4 Biết
Trong Kinh thừa Phật giáo, có dạy rằng người bình thường không thể biết tánh không qua tri giác trực tiếp, mà phải dựa vào cái biết do suy luận. Có một sự tranh luận rất nhiều vừa thuộc lịch sử vừa trong hiện đại trong những truyền thống thuộc kinh điển liên quan đến việc làm thế nào dùng cái biết và lý trí suy luận đối với sự nhận biết tánh không, nhưng lại ít nói về sự nhận biết bản tánh của tâm thức qua những giác quan. Trong kinh điển, chỉ có thiền giả đã đạt đến con đường thứ ba, con đường của sự thấy, kiến đạo vị, mới có tri giác trực tiếp về tánh không, lúc ấy người nam hay nữ ấy không còn được xếp vào hạng chúng sanh bình thường, phàm phu nữa.
Đại Toàn Thiện có một quan điểm khác. Những giáo lý nói với chúng ta rằng tánh không và sự sáng tỏ của bản tánh tâm thức không chỉ có thể nắm bắt qua những giác quan, mà còn dễ dàng hơn, và vững chắc hơn khi dùng những giác quan trong công việc tâm linh này thay vì dùng tâm thức ý niệm. Những giác quan là những cánh cửa trực tiếp của tri giác trực tiếp, chúng, trước khi bị tâm thức ý niệm chụp bắt, thì rất gần gũi với tánh giác thanh tịnh. Một số bình giảng của kinh điển phê phán Đại Toàn Thiện, nói rằng những hành giả Đại Toàn Thiện quá say mê những cái nhìn thấy ánh sáng và vân vân, những cái nhìn thấy mà ngay cả những người bình thường cũng có. Nhưng điều ấy là dĩ nhiên ; bản tánh của tâm thức mà chúng ta đang nhận biết thì hiện hữu trong tất cả chúng sanh.
Thường thường, dựa vào trí năng hiểu biết, chúng ta thỏa mãn với những ý niệm. Chúng ta có thể bị quy định khi cho rằng chúng ta hiểu cái gì đó có nghĩa là gì khi chỉ nghe vài câu nói mà không hề có kinh nghiệm trực tiếp về điều mà lời nói diễn đạt. Thay vì dựa vào sự thấu hiểu, nắm bắt trực tiếp chân lý đằng sau ý niệm, chúng ta lại tham khảo những kiểu mẫu ý niệm chúng ta đã tạo ra về cái mà chúng ta muốn hiểu. Điều này khiến dễ dàng lạc mất trong tâm thức động ; đó là lầm cho bản đồ là quang cảnh thật, hay ngón tay chỉ mặt trăng là bản thân mặt trăng. Khi cuối cùng chúng ta đạt đến một diễn tả đầy ấn tượng về chân lý, thì khi ấy chúng ta cũng không còn sống trong chân lý ấy nữa.
Bản tánh của tâm thức có thể được kinh nghiệm qua nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức... Chúng ta thấy qua con mắt, nhưng con mắt không thấy. Chúng ta nghe thấy qua lỗ tai, nhưng tai không nghe. Cùng cách như vậy, bản tánh của tâm thức có thể được kinh nghiệm qua nhãn thức, nhưng không phải nhãn thức kinh nghiệm.
Tương tự như vậy với một tri giác trực tiếp. Hình sắc do nhãn thức nhận được và hình sắc mà tâm thức ý niệm nghĩ rằng nhãn thức đã tri giác thì khác nhau. Hình sắc được nhãn thức nắm bắt trực tiếp thì gần gũi với thực tại nền tảng hơn là mô hình của tri giác đó xảy ra trong tâm thức ý niệm. Tâm thức ý niệm không thể tri giác trực tiếp ; nó nhận biết những sự vật chỉ qua những hình ảnh được phóng chiếu thuộc tâm thức và qua ngôn ngữ và ngôn ngữ tự nó là suy luận, diễn dịch.
Thí dụ, nhãn thức thấy hiện tượng mà chúng ta gọi là “cái bàn”. Cái nhãn thức tri giác không phải là một “cái bàn”, mà là một kinh nghiệm sống động, thuộc giác quan về ánh sáng và màu sắc. Tâm thức ý niệm không trực tiếp tri giác hiện tượng nguyên chất chưa xử lý và sống động tạo nên kinh nghiệm của nhãn thức. Thay vì vậy, nó tạo ra một hình ảnh tâm thức về cái mà nhãn thức kinh nghiệm. Nó cho rằng nó đang thấy cái bàn nhưng cái nó thấy chỉ là một hình ảnh tâm thức của cái bàn. Đây là điểm quyết định khác biệt giữa tâm thức ý niệm và tri giác trực tiếp. Khi mắt nhắm lại, “cái bàn” không được tri giác trực tiếp nữa và hiện tượng ấy không tham dự vào kinh nghiệm của tỉnh giác trực tiếp hiện tại nữa, nhưng tâm thức ý niệm có thể vẫn phóng chiếu một hình ảnh của cái bàn, nó sẽ không như nhau với hiện tượng được tri giác trực tiếp. Tâm thức ý niệm không cần hướng về sự tỉnh giác nơi giác quan, mà có thể hiện hữu trong những tạo tác riêng của nó.
Khả năng này của tâm thức ý niệm tạo khuôn mẫu cho kinh nghiệm trực tiếp, dù đó là giá trị quý báu cho chúng ta với tư cách con người, là nguyên nhân của một trong những chướng ngại kiên cường nhất trong thực hành. Trước và sau cái kinh nghiệm trực tiếp về bản tánh của tâm thức, tâm thức quy ước vẫn tìm cách biến kinh nghiệm thành ý niệm. Cũng như lúc ban đầu kinh nghiệm về rigpa bị che ám bởi những sắc tướng, những tư tưởng và một tương quan nhị nguyên với hiện tượng, sự ý niệm hóa rigpa trở thành một rào chắn. Bấy giờ chúng ta có thể nghĩ chúng ta biết bản tánh của tâm thức trong khi thật ra chúng ta chỉ kinh nghiệm một tương quan với một ý niệm.
Điều này không phải nói rằng kinh nghiệm giác quan trực tiếp chính nó là bản tánh của tâm thức. Ngay cả với tri giác rất nguyên chất, chúng ta có khuynh hướng bị đồng hóa một cách vi tế với một chủ thể tri giác, và kinh nghiệm vẫn là nhị nguyên. Nhưng trong khoảnh khắc đầu tiên nhất của sự tiếp xúc giữa tánh tỉnh giác và đối tượng của những giác quan, bản tánh không bị che đậy của tâm thức là ở đó. Chẳng hạn, khi chúng ta ngạc nhiên nhạy bén, có một khoảnh khắc khi tất cả mọi giác quan mở ra và rỗng rang ; chúng ta không tự đồng hóa làm người kinh nghiệm hay cái kinh nghiệm. Bình thường, khoảnh khắc ấy là một loại vô thức, bởi vì tâm thức động, thô mà chúng ta vẫn đồng hóa với, ngay khoảnh khắc ấy bị sốc để biến thành ngừng lặng. Nhưng nếu chúng ta trụ trong tỉnh giác của khoảnh khắc ấy, không có cái gì là người tri giác hay cái được tri giác, chỉ có tri giác thuần túy : không tư tưởng, không tiến trình tâm thức, không phản ứng về phần một chủ thể đối với sự kích thích của một đối tượng. Chỉ có tỉnh giác rỗng rang, bất nhị. Đó là bản tánh của tâm. Đó là tánh giác rigpa.
5 Nhận Biết tánh Sáng Tỏ và
tánh Không
Kinh nghiệm về tỉnh giác bất nhị của rigpa thì hoàn toàn kỳ diệu. Nó tự do, thoát khỏi sự nỗ lực không ngừng của tâm thức sanh tử. Đây không phải là một sự thanh bình ù lì mờ đục. Nó là sự tỉnh thức thuần khiết. Nó nhẹ nhàng, rỗng rang, rạng rỡ và phúc lạc. Khi chúng ta không bận rộn nữa với những theo đuổi quy ngã đặt nền trên những bất ổn của cái ngã ảo tưởng và những tham muốn và ghét bỏ của nó, thế giới khởi lên trong sự thanh tịnh của trạng thái tự nhiên trong một sự phô diễn sống động và trinh nguyên của cái đẹp. Đối với hành giả vững chắc trong rigpa, mọi kinh nghiệm khởi lên như một trang hoàng của bản tánh tâm thức, hơn là một vấn đề hay một mê lầm.
Nhưng nhận biết rigpa không giống như dùng một liều thuốc kích thích hay có một loại kinh nghiệm cao cấp nào đó. Nó không phải là cái gì tìm thấy được bằng cách hoàn thiện một hành động hay bằng cách thay đổi chính mình. Nó không phải là cơn xuất thần hay một cái nhìn thấy xa thoát hay ánh sáng chói chang. Nó là cái chúng ta đã vốn có, cái chúng ta vốn là. Khi có sự mong mỏi về rigpa, nó không thể tìm thấy. Sự mong mỏi gần như là một tưởng tượng ; chúng ta nhìn thành quá khứ cái vốn đang hiện diện. Chúng ta có thể mong ngóng gì ở tánh không ? Không có gì cả. Nếu có sự mong mỏi, chỉ có sự thất vọng kèm theo.
Kinh nghiệm về tánh không giống như kinh nghiệm về không gian. Trong sự nhận biết trực tiếp không gian, bản thân sự nhận biết là quang minh. Đó là rigpa. Không biết cái này là ma-rigpa, vô minh, tâm thức sanh tử của chúng ta. Không gian là một thí dụ tốt để dùng, bởi vì không có gì để quy chiếu trong không gian. Giá trị của nó là không có cái gì cả : trong nó có thể xây lên một cái tháp hay một cái nhà. Mọi cái đều có thể xây nên nếu có không gian cho cái ấy. Không gian là tiềm năng thuần túy. Nó không có trên hay dưới, trong hay ngoài, những biên giới hay giới hạn. Những cái này đều là những phẩm tính mà chúng ta ý niệm hóa về không gian, chẳng phải là những phẩm tính của tự thân không gian. Chúng ta có thể nói chút ít về không gian, thế nên bình thường chúng ta diễn tả nó theo cái mà nó không có. Điều này cũng giống như với tánh không ; dù nó là tinh túy, bản tánh của mọi cái hiện hữu, không có gì có thể được xác định về nó bởi vì nó vượt khỏi mọi phẩm tính, thuộc tính hay mọi quy chiếu.
Không có cái gì khác hơn cái đang hiện diện ngay đây, dù chúng ta ở nơi đâu, dù chúng ta làm gì. Hãy nhìn lên : tinh túy Không ở ngay đó. Hãy nhìn trái, phải, trước, sau : tinh túy Không ở đó. Rigpa, bản tánh của tâm thức chúng ta, biết tinh túy và là tinh túy đó. Đôi khi chúng ta cảm thấy một mong muốn mạnh mẽ về kinh nghiệm tâm linh. Điều đó tốt : chúng ta có thể phát sanh lòng bi, làm quán tưởng, thực hành rộng lượng bố thí, hay làm nhiều thực hành khác. Chúng ta có thể làm việc với phương diện ý niệm của con đường hay phát triển vài phẩm tính trong chúng ta. Nhưng rigpa thì không thể làm việc với được. Nếu chúng ta không biết cái nền tảng nơi đó chúng ta đang ở ngay giờ đây, bấy giờ chúng ta không thể tìm thấy nó cho đến lúc chúng ta ngừng tìm kiếm nó.
Trên một mức độ, mê vọng không hiện hữu và chưa bao giờ có. Nền tảng của mọi sự đang là và vốn là thanh tịnh, thuần khiết. Sự chứng ngộ, thấu hiểu trực tiếp này thì luôn luôn mở cửa, nhưng cá nhân không hay biết. Khi chúng ta đi vào con đường, chúng ta cố gắng nắm được sự hiểu biết này. Nhưng cố gắng thì phải có tư tưởng và nỗ lực, và cố gắng. Tư tưởng và nỗ lực – trong một nghĩa nào – lại chống trái với sự chứng ngộ rigpa. Rigpa được tìm thấy khi không có nỗ lực áp đặt, ngay cả không có nỗ lực để làm một bản ngã. Rigpa là sự vắng mặt toàn triệt nỗ lực, nó không do tạo tác và vốn tự nhiên toàn thiện. Nó là sự tĩnh lặng trong đó hành động xảy ra, sự im lặng trong đó âm thanh xảy ra, không gian vô niệm trong đó niệm tưởng khởi lên. Cố gắng là hậu quả nghiệp của vô minh – chúng ta đút lót cho nghiệp của vô minh bằng cách cố gắng hiểu. Nhưng rigpa thì ở ngoài vòng nghiệp, nó là tánh giác của nền tảng, và nghiệp xảy ra là xảy ra trong nền tảng. Khi chúng ta nhận ra và chứng ngộ rigpa, chúng ta không đồng hóa nữa với tâm thức mang nghiệp và tạo nghiệp.
Cái chúng ta tìm kiếm thì gần gũi với chúng ta hơn chính những tư tưởng của chúng ta, hơn kinh nghiệm của chúng ta, bởi vì tịnh quang là nền của mọi kinh nghiệm. Thế thì, khi chúng ta nói đến “kinh nghiệm về tịnh quang”, chúng ta muốn nói điều gì ? Thực ra nó không phải là một kinh nghiệm chút nào cả, mà hơn nữa, là một không gian trong đó kinh nghiệm về tính chủ thể, giấc ngủ, giấc mộng và lúc thức xảy ra. Chúng ta ngủ và mộng trong quang minh của kunzhi, tinh túy của tỉnh thức, hơn là có một kinh nghiệm về kunzhi trong chúng ta. Chỉ vì do cái nhìn giới hạn của chúng ta mà chúng ta nghĩ đến nó như là một kinh nghiệm mình có.
Khi tâm thức động tan vào cái tỉnh giác thuần khiết của rigpa, chúng ta thấy cái ánh sáng hằng hằng hiện tiền, chúng ta chứng ngộ cái chúng ta vốn là. Bấy giờ chúng ta có thể nghĩ rằng nó là “kinh nghiệm của chúng ta”, một cái gì mà chúng ta làm ra bằng cách thực hành. Nhưng đó là chính không gian trong ấy kinh nghiệm khởi lên nhận biết chính nó. Đây là rigpa con biết rigpa mẹ, tánh giác thuần khiết tự biết chính nó.
QUÂN BÌNH
Bình thường tịnh quang được nói đến bằng những từ tích cực – tánh không và tánh sáng tỏ hay rỗng rang và quang minh. Dù cho hai phương diện này là hợp nhất và không hề tách lìa, chúng ta có thể nghĩ đến chúng như hai phẩm tính cần phải quân bình để trợ giúp cho sự thực hành.
Tánh không mà không có tánh giác thì như giấc ngủ của vô minh : một cái trống vắng không có kinh nghiệm, không có mọi phân biệt, thực thể v.v... và cũng không có tỉnh giác. Tánh sáng tỏ mà không có tánh không thì như sự dao động cực độ trong đó những hiện tượng của kinh nghiệm được cho là những thực thể có bản chất, dù là thuộc vật chất hay tâm thức, chúng tác động vào sự tỉnh giác của chúng ta với sự kiên cường của một giấc mộng trong cơn sốt. Vào ban đêm trạng thái này thành ra chứng mất ngủ. Không có cái cực đoan nào là tốt. Chúng ta phải quân bình những cái này để cho chúng ta không mất tỉnh giác cũng không bị mắc vào ảo tưởng khởi trong tỉnh giác, cho chúng là cứng chắc và hiện hữu độc lập.
PHÂN BIỆN
Rigpa không bao giờ mất và nó không bao giờ không phải là rigpa. Nền tảng sâu xa nhất của hiện thể chúng ta là tánh giác toàn khắp, tự hữu, trống không, nguyên sơ. Nhưng mỗi người chúng ta phải tự hỏi mình chúng ta biết tánh giác bổn nguyên ấy một cách trực tiếp hay chúng ta phóng dật khỏi nó bằng sự chuyển động của tâm thức sanh diệt ? Và mỗi chúng ta phải trả lời cho chính mình ; không ai có thể nói cho chúng ta câu trả lời.
Khi chúng ta cuốn theo những tiến trình bên trong, chúng ta không ở trong rigpa, vì rigpa thì không có tiến trình nào cả. Tiến trình là một hoạt động của tâm thức động và ý niệm ; rigpa thì không cố gắng, vô tác.
Rigpa giống như bầu trời buổi sáng sớm : thanh tịnh, mở khắp, trống trải, trong vắt, tỉnh thức, tươi mát và yên lặng. Dù cho rigpa thực sự không có những phẩm tính hay thuộc tính, những cái trên là những phẩm tính mà những giáo lý gợi ra để hành giả kiểm nghiệm kinh nghiệm của họ.