Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
TU HÀNH TÂM THỨC 
TRONG TÁM ĐOẠN KỆ *

Nơi đây là một vườn hoa đẹp đầy nắng. Tôi thấy đủ mọi loại người, nói những thứ tiếng khác nhau, mặc những y phục khác nhau, chắc chắn thực hành những tôn giáo khác nhau. Nhưng giữa chúng ta có một điểm chung : chúng ta là những con người. Chúng ta biết cùng một tình cảm phát xuất từ một “cái tôi”, cùng một mong ước hạnh phúc, cùng một sợ hãi khổ đau. Chúng ta chia xẻ ý tưởng này : “Mong rằng tôi được sung sướng và không có đau khổ.” Suốt đời, ý tưởng bẩm sinh này ở nơi chúng ta, và chúng ta đều có quyền được hạnh phúc và không phải chịu những hành hạ. Trong tất cả những phương pháp được đề nghị để thực hiện mục tiêu này, mỗi người chọn lấy cái mà mình cho là hiệu quả nhất và noi theo trong bước tiến của mình.

Khi chúng ta tự hỏi bản chất của hạnh phúc chúng ta theo đuổi và của khổ đau chúng ta trốn tránh, chúng ta khám phá rằng nó có muôn hình vạn trạng. Tổng quát, chúng ta biết vui và khổ trên bình diện vật lý và tâm thức.

Sự tiến bộ vật chất làm chúng ta thỏa mãn trên bình diện vật lý và làm nhẹ những khổ đau liên quan đến thân xác. Nhưng, thật ra, khó mà trừ hết mọi đau khổ và có được đầy đủ mãn nguyện bằng những phương tiện bên ngoài.

Nương dựa hạnh phúc của mình vào những điều kiện bên ngoài hay vào sự tiến hóa tâm linh thì rất khác biệt. Khởi đầu, sự đau khổ thì như nhau trong cả hai trường hợp. Tất cả mọi sự khác biệt nằm trong cách người ta cảm nhận nó, âm vang phiền não của nó nhiều hay ít trong tâm hồn, mối tương quan mà người ta có với nó. Sự chọn lựa thái độ thì quyết định cho đời sống của chúng ta.

Nói chung, những tôn giáo đề nghị những nguyên tắc và lời khuyên về cách thức sửa đúng lại tư tưởng, và mọi giáo hội, không trừ ai, đều lo dẫn dắt những tâm thức đến một sự bình an lớn lao hơn, đến sự tự điều phục, đến an trụ trên đạo đức và luân lý. Đến nỗi, trong bản chất của chúng, những tôn giáo rất giống nhau, mặc dầu chúng có mọi hệ thống giải thích triết lý. Nếu chúng ta dừng lại ở những khác biệt này, chúng ta không chấm dứt được, và rốt cuộc chúng ta sẽ đem tới cho nhau nhiều điều xấu vô nghĩa. Chúng ta sẽ rất thận trọng để giữ gìn những nguyên tắc về lòng tốt mà tất cả tôn giáo đều nói với chúng ta.

Một mặt khác, một hành giả, đàn ông hay đàn bà, thật sự là một chiến sĩ dấn mình vào một cuộc chiến đấu. Người ấy chiến đấu chống lại cái gì ? Những địch thủ bên trong : vô minh, giận dữ, luyến chấp, kiêu căng là những đối thủ tối hậu. Chúng không đến từ bên ngoài, chúng đã có sẵn và phải bị đánh bại bởi những khí giới trí huệ và thiền định. Tất cả quân dụng là những hỏa tiễn của trí huệ, và để khai hỏa là vũ khí chú tâm : chánh định quán chiếu. Đó là một cuộc chiến tranh hoàn toàn giống những cuộc chiến tranh hoành hành ở thế giới này. Nó có những vết thương, những đau đớn. Nhưng ở đây, sân khấu cho những chiến dịch là không gian bên trong, nghĩa là ở trong lòng của sự tìm kiếm tâm linh và những nguyên tắc tôn giáo gắn liền với sự phát triển nội tâm.

Nói cách khác, chúng ta tiến bộ nhiều trong sự hiểu biết không gian bên ngoài nhờ những dụng cụ của khoa học và của kỹ thuật được hoàn thiện bởi tâm thức con người. Nhưng chính bản chất của tâm thức này là một lãnh vực bao la còn ít được khám phá. Điều này đáng được suy nghĩ.

Bản chất của tâm thức có tuân theo nhân quả không ? Đâu là nguyên nhân chất thể của nó ? Đâu là những duyên phụ thêm, những tác động… của nó ?

Trong nhiều nguyên tắc nhắm đến sự phát triển tiềm năng của tâm thức, tình thương và bi mẫn là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Để đánh thức chúng, giáo lý Phật giáo đã cung cấp những kỹ thuật tinh vi và mạnh mẽ. Thật là một vận may lớn lao khi có tấm lòng, tâm thức tử tế và nồng hậu. Người ta không chỉ tìm thấy ở đó niềm vui, mà còn phân phát cho những người gần gũi. Chồng, vợ, cha mẹ, con cái, láng giềng, tất cả đều được soi chiếu. Khi thiếu vắng một sự ấm áp như vậy, không ai có hạnh phúc. Những tương quan giữa cá nhân, quốc gia và lục địa thoái hóa vì thiếu thiện tâm và thiện ý. Cái ấy thật quý, rất cần cho phẩm chất của đời sống xã hội. Thế nên cần có vài nỗ lực để phát triển chúng.

Trong mọi mặt mỗi người giống như những đồng loại trong ước ao được sung sướng và không khổ đau. Nhưng mỗi người chỉ là một phần, trong khi những người khác thì vô số. Nếu so sánh sự mãn nguyện của một người với sự mãn nguyện của vô số người khác, rõ ràng là hạnh phúc của số đông phải hơn hạnh phúc của chính mình.

Nếu sự đau khổ thì không chịu nổi đối với chính mình, thì tại sao không như thế đối với mỗi người khác ? Vậy thì làm việc vì hạnh phúc của những người khác là đúng và dùng họ cho ích lợi riêng của mình thì bất công. Để đem tất cả phẩm chất thân, khẩu, ý phụng sự cho họ, phải đặc biệt vô tư, có tấm lòng muốn làm nhẹ bớt sự đau khổ của họ và làm cho họ sung sướng. Không có gì là vô cảm đối với lòng đại bi. Được gởi đến cho một người tu hay không tu, dầu người ta tin sự luân hồi hay không, ai lại không thích nó ? Ngay khi mới sanh ra, chúng ta chờ đợi mọi sự dịu dàng và chăm sóc của cha mẹ. Sau này, khi cuộc đời chúng ta đến hồi kết thúc và khi những khổ đau của tuổi già, chúng ta còn phải nhờ vào lòng tốt và lòng bi mẫn của người khác. Bởi vì điều kiện sống của chúng ta tùy thuộc vào lòng tốt của con người từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt, chẳng phải là nên biểu lộ những phẩm chất tâm hồn ấy với họ trong khoảng giữa của cuộc đời mình hay sao ?

Khắp nơi chỗ nào tôi đến, với tất cả những người tôi gặp, tôi khuyên trau dồi lòng vị tha và lòng tốt. Cá nhân tôi đã theo con đường này từ khi đến tuổi biết suy nghĩ ; nó đặc trưng lời dạy Phật giáo.

Chúng ta phải lấy lòng thương người làm nền tảng và thân thể cho sự thực hành của chúng ta. Tất cả hoạt động tâm linh phải được hướng về sự phát triển phẩm chất này cho đến cao điểm. Để thường nhớ nó, chúng ta cần thấm nhuần tư tưởng này, biểu hiện nó ra bằng lời nói, diễn dịch nó trong bài viết. Đó là điều Geshé Gampada Lang-ri-tang-ba (1054-1123) đã làm trong Tu hành tâm thức trong tám đoạn kệ. Những câu kệ này có một gợi cảm mạnh mẽ, ngay đối với người chỉ có lòng nhiệt thành và một đà trớn cho sự thực hành này.

Với ý chí thành tựu
Hạnh phúc tối thượng của mọi chúng sanh
Quý giá còn hơn cả ngọc như ý
Tôi học chăm sóc họ như một kho tàng vô giá.

Chớ có lãnh đạm đối với chúng sanh. Hãy cư xử với họ bằng tất cả tôn trọng mà bạn có đối với một kho tàng nó cho bạn những phương tiện đạt đến những mục đích tạm thời và tối hậu của bạn. Hãy biến mỗi người thành đối tượng độc nhất cho tình thương của bạn. Những người khác phải làm sao thân hơn, quý hơn chính bạn, vì ngay trong bước đầu tiên hướng đến giải thoát, bạn đã cần có họ để trau dồi nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ tối thượng. Dọc đường, chính trong mối tương quan với người khác mà động lực này mạnh mẽ thêm, vì cho những người khác mà bạn hoàn thành những hành động đức hạnh dẫn đến giác ngộ. Và cuối đường, chính vì lợi lạc của tất cả mà bạn thực hiện Phật tánh. Những chúng sanh vừa là mục đích vừa là điểm xuất phát của tất cả sự bừng nở kỳ diệu này, giá trị của họ là cao hơn nhiều so với viên ngọc quý thỏa mãn mọi điều ước. Bởi thế họ xứng đáng cho tất cả sự quan tâm, tất cả tôn trọng và tất cả tình thương của chúng ta.

Có lẽ bạn nghĩ : “Làm sao tôi có thể đạt đến đó với mọi thứ phiền não đang đè nặng tâm thức tôi ?” Tâm thức chỉ là thói quen, thay đổi chúng dường như nặng nhọc với chúng ta ; nhưng khi tâm thức quen với những thực phẩm mới, khó khăn giảm dần. Như Shantideva nói trong Dấn thân vào Bồ tát hạnh : “Không có thói quen nào không thu phục được với thời gian.”

Trong mọi chúng hội, tôi học
Nhìn mình như là kẻ tầm thường nhất
Nhưng tự đáy lòng và với lòng kính trọng
Tôi xem người khác với sự tôn quý tối thượng.

Nếu bạn trau dồi từ và bi mà có ý cho lợi ích riêng mình, bạn bị giam vào cái bẫy của sự ích kỷ. Từ đó chẳng có gì tốt. Tốt hơn là có một hướng đi vị tha và hiến tất cả tâm hồn cho sự cứu giúp tất cả.

Gắn liền với tình yêu cái ta, kiêu căng là một tình cảm làm cho chúng ta nhìn những người khác như thấp kém hơn chúng ta, cái này làm hại cho sự phát triển thái độ thương người và kính người. Khi nó biểu hiện ra, phải chống lại nó bằng một thứ đối trị là tự xem mình như thấp kém so với những người khác, dầu họ là ai. Khi đảm đương vị thế này, chúng ta cho phép những phẩm chất của chúng ta tăng trưởng, trong khi nhường bước cho kiêu ngạo, chúng ta đón rước khổ đau. Kiêu ngạo làm cho chúng ta ghen tuông, hung dữ và khinh thị đối với người khác. Những thứ đó chỉ tạo ra một không khí nặng nề, và như thế căn bệnh xã hội chỉ có nặng thêm.

Chính từ một phán đoán sai lầm mà chúng ta trở nên thấm nhiễm bởi chính mình và chúng ta cảm thấy cao hơn người khác. Phương cách đối kháng với kiêu ngạo là dùng những phẩm chất của những người khác và những khuyết điểm của riêng chúng ta như chủ đề để suy nghĩ. Ví dụ, hãy xem trường hợp con ruồi này cứ vo ve quanh tôi. Dưới một góc cạnh nào, như là con người và một ông tăng, tôi quan trọng hơn con côn trùng bé nhỏ này. Hơn nữa, con vật bé nhỏ đáng thương ấy là sự mở rộng bị che lấp không thể hiến mình cho sự thực hành tôn giáo. Nhưng ít ra nó không hiến mình cho sự sáng tạo những kỹ thuật tinh vi để hoàn thiện nghệ thuật làm hại. Còn tôi, mặc dầu tôi là một con người có một tiềm năng đáng kể và một bộ óc phức tạp, có thể tôi lạm dụng những khả năng của mình. Tôi tự cho là một hành giả, một nhà sư, một kẻ thực hành vị tha, nếu tôi dùng những khả năng của mình trong một chiều hướng sai lầm, tôi còn tệ hơn con ruồi nhiều. Cách suy nghĩ này có kết quả tức thời. Sự xem mình với lòng khiêm hạ để không kiêu căng không có nghĩa là nhường bước cho áp lực của những người mà bước tiến của họ không đúng đắn. Người ta phải đứng lên để chấm dứt những hành động của những người như vậy. Nhưng dù khi bị dẫn đến việc biểu lộ sức mạnh, người ta vẫn có thể giữ một thái độ kính trọng.

Thực tập việc đưa tất cả hành động của mình
Qua sàng lọc của sự tỉnh thức
Ngay khi một phiền não cháy bỏng biểu lộ trong tôi,
Đe dọa sự bình an của tôi và của người khác
Tôi dũng cảm đương đầu với nó và dự phòng nguy hiểm.

Nếu các bạn trau dồi một tinh thần vị tha mà không can thiệp vào những phản ứng tình cảm của bạn, chúng sẽ dẫn đến những xung đột : những hoạt động của sân, kiêu ngạo… là những chướng ngại trong thực hành.

Thay vì nhường cho chúng dần dần lãnh thổ, phải tức thời ngăn chặn sự phát triển của chúng và chống lại bằng những đối trị. Như tôi đã nói ở trước, đó là một bãi chiến trường ở trong chỗ sâu xa nhất của mình. Những địch thủ phải chiến đấu là giận, kiêu, ganh ghét… Không ai trong thế giới này tránh khỏi giận dữ, và tất cả chúng ta đều biết nó chẳng đem đến hạnh phúc nào. Ai có thể sung sướng trong một tâm trạng như vậy ? Có một bác sĩ nào cho giận dữ là phương thuốc chữa bệnh ? Có ai nói rằng giận dữ làm cho sung sướng hơn ? Chúng ta chớ để cho những tình cảm xấu có thể dẫn chúng ta đến những điều thái quá như dưới sự thống trị của chúng và mặc dầu còn ràng buộc nhiều với cuộc sống, người ta đến chỗ nghĩ đến chuyện tự tử.

Một khi bạn biết nhận mặt những phiền não và mọi hình thức chúng có thể khoác vào, chớ có nghĩ, ngay từ dấu hiệu yếu ớt nhất rằng : “Ồ, có sao đâu, nó sẽ qua thôi !” Điều ấy chỉ càng tệ thêm, như một cục than hồng cháy yếu ớt trong một góc nhà. Một châm ngôn Tây Tạng nói : “Chớ thành bạn của những điều “rồi sẽ qua thôi”, bởi vì chính thế mà người ta đặt mình vào chỗ nguy hiểm.” Ngay khi khởi lên trong bạn một tình cảm xấu, hãy nghĩ đến cái đối cực của nó, và nhờ vào trí phán đoán, hãy làm nảy sanh tình cảm ngược lại.

Ví dụ, nếu bạn bị tấn công bởi ham muốn, hãy dẫn dắt tâm thức bạn nghĩ về cái ghê tởm hay chú niệm vào thân thể hay cảm giác. Nếu là giận, hãy làm nảy sanh tình thương ; nếu là kiêu căng, hãy nghĩ đến mười hai nhân duyên hay những phần phụ của các uẩn khác nhau. Cái đối trị căn bản có thể chữa lành mọi phiền não là trí huệ phát hiện tánh Không. Chúng ta sẽ trở lại điều này về sau khi nghiên cứu đoạn kệ chót.

Điểm quan trọng khi một tình cảm quấy rối nổi lên là hãy nhờ tức khắc đến một đối trị thích hợp với nó để chấm dứt nó hoàn toàn, trước khi nó phát triển nhiều hơn. Nếu bạn không làm được như vậy, ít ra hãy thử tách tâm thức bạn khỏi cái làm cho nó phiền não. Hãy đi ra, dạo một vòng hay tập trung vào hơi thở của mình.

Có gì đáng trách trong những phiền não ?

Ngay khi chúng xâm chiếm tâm trí, chúng ta không chỉ tức thời cảm thấy khó chịu, mà những hành động hoàn thành và những lời đã thốt ra là những thứ mang theo đau khổ về sau. Dưới ảnh hưởng của cơn giận, người ta có những lời thô lỗ, người ta dùng đến vũ lực, những người khác có thể bị thương. Những hành động này tạo ra trong tâm thức những xu hướng quyết định sự khổ đau tương lai.

Thế nên có nói : nếu bạn muốn biết xưa kia bạn đã làm gì, hãy nhìn vào thân thể bạn hiện tại. Nếu bạn muốn biết bạn sẽ như thế nào sau này, hãy quan sát cái gì tâm thức bạn làm lúc bây giờ. Đó chính là ý nghĩa của lý thuyết nhân quả Phật giáo : như thân thể và những điều kiện mà chúng ta được hưởng hiện giờ là hậu quả của những hành động quá khứ, thì hạnh phúc và khổ đau mai sau đều nằm trong tay ta ngay lúc này. Tất cả chúng ta mong ước được hạnh phúc càng nhiều càng tốt, chúng ta từ chối khổ đau dầu nhỏ nhất. Thế nên, biết rằng số phận chúng ta tùy thuộc vào những hành động thiện và bất thiện, chúng ta phải từ bỏ những hành động phát sinh khổ đau và hoạt động với sự chân chính.

Điều đó không có nghĩa chúng ta mơ mộng thành tựu hoàn toàn công việc này trong vài ngày. Nhưng một sự tu hành sẽ cho phép chúng ta loại bỏ dần dần những tư tưởng xấu và tiến về thái độ càng lúc càng hoàn thiện hơn.

Tôi tập thương những người bản chất đa nghi
Những người bị tội lỗi ám ảnh và đau khổ hành hạ
Với tôi, gặp họ sẽ như gặp tất cả những kho tàng, tôi đã tìm ra cái quý giá nhất
Viên ngọc trai hiếm có không ngờ.

Khi chúng ta gặp những người phiền muộn vì một tính cách cau có, vì bệnh hoạn nặng hay vì vài vấn đề khác, thay vì có thái độ dửng dưng, xa cách như người lạ, nên tỏ ra đầy sốt sắng và tình thương với họ, còn hơn là đối với những người khác. Ngày trước, ở Tây Tạng, những người tu hành tâm thức hiến mình săn sóc những người cùi, như một số tu sĩ Thiên Chúa giáo hay các đạo khác còn làm ngày nay. Trong sự thực tập ý nguyện vị tha hướng đến giác ngộ, lòng nhẫn nhục, khả năng đảm đương một cách tự ý sự khổ đau là những thực hành cần thiết ; và gặp gỡ những người xấu số cho phép chúng ta áp dụng những thực hành ấy là một dịp may sánh với việc khám phá ra một kho tàng vô biên.

Nếu người khác do ghen ghét đối xử tệ với tôi,
Vu khống, làm nhục tôi và các tổn hại khác,
Tôi học nhận về phần mình sự thua thiệt không chừa sót
Và biếu cho họ sự chiến thắng.

Trong những tương quan xã hội, khi người ta cáo buộc bạn một cách sai lầm, rõ ràng với một ác ý, bạn có thói quen tự bảo vệ mình một cách cương quyết. Nhưng cái thông thường theo cách ấy thì không tương hợp với sự tập sự Bồ đề tâm. Sự tu hành sẽ thất bại khi ăn miếng trả miếng như vậy – trừ khi trong một trường hợp đặc biệt và trong một ý định chính xác. Nhưng thông thường, nếu trong một sự ghen ghét hay ác cảm, ai đó đối xử thô bạo với bạn, chửi mắng bạn, thậm chí đánh đập bạn, thay vì trả lời bằng cùng những cách thức đó, tốt hơn là nhận sự thất bại, thua thiệt và để cho người khác chiến thắng. Điều ấy đối với bạn là không tưởng ư ? Thật vậy, đó là một đức hạnh khó giữ. Nó chỉ dành cho những ai chỉ có một ý nghĩ trong đầu : phát triển tinh thần vị tha của mình.

Chớ đi đến kết luận rằng một người Phật tử là phải tự bắt buộc mình chịu đựng những tổn thất liên tục và phải chịu một cách tự ý những hoàn cảnh khốn khổ của cuộc đời. Mục đích của sự thực hành này là đạt đến một kết quả quan trọng bằng cách chịu đựng những tổn thất nhỏ. Nếu trong một trường hợp đặc biệt thái độ này không có lợi ích gì, người ta có thể trả đũa một cách cương quyết, nhưng không có thù hận và với một động cơ bi mẫn.

Ví dụ, trong bốn mươi sáu lời nguyện phụ của một Bồ tát, có một điều đòi hỏi phải đứng lên chống lại những ai đang làm một hành động có hại và chấm dứt những hành vi đó của anh ta. Cần phải can thiệp không ngần ngại trong một trường hợp như thế.

Người ta kể rằng trong một đời quá khứ, Thích Ca Mâu Ni, vị Phật từ bi, là một thuyền trưởng của một chiếc tàu chở năm trăm người buôn bán. Thấy rằng một người trong số họ sắp sửa tàn sát bốn trăm chín mươi chín người kia, người thuyền trưởng đã giết chết kẻ sát nhân. Đó là một hành động xấu tuy nhiên có nhiều công đức, bởi vì động cơ của ngài thì đầy bi mẫn. Đó là một câu chuyện tiêu biểu của loại hành động mà một Bồ tát có thể bị bắt buộc phải làm để ngăn chặn người nào làm hại.

Nếu có người mà tôi đã làm cho mọi điều tốt đẹp
Và tôi hy vọng biết bao nhiêu. Nhưng ngược với mọi lý lẽ
Người ấy làm tổn thương tôi một cách sâu xa
Tôi học nhìn thấy người ấy là một người bạn tâm linh tuyệt hảo.

Trên nguyên tắc, khi chúng ta biểu lộ đặc biệt lòng tốt và sự giúp đỡ với một ai, người ấy phải biết ơn chúng ta. Nếu người ấy tỏ ra vong ơn bội nghĩa và xử xấu với chúng ta thay vì cư xử tốt đẹp, chắc chắn là đáng buồn, nhưng sự thực hành vị tha đòi hỏi chúng ta phải có một tình cảm thương yêu còn mạnh mẽ hơn đối với người đó.

Trong Đi vào hành động của Bồ tát, Shantideva nói rằng người nào đối xử với ta như kẻ thù, là người thầy tốt nhất mà ta có thể gặp. Một vị thầy có thể cho chúng ta một tư tưởng lý thuyết về nhẫn nhục, nhưng vị ấy không cho chúng ta những cơ hội để thực tập nó. Chúng ta chỉ thực sự đi vào thực hành khi tiếp xúc với người thù địch.

Tình thương bình đẳng, lòng bi mẫn chân thật cần có nhẫn nhục để phát triển, và nhẫn nhục chỉ lớn mạnh khi người ta thực hành nó. Thế nên, trong thực tập tính vị tha, chúng ta xem kẻ thù như người tốt nhất trong những vị thầy tâm linh, với tư cách như vậy, đó là một người tử tế nhân đức đáng cho chúng ta kính trọng. Không cần thiết rằng những ai hay sự vật gì có một chủ ý tốt đẹp với chúng ta mới gây cho chúng ta sự kính trọng và thương yêu. Những con đường chúng ta mượn để thực hiện, như là sự dập tắt thực sự khổ đau, thì không có chủ ý tốt hay xấu với chúng ta ; tuy nhiên, chúng ta thương mến và kính trọng chúng một cách sâu xa. Khi một người nào là một phương tiện cho sự tiến bộ của chúng ta, dầu họ làm thế với chủ ý hay không, không phải vì thế mà người đó kém hiệu quả, không đem đến ích lợi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra một kẻ thù, đó là động lực của người ấy và đặc biệt là ý muốn của người ấy muốn làm hại ta. Ví dụ, một nhà phẫu thuật làm chúng ta đau đớn khi mổ xẻ, nhưng vì những ý định của ông ấy thì tốt đẹp, chúng ta không gọi đó là một kẻ thù. Chúng ta dành nhãn hiệu này cho những người muốn điều xấu, và chính là với họ, chứ không phải vị thầy của chúng ta, mà chúng ta có thể thử thách sự nhẫn nhục của mình. Để trau dồi đức tính này, những người thù oán thì không thể thay thế được.

Một câu chuyện Tây Tạng kể rằng, một ngày nọ, một người hành hương đang đi quanh một ngôi chùa chợt thấy một người đang ngồi thiền. Người ấy hỏi ông ta đang làm gì, thiền giả trả lời : “Tôi thực hành nhẫn nhục.” Người hành hương bèn ném cho thiền giả một lời thô bỉ, và tức khắc người kia mất sự bình lặng… Phản ứng này chứng tỏ rằng sự thực hành về nhẫn nhục của hành giả kia chỉ là lý thuyết. Hành giả ấy chưa từng gặp ai mà những hành vi hay lời nói thô bạo dẫn ông ta đến chỗ thực hành. Kẻ thù ban tặng những điều kiện lý tưởng cho một sự thực hành như vậy. Thế nên người cầu đạo đi vào con đường Bồ tát hạnh phải xem kẻ thù với lòng kính trọng lớn lao nhất.

Không có sự khoan dung và nhẫn nhục, lòng bi thật sự không thể cất cánh. Trong đời sống bình thường, cái mà chúng ta gọi là lòng bi chỉ là một hình thức bi mẫn pha trộn với luyến chấp. Đó là điều ngăn chặn không cho chúng ta cảm thấy bi mẫn với những kẻ thù. Chỉ có một từ bi đích thật mới khá rộng rãi để không loại trừ một ai, và người ta đạt đến tâm từ bi ấy bằng một sự làm việc trên chính mình.

Những thời khắc khó khăn thử thách nhất của cuộc đời cũng là những cơ hội để lớn lên về mặt tâm linh. Chúng ta ra khỏi và chín chắn hơn, trong khi ở vào những giai đoạn bi thảm, chúng ta có khuynh hướng mềm yếu, nhu nhược. Những hoàn cảnh bi thảm bắt buộc chúng ta phải khai mở những nguồn lực nội tâm chưa bao giờ ngờ tới. Chúng ta rút ra từ đó lòng can đảm để giáp mặt với những thử thách mà không bị chìm ngập bởi những xung động nhất thời. Ai là người dạy chúng ta điều đó ? Chắc chắn không phải là bạn hay thầy của chúng ta, mà hẳn là kẻ thù của chúng ta.

Tóm tắt, với tất cả không trừ một ai, tôi thực tập cúng dường
Trực tiếp và gián tiếp, sự giúp đỡ và hạnh phúc
Và với tất cả sự kính trọng dành cho những bà mẹ
Tôi đảm nhận sự đau đớn và khổ não của họ.

Đoạn này gợi đến sự thực hành gọi là “cho và nhận” : trong một nhiệt tình tâm từ, người ta cho người khác hạnh phúc riêng của mình ; và trong một nhiệt tình tâm bi, người ta nhận lấy cho chính mình sự khổ đau và những thứ phát sanh từ đó. Hai đức tính này là chính yếu đối với sự thực hành của một Bồ tát : lòng bi thúc đẩy người ấy làm nhẹ khổ đau của người khác, lòng từ muốn làm cho họ hạnh phúc. Khi trau dồi những đức tính này, mọi sự biểu hiện của khổ đau là dịp để áp dụng cho đi và nhận lấy. Người ta nghĩ thế này :

“Đây là một chúng sanh đang khốn khổ. Người ấy có một mong muốn cháy bỏng được hạnh phúc và được cất đi sự khổ đau. Nhưng nó không biết gì những cư xử tai hại cần tránh, và những thái độ đúng đắn nên có. Một vô minh như thế sẽ cướp đi của nó tất cả niềm vui. Tôi phải đảm nhận nỗi khổ đau của nó và cho nó mọi hạnh phúc mà tôi có.”

Vài người đặc biệt thực sự sở đắc năng lực này, nhưng biến sự thực hành ấy thành một hiện thực không phải nằm trong tầm tay của tất cả. Phần đông chúng ta tự bằng lòng với việc tưởng tượng nó ra. Nhưng chỉ việc nghĩ rằng chúng ta cởi bỏ sự khổ đau của người khác và đảm nhận về phần mình sự khổ đau đó cũng ảnh hưởng tích cực vào tâm thức chúng ta. Ý chí nhằm đạt đến mức độ có khả năng thực hiện điều đó được làm mạnh thêm nhờ vậy. Kết hợp với hơi thở, sự thực hành này cốt ở hấp thụ sự khổ đau của người khác bằng không khí hít vào, và gởi cho họ hạnh phúc trong mỗi hơi thở ra.

Học giữ gìn những sự thực hành này không bị ô nhiễm,
Thoát khỏi những bại hoại của tám mối lo thế gian,
Biết mọi sự đều là trò huyễn hóa, 
Tôi sẽ bẻ gẫy những mối dây luyến chấp của mình.

Những sự thực hành này liên kết với phương pháp đòi hỏi về phần hành giả một ưu tư đặc biệt đến ích lợi của người khác. Dọc theo sự thực tập, anh ta phải giữ gìn mình khỏi ảnh hưởng của tám sự bận rộn chính chi phối cuộc đời trong thế gian : thích và ghét, được và mất, khen và chê, tiếng tăm và nhục nhã. Nếu những nỗ lực của anh ta được điều động bởi lòng kiêu ngạo, nếu anh ta mong có được danh tiếng, vinh quang dành cho những vị thánh, thì sự thực hành của anh không trong sạch ; nó bị ô nhiễm bởi các mối bận tâm xã hội. Trái lại đức hạnh phải được thực hành trọn vẹn cho ích lợi của tất cả.

Những câu chót của đoạn này dành cho trí huệ. Chúng đưa thiền giả đến ý thức rằng lòng bi, người thực hành lòng bi và những người là đối tượng của lòng bi, cũng đều không thực như những huyễn hóa của một nhà ảo thuật : tất cả hình như thực có tự tánh, nhưng không có gì hiện hữu như vậy. Dầu cho cái năng lực tạo ra các hình tướng là thế nào, cả ba yếu tố ấy hoàn toàn không có sự tự hữu. Thế nên chúng giống như huyễn hóa. Nếu hành giả thực hành nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ mà gom góp một hiện hữu riêng biệt tự thân vào cá thể của anh ta, vào những chúng sanh vì họ mà anh ta tu hành và vào chính sự giác ngộ, ý niệm này ngăn chặn anh ta trong sự tiến đến giác ngộ trọn vẹn. Trái lại, anh ta phải điều chỉnh cái nhìn thế nào cho thấu hiểu được rằng chúng không hiện hữu như vậy, mà chúng có mặt theo một cách thế giả tạo và xuất hiện một cách hoàn toàn khác. Khi người ta biết rằng những hiện tượng là những hoa đốm từ mắt sanh ra, người ta từ chối mọi hiện hữu riêng biệt. Trong sự phủ định này người ta không trừ diệt cái nào đã hiện hữu từ trước kia, mà đơn giản chỉ nhận ra rằng cái chưa từng hiện hữu vốn không hiện hữu. Là nạn nhân của một sự hiểu lầm, chúng ta cho hình tướng bên ngoài của các hiện tượng là thật, nhưng những bề ngoài ấy chẳng có gì thật. Bị lừa gạt bởi hình tướng, chúng ta tự tưởng tượng rằng những sự vật thì đúng như chúng ta cảm nhận chúng ; cách nhìn này dìm chúng ta vào trong một cơn xoáy của đam mê mà trong mọi trường hợp đều tàn phá chúng ta. Ví dụ, khi thấy tôi, các bạn nghĩ : “Đây là Đạt Lai Lạt Ma”, và tức thời, tự nhiên trong tâm thức bạn nghĩ rằng Đạt Lai Lạt Ma hiện hữu tự chính nó, độc lập với thân xác nó và ngay cả với tâm thức nó. Nhưng hãy quan sát trực tiếp trên chính mình. Giả sử bạn tên là David. Khi bạn nói về mình, bạn bảo : “Thân thể của David, tâm thức của David”, và bạn tưởng rằng có một David sở hữu thân thể và tâm thức của nó, là những dụng cụ của David. Khi các bạn nói đến Đạt Lai Lạt Ma với tư cách là ông tăng, con người, dân Tây Tạng, bạn có cảm tưởng là bạn đang đề cập đến thân thể và tâm thức của người ấy không ? Hơn nữa, bạn không có cảm giác rằng có một cái gì khác độc lập với những thứ ấy ư ?

Cá nhân hiện hữu, nhưng theo cách thuần túy danh xưng, nhờ vào cái tên dành cho nó. Tuy nhiên, khi thấy ai, chúng ta không có ý tưởng rằng nó hiện hữu do sự đặt tên, nhờ vào thuật ngữ. Chúng ta tức thời nhìn nó như nó có quyền hiện hữu bởi chính nó, một cách tiên thiên, bởi sự tự xác định. Thật ra, những hiện tượng không hiện hữu tự chúng và do chúng. Dầu có vẻ độc lập, chúng tùy thuộc vào những yếu tố khác để hiện hữu. Nếu những sự vật rõ ràng là cụ thể, một khảo sát sâu xa phải cho phép thấy sự hiện hữu cá biệt ấy biểu lộ rõ ràng. Điều đó sẽ trở nên không thỏa mãn được. Khi chúng ta chú tâm về một vật được gọi tên, sự tra vấn phân tích đã không cho phép chúng ta tìm thấy nó. Ví dụ, chắc chắn có một cái tôi quy ước bởi danh tướng, một kẻ cảm nhận sướng khổ, một kẻ tích tập nghiệp… Nhưng mọi cuộc tìm kiếm cho ra kẻ đó luôn luôn là vô vọng. Và cũng thế đối với bất kỳ đối tượng quan sát nào. Dù là một hiện tượng bên trong, bên ngoài, thuộc về thân thể ta hay về bất cứ thứ gì khác, khi chúng ta đem vào sàng lọc của luận lý để khám phá cái gì mang tên nó, chúng ta không tìm ra cái gì như thế cả. Tâm thức và thân thể là những chỗ dựa của cảm giác về bản ngã, nhưng nếu chúng ta khảo sát chúng một cách tách biệt, chúng ta không tìm thấy bản ngã nào hết.

Cũng như vậy, thân thể trong toàn bộ của nó được gọi tên theo tổng thể những phần của nó. Nhưng nếu chúng ta biệt lập mỗi một yếu tố tạo nên nó để khám phá bản chất nó là cái gì, chúng ta không tìm thấy cái mà chúng ta gọi là thân thể. Ngay cả những phần tử cực vi cũng có những mặt cạnh, và những phần nhỏ khác hợp thành chúng. Nếu một sự vật gì không thể phân chia được nữa, nó sẽ độc lập, nhưng không có cái gì như vậy. Mọi thứ đều tùy thuộc vào những yếu tố cấu thành mình, chỉ được gọi tên trong tương quan với những yếu tố ấy và chỉ hiện hữu bởi sự ý niệm hóa. Dù khởi từ đầu mối nào, không có cái gì được hiển lộ ra từ sự phân tích. Không có một tổ hợp nào phân biệt với các phần tử của nó.

Thế mà chúng ta lại hiểu biết sự vật như chúng hiện hữu một cách khách quan và tự hữu. Vậy thì có một khác biệt giữa hình tướng của chúng và cái mà chúng ta hiểu về thực tại của chúng trong một tiến trình luận lý. Nếu cách mà những hiện tượng tự xác định liên quan đến một cái gì thực, sự tìm kiếm phải đưa ra chứng cớ về cái đó. Mỗi thứ đều có thể làm chứng cho điều này : phân tích rốt ráo, người ta bắt buộc phải chấp nhận rằng chúng không thể tìm thấy. Thế nên người ta so sánh nó với những huyễn hóa.

Sự kiện chúng ta nhận thấy sự vật theo một cách khác với cách chúng ta khám phá bởi lý trí chứng tỏ rằng hình tướng cụ thể của chúng xuất phát từ một hiểu biết sai lầm thuộc về tâm thức.

Khi người ta không bị lừa dối bởi sự hiểu biết này và người ta biết rằng những sự vật không có hiện hữu riêng biệt và giống như những huyễn hóa, ảo giác, thì trí huệ nắm lấy, kết hợp cả hai thứ hiểu biết hình tướng bề ngoài của những hiện tượng và tính trống không mọi hiện hữu riêng biệt của chúng.

Cái nhìn này về thế giới đem lại cho chúng ta điều gì ? Những xúc động độc hại tham muốn, hận thù… nảy sanh từ những phóng ảnh mà chúng ta tạo ra. Chúng ta trùm phủ thực tại của những hiện tượng bằng cảm thức yêu và ghét của chúng ta. Thấy như thế, chúng sẽ có những kích thước mà thật sự chúng không có.

Ví dụ, khi chúng ta tức giận hoặc tham muốn cực độ, đối tượng đánh thức các tình cảm này hình như tuyệt đối đáng ghét hoặc hấp dẫn với chúng ta. Sau đó, khi những đam mê đã lắng dịu, những tình cảm này hình như là rất buồn cười với chúng ta.

Ở đây trí huệ là một sự cứu giúp lớn lao cho chúng ta. Nó là cái rào chắn ngăn cho chúng ta khỏi tuôn vào trong cái loại chuyện giả tưởng này, và khi chúng ta thôi đánh giá thực tại theo yêu và ghét, chúng ta không còn lệ thuộc vào ham muốn và thù hận. Hai nguyên lý được thống nhất trong sự thực hành này là phương tiện nhằm trau dồi thái độ vị tha của từ bi và mặt kia là trí huệ, nhờ nó những hiện tượng hiển lộ tính chất vô tự tánh.

Tôi đọc tụng mỗi ngày những câu kệ này và trong những hoàn cảnh khó khăn, tôi chú tâm thâm nhập ý nghĩa. Tôi rút ra từ đó một sự bồi bổ. Có lẽ chúng cũng soi sáng cho một số người trong các bạn. Chính trong hy vọng này mà tôi giải thích chúng cho các bạn. Nếu thấy chúng có hiệu lực, hãy đưa chúng vào thực hành ; nếu không, cũng chẳng có vấn đề gì, hãy bỏ chúng qua một bên.

Pháp – hay là giáo lý – không phải tạo ra để tranh luận. Chúng ta giữ gìn những lời dạy này được khẩu truyền từ những bậc thầy mà ý định của các ngài là đến để giúp đỡ cho người, và không phải để nuôi dưỡng những sự cãi cọ.

Với tư cách là một Phật tử, nếu tôi bắt gặp mình tranh cãi với một tín đồ của tôn giáo khác, tôi sẽ nghĩ rằng Đức Phật – nếu ngài đang hiện diện – sẽ khiển trách tôi. Giáo pháp chỉ có lý do hiện hữu trong dòng tâm thức của chúng ta là để cho chúng ta kiểm soát được tâm thức đó.

 Để kết luận, tôi thỉnh cầu các bạn hãy tức thời trau dồi từ bi càng nhiều càng tốt, sự kính trọng những người khác, sự chia xẻ với nỗi khổ đau của họ. Giữ trong tâm mình ý nguyện cải thiện số phận của người khác và ít ích kỷ hơn. Dù bạn có đức tin tôn giáo hay không có, dầu sự cầu nguyện của bạn gởi đến Chúa hay Phật, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là có lòng, nhiệt thành trong những mối quan hệ hàng ngày. Đó cũng chính là nguyên lý của đời sống.

* Tu viện Phật giáo Lạt Ma ở Hoa Kỳ,Washington, New Jersey

Xem mục lục