Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

10. Ðều phát nguyện thành Phật

Phẩm này chỉ thấy trong hai bản dịch cổ: Hán dịch và Ngô dịch. Trong phẩm này có hai nghĩa trọng yếu:

a. Một là những người như vương tử A Xà Thế nghe kinh hoan hỷ, phát nguyện được thành Phật như A Di Ðà Phật, đức Thích Ca chứng minh cho họ. Ðiều này cho thấy chúng ta ngày nay được nghe kinh này thì cũng sẽ phát khởi được đại nguyện như vương tử A Xà Thế.

b. Hai là Phật bảo những vị vương tử ấy trong vô lượng kiếp tu Bồ Tát đạo, trong kiếp quá khứ từng làm đệ tử Phật nên nay lại gặp gỡ, ngụ ý: hết thảy các pháp chẳng ngoài nhân duyên nên chúng ta ngày nay được nghe kinh này, nghe diệu pháp Tịnh tông thì ắt cũng phải là trong nhiều kiếp đến nay đã từng được bậc đạo sư hai cõi giáo hóa tế độ nên ngày nay mới hưởng được nhân duyên thù thắng đến thế này.

 Chánh kinh: Lúc đức Phật nói A Di Ðà Phật khi làm Bồ Tát cầu được thỏa nguyện như thế thì vương tử A Xà Thế và năm trăm đại trưởng giả nghe vậy đều đại hoan hỷ, mỗi người cầm một cái lọng kim hoa cùng đến trước Phật làm lễ, đem lọng hoa dâng lên Phật xong, ngồi qua một bên nghe kinh, trong tâm nguyện rằng: “Nguyện lúc chúng tôi thành Phật đều được như Phật A Di Ðà”.

 

Giải: Vương tử và năm trăm trưởng giả trong đoạn kinh này thật đúng là tấm gương cho hết thảy bọn hàm linh trong đời hiện tại và vị lai.

‘Nghe vậy đều đại hoan hỷ’: tất cả niềm vui trong thế gian cũng không sánh bằng sự hoan hỷ ấy. Ấy là do vui với đại nguyện siêu thế, hy hữu, cứu cánh viên mãn của Phật Di Ðà; vui vì Phật Di Ðà viên chứng Bồ Ðề đại nguyện thành tựu; vui vì Phật Di Ðà chứng được phương tiện rốt ráo này, dùng diệu pháp Trì Danh phổ độ hết thảy chúng sanh; vui vì chúng ta và hết thảy hàm linh trong tương lai đều do pháp này thoát được sanh tử; vui vì chúng ta có thể lần lượt dạy dỗ chúng sanh khiến cho họ được giải thoát hết cả. Như vậy, niềm vui ấy chưa từng có trong đời này nên bảo là ‘đại hoan hỷ’.

‘Lọng’ chỉ lọng báu để cúng Phật. ‘Làm lễ’ là lễ bái. Lễ kính, cúng dường nhằm thể hiện sự dốc lòng tin kính. Do vậy, những câu này diễn tả ý ‘chí tâm tin ưa’. Từ chữ ‘ngồi qua một bên nghe kinh’ trở đi diễn tả lòng mong cầu Phật trí, nghe pháp không nhàm đủ, lại còn phát nguyện thành Phật ‘đều được như A Di Ðà Phật’. Thấy bậc hiền đức mong mình được bằng, mong đại nguyện, đại hạnh, đại từ, đại bi, đại trí, đại lực của mình, hết thảy những điều như thế đều được như Phật A Di Ðà: trụ chơn thật huệ, giữ lấy cõi Phật thanh tịnh, phổ lợi hữu tình. Ðấy chính là phát tâm Bồ Ðề. Vì vậy, người nghe kinh chúng ta đều cũng nên như vậy: tin ưa, cung kính, phát tâm vô thượng.

 Chánh kinh: Phật liền biết ngay, bảo các tỳ kheo:

- Các vị như vương tử đây sau này sẽ thành Phật. Bọn họ trong đời trước trụ Bồ Tát đạo, từ vô số kiếp đến nay cúng dường bốn trăm ức Phật. Thời Phật Ca Diếp, bọn họ làm đệ tử của ta, nay cúng dường ta lại gặp gỡ nhau. Khi ấy, các tỳ kheo nghe lời Phật nói không ai chẳng hoan hỷ cả.

 Giải: ‘Phật liền biết ngay’ nghĩa là Phật liền hiểu, liền biết ngay. Quán kinh nói: ‘Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh’. Vì vậy tâm ta cùng tâm Phật chẳng xa cách dẫu chừng hào ly nên cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn. Ðại chúng phát tâm ‘Phật liền biết ngay’ nên ngài lập tức chứng minh rằng: ‘Các vị như vương tử đây sau này sẽ thành Phật’; đấy chính là thọ ký quả Phật, thể hiện nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn.

Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, Di Ðà dùng bốn mươi tám nguyện tiếp độ chúng sanh. Hết thảy đều dùng tín, nguyện, hạnh làm tư lương để lên được bờ kia. Vì vậy Tỉnh Am đại sư nói: ‘Ðiều cấp bách trước hết trong việc tu hành là lập nguyện’.

‘Cúng dường bốn trăm ức Phật. Thời Phật Ca Diếp, bọn họ làm đệ tử ta. Nay cúng dường ta, lại được gặp gỡ’: thiện căn và nhân duyên chẳng ít. Phẩm Phước Trí Mới Ðược Nghe trong kinh này chép: ‘Nếu xưa kia chẳng tu phước huệ còn chẳng được nghe chánh pháp này. Do từng cúng dường các đấng Như Lai mới có thể hoan hỷ tin nhận việc này’. Chúng ta nay được gặp gỡ kinh này, lại còn tin nhận nổi ắt là đã có duyên chẳng ít, trong quá khứ chẳng phải đã từng gieo thiện căn với một hoặc hai đức Phật mà thật đã trồng căn lành nơi vô lượng Phật nên mới có thể được như bọn vương tử A Xà Thế nghe kinh phát nguyện, trì sáu chữ đức hiệu, nhập Nhất Thừa nguyện hải, lần lượt dạy nhau đồng chứng Di Ðà.

Hết quyển hai

(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa kính dịch xong ngày 03 tháng 03 năm 2002)

 

(1) Chữ viên minh cụ đức đã được chính tác giả giảng trong phần nói về mười huyền môn của kinh Hoa Nghiêm trong tiểu đoạn Tạng Giáo Sở Nhiếp, quyển 1

(2) Kiến phần: còn gọi là Năng Thủ Phần. Kiến có nghĩa là soi rõ, nhận thức. Kiến phần chỉ cho tác dụng nhận thức của tám thức (Duy Thức học gọi là năng duyên dụng). Cái được kiến phần nhận thức gọi là tướng phần. Ví dụ như: mắt có khả năng thấy được các hình sắc thì khả năng nhìn thấy là kiến phần, các hình sắc được thấy bởi mắt là tướng phần.

(3) Tân dịch: Cách dịch kinh theo phong cách của ngài Huyền Trang, đối lập với cựu dịch là cách dịch kinh theo phong cách của pháp sư Cưu Ma La Thập. Ngài Huyền Trang chủ trương bám sát nguyên bản, không bỏ bớt chữ nào dù kinh văn rườm rà đến cách mấy. Ngài La Thập chủ trương dịch thoát ý, chỉ gạn lọc lấy ý chính.

(4) Vô kiến đảnh tướng: chỉ tướng nhục kế trên đảnh đầu Phật. Vì đảnh đầu Phật có thịt dồn lên như hình búi tóc nên gọi là nhục kế. Từ nhục kế tỏa ra hào quang vô lượng ngay cả những vị thập địa Bồ Tát chỉ thấy nổi được một phần, ngoài ra không ai thấy được tướng trạng của nhục kế nên gọi là vô kiến đảnh tướng. Trong kinh Bảo Tích có ghi ngài Mục Kiền Liên ỷ sức thần thông bay lên không trung vượt qua vô lượng thế giới để nhìn cho rõ đảnh tướng của Phật Thích Ca nhưng ngài vẫn không thấy được. 

(5) Bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số cõi Phật: Bất khả thuyết bất khả thuyết là một con số rất lớn xin xem trong kinh Hoa Nghiêm. 

(6) Ðương hạ tức thị: thuật ngữ thường dùng trong tông Thiên Thai, ‘ngay chính nơi đây chính là’ diễn tả mọi pháp không ngoài tự tâm. 

(7) Tâm sở pháp: chỉ những pháp do tác dụng của tâm phát khởi ra. Theo Câu Xá Luận, tâm sở gồm 46 thứ như: thọ, tưởng, tư, xúc, dục, si, giải đãi, bất tín, hôn trầm, tham, sân, mạn, nghi...

(8) Trung Ấm Thân (bardo): thân trong giai đoạn chuyển tiếp từ lúc chết đi đến lúc tái sanh. Theo Mật tông, giai đoạn này chỉ kéo dài 49 ngày sau khi chết. 

(9) Theo ngu ý, kim cang ở đây không phải là đá kim cương (diamond) như tác giả suy luận vì nhiều lẽ: kim cương cháy được, kim cương không sanh từ vàng. Ngoài ra các đặc tính của kim cang như được miêu tả trong kinh Hoa Nghiêm cho thấy kim cang có những đặc điểm không hề thấy nơi kim cương.

(10) Chuyển pháp tánh sanh: lần sanh cuối cùng này không phải là chết đây sanh kia, mà chỉ là ẩn nơi thiên cung, thị hiện sanh trong thai mẹ nên gọi là chuyển pháp tánh sanh.

(11) Tuyển Trạch Bổn Nguyện: đây là quan điểm đặc sắc của sư Pháp Nhiên, khai tổ Tịnh Ðộ tông Nhật Bản. Tuyển Trạch Bổn Nguyện hiểu rộng là cả bốn mươi tám nguyện, hiểu hẹp là nguyện thứ 18. Gọi là Tuyển Trạch Bổn Nguyện vì Phật A Di Ðà khi tu nhân đã chọn lấy những thệ nguyện thù thắng nhất của chư Phật để kết thành bốn mươi tám nguyện, và Niệm Phật Vãng Sanh là tinh tủy, là cốt lõi của cả bốn mươi tám lời nguyện.

(12) Ðịa Tiền thế gian: từ Tứ Quả cho đến bậc Bồ Tát chưa chứng Sơ Ðịa gọi là Ðịa Tiền.

(13) Khí thế gian: những gì thuộc về vật chất hay loài vô tình.

(14) Sở thuyên lý thể: Sở thuyên là những nghĩa lý được diễn bày trong kinh văn. Theo Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm, pháp được giảng là sở thuyên, văn cú, danh tự để diễn bày pháp ấy là năng thuyên. Sở duyên lý thể là Thật Tánh của pháp được diễn giảng.

(*) Kinh Niết Bàn bản Nam: Kinh Ðại Bát Niết Bàn do ngài Ðàm Vô Sấm dịch vào năm 421 đời Bắc Lương, gồm 13 phẩm. Sau đó, kinh này được truyền xuống phương Nam Trung Hoa, các vị Huệ Nghiêm, Huệ Quang, Tạ Linh Vận… đem đối chiếu với kinh Ðại Bát Nê Hoàn 6 quyển do ngài Pháp Hiển dịch vào thời Ðông Tấn, tu bổ thành bản 25 phẩm, gọi là kinh Niết Bàn bản Nam. Còn bản dịch của ngài Ðàm Vô Sấm gọi là kinh Niết Bàn bản Bắc. 

Bản kinh Ðại Bát Niết Bàn lưu hành tại Việt Nam gồm bản Nam cộng với kinh Ðại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần do ngài Nhã Na Bạt Ðà La dịch vào đời Ðường.

Ngoài ra, ngài Pháp Hiển còn dịch một bản khác mang tựa đề là Phương Ðẳng Nê Hoàn kinh, cũng gọi là Ðại Bát Niết Bàn. Kinh này tương đương với bản Ðại Bát Niết Bàn theo hệ thống kinh Tạng Nam Truyền của Theravada.

Xem mục lục