Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Giải thích từ câu, lời ký

Sanh tử cũng là việc lớn, vì cơn vô thường (chết) chóng mau! Thế, người học đạo, với mỗi giờ, mỗi phút phải lấy đó làm điều nhớ lo.

Ôi! Ngày tháng dễ trôi qua, bằng chẳng nhắc nhở lại cho thì, khi còn sống chẳng tu, đến lúc chết đem chi theo!?

Khốn nỗi, cứ mải miết theo cái thói đê hèn là, đã tham của cải, lại tham uống ăn, thực là khá hổ!

Chạnh vì tệ đoan ấy mà, buộc phải chép văn Qui Sơn Cảnh Sách đây ra đời vậy.

Tại núi Đảnh Hồ(1), Tổ Tại Tham Hòa thượng, Ngài khắp nêu đạo mầu, dạy bảo người đến học, cặn kẽ rất hậu, chỉ vẽ đủ điều.

Chợt một bữa nọ, đại chúng thỉnh cầu Tổ sư (Hoằng Tán) vạch chỉ tông thú của văn Qui Sơn Cảnh Sách.

Tổ Sư dùng cái trí huệ vô ngại phân rành, thỏa mãn được lòng khát vọng của đại chúng.

Nhân đó, đại chúng lại yêu cầu Tổ Sư chia ra từ khoa giải thích từ câu, làm cho ý chỉ văn Cảnh Sách được rỗng suốt.

Đối với văn Cảnh Sách, vô luận bực thượng triết hay trung lưu, đều có thể noi theo tu học, để đồng đến nơi đạo quả.

Người đệ tử bực thượng túc(2) của Tổ Sư là ông Thạch Tiễn Khai Huýnh, ghi những lời của Tổ Sư giảng diễn ngày trước, đem chú ký nơi sau mỗi bài. Như gấm thêm hoa, tựa dầu giúp sáng.

Thế là sách đây cả có sự lợi ích cho kẻ hậu học nên chẳng phải việc nhỏ vậy.

Phàm những người đọc sách đây như thấy được Tổ Qui Sơn mà, cũng như thấy được Tổ Tại Tham Hòa thượng cùng với Tổ Qui Sơn dầu khác miệng mà đồng tâm, năng xét đến “hết sức vì người” của Phật Tổ từ trước, để cùng đại chúng khuyên nhủ, nhắc nhở nhau.
Thuở xưa ngài Đại An thiền sư nói “Ta ở tại Qui Sơn suốt ba mươi năm từng chăn con thủy cổ ngưu(3), nay nó biến làm con lộ địa bạch ngưu(4), thường ở trước mặt, trọn ngày bày sờ sờ, đuổi cũng chẳng đi(5)”. Đấy, thực khá gọi năng tự siêng gắng lấy mình ấy vậy.
Ta nguyện vọng cho cả người học đạo trong thiên hạ đều lấy cái yếu sách của ngài Đại An thiền sư(6) đó để tự sách phát lấy tinh thần của mình.

Đệ tử Quảng Duệ
Viết tại chân núi Phong Ngu, tỉnh Hắc Long Giang, tháng Chạp, năm Canh Tý (1660), niên hiệu Thuận Trị (vua Thế Tổ), năm thứ 17 nhà Thanh.


CHÚ THÍCH
1. Núi Đảnh Hồ: Vị trí tại phủ Đoan Châu, nay là huyện Cao Yếu, tỉnh Quảng Đông. Trên đảnh núi có cái hồ, khi trời tạnh nắng hễ có luồng mây bao vận trên hồ thì mưa; đương lúc trời mưa mà có luồng mây vần phủ trên hồ thì tạnh nắng, nên gọi là Đảnh Hồ Sơn, hoặc Đảnh Hồ Tự và Khánh Vân Tự.

2. Thượng túc: Là danh từ mỹ xưng đối với đệ tử của người. Kinh Phật Thuyết Vô Úy Nữ nói “Bọn đây đều là đệ tử thượng túc (đệ tử lớn) của đức Thích-ca Như Lai”. Vương Bột Văn chép “Với bực thượng túc của Thiền sư, tay lãnh tụ trong pháp môn”.

3. Thủy cổ ngưu: Con trâu đen dưới nước, tức ám chỉ cái vô minh. Thủy: nước, bắc phương nhâm quí thủy, ký sắc hắc, nên thủy là nước màu đen, chỉ cho vô minh hắc nghiệp mà, gọi là con trâu đen, tức cũng là cái vọng tâm. Lại nước cũng ám chỉ là sông mê, bể khổ.

4. Con lộ địa bạch ngưu: Con trâu trắng (cò) trên bờ, tức tượng trưng cái giác tánh. Địa: đất, tức giác ngạn. Lại, cổ ngưu dùng nghĩa là kẻ đã cát ái từ thân, xuất gia bạch nghiệp chơn tu, như nói rằng cổ ngưu, bạch ngưu.

5. Đuổi cũng chẳng đi: Người xưa, một lần chứng là chứng mãi, một lần đắc là đắc luôn, không hề lui mất, vì vô minh đốn tận, giác tánh siêu nhiên, nên nói trọn ngày bày sờ sờ trước mặt, đuổi cũng chẳng đi.

6. Đại An thiền sư: Sách Truyền Đăng Lục nói “Ông Đại An thiền sư, người ở phủ Phước Châu, đến yết kiến Tổ Bá Trượng rằng “Người học đạo, muốn biết Phật thì, phải như thế nào là đúng?” Tổ dạy “Giống hệt cỡi trâu tìm trâu”. Sư hỏi “Sau khi biết rồi như thế nào?” Tổ dạy “Như người cỡi trâu về đến nhà”. Sư hỏi “Thỉ chung giữ gìn làm sao?” Tổ dạy “Tỷ như mục đồng cầm roi, dây chăn coi đó, chẳng cho nó xâm phạm lúa mạ của người ta”. Từ đó, Sư đã lãnh hội được diệu chỉ, lại chẳng phóng ý rông tìm. Ngày nọ, Sư lên giảng đường tự trần rằng “Đại An này, ở tại núi Qui ba mươi năm, đói thì ăn cơm của Qui Sơn, đại tiện trên chỗ phẩn của Qui Sơn, chẳng học thiền của Qui Sơn, chỉ giữ coi một con thủy cổ ngưu, nếu trâu nó đi lệch đường vào rau cỏ, thì kéo nó ra, hoặc nó xâm phạm lúa mạ của người thì quất roi, tập luyện đã lâu, khá thương đời sống của nó. Mà nay nó biến hóa ra con bạch ngưu trên đất gò, thường ở trước mặt, trọn ngày bày sờ sờ, dù đánh đuổi nó cũng chẳng chịu đi đâu”.

Con trâu là ý thức và sáu căn. Dây và roi là giới cấm. Coi trâu là giữ giới. Nghĩa là chẳng cho sáu căn và ý thức trú trước xâm phạm nơi lúa mạ sáu trần và tham lam phân biệt chấp trước này nọ…

BIỂU HUYỀN KHOA, MỤC
I- Đề mục phân hai:
I.A- Nhân
I.B- Pháp
II- Bổn văn phân hai:
II.A- Trường hàng
II.B- Trùng tụng
II.A- Trường hàng phân hai:
II.A.1- Giáo giới
II.A.2- Thị pháp
II.A.1- Giáo giới phân chín:
II.A.1.a- Nghiệp nhân quả khổ.
II.A.1.b- Sanh lão bệnh tử.
II.A.1.c- Sanh diệt thời tốc.
II.A.1.d- Vi tục nhập đạo.
II.A.1.e- Danh lợi thất đạo
II.A.1.h- Khải thị tam học.
II.A.1.k- Bất tu học quá.
II.A.1.l- Nghiệp quả thời thục
II.A.1.m- Sách lệ khuyến tu
II.A.2- Thị pháp phân ba:
II.A.2.a- Đạo hạnh
II.A.2.b- Thiền giáo
II.A.2.c- Kiết khuyến
II.A.2.a- Đạo hạnh phân sáu:
II.A.2.a1-Lập hạnh
II.A.2.a2- Trừng giới
II.A.2.a3- Cầu đạo
II.A.2.a4- Trạch hữu
II.A.2.a5- Kiết hối
II.A.2.a6- Tiềm tu
II.A.2.b- Thiền giáo phân hai:
II.A.2.b 1.Thiền học
II.A.2.b 2.Thiền lý
II.A.2.b1- Thiền học phân hai:
II.A.2.b1a- Thị pháp
II.A.2.b1b- Tán miễn
II.A.2.b2- Thiền lý phân hai:
II.A.2.b2a- Thị giáo
II.A.2.b2b- Giới miễn
II.A.2.c- Kiết khuyến phân năm:
II.A.2.c1- Khải phát
II.A.2.c2- Thị giáo
II.A.2.c3- khuyến miễn
II.A.2.c4- Hiển thị nhân quả
II.A.2.c5- Tự hành hóa tha
II.B- Trùng tụng phân ba:
II.B.1- Phiêu tụng đề
II.B.2- Tụng giáo giới
II.B.3- Tụng thị pháp
II.B.2- Tụng giáo giới phân mười một:
II.B.2.a- Hoán sắc
II.B.2.b- Thời tiết
II.B.2.c- Sanh diệt
II.B.2.d- Lưu chuyển
II.B.2.e- Ái thủ hữu
II.B.2.h- Hư sanh không lão
II.B.2.k- Vô minh hoặc
II.B.2.l- Khái thời mạng tốc
II.B.2.m- Hiện nhân hậu quả
II.B.2.n- Nhân quả sở do
II.B.2.o- Tuần hoàn bất tức
II.B.3- Tụng thị pháp phân bảy:
II.B.3.a- Y sư
II.B.3.b- Trạch pháp
II.B.3.c- Liễu vọng
II.B.3.d- Qui chân
II.B.3.e- Tương vong
II.B.3.h- Tịch chiếu
II.B.3.k- Song dẫn

Xem mục lục