Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Đến đây, sẽ ích lợi khi nhìn qua mỗi cái trong bốn yoga tantra tối thượng này : đầu tiên là ba truyền thống chính và rồi chính hệ thống Kalachakra. Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại nói về con đường của ba truyền thống chính yoga tantra tối thượng trong tác phẩm Tâm của các giáo huấn giác ngộ(1) :

Đối với những ai chưa no đủ với các thực hành Giáo thừa, thì có bốn loại tantra : kriya, charya, yoga và yoga tantra tối thượng.

Tinh túy của bốn cái này là yoga tantra tối thượng, hay là ‘phần tantra tối cao’, qua nó sự giác ngộ viên mãn về Phật tánh rốt ráo có thể được hoàn thành chỉ trong một đời này.

Để hoàn thành Phật tánh tròn đủ, người ta cần một con đường kết hợp cả hai mặt phương tiện (năng lực) và trí huệ (soi thấy). Điều này tạo ra trạng thái đại hòa hợp của thân và tâm đã tiến hóa, đây là sự đạt đạo tối hậu. Trong các yoga tantra tối thượng, ‘phương tiện’ ám chỉ các yoga thân huyễn và ‘trí huệ’ để chỉ các yoga tịnh quang.

Hệ thống yoga tantra tối thượng xiển dương rõ nhất con đường các yoga thân huyễn là hệ thống Guhyasamaja, ‘Tantra của cuộc Hội Họp bí mật’. Hệ thống xiển dương rõ nhất các yoga tịnh quang là hệ thống Heruka Chakrasamvara, ‘Tantra của Luân xa Lạc Phúc Heruka’. Những điểm chính yếu của cả hai hệ thống này được kết hợp khéo léo trong truyền thống Yamantaka, ‘Tantra của Người Hủy Diệt cái chết’.

Bởi thế ba hệ thống yoga tantra tối thượng này – Guhyasamaja, Heruka Chakrasamvara và Yamantaka – làm việc rất tốt với nhau như là một phương tiện thống nhất đem lại giác ngộ mau chóng và dễ dàng.

Như chúng ta đã thấy ở trước, mỗi hệ thống này về lý thuyết và thực hành được hình thành bởi giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu, như trường hợp của tất cả mọi yoga tantra tối thượng khác, gồm cả Kalachakra. Trong mọi hệ thống ấy, giai đoạn phát triển bao gồm sự nâng cấp tâm thức qua một sự chuyển hóa căn để của ý thức bản ngã, và một sự trau dồi trí tưởng tượng sáng tạo, trong đó người ta phát khởi các quán tưởng về các giai đoạn của sự bộc lộ của mạn đà la.(2)

Ở đây nói rằng người ta cần làm cho vững chắc hai sức mạnh, đó là sự sáng tỏ bên trong và sự kiêu hãnh linh thánh.(3) Cái trước ám chỉ khả năng an trụ trong các quán tưởng mạn đà la với sự rõ ràng và một sự hiện diện sáng tỏ của tâm thức ; cái sau nhằm để chỉ sự chuyển biến cái cảm thức bình thường về cái ta, hay bản ngã thành sự tự xác nhận mình như là bổn tôn của mạn đà la. Sự chuyển hóa bản ngã này tạo ra sự giải thoát khỏi cảm thức bình thường về cái ta, cùng với mọi ảo giác và giới hạn ngăn che nảy sanh từ cái đó, sự chuyển hóa ấy tức thời đặt người ta vào khuôn khổ Mật thừa.

Yoga tantra tối thượng đầu tiên phổ biến rộng rãi ở Ấn Độ là Guhyasamaja. Đó cũng là một trong các hệ thống tantra cấp cao thịnh hành nhất. Trong truyền thống Tây Tạng, người ta thường nói rằng nếu ai hiểu biết các yoga của giai đoạn phát khởi và thành tựu của Guhyasamaja, sự hiểu biết ấy có thể được dùng như là một cơ sở hạ tầng cho sự thấu hiểu mọi hệ thống tantra khác.

Giai đoạn phát khởi thường được định nghĩa như sau : Một yoga tantric có hiệu lực chuẩn bị (tâm thức của một thiền giả) cho giai đoạn thành tựu và có đặc tính thiền định về các kinh nghiệm cái chết, trạng thái trung ấm và tái sanh như là con đường của ba thân Phật – dharmakaya (Chân thân), sambhogakaya (Báo thân) và nirmanakaya (Hóa thân). Trong khuôn khổ ấy, các từ ngữ ‘con đường đầu tiên’, ‘con đường của trí tưởng tượng sáng tạo’, ‘giai đoạn phát sanh, phát triển’ và ‘con đường của sự phóng chiếu tâm thức’ đều đồng nghĩa và như thế ám chỉ tiến trình thiền định như nhau này.(4)

Trong truyền thống Guhyasamaja, giai đoạn phát khởi bắt đầu với sự thiền định về trí huệ của tánh Không của bốn cửa giải thoát. Đây là thời gian khi vũ trụ trước khi được phá hủy và trở thành hư không. Sau đó vũ trụ lại bắt đầu thành hình, và các nguyên tố một lần nữa bắt đầu xuất hiện trở lại. Tiến trình này được biểu trưng bằng sự sanh khởi của vòng bánh xe bảo vệ, dharamodaya, bốn mạn đà la cơ bản, các chày kim cương chéo nhau, lâu đài không thể tri giác vân vân.

Sau đó vũ trụ chúng ta một lần nữa lại phát triển, chúng sanh hữu tình xuất hiện lại trong đó. Đây là thời hoàng kim trên trái đất, và mọi chúng sanh lúc ấy sanh ra một cách kỳ diệu. Để biểu trưng điều này, ba mươi hai hóa thần của mạn đà la được quán tưởng như đột nhiên xuất hiện đồng thời trong một sát na.

Tiếp theo là sự an vị các hóa thần tantra ở các nơi đặc biệt của thân thể chính mình như là khuôn mặt chính của mạn đà la. Người ta thiền định rằng các hóa thần ấy là không khác biệt trong bản chất với các uẩn, các nguyên tố vân vân. Điều này thiết lập nền tảng cho sự quán tưởng hóa thần.

Thế giới quan của các truyền thống Guhyasamaja là các chúng sanh với nghiệp trải qua sự sanh ra từ một dạ con vào trên hành tinh này và thân thể của chúng được hợp thành bởi sáu chất vô thường cuối cùng phải gặp gỡ cái chết. Khi chết, họ kinh nghiệm sự tan rã của hai mươi lăm chất thô : năm uẩn, năm thức đầu, bốn đại, sáu cửa giác quan, và năm đối tượng cảm giác. Ở mỗi phần đoạn của sự tan rã này, có dấu hiệu bên ngoài do năng lượng cảm giác tương ứng mất đi hiệu năng của nó, và cũng có nguyên tố tương ứng mất sức mạnh. Đồng thời xảy ra các dấu hiệu bên trong, như là cái thấy ảo ảnh, khói, con đom đóm, sự lóe lên của ánh sáng giống như sự lóe lên của cây đèn sáp. Khi các nguyên tố tan biến như thế, có phần đoạn ba phần của sự thu hút năng lượng sống, gọi là xuất hiện, tăng trưởng, và cận đạt. (Chúng ta sẽ thấy các từ chính yếu này nhiều hơn về sau trong phần dịch Kalachakra.) Cái này tan vào trong kinh nghiệm của tâm thức tịnh quang. Một cảm giác sáng tỏ sanh ra, giống như sự rạng rỡ rung động của bình minh trong sáng.

Với mức độ tịnh quang này của tâm thức hoạt động như một điều kiện đồng thời hiện diện và năng lực trôi chảy nó là chiếc xe của tâm thức này, hoạt động như là nguyên nhân chất thể, người chết nổi lên từ kinh nghiệm tịnh quang và sửa soạn đi vào bardo, hay là trạng thái trung gian giữa cái chết và sự tái sanh.(5)

Ba phần đoạn (nói ở trên) xuất hiện, tăng trưởng và cận đạt, cũng như những cái thấy ảo ảnh, khói, vân vân bây giờ lại xuất hiện. Tuy nhiên, lần này thứ tự xuất hiện của chúng thì ngược lại. Theo cách ấy, người chết rời bỏ tịnh quang và đi vào trung ấm.

Sự thiền định tiếp theo trong giai đoạn phát triển của Guhyasamaja bao gồm năm phần đoạn của sự biểu lộ nó đại diện cho năm con đường như là các giai đoạn của tiến trình đời sống. Các cái này được biết như là năm sự tịnh hóa trong sáng, hay năm giác ngộ : tánh Như, chỗ ngồi, biểu tượng, chủng tự và thân thể hóa thần trọn vẹn.

Thiền giả quán tưởng các giai đoạn của năm sự biểu lộ này và (tưởng tượng) khởi lên như một thân thể hóa thần đầy lạc phúc. Rồi ngay khi thân trung ấm đi vào dạ con và sau đó tái sanh, vị hóa thần với thân thể lạc phúc chuyển hóa thành hóa thân của Vajrasattva.

Như thế các thiền định về tiến trình hợp thành, tan rã, sanh, chết, trung ấm vân vân của thế giới và các cư dân của nó, và được tượng trưng bởi các giai đoạn khác nhau bắt đầu với sự tịnh hóa trong tánh Như cho đến sự dâng cúng tánh Như, được xem là sự hoàn thành hoàn hảo ý định của con người. Chúng tạo nên sự thiền định gọi là ‘sự áp dụng đầu tiên’.

Rồi để biểu trưng các hành động về thân của giai đoạn ‘quả’ của Phật tánh, các hóa thần của mạn đà la cùng với các phối ngẫu của gia tộc riêng của các vị, được triệu tập nơi trái tim. Những đám mây các hóa thân được gởi ra và thu vào để tịnh hóa thế giới và các cư dân của nó.

Trong các giai đoạn tiếp theo của tiến trình, các hành động tâm ý của giai đoạn ‘quả’ của Phật tánh được biểu trưng như sau. Để làm ngưng sự vọng động và hôn trầm của tâm thức, người ta quán tưởng các dụng cụ cầm tay huyền bí, cỡ nhỏ, ở đầu mũi. Để thay đổi, người ta vận hành sự tập trung nhất điểm vào một hạt cỡ bằng một hạt mù tạt, trong đó hình dung toàn bộ mạn đà la. Điều này được hoàn thành cùng với tiến trình phát ra và thu vào, và được biết như là yoga của sự thấu hiểu vi tế được nâng đỡ bởi định.

Bây giờ các hành động về lời nói của Phật tánh được biểu trưng bằng sự trì tụng thần chú trong tâm thức cũng như ngoài miệng.

Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại tóm lược tiến trình :

Tóm lại, từ phần đoạn thiền định về các dụng cụ huyền bí cầm tay ở cửa trên cho đến phần đoạn thiết lập các thần lực, có bốn mươi chín bước được trau dồi.

Đó là ba đại định, gọi là sự áp dụng đầu tiên ; bốn nhánh gọi là làm vừa lòng, xấp xỉ đắc, đắc và đại đắc ; bốn yoga để trau dồi, gọi là yoga, yoga trung gian, yoga mãnh liệt, và đại yoga ; bốn giai đoạn kim cương là giác ngộ tánh Không, nhập định chủng tử, thành tựu hình tướng và an vị chủng tự thần chú ; vân vân. Đây là các tiền trình của giai đoạn phát sanh của Guhyasamaja được trau dồi như là sơ bộ để vào các yoga của giai đoạn thành tựu.

Đó là bản chất của các yoga giai đoạn phát sanh của Guhyasamaja, một tantra dương đặc biệt sử dụng tham muốn như con đường đến giác ngộ.

Còn đối với các thực hành giai đoạn phát sanh của hệ thống Yamantaka, nó dùng sức mạnh giận dữ và hung hãn để giác ngộ, một tóm lược tốt nhất của hệ thống này được tìm thấy trong Hai giai đoạn yoga của Yamantaka Tantra của Lama Lobzang Chinpa, đó là một bình giảng về một bài kệ ngắn viết về sự thực hành Yamantaka của Dalai Lama thứ Hai :

Hai thực hành chính trong giai đoạn phát sanh của Yamantaka là sự sáng tỏ rạng rỡ bên trong và sự trau dồi kiêu hãnh linh thánh. Áp dụng hai cái ấy vào các phân đoạn khác nhau của thiền định giai đoạn phát sanh, người ta trở nên quen thuộc với các thiền định lấy cái chết như con đường của Pháp thân, lấy trạng thái trung ấm như là Báo thân, và lấy sự tái sanh như là Hóa thân.

Trước tiên, người ta hoàn thành sự quán tưởng thô bằng cách thiền định về toàn thể mạn đà la. Rồi người ta quán tưởng mạn đà la trong hạt, nó rút vào trong hoa sen của phối ngẫu. Đây là quán tưởng tế.

Thiền định về mạn đà la theo cách này làm mạnh thêm những chủng tử của ba thân Phật và như thế mở ra một mạng lưới ánh sáng để trục xuất bóng tối ra khỏi cái chết, trung ấm và tái sanh.

Qua việc thiền định theo cách này về các yoga giai đoạn phát sanh trong bốn thời một ngày – trước bình minh, sau buổi sáng, sau ngọ và buổi tối – người ta sẽ nhanh chóng đặt nền móng trên đó các yoga của giai đoạn thành tựu có thể tiến hành và trạng thái giác ngộ mau chóng đạt đến.

Cái thứ ba của các hệ thống yoga tantra tối thượng được học tập trong hai tu viện trung tâm của phái Gelukpa là Heruka Chakrasamvara, nó thuộc loại tantra âm. Lama Tsongkhapa tán dương một cách hậu hỹ truyền thống này :

Người ta nói rằng các yoga tantra tối thượng thuộc âm

Thì vô số không tính đếm được ;

Nhưng trong tất cả chúng, cái trung tâm và tối thượng

Là Heruka Chakrasamvara,

Một tantra giống như sự trang hoàng

Trên đầu ngọn cờ chiến thắng.

Đây là truyền thống được Lama Tsongkhapa chấp nhận như là trái tim của các yoga tantra tối thượng thuộc âm.

Có ba dòng phái Ấn Độ chính về truyền thống Heruka Chakrasamvara, là ba dòng phái của đại thành tựu giả (mahasiddha) Luipada (TT. Luipa), Gandhapada (TT. Tilbupa) và Krishnacharyin (TT. Nakchopa). Mỗi dòng được giữ gìn trong các truyền thừa riêng biệt. Mặc dầu tinh túy của ba cái là như nhau, các mạn đà la của mỗi phái khác nhau trong các bộ phận phức tạp.

Dalai Lama thứ Hai phác họa giai đoạn phát sanh của Heruka Chakrasamvara trong Các Yoga tantric của sư tỷ Niguma :

Ở đây người ta tập trung vào (thực hành mạn đà la) như là mạn đà la năm hóa thần Heruka Chakrasamvara, và thanh tịnh hóa trong tâm thức các nền móng của cái chết, trạng thái trung ấm và tái sanh, một cách tâm thức chuyển hóa các cái này thành ba thân hoàn hảo của Phật (pháp thân, báo thân và hóa thân). Điều này làm chín muồi dòng hiện sinh của người ta để tu hành giai đoạn thành tựu, các phương pháp của giai đoạn này sẽ thành tựu sự tịnh hóa và chuyển hóa thực sự.

Tóm lại, người ta phải hoàn thành cả hai khía cạnh thô và tế của giai đoạn phát sanh để chuyển hóa ba trạng thái này thành ba thân của giác ngộ. Hơn nữa, có nói rằng người ta phải thiền định một mạn đà la càng phức tạp càng tốt cho mục đích này. Mức độ phức tạp của mạn đà la được quán tưởng trong giai đoạn phát sanh ảnh hưởng đến mức độ tịnh hóa được bao nhiêu ba nền móng này (cái chết, trung ấm và tái sanh) ; và mạn đà la quán tưởng càng phức tạp thì hiệu năng người ta càng mạnh mẽ để làm chín muồi dòng tâm thức tương tục trong giai đoạn thành tựu.

Như chúng ta sẽ thấy trong một chương sau, các yoga của giai đoạn phát triển của hệ thống Kalachakra được đặt nền trên cùng các nguyên lý này, dầu chúng chứa đựng một số tính cách độc nhất.

Một khi hành giả đã được sự vững chắc trong các tu hành giai đoạn phát sanh này, người ấy có thể đi vào các yoga của giai đoạn thành tựu.(6)

Xem mục lục