Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

25. Chánh nhân vãng sanh:

 Trong phẩm trước, kinh chú trọng phẩm vị sau khi vãng sanh chứ chưa bàn chi tiết về những nhân hạnh để được vãng sanh. Vì vậy, phẩm này lại bàn rộng thêm về chánh nhân vãng sanh và được đặt tên là ‘Chánh nhân vãng sanh’. Hai phẩm này cùng tạo thành cái cốt lõi của kinh, hỗ trợ lẫn nhau: Phẩm trên tuy chỉ nói đến sở hạnh của ba bậc vãng sanh, nhưng đó cũng là một phần của chánh nhân vãng sanh. Ba bậc vãng sanh chính là quả của những chánh nhân sẽ được nói đến trong phẩm này.

Ða số các chánh nhân được nói trong phẩm này đều giống với các Tịnh nghiệp được dạy trong Quán kinh. Quán kinh dạy:

‘[Muốn] sanh về nước ấy thì nên tu ba phước:

q. Một là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp.

b. Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi.

c. Ba là phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, siêng năng tinh tấn tu hành. Ba sự ấy gọi là Tịnh nghiệp.

Phật bảo Vy Ðề Hy:

- Người biết hay chăng? Ba thứ nghiệp ấy chính là chánh nhân tịnh nghiệp của quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật’.

Kinh còn dạy: ‘Lại có ba hạng chúng sanh sẽ được vãng sanh. Những gì là ba?

- Một là từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh.

- Hai là đọc tụng kinh điển Phương Ðẳng Ðại Thừa.

- Ba là tu hành sáu niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh cõi ấy.

Ðầy đủ các công đức đó trong một ngày cho đến bảy ngày thì được vãng sanh’.

So với nội dung phẩm này, Quán kinh dạy nhiều điểm thật giống hệt.

Chánh kinh: Lại này A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh điển này, thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường liên tục ngày đêm, cầu sanh cõi kia, phát Bồ Ðề tâm, trì các cấm giới, giữ kiên cố chẳng phạm, lợi lạc hữu tình, các thiện căn đã làm đều đem thí cho [hữu tình] khiến họ được an lạc, ức niệm Phật A Di Ðà ở phương Tây và cõi nước kia thì người ấy lúc mạng chung sẽ đắc sắc tướng như Phật, các thứ trang nghiêm, sanh trong cõi báu, chóng được nghe pháp, vĩnh viễn chẳng thối chuyển.

Giải: Ðoạn văn mở đầu phẩm này nói về chánh nhân thứ nhất: phát tâm niệm Phật và thọ trì kinh, giới, làm lợi mình lẫn người thì được vãng sanh (trọn đoạn văn trên trích từ bản Tống dịch).

Chánh nhân thứ nhất gồm có sáu điều: thọ trì kinh này, cầu sanh Tịnh Ðộ, phát tâm Bồ Ðề, nghiêm trì các giới, lợi lạc hữu tình, nhớ Phật niệm Phật.

a. Quán kinh nói: ‘Ðọc tụng Ðại thừa’, Quán Kinh Ước Luận bảo: ‘Chẳng đọc Ðại Thừa chẳng hiểu nổi tâm Phật. Chẳng hiểu Phật tâm thì chẳng khế hợp Phật trí. Chẳng khế hợp Phật trí thì dù có sanh cõi kia cũng chẳng thấy được Phật’.

Trong kinh đây, ngay đầu phẩm này đã dạy: ‘Nghe kinh điển này thọ trì, đọc tụng’. ‘Kinh điển này’ chính là kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác. Kinh này chính là kinh Tịnh Ðộ bậc nhất mà cũng chính là Trung Bổn Hoa Nghiêm. Kinh này cũng chính là kinh đức Thế Tôn riêng lưu lại tồn tại một trăm năm nữa vào lúc kinh đạo diệt tận trong thời tương lai để làm phương tiện cứu vớt chúng sanh đời mạt.

Chữ ‘kinh điển này’ cũng chỉ tất cả các bản dịch Hán, Ðường, Ngô, Ngụy, Tống của kinh Vô Lượng Thọ lẫn các hội bản, tiết bản của các ông Vương Nhật Hưu, Bành Tế Thanh, Ngụy Thừa Quán. Chỉ cần thọ trì nổi các bản ấy thì đều là chánh nhân; nhưng riêng hội bản này được xưng tụng là bản hoàn thiện nhất nên trì tụng bản này công đức càng thù thắng hơn nữa. Chữ ‘Ngày đêm liên tục’ biểu thị sự dũng mãnh, tinh tấn, chẳng hề gián đoạn.

b. ‘Cầu sanh cõi kia’: Ðem các công đức thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường hồi hướng Tịnh Ðộ.

c. ‘Phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm’: Ðây là tông của cả bộ kinh này, là khuôn phép chánh của ba bậc vãng sanh nên được nhắc lại trong phẩm này.

d. ‘Trì các cấm giới, giữ kiên cố chẳng phạm’: Ðây chính là như Quán kinh dạy ‘đủ các giới hạnh’ hoặc ‘đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’. Ðó là vì không có giới hạnh thì khác nào đồ đựng bị lủng, dẫu siêng niệm Phật cũng khó bề viên mãn.

e. ‘Lợi lạc hữu tình’ là hạnh lợi tha của Bồ Tát như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có dạy: ‘Bồ Tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh thì là tùy thuận chư Phật. Nếu tôn trọng, thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng, thừa sự Như Lai’. Vì vậy, hành nhân Tịnh nghiệp nên rộng hành hạnh lợi lạc chúng sanh. ‘Các thiện căn đã làm đều đem thí cho [hữu tình]’ nghĩa là: hết thảy công đức và thiện căn tự mình đã làm đều đem thí cho hết thảy chúng sanh. Hết thảy tội khổ của chúng sanh ta đều chịu thay.

f. Nhớ Phật, niệm Phật: ‘Ức niệm đức A Di Ðà Phật ở phương Tây và cõi nước kia’. Diệu hạnh niệm Phật là vua của các điều thiện, là mầu nhiệm nhất trong các sự mầu nhiệm. Trong các chánh nhân, phát tâm niệm Phật thật là điều quan trọng hàng đầu.

Những điều trên là nhân, tiếp đây sẽ nói về quả. Nhân quả phụ thuộc vào nhau như bóng theo hình: ‘Người ấy lúc lâm chung, được sắc tướng như Phật’. Người ấy giống như Phật, [nghĩa là] thân sắc vàng ròng, đủ băm hai tướng, lại đầy đủ các thứ công đức trang nghiêm như Phật. ‘Sanh trong cõi báu, chóng được nghe pháp’: người ấy mạng chung rồi sắc tướng giống như Phật, lại chóng được nghe pháp.

Chánh kinh: Lại này A Nan! Nếu có chúng sanh muốn sanh cõi ấy nhưng chẳng thể đại tinh tấn thiền định, giữ trọn kinh giới thì phải nên làm lành, nghĩa là: một là chẳng sát sanh, hai là chẳng trộm cắp, ba là chẳng dâm dục, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng nói thêu dệt, sáu là chẳng ác khẩu, bảy là chẳng nói đôi chiều, tám là chẳng tham, chín là chẳng sân, mười là chẳng si.

Ngày đêm tư duy như sau: các thứ công đức, các thứ trang nghiêm của Cực Lạc thế giới và của A Di Ðà Phật, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Người ấy lâm chung chẳng kinh, chẳng sợ, tâm chẳng điên đảo liền được vãng sanh cõi nước Phật kia.

Giải: Ðây là chánh nhân thứ hai. Trong loại chánh nhân này có ba điều: tu hành thập thiện; ngày đêm niệm Phật; chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường.

a. Tu hành Thập Thiện: Theo sách Pháp Giới Thứ Ðệ, Thập Thiện là để dứt ác. Dứt những điều ác như trên thì chẳng não loạn người khác. Nay ta thực hành điều thiện để lợi lạc hết thảy.

a.1. Chẳng sát sanh: dứt ác hạnh sát sanh khi trước, phải nên thực hành điều lành phóng sanh.

a.2. Chẳng trộm cắp: dứt ác hạnh trộm cắp tài vật của người, nên hành điều lành bố thí.

a.3. Chẳng dâm dục (chẳng tà dâm): Dứt ác hạnh hành dâm với người chẳng phải là thê, thiếp của mình, nên hành điều lành cung kính.

a.4. Chẳng nói dối: dứt ác hạnh dối gạt người, nên hành điều lành nói lời chơn thật.

a.5. Chẳng nói thêu dệt: dứt ác hạnh nói lời ác thêu dệt điên đảo lý lẽ, nên hành hạnh lành nói lời có nghĩa lợi ích người khác.

a.6. Chẳng ác khẩu: dứt ác hạnh nói năng ác nghiệt hại người, nên hành điều lành nói năng mềm mỏng.

a.7. Chẳng nói đôi chiều: dứt ác hạnh nói xúc xiểm, khuấy rối cả hai bên, nên hành hạnh lành: nói lời hòa hợp.

a.8. Chẳng tham: Ðối với các ác hạnh chẳng chán nhàm vừa kể trên nên hành hạnh lành bất tịnh quán, quán cả sáu trần đều là lừa dối, chẳng sạch.

a.9. Chẳng sân: Dứt những ác hạnh sân nộ trước đây, nên hành hạnh lành từ bi, nhẫn nhục.

a.10. Chẳng si (chẳng tà kiến): dứt các hạnh bác không nhân quả, tà tâm, nói bậy, nên hành hạnh lành chánh tín, tâm quay về chánh đạo, sanh tâm lành trí huệ.

Mười thứ thiện kể trên đều là hạnh lành thế gian. Báo Ân Luận bảo: ‘Hễ là thiện hạnh đều có thể vãng sanh; nhưng cần phải thường niệm Phật hồi hướng thì chuyển được việc lành thế gian thành cái nhân Tịnh Ðộ. Vì vậy, Phật giảng các kinh đều nói kèm thêm hạnh lành thế gian; nhưng riêng với mười điều thiện này Phật giảng riêng một kinh (kinh Thập Thiện Giới). Tịnh ba nghiệp nơi thân, bốn nghiệp nơi miệng, ba nghiệp nơi ý chính là căn bản của việc tu trì vậy’.

b. Ngày đêm niệm Phật: Kinh nói: ‘Ngày đêm tư duy các thứ công đức, các thứ trang nghiêm của Cực Lạc thế giới và của Phật A Di Ðà’.

Trong Vãng Sanh Luận, Thiên Thân Bồ Tát đã lập ra ngũ niệm môn: Lễ Bái môn, Tán Thán môn, Tác Nguyện môn, Quán Sát môn, và Hồi Hướng môn. Luận viết: ‘Thế nào là tán thán? Khẩu nghiệp tán thán xưng danh đức Như Lai kia’.

Và: ‘Quán sát có ba thứ, những gì là ba? Một là quán sát công đức trang nghiêm của cõi nước Phật ấy; hai là quán sát công đức trang nghiêm của Phật A Di Ðà; ba là quán sát công đức trang nghiêm của các Bồ Tát trong cõi ấy’.

Ðiều được nói trong kinh này chính là môn thứ tư: Quán Sát môn. Nếu kèm cả miệng niệm thì gồm cả môn thứ hai là Tán Thán môn. Quán sát hoặc tán thán như thế liên tục ngày đêm nên kinh nói: ‘Ngày đêm tư duy’.

c. ‘Chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường’ là môn thứ nhất: Lễ Bái môn. Luận viết: ‘Thế nào là lễ bái? Thân nghiệp lễ bái A Di Ðà Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, ý mong sanh về cõi kia’.

‘Quy y’ chính là quy mạng, Vãng Sanh Luận nói: ‘Nên biết rằng quy mạng chính là lễ bái, nhưng lễ bái chỉ là cung kính, chứ chưa ắt là quy mạng. Quy mạng tất nhiên là lễ bái. Nếu suy như vậy thì quy mạng đáng trọng hơn’. Nay kinh dạy quy y đảnh lễ, lại khuyên chí tâm và kiêm cả cúng dường thì thật đã thể hiện lòng thành tinh chuyên rất mực.

Vãng Sanh Luận nói: ‘Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu thành tựu ngũ niệm môn thì rốt ráo được vãng sanh cõi nước An Lạc, gặp đức Phật A Di Ðà kia’. Diệu nhân cảm quả cho nên lúc lâm chung được Phật bổn nguyện gia oai ‘từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn’. Vì vậy, ‘chẳng kinh, chẳng sợ, tâm chẳng điên đảo’. ‘Chẳng kinh’ là chẳng kinh hoàng, hoảng hốt. ‘Chẳng sợ’ là chẳng hãi sợ, khiếp đảm; ‘chẳng điên đảo’ là tâm chẳng lầm loạn, chánh niệm tưởng nhớ đến Phật vẫn hiện tiền như thường cho nên được vãng sanh.

Kinh văn trong phẩm này chẳng nói lâm chung thấy Phật, nhưng đã được vãng sanh thì tất nhiên Phật sẽ đến đón vì bổn nguyện của Phật là lâm chung đến tiếp dẫn. Nếu Phật chẳng đến đón thì chỉ với tự lực, phàm phu làm sao vãng sanh nổi. Bởi vậy, kinh văn chẳng nói đến. Hơn nữa, phẩm này chuyên giảng nhân hạnh vãng sanh nên chẳng bàn nhiều đến quả cảnh vãng sanh.

Chánh kinh: Nếu [người] lắm sự vật chẳng lìa nhà nổi, chẳng rảnh để rộng tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh thì hễ có lúc rảnh rỗi liền đoan chánh thân tâm, tuyệt dục bỏ lo, từ tâm tinh tấn, chẳng nên sân nộ, ghen ghét, chẳng được tham ăn, keo tiếc, chẳng nên giữa chừng hối hận, chẳng nên hồ nghi, phải nên hiếu thuận, chí thành, trung tín, nên tin lời kinh Phật sâu xa, nên tin làm lành được phước. Phụng trì những pháp như vậy chẳng được thiếu sót, suy nghĩ kỹ càng muốn được độ thoát. Ngày đêm thường niệm, nguyện muốn vãng sanh cõi Phật thanh tịnh của A Di Ðà Phật. Trong mười ngày mười đêm cho đến một ngày một đêm chẳng đoạn tuyệt thì lúc tuổi thọ hết đều được vãng sanh cõi ấy.

Giải: Chánh nhân vãng sanh thứ ba này gồm hai điều: một là tu hành các điều lành thế gian, hai là chộp ngay lúc rảnh trong khi bận rộn để chánh niệm hầu được vãng sanh.

Loại chánh nhân này dành cho kẻ bận rộn trăm công nghìn việc, thời gian rảnh rỗi rất ít nên chưa thể tu trai giới đầy đủ cũng như khó lòng giữ nhất tâm thanh tịnh được. Những người như vậy nên nỗ lực làm lành, nên chộp ngay lúc rảnh giữa cơn bận rộn, khéo giành thời cơ: hễ gặp duyên liền tu chẳng để lỡ uổng thì cũng quyết định được vãng sanh. Ðiểm kỳ diệu của Tịnh tông là ‘chẳng lìa Phật pháp mà hành thế pháp, chẳng phế thế pháp mà chứng Phật pháp’ (xem Báo Ân Luận).

Câu ‘hễ có lúc rảnh rỗi’ là câu thừa tiếp ý trên: bận bịu công việc nên chưa thể thân nhàn, tâm tịnh để tu rộng các trai giới. Vậy thì nên giành thời cơ, hễ rảnh liền tu: trừ khử những nỗi lo lắng việc đời, dũng mãnh chuyên tu. Ý này xuyên suốt từ chữ ‘hễ có lúc rảnh’ cho đến chữ ‘một ngày một đêm chẳng đoạn tuyệt’.

‘Ðoan thân chánh tâm’ là thân giữ trang nghiêm, tâm ý ngay chánh. Phẩm Trược Thế Ác Khổ ghi: ‘Các ông nếu có thể trong đời này đoan tâm chánh ý, chẳng làm các điều ác thì thật có đức lớn’.

Phẩm Bao Lần Khuyên Lơn cũng chép: ‘Nếu muốn làm lành thì thế nào là bậc nhất? Nên tự đoan nghiêm tâm, nên tự đoan chánh thân, đều thường nên tự đoan chánh cả tai, mắt, mũi, miệng’. Vì vậy gặp lúc rảnh rỗi thì trước hết phải đoan thân, chánh ý.

‘Tuyệt dục’ là trong lúc tu tập như vậy, phải dứt hết những ý tưởng ái dục nam nữ. ‘Bỏ lo’ là buông bỏ hết thảy những điều lo nghĩ việc đời. ‘Từ tâm’ là tâm ban vui cho chúng sanh, tu trì như vậy nhằm lợi lạc hữu tình.

‘Tinh tấn’ là dũng mãnh tu thiện, đoạn ác. Sách Phụ Hành, quyển hai nói: ‘Chẳng nhiễm pháp là Tinh, niệm niệm cầu hướng đến là Tấn’. Hoa Nghiêm Ðại Sớ, quyển 5 ghi: ‘Tâm chuyên nơi pháp thì gọi là Tinh; chuyên tâm thực hành để đạt bổn thì gọi là Tấn’. Ý nói: Tinh là dốc một tấm lòng nơi Phật pháp. Dùng cái tâm tinh chuyên ấy để hoàn thành nhiệm vụ thấu hiểu bổn tâm thì gọi là Tấn. Hiểu thấu bổn tâm, sáng tỏ bổn tánh của mình thì gọi là ‘đạt bổn’. Ý nghĩa chữ ‘tinh tấn’ do Ðại Sớ giảng có phần thù thắng hơn. 

Từ chữ ‘chẳng nên sân nộ’ cho đến ‘chí thành trung tín’ là nguyên một câu nói về điều lành thế gian của người tu Ðại Thừa.

‘Ganh ghét’ là ghen tỵ điều hay tốt của người khác; làm hại người hiền cũng gọi là ‘ganh’.

Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương giảng chữ ‘keo tiếc’ như sau: ‘Tiếc rẻ cả tài lẫn pháp thì gọi là keo’, tức là cái tâm tham đắm tài lẫn pháp, chẳng thể đem tài và pháp làm lợi cho người khác.

‘Giữa chừng hối hận’ là lòng tin chẳng vững chắc, trước tin sau ngờ nên bảo là ‘giữa chừng hối hận’.

‘Hồ nghi’ là do tánh con cáo hay nghi ngờ nên gọi là ‘hồ nghi’. Do dự chẳng quyết định nên gọi là ‘nghi’. Do nghi niệm làm hại căn lành giống như gai độc nên sách Vạn Thiện Ðồng Quy Tập ghi: ‘Vững tín căn để nhổ gai ngờ’.

‘Phải nên hiếu thuận’ chính là ý ‘hiếu dưỡng phụ mẫu’ đã dạy trong Quán kinh; đây chính là phước đầu tiên trong ba thứ phước được dạy trong kinh ấy, đó chính là một trong những chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật.

Trong cụm chữ ‘chí thành trung tín’, ‘thành’ là chơn tâm, chơn thật chẳng dối; ‘chí’ là đến mức cùng tột nhất. Lòng thành đạt đến mức tột cùng nên bảo là ‘chí thành’. ‘Trung’ là tận tâm, kiệt lực trung với nước nhà. Hai chữ trung hiếu chính là gốc của mọi mỹ đức thế gian. Chữ ‘tín’ ở đây chỉ về pháp thế gian, tức là chơn thật chẳng dối.

Hai câu kinh tiếp theo đó nói về cách thức niệm Phật trong khi bận rộn.

‘Nên tin lời kinh Phật sâu xa’: chữ ‘tin’ ở đây lại chỉ pháp xuất thế, nghĩa là chữ tín ở đây chỉ cho thật thể của các pháp, là tịnh đức của Tam Bảo. Tin ưa sâu xa căn lành thế gian và xuất thế gian khiến cho tâm trong lặng thì gọi là ‘tín’.

Duy Thức Luận nói: ‘Thế nào là tín? Là có thể nhẫn chịu dục lạc một cách sâu xa, tâm tịnh thành tánh’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương lại bảo: ‘Ðối với Tam Bảo tịnh tâm chẳng nghi thì gọi là Tín’. Câu Xá Luận lại bảo: ‘Tín khiến cho [tâm] người trong lặng’.

Nay nghe kinh Phật liền tin tưởng sâu xa vào lời kinh. Ðại Luận nói: ‘Có tin mới chứng nhập nổi’. Do đó, mới có thể từ nhân thừa tiến thẳng vào Ðại thừa viên môn, niệm Phật cầu sanh.

Lại do tin nhân quả chẳng hư vọng nên tin ‘làm lành được phước’ để tinh tấn hướng thiện. ‘Phụng trì các pháp như vậy’ là vâng giữ các điều lành như trên vừa nói ‘chẳng được thiếu sót’; thiếu sót là tổn giảm.

Những câu kinh vừa trên đều cùng nói về việc từ nhân thừa tiến thẳng vào Cực Lạc Nhất Thừa.

Tiếp đó, kinh nói đến cách tìm cái nhàn trong khi bận rộn để tinh tấn niệm Phật:

‘Suy nghĩ kỹ càng muốn được độ thoát’ chính là suy nghĩ chín chắn, sâu xa mong được thoát khỏi sanh tử. ‘Nguyện muốn vãng sanh’ là xả uế cầu tịnh, đem hết thảy công đức hồi hướng vãng sanh. ‘Ngày đêm thường niệm cõi nước thanh tịnh của A Di Ðà Phật’. Ðấy chính là chánh hạnh nhớ Phật, niệm Phật để vãng sanh.

Liên tục như thế trong mười ngày mười đêm là công hạnh phải có của hết thảy hành nhân; còn thực hành được như thế trong một ngày một đêm là công hạnh phải có của bậc nhiều thiện căn. Cứ tùy theo thiện căn mà thực hành chẳng đoạn tuyệt trong mười ngày mười đêm hoặc trong một ngày một đêm thì khi mạng chung đều được vãng sanh. Do đó, kinh nói: ‘Khi tuổi thọ hết đều được sanh về cõi ấy’. Ðây là chánh nhân vãng sanh của hành nhân thuộc loại thứ ba, công đức kém hơn hai loại trước.

Ðoạn kinh tiếp theo đây giảng rõ: Các hạng người vãng sanh, nhân hạnh tuy khác nhau nhưng hễ sanh về cõi ấy rồi thì đều là Ðại Thừa cả, đều thành cùng một loại.

 Chánh kinh: Hành Bồ Tát đạo, những người vãng sanh đều đắc A Duy Việt Trí, đều đầy đủ sắc vàng ba mươi hai tướng, đều sẽ thành Phật. Muốn làm Phật ở cõi nước Phật phương nào đều như sở nguyện, tùy theo người ấy tinh tấn sớm hay chậm. Cầu đạo chẳng ngơi thì sẽ đạt được, chẳng bị thất vọng.

Này A Nan! Do nghĩa lợi này, vô lượng vô số bất khả tư nghị vô hữu đẳng đẳng vô biên thế giới chư Phật Như Lai đều cùng khen ngợi tất cả công đức của Vô Lượng Thọ Phật.

Giải: Câu ‘hành Bồ Tát đạo’ ngụ ý những người đã vãng sanh đều là Ðại Thừa.

Tiếp đó, kinh nói đến cái quả nhân hạnh. Nhân dẫu thiên sai vạn biệt, nhưng quả chỉ một vị: Hành nhân Ðại Thừa chết đi sanh về cõi kia đều ‘đắc A Duy Việt Trí’, đều đạt thân sắc vàng tía, đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu; chẳng những thân tướng giống như đức Phật mà còn ‘đều sẽ thành Phật’.

Những người vãng sanh nguyện làm Phật ở phương nào thì không ai lại chẳng được thành tựu xứng với tâm nguyện; bởi vậy, kinh nói: ‘Ðều như sở nguyện’. Còn  lúc nào sẽ thành Phật lại tùy thuộc vào hành nhân ‘tinh tấn chậm hay mau’. Sớm tinh tấn thì sớm thành Phật; đây chính là điều sai biệt trong lẽ bình đẳng. Bình đẳng mà có sai biệt nên có thành Phật sớm hay chậm. Ðiều bình đẳng trong sai biệt chính là đều sẽ thành Phật nên kinh nói: ‘Cầu đạo chẳng ngơi thì sẽ đạt được, chẳng bị thất vọng’. Nghĩa là: cái tâm cầu đạo tinh tấn chẳng ngơi thì đều sẽ thành Phật, quyết định chẳng trái nghịch với bổn nguyện được thành Phật.

          Câu ‘Phật bảo A Nan’ diễn tả sự kiện đức Thế Tôn muốn nhắc hội chúng chú tâm nên Phật kêu tên vị đương cơ của pháp hội là ngài A Nan để dạy: ‘Do nghĩa lợi này’. Ở đây, chữ ‘lợi’ có đến hai nghĩa:

a. Một là cứng bén như kim cang phá hoại được hết thảy mà chẳng bị hết thảy phá hoại.

b. Hai là lợi ích do pháp môn này có thể ban bố cái lợi chơn thật cho hết thảy chúng sanh.

Nói cách khác: Toàn thể nghĩa lý pháp môn vãng sanh là kim cang trí huệ nên bảo là lợi (kiên lợi: cứng bén). Ðồng thời, ‘lợi’ còn có nghĩa là do đại từ đại bi lưu xuất phổ độ chúng sanh bằng cái lợi chơn thật rốt ráo nên bảo là ‘lợi’. Vì vậy, chư Phật trong vô lượng, vô biên không thể tính kể thế giới ‘đều cùng khen ngợi tất cả công đức của Vô Lượng Thọ Phật’. Phàm phu vãng sanh đều là bất thối chuyển, địa vị ngang với Bổ Xứ Bồ Tát. Ðây chính là điều cả mười phương thế giới không nơi nào có nổi. Do đó, mười phương Như Lai cùng khen ngợi Vô Lượng Thọ Phật.

Xem mục lục