Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

"Người ta có thể cảm thấy tự hào khi sống cùng thời với vài nhân vật nào đó trong thời đại này" Albert Camus.

Chúng ta đang sống trong một thời đại rất bất thường. Cho nên cũng không lạ nếu xuất hiện những con người bất thường. Dù có lẽ không quen thuộc bằng những tên tuổi như Einstein hay Gandhi (đã trở thành biểu tượng của thời đại chúng ta) song Daisetz Suzuki hoàn toàn không kém lỗi lạc hơn bất cứ người nào như vậy. Và dù sự nghiệp của ông có thể không gây tiếng vang và tác động rộng rãi như của họ, ông cũng đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng tri thức và tâm linh của thời đại chúng ta. Ảnh hưởng của Thiền vào phương Tây, tác động với sức mạnh sung mãn nhất của nó lúc tàn cuộc thế chiến thứ hai, giữa sự nổi loạn của hiện sinh chủ nghĩa, vào buổi bình minh của kỷ nguyên hạch tâm và điều khiển học, khi triết học và tôn giáo Tây phương đang khủng hoảng và khi ý thức con người bị đe dọa bởi sự tha hóa sâu sắc nhất, thì sự nghiệp và ảnh hưởng nhân cách của Bác sĩ Suzuki đã chứng tỏ vừa đúng lúc vừa hiệu quả: có lẽ hiệu quả hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Ở đây tôi không nói đến nhiệt tình hời hợt của phương Tây đối với vẻ ngoài và những bọt bèo của Thiền (mà Giáo sư Suzuki đã có thể tự lượng giá một cách khách quan và độ lượng), mà về hoạt chất men của tuệ giác Thiền ông đã đưa vào tư tưởng Tây phương vốn đang dậy men, qua những tiếp xúc của ông với các giới phân tâm học, triết học, và tư tưởng tôn giáo như trường hợp Paul Tillich.

Rõ ràng Bác sĩ Suzuki đã đem đến cho thời đại đối thoại này một tặng phẩm tuyệt vời của riêng ông: khả năng thấu hiểu và nắm vững những tiêu điểm minh xác vốn là tiền đề cho sự giao tiếp có thể hy vọng đạt hiệu quả. Ông đã làm được điều này một cách hiệu nghiệm hơn thế rất nhiều vì người ta thấy rõ ông hoàn toàn thoát khỏi những chi phối của các mô thức tư tưởng bè phái và chủ nghĩa hình thức khoa bảng. Không có gì thúc ép ông tham gia những trò chơi phức tạp phải vận dụng mánh khóe để tạo ưu thế trong giới trí thức. Do đó, hiển nhiên, một cách tự nhiên và không khó khăn, ông đứng vào vị trí kiệt xuất. Ông phát ngôn với đầy đủ thẩm quyền, thẩm quyền của một con người đơn giản nhưng sáng suốt, hiểu rõ những giới hạn của con người và không có ý cải thiện chúng bằng những cấu trúc giả tạo không có chút ý nghĩa hiện thực. Nói theo một thiền ngữ, ông không cần đặt thêm một cái đầu nữa lên đầu mình. Điều này hiển nhiên là lợi thế trong bất cứ cuộc đối thoại nào, vì khi con người nỗ lực giao tiếp với nhau, tốt hơn họ nên nói bằng tiếng nói đặc thù của riêng mình chứ không phải xóa mờ những cá tính bằng cáchử cùng một lúc nói qua hàng loạt lớp mặt nạ quy cách.

Tôi may mắn được quen biết Bác sĩ Suzuki và có hai lần trò chuyện ngắn với ông. Nghĩ lại, điều này không những đáng giá, tôi còn muốn nói là khó thể quên được. Với riêng tôi, đó là một sự kiện phi thường bởi lẽ, trong môi trường sống của tôi, không phải luôn luôn gặp được tất cả những người mình muốn gặp trên phương diện nghề nghiệp nếu tôi đang giảng dạy tại một trường Đại học. Từ lâu, tôi đã biết đến sự nghiệp của ông, đã trao đổi thư từ với ông, và chúng tôi đã cho ấn hành một tập đối thoại ngắn chủ đề "Minh triết về tính không hư " như đã tìm thấy về mặt đối chiếu, trong Thiền, và trong Các Linh mục sa mạc Ai-cập. ("Minh triết trong tính không hư", đối thoại giữa D. Suzuki và Thomas Merton, trong New Directions số 17, New york, 1961). Trong chuyến đi Mỹ cuối cùng của ông tôi đã vinh dự được ông tiếp kiến. Ta phải gặp con người này để cảm nhận sâu sắc về ông. Đối với tôi, dường như ông là hiện thân của tất cả những phẩm chất kỳ cùng của một ‘con người siêu việt’ trong truyền thống Á Đông cổ đại, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Hay hơn thế, gặp ông người ta có cảm giác gặp ‘vô vị chân nhân’ mà Trang Tử và các Thiền sư đã từng nói. Và dĩ nhiên đây là người mà ta thật sự muốn gặp mặt. Còn ai khác nữa? Trong lúc gặp gỡ Suzuki và uống với ông một chén trà, tôi có cảm tưởng mình đang đối mặt với người đó. Nó giống như cuối cùng người ta đang trở về nhà mình. Một kinh nghiệm tuyệt vời, ít nhất cũng có thể nói vậy. Người ta không cần phải nói nhiều, vì nói nhiều thì thường quay sự chú ý vào những tiểu tiết mà cuối cùng thì lạc đề. Khi ta thật sự đứng trước một con người, muôn trùng tiểu tiết sẽ tự nhiên biến vào trong cái đại đồng được nhận thấy mà không cần diễn đạt. Khi ta thuật lại điều đó lần nữa, chỉ còn là chi tiết trùng lặp mà thôi. Chân nhân lúc đó đã đi làm công việc của ông ở đâu đó từ lâu rồi.

Nãy giờ tôi phát ngôn chỉ đơn giản như là một con người. Hẳn tôi cũng đã phải phát ngôn với tư cách là một tu sĩ và giáo sĩ Công giáo, được nuôi lớn trong một truyền thống tôn giáo Tây phương nhất định, nhưng với, hy vọng vậy, lòng cầu thị chính đáng và tinh thần rộng mở trước những truyền thống khác. Một người như vậy chỉ có thể mạo muội nêu lên những nhận định về Phật giáo một cách đầy thận trọng, bởi y không thể đoan chắc là mình có tầm nhìn đáng tin tưởng để nhìn sâu vào những giá trị tinh thần của một truyền thống mình hãy còn xa lạ. Riêng tôi, có thể mạo muội nói, qua Bác sĩ Suzuki, Phật giáo cuối cùng đã trở thành hoàn toàn dễ hiểu đối với tôi, dù trước đó nó đã từng là một mớ hỗn tạp rất bí hiểm và mê hoặc của những từ ngữ, hình tượng, giáo thuyết, truyền thuyết, nghi lễ, kiến trúc và nhiều thứ khác. Theo tôi dường như vẻ hoa lệ văn hóa vĩ đại và gây nhiều ngộ nhận vốn đã từng khoác lên mình những hình thái đa dạng của Phật giáo ở nhiều miền khác nhau của châu Á, là bộ y trang diễm lệ phủ lên một cái gì rất mực giản đơn. Những tôn giáo vĩ đại nhất, thực chất, đều rất đơn giản. Tất cả chúng đều bảo lưu những dị biệt cốt yếu rất quan trọng, nhưng chắc chắn ở tận cùng tâm khảm, Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Do thái giáo đều vô cùng giản dị (dù tôi vẫn có thể nói về vẻ hoa lệ gây nhiều ngộ nhận) và cuối cùng tất cả đều qui kết về điều đơn giản nhất gây nhiều ngộ nhận nhất: sự đối diện trực tiếp với Hữu thể Tuyệt đối, Tình yêu Tuyệt đối, lòng Từ bi Tuyệt đối hay Chân không Tuyệt đối, bằng sự dấn thân trực tiếp và hoàn toàn tỉnh thức đi vào cuộc sống thường nhật. Trong Thiên chúa giáo sự đối diện đó có tính chấtử thần học và cảm tính, thông qua ngôn ngữ và tình yêu. Trong Thiền nó có tính chất siêu hình và trí năng thông qua tuệ giác và tính không. Tuy thế Thiên chúa giáo cũng có truyền thống chiêm nghiệm khước từ hay nhận thức bằng "không biết" trong khi những lời cuối cùng mà tôi nhớ là Bác sĩ Suzuki thường nói (trước những lời từ giã thông lệ): "Điều quan trọng nhất chính là Tình yêu!" Phải nói là với tư cách một người Thiên chúa, tôi đã thật sự rúng động. Thực ra Prajĩa (Trí) và Karuịa (Bi), theo nhà Phật, chỉ là một; hay Caritas (tình yêu) thực sự là tri thức cao nhất.

Tôi đã gặp Bác sĩ Suzuki trong hai lần viếng thăm ngắn ngủi, và không hề cảm thấy mình đã phí thời giờ mưu tìm những giảng giải trừu tượng, giáo điều về truyền thống của ông. Trái lại tôi đã cảm thấy mình được tiếp chuyện với một người thuộc truyền thống hoàn toàn khác với mình, rất chín chắn, hoàn thiện; một người đã tìm ra con đường của mình. Người ta khó có thể hiểu Phật giáo nếu không tiếp cận nó bằng phong cách sống thực này, trong một con người mà trong đó Phật giáo đang thể hiện sinh động. Cho nên chẳng còn vấn đề hiểu hay không thể hiểu những học thuyết không thể không nói là ngoại lai đối với một người Tây phương, mà chỉ có vấn đề nhận chân một giá trị tự nó đã rõ ràng hiển nhiên. Tôi dám chắc không có một người Tây phương tỉnh thức và thông minh nào lại không cảm thấy như vậy khi gặp Daisetz Suzuki.

Mặt khác, phẩm chất sống thực này còn thể hiện rõ trong khối lượng đồ sộ những tác phẩm đã ấn hành của Bác sĩ Suzuki. Một người lao động năng nỗ, độc đáo và hiệu quả, được ban cho một đời sống trường thọ và lòng nhiệt tình không mệt mỏi đối với chủ đề của mình, đã để lại cho chúng ta cả một thư mục Thiền bằng Anh ngữ. Rất tiếc tôi không được biết các công trình bằng tiếng Nhật của ông hoặc có thể nói nó là bao nhiêu. Nhưng những gì chúng ta có bằng tiếng Anh chắc chắn là sự trình bày đầy đủ và xác thực nhất một truyền thống và kinh nghiệm Á đông chưa từng ai cung cấp trong điều kiện mà Tây phương có thể tiếp cận. Cái độc đáo của Bác sĩ Suzuki nằm ở sự trực chỉ mà một nhà tư tưởng Á đông dùng để truyền thông kinh nghiệm của mình về một truyền thống cổ xưa và sâu thẳm của Đông phương bằng ngôn ngữ Tây phương. Điều này hoàn toàn khác với
những bản dịch ít nhiều đáng tin cậy về các kinh điển Đông phương của các học giả Tây phương vốn không có kinh nghiệm về những giá trị tinh thần của châu Á, hay ngay cả kinh nghiệm về những truyền thống châu Á đã được Tây phương thâu nhận.

Một lý do vì sao sự truyền bá Thiền qua phương Tây của Bác sĩ Suzuki đặc biệt hiệu quả là vì ông có một khả năng khác thường để chuyển hóa Thiền thành những tổng thể xác thực thuộc truyền thống huyền bí Tây phương vốn rất gần gũi với nó. Tôi không rõ Suzuki đã có sự hiểu biết sâu sắc thế nào về các nhà thần bí Tây phương, nhưng chắc chắn ông đã nghiên cứu kỹ về Meister Eckhart (tôi muốn mở ngoặc ở đây rằng tôi đồng ý với luận điểm cuối cùng của ông về Thiền và chủ nghĩa thần bí, trong đó ông khẳng định Thiền "không phải là chủ nghĩa thần bí" nhằm tránh vài ý thức mơ hồ tai hại nào đó. Nhưng vấn đề này còn đòi hỏi nhiều nghiên cứu sâu xa hơn).

Mặc dù Bác sĩ Suzuki đã coi ý tưởng Tây phương khá hời hợt vào lúc đó về Eckhart như một hiện tượng độc nhất và hoàn toàn dị giáo, chúng ta phải thừa nhận, với nền học thuật mới mẻ hơn, rằng Eckhart đại diện cho trường phái chính thống sâu sắc và rộng rãi lúc bấy giờ trong tư tưởng tôn giáo Tây phương: đó là quay về với Plotinus và Pseudo-Dionysius Pháp quan Tối cao Pháp viện, được truyền lại ở Tây phương qua Scotus Erigena và trường phái trung cổ của Thánh Victor, nhưng cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thầy của Eckhart, Thánh Thomas Aquinas. Sau khi tiếp xúc với truyền thống tương đối ít được biết đến này, Suzuki thấy nó đồng điệu nên đã có thể vận dụng nó. Tôi cảm thấy, như trong cuộc đối thoại nói trên với ông, rằng ông có khả năng sử dụng ngôn ngữ thần học, mà bằng ngôn ngữ đó sự Sa đọa của Con người được mô tả, trong Thánh kinh và bởi các Giáo phụ của Giáo hội, để nêu bật lợi thế tâm lý và tâm linh. Ông nói một cách thoải mái và hoàn toàn tự nhiên về những hàm ẩn của sự "Sa đọa" liên quan tới sự vong thân của con người, và ông đã làm thế cũng với cung cách tự nhiên giản dị như các Cha trong Giáo hội là Thánh Augustine hay Thánh Gregory ở Nyssa đã làm. Nếu chân lý mà nói được, nó được nói chung chung rất nhiều trong kiến giải tâm linh và tâm lý của các Giáo phụ và trong cả tư duy hiện sinh Ky tô giáo được định hướng một cách phân tâm học của những người như Tillich, vốn chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả những người đã được khai thị trong truyền thống Augustine. Bác sĩ Suzuki hoàn toàn quen thuộc với môi trường này và ông hoàn toàn có khả năng nắm vững các biểu tượng truyền thống này. Thực ra ông quen thuộc chúng còn hơn rất nhiều lý thuyết gia Tây phương. Ông thấu hiểu và đánh giá cao ngôn ngữ biểu tượng của Thánh kinh và của các Giáo phụ một cách trực tiếp hơn nhiều người hiện đại chúng ta, kể cả Công giáo, những người ít nhiều vẫn còn lúng túng với đề tài này. Toàn bộ thực tại về "Sa đọa" ghi đậm nét trong bản tánh chúng ta, trong cái Jung gọi là những nguyên hình tượng trưng, và các Giáo phụ (cũng như những nhà trước tác Kinh thánh) quan tâm đến ý nghĩa hình mẫu này nhiều hơn là sự Sa đọa như một ‘biến cố lịch sử’. Ngoài Suzuki còn có nhiều người khác, dù không thuộc Thiên chúa giáo, đã trực nhận tầm quan trọng của biểu tượng này. Hai tên tuổi dễ nhớ nhất là Erich Fromm, nhà phân tâm học, và nhà thơ độc đáo ít được biết đến: Edwin Muir, người dịch Franz Kafka sang Anh ngữ. Tôi không nghĩ Bác sĩ Suzuki thuộc loại người quan tâm đến việc mình có ‘hiện đại’ hay không. Một chân nhân không ngôi thứ chẳng bao giờ quan tâm đến những nhãn hiệu như vậy, vì ông biết không có thời gian nào trừ hiện tại, và rằng ông biết không thể nắm bắt được quá khứ hay tương lai, mà chỉ có hiện tại mà thôi.

Có thể nói toàn bộ các tác phẩm của Bác sĩ Suzuki đều tập trung nhiều về cùng chủ đề này. Thỉnh thoảng ông mới quay lại và nhìn Thiền qua tiêu điểm văn hóa hay phân tâm học, hay từ quan điểm của chủ nghia thần bí Cơ đốc (trong Eckhart), nhưng ngay cả lúc đó ông cũng không thực sự xa rời Thiền sang một lãnh vực nào khác, không ngay cả một cái nhìn triệt để mới về mục tiêu của ông. Ông nói rất nhiều về những đề tài như nhau, kể những Thiền thoại tuyệt vời như nhau, có lẽ bằng những ngôn ngữ tinh tế khác nhau, để cuối cùng kết luận như nhau: số không bằng vô hạn. Tuy thế không hề có sự đơn điệu trong các tác phẩm của ông và người ta không cảm thấy ông lập lại chính mình, bởi thực tế mỗi cuốn sách là một điều hoàn toàn mới mẻ. Mỗi cuốn sách là cả một trường kinh nghiệm mới. Những ai trong chúng ta đã từng viết nhiều hẳn có thể ngưỡng mộ phẩm chất này trong sự nghiệp của Suzuki: tính kiên định đáng phục của nó, tính nhất thể của nó. Pseudo-Dionysius nói trí tuệ của nhà tu trầm mặc chuyển dịch trong cái motus orbicularis - tức cái chuyển động lượn vòng, như sự lượn vòng của con diều hâu bên trên con mồi vô hình nào đó, hay sự xoay vần của một hành tinh quanh một mặt trời không thấy được. Sự nghiệp của Bác sĩ Suzuki quả là chứng nhân của sự vận hành câm lặng của prajĩa vốn là (theo ngôn ngữ của cùng truyền thống Tây phương Areopagite và Erigena) một "vòng tuần hoàn mà chu vi của nó không ở đâu và tâm của nó ở mọi chỗ." Còn lại chúng ta du hành trong đường bay tuyến tính. Chúng ta tiến xa, đạt đến những vị trí tít mù, từ bỏ chúng, chiến đấu và rồi ngỡ ngàng vì sao chúng ta lại khích động đến vậy, dựng nên những hệ thống rồi vứt bỏ đi, rồi lại lang thang cùng trời cuối đất mưu tìm một cái gì mới hơn. Bác sĩ Suzuki ở ngay nơi ông ở, trong cõi Thiền của ông, và tìm thấy điều mới mẻ bất tận trong từng cuốn sách mới. Chắc chắn đây là biểu thị của một tặng vật tuyệt trần, một phẩm chất đặc biệt của thiên tài.

Trong bất kỳ trường hợp nào, sự nghiệp của Suzuki đối với chúng ta vẫn như là một tặng phẩm vĩ đại, như là một trong những thành tựu tinh thần và trí tuệ vô song của thời đại. Đối với chúng ta, điều quý hơn hết chính là cung cách xích lại giữa Đông và Tây, đưa Nhật bản và Hoa kỳ đến chỗ hòa hợp trên bình diện sâu xa giữa lúc mà mọi thứ dường như chỉ nhằm nuôi dưỡng mâu thuẩn, chia rẽ, thiếu cảm thông, hiểu nhầm lẫn, và chiến tranh. Thời đại chúng ta không luôn luôn có nhiều công trình về hòa bình. Chúng ta có thể tự hào về một con người đương đại đã dâng hiến trọn đời mình cho những công trình đó, và đã hoàn thành một cách mỹ mãn.

T.M.

Xem mục lục