LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP
Tháng hai năm 1990, hơn một trăm Phật tử từ nhiều nơi trên thế giới tập trung vềhọc ở tu viện có tên Root Institute, một trung tâm Phật giáo trong thành cổ Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ, nơi mà Đức Phật đã thành tựu Chánh Giác cách đây 2500 năm. Lớp học là một cái lều rộng trang hoàng nhiều màu sắc được dựng lên trên nền đất của tu viện ngày xưa.
Khóa học này là một phần hoạt động định kỳ của các khóa giảng giáo lý và lễ quán đảnh có tên "Kỷ niệm sự thành tựu giác ngộ lần thứ ba" do Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Đại thừa (viết tắt FPMT) lập ra.
Từ ngày 16 đến ngày 25 tháng hai năm 1990, Lama Thubten Zopa Rinpoche (từ đây trở đi, từ "Rinpoche" chỉ cho Lama Zopa-ND), người lãnh đạo tinh thần của FPMT, đã giảng về "những giáo huấn của truyền thống Kadampa"; khóa học có mười bài giảng dựa theo tác phẩm Khai mở Cánh cửa Pháp do vị hành giả du già Tây tạng Lodro Gyaltsen trước tác vào thế kỷ 15.
Rinpoche đã gây ngạc nhiên cho các đệ tử đang theo học khi tuyên bố rằng vào cuối những năm hai mươi tuổi sau khi đọc tác phẩm đó, Rinpoche mới hiểu được ý nghĩa chân thật của việc tu tập Pháp. Họ ngạc nhiên bởi vì qua nhiều năm theo học với Rinpoche và thông qua uy tín của ngài, các đệ tử hiện diện trong khóa học, bằng kinh nghiệm, đã biết rằng Rinpoche từng giây phút đã và đang hiến dâng cuộc đời mình cho Pháp, cho việc tu tập tâm linh; đồng thời họ cũng biết rằng Rinpoche là một tấm gương hoàn hảo của một hành giả tu tập Pháp. Như vậy rõ ràng, có một nhân duyên đặc biệt để được nghe khóa giảng này.
Như Rinpoche thuật lại trong phần dẫn nhập, ngài sinh năm1946 trong vùng Solu Khumbu nước Nepal gần núi Everest. Theo lời kể lại của mẹ ngài, khi bắt đầu biết nói Rinpoche thường bảo: "tôi là Lawudo Lama". Lawudo Lama có tên thật là Kunsang Yeshe đã mất năm 1945; ông nổi tiếng là một hành giả khổ hạnh và đạt giác ngộ rất cao. Trong hai mươi năm cuối đời, ông đã sống và thiền định trong một hang động ở Lawudo, và là người dẫn dắt tâm linh cho dân cư địa phương. Đặc biệt ông đã phụng sự dân làng với một năng lực vô tận và cũng như các đại hành giả du già, ông đã vượt qua được nhu cầu nghỉ ngủ.
Trên thực tế, bé trai đã được thừa nhận là vị tái sinh của Lawudo Lama. Ngawang Chopel,đệ tử chính của Lawudo Lama, theo truyền thống, đã đến tham vấn nhiều Lama cao cấp ở Tây tạng, tất cả đều đồng ý xác nhận vị tái sinh này. Thêm nữa, Lama Zopa Rinpoche đã chỉ trúng các vật dụng cũ của Lawudo Lama đã dùng.
Trong phần dẫn nhập, Rinpoche kể cho chúng ta nghe về thời niên thiếu của ngài. Đầu tiên, Rinpoche ở tại tu viện Thami, về sau tại Rolwaling, Nepal và cuối cùng đi đến Tây tạng, ở tu viện của Doma Geshe Rinpoche xứ Pagri. Lawudo Lama là một hành giả cư sĩ thuộc truyền thống Nyingma, trái lại khi Lama Zopa Rinpoche đến ở tu viện Domo Geshe, Rinpoche lần đầu tiếp xúc với truyền thống Gelug và trở thành một tu sĩ. Vị Hộ Pháp ở tu viện cũng xác nhận Rinpoche là một Lama tái sinh và đã cho những chỉ giáo để nuôi dạy ngài.
Sau ba năm ở Pagri, Rinpoche quyết định đi đến tu viện Sera, một trong những trường đại học Phật giáo nổi tiếng của Gelug ở gần Lhasa để tiếp tục tu học. Tuy nhiên vị Hộ Pháp bất ngờ khuyên Rinpoche đừng đi và nên ẩn tu thiền định.
Như Rinpoche kể lại, khi nghe tin người Trung Hoa sắp đến vùng Pagri, Rinpoche bỏ đi đến nước Bhutan rồi sang Ấn Độ, tới Buxa Duar ở miền Tây Bengal. Rinpoche ở lại đây tám năm, tiếp tục tu học với hàng trăm Lama, các tăng, và ni sư di cư sang, sống trong một trại tập trung của người Anh lập nên trước đây.
Chính trong lúc này, Rinpoche được Lama Thubten Yeshe thuộc Tu viện Sera, quan tâm chăm sóc và từ đó Rinpoche luôn luôn là đệ tử tâm huyết cho đến khi Lama Yeshe mất vào năm 1984. Khi Lama Yeshe mất, Rinpoche đã nói: "Lama Yeshe đối với tôi còn hơn một người cha, hơn một người mẹ", "Lama Yeshe đã chăm sóc tôi như gà mẹ dùng mỏ mớm thức ăn cho con".
Ròng rã suốt hai mươi năm sau đó, hai vị Lama này đã có những tác động rất lớn lao đến thế giới phương tây, thu hút hàng ngàn đệ tử nhờ vào năng lực giảng dạy cũng như lòng từ bi bao la; các ngài miệt mài họat động vì lợi ích người khác.
Năm1965 khi Rinpoche bị đau phổi đang điều dưỡng ở Darjeeling, hai Lama đã gặp Zina Rachevsky, đệ tử đầu tiên của họ từ Mỹ đến. Là con gái một nhà quí tộc Ukraina trốn sang Pháp trong thời cách mạng Nga; cô Zina bắt đầu nhận sự giảng dạy từ Lama Yeshe và Rinpoche với vốn liếng tiếng Anh mới học, làm thông dịch cho cô ta.Từ đó về sau, cả hai Lama đã đặc biệt dạy Pháp cho các đệ tử phương Tây bằng tiếng Anh.
Vào năm 1968, lúc đó Zina đã xuất gia, họ cùng chuyển tới Nepal. Và chính ở Nepal sự nối kết của hai vị Lama với các đệ tử phương Tây bắt đầu phát triển mạnh. Trước tiên, họ ở Baudhanath ngay ngoài thành Kathmandu, nơi có một cái tháp Phật cổ. Theo như Rinpoche kể lại "mỗi ngày từ cửa sổ, Lama Yeshe đưa mắt nhìn ra xa tới ngọn đồi phía bắc, bên kia những đám ruộng bậc thang dưới thung lũng. Ngài dường như bị ngọn đồi thu hút và vào một ngày nọ chúng tôi ra khỏi nhà đi đến tận ngọn đồi đó để xem xét. Đó là đồi Kopan".
Đồi Kopan trước kia là nơi ở của nhà chiêm tinh của Vua Nepal, và năm 1969 hai vị Lama dời đến đó ở. Năm sau, nhận lời mời của thân quyến, Rinpoche trở về thăm Solu Khumbu và trong thời gian này, người con trai của Lawudo Lama trao lại cho Rinpoche hang động Lawudo cùng các đồ dùng trước đây của cha mình. Cũng chính trong thời gian này, Rinpoche mới hoàn thành được tâm nguyện của Lawudo Lama là lập một tu viện cho con em trong vùng. Rinpoche đặt tên ngôi trường là "Trung tâm Mount Everest".
Năm 1971, Rinpoche ban bài giảng đầu tiên cho một nhóm mười hai đệ tử phương Tây - một bài giảng sâu sắc về thiền định và triết lý Phật giáo. Chính lần giảng dạy đầu tiên này mà sau đó đã trở thành sự kiện mang tính thông lệ hàng năm và thu hút hàng trăm người tham dự từ nhiều nơi trên thế giới.
Chán ngán xu hướng tôn sùng vật chất, thiếu thốn một điều gì có thể phù hợp cho những khao khát nội tâm, những người phương Tây đã tìm đến đây và đã cảm xúc sâu xa bởi những phương pháp của Phật giáo Đại thừa tràn đầy lòng từ bi và minh triết, thực tiễn. Đó không phải là những ngôn từ trống rỗng mà là một truyền thống giáo lý và những thực hành thiền định sống động, một dòng truyền thừa từ thầy sang trò không gián đoạn, xuất phát từ Đức Phật truyền cho tới ngày nay. Các phương pháp đó có hiệu quả rõ rệt, lấy bằng chứng cụ thể từ việc sống cùng với các Lama, lắng nghe họ giảng, cũng như làm theo những lời chỉ dạy dành riêng cho mình hay để ý tới những hành động của các Lama khi ở cùng người khác. Đây là những phương pháp thể hiện rất sống động về sự nhẫn nại, ưu ái, hài hước, uyên bác, hoan hỉ, tràn đầy lòng thương yêu.
Đáp lại yêu cầu của các đệ tử phương Tây mỗi lúc một nhiều, các Lama đã đi phương Tây lần đầu vào năm 1974. Họ đến nước Mỹ, Úc, New Zealand và chặng dừng chân đầu tiên là ở New York. Rinpoche nói: "Chuyến đi không gây ngạc nhiên cho tôi lắm vì tôi đã không thấy lạ đối với những nơi ấy nhờ vào việc học tiếng Anh từ tạp chí Times, và gặp nhiều người phương Tây trẻ có, già có, nghe họ nói về kinh nghiệm sống của họ ở đó".
Sau các chuyến đi của hai Lama, các đệ tử ở nhiều quốc gia bắt đầu thành lập các trung tâm giảng Pháp và Thiền định, và vào năm 1975 khi mạng lưới các trung tâm này đủ lớn mạnh, Lama Yeshe quyết định đặt tên cho hệ thống này là Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Đại thừa (viết tắt FPMT). Kopan là đầu mối của tổ chức này. Mỗi năm Rinpoche mở lớp giảng được gọi là "Khóa giảng tháng mười một". Số lượng trung tâm tăng không ngừng, và hàng năm các Lama từ Kopan đi đến các trung tâm trên thế giới, đáp ứng những lời mời thỉnh giảng dạy càng lúc càng tăng.
Giờ đây "Trung tâm Mount Everest" đã dời từ núi xuống thung lũng Kathmandu ở Kopan, cơ sở này tiếp tục mở rộng thêm để phục vụ việc tu tập cho người Sherpas, Manangpas, Tsumpas và cho nhiều người khác nữa ở Nepal cũng như cho những người Tây tạng.
Năm 1973 Zina Rachevsky bị bệnh và chết giữa lúc đang ẩn tu thiền định. Theo như Rinpoche nói, có những dấu hiệu lúc Zina mất cho thấy ni sư đã thành tựu những chứng ngộ tâm linh.
Một năm sau, khi về thăm lại hang động Lawudo, Rinpoche bắt gặp cuốn sách giáo lý mà nó được làm nền tảng cho tác phẩm này. Cuốn sách đó đã khiến Rinpoche nói rằng chỉ sau khi đọc nó, Rinpoche mới tìm ra được "phương cách tu tập Pháp".
Nội dung cuốn sách như thế nào mà khiến Rinpoche, một hành giảvĩ đại, đã nói như vậy? Như Rinpoche có giải thích, Khai mở Cánh cửa Pháp (tên cuốn sách-ND) là "thực hành đầu tiên bạn phải áp dụng nếu bạn muốn tu tập Pháp".
Như Rinpoche xác định ngay từ đầu và cũng như trong suốt tác phẩm này, điểm chủ yếu là: một thực hành được coi là tu tập tâm linh hay không, không phải được xác định bằng hình thức tu tập như Thiền định, cầu nguyện hay tụng kinh, trì chú mà phải được xác định bằng động cơ (tâm nguyện) muốn tu tập. Rinpoche chỉ rõ cái gọi là hoạt động tâm linh có thể không phải là hành động tu tập Pháp, nói cách khác, nó không đem tới một quả vị thiện hạnh nếu nó được thúc đẩy bởi ham muốn, gắn với những thành đạt tầm thường của đời sống thế tục này.
Ngược lại ngay cả cái gọi là một hoạt động thế tục có thể sẽ là sự tu tập Pháp nếu nó được thúc đẩy bởi một động cơ vì mục tiêu lớn rộng hơn, lâu dài hơn.
Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, động cơ của một hành động được coi lớn nhất là ước muốn thành tựu giác ngộ để dẫn dắt người khác đạt tới trí tuệ và đại bi tối thượng. Tiêu điểm này là độc nhất vô nhị của Đại thừa, con đường của các Bồ Tát - các vị có được tâm giác ngộ, bồ đề tâm không cần dụng công (mặc nhiên tự phát) ; nói cách khác, một động cơ Đại thừa tự nhiên và liên tục tự phát. Lamrim - đường đạo từng bước đưa tới giác ngộ - đã vạch rõ những phương pháp khác nhau để thành tựu bồ đề tâm. Giáo lý này bao gồm những phép tu từng bước, rút từ các lời dạy của Đức Phật, lần đầu tiên được Lama Atisha vĩ đại giảng dạy ở Tây tạng vào thế kỷ mười một.
Một phương pháp rất hữu hiệu khác nữa để phát triển bồ đề tâm là làm theo một loạt các lời dạy và thiền định, được gọi là chuyển hóa suy nghĩ hay luyện tâm (tiếng Tạng: lo-jong). Phương pháp này đặc biệt nhấn mạnh sự tu tập trao đổi mình với người, nói cách khác, yêu thương chăm sóc người khác thay vì nuông chiều bản thân mình.
Nói chung, hành giả học sử dụng từng giây phút của cuộc sống - dù đang được sung sướng hay bất hạnh - để phá hủy chướng ngại lớn nhất của bồ đề tâm, đó là thói quen chỉ biết có mình, chỉ biết lo cho mình.
Trong tác phẩm Giải thoát trong Lòng Bàn tay, Pabongka Dechen Nyingpo giải thích rằng:
Phép chuyển hóa suy nghĩ (lo-jong) có thể xua tan bóng tối của vị kỷ (nuông chiều mình - ND), giống như một tia sáng có thể xua tan đêm đen. Nó có thể trừ khử căn bệnh vị kỷ giống như thảo dược có thể trị lành bệnh tật. Trong thời đại ngày nay khi năm thứ suy đồi đang rất phổ biến và các phép tu khác không hiệu quả thì phép luyện tâm này (lo jong) sẽ giúp được cho bạn và bạn sẽ không bị các nghịch cảnh gây trở ngại. Phép tu này có tác dụng rất to lớn.(trang 588-589)
Phép luyện tâm này được dạy đầu tiên vào thế kỷ thứ tám bởi Shantideva, vị đạo sư Đại thừa ở Ấn Độ; ngài khuyên các hành giả du già thực hành phép tu tập này một cách bí mật bởi vì, như Pabongka Dechen Nyingpo nói, chúng không "làm hài lòng một bình chứa không thích hợp".
Chính Đại sư Atisha đã đem giáo lý này đến Tây tạng và bí mật trao truyền cho Dromtonpa, đệ tử ruột của ngài. Và từ đó bắt đầu giòng truyền thừa Kadampa vĩ đại gồm các vị du già nổi tiếng trong phép tu tập chuyển hóa suy nghĩ (lo-jong). Và ngày nay các du già Đại thừa áp dụng phép tu tập này trong các khóa thiền chính.
Luận giảng Khai mở Cánh cửa Pháp thuộc truyền thống Kadampa này. Cuốn sách chủ yếu nhấn mạnh đến nhược điểm của sự ham muốn, đến vô thường và cái chết. Những điều này là "những thực hành đầu tiên nếu bạn muốn tu tập Pháp", bởi vì, thực tế mà nói, một khi thấy được rằng liền sau ham muốn có nhân của đau khổ, bạn mới có khả năng tu tập và cuối cùng bạn mới có thể hoán đổi mình với người khác để phát triển bồ đề tâm.
Với cuốn sách "Cánh cửa Mãn nguyện" này, Lama Zopa Rinpoche đã sử dụng những lý lẽ mạnh mẽ, xác thực, nêu ra cho người đọc thấy rằng, bằng việc thực hành những phương pháp này và bằng sự nhận biết không có cái tôi để nuông chiều, chúng ta có thể phát hiện được sự mãn nguyện và sự hạnh phúc của mình ỏ mức sâu sắc nhất, tức là sự giác ngộ, và từ đó chúng ta có thể dẫn dắt người khác đạt tới trạng thái giác ngộ viên mãn.
Đây là lời khuyên tâm huyết, cốt lõi trong những bài giảng của Rinpoche từ khi ngài ban cho khóa thiền định đầu tiên năm 1971. Rinpoche là một Kadampa trong thời hiện đại. Ngài là một tấm gương điển hình hoàn hảo về những lời giảng mà ngài đã dạy và ngài đã không ngừng yêu thương chăm sóc người khác hơn là bản thân mình.
Từ khi người thầy kính yêu của ngài là Lama Yeshe qua đời vào năm 1984, Lama Zopa Rinpoche là vị Lãnh đạo Tinh thần duy nhất của FPMT. Tổ chức này tiếp tục phát triển ở nhiều nước, có hơn bảy mươi trung tâm thiền định, nhập thất, chữa bệnh cũng như những tu viện, nhà xuất bản và các hoạt động khác nữa trên mười bảy quốc gia.
Kopan đang phát triển mạnh. Trung tâm Mount Everest giờ đây là nhà của hơn 250 tăng ni đang theo học giáo lý Phật theo cách thức tu viện truyền thống.
Rinpoche không ngừng đi nhiều nơi trong thế giới (mandala) của Ngài, giảng dạy và dẫn dắt hàng ngàn đệ tử. Đặc biệt nhất trong số các đệ tử mà Rinpoche đang dẫn dắt có Lama Tenzin Osel Rinpoche, sinh năm 1985 ở Tây Ban Nha, được đức H.H.Dalai Lama chính thức thừa nhận là vị tái sinh của Lama Thubten Yeshe. Giờ đây đến lượt Lama Zopa là "còn hơn một người cha, hơn một người mẹ". Rinpoche chăm lo dạy dỗ vị Lama trẻ này từng giây từng phút, chuẩn bị cho Lama trẻ này có thể đảm đương một khối lượng rất lớn các hoạt động Phật Pháp với tư cách là Lama Yeshe.
Chúng tôi chân thành biết ơn Merry Colony, Alfred Leyens, Connie Miller, Paula Chichester và Roger Munro đã đóng góp cho cuốn sách này được xuất bản. Xin cầu nguyện cho những ai đọc Cánh cửa Mãn nguyện nhanh chóng nhận ra tiềm năng tự tại, đạt tới hạnh phúc tối thượng.