Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Phần 3: Từ tuệ thứ năm đến tuệ thứ mười: Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Thấy Nguy Hiểm, Tuệ Kinh sợ, Tuệ Yếm ly, Tuệ Muốn Giải thoát và Tuệ Giản trạch.

Suy nghĩ sẽ làm cho bạn tự đồng hóa mình với nó. Khi suy nghĩ sanh khởi, chỉ cần hay biết nó. Ở giữa các tầng tuệ giác, những chớp suy nghĩ vẫn xuất hiện, chúng rất rõ. Bạn không cố ý suy nghĩ. Quá trình khái niệm hóa cũng là một chức năng của tâm. Nó xảy ra một cách tự nhiên. Trong bất cứ tầng tuệ nào cũng đều có những chớp suy nghĩ sanh khởi. Xét về một mặt nào đó, nó chỉ để làm rõ thêm tuệ giác đó. Nó có lợi ích nhất định, nhưng nếu suy nghĩ quá nhiều thì lại trở thành một trở ngại.

Hỏi & đáp: Tôi rất đồng cảm với mọi người. Đôi khi tôi cũng rất buồn. Bạn chỉ vượt qua được nỗi buồn khi đã trở thành một vị Thánh Anahàm (Anagami-bậc Thánh Bất lai). Tôi chưa phải là bậc Thánh Anahàm. Vì vậy tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn, nhưng tôi biết rồi nó sẽ qua đi và không bị mắc kẹt trong đó. Tôi không tức giận, mà chỉ cảm thấy rất buồn. Buồn cũng là một loại tâm sân. Những người này đang tìm kiếm một điều gì đó ngoài những thú vui dục lạc và tiền bạc. Họ có một ước muốn rất tốt, rất đẹp và tôi cảm thấy buồn bởi vì họ đã lãng phí cuộc đời của mình; thật là phí phạm. Nếu những người này nhận được sự hướng dẫn tốt, họ sẽ có thể học hỏi và trưởng thành. Họ đã bỏ lỡ một cơ hội vô cùng quý giá. Tôi cũng nghĩ có thể có rất nhiều người như họ nữa, họ tìm kiếm một điều gì đó về tâm linh, tìm kiếm một sự giải thoát nào đó, nhưng lại không có một người thầy tốt, không được sự hướng dẫn tốt. Sự kiện này chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Có thể nó sẽ còn tái diễn nữa. Cần phải làm một điều gì đó. Tôi không nói rằng một người nào đó phải chịu trách nhiệm về việc này, mà cả cộng đồng đều phải có trách nhiệm với nó.

Chúng ta không thể làm được điều gì cho cả thế giới này, nhưng hãy nghĩ đến những việc chúng ta có thể làm được ở đây và bây giờ.

Chúng ta đã dạy bảo con cái và bạn bè mình những gì? Chỉ cho rằng đó là do nghiệp của họ thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Chúng ta cần tìm ra một giải pháp; điều đó có thể xảy ra đối với con cái, hoặc cháu chắt chúng ta sau này. Mọi người đang bị mất phương hướng. Những người tự tử đó không phải là người nghèo. Tôi được nghe khá nhiều về họ. Họ rất giàu có. Tại sao họ lại chết? Tại sao họ lại tự tử? Tại sao thầy họ, người lãnh đạo của họ lại bảo họ tự tử và giúp họ chết như vậy?

Hỏi & đáp: Trong Phật Pháp, việc đổ lỗi hoàn toàn cho nghiệp quá khứ không phải là chánh kiến. Nếu nói chúng ta chẳng thể làm được gì, vậy sao còn cố làm công việc này việc kia để làm gì! Nếu tôi nói rằng nghiệp của tôi là sẽ được đắc đạo quả, vậy tôi còn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt hành thiền làm gì? Chúng ta làm để cùng với sự hỗ trợ của nghiệp quá khứ và cái đang làm hiện nay là nghiệp hiện tại, chúng ta sẽ thành đạt được một điều gì đó. Ngay cả khi nghiệp quá khứ cho quả xấu, nếu chúng ta làm điều gì đó bây giờ, nó có thể làm thay đổi được chiều hướng của nghiệp quá khứ hoặc ngăn chặn nghiệp quá khứ cho quả. Chúng ta cần phải tin tưởng vào nghiệp hiện tại mình đang làm. Hoàn toàn quy thuận, phục tùng nghiệp quá khứ, đó là một loại tà kiến (miccha-ditthi). Đức Phật không dạy rằng chúng ta không thể làm được bất cứ điều gì đối với nghiệp.

Trong một số trường hợp, khi có người vừa qua đời,  Đức Phật nói rằng người đó đã có đủ balamật quá khứ để đắc quả Alahán, nhưng ông ta không chịu cố gắng.  Nếu bạn không cố gắng, điều đó sẽ không xảy ra.

Nghiệp quá khứ cộng với nghiệp hiện tại là rất quan trọng. Dù bất cứ những gì đã xảy ra trong quá khứ, đây là lúc bạn cần một người thầy giỏi, bây giờ bạn cần phải thực hành. Cũng giống như việc điều khiển một chiếc máy bay. Có rất nhiều lực tác động chẳng hạn như gió bão và nhiều sự việc bất ngờ xảy ra, máy bay cũng có nguồn năng lượng riêng của nó. Có thể một lúc nào đó, một động cơ ngừng hoạt động, người phi công phải bay với một động cơ, phải tính toán đến sức gió và các yếu tố khác, luôn luôn phải cố gắng điều chỉnh. Đấy cũng là điều chúng ta phải làm trong cuộc đời của mình. Chúng ta luôn luôn phải điều chỉnh. Chúng ta lèo lái cuộc đời mình đến đích. Chúng ta làm chủ được một phần nào đó, có được một phần tự do nào đó. Chúng ta cần phải hiểu điều này thật rõ và triệt để tận dụng nó. Chúng ta có thể định hướng cuộc đời mình tới đích. Chúng ta phải hiểu thật thấu đáo điều đó và phải làm hết khả năng của mình.

Sinh ra ở đây, chúng ta không có quyền lựa chọn mẹ cha mình, không thể lựa chọn màu da, dáng vóc hay bất cứ điều gì, song chúng ta cũng có một số quyền lựa chọn nhất định.  Chúng ta có quyền lựa chọn tu dưỡng các phẩm chất của mình.  Điều này rất đáng phấn khởi.  Nghiệp nằm ở trong tay chúng ta.

Chúng ta bị tác động bởi nghiệp quá khứ rất nhiều, tôi hiểu rất rõ điều này, những việc tôi làm trong những kiếp trước tác động đến tôi rất nhiều, rất mạnh, hoặc theo chiều hướng tốt hoặc theo chiều hướng xấu. Khi đã hiểu về nghiệp, tôi nghĩ: bây giờ dù cho bất cứ việc gì xảy đến trong cuộc đời mình thì cũng hoàn toàn OK, nó sẽ phải xảy ra như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có quyền điều khiển. Nó xảy ra, và cách hiểu của tôi về nó và đáp ứng lại nó chính là nghiệp hiện tại của tôi. Hiểu và đáp ứng một cách thích hợp là điều rất quan trọng, và điều đó nằm ở trong tay tôi. Nếu tôi có được những người thầy giỏi, có được sự hướng dẫn tốt và nếu tôi hiểu được mọi việc một cách thấu đáo, tôi có thể lèo láo, điều khiển được cuộc đời mình. Điều này rất đáng phấn khởi và đó cũng là một loại quyền năng của chúng ta.

Chúng ta không hoàn toàn bất lực; nếu tu tập chánh niệm và trí tuệ,chúng ta sẽ có rất nhiều sức mạnh. Không nhất thiết phải thất vọng và từ bỏ.

Đừng bao giờ bỏ cuộc cả!

Khi còn trẻ, tôi đã từng phải gánh chịu rất nhiều bất hạnh. Tôi có một thời niên thiếu thật đau khổ, và không chỉ thời niên thiếu mà đến cả ở cuối những năm 20 tuổi, tôi phải trải qua rất nhiều đớn đau, khổ não. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến tự tử, cho xong tất cả. Nhưng có cái gì đó thật sâu trong tâm tôi bảo rằng đừng làm như thế, đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời mà tôi phải trải qua mà thôi, chỉ là một quá trình học hỏi thôi mà, hãy làm điều gì đó tốt đẹp bây giờ và học hỏi ra từ chính kinh nghiệm này.

Cần phải có những trải nghiệm đau đớn như vậy.  Không có đau khổ, chúng ta sẽ không học hỏi  và trưởng thành lên được.

Giờ đây, khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi mới thấy rằng mình đã tiếp xúc, va chạm với rất nhiều sự kiện đa dạng, có rất nhiều thầy, rất nhiều tôn giáo, nhiều nỗi đam mê và cũng thật nhiều đau khổ. Bây giờ tôi hiểu được rằng tất cả những điều đó giúp tôi trở thành một con người tốt đẹp hơn. Tôi đã học hỏi được nhiều bài học và tôi rất vui vẻ về điều đó. Điều quan trọng là phải hiểu được những điều này.

Hỏi: Ngài nói rằng khi chánh niệm sắc bén, độ dài của dòng tâm hữu phần (bhavanga-citta: hộ kiếp tâm) sẽ được rút ngắn lại; và điều này cũng liên quan đến cả sự cảm nhận về thời gian nữa, xin Ngài giải thích thêm về điểm này?

Đáp: Trong giấc ngủ sâu, dòng tâm hữu phần trôi chảy liên tục. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta không còn ý thức về thời gian nữa. Chúng ta không biết là mình đã ngủ bao lâu. Có lúc chúng ta nghĩ mình đã ngủ rất lâu, nhưng nhìn đồng hồ thì mới chỉ có vài phút. Lúc khác, chúng ta lại có cảm giác mình chưa ngủ đủ, nhưng thực ra xem lại mới nhận ra mình đã ngủ rất lâu rồi. Chúng ta mất dấu thời gian, không còn ý niệm về thời gian nữa. Dòng tâm hữu phần càng kéo dài, chúng ta càng mất dấu thời gian. Khi ở trong dòng tâm hữu phần, chúng ta không sử dụng được thời gian của mình. Càng dành nhiều thời gian để hay biết, chúng ta càng có thêm nhiều thời gian cho chính mình.

Khi hành thiền, chúng ta tu tập vithi-citta, là tâm biết cảnh hiện tại. Chúng ta càng thực hành nhiều, thì mặc dù có lúc tâm vẫn rơi lại vào trạng thái nền (Bhavanga-dòng tâm hữu phần hay hộ kiếp tâm), nhưng nó sẽ không ở lại lâu trong đó. Một tâm khác sẽ sanh lên với đầy đủ sức mạnh của nó. Vì vậy, khoảng tâm hữu phần sẽ ngày càng ngắn lại. Chẳng hạn như mỗi giây bạn chánh niệm được một lần, thì trong 10 giây bạn chỉ có được 10 tâm chánh niệm, và ở khoảng giữa thì toàn là dòng tâm hữu phần. Nếu bạn chú tâm hơn nữa, nó có thể lên đến 100 lần. Điều đó nghĩa là bạn sẽ có thêm thời gian. Bạn sẽ làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian có thêm ấy. Bạn có thể hay biết được nhiều đề mục hơn. Theo cách đó, bạn sẽ có cảm tưởng mình có nhiều thời gian hơn. Bốn tầng tuệ giác có thể sanh khởi (tuệ thứ 12, 13, 14 và 15) chỉ trong vòng một giây đồng hồ, làm sao điều đó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn như vậy?

Hỏi: Bạch Ngài, có thể đạt được 4 tầng tuệ giác này mà không cần tu tập trong môi trường tu viện không ạ?

Đáp: Được, có thể được. Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nữa. Trong thời Đức Phật và ngay cả thời bây giờ, tôi biết một số người là cư sỹ tại gia nhưng đã đạt được những tầng tuệ giác rất sâu sắc.

Hỏi & đáp: Chỉ có suy nghĩ mới làm cho bạn tự đồng hóa mình với nó. Đó là lý do tại sao tôi đã cảnh báo các bạn rất nhiều lần là đừng suy nghĩ quá nhiều. Những suy nghĩ thoáng qua vẫn đến một cách tự nhiên; bạn nhận biết nó và buông nó. Suy nghĩ sẽ làm cho bạn tự đồng hóa mình với nó. Khi suy nghĩ sanh khởi, chỉ cần hay biết nó. Ở giữa các tầng tuệ giác, những chớp suy nghĩ vẫn xuất hiện, chúng rất rõ. Bạn không cố ý suy nghĩ. Quá trình khái niệm hóa cũng là một chức năng của tâm. Nó xảy ra một cách tự nhiên. Trong bất cứ tầng tuệ nào cũng đều có những chớp suy nghĩ sanh khởi. Xét về một mặt nào đó, nó chỉ để làm rõ thêm tuệ giác đó. Nó có lợi ích nhất định, nhưng nếu suy nghĩ quá nhiều thì lại trở thành một trở ngại.

Hỏi & đáp: Đạo và phi đạo (đạo phi đạo tri kiến tịnh) xảy ra ở tầng tuệ giác thứ 4, dính mắc vao kinh nghiệm hỷ lạc trong thiền và nhận ra đó không phải là chánh đạo, rồi quay lại với thiền tập. Đây cũng là một loại suy nghĩ, nhưng là suy nghĩ đúng đắn. Samma-ditthi (Chánh kiến), Samma-sankappa (Chánh tư duy), đều là những nhân tố cần thiết. Trong tiếng Anh, đó là thấy đúng đắn, tư duy đúng đắn và chân chánh.

Hỏi & đáp: Một số người bỏ thiền, họ muốn thoát khỏi nó. Một số người thực sự đã đứng dậy bỏ đi. Họ muốn giải thoát, giải thoát khỏi cái gì? Dù đi đâu chăng nữa, bạn cũng luôn luôn phải mang theo cái thân ngũ uẩn này. Đôi khi khát vọng giải thoát, khát vọng đi khỏi lại được diễn dịch nhầm ra thành lánh xa khỏi môi trường xung quanh. Điều này có thể diễn ra một cách vô thức. Đối với tôi, khi hành đến giai đoạn này, tôi không muốn sống ở trong chùa nữa. Tôi nghĩ đó không phải là một nơi thích hợp. Tôi muốn tìm một nơi tốt hơn, yên tĩnh, xa vắng và thanh bình hơn, ở đây có quá nhiều xáo động. Vì vậy, ước muốn thoát khỏi tiến trình này lại bị hiểu nhậm thành mong muốn đi khỏi nơi mình đang sống. Đôi khi có những việc đáng buồn xảy ra; có người bỏ việc, người ly hôn; ngay cả khi những sự việc ấy đã xảy ra, họ vẫn muốn giải thoát, giải thoát khỏi cái gì? Điều này xảy ra bởi vì họ bắt đầu nghĩ và nhận thất tất cả mọi thứ đều là khổ não và bất toại nguyện. Họ thấy công ăn việc làm, người họ cùng chung sống, nơi họ đang ở đều không tốt đẹp. Họ muốn bỏ đi, muốn được tự do. Chúng ta không thể bỏ đi lên sống trên mặt trăng được; chúng ta phải ở trên thế giới này và sống cùng mọi người. Đó là lý do tại sao khi thiền sinh đạt đến giai đoạn này, điều rất quan trọng là phải cảnh báo họ đừng nghĩ ngợi quá nhiều, chỉ hành thiền thôi, bởi vì nếu nghĩ ngợi, bạn sẽ hướng khát vọng “muốn được giải thoát” đó đến một đối tượng khác mà nó sẽ còn gây ra nhiều sự lầm lẫn, mơ hồ hơn nữa.

Thật là khó để giải thích được những điều này một cách thực sự, thậm chí là chính bản thân mình nữa. Đôi khi nó xảy đến rất nhanh; bạn không biết điều gì đã xảy ra nữa, bạn cảm thấy rất khác lạ nhưng không biết điều gì đã xảy ra. Điều rất quan trọng là bạn phải trao đổi điều này với thầy của mình, đó phải là người đã từng hành thiền và đã trải qua tất cả những kinh nghiệm này, đã nghiên cứu, học hỏi và có khả năng hiểu được sự việc diễn ra như thế nào, và tại sao nó diễn ra. Bạn cũng nên trao đổi với những thiền sinh đã thực hành nhiệt tâm, hết mình và cũng đã thực sự trải nghiệm qua những điều như vậy. Một người không thể trải nghiệm tất cả mọi thứ một cách chi tiết được. Vì vậy, bạn cần phải có thầy và những người khác để cùng trao đổi, và nếu có được kinh nghiệm đó trong một thời gian dài, bạn sẽ hiểu được nó một cách rất sâu sắc. Do vậy, khi một thiền sinh trở nên chán nản và trông rất buồn, không hứng thú với bất cứ điều gì nữa, đôi khi cũng không cảm thấy muốn ăn, ngay cả đồ ăn cũng không có gì hấp dẫn nữa, khi đó một người thầy giỏi sẽ thấy được rằng học trò mình đang có tâm trạng chán nản. Thiền sư có thể khuyến khích, sách tấn và cảnh báo học trò mình:“Hãy tiếp tục thực hành, đừng chán nản, đừng bỏ cuộc, đây là điều mà con phải vượt qua”.

Một số người nghĩ rằng sau tầng tuệ thứ tư mọi thứ sẽ thú vị,  an lạc và vui vẻ hơn.  Không, điều đó không hề xảy ra. Mà nó sẽ đi xuống. Chúng ta phát triển được tuệ giác sâu sắc hơn,  và lại không cảm thấy hạnh phúc chút nào,  nhưng đây không phải là sự trầm cảm.

Hỏi & đáp: Sống ở một nơi thanh vắng, ít công việc, ít phận sự rất có lợi. Nó giúp định và tuệ phát triển nhanh chóng hơn. Song Đức Phật cũng rất có lòng thương tưởng đến chúng sanh. Một lần, tôi nói với Sư phụ tôi là: thay vì trở thành một nhà sư, có lẽ con sẽ làm một đạo sĩ thì tốt hơn, bởi vì một nhà sư phải phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Là một đạo sĩ tốt tôi có thể tự trồng rau, tự nấu nướng và được sống một cách độc lập, bởi vì sống một cuộc sống đơn giản thì chỉ cần rất ít là đủ. Sư phụ nói rằng không nên làm đạo sĩ, và người khuyên tôi xuất gia làm một nhà sư. Lúc đó tôi vẫn chưa xuất gia. Sư phụ hỏi tôi có biết tại sao Đức Phật không cho phéo các Tỳ kheo gieo trồng, cấy hái và nấu nướng bất cứ loại thực phẩm nào không. Tôi nói: thực sự con cũng không hiểu lý do tại sao, bởi con nghĩ, trước kia Đức Phật cũng từng làm đạo sĩ cả một thời gian dài. Sư phụ nói: đúng, nhưng đó là trước khi Ngài thành Phật. Nếu các nhà sư tự gieo trồng, cấy hái, tự nấu nướng và sống tách biệt với mọi người thì ai sẽ là người duy trì Giáo Pháp? Con không tiếp xúc với mọi người, thì ai sẽ dạy dỗ họ?

Tiếp xúc với mọi người là điều rất quan trọng, song điều quan trọng khác là đôi khi bạn cũng nên phải sống một mình.

Sự phụ giảng giải điều đó cho tôi một cách thật nhẹ nhàng, dịu dàng và đầy tình thương. Người thuyết phục tôi xuất gia trở thành một nhà sư. Tôi nói tôi không muốn dạy và điều duy nhất tôi muốn làm là sống một cuộc đời yên tĩnh và bình an.

Thực chất tôi là một người rất nhút nhát, một số người trong các bạn cũng có thể nhận ra được điều ấy. Khi còn trẻ tôi rất ít nói. Khi có người yêu cầu tôi phát biểu, dù chỉ trong 5 phút thôi mà tôi cũng lúng túng, bối rối đến nỗi nói ra những điều mình không định nói. Tôi xấu hổ đến mức nghĩ rằng sẽ không bao giờ nói chuyện trước đám đông nữa. Sau này, ngay cả khi đã trở thành một nhà sư, có người đề nghị tôi cho xin giới, tôi cũng không thể làm được. Tôi lẫn lộn lung tung và còn đọc nhầm các điều giới nữa. Tôi đã thực sự nghĩ rằng: “Đây không phải là công việc dành cho tôi, tôi không muốn nói chuyện hay thuyết pháp, tôi không thuyết pháp được”. Sư phụ nhẹ nhàng khuyến khích tôi đi thuyết pháp, nói chuyện. Thực tế là tôi đã chạy trốn. Nhiều lần Sư phụ nói hãy đến ở với người và giúp người dạy học. Tôi trả lời, không ạ.

Một buổi tối tôi đến chỗ ở của Sư phụ và nói rằng tôi chuẩn bị ra đi, tôi xin đãnh lể và xin sám hối với Sư phụ nếu đã trót lỡ làm điều gì sai trái với người. Tôi đã chạy trốn đến mấy năm trời, khoảng 6 năm bởi vì Sư phụ muốn tôi ở gần người và dạy thiền. Sư phụ muốn đưa tôi đi cùng sang các nước phương Tây, đến Mỹ; tôi nói là tôi không muốn đi. Tại sao tôi lại phải cần đến nơi đó làm gì? Rất kiên nhẫn, chậm rãi và với đầy tình thương, người đã khuyến khích tôi dạy thiền.

Hỏi & đáp: Thực ra không phải tôi tự trở lại với Sư phụ. Tôi bị viêm Amiđan và sốt rét, rồi tình cờ lại ở cùng trong một thành phố nơi người đang có mặt. Ngày nào tôi cũng bị sốt cao và một người bạn bảo tôi phải ra thành phố chữa bệnh, nếu cứ ở lại đó thì tôi sẽ chết. Thế là tôi phải về thành phố và đến bệnh viện cắt Amiđan. 10 ngày sau ca mổ, khi tôi đã bắt đầu hồi phục và có thể nói được một chút thì có người nói Sư phụ tôi đang có mặt trong thành phố này. Sư phụ nghe nói tôi đang ở đây và phải mổ, vì vậy người hỏi thăm mọi người về tình hình sức khỏe của tôi. Tôi nghĩ: mình sẽ làm gì bây giờ đây, mình không thể chạy trốn nữa. Tôi đến đảnh lễ Sư phụ và người bảo tôi ở lại đó. Tôi nghĩ, trời ạ, mình không thể lại nói không với thầy lần nữa! Sư phụ nói, 2 năm tới Sư phụ sẽ đi Mỹ lại lần nữa và đang chuẩn bị cho chuyến đi đó. Tôi nói: “Vậy cũng được, con sẽ đi rồi về cùng với Sư phụ”, bởi vì tôi biết Sư phụ sẽ không ở lại đấy. Sư phụ nói thế thì được, Sư phụ sẽ không để con lại ở đấy đâu. Vì vậy tôi chuẩn bị trong vòng hai năm, bởi vì từ lâu tôi đã hoàn toàn bỏ không đọc sách vở gì nữa. Đọc sách quả là một gánh nặng, tôi phải hiểu, ghi nhớ và dịch sang tiếng Anh. Tôi phải hiểu từ Pali tương ứng trong tiếng Anh là gì nữa. Tôi cố tìm được cuốn từ điển Pali-Anh và phải nhớ hàng ngàn từ mới… phải nhớ bao nhiêu thứ vào đầu như thế thật là khổ. Tôi đã từ bỏ học hành và suy nghĩ trong một thời gian quá lâu rồi, và điều đó thật là thích. Phải mất hai năm để chuẩn bị, ngày nào cũng phải học.

Khi chúng tôi đến Mỹ, Sư phụ nói mình sẽ chỉ ở lại đây khoảng 4 tháng, và tôi nghĩ thế cũng được. Sau 4 tháng ở Mỹ, Sư phụ nói bây giờ Sư phụ phải về còn con sẽ ở lại đây. Sư phụ nói điều đó một cách đầy tình cảm, thật là khó có thể nói không với Sư phụ. Sư phụ luôn nói một cách rất dịu dàng; Sư phụ không chờ đợi bạn sẽ nói không, Sư phụ chẳng bao giờ chờ đợi người khác nói không cả. Sư phụ nói mọi người rất vui vì có con ở đây với họ, nếu có thể được thì còn hãy ở lại. Tôi nói: vậy cũng được, con sẽ không xin phép Sư phụ nữa và con muốn biết Sư phụ có cho phép con được trở về bất cứ khi nào con muốn không. Sư phụ nói: được, con có thể trở về khi nào con muốn. Tôi nghĩ mình sẽ ở lại trong vòng 3 tháng, như vậy là ở Mỹ 7 tháng cả thảy, nhưng rồi phải đến 14 tháng sau tôi mới có thể trở về được. Lúc đó tôi nghĩ thế là đủ đối với mình, tôi rất vui vì đã đến đây, tôi đã học hỏi được rất nhiều, nhưng tôi phải trở về. Mấy người bạn của tôi nói: “Chúng tôi sẽ làm cho sư phải hối hận vì đã bỏ rơi chúng tôi lại như thế”. Họ là những học giả Pali xuất sắc nhưng lại không biết nói tiếng Anh. Tôi nói với họ là tôi đã làm hết sức mình và xin phép cho tôi được trở về.

Khi tôi trở lại, Sư phụ nói: một nhà sư có những lúc cần phải sống độc cư một mình để tu tập, nhưng cũng cần phải tiếp xúc với mọi người nữa. Nhiều lần tôi nói với người là tôi vẫn chưa học đủ, Người nói rằng nếu cứ đợi cho đến lúc đó thì con sẽ chết trước khi học đủ. Bao nhiêu mới là đủ? Sư phụ cũng cảnh báo tôi đừng tự cho mình là một người thầy, phải biết khiêm tốn. Điều này rất quan trọng. Tôi biết có những người đã phạm rất nhiều sai lầm. Nhiều người thầy phạm sai lầm là đã tự mãn cho rằng mình là một người thầy. Họ không có đủ sự khiêm cung. Khiêm tốn là điều rất quan trọng. Tôi giúp đỡ bạn nhiều đến mức có thể, tôi không phải là người biết tất cả mọi thứ trên đời, tôi biết được điều gì đó và cố gắng hết sức để giúp các bạn. Tôi không thể cung cấp cho các bạn những kiến thức hoàn chỉnh được, bởi vì tôi cũng chỉ hiểu biết được phần nào mà thôi. Tôi không biết tất cả mọi thứ, nhưng biết được đến đâu, tôi muốn chia sẻ hết với các bạn đến đó. Những người thầy khác sẽ đến và giúp đỡ các bạn học hỏi thêm nữa. Đó là tất cả những điều mà tôi có thể hy vọng được. Tôi sẽ ở lại đây trong 4 tháng và sẽ giúp đỡ các bạn đến mức có thể được

Xem mục lục