Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

21. Làm sao cho phải

Tu sĩ Ấn Độ Srona là người rất chịu khó học tập thiền định. Ngày nào ông cũng nhập định, từ bỏ mọi tư tưởng và xúc cảm, tập nhận ‘cái không’. Tuy thế ông chẳng đạt được tiến bộ nào. Ông càng tìm cách thư giãn thì lại càng căng thẳng. Ông càng muốn không nghĩ ngợi gì thì ý tưởng lại càng hỗn loạn. Cứ thế kéo dài, ngày nọ ông nghe nhắc đến đức Phật Cồ-đàm, một vị đạo sư của trời và người, một vị đã đạt mức thiền định cao nhất đang ở gần đó. Ông liền lên đường đi gặp Phật Cồ-đàm xin giúp đỡ.

‘Chắc hẳn ông còn nhớ, lúc còn trẻ, ông là một nghệ sĩ chơi đàn Sitar, ông lên đàn như thế nào?” Phật hỏi ngay vì Ngài biết rõ quá khứ của người tới trước mặt Ngài.

“Ồ, tất nhiên rồi”, Srona bối rối trước cái nhìn của Phật. Phật mỉm cười nói tiếp: "Đàn muốn hay thì dây phải thật căng hay thật chùng?”

“Không quá căng mà cũng không quá chùng, bạch Thế tôn”, Srona trả lời.

“Sức căng cần thiết nằm đâu ở giữa hai thái cực. Thì cũng như thế, ngươi nên thực hành thiền định”, Phật nói tiếp, “Nằm chính giữa, một bên là sự chú tâm, bên kia là sự thư giãn, đó là bí quyết của trạng thái thiền định tỉnh giác, trong đó người vượt qua hoạt động của tư tưởng và rơi vào trạng thái của tâm thức uyên nguyên. Đừng quan tâm gì đến có kết quả hay không kết quả. Cứ tu tập, tu tập và tu tập rồi một ngày nào đó, ngươi sẽ tự tìm thấy cái ở giữa là chỗ nào cho ngươi”.

Lúc nữ thánh Tây Tạng Machig Labdron(14) nghe câu chuyện này bà đọc bài kệ:

“Hãy để mình rơi trong dạng tự nhiên

Của là-như-thế

Có ích gì khi thắt nút hư không?

Trước hết tập thư giãn với sự tỉnh giác,

Sau đó cũng bỏ luôn sự chú tâm

Và cuối cùng bạn không bám giữ bất cứ điều gì.

Hãy để mọi sự xảy ra 

Thế nào cũng được,

Và hãy yên nghỉ trong dạng

Mà bạn vốn xưa nay đã nằm trong nó.”

22. Về sự tái sinh

Khoảng một ngàn năm sau khi Phật Cồ-đàm từ trần thì giáo pháp đã có nhiều phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luật sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức. Vì thế ông cũng được nhiều người ủng hộ, và những kẻ khác ý kiến thì lại rất gờm.

Ngày nọ, một pháp sư Ấn Độ tổ chức cuộc tranh luận trong một ngôi đền với sự có mặt của Chandra. Lúc đó các cuộc tranh luận như thế rất hiện hành. Cuối cùng, các vị đứng đầu các giáo phái có mặt lần đó, có cả các vị theo chủ nghĩa vô thần và nhà vua đều thừa nhận Chandra là người thắng cuộc tranh luận. Sau đó vị pháp sư nọ cho rằng "việc Chandra thắng cuộc chưa chứng minh được giáo pháp đạo Phật là ưu việt. Nhiều nhất họ chỉ nói  rằng Chandra là người có tài hùng biện thôi”. Nghe nói thế thì mọi người đều đồng ý, kể cả Chandra. Vị pháp sư nọ quả quyết không hề có bằng cớ về sự tái sinh và như thế, nguyên lý “nghiệp lực, nhân quả” cũng không đứng vững, "nếu không chứng minh được có kiếp trước thì không thể thừa nhận có kiếp sau”. Vị pháp sư thách đấu Chandra: "Nếu bạn có bằng cớ chứng thực về sự tái sinh, tôi sẽ cùng toàn bộ đệ tử theo Phật giáo hết”.

Chandra nhắm mắt im lặng hồi lâu, làm như suy nghĩ điều gì . Sau đó ông cười: "Được, nếu nhà vua chịu làm chứng thì ngay hôm nay ta sẽ chết và sẽ chủ động tái sinh theo một cách để chứng minh được có sự luân hồi”. Vị pháp sư nọ ngạc nhiên và chấp nhận, tuy thế ông vẫn không tin rằng Chandra chịu hy sinh mạng sống quý giá này chỉ để chứng minh điều này. Chandra nhờ nhà vua và cận vệ cho mang vào một chiếc áo quan bằng đồng. Sau đó ông vẽ lên trán một dấu hiệu màu đỏ, ngậm một hòn ngọc trai trong miệng và nằm vào áo quan chờ chết. Chỉ vài phát sau ông đã từ bỏ thân thể và nhà vua cho niêm phong áo quan. Chandra là người đã từ bỏ ảo giác về sinh tử nên ông chủ động nhập mẫu thai ngay trong đêm đó của một phụ nữ ở gần đền. Sau đó Chandra được sinh ra, có dạng của một hài nhi bình thường. Chỉ một thời gian sau người ta đồn đại vợ của một người Bà-la-môn sinh một đứa con trai, trên trán có dấu đỏ, dấu hiệu của hiền nhân và miệng ngậm một hạt ngọc trai. Nhà vua cùng cận vệ liền đến ngay thăm đứa bé. Sau khi kiểm soát, nhà vua trở về mở áo quan ra thì viên ngọc trai trên miệng đã biến mất và dấu đỏ trên trán của Chandra cũng không còn. Đúng như lời hứa, pháp sư nọ cùng đệ tử theo Phật giáo và rất gần gũi với cậu bé trai ngày càng lớn. Cậu bé được cha mẹ đặt tên là Chandragomi.

Sau đó Chandragomi trở thành một luận sư, diễn giả danh tiếng thời đó. Trong viện đại học Na-lan-đà ông đại diện cho quan điểm riêng của mình về Phật giáo và tranh luận với Nguyệt Xứng (Chandrakirti) cũng là một luận sư xuất sắc. Sau bảy năm tranh luận không phân thắng bại, Chandragomi thú nhận rằng chính đức Quán Thế Âm bất tử đã bày vẽ cho ông trả lời các câu hỏi hóc búa của Chandrakirti. Nghe thế Chandrakirti cười lớn và thú nhận trước quần chúng rằng lý luận của ông lại được đức Văn-thù-sư-lợi chỉ bày cho.

23. Sự trói buộc dẫn đến ảo giác

Trong thế kỷ thứ mười, Naropa (17) là khoa trưởng tại đại học Na-lan-đà ở Bihar Ấn Độ. Một ngày nọ, Naropa nhận ra rằng phải vượt qua giới hạn của tư tưởng, nếu thật sự muốn thực hiện lời dạy của giáo pháp. Dù kiến thức của Naropa rất được khâm phục tại Bihar, nhưng ông đã từ bỏ ảo giác của kiến thức đơn thuần, Naropa lên đường đi kiếm một vị đạo sư. Tại Bengal ông gặp Tilopa (18) đang ngồi trên bờ một dòng sông. Tilopa là một tu sĩ sống hoang dã, ăn thức ăn dư thừa và các thứ cá sống mà ông có tài bắt tay không. Naropa nằm xá dài để biểu lộ lòng hâm mộ đối với Tilopa. Sau đó ông từ từ đến gần, xin Tilopa vài lời khai thị.

“Ngươi kiếm cái gì?”, Tilopa hỏi, đưa cặp mắt đầy gân máu nhìn chằm chằm.

“Tôi tìm kiếm sự tự tại và giác ngộ hoàn toàn”, nhà hiền triết đáp.

“Cái gì trói buộc ngươi, ngươi muốn thoát khỏi cái gì?”, Tilopa lầm bầm hỏi.

“Muốn thoát tất cả, bạch ngài”.

“Cái trói buộc ngươi không phải là cảnh vật ngoại giới, Naropa. Chính sự bám víu của ngươi buộc chặt ngươi. Hãy bỏ tất cả và trở thành tự do”.

Nghe xong, Naropa bỗng thức tỉnh và đại ngộ. Vui mừng trước kết quả lời mình, Tilopa đọc bài kệ:

Chỗ nào có trói buộc níu kéo
Chỗ đó còn khổ đau.
Chỗ nào còn yêu ghét,
Chỗ đó còn giới hạn.
Chỗ nào còn dự định và tư tưởng,
Chỗ đó tính nhị nguyên lên ngôi,
Vì mọi phân biệt chỉ sinh vô minh
Tất cả tư tưởng, kế hoạch và tìm cầu hiểu biết,
Đều chỉ là những trò chơi giả tạo.
Mọi tham cầu hay từ khước,
Chỉ làm ngươi trở thành nô lệ của chính ngươi.
Cái sáng rực vĩnh viễn không bị ô nhiễm,
Chính là tâm thức uyên nguyên,
Tâm thức đó sinh ra tư tưởng,
Rồi thu nhận nó vào lại, xem như không có gì xảy ra cả.
Vì vậy, tốt nhất hãy yên nghỉ trên điều không hề biến hoại.
Nơi bất sinh bất diệt và hoàn toàn diệu dụng”.

Naropa còn phải trải qua mười hai lần thử thách và thuần thục một số phép tu rồi một buổi sáng nọ, Tilopa thình lình nhảy lén từ sau lưng lại, lấy giày đánh vào mặt Naropa. Cơ sửng sốt bất ngờ này đánh thức Naropa vốn đang mệt mỏi, bỗng nhiên hốt ngộ chân như tuyệt đối và tiếp nhận phép Đại Ấn quyết Mahamudra (47), là phép ấn quyết đưa hành giả trở vế với tự tính. Với phép này, Naropa đã trở thành truyền nhân của Tilopa và về sau được may mắn có một truyền nhân xứng đáng là Marpa, nhà dịch thuật, rồi vị này lại truyền cho con người hoan lạc Milarepa.Dòng truyền nhân liên tục từ đời này qua đời khác đến ngày nay vẫn còn.

Dù chúng ta không biết đến họ, phải biết đó là một sự may mắn cho hậu thế.

Xem mục lục