26. Lễ Cúng Thính Pháp
Phẩm này mang tên Lễ Cúng Thính Pháp vì ‘lễ cúng’ là các đại Bồ Tát trong mười phương thế giới đều đến thế giới Cực Lạc lễ bái, cúng dường A Di Ðà Phật; ‘thính pháp’ là đức A Di Ðà Phật nghĩ thương những vị đó nên tuyên dương diệu pháp; mười phương Ðại Sĩ hoan hỷ nghe nhận.
Việc Phật A Di Ðà thuyết pháp nói trong phẩm này chính là do đức Thích Tôn kể lại, nhưng bậc đạo sư hai cõi chẳng hai, chẳng khác. Lời đức Thích Ca nói nào khác chính miệng Phật A Di Ðà dạy! Vì thế, nay chúng ta đọc kinh này nào khác với người được đích thân dự pháp hội nghe pháp. Cuối phẩm này, đức Thích Ca lại khen các Ðại Sĩ đến nghe pháp đã tự lợi mình, lợi người, thọ ký họ sẽ thành Phật.
Chánh kinh: Lại này A Nan! Các hàng Bồ Tát trong mười phương thế giới vì muốn chiêm lễ Vô Lượng Thọ Phật của thế giới Cực Lạc nên đều dùng hương, hoa, tràng phan, lọng báu đi qua chỗ Phật cung kính, cúng dường, nghe nhận kinh pháp, diễn nói, lưu truyền đạo hóa, khen ngợi công đức trang nghiêm của cõi Phật. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ tụng rằng:
Giải: ‘Chiêm’ là nhìn hướng lên trên hoặc hướng về phía trước; ở đây có nghĩa là chiêm ngưỡng.
Câu ‘nghe nhận kinh pháp, tuyên nói, lưu truyền đạo hóa’ được sách Hội Sớ giảng như sau: ‘Lắng nghe, thọ trì kinh pháp do đức A Di Ðà nói, tuyên truyền giáo pháp của ngài để làm lợi ích’. Nghĩa là: Mười phương Ðại Sĩ nghe nhận kinh pháp do đức Ðạo Sư cõi Cực Lạc giảng, rồi lại đi đến mười phương lần lượt giảng nói những pháp mà đấng Ðạo Sư đã giảng.
Tiếp đó, kinh bảo: ‘Khen ngợi công đức trang nghiêm của cõi Phật’, đó chính là mười phương Ðại Sĩ khen ngợi cõi Cực Lạc công đức trang nghiêm.
Chánh kinh:
Các cõi Phật phương Ðông,
Số như cát sông Hằng
Hằng sa Bồ Tát chúng
Ðến lễ Vô Lượng Thọ
Nam, Tây, Bắc, bốn góc
Thượng, hạ cũng như vậy
Ðều dùng tâm tôn trọng
Dâng diệu vật cúng Phật
Giải: Trước hết nói phương Ðông, tiếp theo nói về hằng sa thế giới trong các phương khác. Trong mỗi thế giới ấy, đều có Bồ Tát thánh chúng số đông như cát sông Hằng cùng đến cõi Cực Lạc lễ kính Vô Lượng Thọ Phật, cùng dùng tâm thành kính dâng hiến các thứ phẩm vật trân quý, vi diệu, thù thắng như bản Ngụy dịch chép: ‘Mỗi người cầm hoa trời, hương báu, y vô giá’ v.v… Ðó là tài cúng dường. Tiếp theo đây là pháp cúng dường.
Chánh kinh:
Vang trọn tiếng hòa nhã
Ca tụng đấng Vô Thắng
Thấu suốt thần thông huệ,
Du nhập pháp môn sâu
Nghe Phật thánh đức danh
An ổn đắc đại lợi
Trong các thứ cúng dường
Siêng tu không lười mỏi
Quán cõi thù thắng kia
Vi diệu khó nghĩ bàn
Công đức trang nghiêm khắp
Các cõi Phật khó sánh
Nên phát tâm Vô Thượng
Nguyện chóng thành Bồ Ðề
Giải: Bài kệ này ý nói những lời tán thán ca tụng đức Phật Di Dà cùng cõi nước của ngài đều từ lòng chơn thành mà phát xuất nên bảo là ‘vang trọn’. Những tiếng tán thán ấy âm điệu hòa nhã nên bảo là ‘tiếng hòa nhã’. Sách Hội Sớ nói: ‘Ngũ âm hòa hợp, thanh điệu chẳng tà nên bảo là hòa nhã. Ca là ca vịnh, thán là xưng thán’ (trong lời kệ, tạm dịch chữ ‘ca thán’ thành ca tụng).
Chữ ‘đấng Tối Thắng’ chỉ đức A Di Ðà Phật. Do ngài là vua của các đức Phật nên xưng tụng là ‘Tối Thắng’. Những lời tán thán gồm:
a. Tán thán Phật đức: ‘Thấu suốt thần thông huệ’.
‘Suốt’ có nghĩa là rốt ráo, ‘thấu’ là thông đạt, hiểu rõ; ‘thần thông huệ’ là thần thông và trí huệ.
Kinh Lục Ba La Mật bảo: ‘Di Lặc bạch Phật rằng: ‘Thế nào gọi là thần thông và trí huệ?’ Phật dạy:
- Thần thông là dùng thông lực thấy được sắc cực vi, đó là thần thông. Do tịnh pháp nhãn biết được tánh của sắc là không, cũng chẳng chấp lấy thì gọi là trí huệ.
Hơn nữa, nghe được tiếng cực nhỏ của thế gian thì gọi là thần thông. Hiểu được trong các âm thanh chẳng có ngôn thuyết, lìa các thí dụ thì gọi là trí huệ.
Lại nữa, biết được tâm hạnh của hết thảy hữu tình thì gọi là thần thông. Biết rõ các vọng tâm của hữu tình chẳng phải là tâm thì gọi là trí huệ.
Lại nữa, với đời quá khứ đều nghĩ nhớ được thì gọi là thần thông. Hiểu cõi Phật là không thì gọi là trí huệ.
Lại nữa, biết rõ tướng trạng sai biệt của căn tánh thì gọi là thần thông. Hiểu Thắng Nghĩa Không thì gọi là trí huệ.
Biết các pháp thì gọi là thần thông. Biết rõ thế tục như huyễn thì gọi là trí huệ’.
Phật đều hiểu thấu rành rẽ những loại thần thông, trí huệ như trên nên khen ngợi ngài ‘thấu suốt thần thông huệ’.
Ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Các trí huệ thần thông ấy đều do pháp tạo thành’ nên tiếp đó, kinh nói đến ‘du nhập trong pháp môn sâu’.
Trong bản chú giải kinh Duy Ma, ngài Tăng Triệu đã giảng chữ ‘pháp môn’ như sau: ‘Làm khuôn mẫu cho đời là pháp, là nguyên do dẫn dắt thánh chúng thì gọi là môn’. Lời đức Phật dạy là khuôn phép cho thế gian nên gọi là ‘pháp’; pháp ấy là nguyên do dẫn dắt thánh chúng nhập đạo nên gọi là ‘môn’.
Hoa Nghiêm Ðại Sớ viết: ‘[Là cửa ngõ để] nhập vào trong thần thông trí huệ của Như Lai nên gọi là môn’. Sách Hội Sớ bảo: ‘Xuất nhập vô ngại là Du, thấu suốt đến chỗ uyên áo là Nhập’. Tịnh Ảnh Sớ lại giảng: ‘Cùng tột tận cội gốc gọi là Nhập’. Nghĩa là: thấu hiểu rốt ráo đến tận cội nguồn thì gọi là nhập.
Ở đây, các Bồ Tát tán thán A Di Ðà Phật đã cùng tột cội nguồn Thật Tướng của các pháp, xuất nhập vô ngại nên mới nói: ‘Du nhập pháp môn sâu’. Thấu hiểu tột cùng đến tận cội rễ thì rất là sâu xa nên mới bảo là ‘pháp môn sâu’.
b. Khen ngợi công đức của Phật hiệu: ‘Nghe Phật thánh đức danh’.
Trong bổn nguyện của Phật A Di Ðà, mười nguyện kể từ nguyện mười tám đến nguyện hăm bảy và năm nguyện từ nguyện bốn mươi bốn đến nguyện bốn mươi tám đều diễn tả ý tưởng: do nghe danh hiệu Phật nên sẽ vĩnh viễn lìa các ác khổ, trọn được hưởng sự vui rốt ráo; mười phương chúng sanh nghe danh đều được an ổn, được các thứ lợi chơn thật. Do đó kinh nói: ‘An ổn được đại lợi’. Thập phương Ðại Sĩ nghe danh hiệu Phật được hưởng ích lợi, cảm tạ thâm ân, mong muốn đáp đền nên rộng tu cúng dường chẳng hề lười mỏi.
Câu ‘trong các thứ cúng dường’ hàm ý hai thứ tài cúng dường và pháp cúng dường. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói:
‘Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là cao nhất, nghĩa là: tu hành đúng như lời dạy để cúng dường, lợi ích chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thay cho chúng sanh để cúng dường, siêng tu các căn lành để cúng dường, chẳng xả Bồ Tát nghiệp để cúng dường, chẳng rời Bồ Ðề tâm để cúng dường’
Và: ‘Tu hành như thế là cúng dường một cách chơn thật’.
Bồ Tát do nghe danh hiệu Phật nên với những thứ cúng dường như vừa nói trên đều siêng gắng tu trì chẳng hề sanh lòng lười biếng, mệt mỏi. Vì thế kinh nói: ‘Siêng tu không lười mỏi’. Những điều như trên đều là do danh hiệu Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn.
c. Khen ngợi cõi nước Phật:
Trong Cực Lạc thế giới ‘vạn vật nghiêm tịnh, sáng đẹp, hình sắc lạ lùng, đặc biệt, cùng vi cực diệu’. Hình sắc, quang tướng, danh số của muôn vật đều chẳng thể kể nói nổi, cũng chẳng thể biện định rành rẽ nổi. Ðó là vì cõi ấy thù thắng vi diệu, không thể dùng ngôn ngữ, tư duy để lãnh hội nổi. Do đó, kinh nói: ‘Quán cõi thù thắng kia, vi diệu khó nghĩ bàn’.
Các thứ trang nghiêm nhập vào trong một pháp cú tức là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều trang nghiêm bằng công đức của Thật Tướng nên bình đẳng hiện khắp. Vì thế, kinh mới nói: ‘Công đức trang nghiêm khắp’. Cõi nước mầu nhiệm như kinh đã khen: ‘Vượt hẳn hết thảy thế giới trong mười phương’ nên kinh mới nói: ‘Các cõi Phật khó sánh’.
d. Khen ngợi người cảm mộ ân đức báo ân: ‘Nên phát tâm Vô Thượng, nguyện chóng thành Bồ Ðề’.
Mười phương Bồ Tát thấy cõi ấy trang nghiêm thanh tịnh vượt xa mười phương, Phật hiệu công đức phổ độ hết thảy, nên phát đại tâm, nguyện mình khi thành Phật cũng sẽ thành tựu cõi nước giống như vậy như kinh Duy Ma nói: ‘Dùng những sự trang nghiêm của các Tịnh Ðộ để tạo thành cõi Phật của chính mình’. Nguyện mình cũng có thể tế độ đến tột cùng đời vị lai như Phật A Di Ðà.
Chánh kinh:
Lập tức, Vô Lượng Tôn
Kim dung hiện mỉm cười
Quang minh từ miệng tỏa
Chiếu khắp mười phương cõi
Quang trở về nhiễu Phật
Ba vòng nhập vào đảnh
Bồ Tát thấy quang ấy
Liền chứng ngôi Bất Thối
Hết thảy hội chúng ấy
Mừng rỡ sanh hoan hỷ
Giải: Ðoạn kinh văn này diễn tả cảm ứng đạo giao: Như Lai phóng quang gia trì, đại chúng chứng địa vị Bất Thối, đều hoan hỷ lớn lao.
Bản Tống dịch chép: ‘Lúc bấy giờ, đức Phật Vô Lượng Thọ nhằm khai ngộ tâm các Bồ Tát từ phương khác đến nên ngầm dùng thần thông phóng ra đại quang minh. Quang minh ấy từ diện môn tỏa ra’. Như vậy, ‘Vô Lượng Tôn’ chính là Vô Lượng Thọ Phật.
‘Kim dung hiện mỉm cười’ là trên khuôn mặt rạng rỡ như vàng của Phật hiện tướng mỉm cười. Sách Hội Sớ nói:
“Lập tức” là ngay khi Bồ Tát phát nguyện, ‘‘mỉm cười’’ là tướng thọ ký. Như Lai thường trụ tam muội, an tường bất động nên tâm Phật vắng lặng không vui, không buồn. Nếu lúc ngài sắp thọ ký liền hiện tướng mỉm cười.
Lưỡi ngài mỏng, sạch, màu như màu đồng đỏ. Trên lưỡi có năm đường vạch như nét khắc trên ấn. Khi cười, lưỡi khẽ động phóng ra ánh sáng năm màu.
Kinh Ðại Bảo Tích nói: “Pháp thường của chư Phật là nếu thọ ký chúng sanh sẽ bị đọa địa ngục thì quang minh sẽ trở vào chân rồi biến mất… nếu thọ ký Bồ Ðề thì quang minh sẽ nhập vào đảnh đầu rồi biến mất”.
Do cõi kia thuần là Ðại Thừa nên chẳng thọ ký cho thừa nào khác; bởi đó, kinh mới bảo là ‘nhập vào trong đảnh’. Bản Ngụy dịch nói rõ nguyên nhân phóng quang là ‘sẽ thọ ký Bồ Ðề’.
Gia Tường Sớ ghi: ‘Chánh hạnh thọ ký nhằm để thể hiện đã đúng thời cơ nên Phật mỉm cười. Quang minh từ miệng phóng ra lại nhập trở vào đảnh đầu, ngụ ý: Phật sẽ nói lời thọ ký chúng sanh sẽ đắc Pháp Thân chí cực’.
Nghĩa là: nhằm để thọ ký cho đại chúng đúng vào lúc căn cơ của họ đã thuần thục nên Phật hiện tướng mỉm cười. Từ trong miệng phóng ra quang minh chiếu khắp mười phương, quang minh nhiễu quanh thân Phật ba vòng rồi nhập vào trong đảnh Phật. Ðiều này thể hiện chúng sanh được thọ ký Pháp Thân chí cực, tức là Phật thọ ký họ sẽ được Cứu Cánh Quả Giác.
Bản Sớ Giải của ngài Vọng Tây giảng việc quang minh chiếu mười phương rồi nhập vào đảnh Như Lai như sau: ‘Theo kinh Hoa Nghiêm, đây là thọ ký cho Bồ Tát sắp được thành Phật’.
Tiếp đó, kinh bảo đại chúng trong hội do thiện căn thuần thục nên thấy quang minh ấy của Phật ‘liền chứng ngôi Bất Thối’. Bất thối là nói tắt chữ Bất Thối Chuyển, tức là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Vì vậy, hội chúng khi ấy ‘mừng rỡ, sanh hoan hỷ’.
Các vị Bồ Tát trong hội thấy điềm lành ấy biết mình sẽ được thọ ký, hiện chứng Bất Thối nên đều mừng rỡ khoe với nhau, không ai là chẳng hoan hỷ.
Gia Tường Sớ chép: ‘Nhân thiên biết tướng mà hoan hỷ’.
Bản Tống dịch ghi: ‘Lúc bấy giờ, hết thảy các chúng sanh kính trọng, khen ngợi quang minh của Phật là chưa từng có; ai nấy đều phát Bồ Ðề tâm, nguyện thoát khỏi trần lao, đạt lên bờ kia’.
Chánh kinh:
Phật ngữ phạm lôi chấn
Thốt tiếng mầu bát âm:
“Chánh Sĩ mười phương lại
Ta đều biết nguyện họ
Chí cầu cõi nghiêm tịnh
Thọ ký sẽ thành Phật
Hiểu rõ hết thảy pháp
Khác nào mộng, huyễn, vang
Trọn đủ các diệu nguyện
Ắt thành cõi như thế
Biết cõi như hình bóng
Hằng phát tâm hoằng thệ
Rốt ráo đạo Bồ Tát
Ðủ các gốc công đức
Tu thắng Bồ Ðề hạnh
Thọ ký sẽ thành Phật
Thông đạt các pháp tánh
Hết thảy không, vô ngã
Chuyên cầu cõi Phật tịnh
Ắt thành cõi như vậy!”
Giải: Di Ðà phóng quang rồi thuyết pháp nên kinh nói: ‘Phật ngữ phạm lôi chấn’. Ở đây, chữ Phật chỉ đức A Di Ðà.
Âm thanh của Phật thanh tịnh nên gọi là ‘phạm âm’. Tiếng của ngài lại cũng giống như tiếng của Ðại Phạm thiên vương nên gọi là ‘phạm âm’. Ðại Trí Ðộ Luận nói: ‘Giống như năm thứ âm thanh phát ra từ miệng Phạm thiên vương: một là rền xa như tiếng sấm; hai là trong trẻo vang xa, người nghe vui thích; ba là người nghe tâm kính mến; bốn là đúng đắn, rõ ràng dễ hiểu; năm là nghe không chán’.
‘Lôi chấn’ là hình ảnh dùng để thí dụ. Gia Tường Sớ giảng: ‘Sấm sét có khả năng đánh động hữu tình nên dùng sấm sét để ví cho thuyết pháp có khả năng thức tỉnh vô minh’. Tịnh Ảnh Sớ cũng nói: ‘Rền sấm pháp là pháp vô ngại trí hóa độ chúng sanh’. Bản Ðường dịch ghi: ‘Rền sấm đại pháp khai ngộ hết thảy’.
Tổng hợp các cách giải thích trên thì âm thanh thuyết pháp của Phật Di Ðà như tiếng của Phạm thiên vương, diễn thuyết pháp yếu như sấm sét vang rền khai ngộ đại chúng. Ðấy là lời đức Bổn Sư tán thán Di Ðà.
Tiếp đó, kinh nói: ‘Thốt tiếng mầu bát âm’ cũng có nghĩa tương tự. ‘Bát âm’ là tám điều thành tựu nơi giọng nói của Như Lai.
Kinh Phạm Ma Dụ bảo bát âm là: ‘Một là âm thanh tối hảo, âm thanh ấy êm dịu. Hai là tiếng nói dễ hiểu, ngôn từ rõ ràng, khéo léo. Ba là tiếng hòa điệu, dù Ðại thừa hay Tiểu thừa nghe thấy đều ngộ được Trung Ðạo. Bốn là tiếng nhu nhuyễn (Âm thanh ấy nhu nhuyễn, người nghe vui thích, bỏ ý ương ngạnh, tự nhiên thể nhập giới luật, đạo pháp). Năm là lời lẽ chẳng lầm lộn, lời nói không lỗi lầm (ai nghe cũng được chánh kiến, lìa khỏi chín mươi lăm thứ lỗi tà kiến). Sáu là âm thanh chẳng mang tính chất nữ nhân, tiếng ngài hùng hồn, sang sảng (người nghe kính phục, ma và ngoại đạo cùng quy phục). Bảy là tiếng tôn huệ: giọng nói có oai khiến đời tôn trọng, là tiếng nói của bậc có trí huệ (nghe tiếng ngài liền tôn trọng, trí huệ khai hiểu). Tám là âm thanh sâu xa, tiếng Phật vang rất xa ví như tiếng sấm rền (người nghe tiếng đều chứng lý thậm thâm)’.
Theo ngài Gia Tường, bát âm là: ‘Một là vang vọng, hai là thấu triệt, ba là trong trẻo, bốn là mềm mại, năm là êm dịu, sáu là rõ ràng, bảy là điều hòa, tám là nhã’.
‘Thốt’ là nói, diễn nói như kinh Di Ðà chép: ‘Âm thanh ấy diễn nói ngũ căn, ngũ lực’. ‘Tiếng mầu’ (diệu thanh) chỉ âm thanh diệu pháp. Phật Di Ðà dùng tiếng đầy đủ tám điều như thế để thuyết pháp mầu nên kinh nói: ‘Thốt tiếng mầu bát âm’.
Từ câu ‘mười phương Chánh Sĩ lại, ta đều biết nguyện họ’ cho đến câu cuối ‘ắt thành cõi như vậy’ đều là lời đức Bổn Sư Thích Ca thuật lại những pháp âm được diễn xướng bởi Phật A Di Ðà.
‘Chánh Sĩ’ chính là Bồ Tát như trong phần nói về mười sáu vị Chánh Sĩ trong kinh này đã giảng. ‘Ta’ là chữ đức A Di Ðà tự xưng, ý nói: mười phương Bồ Tát đến cõi ngài, ai nấy đều có đại nguyện thù thắng, Phật đều biết rõ cả. Ý nguyện của họ là ‘chí cầu cõi nghiêm tịnh, [được] thọ ký sẽ thành Phật’. Các vị Bồ Tát ấy phát đại nguyện như vậy nên được Phật A Di Ðà khen ngợi. Chúng sanh khởi tâm động niệm Phật đều biết, đều thấy. Hiện giờ, các vị Chánh Sĩ có chí nguyện được giống như Phật Di Ðà, thành tựu Ðại Giác, nhiếp lấy cõi Phật, Phật liền biết ngay. Vì thế, ngài nói ra những pháp tương ứng như sau khiến họ mãn nguyện:
a. ‘Hiểu rõ hết thảy pháp, khác nào mộng, huyễn, vang, trọn vẹn các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế’:
‘Hiểu’ là chứng ngộ, ‘rõ’ là biết rõ.
‘Hết thảy pháp’ là chữ để chỉ chung hết thảy pháp vạn hữu. Ðại Trí Ðộ Luận nói: ‘Nói đại lược, hết thảy pháp gồm ba thứ: một là pháp hữu vi, hai là pháp vô vi, ba là pháp bất khả thuyết. Ba loại này bao gồm hết thảy pháp’.
‘Như mộng, huyễn, vang’ là ví các pháp đều hư vọng chẳng thật như mộng, như huyễn hóa, như tiếng vang vọng lại. Ðại Trí Ðộ Luận nói: ‘Như mộng là như trong giấc mộng chẳng có việc gì thật. Ngỡ là thật, nhưng tỉnh giấc lại biết là không; nên lại cười một mình’.
Luận viết tiếp: ‘Hết thảy các hạnh như huyễn, lừa dối trẻ nít, thuộc vào nhân duyên chẳng tự tại, chẳng tồn tại lâu dài’.
Và: ‘Ở nơi hang hẹp trong núi sâu hoặc ở nơi khe núi sâu thẳm, hay ở trong căn nhà lớn trống rỗng nếu nói ra tiếng hoặc tạo tiếng động thì có tiếng đáp lại. Tiếng ấy gọi là “hưởng” (tiếng vang). Kẻ vô trí nghĩ là thật có người đáp lại, người trí suy nghĩ tiếng này chẳng phải do ai tạo ra, chỉ do tiếng ban đầu sanh ra nên gọi là tiếng vọng. Tiếng vang tuy là không nhưng có thể khiến nhĩ căn bị lầm… Bồ Tát biết các pháp như tiếng vang’.
Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Như mộng là như trong giấc mộng, tuy có thấy các sự nhưng rốt ráo chẳng thể được. Các pháp cũng lại giống như thế. Như huyễn là hóa hiện như huyễn, tuy tựa như thật có hiện ra, nhưng thể của nó vốn là tịch diệt, các pháp cũng giống như thế. Như hưởng là như tiếng vang nơi hang trống, tuy do âm thanh mà phát khởi nhưng chẳng có tự tánh. Các pháp cũng lại giống như thế’.
Tiếp đó, lời kệ nêu lên nguyện thù thắng.
Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘Bài kệ này nêu lên trí nguyện của các vị Bồ Tát, thọ ký họ ắt sẽ chứng đắc cõi nước. “Hiểu rõ hết thảy pháp như mộng, huyễn, tiếng vang” là nói về trí. “Trọn vẹn các nguyện” là nói đến nguyện. “Thành tựu cõi như vậy” là thọ ký sẽ được cõi nước’.
Ý ngài nói: Biết rõ hết thảy đều như mộng huyễn là nói về trí huệ. Trọn đủ các nguyện nhiệm mầu là nói về đại nguyện. Chẳng những chỉ khởi lên các nguyện nhiệm mầu mà còn có thể tu tập, nhiếp thủ, viên mãn trọn vẹn các nguyện, đủ chứng tỏ nguyện ấy chơn thành, thiết tha. Do hai điều ấy làm nhân nên được thọ ký rằng: ‘Ắt thành cõi như thế’. Cõi nước thành tựu chính là quả của trí và nguyện.
Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Tuy trải qua kiếp số như vi trần nhưng vẫn như trong một niệm. Tuy ở trong sanh tử nhưng vẫn như dạo trong vườn, đài, thành tựu điều đó nên diệu nguyện được trọn vẹn, kiến lập cõi mầu nhiệm’.
Ý nói: từ trí mãn nguyện, từ nguyện kiến lập cõi nước. Do trí huệ nên coi sanh tử như vườn, đài, nhiều kiếp chỉ như một niệm. Hiểu rõ thành tựu điều đó nên diệu quả tự nhiên viên mãn.
Hai bản sớ tuy hơi khác nhau chút ít, nhưng xem ra cách giải thích của ngài Tịnh Ảnh gần với ý kinh hơn vì: rõ thấu các pháp là không bèn nguyện nhiếp lấy Tịnh Ðộ thì mới chẳng rớt vào nhị biên, khế hợp khéo léo với Trung Ðạo. Ðấy chính là tông chỉ của Tịnh tông như kinh Duy Ma nói: ‘Tuy biết các cõi Phật và chúng sanh là không mà thường tu Tịnh Ðộ, giáo hóa quần sanh’. Ðấy đều là sự lý vô ngại trong Viên tông, là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.
Hai bài kệ tiếp theo đây cũng cùng nói lên ý chỉ ấy.
b. ‘Biết cõi nước như hình bóng, luôn phát tâm hoằng thệ, rốt ráo Bồ Tát đạo, đầy đủ các cội đức, tu hạnh Bồ Ðề thù thắng, thọ ký sẽ thành Phật’.
‘Như hình bóng’ là giống như bóng dáng của các vật, bóng dáng tuy sanh từ thật thể nhưng không có thật tánh. Kinh Kim Cang dạy: ‘Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng’.
Bài kệ trong đoạn này ý nói:
- Biết rõ các cõi Phật cũng giống như hình bóng. Trí huệ như thế thật là rất sâu xa. Bậc Chánh Sĩ hiểu sâu xa cõi Phật cũng vốn là không nhưng ‘luôn phát tâm hoằng thệ’. ‘Hoằng thệ’ là thệ nguyện sâu rộng.
- Lại từ nguyện khởi hạnh nên bảo ‘rốt ráo Bồ Tát đạo’. ‘Rốt ráo’ là chí cực, là quyết định đạt đến chỗ chung cục, tột cùng nhất. ‘Bồ Tát đạo’ là đại hạnh để viên mãn hạnh lợi mình, lợi người, thành tựu Phật quả (tức là lục độ), còn gọi là Bồ Tát hạnh.
- Các vị Chánh Sĩ như thế trí lẫn nguyện đều đầy đủ, hạnh lẫn giải đều ưu việt nên đều đầy đủ ‘các cội công đức’. Chữ ‘các cội công đức’ chỉ cội nguồn của các công đức. Sách Thắng Man Kinh Bảo Quật nói: ‘Ðức nghĩa là đắc, tức là đức là cái đạt được do công năng tu hành. Vì vậy, gọi là công đức’.
‘Cội’ là nguồn cội. Cội nguồn ấy chính là Phật tánh chúng sanh vốn sẵn có, kinh Viên Giác gọi là: ‘Bổn nguyên thanh tịnh đại viên kính’ nghĩa là cội nguồn thanh tịnh như tấm gương sáng lớn.
Trong lời tựa sách Viên Giác Lược Sớ, ông Bùi Hưu đã viết: ‘Là cội nguồn của chúng sanh nên gọi là Tâm Ðịa’. ‘Bổn’ lại có nghĩa là cái gốc căn bản nhất, lý thể của pháp tánh chính là căn bản tột cùng của các pháp nên gọi là cái gốc căn bản nhất. Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa nói: ‘Bổn cực Pháp Thân vi diệu thậm thâm’. Như vậy, ‘bổn’ ở đây chính là ‘bổn tâm’ của chúng sanh, là thật tế lý thể, cũng tức là Chơn Như Thật Tướng.
‘Ðủ các cội công đức’ là cùng tận cội nguồn, an trụ trong Pháp Thân, nhập vào Thật Tướng của các pháp.
‘Bồ Ðề’ là như An Lạc Tập giảng: ‘Bồ Ðề chính là tên gọi khác của Vô Thượng Phật Ðạo’.
‘Tu thắng Bồ Ðề hạnh’ là tu tập hạnh Vô Thượng Phật Ðạo thù thắng. Câu này tiếp nối ý câu trên, tức là nói về Căn Bản Trí và Sai Biệt Trí. Từ đại trí của Văn Thù khởi ra đại hạnh của Phổ Hiền, mà tánh đức của Phổ Hiền Ðại Sĩ là dẫn dắt quy hướng Cực Lạc.
‘Thọ ký’ là lời Phật tiên đoán tương lai ắt sẽ được thành Phật. Do có đủ trí huệ, thệ nguyện và các diệu hạnh như trên đã nói nên ắt được Phật thọ ký sẽ viên mãn Phật quả. Vì thế, kinh nói: ‘Thọ ký sẽ thành Phật’.
Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Ý kệ nói: với trí hạnh đó, họ ắt sẽ thành Phật’.
Trong bài kệ này của Phật Di Ðà, hai câu đầu tiên nói đến trí và nguyện, ba câu kế tiếp là tu hạnh thù thắng, câu cuối cùng là thọ ký thành Phật. Ðấy chính là cảm được diệu quả.
c. ‘Thông đạt các pháp tánh, hết thảy không, vô ngã’.
Sách Hội Sớ giảng bài kệ này như sau:’Hết thảy hữu tình, phi tình, phàm, thánh, tịnh, uế được gọi là các pháp. Tánh có nghĩa là chẳng đổi, là lý thể của các pháp (Lý thể sẵn có của các pháp, vĩnh viễn chẳng biến cải, đó chính là lý thể thật tế). Nhân duyên hợp thành, giả gọi là các pháp (nhân duyên hòa hợp nên hiện ra các pháp, thật ra đều là hư vọng, chỉ là giả danh mà thôi). Tự tánh tịch diệt, thể bất khả đắc nên bảo là không, vô ngã’.
Ngã gồm có hai thứ:
* Một là nhân ngã: Phàm phu chẳng hiểu rằng ngũ ấm hòa hợp giả hiện có ngã nên lầm nhận thật có con người tự chủ tự tại, thường làm chủ tể được cái thân mình. Ðó là Nhân Ngã. Nếu hiểu rõ đấy chỉ là năm uẩn hòa hợp, thật chẳng có tự thể thì đó là Nhân Vô Ngã. Ðây chính là cách tu hành của Tiểu thừa: đoạn phiền não để đắc Niết Bàn.
* Hai là pháp ngã: cố chấp các pháp thật có tự thể, thật có công dụng thì gọi là Pháp Ngã. Nếu hiểu rõ các pháp chỉ từ nhân duyên sanh, thật chẳng có tự thể thì gọi là ‘Pháp Vô Ngã’.
Tiểu Thừa chỉ ngộ nhập được nhân vô ngã, Bồ Tát ngộ được cả nhân lẫn pháp vô ngã.
‘Không’ đồng nghĩa với ‘vô ngã’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 1 nói: ‘Không và Vô Ngã chỉ là tên gọi khác nhau như mắt còn gọi là nhãn’. Ý nói: Mắt và nhãn tuy là hai danh từ, nhưng thật ra chỉ nói lên cùng một nghĩa; ‘không’ và ‘vô ngã’ cũng giống như thế.
Tiếp đó, kệ nói: ‘Chuyên cầu tịnh cõi Phật, ắt thành cõi như thế’.
Sách Hội Sớ bảo: ‘Chuyên cầu là thệ nguyện như bốn mươi tám nguyện vậy. Chữ “cõi như thế” chỉ cõi Cực Lạc’.
Ý kệ khuyên nên mong cầu [cõi giống như cõi Cực Lạc]. Ngài Tịnh Ảnh cho rằng bài kệ này có ý nói:
‘Với trí huệ như thế ắt sẽ được thọ ký đạt được cõi nước. Thông đạt tánh pháp tánh hết thảy là không, vô thường là nói về trí. Trong phần trước, nói “hiểu hết thảy như huyễn, mộng, tiếng vang” là nói đến Thế Ðế Trí; còn ở đây hiểu các pháp tánh: hết thảy là không, vô ngã thì chính là Chơn Ðế Trí. “Chuyên cầu Tịnh Ðộ” là nguyện. “Ắt thành cõi như thế” là thọ ký sẽ được cõi nước’. Nghĩa là: bởi họ trí nguyện như vậy nên Phật thọ ký họ sẽ đắc cõi nước nghiêm tịnh.
Ngài Vọng Tây lại giải thích như sau: ‘Nhị trí (Chơn Ðế Trí và Tục Ðế Trí) tuy khác nhau, nhưng tánh đều là không. Tuy biết tánh là không nhưng nguyện đắc Tịnh Ðộ’.
Ngài còn nói: ‘Phật pháp chẳng vướng vào có, chẳng vướng vào không, cũng chẳng vướng vào vừa có vừa không, cũng chẳng chấp vào chẳng phải có chẳng phải không, cũng chẳng chấp trước vào chẳng chấp trước’.
Nói gọn là: Chẳng trụ vào nhị biên, xa lìa tứ cú, khế hợp nhiệm mầu với Trung Ðạo, bình đẳng nhất tướng.
Kinh Kim Cang dạy: ‘Không ngã, không nhân, không chúng sanh, không có thọ giả, tu hết thảy thiện pháp liền đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’.
Vì vậy, mười phương Chánh Sĩ hiểu sâu xa rằng pháp là không, chuyên cầu Tịnh Ðộ thì chính là lìa khỏi bốn tướng (nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả) tu hết thảy pháp lành nên ‘ắt thành cõi như thế’.
Sách Hội Sớ lại nói: ‘Sở dĩ Bồ Tát tuy hiểu thấu suốt ba không, trí chẳng chấp trước, nhưng đại bi hun đúc tâm ngài nên phát nguyện nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy nghiêm tịnh cõi Phật nhưng thường tịch tĩnh. Ðấy chính là một pháp cú (chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân) mà lại đủ 29 thứ (Vãng Sanh Luận nói đến hăm chín thứ trang nghiêm của cõi Cực Lạc). Hăm chín thứ lại thể hiện ý nghĩa của một thanh tịnh cú’.
Lời sớ giải này thật tinh diệu vì hết thảy các pháp không pháp nào chẳng do một pháp giới biến hiện ra, cũng không một pháp lại chẳng quy về một pháp giới này. Một pháp giới chính là một pháp cú.
Ðức Thích Tôn trần thuật xong lời hiểu dụ từ bi đối với mười phương Chánh Sĩ của Phật Di Ðà xong, ngài liền tiếp tục khai thị cho mọi người trong pháp hội cõi này:
Những người ‘nghe pháp vui mừng nhận lấy, thực hành’ chính là mười phương Chánh Sĩ. Thập phương chư Phật khuyên răn các vị Chánh Sĩ trong nước mình nên kính lễ A Di Ðà Phật. Các vị Chánh Sĩ ấy tuân lời Phật dạy đi đến thế giới Cực Lạc, được thấy Vô Lượng Thọ Phật, nghe giảng diệu pháp. Nghe xong nếu tin ưa nhận lãnh, thực hành, một lòng mong cầu cõi tịnh thì đều được thọ ký: sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hội Sớ viết: “Nghe pháp mừng, nhận, hành” là nghe A Di Ðà Phật thuyết pháp liền vui mừng, thọ trì, phụng hành’.
Chánh kinh:
Nghe pháp mừng, nhận, hành,
Ðạt đến chỗ thanh tịnh,
Ðều được Vô Lượng Tôn
Thọ ký thành Ðẳng Giác.
Giải: Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Tự trong tương lai sẽ được cõi tịnh mầu nhiệm nên bảo là “đạt chỗ thanh tịnh”.
Sách Hội Sớ cũng nói: ‘Chỗ thanh tịnh chính là Tịnh Ðộ, ý nghĩa tương tự như câu “ắt thành cõi như thế” trong phần trên’.
Cả hai lời sớ giải đều nêu cùng một ý chỉ: kiến lập cõi tịnh chính là ‘được đạt đến chỗ thanh tịnh’.
Nhưng nếu luận theo pháp môn Tâm Ðịa, ta còn có thể hiểu ‘chỗ thanh tịnh’ ở một mức cao hơn: đó chính là diệu tâm vốn tịnh. Nếu như nghe pháp rồi tin nhận, tương ưng nhất niệm, thấu triệt tột cùng nguồn tâm, rạng ngời Ðại Giác vốn sẵn thanh tịnh, khế hợp ngay với Pháp Thân thì đó cũng chính là ‘đạt đến chỗ thanh tịnh’. Thậm chí ‘dùng tâm thanh tịnh hướng đến Vô Lượng Thọ’. Nhất niệm tịnh tín, nhất niệm tịnh tâm thì trong khoảng sát na sẽ khế hợp ‘chỗ thanh tịnh’.
Ở mức độ thấp hơn thì chí thành niệm Phật, không một mảy băn khoăn, ngờ vực, tịnh niệm tiếp nối không hề gián đoạn, thầm hợp diệu đạo, niệm mà ly niệm thì cũng đáng gọi là ‘đạt đến chỗ thanh tịnh’.
Những người như vậy cũng đều sẽ được Phật Vô Lượng Thọ thọ ký: tương lai ắt sẽ thành Phật. Ngài sẽ gia bị một cách hiển nhiên hoặc thầm gia hộ; đó là do trí huệ, nguyện hạnh, thiện căn, phước đức mỗi người đều sai khác.
Chánh kinh:
Cõi vô biên thù thắng
Do Phật bổn nguyện lực
Nghe danh muốn vãng sanh
Tự đạt bất thối chuyển
Bồ Tát khởi chí nguyện
Nguyện nước mình chẳng khác
Phổ niệm độ hết thảy
Ðều phát Bồ Ðề tâm
Bỏ thân luân hồi ấy
Ðều được lên bờ kia
Giải: Cõi nước Cực Lạc thù thắng vượt trỗi, vi diệu, chẳng có ranh giới, chẳng có lượng số, chẳng thể diễn tả nổi nên bảo là ‘cõi vô biên thù thắng’.
Cõi nước báu ấy vượt trỗi mười phương chính là nhờ vào bổn nguyện lực thù thắng của Phật Di Ðà nên nói: ‘Do Phật bổn nguyện lực’.
Do lời nguyện thứ mười bảy ‘chư Phật khen ngợi’ nên mười phương chúng sanh được nghe danh hiệu ngài, lại do các nguyện nghe danh phát tâm, nghe danh được phước, nghe danh đắc nhẫn v.v… hỗ trợ nên họ đều tín nguyện trì danh, được sanh cõi Cực Lạc, chứng ngôi vị bất thối. Vì thế kinh nói: ‘Nghe danh muốn vãng sanh, tự đạt bất thối chuyển’. Ðấy chính là lời nguyện mười tám: ‘Nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta mười niệm ắt được vãng sanh’.
Câu ‘Bồ Tát khởi chí nguyện’ ý nói các Bồ Tát đã được vãng sanh, đều cảm mộ ân sâu của Phật nên đều phát đại nguyện; cho nên kinh mới nói là: ‘Khởi chí nguyện’. Sách Hội Sớ nói: ‘Chí nguyện là những nguyện nhiếp lấy cõi nước, nhiếp thọ chúng sanh, nhiếp Pháp Thân. Những nguyện ấy vốn khó nghĩ tưởng đến mức cùng cực, Bồ Tát nguyện cũng đạt được những nguyện như vậy’.
Vì thế, họ nguyện cũng nhiếp lấy cõi Phật giống như cõi Cực Lạc để độ vô biên chúng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Ðà Phật, cùng sanh Tịnh Ðộ, chóng chứng bất thối, chứng Phật Pháp Thân. Ðó là hạnh lợi tha của Bồ Tát, cho nên mới nguyện ‘nguyện cõi mình chẳng khác’. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Nguyện mình sẽ đạt cõi nước giống như cõi của Phật A Di Ðà, nên nói “cõi chẳng khác”.
‘Phổ niệm’ là bình đẳng đại bi, nguyện độ khắp hết thảy chúng sanh: ai nấy đều phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Ðề, nguyện chán bỏ thân luân hồi nghiệp chướng, cùng vượt lên bờ kia Cực Lạc.
Chánh kinh:
Phụng sự vạn ức Phật
Phi, hóa khắp các cõi
Cung kính hoan hỷ đi
Trở về nước An Lạc
Giải: Lần lượt độ thoát như thế nên có vô lượng vô biên Bồ Tát được vãng sanh, an trụ trong cõi Cực Lạc. Họ lại có thể đến khắp mười phương cúng dường Như Lai, nghe pháp.
‘Phi hóa’ là bay đi, du hành bằng cách biến hóa. ‘Hóa’ có nghĩa là sự biến hóa thần diệu khó nghĩ tưởng nổi. ‘Nước An Lạc’ chính là cõi Cực Lạc.
Bài kệ này ngụ ý: trong cõi Cực Lạc, mười phương Chánh Sĩ đã vãng sanh và các vị Bồ Tát được các ngài lần lượt độ thoát đều thờ kính, hầu hạ khắp các chư Phật, cung kính, lễ bái, thân cận, hoan hỷ, nghe pháp, rồi lại cung kính hoan hỷ trở về cõi Cực Lạc.