“The way of the white clouds” (tạm dịch: Đường mây qua xứ tuyết) là tập sách ghi nhận những điều tác giả Anagarika Govinda chứng kiến trong thời gian du hành Tây Tạng.
Đối với người Tây Tạng, mây có nhiều ý nghĩa huyền bí. Nhìn vào các bức họa Tây Tạng (thankas), gần như bức nào cũng thấy họ vẽ các đám mây màu sắc khác nhau. Mây tượng trưng cho sự sáng tạo vì nó có thể mang bất cứ hình thù gì. Mây trắng tượng trưng cho môi trường để sự sáng tạo có thể nẩy nở, phát sinh nhưng nó còn có nghĩa là đám mây Pháp (Dharma megba) mà từ đó chân lý được biểu lộ.
Tây Tạng là một xứ nằm ở vị trí hiểm trở, biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhờ thế, nó duy trì được một nền văn minh cổ khác với những nền văn minh mà chúng ta được biết đến. Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó. Và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn.
Hành trình của tác giả đến vùng đất này diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập Tây Tạng vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh. Vì vậy, khi tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ, rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng, vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa, nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.
Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại. Nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà "bỏ rơi" vùng đất này. Do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma.
Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khi những biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về khái niệm tự do, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng, mà tác giả Anagarika Govinda lẫn dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.
Còn rất nhiều những điều khác tại Tây Tạng không giống như nhiều người vẫn nghĩ. Có lẽ vì vậy mà Tây Tạng lại có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với thế giới ngày nay. Phải chăng nó tượng trưng cho một cái gì huyền bí, khơi gợi trí tò mò hay một điều gì mơ hồ mà người ta chưa nhận thức được?
Tác giả cuốn sách, Lama Anagarika Govinda, tên thật là Ernst Lothar Hoffman. Ông là nhà nghiên cứu triết học, tu sĩ Phật giáo, họa sĩ và giáo sư Phật học người Đức. Vào năm 1928–1930, ông đến Sri Lanka xuất gia với Đại đức Nyantiloka Mahathera. Ông là một học giả uyên thâm về Pāli, với mười hai cuốn sách viết về Phật giáo Nam Tông. Ông còn là một thành viên trong Ban Quản trị Hội Phật giáo Thế giới.
Năm 1947, ông qua Tây Tạng rồi có duyên được Lạt Ma Ngaxvang Kalzang (Tomo Geshe Rinpoche) nhận làm đệ tử. Ông đã du lịch khắp xứ này, tiếp xúc với nhiều tu sĩ, thăm viếng nhiều ngôi chùa cổ hẻo lánh và ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe vào cuốn du ký The Way of The White Clouds - Đường mây qua xứ tuyết. Ông còn viết thêm nhiều sách biên khảo về Tây Tạng, đáng kể nhất là hai cuốn The Psychological Attitude of Early Buddhist Philosophy (Thái độ tâm lý trong triết học Phật giáo nguyên thủy) và The Foundations of Tibetian Mysticism (Nền tảng Mật giáo Tây Tạng). Ông qua đời năm 1985.
Dịch giả cuốn Đường mây qua xứ tuyết là Nguyên Phong. Ông tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Nguyên Phong rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán.
Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle, Mỹ. Ông còn giảng dạy tại một số đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông. Trong số đó, có thể kể đến các ấn phẩm: Hành Trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết…
Đọc thêm: Giáo Sư John Vũ – Nguyên Phong Niềm Tự Hào Của Người Việt Nam.