Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 31)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Mỗi khi mình ngồi với nhau niệm Phật, nhiều lúc chúng ta thấy cảm động vô cùng! Khi niệm Phật như vậy, hãy cố gắng lắng nghe tiếng niệm Phật của mình nó hòa theo tiếng địa chung. Làm sao cho giọng niệm mình tha thiết, thì tự nhiên có nhiều lúc mình thấy cảm động! Có nhiều người niệm Phật đã cảm động mà rơi nước mắt. Nước mắt rơi tầm tã!...

Trong ngày hôm nay, chúng ta có đi hộ niệm. Quý vị thấy đó, muốn cứu một người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không phải đơn giản đâu! Khó vô cùng!...

Tại sao mà khó dữ vậy? Là vì chúng sanh trong đời này ít hiểu đạo. Nhiều người muốn tìm hiểu mà không có ai dẫn dắt. Suốt cuộc đời tu hành, có người đến khi gần mãn báo thân cũng không biết đường nào để đi! Ngày hôm nay mình đi hộ niệm, mình thấy rõ rệt chuyện này. Nhiều khi muốn cứu người ta mà không biết làm sao để cứu. Người ta cứ xác định rằng, tu hành tức là không ăn gian của ai, không ăn cắp của ai, tức là tu hành rồi... Người ta không biết gì về Tây Phương Cực Lạc cả, họ không có quan niệm gì về vãng sanh hết trơn. Phải chăng, trong suốt cuộc đời của họ không bao giờ gặp qua một người dạy cho họ niệm một câu A-Di-Đà Phật, chỉ cho họ lời phát nguyện vãng sanh Tây Phương!...

Cũng ngày hôm nay, bác Minh Trí nói một câu mà tôi thấy hay vô cùng. Bác nói rằng:

 

- Thực sự là trong đời này mình đã gặp chuyện này, chuyện niệm Phật này nè, để được về Tây Phương là may mắn, may mắn không tưởng tượng được. Nếu không gặp trường hợp này, bảo đảm rằng nhiều khi suốt cuộc đời của mình cho đến khi nằm xuống, cũng không biết đường về Tây Phương đâu à! Mà đã không biết đường về Tây Phương, thì chắc chắn không bao giờ mình cất một lời nguyện, “Nguyện con được vãng sanh Tây Phương”. Không bao giờ đâu à!... Rồi chắc chắn đến giờ phút nằm ngáp ngáp để rời bỏ báo thân này, không bao giờ cất lên được một câu danh hiệu Phật đâu à!...

Bác Minh Trí nói hay quá! Trong đời này mà gặp được cái cơ hội này, thực sự là may mắn, may mắn không tưởng tượng được. Chính Diệu Âm này cũng có lăn lộn trong trường đời, cũng có học hỏi, cũng có đọc sách, đọc kinh đủ thứ hết, nhưng đến năm mươi tuổi đầu, hoàn toàn không biết câu A-Di-Đà Phật. Cho đến một lúc tới Tịnh-Tông Học-Hội, vừa nghe người ta niệm câu A-Di-Đà Phật, mới ngộ ra, giựt mình luôn, tỉnh ngộ luôn. Giựt mình đến nổi mà đổ mồ hôi ra luôn! Ngỡ ngàng!...

Có cơ hội này thực sự là do thiện căn phước đức của chính mình trong nhiều đời nhiều kiếp chắc có tu hành rồi, đến nỗi bây giờ gặp một câu A-Di-Đà Phật giựt mình tỉnh ngộ. Còn khi trong quá khứ mình không có thiện căn phước đức, thì quý vị thấy không?... Năn nỉ hết lời cũng không bao giờ người ta nghe đâu.

Cho nên cứu người khó! không phải là cái pháp Niệm Phật không vi diệu, mà tại vì chính con người không chịu tin!

Chúng sinh trong đời này rõ ràng tam ác đạo đang chờ trước mắt họ nhưng mà…

- Họ vẫn không sợ!

 

- Họ vẫn không ngại!

- Họ coi chuyện đó là quá bình thường!

Vì thực sự cũng do chính cá nhân những người đó trong vô lượng kiếp đã quên đi con đường tu hành.

Ta biết rằng trong vô lượng kiếp chúng ta đã tu hành, đã tu hành mà còn rớt lại đây chứng tỏ rằng, trong những lúc tu hành đó, trong những lúc cúng dường Phật đó, trong những lúc làm thiện làm lành đó, ta có sơ suất điều gì? Nhất định. Nếu sự sơ suất đó mà lập lại một lần nữa trong đời này, thì nên nhớ, đời này là đời mạt pháp rồi, bắt buộc ta phải trôi lăn trong cảnh gọi là, tử tử sanh sanh, khổ đau bất tận, không biết bao nhiêu kiếp nữa.

Những sơ suất đó là gì? Nhiều lắm. Nhưng trong đó chắc chắn có một điểm rất là chính yếu, là điểm này:

 

- Trước những giờ phút buông xả báo thân ra đi, ta không chịu niệm Phật.

 

- Trước khi xả bỏ báo thân, ta không nguyện vãng sanh.

 

- Trước khi xả bỏ báo thân, tâm ta đang chú ý đến chuyện gì khác, chứ không chịu chú ý đi về Tây Phương Cực Lạc.

Đây là cái điểm cuối cùng để mình chịu nạn...

Chính vì vậy, xin thưa với chư vị, ở đây chúng ta cứ nói chuyện hộ niệm, nói liên tục, thực ra tâm ý của chúng ta là muốn cho sự hộ niệm này được loan truyền rộng rãi ra. Chính tôi cũng có viết một lá thư, gọi là thư “Vận Động Hộ Niệm”, tôi gửi đi khắp nơi, và người ta in luôn thành sách. Tôi muốn nhiều người biết về hộ niệm. Nhiều người biết hộ niệm thì sẽ có nhiều người được cái duyên phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Trong một gia đình có một người biết hộ niệm, thì hy vọng trong gia đình đó mười người, ít ra cũng có được một người vãng sanh. Ví dụ, xã hội này có một ngàn người mà có một trăm người biết hộ niệm, thì ít ra một trăm người đó được vãng sanh, rồi có thể cứu thêm được một trăm người nữa. Chứ nếu xã hội này có hàng triệu người, mà không một người nào biết hộ niệm, thì với đời mạt pháp này, xin thưa, nhất định phải “Tùng nghiệp thọ báo”. Tùng nghiệp thọ báo là đi trong cảnh tử tử sanh sanh. Trong kinh Phật nói rõ ràng: “Độc sanh, độc tử, độc khứ, độc lai. Khổ lạc tự đương, vô hữu đại giã”.

Độc Sanh” là mình sanh ra trong cái thế giới này chỉ có một mình! Đi đầu thai một mình, lủi thủi, không ai theo mình hết. Theo nghiệp mà mình thọ sanh...

Độc Tử” là khi mình chết đi, cũng một mình mình đi thôi! Không có một người nào đi theo mình để chết cả. Trong đời này, thì vợ vợ chồng chồng, anh anh em em, cha cha mẹ mẹ... nhưng khi chết rồi thì... “Trời ơi!... Sao sợ quá! Hãy né xa ra một chút!”. Khi chưa chết thì cha cha mẹ mẹ. Khi chết rồi thì... Trời ơi! Sợ quá! Hãy đứng cách xa ra một chút! Đây là chuyện hết sức lạ lùng!

Chính vì vậy, khi biết được chuyện này, xin chư vị phải trân quý giai đoạn này. Phải củng cố phương pháp hộ niệm cho chính mình, lý hộ niệm cho chính mình. Một lần đi hộ niệm rõ ràng đã hiểu thêm một lý đạo. Lý đạo gì? Con người tham chấp. Một khi họ tham chấp thì không cách nào gỡ ra được! Đã tham chấp rồi thì nhất định lục đạo luân hồi không thể nào thoát được, mà còn sợ rằng bị vướng vào tam ác đạo nữa là khác!...

Xin kể ra đây một câu chuyện hoàn toàn có thật, chính người con của người chết đó đã kể cho Diệu Âm nghe. Anh ta nói rằng, khi mẹ anh chết, vì suốt cuộc đời mẹ anh cứ làm tần tảo để xây căn nhà cho đẹp. Khi mẹ anh ta chết rồi thì không đầu thai được mà cứ bám vào cái nhà đó, bám vào đến nỗi anh phải bán cái nhà luôn. Những người khác không biết, họ mua căn nhà đó, mua xong rồi thì ở không được. Đổi qua đổi lại đến năm đó đã đến bảy đời chủ rồi. Bây giờ đời chủ thứ tám thì không ai dám mua nữa. Mỗi đời chủ như vậy, họ kêu “Thầy Pháp” đến dán bùa, dán đầy hết trước cửa để yếm cái hồn của bà mẹ anh. Nhưng bà mẹ anh đó cũng dữ quá, vẫn không sợ. Có lần người ta nghĩ đến câu: “Nhứt quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Họ bèn kêu năm, sáu đứa học trò tới cho ở không. Học trò nghèo mà, chúng nó kéo nhau đến ở đầy một nhà vậy và chúng quậy phá rầm rầm... Họ nghĩ rằng, chắc chắn con quỷ cũng phải bỏ đi thôi! Nhưng chúng cũng chỉ ở được khoảng chừng hai, ba ngày thì Bà la làng, Bà vác xoong, vác chảo liệng rổn rảng... Tụi học trò sợ mất hồn!... Bỏ luôn!...

Anh đó đến hỏi, bây giờ làm sao? Có cách nào giúp giải quyết được không? Thì Diệu Âm nói rằng, anh muốn thực sự giải quyết thì anh hãy nghe lời tôi. Bây giờ căn nhà đó hình như người ta cho không, không cần bán phải không? Bán rẻ như cho không. Anh hãy mua lại đi... Mua xong rồi, dọn dẹp sạch sẽ đàng hoàng, gỡ hết tất cả những lá bùa liệng đi. Lập bàn thờ Phật lên. Anh mời chư vị đồng tu tới niệm Phật với anh và anh quỳ trước bàn thờ của mẹ anh, khai thị cho mẹ anh hằng ngày:

- Mẹ ơi! Mẹ tham chấp làm chi cái nhà mà Mẹ bị trở ngại? Giữ cái nhà thì làm sao mà Mẹ có thể siêu sanh! Bị đọa lạc đời đời kiếp kiếp khổ lắm Mẹ ơi! Mẹ hãy quyết lòng niệm Phật đi...

Cứ ngày ngày khuyên Bà. Kêu đồng tu tới niệm Phật. Nhất định niệm Phật sẽ có quang minh phóng tới gia trì, chắc chắn sẽ có một ngày mẹ của anh ngộ ra. Nên nhớ, đã là Mẹ của anh rồi thì không bao giờ nỡ hại anh đâu. Anh hãy làm đi.

 

Anh đó hứa sẽ làm. Nhưng một năm sau Diệu Âm về Việt Nam, anh đó ở từ rất xa đi tới thăm. Tôi hỏi:

 

- Anh đã mua lại căn nhà chưa? Anh nói:

- Dạ chưa mua. Tôi hỏi tiếp:

- Tại sao vậy?...

 

- Tôi sợ quá!...

Anh sợ bà Mẹ của mình!!!... Đây là chuyện có thật.

Quý vị thấy không? Khi mà tình chấp lớn quá rồi. Chịu thua! Gỡ không được. Biết được những chuyện này, muốn vãng sanh về Tây Phương đơn giản lắm. Phương pháp hộ niệm mình nói hàng ngày ở tại đây quý vị nắm vững được chứ gì?... Còn không thì nghe những băng đĩa. Tôi nói 48 ngày thì làm ra băng đĩa, để quý vị lấy ra mà nghe. Những băng nói kỳ trước người ta bắt đầu in thành sách rồi đó. Cái băng này chưa nói xong mà người ta cũng chuẩn bị viết ra nữa rồi. Nghĩa là, nghe nói trong băng rồi viết ra để in thành sách. Nghe tin như vậy mình có chút lòng mừng. Vì sao? Để phổ biến cái chương trình hộ niệm ra. Cái phương pháp hộ niệm này nếu được lan rộng ra bằng DVD, bằng MP3, bằng sách, bằng cách gì cũng được để cho nhiều người biết...

Một gia đình mà có một người biết hộ niệm thì họ rủ-rỉ, rủ-rỉ với nhau cũng thêm được hai người trong gia đình. Rồi rủ-rỉ, rủ-rỉ tiếp, được ba người trong gia đình... Nhờ ba người đó mà gia đình đó có thể sẽ có một người vãng sanh. Chứ nếu như không biết hộ niệm, không biết đường vãng sanh thì thế gian này chúng sanh sẽ tiếp tục chìm đắm trong biển khổ, sông mê! Dù tu gì thì tu, nói hay gì thì nói, lý luận gì thì cứ việc lý luận... nhưng chúng sanh đọa lạc vẫn cứ tiếp tục bị đọa lạc, tại vì người ta không biết con đường vãng sanh. Chứ nếu một người nào biết được phương pháp hộ niệm, tức là biết được con đường vãng sanh, thì nhất định, tham chấp phải bỏ ra liền để khi mình nằm xuống, nó rời ra... Bên cạnh đó, nhất định bắt đầu niệm Phật liền. Không bao giờ được quyền chờ đâu à! Đừng nghĩ rằng tôi niệm như vầy là đủ! Nếu chúng ta nói đủ, thì nhất định bị thiếu! Chắc chắn.

Trong những ngày khác tôi sẽ kể ra những chuyện tại sao thiếu cho chúng ta nghe.

Phải lập công cứ. Phải cố gắng tăng thêm giờ niệm Phật. Phải lấy tờ giấy ra ghi vô rõ ràng. À! Mình niệm như vậy yếu quá rồi! Một ngày mình niệm chưa tới hai ngàn câu thì làm sao có thể đủ? Có tờ giấy nó nhắc nhở mình, hãy ráng cố gắng niệm ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn câu... Cứ vươn lên, vươn lên. Nhờ vươn lên mà mình có công phu. Trong công phu đó mình nhiếp tâm được, mới có công đức. Còn mình cứ niệm chơi chơi, mình nghĩ rằng đủ, khi mà tưởng đủ thì nhất định bị thiếu! Thiếu ở chỗ công đức của mình chưa đủ để bồi đắp lại những tội ác mà mình đã gây cho chúng sanh. Cho nên chúng sanh đang chờ từng giờ từng phút cái ngày lâm chung của mình, để họ tới đòi cho được cái nợ sinh mạng. Ghê lắm chư vị ơi!...

Khi đi hộ niệm nhiều cuộc rồi mình mới thấy đến chuyện này, mà thấy chuyện này rồi nhất định mình phải sợ! Sợ thì ngày ngày cần phải ngồi trước bàn thờ Phật mà nguyện:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật, nguyện đem công đức này hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho tất cả chư vị oan gia trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp. Tôi đã lỡ hại chư vị, hôm nay xin thành tâm sám hối với chư vị, nguyện cầu chư vị buông xả oán thù, cùng với chúng tôi niệm câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Tôi hứa với chư vị là hồi hướng tất cả công đức cho chư vị và khi tôi đã về Tây Phương Cực Lạc, tôi sẽ trở về đây tìm mọi cách độ chư vị. Chúng ta cùng nhau vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Phải nói liên tục như vậy. Người bệnh cũng nói, mà người khỏe cũng phải nói. Phải nói trước, đừng để đến lúc đã tới nơi rồi, thì xin thưa thật, không còn cách nào nói gì được nữa đâu!

Mong cho chư vị hiểu được. Vì một tâm ý muốn chúng ta đừng bị trở ngại trong con đường vãng sanh...

Cố gắng phải tu hành. Nhất định đi về Tây Phương thành đạo trong đời này. Đừng hy vọng đời sau. Xin nhớ cho chuyện này!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 32)

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Khế Lý - Khế Cơ”! Chúng ta cần phải nói rõ hơn nữa để cho đồng tu yên tâm niệm Phật và tin tưởng rằng với cái pháp tu hành này ta được vãng sanh về Tây Phương. Không thể nào không được vãng sanh, chỉ khi nào chúng ta sơ ý đi lạc đường hoặc là ba cái tư lương Tín-Nguyện-Hạnh của mình đã bị giảm sút một cái nào đó. Chứ còn không thì không thể nào mà không được vãng sanh…

Khi nói về Khế Cơ nghĩa là mình tự nhận mình là hàng phàm phu thấp nhất. Nhất định! Xin chư vị tự hứa với mình rằng, ta đã thấy rõ ràng mình là hàng hạ căn thấp nhất. Thấy cái chỗ thấp nhất đó thì ta mới ứng dụng cái phương pháp cụ thể nhất và an toàn nhất của người thấp nhất, thì tự nhiên ta được vãng sanh không có gì trở ngại. Nếu sơ ý chúng ta khởi tâm cao ngạo một chút, hay là sơ ý thấy mình cao một chút, thì ngay giờ phút đó ta sẽ có chướng ngại ngăn cản con đường vãng sanh. Mình biết mình hạ căn thì thường thường với công phu mình tu hành như thế này chưa đủ để xóa những nghiệp chướng đó đâu.

Những người đang còn khỏe mạnh đừng bao giờ nghĩ rằng ta sẽ tiếp tục khỏe mạnh cho đến giây phút cuối cùng và được an nhiên tự tại ra đi. Không phải!... Thường thường nghiệp chướng nó đổ ra rất bất ngờ!... Khi nó đổ ra như vậy thì sẽ cản trở rất nhiều công phu tu hành của mình. Lúc đó...

 

- Mình muốn mở lời niệm Phật, niệm cũng không được... Đau quá!...

 

- Mình muốn mở lời nguyện vãng sanh, nguyện không được…

- Lúc đó tự nhiên bao nhiêu mối u sầu, sợ hãi, lo lắng tới dồn dập... làm mình quên hết, quên trụi lủi trụi lui...

Chính vì vậy, dù sao đi nữa cũng khuyên tất cả phải cố gắng phát tâm dũng mãnh tinh tấn hơn nữa, để cho nghiệp chướng nhẹ đi, có vậy chúng ta mới hy vọng sẽ được tỉnh táo trong giờ phút cuối cùng để nghe những lời của người hộ niệm đến khai thị, rồi niệm Phật theo người ta, nhờ đó mà A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang tiếp độ ta về Tây Phương.

Hôm trước, có một số vị tới thăm đạo tràng và hỏi chuyện. Có một vị hỏi:

- Đạo tràng của anh có tổ chức tu tinh tấn để đạt được “Niệm-Vô-Niệm” hay không?... Thì Diệu Âm có trả lời:

- Ở đây không chủ trương niệm Phật cho đến Vô-Niệm.

Niệm-Vô-Niệm là khởi đầu của cảnh giới chứng đắc Nhất tâm bất loạn. Vị đó lại hỏi:

 

- Tại sao vậy?... Nếu không được “Niệm-Vô-Niệm thì làm sao được vãng sanh?

(Niệm-Vô-Niệm nghĩa là tự mình niệm mà không cần niệm nữa, tức là trong tâm mình tự niệm)... Diệu Âm mới nói là:

- Vì hầu hết đồng tu tại đây đều là hạ căn. Mà đã là hạ căn thì đạt đến cảnh “Vô-Niệm” không dễ đâu! Đạt không được tới cảnh giới đó, mà lại xúi giục người ta ráng sức niệm cho đến “Vô-Niệm”, thì cái lực này nhiều khi vượt qua giới hạn chịu đựng của họ. Lúc đó không cách nào cứu được.

Chính vị hỏi đó cũng đang tu để cầu cho được “Vô-Niệm”, được “Nhất tâm bất loạn”. Khi nghe nói vậy, thì mấy vị kia cũng nói:

- À!... Anh Diệu Âm nói đúng đó...

Vị đó nghe vậy, có vẻ hơi giật mình! Tôi nói tiếp:

- Vấn đề niệm Phật để đạt tới cảnh giới này cảnh giới nọ!?... Chuyện này hãy để tự nhiên đi, đừng nên mong cầu. Thay vì hồi giờ mình lấy cái công phu này, công phu rất cao này để cầu cho Nhất Tâm Bất Loạn, cầu cho Vô-Niệm, thì tại sao mình không đơn giản lại một chút... Nghĩa là, cũng tu y hệt như vậy, cũng tinh tấn như vậy, cũng siêng năng như vậy... nhưng mà chú tâm vào lời nguyện vãng sanh, để cầu mong mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc...

 

Còn chuyện “Vô Niệm hay Nhất Tâm Bất Loạn nó đến cũng kệ nó, nó đi cũng kệ nó, muốn đến hay đi cũng khỏi cầu mong làm chi. Như vậy mình thấy có vui sướng không? Chứ như trong ba tư lương Tín-Nguyện-Hạnh, thì chữ Nguyện này chư Tổ nói là nguyện vãng sanh, tại sao mình không nguyện vãng sanh, mà lại cầu nguyện cho được Vô-Niệm làm chi? Cầu nguyện cho Nhất tâm bất loạn làm chi? Nếu đến lúc lâm chung, mình chưa được cái cảnh giới gọi là Niệm Vô Niệm, chưa được cảnh giới gọi là Nhất Tâm Bất Loạn, chẳng lẽ mình nằm đó chờ cho nhất tâm bất loạn sao? Rồi lỡ giai đoạn mãn báo thân đến rồi... Mình đi đâu đây?!...

Cho nên tôi nói, đã có công phu quyết lòng cầu cho vô niệm thì bây giờ hãy lấy công phu đó để cầu vãng sanh đi. Chư Tổ nói: Không cầu nhất tâm bất loạn thì mới có thể nhất tâm bất loạn... Chớ đã cầu nhất tâm bất loạn thì không thể nào là nhất tâm bất loạn được, mà nhiều khi vì cái lực của mình không theo kịp cái tâm, mà mình cứ cầu cho nhất tâm bất loạn, thì coi chừng cái “Bất Loạn giả” xảy ra, cái “Vô Niệm giả” đưa đến, nhiều khi chính mình không kềm chế được, mà sau cùng có thể bị trở ngại!...

Nếu thật sự có những người tu được chứng đắc nhất tâm bất loạn, thì đây là những hạng người căn cơ rất cao. Căn cơ cao thì họ chỉ âm thầm tìm đến những người căn cơ cao, chứ không bao giờ phổ biến rộng rãi ra đâu, vì phổ biến vấn đề này rộng ra có thể khiến cho nhiều người vọng tưởng! Tôi nói như vậy thì vị đó có lẽ hơi ngộ!

Trong kinh Phật có nói, chúng sanh thời mạt pháp này căn cơ thấp lắm! Như chúng ta đây cũng vậy, rõ rệt là căn cơ thấp lắm! Căn cơ thấp mà muốn được vãng sanh, muốn được thành tựu, thì tốt nhất hãy nhắm đến việc tu hành cần cù, siêng năng. Thay vì về nhà buổi trưa mình ngồi trên giường đọc báo, bây giờ mình hãy nghĩ rằng tờ báo này nó không giúp ích gì cho đường thành đạo! Vậy thì, liệng tờ báo đi. Thay vì mình mở phim Tàu ra coi, bây giờ mình hãy nghĩ rằng… À!... Nghiệp chướng mình sâu nặng, khi đến giai đoạn hết báo thân mình sẽ bị đọa lạc, sự đọa lạc này dễ sợ lắm!... Thôi mạnh dạn bỏ phim Tàu đi, lập tức cầm xâu chuỗi lên niệm Phật. Khi niệm Phật, niệm hai ba chuỗi cảm thấy mệt, ta lại muốn đi chơi?... Ta liền tự nghĩ, đây chính là nghiệp chướng đó!.. Mới tu như vậy đâu thể là đủ được! Cố gắng tự quán xét lấy…

Mấy ngày nay chúng ta đưa ra chương trình công cứ. Khi cầm công cứ lên niệm Phật, mình thấy tờ công cứ của mình sao còn trống rỗng!? Người ta thì đầy hết trơn rồi, còn mình thì trống rỗng, chứng tỏ công phu của mình còn quá yếu!... Đã không được nhất tâm bất loạn rồi, mà công phu còn yếu nữa, thì khi nằm xuống mình sẽ không có đủ công đức để hóa giải chướng nạn, mình sẽ bị trở ngại! Thấy vậy thì nên biết giật mình. Thôi! Hãy ráng niệm thêm năm sáu ô nữa đi. Tự mình phải làm chứ không ai bắt mình hết. Một ngày mình niệm một ngàn, tức là tô một ô cũng được. Một ngày mình niệm mười ô, cũng do chính mình chứ không ai bắt mình hết. Nhưng mà mình làm được hai ô, ba ô... chắc chắn mình sẽ an tâm hơn một ô. Mình thấy... À!... Còn yếu quá! Tại sao người kia lại niệm được hai mươi lăm ô trong một ngày, tức là 25.000 câu Phật hiệu. Như vậy họ đã quyết tâm về Tây Phương. Nhìn họ mà mình phải ráng lên, tinh tấn lên. Cứ tấn tới... Phải tấn tới... để cho giải bớt ách nạn của mình đi...

Mình không cầu nhất tâm bất loạn vì mình không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. Mà không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì chướng ngại nhất định vẫn còn ê hề trước mắt, không bao giờ mất! Mình vẫn biết có những người đồng tu tới hộ niệm cho mình, khai thị cho mình. Nhưng phải nhớ:

- Căn bản là mình cần phải có cái Công-Phu.

- Căn bản là mình cần phải có cái Tín-Lực.

- Căn bản là mình cần phải có cái Nguyện-Lực.

- Căn bản mình cần phải có cái Hạnh-Lực.

Hạnh-Lực chính là tô màu vào những cái “Nút” nhỏ trong bản công cứ đó. Cái nút này hay lắm, nó tăng cái phước mình lên, nó giảm cái nghiệp mình xuống. Nhờ giảm nghiệp mình xuống, nên bệnh hoạn cũng giảm bớt đi. Khi lâm chung mình bớt đau đầu, bớt nhức óc... Nhờ thế mới dễ được vãng sanh.

Nói tóm lại, trong pháp tu của người hạ căn như chúng ta là xin cố gắng hơn nữa, siêng năng thêm một chút nữa để tự mình giải cứu cho mình. Xin đừng đợi đừng chờ...

Hôm nay, xin kể một câu chuyện khác, gọi là “Xin đừng nên chờ!”. Câu chuyện này đã xảy ra tại một làng cận kề với làng của Diệu Âm. Ở nơi đó cũng có ban hộ niệm, có chùa cũng biết hộ niệm. Có một anh năm đó mới 42 tuổi thôi, anh rất có hiếu với người Mẹ. Mỗi thứ bảy, Chúa Nhật anh dùng xe Honda chở người Mẹ lên chùa niệm Phật, tụng kinh, nhưng còn anh thì luôn luôn ngồi ở ngoài hút thuốc lá, nói chuyện, không chịu vào Niệm Phật Đường để niệm Phật. Người ta mời anh vào niệm Phật, Anh nói:

- Bây giờ tôi chưa niệm Phật được đâu!... Tôi phải lo cho bà Mẹ của tôi xong đã. (Bà Mẹ lúc đó 86 tuổi, năm 2006... 86 tuổi). Khi mà Mẹ tôi xong phần rồi tôi sẽ tu sau, bây giờ tôi còn nhiều chuyện lắm...

Thì một bữa nọ anh bị cảm. Ngày hôm trước cảm sơ sơ, ngày hôm sau anh chết... Chết trong lúc 42 tuổi. Bà Mẹ đến nay là hơn 90 tuổi rồi vẫn còn sống một mình, không có ai nuôi hết. Còn anh đó thì đã chết bốn, năm năm nay rồi. Chết mới 42 tuổi, lúc còn đang khỏe mạnh, lái xe Honda chạy ào ào.

Thật sự, Vô-Thường tấn tốc!... Rõ ràng là “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế!. Ấy thế:

- Đừng bao giờ ỷ lại là ta còn khỏe thế này, còn lâu lắm mới đi.

- Đừng bao giờ nghĩ rằng một người đó bệnh thì người ta đi trước mình...

Không phải vậy đâu!...

Ông Già của Diệu Âm cách đây bốn, năm năm... Khi nói chuyện về bà sui-gia của ông. Bà bác đó đã nằm một chỗ không đi được, bị bán thân bất toại... Ông Già tôi nói:

- Chắc bà sui phải đi rồi!... Chắc chắn trước sau cũng đi liền thôi!...

Trong khi ông Già của Diệu Âm lúc đó còn vác cuốc ra đồng, còn cuốc cỏ được. Thì bây giờ đây, ông Già đã ra đi ba, bốn năm rồi mà bà bác đó hiện vẫn còn sống. Lạ quá!

Chính vì vậy, nghĩ tới chuyện vô thường, xin chư vị đừng nên bao giờ ỷ lại rằng sức khỏe của mình còn khỏe?... Không đâu!... Một sớm một chiều, nó đến lúc nào không hay! Mà lỡ nó đến quá sớm, trong khi công phu của mình không có, công đức mình không có... Xin thưa thật chư vị, nghiệp chướng trùng trùng trong vô lượng kiếp, oan gia trái chủ đang chờ từng ngày từng giờ... Nó sẽ đổ dồn tới làm cho mình hứng chịu những hậu quả rất đau đớn đó!...

Hiểu được chỗ này, xin ráng phát tâm tu hành. Không ai bắt phải “Nhất tâm bất loạn”, nhưng mà phải tạo công phu, phải siêng năng, phải cần cù để tự mình giải ách nạn trước. Rồi khi lâm chung đồng tu sẽ đến hộ niệm, nhờ thế thì phần vãng sanh Cực Lạc mới an toàn được…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 33)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Từ khi chúng ta vận động chương trình tinh tấn công cứ, thì nhiều vị đồng tu trong chúng ta phát tâm tham gia và bắt đầu hạ thủ công phu. Đây là một tin rất mừng và không ngờ chuyện hô hào này nó lại loan ra ngoài, các nơi cũng có người lên tiếng tham gia. Đây cũng là một chuyện Bất Khả Tư Nghì!...

Tri ân báo ân! Mình biết được con đường niệm Phật một đời này vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì xin chư vị dũng mãnh phát tâm rộng lớn, gieo duyên lành cho chúng sanh, cố gắng cứu được người nào hay người đó, bất kể là thân hay sơ. Có người được cứu là chúng ta mừng.

Trở lại câu chuyện “Khế Lý - Khế cơ”. Tiếp tục trong vấn đề hôm qua nêu ra, là một người quyết tâm niệm Phật cho đến cảnh giới “Vô-Niệm”, mà chưa đạt được cho nên cảm thấy khó khăn!... Người đó đến đây hỏi, thì Diệu Âm khuyên rằng, thay vì dùng cái công phu tốt như vậy để quyết lòng đạt được cảnh giới vô niệm, thì bây giờ hãy dùng cái công phu đó, cũng tu y hệt như vậy nhưng để nguyện vãng sanh. Tức là tu cũng tinh tấn như vậy mà quyết lòng nguyện vãng sanh, đâu cần chi phải nguyện cho “Nhất tâm bất loạn”? Đâu cần chi phải chờ đến cảnh giới “Niệm Vô Niệm”, kiểu như là tự ta thiết lập thêm cái cầu khác, trong khi đó thì A-Di-Đà Phật đã thiết lập cho chúng ta cái cầu rất là vững vàng. Chúng ta chỉ cần bước lên cái cầu của A-Di-Đà Phật là được qua bờ Giác... Cái cầu đó chính là sự phát nguyện vãng sanh Tây Phương.

Nếu mình thành tâm tha thiết phát nguyện vãng sanh Tây Phương là ta được đi thẳng lên cái cầu đó. Còn chúng ta không tha thiết nguyện vãng sanh Tây Phương, mà chờ cho đến nhất tâm bất loạn rồi mới vãng sanh thì vô tình tự ta lại thiết lập một cái cầu khác. Ta thiết lập xong cái cầu đó rồi mới bước lên cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu ta thiết lập được cũng tốt đó, tại vì ta đi cái cầu mà chính ta thiết lập thì sẽ vui hơn. Nhưng mà khó lắm! Lỡ thiết lập không được thì sao? Đến lúc cuối cùng, với “Chiếc cầu vãng sanh” của A-Di-Đà Phật đã thiết lập sẵn mà ta chưa muốn lên, lại cứ chờ đến sự thành công của mình rồi mới leo lên, thì coi chừng bị luống qua một cơ hội!...

Trong tất cả các pháp tu sau cùng rồi cũng đi đến một chỗ, có nghĩa là giống nhau. Bên Mật-Tông gọi là “Tam Mật Tương Ưng”, thân khẩu ý thanh tịnh. Bên Thiền thì gọi là “Minh Tâm Kiến Tánh, Kiến Tánh Thành Phật”. Bên Giáo-Hạ gọi là Đại Khai Viên Giải”. Còn bên niệm Phật chúng ta gọi là Nhất Tâm Bất Loạn - Lý Nhất Tâm Bất Loạn”... Tất cả những danh từ khác nhau, nhưng chủ đích là một. Chính vì vậy, muốn được nhất tâm bất loạn, muốn được cho chơn tâm hiển lộ, thì làm sao chúng ta bước lên được cái cầu của A-Di-Đà Phật thiết lập đó để chúng ta đi qua bờ Giác, chúng ta qua bên bờ Tây Phương Cực Lạc.

Ngài Vĩnh-Minh Đại Sư nói, “Nhược đắc kiến Di-Đà, hà sầu bất khai ngộ?”. Câu này vô cùng hay. “Nhược đắc kiến Di-Đà”, là nếu chúng ta bước lên cái cầu đó, ta đi về trên Tây Phương Cực Lạc, thì khi về tới Tây Phương Cực Lạc nhất định chúng ta sẽ gặp được A-Di-Đà Phật, gọi là “Nhược đắc kiến Di-Đà”. Nếu gặp được A-Di-Đà Phật thì “Hà sầu bất khai ngộ?”... Nghĩa là:

 

- Lo gì mà không được khai ngộ...

- Lo gì mà không được chứng đắc...

- Lo gì mà không được nhất tâm bất loạn...

- Lo gì mà không được thành Phật...

Chính vì vậy, chúng ta cứ “Y giáo phụng hành”. Phật dạy Tín-Nguyện-Hạnh, ta cứ một lòng Tín-Nguyện-Hạnh mà đi. Ta về Tây Phương không phải là ta chứng đắc mà về... Mà về Tây Phương chính vì nhờ lòng Chân Thành - Chí Thành - Chí Kính, được cảm ứng với A-Di-Đà Phật mà ta được vãng sanh. Ngài Ấn-Quang nói “Ta về Tây Phương là do lòng chí thành chí kính”. Ngài không nói rằng, ta về Tây Phương vì được chứng đắc nhất tâm bất loạn, ta về Tây Phương vì niệm được đến vô niệm rồi mới về Tây Phương... Lời nói này là của một vị Tổ Sư dạy cho hàng phàm phu tục tử chúng ta. Ngài không thố lộ gì về chuyện nhất tâm bất loạn, vì xét căn cơ của chúng sanh không đủ khả năng đó.

Rõ ràng về “” thì các Ngài là chư Thượng-Thiện-Nhân ở cõi Tây Phương giáng sanh mà chúng ta không hay. Về “” thì các Ngài nói cho hàng phàm phu tục tử chúng ta một đời này được thiện lợi.

Cho nên, “Khế Cơ” có nghĩa là phàm phu chúng ta phải tu theo cách của người phàm phu, không nên tu theo cách của chư Thượng-Thiện-Nhơn... Quyết lòng niệm cho nhất tâm bất loạn thì không hợp với căn cơ. Đó là cách tu của hàng thượng căn thượng cơ, chúng ta không dám mơ tới. Điều này đã quyết định rồi...

Bây giờ trở về vấn đề tu niệm. Chúng ta nên ngày đêm tinh tấn hơn nữa, cần cù hơn nữa. Hôm qua chúng ta nói chuyện về cần cù, thì bây giờ chúng ta cần cù... Cần cù, siêng năng chính là cách tu của người hạ căn. Hạ căn thì nhất tâm bất loạn không được. Nên nhớ, khi một người đã nhất tâm bất loạn rồi, thì...

- Nhìn thấy họ, hình như họ không tu.

 

- Nhìn thấy họ, hình như họ không niệm Phật.

- Nhìn thấy họ, hình như là họ lúc nào cũng an nhiên... không cần mở lời gì ra nữa.

Vì thực ra trong tâm của họ đã tự niệm rồi. Đối với họ, những người căn cơ như vậy, chỉ nhìn nhau thì họ đã biết rồi. Hòa Thượng Tuyên-Hóa gặp ngài Quảng-Khâm, các Ngài gặp nhau không nói một lời nào hết. Một người giơ tay lên nói: “Như Thị”. Người nọ giơ tay lên trả lời: “Như thị”, là đủ rồi. Các Ngài âm thầm nhìn với nhau, các Ngài không bao giờ nói rằng… “Ta đã nhất tâm bất loạn rồi”. Ngài kia cũng không bao giờ nói: “Ta đã nhất tâm bất loạn rồi”... Không bao giờ có chuyện đó đâu!...

Cho nên, khi mà một người tự nói rằng mình được nhất tâm bất loạn, thì hình như họ đã lỡ lời rồi! Khi đã lỡ lời rồi thì chỉ cần thành tâm sám hối là xong. Còn bây giờ chúng ta không phải là hạng người đó thì nên cần cù.

“Cần cù” là gì? Niệm Phật theo công cứ là cần cù. Ở Tịnh-Tông Học-Hội họ cho thỉnh những cái máy bấm, bấm, bấm là cần cù. Chính chúng ta cũng tìm cách mua một ngàn cái máy bấm vậy đó, (ai muốn phát tâm thì phát?), để phát cho những người quyết tâm tu hành. Họ bấm bấm như vậy, rồi đếm thử coi một ngày niệm được mấy ngàn câu A-Di-Đà Phật? Hai ngàn thì ít quá, ráng lên chị ơi! Ba ngàn?... Ráng lên anh ơi! Năm ngàn?... Năm ngàn cũng chưa đủ đâu!... Mười ngàn?... Ráng lên! Ráng lên! Đó gọi là cần cù. Nếu nhất tâm bất loạn không được mà không cần cù nữa thì không phải là cách tu của người hạ căn hạ cơ. Tức là chúng ta tu lại mất Khế Cơ nữa rồi...

Khế lýtức là niệm Phật. Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả. Đừng có lo cái chuyện này, vì niệm Phật nhất định là khế lý. Nhưng niệm Phật vẫn phải để ý vấn đề khế cơ! Ví dụ, như Hòa Thượng Huyền-Vi, Ngài thường hay nói câu này: Lý sự viên dung, viên thành Phật đạo... “Lý” là ta niệm Phật. Niệm Phật là niệm ngay chân tâm tự tánh. Chân tâm tự tánh hiển lộ là “Lý viên dung”. Nhưng mà “Sự” chúng ta tu giải đãi, ta mở tâm không được, ta khai tâm không được. Nghiệp chướng bao trùm... Nhất định ta bị nghiệp chướng lôi kéo vào lục đạo luân hồi. Ngài Ấn-Quang nói, “Đời sau chưa chắc đã trở lại làm người”. Ngài nói như vậy. Nếu hiểu chút đạo thì chúng ta phải tự lo cho chính ta, không có một người nào lo cho mình được. Mấy ngày nay anh Hai thường nói câu này, thực sự hay vô cùng... Anh nói:

- Chồng tu chồng đắc, vợ tu vợ đắc, cha tu cha đắc, con tu con đắc... không ai có thể giúp được.

Trong đồng tu chúng ta, người nào phát tâm dũng mãnh kịp thời, thì trong đoạn đường còn lại đây cho đến ngày lâm chung chúng ta kịp thời gỡ nạn. Chúng ta đắc. Chúng ta qua được cái cầu đi về Tây Phương. Còn chúng ta chờ, chần chừ... coi chừng lỡ luống qua cơ hội này, nghĩa là khi lâm chung ta bước lên cầu không được...

- Tại sao vậy? Oan gia trái chủ ngăn chặn...

- Tại sao vậy? Bệnh khổ quá nặng, chúng ta ngóc đầu không được...

 

- Tại sao vậy? Cận tử nghiệp đã xoay hướng, đã che mất cái cầu rồi, ta không cách nào có thể bước lên cầu được.

Vì thế mà luống qua cơ hội này rồi!...

Luống qua cơ hội này thì coi chừng ngàn vạn kiếp sau không cách nào có thể nghe lại câu A-Di-Đà Phật để niệm, lúc đó mới thấy ân hận!... Ân hận rồi thì càng ân hận hơn nữa! Ân hận đến nỗi nước mắt, gọi là giọt nước mắt khổ, nó tràn ngập đại dương, tràn ngập biển khổ!

Hôm nay Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện, quý vị nghe thử có thấm không? Tất cả những chuyện này xin hứa rằng hoàn toàn có thực, không bao giờ có điều gì ra khỏi sự thật hết.

Có một vị kia tuổi trong khoảng tám mươi. Vị đó có một người con đã xuất gia đã hơn bốn chục năm. Vị Sư Cô đó về nhà khuyên ông Cụ niệm Phật tu hành. Ông Cụ không chịu niệm Phật, không chịu tu hành, mà luôn luôn trả lời rằng:

- Cô lo niệm Phật, Cô lo tu hành sao cho đắc đạo để mà cứu tôi. Có Cô rồi tôi đâu có cần lo...

Vì sợ thân phụ bị đọa lạc, nên người con tha thiết, năn nỉ hết ngày này qua ngày nọ, tìm mọi cách để khuyên, mà ông Cụ nhất định cứ nói rằng:

- Tu gì mà tu? Cô tu là được rồi, về cứu tôi là cũng an tâm rồi.

Đến khi Ông chết, sau khi mai táng xong rồi thì phát hiện cái hình của ông Cụ trên bàn thờ rơi ra nước mắt, cả hai con mắt đều rơi hết, rơi luôn 49 ngày! Quý vị tưởng tượng đi!... Chuyện này xảy ra năm 2004. Rơi luôn 49 ngày.

Người con sợ quá tiếp tục cầu siêu, tụng kinh, nhưng càng tụng kinh nước mắt càng rơi, không cách nào có thể làm cho nước mắt hết rơi được...

Tấm hình rơi nước mắt là một sự thật! Với những chuyện này Diệu Âm không dám dự đoán là hiện tượng gì? Nhưng chắc chắn rằng đã rơi nước mắt thì không thể nào gọi là sướng được! Chuyện này hơi giống như trường hợp hôm trước. Một người mẹ vì quyến luyến một người con, không chịu buông xả. Đã nằm trên giường rồi mà cứ nghĩ đến đứa con. Khi chết rồi vẫn còn lo cho đứa con. (Chuyện linh hồn người mẹ chạy tìm việc làm cho người con). Lo xong rồi, thì chiều chiều trở về hiện thân ở đầu hè ngồi khóc. Khi chết xong, trên cái tấm hình đó cũng rơi nước mắt ba ngày. Có phải là ân hận lắm không?! Rơi gì rơi cũng không còn cứu được nữa rồi!...

 

- Con Tu con đắc. Cha không tu cha nhất định bị đọa lạc...

- Chồng tu chồng đắc. Vợ không tu vợ nhất định bị đọa lạc

Dù có rơi nước mắt đi nữa, Phật cứu cũng không được, đừng nói là thân nhân, anh em, bà con…

Mong chư vị tự lo nghĩ tới thân phận của mình. Sợ địa ngục, sợ ngạ quỷ, sợ súc sanh vạn vạn kiếp về sau mà phải lo... Lo liền đừng chờ đừng đợi. Nếu không, coi chừng nước mắt sẽ rơi, rơi đầy biển đông vậy!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 34)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ấn-Quang Đại Sư thường nhắc nhở chúng ta, tâm Chí Thành Chí Kính là đạo nhiệm mầu để cho chúng ta thành tựu.

Chư vị đồng tu ở trong Tịnh-Tông Học-Hội đều y giáo phụng hành lời dạy này và nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh-Không, nên ở tại đó người ta tu rất trang nghiêm, rất cung kính. Nếu có dịp chư vị đi khắp thế giới mới phát hiện ra điều này, là khi đến một đạo tràng thuộc Tịnh-Tông, ta thấy rất trang nghiêm! Mình không dám đi mạnh, mình không dám tằng hắng trong Niệm Phật Đường của họ. Ấy thế mà khi ra ngoài một chút, thì ít khi thấy được hiện tượng đó. Ngài Ấn Quang dạy:

- Một phần thành kính thì một phần lợi ích.

- Hai phần thành kính thì hai phần lợi ích.

 

- Mười phần thành kính thì ta được đại thiện lợi. Cái thiện lợi của người niệm Phật chúng ta là sau cùng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chính vì vậy mà chúng ta nên cố gắng tu hành, phải tỏ ra hết sức cung kính, thanh tịnh, trang nghiêm. Nếu chư vị đến đạo tràng trang nghiêm tu một tuần, hai tuần tự nhiên mình cảm nhận hình như có những Chư-Thiên, Thiên-Long, Hộ-Pháp tu chung với mình. Chỉ có những người rất chân thành, rất thành kính mới cảm nhận được những điều này, còn những vị không có lòng thành kính, không có trang nghiêm thì không bao giờ được cảm ứng này đâu. Đây là sự thực.

Vì vậy, khi mình vào một đạo tràng, dù lúc đó không có ai, ta cũng phải giữ cung cách trang nghiêm, nghi tiết phải đầy đủ, để chúng ta được Thiên-Long, Hộ-Pháp bảo vệ, nâng đỡ, giúp cho chúng ta thoát ra nhiều khó khăn để thành tựu. Nếu chúng ta sơ ý thì có thể bị chư vị la rầy. Một khi bị chư vị la rầy thì phiền não nhiều, nghiệp chướng tăng, chúng ta tu sẽ không đem lại được ích lợi gì hết.

Trở về vấn đề chúng ta bàn thảo trong mấy ngày hôm nay: Khế Lý - Khế Cơ. Thực ra, ở đây nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, pháp tu trong Phật giáo có rất nhiều, không phải là một. Nhưng ta cần phải tuyển trạch cho được một pháp tu hợp với căn cơ hạ liệt của chính ta thì mới có khả năng thành tựu. Ngay trong pháp niệm Phật, ta cũng phải biết, gọi là Y Giáo Phụng Hành chư Tổ, thực hiện những phương pháp hết sức là căn bản của những người thấp kém như chúng ta thì mới được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu sơ ý, cũng là pháp niệm Phật này, nhưng chưa chắc sẽ được thiện lợi!

Một trong những cái hợp với căn cơ của người hạ liệt chính là lời dạy của ngài Ấn-Quang: Chí Thành, Chí Kính. Nếu chư vị tới một đạo tràng mà chưa có lòng chí thành, chí kính, nghĩa là tâm còn ngạo mạn, thì ngài Vĩnh-Minh Đại Sư nói: “Tu hành mà khởi một cái tâm ngạo mạn thì nhất định không thể nào thành tựu, mà còn bị đại họa”. Chính vì vậy mà thường thường, ở trong Tịnh-Tông Học-Hội, quý vị coi, nếu không phải là đang kinh hành, không bao giờ người ta đi ngang qua tượng Phật mà không đứng lại chắp tay xá, dù là ở ngoài trời. Đó là gương mẫu tốt nên theo. Niệm Phật Đường ở đây, chúng ta tới sớm, nếu đi ngang qua lại bàn thờ, khi mà đi qua trước Phật chúng ta nên ngừng lại, quay về hướng Phật đứng đàng hoàng chắp tay xá xuống, khi cái thân mình ngang với mặt đất, rồi đứng lên “Vấn Tấn” một cái mới được đi. Tốt nhất là chúng ta nên đi sau tượng Phật, không nên đi ở phía trước. Tượng Phật chúng ta bây giờ có vách che phía sau rồi, rất là trang nghiêm. Có trang nghiêm, có thành kính như vậy thì chư vị sẽ được chư Thiên-Long Hộ-Pháp chú ý gia trì, nghiệp chướng chúng ta bớt đi, tự nhiên trí huệ càng ngày càng phát sinh ra.

Trong Tịnh-Tông Học-Hội, các vị pháp sư không bao giờ chấp nhận cho mình đi ngang qua khu vực trước bàn thờ, tức là từ bên này đi ngang qua bên kia. Không bao giờ chấp nhận đi như vậy. Ví dụ, như ở bên kia có một cái bồ đoàn hay cái gì đó để bị xéo, mình không được phép đi băng qua đó để sửa, mà phải đi vòng qua phía sau Phật. Phải có lòng cung kính như vậy mới được. Khi vào trong Niệm Phật Đường rồi, xin nhớ cho, vô trong chánh điện rồi thì tuyệt đối không được cất tiếng nói chuyện. Nếu có điều gì quá khẩn cấp, vạn bất đắc dĩ mới mở lên một lời nói nhỏ nhỏ.

Những vị hộ thất có thể được quyền làm dấu gì đó để ổn định đạo tràng, còn riêng chúng ta thì xin chư vị nên hết sức cẩn thận, trang nghiêm tối đa. Người nào hộ thất thì lo việc hộ thất, người nào đứng trong hàng thì lo đứng trong hàng, nhất định không được sơ ý điều này. Đây là những điểm Diệu Âm này học hỏi được từ Tịnh-Tông Học-Hội, người ta rất là trang nghiêm. Mình có trang nghiêm như vậy thì mình mới thoát ra những ách nạn, là vì nhờ Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì cho mình, hộ niệm cho mình để cho sau cùng mình mới dễ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Ngày hôm qua mình đang nói tới chỗ “Niệm Vô Niệm”, “Nhất Tâm Bất Loạn”. Hôm nay cũng tiếp tục vấn đề đó, nó liên quan tới đề tài “Khế Lý - Khế Cơ”.

Niệm Phật nhất tâm bất loạn là “Khế Lý”, nhưng người phàm phu chúng ta cầu cho nhất tâm bất loạn, nói dễ hiểu, tức là cầu chứng đắc. Nói thẳng thắn ra, là cầu chứng đắc thì không “Khế Cơ”. Đức Phật nói rằng, thời mạt pháp vạn ức người tu khó tìm ra một người chứng đắc. Chúng ta là người phàm phu, đã nhận rõ căn cơ của mình như vậy rồi, thì đừng nên mong cầu chuyện chứng đắc! Ngày hôm qua mình nói, thay vì tu hành để cầu cho chứng đắc, thì bây giờ mình niệm Phật cầu được A-Di-Đà Phật tiếp độ vãng sanh về Tây Phương, nghiệp chướng của mình vẫn còn nguyên, nhưng do lòng chân thành, chí thành, chí kính của mình, thực sự được A-Di-Đà Phật cho mình gói nghiệp lại, gọi là “Đới Nghiệp” để mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chính vì vậy, những vị căn cơ cao, chắc chắn họ là những vị đại Bồ-Tát, thì...

 

- Họ có chứng đắc trong đó.

 

- Họ có niệm Phật “Nhất tâm bất loạn” trong đó.

 

- Họ có “Minh tâm kiến tánh” rồi trong đó, tại vì là đại Bồ-Tát mà.

- Nhưng mà các Ngài không bao giờ thổ lộ chuyện này cho chúng sanh biết đâu. Đó là sự thật.

Có nhiều người sơ ý, ví dụ như đưa ra một chương trình giúp cho đồng tu niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Khi mà đưa ra như vậy thì đây thực sự là một sự sơ suất rất đáng kể! Tại vì sao? Vì chính Phật đã nói, thời mạt pháp này căn cơ chúng sanh hạ liệt. Hạ liệt thì không thể nào chứng đắc được! Như vậy nếu mình đưa chương trình chứng đắc ra, thì những người hạ cơ đó có thể bị vọng tưởng! Vọng là sai! Vọng tưởng là những tư tưởng sai! Những suy nghĩ sai! Những cảm tưởng sai!... Càng ngày càng sai!... Càng sai!... Nó có thể thấm dần, đến một lúc nào đó nhiều khi người ta không còn cách nào gỡ ra được!

Chính vì vậy khi chúng ta quyết lòng niệm Phật vãng sanh, thì xin chư vị càng niệm Phật càng khiêm nhường. Nhất định phải khiêm nhường! Đừng bao giờ tự nhận mình là có chứng đắc, dù rằng trong lúc chúng ta niệm Phật ở đây cũng có đôi khi cái tâm chúng ta nó an khang, tĩnh lặng, tâm chúng ta rất là thoải mái… Nhưng xin thưa thực, đó chẳng qua chỉ là một chút ít gì “Tịnh Tịnh” đó thôi! Nhưng rồi sau đó chúng ta cũng lại nhức đầu, cũng đau lưng, cũng mỏi mệt!... Chúng ta không phải là chứng đắc gì đâu. Giữ tâm được như vậy, thì mới an toàn vãng sanh về Tây Phương.

Xin nhắc đi nhắc lại: Chí Thành, Chí Kính. Chí thành, chí kính nó thể hiện ra trong tư cách của mình khi tu hành. Nhất định phải thành tâm. Ví dụ như đối trước một vấn đề mình thấy: “À!... mình hơn người khác”... Khi thấy mình hơn người khác tức là cái tâm ngạo mạn đã nổi lên rồi! Mà một khi tâm ngạo mạn nổi lên nó sẽ phá mất hết cả những đức tu của chúng ta.

Ví dụ như ở đây mỗi tối chúng ta tu hành, khi chư vị hộ thất mở cái đèn lên, đó là dấu hiệu cho khóa lễ chuẩn bị bắt đầu thì xin mời chư vị đồng tu mau mau sắp vào hàng liền, trang nghiêm, đứng im lặng. Thực ra, đó chính là trang nghiêm cho chính mình. Trang nghiêm cho đạo tràng là trang nghiêm cho chính mình. Có Trang nghiêm thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ hỗ trợ cho mình. Chứ không phải lúc đó mà còn có người đứng, có người ngồi, có người đi!... Thời gian đó là thời gian chúng ta bắt đầu đứng vào hàng để Niệm Phật Đường được thanh tịnh trang nghiêm.

Xin thưa với chư vị, pháp tu chúng ta không đòi hỏi làm điều gì khó khăn hết, chỉ đòi hỏi làm sao càng ngày càng trang nghiêm, càng ngày càng thanh tịnh. Chỉ cần được vậy, nhất định chúng ta sẽ được chư đồng tu kính nể, được chư Thiên-Long Hộ-Pháp kính trọng, gia trì. Xin nhớ cho, người chí thành niệm Phật thì chư Thiên-Nhân kính trọng. Người niệm Phật mà không có tự trọng, người niệm Phật mà không có giới luật, thì thường thường, như ngài Quán-Đảnh Đại Sư nói, cái tội này nặng vô cùng nặng! Trong những lần trước Diệu Âm đã nói qua rồi, phá mất hình tướng của người niệm Phật, cái tội này rất là kinh khủng! Mong chư vị cố gắng gìn giữ. Đây toàn là những điều hết sức căn bản để cho chúng ta, là người...

 

- Tội lỗi quá nặng.

 

- Nghiệp chướng quá lớn.

 

- Oan gia trái chủ quá nhiều.

 

- Căn cơ quá thấp.

 

- Trí huệ chưa phát sinh, ấy thế mà được vãng sanh về Tây Phương.

Khi về Tây Phương rồi thì Thiên-Nhãn Thông, Thiên-Nhĩ Thông, Thần-Túc Thông, Tha-Tâm Thông, Túc-Mạng Thông… tất cả những thần thông đạo lực chúng ta có đầy đủ. Đây là do công đức gia trì của A-Di-Đà Phật.

 

Xin chư vị quyết lòng thành kính tu hành để hưởng trọn sự gia trì của Ngài để một đời này ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 35)

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Khi nói về Khế Cơ là để chúng ta tự tìm lấy, moi ra cho hết những gì còn sơ suất trong lúc niệm Phật để cuối đời ta vững tâm đi về Tây Phương.

Những sơ suất này có thể ở những chỗ cao kỳ như hổm nay chúng ta cũng có nói qua, là những mộng ý chứng đắc để thành tựu. Những điều này quá cao so với chúng ta! Nếu chúng ta với không tới mà ráng với thì đây là do vọng tưởng làm cho mình thất bại.

Trở về với hạng hạ căn hạ cơ của chúng ta, thì trong những pháp tu hành, trong những tình ý hàng ngày nhiều lúc cũng có những sự vướng bận... Chương trình nói về Khế Cơ - Khế Lý cũng sắp xong rồi, xin chư vị cố gắng là còn những gì thắc mắc nên viết ra. Tại vì khi nói về Hộ Niệm - Vãng Sanh thì có những lời khai thị trước người bệnh, mà lời khai thị đó thường không phải là nói những đạo lý cao siêu, mà chỉ làm sao gỡ cho được những mối hồ nghi, những thắc mắc còn vướng lại trong người bệnh.

Ví dụ như hôm trước mình đi tới thăm bác Năm, thì bác có nói một vài câu. Bác nói:

- Không biết mình niệm như vậy, Phật có nghe hay không?

Đây là những điều mình phải chú ý. Đây là những thắc mắc mà mình phải gỡ ra cho người bệnh. Thường thường khi đặt câu hỏi thì đừng hỏi chi những câu cao, hãy hỏi ngay những câu thấp như thế này. Tại vì thấp như vậy thì mới hợp với chúng ta, mà hợp với chúng ta thì chúng ta mới gỡ được, mà gỡ được tức là vãng sanh về Tây Phương. Rồi bác nói nữa:

 

- Không biết là mình niệm Phật này, mình không niệm Phật kia, thì thấy tội nghiệp cho Phật kia quá!...  

Quý vị có thấy không nè!... Đây là những cái thắc mắc mà chính ra là mình phải khui ra. Để chi? Mẹ mình có thể bị trở ngại như vậy, chị mình có thể trở ngại như vậy và khi mình đi hộ niệm cho người ta cũng có thể trở ngại như vậy. Những thắc mắc này nếu mình không giải ra thì người ta vãng sanh không được.

Cho nên, vấn đề vãng sanh không phải là ở những đạo lý cao siêu, mà ở chỗ tâm được An tịnh.

Làm sao “An”?

 

- Làm cho người đó không còn sợ sệt nữa.

 

- Không còn phân vân nữa.

- Không còn hồ nghi nữa... thì tự nhiên người ta “An”.

Tâm “An” thì tự nhiên “Lý” đắc. Đắc ở chỗ khi người ta không sợ nữa, người ta quyết lòng đi về Tây Phương. Lý đắc ngay tại chỗ này, chứ không phải là Lý ở trên trời mây đâu!

Người ta quyết lòng đi về Tây Phương vững vàng rồi. Vững lòng thì niềm tin vững vàng. Niềm tin vững vàng, thì khi họ chắp tay niệm: “Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”. Lời nguyện này là lời nguyện thực, lời nguyện tha thiết. Trong ba phần Tín-Nguyện-Hạnh, rõ ràng họ được hai phần ba con đường rồi. Đơn giản như vậy....

Rồi sao nữa? Họ chắp tay lại, khi họ chắp tay lại niệm: “Nam Mô A-Di-Đà Phật… Nam Mô A-Di-Đà Phật”... Lời niệm này hoàn toàn là chân thành, hoàn toàn là thành kính. Một câu niệm Phật thành kính như vậy, Hòa Thượng Tịnh-Không nói, trước giờ phút ra đi chỉ cần niệm một câu thôi, không cần nhiều, người ta cũng được vãng sanh.

Còn những người cứ tìm những lý đạo thiệt là cao!... Nhất định lời niệm của họ không bao giờ chân thành đâu! Quý vị để ý coi, những người hiểu được chút ít lý này lý nọ, đưa họ vô trong Niệm Phật Đường, họ thường đứng chắp tay sau lưng nhìn Phật, ít khi họ chịu niệm Phật đâu à!... “” thì họ nói cao trên mây, nhưng “Sự” thì hoàn toàn trống rỗng!... Vô tình, họ không được phần vãng sanh.

Chính vì vậy, hôm nay bắt đầu mình phải khui những điều nhỏ nhỏ này ra. Để những người nào nghe được tới những đoạn này, nhất là những bà Cụ không biết tụng kinh, hồi giờ không có ai giảng giải đạo lý gì hết trơn, khi nghe những lời nói này thì vững vàng tin tưởng. Chắc chắn bà Cụ hiền lành này, bà Cụ không biết gì lý đạo này, chỉ cần An là được... Hỏi rằng:

- Chú ơi! Hồi giờ tôi làm hại, làm hư nhiều quá rồi, bây giờ có được vãng sanh không?

 

Đây là những câu hỏi thường xuyên mình gặp. Vì trong đời, một người nếu không bắt cá thì cũng bắn chim, không bắn chim thì cũng làm gà, làm heo... Trước khi họ biết câu A-Di-Đà Phật, họ đã làm hại chúng sanh quá nhiều rồi. Họ sợ lắm!... Xin thưa thực, đây là một cái mối nghi có thể làm cho người ta mất vãng sanh. Nếu mà phá được mối nghi này, họ có thể vãng sanh. Vì sao? Vì A-Di-Đà Phật đã phát đại thệ: Dẫu cho một chúng sanh làm những tội đại nghịch, đại hại, gọi là ngũ nghịch thập ác, là những tội mà thế gian nghe đến phải rợn tóc gáy ra!... Những tội lớn như vậy, nhưng trước những giờ phút lâm chung được cơ may gặp các vị thiện tri thức khai thị...

Mình là thiện tri thức nè! Mình là người hộ niệm nè! Mình tới giảng giải cho họ, rồi nếu người đó phát tâm sám hối liền lập tức, chắp tay lại:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật con biết lỗi của con rồi, hồi giờ con không biết tu, con sát hại sinh vật quá nhiều rồi, con ăn cắp nè, con ăn trộm nè, con ăn cướp nè... Đủ thứ! Bây giờ con thành tâm sám hối, xin cúi đầu sám hối.

Nói những câu đơn giản, như nói gọn: “Con thành tâm sám hối” cũng được. “Con lạy Phật xin sám hối” cũng được... Nghĩa là, có tâm thành là được.

Rồi sao nữa? Ta hãy an ủi, giải thích cho người ta:

 

- Phật đã cho chị sám hối để vãng sanh. Phật cho bác thành tâm sám hối để vãng sanh. Bây giờ bác hãy nguyện vãng sanh đi...

- Nam Mô A-Di-Đà Phật, con quyết lòng xin vãng sanh, con tha thiết được vãng sanh. A-Di-Đà Phật... xin Phật cho con về Tây Phương càng sớm càng tốt...

Chỉ cần như vậy thôi, họ đã có được hai phần ba con đường để vãng sanh rồi.

 

- Thôi! Bác ơi! Bây giờ đau quá phải không? Kệ nó, đừng lo nữa. Quyết lòng lên để niệm A-Di-Đà Phật. Niệm đi bác...

- Nam Mô...A...Di...Đà... Phật...

Họ niệm những câu Phật hiệu hụt hụt như vậy! Họ nói không nổi nữa! Nhưng tâm họ thành vô cùng. Lúc đó mình mới bắt đầu tiếp sức theo niệm:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật... Nam Mô A-Di-Đà Phật...

Khuyên người đó quyết lòng niệm theo, tự nhiên khoảng chừng năm phút sau, mười phút sau... người ta bắt theo cái trớn đó mà niệm Phật leo lẻo: Nam Mô A-Di-Đà Phật”... Tâm chân thành, thanh tịnh... cái lòng chí thành này tự nhiên cảm ứng đến A-Di-Đà Phật liền. Những người đó... quý vị đi hộ niệm rồi mới thấy, họ vãng sanh bất khả tư nghì! Đây là lời nói thực. Họ vãng sanh ngon hơn những người tu hành ba, bốn chục năm mà có tâm cống cao ngã mạn.

Đây là những lời mà hầu hết những đoạn trước Diệu Âm cũng có nói qua. Bây giờ nhắc lại chuyện này: Vãng sanh hay không, không phải là ở chỗ Tu giỏi hay Tu dở, mà chính ở  chỗ Chí thành, Chí kính. Ngày nào quý vị chí thành thì ngày đó quý vị vãng sanh. Ngày nào quý vị chưa chí thành, bây giờ có tu đến năm chục năm đi nữa... Không cần biết! Không vãng sanh là không vãng sanh! Vì thực sự có những người tu bốn, năm chục năm, từ bốn chục tuổi đã bắt đầu tu rồi, tu thẳng cho đến năm, bảy mươi mấy tuổi mà không được vãng sanh. Vậy mà, lại có những người chưa có pháp danh, tức là chưa tu, ấy thế mà người ta vãng sanh. Tại sao vậy? Tại vì những mối hồ nghi trong đầu của họ mình đã giải ra hết trơn rồi.

Trong những ngày tới, nếu quý vị có câu hỏi thì xin viết ra tờ giấy để ở ngoài hộp góp ý, rồi chúng ta giải ra, giải từng điểm nhỏ nhỏ như thế này. Những người nào trước đây làm những điều sai lầm, nhưng bây giờ đã đến đạo tràng này niệm Phật rồi thì đều có khả năng được vãng sanh Tịnh-Độ. Đã đến đây niệm Phật thì đã có tâm sám hối. Nếu ngày hôm qua cái tâm sám hối chỉ có một thôi, thì hôm nay xin tăng tới mười đi.

Làm sao sám hối?... Một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối, chứ không phải như bác Năm nói: “Tôi muốn tụng kinh gì đó... để sám hối”. Một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối là hay nhất.

Sám hối bằng cách nào?... Có người niệm Phật ở tại Niệm Phật Đường từ sáu giờ tới tám giờ rưỡi, về nhà thì đi chơi mất! Rồi tới chiều, lại đứng trước bàn thờ Phật, nói... “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con xin sám hối!”....

Đây là sám hối giả! Bảo đảm. Thấy rõ ràng! Nếu biết sám hối thì phải lo niệm Phật chứ? Tại sao ở nhà lại đi chơi? Có lẽ vì nghĩ rằng tu như vậy là đủ rồi phải không? Một khi đã nghĩ là đủ rồi, tức là mình cho rằng nghiệp chướng của mình đã hết rồi phải không?

 

- Con cá nó vẫn còn nằm đó.

 

- Con gà nó vẫn còn nằm đó.

 

- Con heo nó vẫn còn nằm đó.

- Hàng vạn chúng sanh đã bị chúng ta giết, chúng vẫn còn nằm đó chờ... Tại sao chúng ta nói đủ rồi?...

Sám hối có nghĩa là phải tinh tấn tu hành, Phải thành tâm niệm câu A-Di-Đà Phật. Rõ rệt!...

Những người hồi trước tới giờ họ không biết tu, nên mới làm những điều sai lầm! Nhưng cuối cùng mình giảng giải cho họ nghe được câu danh hiệu A-Di-Đà Phật. Họ phát lòng tin tưởng, họ Kiệt thành sám hối, tự khả chuyển phàm tâm. Họ chuyển tâm phàm này thành tâm Phật... Còn người tà tà sám hối, đó là gì? Hòa Thượng Tịnh-Không nói, “Buổi sáng chư vị gạt Phật một lần! Buổi chiều chư vị gạt Phật một lần! Mỗi ngày gạt Phật hai lần. Cái tội của quý vị còn lớn hơn gì nữa! Làm sao mà có thể vãng sanh?”.

 

Xin thưa chư vị, càng ngày càng tu, mình càng phải nắm vững được yếu tố nào để vãng sanh Tây Phương Cực lạc. Tổ Ấn-Quang đã nói, “Chí thành chí kính là cái đạo nhiệm mầu giúp cho ta vượt qua cái ách nạn của hạng phàm phu tục tử này, thành bậc Chánh-Giác trên cảnh Tây Phương Cực Lạc.

Biết được như vậy, mau mau quay đầu làm cuộc cách mạng rất mạnh để cho chúng ta vượt qua được cái ách nạn này. Nếu chúng ta không chịu làm cuộc cách mạng tự thân, thì coi chừng nhiều đời nhiều kiếp qua ta đã bị đọa lạc rồi, bây giờ vẫn tiếp tục đọa lạc nữa. Oan uổng vô cùng!...

Một câu A-Di-Đà Phật.

Lục tự Di-Đà vô biệt niệm. Sáu chữ A-Di-Đà Phật vô biệt niệm là một câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Đừng niệm cái gì khác. Bây giờ chư Tổ còn cắt cho ta hai chữ, còn lại “A-Di-Đà Phật”. Tứ tự Di-Đà vô biệt niệm”. “Vô biệt niệm” là không có niệm gì khác cả. Tức là niệm một cái thôi, gọi là vô biệt niệm. Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương. “Bất lao” là không mệt mỏi gì hết, không làm cái gì cho cực thân. Đàn chỉ” là khảy móng tay một cái như thế này thì tới Tây Phương liền.

Cho nên, khi một người ngộ ra chỗ này, khảy móng tay một cái tới Tây Phương liền. Mà không ngộ? Tức là ở đây niệm Phật một vài tiếng, về nhà bỏ đi chơi, cạnh tranh, ganh tỵ... thì bây giờ có khảy cho đến quẹo cái tay này đi nữa cũng không vãng sanh là không vãng sanh!...

Mong quí vị hiểu cho, con đường vãng sanh nhất định ở trước mũi bàn chân của những người Chí Thành - Chí Kính - Niệm Phật.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.


Xem mục lục