháp, được đầy đủ tuệ giác trong sáng và sâu xa, và đó là lĩnh vực của chư vị Như lai, chứ không phải chung cùng với người khác. Do vậy mà biết chư vị Như lai trong vô số kiếp không tiếc tính mạng, làm khổ hạnh khó làm, mới được pháp thân tối thượng, không thể sánh bằng, bất khả tư nghị, vượt quá lĩnh vực ngôn ngữ, vắng lặng nhiệm mầu, rời hết mọi sự sợ hãi (30) .
Ấy vậy, thiện nam tử, thấy biết như như lý của các pháp thì không sinh không già không chết, thọ lượng bất tận, không ngủ nghỉ, không đói khát, tâm thường thiền định, không có loạn động. Đối với Như lai mà tranh luận thì thế là không thể thấy được Như lai. Chư vị Như lai thì nói gì cũng lợi ích, ai nghe cũng giải thoát, và vì nghe pháp mà phước báo bất tận, đến nỗi chim dữ, thú dữ, người dữ, quỉ dữ, tất cả không bao giờ gặp phải. Nhưng chư vị Như lai không có sự vô ký (31) , không sinh tâm muốn biết đối với các pháp [mà vẫn tự nhiên biết hết], không có ý tưởng sinh tử với niết bàn khác nhau. Chư vị Như lai phán quyết gì cũng là chắc chắn. Chư vị Như lai thì tất cả cử động toàn là tuệ giác, tất cả sự việc toàn là từ bi, không có gì không vì lợi ích yên vui chúng sinh. Thiện nam tử, đối với bản kinh Ánh sáng hoàng kim này, thiện nam hay thiện nữ nào nghe, tin, hiểu, thì không sa vào các nẻo địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, tu la, thường sinh trong nhân loại và chư thiên mà không phải những nơi thấp hèn; thì thân gần chư vị Như lai, nghe và tiếp nhận chánh pháp; thì thường sinh thế giới trong sạch của chư vị Như lai: tất cả thành quả này là do nghe được kinh pháp cực kỳ sâu xa này. Thiện nam hay thiện nữ như vậy là được Như lai đã thấy biết và đã ghi nhận sẽ được không thoái chuyển vô thượng bồ đề. Thiện nam hay thiện nữ nào được kinh pháp cực kỳ sâu xa này một khi lướt qua thính giác, thì nên biết người ấy không phỉ báng Phật, không hủy hoại Pháp, không khinh dể Tăng. Ai chưa gieo trồng thiện căn họ làm cho gieo trồng, ai gieo trồng thiện căn rồi họ làm cho tăng trưởng và thành thục. Họ khuyến khích mọi người trong mọi thế giới làm theo sáu pháp ba la mật.
Bấy giờ đại Bồ tát Hư không tạng, Phạn vương, Đế thích, bốn Thiên vương, chư thiên, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi thưa rằng, bạch Ngài, ở đâu mà có giảng diễn bản kinh mầu nhiệm Ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy có bốn cái lợi. Một, quân đội hoàng gia cường thịnh, không có thù địch, vua và dân không bịnh tật, sống lâu dài, an lạc cát tường, hưng hiển Phật pháp. Hai, hoàng gia và quần thần vui đẹp với nhau, rời xa sự dua nịnh, vua cũng trọng nể. Ba, tu sĩ và quốc dân thực tu Phật pháp, không bịnh, yên vui, không ai uổng tử, phụng sự tất cả ruộng phước. Bốn, ngày đêm cơ thể điều hòa, thư thái, chư thiên tăng thêm giữ gìn hộ vệ, tâm lý từ bi, bình đẳng, không có sự thương tổn, tác hại, làm cho ai cũng qui kính Tam bảo, ai cũng nguyện tu tập bồ đề hạnh. Như thế đó là bốn cái lợi. Bạch đức Thế tôn, chúng con cũng thường xuyên vì làm cho kinh pháp này lan rộng nên theo dõi những người thọ trì, họ ở đâu chúng con cũng đem lại lợi ích cho họ. Đức Thế tôn dạy rằng, lành thay các thiện nam tử, các người hãy làm đúng như vậy. Các người hãy nỗ lực phổ biến bản kinh nhiệm mầu và chúa tể này, và thế là làm cho Phật pháp ở đời lâu dài.