Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, mỗi một loại trong ba loại tantra cấp thấp – kriya, charya và yoga – có một số hệ thống trong nó. Chúng được tượng trưng bởi một mạn đà la cá nhân, với một vị thần ở trung tâm tượng trưng toàn bộ truyền thống yoga kế thừa tantra ấy. Tiến trình bắt đầu với một sự nhập môn, và chính lễ nhập môn cũng thay đổi tùy theo từng loại của ba loại tantra.
Mức độ thứ nhất của sự tu hành được gọi là ‘yoga của các biểu tượng’, một sự thiền định gồm tự quán tưởng mình và người khác như là các hóa thần giác ngộ của mạn đà la. Mọi hình tướng đều trở thành mạn đà la và các hóa thần ; mọi âm thanh được nghe như là thần chú ; và mọi tư tưởng khởi lên như là tác động qua lại của thú vui của trí huệ thiêng liêng với các đối tượng của tri thức. Các từ chính xác dùng để mô tả sự kết hợp xuất thần của tâm thức và đối tượng của nó thay đổi với mỗi loại trong bốn loại tantra, và đôi khi ngay trong các hệ thống tantra khác biệt của cùng một loại. Tính chất của các hóa thần bổn tôn để quán tưởng được diễn tả khác nhau trong mỗi loại tantra, dầu cho có một chủ đề tương tự như nhau về các hóa thần là các biểu tượng của phương diện tâm thức của chính con người được dùng để thành tựu giác ngộ, các phương pháp hiện thực nhờ đó giác ngộ đạt được, và chính trạng thái giác ngộ như là một tiêu chuẩn hiện sinh. Cả ba cái này ở Tây Tạng gọi là zhi lam drebu, hay là căn cứ, đạo và quả.(1)
Dalai Lama thứ Bảy diễn tả yếu tính của sự tu hành ‘yoga của các biểu tượng’ trong Những bài ca của sự biến chuyển tâm linh theo cách như sau :
Bất cứ chỗ nào bạn đi, bất cứ điều gì bạn làm,
Hãy nhìn chính bạn trong hình tướng của bổn tôn
Với một thân thể huyễn hóa tuy biểu lộ mà trống rỗng ;
An trụ như thế trong lâu đài bất khả tư nghì của trí huệ,
Xem các âm thanh như thần chú và những tư tưởng như cảm hứng thiêng liêng.
Cấp độ thứ hai của sự tu hành gọi là ‘yoga siêu vượt khỏi các biểu tượng’. Ở đây cách thức thiền định trở nên không có hình tướng và bên trong hơn. Trong một bài thơ diễn tả các giai đoạn trong sự tu hành Mật thừa của chính mình Lama Tsongkhapa viết :
Người ta có thể nói rằng các yoga tantra tối thượng
Là cao nhất trong bốn loại tantra ;
Nhưng khi nói thế, người ta không biết
Những con đường của ba tantra cấp thấp,
Thì lời nói họ nhạt nhẽo đến vô nghĩa.
Hiểu được điều đó cho nên,
Đầu tiên tôi làm quen với kriya tantra,
Cả tổng quát lẫn đặc biệt, của ba gia tộc kriya…
Loại đầu tiên của bốn loại tantra là kriya. Ở đây ‘ba gia tộc’ của kriya mà Lama Tsongkhapa nói đến là gia tộc tối thượng Vairochana, cũng gọi là Gia tộc Như Lai, nó gồm các hóa thần của mạn đà la như Manjushri, Ushnishavijaya, và Sitatapatra v.v… ; Gia tộc Padma trung gian, gồm Avalokitesvara, Tara v.v… ; và Gia tộc Vajra nền tảng, gồm Vajrapani, Vajravidarana v.v… Mọi hệ thống kriya đều nằm trong một của ba ‘gia tộc’ này.
Như với tất cả các con đường tantra, tiến trình bắt đầu với sự nhận các lễ nhập môn. Nghi lễ qua đó sự nhập môn được trao cho mở ra với sự ấn định nơi chốn của buổi lễ trao truyền. Các hóa thần của mạn đà la được triệu thỉnh, ‘cái bình’ nhập môn được ban sức, các đệ tử được nâng cao mức độ và vân vân. Tiếp theo là các lễ nhập môn ‘tràng hoa’, ‘nước’ và vương miện. Như vậy, đệ tử trưởng thành và chín dần theo các tiến trình này, và được trao quyền đi vào thực hành các yoga kriya.
Kỹ thuật yoga chính được dùng trong thực hành kriya tantra được biết như là ‘dhyana(2) của bốn nhánh trì tụng’. Trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo, Dalai Lama thứ Mười Ba diễn tả như sau :
Đầu tiên là căn-cứ-tự-mình, hay sự phát khởi chính mình như là hóa thần của mạn đà la. Nó gồm thiền định về sáu hóa thần (hay giai đoạn phát khởi như là một hóa thần) : tánh Như, âm thanh thần chú, chữ thần chú, hình tướng lưu xuất, các ấn, và các biểu tượng.
Tiếp theo là căn cứ luân phiên, nghĩa là phát khởi mạn đà la nâng đỡ và được nâng đỡ, và các hóa thần ở trước mặt, gởi đến các tán thán và dâng cúng v.v…
Thứ ba là căn cứ tâm thức, trong đó người ta thiền định rằng tâm mình an trụ trên chiếc dĩa mặt trăng ở tim mình.
Cuối cùng là căn cứ nghe, trong đó người ta tập trung vào chủng tự thần chú và chuỗi các chữ của thần chú trên chiếc dĩa mặt trăng, và rồi trì tụng thần chú.
Thêm vào các phương pháp yoga này, kriya còn nói đến dhyana an trụ trong lửa. Ở đây, người ta quán tưởng chính mình như là hóa thần bổn tôn của mạn đà la, thấy rằng ở trái tim là một khối lửa sáng chói có bản chất là tánh Không. Người ta chú tâm vào khối lửa này. Âm thanh của chú phát ra từ bên trong khối lửa. Chú tâm vào đó tức là dhyana của âm thanh.
Đó là những thực hành gọi là ‘Yoga của các biểu tượng’, giai đoạn đầu của yoga kriya.(3) Khi đã phát triển thành thạo trong các thực hành ấy, người ta tiến hành ‘yoga siêu việt các biểu tượng’, trong đó người ta tiến vào shamatha (định) và vipashyana (quán) được thúc đẩy bởi xuất thần của thân và tâm. Đây là sự thực hành được gọi là ‘dhyana đem lại giải thoát nơi sự chấm dứt của âm thanh’.
Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại kết thúc sự khảo sát của ngài về kriya tantra với lời nói :
Qua sự trụ vào các dhyana khác nhau này cùng với yoga các biểu tượng, người ta đạt đến các chứng đắc cao nhất, ở giữa hay ở căn bản, và khi trở nên một vị thiện tri thức của một đời, người ta hoàn thành sự thành tựu tối thượng.
Loại tantra thứ hai được biết là charya, hay ‘hoạt động’. Lama Tsongkhapa đánh giá về chúng :
Loại tantra thứ hai gọi là charya.
Hệ thống charya tantra chính
Là Vairochana Abhisambodhi tantra.
Với sự tu hành trong hệ thống ấy tôi đã đạt kinh nghiệm xác thực
Về những điểm tối cao của charya tantra.
Cũng như trong những phần kriya, sự thực hành về charya tantra có hai thứ, là yoga của các biểu tượng và yoga siêu việt các biểu tượng.
Cũng lại như trên, sự áp dụng charya tantra phải bắt đầu bằng sự nhập môn. Ở đây bốn sự nhập môn ‘cái bình’ được trao truyền. Những sự nhập môn này như là những nền tảng của sự tẩy sạch kết hợp với quá trình này, có những tên đôi chút khác biệt trong các truyền thống charya khác nhau. Những tên chung nhất cho bốn thứ là sự nhập môn nước, dải quàng đầu, vajra và chuông, và tên.
Cuốn Hướng dẫn của vị thứ Mười Ba Vĩ Đại tóm lược tính chất của con đường charya :
Phần chủ yếu của tu hành charya, con đường, cùng với kết quả đạt được là rất tương tự với các hệ thống kriya. Tuy nhiên, ở đây trong sự thực hành phát khởi mạn đà la của chính mình như là hóa thần, không cần phải có đủ sáu giai đoạn về hóa thần (như trong trường hợp kriya yoga đã giải thích ở trên). Cũng vậy, ở đây dhyana của bốn nhánh trì tụng được áp dụng trong cả hai phương diện bên trong và bên ngoài (đó không phải là trường hợp của kriya tantra).(4)
Loại thứ ba gọi là yoga tantra. Một bài kệ của Lama Tsongkhapa bày tỏ sự hiểu biết của ngài về chúng :
Hạng nhất trong các truyền thống chính
Của loại tantra thứ ba, yoga tantra,
Là Tattvasamgraha và Vajra Shekhara Tantra.
Khi thực hành vào các hệ thống ấy,
Tôi kinh nghiệm một bữa tiệc yoga tantra.
Trong các yoga tantra, bốn yếu tố khởi sanh trên cơ sở của bốn vô minh căn bản – ba vô minh gốc tham, sân, si và chấp ngã. Chúng được chuyển hóa thành bốn trí huệ nguyên sơ là quả(5) – diệu quan sát trí, bình đẳng tánh trí, thành sở tác trí và đại viên cảnh trí. Phương tiện là yoga của sự thâm sâu bất nhị và tính quang minh kết hợp với nhau, cùng với thái độ Đại thừa (Bồ đề tâm) và một sự áp dụng đặc biệt các Ba la mật rộng lượng, trí huệ và tinh tấn.
Bốn trí huệ nguyên sơ này biểu lộ trong bốn phương diện Gia tộc Như Lai : Như Lai ‘Kim Cương giới’ ; Kim Cương ‘Chiến thắng ba cõi’ ; Hoa Sen ‘Rèn luyện đời sống’ và Gia đình karma ‘Kỳ công hoàn tất’, kết hợp cả hai bản chất Ratna và Karma.
Như một sơ bộ để thực hành các yoga tantra, người ta phải nhận được sự nhập môn vào bất cứ cái nào trong các Gia tộc Như Lai thích hợp với tính cách cá nhân của mình. Căn cứ cho lễ nhập môn có thể là đá phấn, vải, hay mạn đà la để thiền định.
Sự nhập môn thực sự đòi hỏi phát lời nguyện của Bồ tát, sự thệ nguyện với năm Gia tộc Như Lai,(6) sự thệ nguyện giữ bí mật, năm sự nhập môn về hiểu biết và cũng có sự nhập môn của vị thầy, và kết thúc với những bài kệ tán… Khi người đệ tử đã trưởng thành và chín do nhận được sự nhập môn, họ có quyền đi vào các yoga của hai giai đoạn – giai đoạn biểu tượng và giai đoạn siêu vượt biểu tượng.
Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại đã diễn tả con đường của các yoga tantra trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo :
Nhờ vào mạn đà la và các hoạt động chiến thắng tối thượng được cử hành trong các hình thức rộng lớn, trung bình hay ngắn gọn, người ta tu hành yoga thô của các biểu tượng. Trước hết, người ta tự quán tưởng mình như là hóa thần bổn tôn của mạn đà la và rồi sanh khởi hóa thần đằng trước mặt, hội đủ cả mạn đà la nâng đỡ và được nâng đỡ trong thiền định. Sau khi điều này được hoàn thành, mạn đà la vi tế được sanh khởi ở đầu mũi của chính mình như là vị hóa thần. Các dấu hiệu và biểu tượng của gia tộc mà mạn đà la liên kết cũng được quán tưởng tương tự. Bấy giờ tâm thức trụ vào hình ảnh vi tế này, và bằng cách vận dụng mạnh mẽ các phương pháp chung cho cả ba loại tantra cấp thấp người ta hoàn thành yoga tế của các biểu tượng.
Tiếp theo, người ta đi vào yoga siêu việt biểu tượng bằng cách đưa tâm thức nhập vào cõi giới thanh tịnh trong tánh Không, các sự vật được tịnh hóa gồm tự thân người quán tưởng và các mạn đà la, hóa thần, thần chú v.v… được phát khởi trước mặt. Theo cách này, những phương diện bình thường của thân, khẩu, ý và các hoạt động dần dần thu hoạch được những tính chất rõ ràng, hiển nhiên của các hình tướng hóa thần nâng đỡ và được nâng đỡ. Đây là ‘thân mahamurdra’. Âm thanh của thần chú được nghe một cách tự nhiên. Đây là ‘khẩu mahamudra’. Trí huệ của sự thâm sâu bất nhị và tính quang minh, nó được duy trì bởi shamatha (định) và vipashyana (quán) hòa hợp với nhau, là ‘tâm samayamudra’. Sự hiện tướng của các hoạt động bất tịnh tự động ngừng dứt và bốn hoạt động của tantra là bình định, tăng trưởng, năng lực và phẫn nộ được thành tựu chỉ bằng sự nhập định. Đây là ‘hoạt động karmamudra’.
Truyền thống này nói rằng khi dấu ấn của bốn mudra này được áp dụng bởi một vị Bồ tát trì giữ trong hình tướng của một vị Phật và vị ấy là một thiện tri thức ở địa thứ mười gần dòng sanh tử, thì chư Phật mười phương xuất định. Rồi chư Phật mở lộ cho các sự trao truyền và các thần chú trí huệ, nhờ chúng mà vị Bồ tát kinh nghiệm năm sự tẩy tịnh (hay năm giác ngộ) và thành tựu giác ngộ cuối cùng.(7)
Một số các từ kỹ thuật quan trọng được dùng ở đây chúng ta sẽ thấy về sau trong các văn cảnh khác nhau. Trong số ấy có từ dhyana, một từ tìm thấy rất nhiều trong khắp văn chương của các tantra cấp thấp ; như chúng ta sẽ thấy ở sau, từ này cũng không thể thiếu trong các yoga Kalachakra, dầu nó được áp dụng trong một nghĩa khác. Bốn mudra đề cập ở trên cũng được thảo luận rộng rãi trong hệ thống Kalachakra ; và cũng trong một văn cảnh khác.
Có thể nói rằng trong những lý do mà sự nghiên cứu các tantra cấp thấp là một sơ bộ ích lợi cho sự nghiên cứu các tantra cao hơn chính vì thường thường một từ (và kỹ thuật yoga mà nó biểu trưng) được dùng trong hệ thống đơn giản lại cung cấp nền tảng cho sự hiểu được nó trong môi trường phức tạp hơn của các yoga tantra tối cao.
Dalai Lama thứ Hai diễn tả tình cảm căn bản của sự thực hành Mật thừa trong Những vần thơ huyền bí của một Dalai Lama điên :
Kinh nghiệm của một thiền giả là như vầy :
Thế giới được thấy như là mạn đà la huyền bí
Và các chúng sanh là các hóa thần ;
Bất cứ thứ gì mình ăn và uống
Đều trở thành cao lương mỹ vị hân hoan ;
Tất cả mọi hành động đều trở thành linh thánh,
Bất kể chúng xuất hiện một cách quy ước như thế nào ;
Và mỗi âm thanh mình tạo ra
Đều trở thành một phần của bài ca kim cương vĩ đại.
Tôi, một hành giả Mật thừa, với một tâm hồn lạc phúc ;
Tôi, một hành giả Mật thừa, phát sanh lòng tốt tự nhiên
Trong bất kỳ việc gì tôi làm đến.
Tất cả hóa thần nam nhảy múa trong tôi
Và tất cả hóa thần nữ làm chảy dòng kênh
Của những bài ca kim cương thiêng liêng của họ qua tôi.