Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Hãy tưởng tượng một người nào đó đang tìm kiếm một sự hiểu biết, một câu trả lời cho những băn khoăn của cuộc sống. Người đó biết rằng trong cuộc sống của mình có gì đó không ổn. Chắc chắn phải có một cuộc sống khác tốt đẹp hơn thế này. Anh ta tìm kiếm và lại tìm kiếm, và rồi ngẫu nhiên cầm lên một cuốn sách, và sung sướng tìm thấy câu trả lời cho vấn đề của mình – Chính nó đây rồi! và kể từ đó, cuộc đời của anh ta đã hoàn toàn thay đổi ( Verenable Nanadassi)

 “Này Bà la môn, ở đây Ta sẽ hỏi ông, nếu ông kham nhẫn,hãy trả lời cho ta. Này Bà la môn, ông nghĩ thế nào? Ông có thông thạo con đường đi đến Rajagaha?”

-  “Thưa Tôn giả, con có thông thạo về con đường đi đến Rajagaha.”

“Này Bà la môn, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có một người, muốn đi đến Rajagaha, người này đến ông và nói như sau: “Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đi đến Rajagaha.”

“Ông nói với với người ấy như sau:” Được, này bạn, đây là con đường đưa đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, bạn sẽ thấy một làng tên như thế này, hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, bạn sẽ thấy một thị trấn tên như thế này, hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những hồ ao mỹ diệu”. Dầu cho người ấy được khuyến giáo như vậy, được giảng dạy như vậy, nhưng lại lấy con đường sai lệch, đi về hướng tây. Rồi một người thứ hai đến, muốn đi đến Rajagaha . Người này đến ông và nói như sau : “Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha. Mong Tôn giả chỉ con đường ấy cho tôi.” Rồi ông nói với người ấy như sau: “ Được, này bạn, đây là đường đi đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian… bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những hồ ao mỹ diệu.”  Người ấy được ông khuyến giáo như vậy, giảng như vậy, đi đến Rajagaha một cách an toàn.”

“Này Bà la môn, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Rajagaha, trong khi có mặt con đường đưa đến Rajagaha, trong khi có mặt ông là người chỉ đường, dầu cho ông có khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một người lấy con đường sai lạc, đi về hướng tây, còn một người có thể đi đến Rajagaha an toàn?”

-          “Thưa Tôn giả Gotama, ở đây con làm gì được? Con chỉ là người chỉ đường, thưa Tôn giả Gotama.”

-          Cũng vậy, này Bà la môn, trong khi có mặt Niết bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết bàn, và trong có mặt Ta là bậc chỉ đường, nhưng các đệt tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà la môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường. “

Kinh Gotama Moggallana – Trung Bộ Kinh

 

Giới thiệu

Bản đồ hành trình tâm linh là những bài giảng của thiền sư Sayadaw U Jotika có một phong cách thuyết giảng riêng, có thể nói khá phóng khoáng so với truyền thống Miến Điện. Phần lớn Tăng tín đồ Phật giáo Miến Điện rất trọng truyền thống, họ luôn theo sát kinh điển và các bộ chú giải một cách nghiêm túc, vì vậy nếu có ai phóng khoáng một chút sẽ không khỏi bị xem là phóng túng.

Thực ra thiền sư Sayadaw U Jotika cũng không ra ngoài truyền thống, ông vẫn trích dẫn những kinh văn, những định nghĩa từ chánh tạng Pali hay chú giải rất truyền thống, nhưng chính là ông muốn nói lên kinh nghiệm trung thực của mình. Những kinh nghiệm về lý cũng như về sự của ông có thể chưa phải là tiêu chí chuẩn mực, và dĩ nhiên cũng chưa hẵn lột tả được chiều sâu vi diệu của Phật Pháp, nhất là trên phương diện pháp hành, nhưng dẫu sao đó vẫn là kinh nghiêm chân chực và sống động mà ông đã tự mình thân chúng, chứ không là một lý thuyết hoàn toàn trung thành với kinh điển nhưng trống rỗng vô hồn. 

Một điều có vẻ rất nghịch lý nhưng lại rất thật, đó là cái đúng thường xuất phát từ cái sai hơn là từ cái đúng lý tưởng. Điều này không phải là quá khó hiểu, vì thực tế không ai có thể đúng ngay từ tiêu chuẩn lý tưởng trong kinh điển, mà phải đúng từ trong cái sai  mà mình thực sự trải nghiệm.

Cái đúng, cái sai thật khó lường. Đứng trên một góc độ nào đó thì thấy điều này rất đúng, nhưng đứng trên một bình diện khác thì điều đó lại hoàn toàn sai. Chân lý tự nó luôn luôn đúng, chỉ có cái thấy, cái biết mời có đúng có sai. U Jotika có thể có một số sai lầm qua kinh nghiệm thấy biết của riêng mình, nhưng cái sai này là duyên rất thực cho cái đúng càng ngày càng chính xác hơn, như thế còn hơn là chỉ chấp giữ cái đúng lý tưởng nhưng không biết thể nghiệm thế nào.

Riêng tôi, tôi đồng cảm với thiền sư U Jotika rất nhiều điểm, trên tư duy cững như trên thể nghiệm. Mặc dù chúng tôi tiếp cận chân lý từ hai hướng khác nhau: Thiền sư thì đã từng ẩn dật, nhập thất một thời gian khá dài trong quá trình thể nghiệm, còn tôi không có ranh giới giữa ẩn và hiện, nhập và xuất để chọn lựa cho mình. Tôi phải giáp mặt với những gì đến và đi trong đời tôi để học ra bài học của riêng mình, nhưng chúng tôi có chung một quan điểm là cứ thể nghiệm rồi chân lý sẽ đến.

Qua bản dịch rõ ràng, trong sáng của sư Tâm Pháp, thiền sư U Jotika đã gởi đến các bạn một món quà pháp  mà chính thiền sư đã trải nghiệm một cách chân thành và rất trung thực với mình. Mời các bạn khám phá bí quyết hành thiền của thiền sư U Jotika trên hành trình thể nghiệm tâm linh.

Tổ đình Bửu Long, 12/10/2006 HT. Viên Minh

Trưởng Ban Thiền học Nguyên Thuỷ  Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam 

Xem mục lục