Bài viết này sẽ khảo sát một số thắc mắc thường gặp về Thiền Tông, hy vọng sẽ tiện dụng cho một số độc giả còn nhiều nghi vấn. Những chỗ cần tham khảo, xin dò theo ký số kinh bản, hay dò theo các liên kết cuối bài. Một số câu sẽ được ghi kèm tiếng Anh để độc giả thấy ngay trước mắt không phải tạm ngưng để dò bản tiếng Anh trên mạng. Bài này sẽ tập trung vào khía cạnh thực dụng lời Đức Phật dạy, và sẽ viết rất mực đơn giản ở mức có thể có. Trong phần Ghi Chú cuối bài, độc giả sẽ thấy các ký số không bình thường, vì bài này được viết đi, viết lại nhiều lần, và khi cần ghi chú thêm giữa bài, đành chọn cách ghi số xen vào. Bài viết này có vài chỗ sẽ gây suy nghĩ phức tạp, nhưng người viết hoàn toàn không có ý muốn tranh luận, vì tự biết mình tu học chưa tới đâu, và cũng vì chỉ muốn giải thích Phật pháp qua những khía cạnh có thể thực tập tức khắc, để độc giả có thể kinh nghiệm ngay trên thân và tâm trong thời gian nhanh nhất. Mọi sai sót xin được sám hối và chỉ dạy.
Nói giải thoát, chỉ đơn giản là xa lìa tham sân si. Nói Thiền Tông là bất lập văn tự, vì không dùng lời nói hết được, vì lời nào cũng vướng vào nhị nguyên đúng/sai, có/không. Chỉ duy Đức Phật mới đủ biện tài để dùng lời siêu vượt mọi vướng mắc ở ba cõi. Đặc biệt, Thiền Tông và cả hệ thống Bát Nhã của ngài Long Thọ, đều là từ những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong những năm đầu Thế Tôn hoằng pháp. Lúc đó, các vị sa môn trong những năm đầu đã đọc tụng hàng ngày một số kinh, trong đó hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, khi Đức Phật sinh tiền, là:
- Nhóm kinh nhật tụng thứ nhất là Atthaka Vagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ tư, còn gọi là 'The Octet Chapter' tức Phẩm Tám).
- Nhóm kinh nhật tụng thứ nhì là Parayanavagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ năm, còn gọi là 'The Chapter on the Way to the Far Shore' tức Phẩm Qua Bờ Bên Kia).
Dẫn chứng hai nhóm kinh này dùng cho tứ chúng thời Đức Phật làm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời đã giải thích trong “Vài Ghi Chú Rời Về Thiền” (1), nơi đây sẽ thảo luận khía cạnh khác.
Sự thật của vũ trụ, hay sự thật của chúng sinh ba cõi (Dục, Sắc, Vô Sắc), là Bốn Sự Thật, hay Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), có khi còn tắt là Hai Sự Thật, hay Nhị Đế (Khổ, Diệt Khổ). Phương pháp lìa khổ là Bát Chánh Đạo, hay đường đi có 8 chi, nằm trong Đạo Đế.
Điều ngạc nhiên là, trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không nói gì tới Tứ Đế, mà chỉ nói tới khổ và lìa khổ. Nghĩa là, chúng ta có thể đoán rằng, trong các năm đầu tiên, Đức Phật dạy Nhị Đế (khổ và lìa khổ), và nhiều năm sau mới soạn lại thành Tứ Đế. Cũng có thể vì khi dạy quý tăng chúng trong các năm đầu chủ yếu là đối cơ, tùy căn cơ mà dạy.
Trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời cũng không nói gì tới Bát Chánh Đạo, nghĩa là, không sắp theo trật tự 8 chi như bây giờ chúng ta học, tuy rằng tất cả nội dung Bát Chánh Đạo đều rải rác, có đầy đủ qua các kinh nhật tụng này. Chủ yếu phương pháp tu là, tùy theo kinh trong hai nhóm kinh này: xa lìa cả Hữu và Vô, xả ly (buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức ở cả ba thời, quá, hiện, vị lai), giữ tâm vô sở trụ, thấy các pháp là vô ngã, là vô thường, là Không, là như huyễn… Nghĩa là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời thuần túy là Thiền Tông (mà chúng ta còn gọi là Thiền Đạt Ma, Thiền Đông Độ, hay tại Việt Nam có khi còn quen gọi là Thiền Trúc Lâm, vì dòng này lớn nhất và ảnh hưởng nhất tại VN). Bài này sẽ khảo sát thêm các ý vừa nói.
Cũng bất ngờ là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời này không sử dụng chữ A La Hán hay các bậc Thánh, cũng không phân chia thứ bậc Tứ Thánh, như hiện nay chúng ta học là: Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán. Nghĩa là, những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật không dùng các chữ vừa ghi.
Lấy thí dụ như ở Phẩm Tám, Kinh Snp 4.2 gồm tám bài kệ, trong đó hai đoạn cuối kinh, bài kệ số 778 và bài kệ 779, có 2 chữ để chỉ người đã giải thoát.
Bản dịch Khantipalo (1) theo thứ tự hai bài kệ 778 và 779, dùng chữ: "the sage" (hiền giả), "the wise" (trí giả).
Bản dịch Thanissaro Bhikkhu (1), tương tự, dùng chữ: "the enlightened person" (người giác ngộ), "the sage" (hiền giả).
Bản dịch Bhikkhu Bodhi (1), tương tự, dùng chữ: "the wise person" (người trí tuệ), "the muni" (người tịch tịnh).
Bản dịch Bhante Varado (1), tương tự, dùng chữ: "the wise person" (người trí tuệ), "the sage" (hiền giả).
Tương tự, đọc toàn bộ gần 40 bài kinh trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không hề thấy chữ “A La Hán”, cũng không thấy dạy về pháp thở, không dạy những gì cần tới con số thứ tự. Chúng ta không biết chính xác vì sao. Có thể suy đoán rằng, Đức Phật yêu cầu tứ chúng hàng ngày đọc tụng hai nhóm kinh đó, vì thời xa xưa chưa có chữ viết, và không nhiều người dân có học – lúc đó, giai cấp thượng lưu là Bà La Môn và Sát Đế Lợi mới được học để cai trị đất nước – nên lời dạy cần trực tiếp, nói thẳng vào tâm người. Có thể, nhiều năm sau, Đức Phật mới sắp xếp theo các pháp số. Chúng ta chỉ tạm suy đoán như thế, vì nghiên cứu này xin để cho các học giả. Điều muốn nói nơi đây rằng, Thiền Tông là phần lớn trực tiếp từ hai nhóm kinh này, trong khi vài trăm năm sau mới có chuyện Nam Truyền và Bắc Truyền.