Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
C. LUẬN VỀ CHƠN NĂNG LẬP:
 

     Tuy phân tách tỉ mỉ như trên, nhưng đại cương thì Nhân minh chỉ có 8 điều cốt yếu là chơn năng lập, tợ năng lập, chơn năng phá, tợ năng phá, chơn hiện lượng, tợ hiện lượng, chơn tỷ lượng, tợ tỷ lượng. Và 8 điều này nhằm vào hai mục đích là tự ngộ và ngộ tha. Trong hai mục đích tự ngộ và ngộ tha, Nhân minh nghiêng về ngộ tha. Và trong ngộ tha có 4 điều là: Chơn năng lập, tợ năng lập, chơn năng phá, tợ năng phá, trong đó chơn năng lập và tợ năng lập là chủ yếu nhất, như được trình bày tóm tắt trong cuốn Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận của Thiên Chủ, mà ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây:
      Chơn năng lập: (Gồm tôn đúng, nhân đúng, dụ đúng)
      Trong Nhân minh có hai từ năng lập. Năng lập đối với năng phá, và năng lập đối với sở lập. Chữ năng lập ở đây là đối với năng phá mà nói, chứ không phải nói theo nghĩa năng lập đối với sở lập. Năng lập đối với sở lập là ở cùng một luận thức Nhân minh có ba chi gồm: tôn, nhân, dụ, trong đó tôn là sở lập; nhân, dụ là năng lập. Còn ở đây năng lập đối với năng phá thì năng lập gồm cả tôn, nhân, dụ. Tôn đúng đắn không phạm sai lầm, đủ khả năng thành lập: Nhân, dụ đúng đắn không phạm sai lầm, đủ khả năng thành lập. Chung lại cả ba chi tôn, nhân, dụ đều đúng đắn, không phạm sai lầm, đủ khả năng thành lập thì gọi là năng lập. Nhưng để phân biệt với năng lập sai (tợ năng lập) nên gọi là chơn năng lập. (Định nghĩa chữ năng lập của tôn ở đây khác với tất cả các nơi khác). Trong luận dùng câu: “Năng lập và năng phá”.
     C1. CHƠN NĂNG LẬP TÔN (tôn đúng)
     Tôn là Tôn chủ, Tôn chỉ, mệnh đề, chủ trương của người lập luận.
      C1.1. Tôn có tôn y và tôn thể hay gọi là biệt tôn, tổng tôn. Mệnh đề tôn gồm có danh từ trước và danh từ sau.
      Danh từ trước (tiền trần), và danh từ sau (hậu trần) của mệnh đề tôn đều gọi là tôn ý, vì nó mới chỉ là tài liệu, là yếu tố để y cứ vào đó mà tổ chức mệnh đề (tôn) chứ nó chưa phải là mệnh đề. khi nào hai danh từ trước và sau kết hợp lại với nhau thành mệnh đề thống nhất thì mới gọi là tôn thể. Như vậy, tôn y là chỉ cho danh từ trước và danh từ sau, phải được cả hai bên lập và địch đồng công nhận ý nghĩa của nó. (Nhân minh gọi là cực thành); nhưng tôn thể thì chỉ cần bên lập công nhận mà địch không công nhận mới được, và sự lập tôn mới có ý nghĩa. Ví như lập tôn: “Vàng là rắn độc”. Nếu nói vàng và rắn độc, thì đó chỉ là hai vật khác nhau, không có gì để tranh cãi. Vì hai bên đều biết vàng là thế nào, rắn độc là thế nào, không còn cãi nhau vàng hay không vàng, rắn độc hay không rắn độc. Nhưng khi kếp hợp tôn y là vàng và rắn độc lại với nhau bởi một hệ từ “là” thành ra tôn thể “vàng là rắn độc” thì bấy giờ mới có sự không đồng tình và cãi nhau. Vì có người không đồng tình vàng là rắn độc mà cho “vàng là vật quý đem lại vui thích”. Như vậy, tôn thể là tiêu đích tranh luận giữa đôi bên, còn tôn y thì không phải tiêu đích tranh luận, và phải được hai bên đồng công nhận hay ít nhất phải được bên địch công nhận, trong trường hợp lập luận thức tấn công (phá luận). Nếu tôn y là danh từ trước và danh từ sau không được công nhận mà cứ dùng nó để tổ chức luận thức thì phạm lỗi “năng biệt”, sở biệt và câu bất cực thành”.
      Danh từ trước (tiền trần) chỉ về tự thể của sự vật. Danh từ sau (hậu trần) chỉ về ý nghĩa, tính cách của sự vật, nói tắt là thể và nghĩa của sự vật. Sự vật nào cũng có thể và nghĩa. Về thể có ba tên gọi là tự tánh, hữu pháp và sở biệt. Về nghĩa có ba tên gọi là sai biệt, pháp và năng biệt. Cả thể và nghĩa gọi chung thì có tự tánh, sai biệt; hữu pháp, pháp; sở biệt, năng biệt. Xem đồ biểu: 




    Tự tánh            đối         sai biệt
    Hữu pháp        đối         pháp.
    Sở biệt             đối         năng biệt


.     C1.2. Thế nào gọi là tự tánh và sai biệt?
      Sự vật nào cũng có tánh cách riêng, cuộc hạn vào tự thân của sự vật ấy mà không chung cùng với sự vật khác, đó gọi là tự tánh, tức chính bản thân sự vật đó là tự tánh, cũng gọi là tự tướng. Trên tự tánh ấy có nhiều tánh cách hay thuộc tính khác nhau (sai biệt) như “trăng trong”, “gió mát”, “hoa đẹp” v.v… Trăng, gió, hoa là tự tánh; trong, mát, đẹp là thuộc tính, tính cách. Nhưng trăng không phải chỉ có tính cách trong mà còn có tính cách mát, vàng, bạc, sáng, thành trăng mát, trăng vàng, trăng bạc, trăng sáng. Trăng là một, là tự tánh, nhưng trăng mát, vàng, bạc, sáng là những tánh cách sai khác của nó. Đó gọi là sai biệt. Vả lại, tính cách trong, mát, vàng, bạc, sáng không phải chỉ là tính cách riêng của trăng mà các vật khác cũng có những tính cách ấy, nên những tính cách này ở sách khác gọi là cọng tướng, nghĩa là tướng chung cùng giữa các vật. Trăng trong như vậy, thì gió mát, hoa đẹp v.v… đều có nghĩa như vậy.
     C1.3. Thế nào gọi là hữu pháp và pháp?
     Hữu Pháp là chỉ cho tự tánh, hay chính tự thể sự vật như nói trên. Còn Pháp là chỉ những tính cách, thuộc tính của sự vật như nói trên. Như nói “trăng trong”, “gió mát”, “hoa đẹp” v.v… thì trăng, gió, hoa là Hữu Pháp vì nó có các tánh cách trong, mát, đẹp … còn các tính trong mát, đẹp là Pháp. Nhờ những tính cách trong, mát, đẹp mà ta biết trăng là trăng, gió là gió, hoa là hoa chứ không phải là vật gì khác. Như vậy, trong, mát, đẹp… gọi là Pháp. Hữu Pháp tương đương với Tự tánh và Pháp tương đương với Sai biệt.
     C1.4. Thế nào gọi là sở biệt và năng biệt?
     Trong khi hai bên lập và địch tranh luận nhau không phải tranh luận về tự tánh tiền trần mà là tranh luận về tánh sai biệt của hậu trần. Khi nói: “Vàng là rắn độc” hay nói “Vàng là vật qúy” thì không phải tranh luận về vàng hay rắn độc mà chính là tranh luận về vàng là rắn độc, hay vật quý. Từ nơi “là rắn độc” hay “là vật quý” để phân biệt biết đến tính cách của vàng. Như vậy, tiền trần (vàng) là Sở biệt (bị phân biệt) mà hậu trần (rắn độc hay là vật quý) là Năng biệt (năng lực phân biệt). Sở biệt tương đương với Tự tánh và Hữu pháp nói trên, còn Năng biệt thì tương đương với Sai biệt và Pháp nói trên.
     C1.5.  Hoán đổi vị thứ giữa tiền trần, hậu trần (tức giữa thể và nghĩa)
     Theo môn tánh tướng trong Phật giáo thì Thể hay tự tánh là chỉ cho tự thể, tự thân của sự vật; còn Nghĩa hay sai biệt là chỉ cho thuộc tánh của sự vật. Thể luôn luôn là Thể, Nghĩa luôn luôn là Nghĩa, chứ không thể thay đổi Thể thành Nghĩa. Nghĩa thành Thể được. Nhưng ở Nhân minh lại khác. Thể không nhất định ở mãi vị trí thể, Nghĩa không nhất định ở mãi vị trí nghĩa, mà có thể thay đổi vị trí trước sau cho nhau. Có 4 trường hợp, như dưới đây:

     1. Thể chủ nghĩa khách – như nói: “Người ta (thể, chủ) nên có tâm đạo nghĩa “nghĩa, khách).
     2. Nghĩa chủ thể khách – như nói: “Tâm đạo nghĩa (nghĩa, chủ) là đặc tính của con người” (thể, khách) hoặc nói: “Thị, phi (nghĩa, chủ) do người” (thể, khách).
     3. Chủ khách đều thể – như nói: “Ngựa trắng (thể, chủ) không phải ngựa” (thể, khách).
     4. Chủ khách đều nghĩa – như nói: “vô thường (nghĩa, chủ) tức vô ngã” (nghĩa, khách).
     C1.6. Tôn thể
     Trước đã nói qua tôn y, tôn thể. Khi kết hợp hai tôn y lại thành tôn thể, thì phải đủ hai điều kiện; một là hữu pháp (tiền trần) và pháp (hậu trần) vốn sai biệt nhau, vì hữu pháp là thể, pháp là nghĩa. Nhưng thể và nghĩa phải không rời nhau (hỗ tương sai biệt, bất tương ly tánh) mơí thành tôn thể. Như nói: “Sắc ấm là vô ngã”, sắc ấm là hữu pháp, vô ngã là pháp. Giữa sắc ấm và vô ngã có khác nhau, vì có sắc ấm vô ngã, có thọ ấm vô ngã, có tưởng ấm vô ngã … Vô ngã là đồng, mà sắc và thọ, tưởng là khác, nên sắc ấm vô ngã khác thọ ấm vô ngã. Vả lại, đây là sắc ấm vô ngã chứ không phải sắc ấm ngã. Với hai cái Thể và Nghĩa khác nhau ấy kết hợp lại một chỗ không rời nhau mới thành tôn thể. Nếu sắc ấm riêng, vô ngã riêng, không kết hợp lại với nhau thì không thành tôn thể. Sắc ấm riêng và vô ngã riêng, thì sắc ấm chưa chắc vô ngã, và vô ngã cũng là vô ngã của cái gì chứ không phải vô ngã của sắc ấm. Đặc tính của tôn thể là ở chỗ “thuận ý mình mà trái ý người” (thuận tự vi tha). Vì có thế mới tranh luận, mới lập tôn. Nếu đã đồng ý nhau cả rồi thì lập tôn làm gì. Và càng trái ý người địch luận bao nhiêu, thì người lập luận càng đúng ý, càng cố nêu lên lý do và ví dụ để làm cho địch luận hiểu và chấp nhận. Giả sử đã thuận ý mình mà không trái ý người thì không cần lập tôn và cũng không cần đem nhân, dụ để lý giải, chứng minh. Như vậy, Nhân minh cũng không cần có. vậy muốn lập tôn phải chọn lựa trong bốn trường hợp lập tôn sau đây:
     1. Tôn (chủ trương) mà ai cũng đã công nhận (biến sở hứa tôn) như nói: “Mắt dùng để thấy, tai dùng để nghe”, “Con người có tri thức cao hơn động vật”… là điều mà ai cũng hiểu cả, không cần phải lập tôn.
     2. Tôn (chủ trương) mà lập theo chủ trương trong cùng một tông phái (tiên thừa bẩm tôn). Người cùng tông phái đã cùng tin, cùng nhận lý thuyết đồng như nhau, thì cần gì phải đem lý thuyết đã đồng công nhận đó mà lập tôn? Có ai cãi lại đâu mà lập. Như người Phật giáo đối với người Phật giáo mà lập tôn rằng: “Mọi vật do nhân duyên sanh”, hay như người Thiên chúa giáo nói với người Thiên chúa giáo rằng: “Chúa trời là Đấng tạo hóa sanh muôn vật”. Đó là những điều chủ trương chung của tông phái, chưa lập nó đã thành. Ai cãi mà lập?

     3. Tôn mà lập ra chỉ nhằm đối chiếu đến một ý nghĩa khác (bàng bằng nghĩa tôn). Điều người lập luận muốn nói với người địch luận, nhưng lại không nói thẳng ra rõ ràng, mà chỉ nói một điều khác. Tuy nói ra điều khác nhưng trong ý lại muốn người địch luận bằng theo đó để hiểu đến điều mình không nói rõ ra kia. Như thế gọi là “bàng bằng nghĩa tôn”. Như nói: “Phật là đấng giác ngộ” nhưng trong ý lại muốn người địch luận bằng theo đó hiểu rằng: “Phật có đủ 32 tướng”. Hoặc như lập: “Âm thanh là vô thường” để bảo người địch luận bằng theo đó hiểu rằng: “Tất cả đều là vô ngã”. Người ta tranh luận ở điều được nói ra rõ ràng, chứ điều không nói ra rõ ràng thì biết đâu mà tranh luận. Vì vậy, cách lập tôn theo trường hợp này không có giá trị.
     4. Tôn (chủ trương) lập theo ý mình muốn (bất cố luận tôn). Đây là trường hợp lập tôn theo ý mình muốn chứ không phải theo ba trường hợp trên. Ba trường hợp trên là nương theo điều mọi người đã công nhận mà lập, nương theo chủ trương chung của tông phái mà lập, và lập mù mờ không nói ra rõ ràng. Lập theo ba trường hợp này là không cần thiết.
     Lập theo ý mình muốn, có 2 nghĩa: Một là không kể đến sự trái ý người địch luận, mà chỉ cần mình muốn chủ trương như thế nào thì cứ lập tôn như thế đó; nếu trái ý người địch luận thì lập tôn mới có ý nghĩa. Hai là, có khi không kể chủ trương của mình như thế nào, không cần đưa ra lý lẽ, mà chỉ thuận theo lý lẽ người địch luận, đưa ra lý do mà họ đã công nhận (dù mình không công nhận) để bác lại chủ trương của họ. Trường hợp lập tôn thứ 4 này đúng với chủ trương Nhân minh. Xem đồ biểu:
- Biến sở hứa tôn           Hai cách này trái quy tắc
- Tiên thừa bẩm tôn       “thuận ý mình, trái ý người”
- Bàng bằng nghĩa tôn    - Trái với luận thể vì ở   nơi ngôn ngữ không rõ ràng.
- Bất cố luận tôn.           - Đúng, có giá trị.
     Bản thể của nhân như trước đã nói là ngôn sanh nhân và trí liễu nhân. Ngôn sanh nhân là chủ yếu nhất. Ngôn luận rõ ràng của người lập làm nguyên nhân sanh ra trí liễu biết của người địch. Như vậy, ngôn luận là bản thể của luận lý Nhân minh. Nếu lập tôn như trường hợp thứ ba trên đây là trái ý nghĩa lấy ngôn luận làm thể của Nhân minh, nên dù có lập cũng không có giá trị.
    C2. CHƠN NĂNG LẬP NHÂN (Nhân năng lập đúng)
     Phần thứ hai của tam chi tác pháp là “Nhân”. Nhân đúng đắn không phạm sai lầm, đủ khả năng thành lập được tôn, gọi là nhân chơn năng lập. Nhân chơn năng lập ấy phải có đủ ba tướng, tức ba phương diện hướng tới ấy phải có đủ ba tướng, tức ba phương diện hướng tới quan hệ với tôn tiền trần hữu pháp, là một (biến thị tôn pháp tánh); quan hệ với một bộ phận những sự kiện đồng phẩm tính với tôn hậu trần pháp, là hai (đồng phẩm định hữu tánh); và không quan hệ với toàn bộ những sự kiện khác phẩm tính với tôn hậu trần pháp, là ba (dị phẩm biến vô tánh). Như trên đã nói, tôn là một mệnh đề gồm có hai ngôn từ ghép lại, ngôn từ phát biểu ra trước gọi là tiền trần, tự tánh, sở biệt, hữu pháp. Ngôn từ phát biểu ra sau gọi là hậu trần, sai biệt, năng biệt pháp.
     Tướng thứ nhất của nhân là “biến thị tôn pháp tính”, tức Nhân phải quan hệ đầy đủ với tôn tiền trần hữu pháp. Nói cách khác, Nhân phải là một thuộc tính của tôn tiền trần hữu pháp. Như lập: “Âm thanh là vô thường” thì “âm thanh” là một vật thể, tiền trần hữu pháp, gồm có các thuộc tính như vô thường, vô hình, do tác động mà có ra, có thể nghe được v.v… chứ âm thanh không có các thuộc tính như có hình chất, có thể thấy được, có thể ngửi được, có cánh bay đi v.v… Như vậy, khi muốn lập tôn, người ta phải chọn lấy một thuộc tính của vật thể mà mình công nhận, nhưng bên địch không công nhận, đem làm tôn hậu trần, và chọn một thuộc tính khác của vật thể ấy được cả hai bên lập và địch đều công nhận, hay ít nhất bên địch công nhận để đem làm nhân. Như lập: “Âm thanh là vô thường”, vì “do tác động mà có ra”. “Vô thường” và “do tác động mà có ra” đều là thuộc tính của âm thanh, nhưng vì đối phương chỉ công nhận âm thanh có thuộc tính “do tác động mà có ra”, chứ không công nhận âm thanh có thuộc tính “vô thường”, nên bên lập lấy vô thường lập làm tôn “âm thanh là vô thường” và lấy tính cách “do tác động mà có ra” là một tính cách khác của âm thanh để lập làm nhân, nhân này chính là một tính cách liên hệ (có mặt) nơi âm thanh, là một thuộc tính của âm thanh. Đó là cái nhân có đủ tướng thứ nhất là “liên hệ đầy đủ với tôn tiền trần hữu pháp”, (biến thị tôn pháp tánh). Nếu ai ngớ ngẩn lập rằng: “Âm thanh là vô thường” và nhân là: “Vì có hình chất”, thì cái Nhân này phạm vào lỗi “hữu pháp tự tướng tương vi”, vì “có tính chất” không phải là một thuộc tính của âm thanh. Ở đây, tôn tiền trần hữu pháp là “âm thanh”, nhưng âm thanh là vô hình, âm thanh đâu có hình chất, hình chất đâu có liên hệ (có mặt) nơi âm thanh? Vậy nếu lấy lý do “có hình chất” để chứng minh, bênh vực cho tôn “âm thanh là vô thường” thì không thể nào chứng minh được, không ai chấp nhận. Vì sự vô lý quá rõ ràng.
     Tướng thứ hai của nhân là: “Đồng phẩm định hữu tánh”; tức là nhân phải có sự quan hệ nơi một số vật thể có đồng phẩm tính với tôn hậu trần pháp. Như lập tôn: “Âm thanh là vô thường” thì âm thanh là tiền trần hữu pháp, mà vô thường là một phẩm tính của âm thanh, là hậu trần pháp. Ngoài âm thanh ra, những vật thể gì mà có phẩm tính vô thường như âm thanh thì gọi đó là tôn đồng phẩm hay tôn đồng pháp. Am thanh vô thường, bình, bàn, cũng vô thường, vậy bình, bàn có đồng phẩm tính vô thường với âm thanh, nên có thể lấy bình, bàn làm ví dụ cho cái tôn “âm thanh là vô thường”. Như trên kia đã giải rõ tướng thứ nhất của nhân là nó phải liên hệ đầy đủ với tôn tiền trần hữu pháp. Tiếp đây, tướng thứ hai của nhân là nó phải liên hệ với một số vật thể nào có cùng phẩm tính với tôn hậu trần pháp, nghĩa là liên hệ với tôn đồng phẩm. Nhưng sự liên hệ này không bắt buộc phải liên hệ toàn bộ những gì thuộc tôn đồng phẩm, mà chỉ cần liên hệ với một số vật thể nào đồng phẩm, mà chỉ cần liên hệ với một số vật thể nào đồng phẩm với tôn để có thể lấy đó làm đồng dụ mà thôi. Như lập tôn: “Âm thanh là vô thường”, nhân: Vì do tác động mà có ra”, ví dụ: “Như bình, bàn”. Bình, bàn là vô thường. Vậy bình, bàn là đồng phẩm tính với âm thanh. Bình, bàn cũng do tác động mà có ra như âm thanh. Thế là cái nhân “do tạo tác mà có” có đủ tướng thứ hai là “liên hệ với tôn đồng phẩm”. Tuy nhiên, không phải toàn bộ những gì vô thường đồng phẩm tính với âm thanh cũng đều do tạo tác mà có ra, như sấm sét, gió, mưa. Đó là ý nghĩa của câu: “Đồng phẩm định hữu tánh”. Cái nhân “do tạo tác mà có” không cần liên hệ toàn bộ những vật gì đồng phẩm tính vô thường với âm thanh, mà chỉ cần liên hệ một số vừa có tính vô thường, vừa có tính do tạo tác mà có ra, để lấy nó làm đồng phẩm dụ là được, chứ không bắt buộc tất cả những vật gì có tính vô thường với âm thanh là phải có tính do tạo tác mà có ra như âm thanh.
     Tướng thứ ba của nhân là “dị phẩm biến vô tánh”. Tức là cái nhân phải hoàn toàn không liên hệ gì nơi toàn bộ sự vật khác phẩm tính với tôn. Như tôn: “Âm thanh là vô thường”, vậy tất cả những sự vật gì “thường còn” thì khác phẩm tính vô thường của tôn. Đó gọi là tôn dị phẩm. Như âm thanh do tạo tác mà có, âm thanh 

là vô thường, trái lại tất cả những gì “thường” thì đều không do tạo tác mà có. đây là cái tướng thứ ba của nhân “dị phẩm biến vô tánh”. Biến vô tức hoàn toàn không liên hệ. Nếu trong tất cả những gì thường còn khác với phẩm tính vô thường của âm thanh, mà lại có một thứ có tính “do tạo tác mà có ra” như âm thanh, thì cái nhân này thiếu mất tướng thứ ba. Nó là một thứ nhân sai lầm không dùng được. Xem đồ biểu nhân ba tướng ở dưới:

 
   

 

          tướng               N       tướng thứ hai là         đồng
T       Thứ nhất là        H                                         dụ
Ô       Biến thị                    tướng thứ ba là           dị
N       Tôn pháp          N       dị phẩm biến vô          dụ
 
        Nhân đủ ba tướng là tổng quát chín cú nhân nói trên, chẳng qua chín cú nhân mới nói đến sự quan hệ của nhân đối với tôn đồng phẩm và tôn dị phẩm, chứ chưa nói đến sự quan hệ của nhân đối với tôn tiền trần hữu pháp, tức là tướng cần có thứ nhất của nhân.
      Ở đây cần nói thêm. Muốn thành lập cái lượng chơn chánh, phải chú ý hai điều:
     1. Tôn là mục tiêu tranh luận, luôn luôn phải là bên lập công nhận mà bên địch không công nhận, tức là thuận ý bên lập mà trái ý bên địch.
     2. Phạm vi của nhân phải lớn hơn hoặc ngang bằng phạm vi của tôn, chứ không thể hẹp hơn hoặc ra ngoài phạm vi của tôn,


     Phạm vi của nhân lớn hơn phạm vi của tôn, tức nhân ấy vừa có tính cách quán thông với tôn hữu pháp (tiền trần) vừa có tính cách quán thông với toàn thể những gì đồng phẩm loại với tôn pháp (hậu trần). Như lập:
    –      Tôn: Con người sẽ phải chết.
    –      Nhân: Vì là sinh vật vậy.
    Cái nhân “vì là sinh vật” không những bao quát “con người” là sinh vật phải chết, mà còn bao quát cả trâu, bò, heo, dê… Những thứ sinh vật ấy cũng đều sẽ phải chết cả. Như vậy, cái nhân “vì là sinh vật” chẳng những phải quan hệ với “con người” mà còn phải quan hệ với “sẽ phải chết”, nghĩa là phải quan hệ với cả thể và nghĩa của tôn, chứ không thể chỉ quan hệ với “con người” mà không quan hệ với “sẽ phải chết”. Nếu chỉ quan hệ với “con người” mà không quan hệ với “sẽ phải chết”, thì ngoài con người ra, chẳng có gì để lấy làm đồng dụ, để chứng minh “con người” sẽ phải chết hay sẽ không phải chết. Còn nếu chỉ quan hệ với “sẽ phải chết” mà không quan hệ với “con người” tức không phải là thuộc tánh của con người, không dính dáng đến con người, thì cái nhân “vì là sinh vật” đó chỉ là để giải thích cho cái gì “sẽ phải chết” chứ không phải để giải thích cho “con người sẽ phải chết”.
    Phạm vi của nhân cần phải rộng hơn hoặc ngang bằng phạm vi của tôn tiền trần hữu pháp và hẹp hơn tôn hậu trần pháp mới được. Như lập:

     –      Tôn: Chỗ ấy đã từng có người ở.
     –      Nhân: Vì còn có dấu tích đồ gốm.
     Ở đây phạm vi của nhân “còn có dấu tích đồ gốm” rộng hơn phạm vi tôn tiền trần hữu pháp “chỗ ấy”. Thế là nhân có đủ tướng thứ nhất “biến thị tôn pháp tánh”; nhân này lại hẹp hơn phạm vi tôn hậu trần pháp, “đã từng có loài người ở”. Vì chỗ đã từng có loài người ở, có chỗ để lại dấu tích đồ gốm, cũng có chỗ không để lại dấu tích đồ gốm. Thế là nhân này có đủ tướng thứ hai “đồng phẩm định hữu tánh”, như vậy là nhân đúng. Chỗ còn có dấu tích đồ gốm thì chắc chắn chỗ ấy đã từng có loài người ở. Trường hợp phạm vi nhân rộng hơn tôn hậu trần pháp thì sai. Như lập:
     –      Tôn : Chỗ ấy đã từng có người ở.
     –      Nhân: Vì có nhiều sỏi đá, sông ngòi…
     Ở đây, phạm vi nhân “có nhiều sỏi đá, sông ngòi” quá rộng mà phạm vi tôn “chỗ ấy từng có loài người ở” quá hẹp, nên cái nhân này trở thành cái nhân phạm lỗi “cọng bất định”, không có khả năng chứng minh để thành lập tôn, như vậy là nhân sai.
     C2.1. Ngôn ngữ ba phần, nghĩa lý ba tướng (Ngôn tam chi, nghĩa tam tướng)
     Nhân minh luận, đứng về hình thức ngôn luận thì nói là ba chi (ba phần hay ba đoạn), đứng về lý nghĩa nội dung thì nói là ba tướng, tức là ba điều kiện hay ba mặt, ba đặc tính. Ba chi là tôn, nhân, dụ. Ba tướng là nhân có đủ ba phương diện.

     Đứng về hình thức luận lý thì tôn không phải là nhân, nhân không phải là dụ. Tôn, nhân, dụ có hệ thống thứ tự nhất định trên phương diện ngôn ngữ. Nhưng đứng về nghĩa lý nội dung thì nhân là quan trọng hơn cả, nó phải có đủ tính cách bao hàm cả luận thức, tức là phải quán thông bao nhiếp cả tôn và dụ. Nghĩa là nó phải có đủ ba tướng: Một là có tính cách quan hệ đầy đủ với tôn tiền trần hữu pháp. Hai là phải có tính cách quan hệ ít nhất với một bộ phận đồng phẩm của tôn hậu trần pháp. Và ba là tuyệt đối không có quan hệ với toàn bộ dị phẩm của tôn hậu trần pháp. Ví dụ con người phải chết, vì là sinh vật. Vậy thứ gì “không chết” là dị phẩm của tôn hậu trần pháp. Và những gì không chết thì hoàn toàn tuyệt đối không phải là sinh vật. Còn đã là “sinh vật” thì “phải chết”. Sinh vật mà không chết là điều không thể có được.
     C3. CHƠN NĂNG LẬP DỤ
     Sao gọi là dụ? Dụ là ví dụ, tức lấy điều đã biết ví dụ khiến cho biết được điều chưa biết. Nhưng ví dụ theo thông thường là chỉ đủ để hiểu sự việc chứ không có gì sâu sắc, không phải là điều cần thiết khi nào cũng phải có như ở Nhân minh. Nhân minh dùng ví dụ để tạo thêm sức mạnh, để chứng minh cho chủ trương được rõ ràng xác đáng khiến đối phương phải thừa nhận. Như thông thường nói: “Người kia ngốc như cục đất”, thì ví dụ cục đất không thể chứng minh được gì thêm cho sự ngu ngốc của người kia. Nhưng khi Nhân minh nói: “Âm thanh là vô thường, vì do tác động mà có, ví dụ như bình”, thì cái ví dụ như bình này rất cần thiết để chứng minh cho âm thanh là vô thường. Bởi vì, “như bình” tự nó đã bao hàm hai tính cách “do tác động mà có” là điều đã được đôi bên công nhận, và “vô thường” là tính cách mà bên địch chưa biết công nhận. Như vậy, một ví dụ đúng theo Nhân minh bao giờ cũng bao hàm trong nó tính cách của Nhân, đã được đôi bên đồng công nhận và tính cách của tôn hậu trần mà chỉ bên lập công nhận chứ bên địch chưa biết, chưa công nhận. như vậy mới là ví dụ đúng, có khả năng để chứng minh thành lập tôn. Có đồng dụ và dị dụ. Đồng dụ, dị dụ đều có dụ y và dụ thể.
     C3.1. Dụ y và dụ thể (sự dụ, lý dụ)
     Không luận đồng dụ hay dị dụ, mỗi thứ đều có dụ y và dụ thể. Sự dụ là chỉ sự vật cụ thể được nêu làm ví dụ, nó là chỗ tựa của lý nghĩa, nên gọi là dụ y. dụ thể là lý chỉ lý nghĩa để so sánh về sự tương quan hay không tương quan giữa dụ y với tôn, nhân. Như lập:
     –      Tôn: Âm thanh là vô thường.
     –      Nhân: Vì do tác động mà có.
     –      Đồng dụ: Những gì do tác động mà có đều là vô thường (đồng dụ thể), như cái bình (đồng dụ y).
     –      Dị dụ: Những gì thường đều không do tác động mà có (dị dụ thể), như hư không (dị dụ y).
     Về sự dụ, nếu được hai bên đồng công nhận càng tốt, nếu không thì ít nhất cũng phải được bên địch công nhận. Như trên, đồng dụ như cái bình và dị dụ như hư không. Nhưng nếu bên địch không công nhận cái bình có tính cách do tác động mà có ra, và là vô thường, và cũng không công nhận hư không có tính cách thường, và không do tác động mà có, thì bên lập không thể lấy bình làm đồng dụ và lấy hư không làm dị dụ. Lúc này phải lấy cái khác làm ví dụ. Có thể sự kiện được lấy làm ví dụ này, bên lập không công nhận mà bên địch công nhận vẫn được, vì bên lập chỉ cốt làm sao cho bên địch thừa nhận chủ trương của mình là được.
     Lại nữa, đồng dụ thì cốt lấy sự đồng tính cách với nhân là chủ, còn đồng tính cách với tôn là phụ. Như luận thức trên, đồng dụ lấy sự đồng tính cách với nhân “do tác động mà có” là chủ, và lấy sự đồng tính cách với tôn “vô thường” là phụ. Ngược lại, dị dụ thì lấy sự khác tính cách với tôn là chủ, còn sự khác tính cách với nhân là phụ.
     Lại nữa, nếu là tôn hữu thể (tức có thể chất cụ thể) thì sự dụ (dụ y) cũng phải là vật hữu thể. Nếu là tôn vô thể (tức không có thể chất, trừu tượng) thì sự dụ cũng phải vô thể, tức là không có thật chất. Về đồng dụ thì cần thiết phải nêu sự dụ, nhưng về dị dụ thì không nhất thiết lúc nào cũng phải nêu sự dụ.
     + Tôn hữu thể, như:
     –      Tôn: Kim cang có dẫn lực.
     –      Nhân: Vì thuộc vật chất.
     –      Dụ: Như sắt, thiết.
     + Tôn vô thể, như:
     –      Tôn: Ma quỷ không có thật.
     –      Nhân: Vì do trí tưởng tượng mà có.
     –      Dụ: Như cảnh chiêm bao.
     Về lý dụ, bất kể luận thức nào, đồng dụ và dị dụ đều phải có đủ lý dụ, tức lý nghĩa phải phù hợp quy tắc luận lý, nhưng về sự dụ thì còn tùy theo tính chất của luận pháp mà có thể có, có thể không, như luận pháp vô thể thì ở đồng dụ y cũng phải vô thể, nhưng ở dị dụ y thì hữu thể hay vô thể đều được. Vì tính chất của đồng dụ là thuận hợp với nhân để thành lập tôn, cho nên tôn như thế nào thì đồng dụ phải như thế ấy, tôn hữu thể thì đồng dụ y phải hữu thể, tôn vô thể thì đồng dụ y cũng phải vô thể. Còn tính chất của dị dụ không phải là thuận hợp với nhân để thành lập tôn, mà chỉ có tác dụng ngăn chận sự xen lạm để làm cho tôn được rõ ràng xác quyết hơn mà thôi. Ví dụ như lập:
     –      Tôn: Tất cả A đều là B.
     –      Nhân: Vì là C vậy.
     –      Đồng dụ: Tất cả C đều là B, ví như D.
     –      Dị dụ: Tất cả những gì không phải B đều không phải C, ví như X.
     Ở đây đồng dụ về mặt thuận thì nói tất cả C đều là B, ví như Đ, nhưng đồng thời cũng có thể là không B mà là H nữa, cũng được. Cho nên, muốn biết chắc hễ là C thì đều là B chứ không thể là H, nên cần có thêm dị dụ để chứng minh mặt nghịch rằng: “Hễ không phải C thì đều không phải B”.
     C3.2. Hợp tác pháp, ly tác pháp.
     Đồng dụ, dị dụ như đã nói, có khi còn gọi là hợp tác pháp, ly tác pháp. Vì đồng dụ tức phải có đủ nhân đồng phẩm và tôn đồng phẩm. Nghĩa là đồng dụ phải có đủ phẩm tính hợp với phẩm tính của nhân và phẩm tính của tôn, thì đồng dụ mới đúng đắn. Ngược lại, dị dụ phải có đủ tôn dị phẩm và nhân dị phẩm. Nghĩa là dị dụ phải có phẩm tính xa lìa phẩm tính của tôn và của nhân mới thành dị dụ. Như lập:
     –      Tôn :  Con người phải chết.
     –      Nhân : Vì là sinh vật.
     –      Hợp tác pháp: Tất cả sinh vật đều phải      chết, như con trâu bò.
     –      Ly tác pháp : Những gì không phải chết thì đều không phải là sinh vật, như ngói, đất.
     Một đồng dụ tự nó bao hàm hai tính cách là tính cách của nhân và tính cách của tôn. Nên khi nêu đồng dụ, trước phải hợp với tính cách của nhân là chủ yếu, sau mới hợp với tính cách của tôn là thứ yếu. Như trên, cái nhân “là sinh vật”, có một phạm vi bao quát cả người và loài vật. Khi nêu một vật nào làm đồng dụ thì phải nêu “là sinh vật” trước, rồi tiếp sau mới nêu “đều phải chết” thì mới đúng nếu nói: “Đều phải chết là sinh vật” thì mắc lỗi, “đảo hợp”, nghĩa là hợp lộn ngược, không đúng quy tắc.
     Trái lại, một dị dụ tự nó bao hàm hai tính cách khác hẳn với tính cách của tôn và của nhân. Nên ở dị dụ phải dùng ly tác pháp, nghĩa là khi nêu dị dụ, trước phải xa lìa với tính cách của tôn, sau mới tiếp xa lìa với tính cách của nhân. Như trên, những gì “không phải chết” thì đều “không phải sinh vật” mới đúng. Nếu nói: “Những gì không phải sinh vật đều không phải chết”, thì mắc lỗi “đảo ly”, không đúng quy tắc.
Xem mục lục