Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT BẢN TRỤ: CHỦ THỂ TỰ NGÃ (Bản Trụ-本住)

 

______*"Chủ thể Tự Ngã", bản Hán văn: "Bản Trụ-本住"_"Bản thể Thường Trụ", khái niệm này có liên quan sâu xa đến Upanishad và tư tuởng của các hệ phái vể "Vật chất Tối sơ"(pradhana), được xem như là những bản thể thường trụ bất biến và nguyên nhân khởi đầu cho vạn hữu (trong đó có cả ý thức con người. Chính “Bản thể Thường Trụ” này là cơ sở dựa trên đó các hệ phái tư tưởng Ấn độ phát triển những luận điểm cố định vể Tự Ngã-Àtman, Tự tính-Prakriti…như là những cái gì thường trụ, bất biến. dẫn đên những quan niệm tất nhiên về Thường Trụ Luận và Đoạn Diệt luận mà lúc Phật Thích Ca còn tại thế vẫn thường phủ nhận. Những quan niệm khác nhau về Tự Ngã-Àtman ở mỗi hệ phái, theo đó có nhiều ý nghĩa và nhiều cách dịch khác nhau: học phái Vainshesika (Thắng Luận) và học phái Niyàya (Chính Lý) dùng ý nghĩa như Tự Ngã-自我, học phái Sàmkhya (Số Luận) quan niệm như là Linh Ngã 霊我, hay Thần Ngã 神我, học phái Vedanda quan niệm là Ngã-我, như là cái "Tôi". Trong Phật giáo nói chung, được dùng với ý nghĩa như Tự Ngã, cái "Tôi", đôi khi được dùng với ý nghĩa như Tâm Thức 心識, hay Tự Kỷ 自己 Ở phẩm 9 này, luận chứng của Nagarjuna đôi khi nhắm vào những quan điểm của từng học phái để bác bỏ những kiến giải của họ về cái "Bản thể Thường Trụ"-Bản Trụ-本住 này, tiêu biểu nhất là của hệ Phái Số Luận, một hệ phái tối cổ của Ấn độ có tầm ảnh hưởng sâu nhất, với quan niệm về Thần Ngã (Purusïa) như là: bản thể thường trụ của những thường trụ (nityo nityanamï), tâm thức của những tâm thức (cetanas cetananam). Ở bản Hán văn của Cưu Ma La Thập, ông vẫn giữ nguyên cách gọi tên Tự Ngã của từng học phái để có thể theo dõi được chỗ xuất phát của từng quan niệm nói trên, ví du: Trong trường hợp riêng biệt, thay vì dùng từ "Bản Trụ-本住"-Chủ thể Tự Ngã, ông dùng từ "Thần-神", tức "Thần Ngã-神我-Purusïa", như thế có thể theo dõi được quan điểm mà Nagarjuna đang bác bỏ là quan điểm của học phái Số Luận (xem chi tiết hơn ở Bát Nhã Đăng Luận của Thanh Biện, Phần 5)... Bản dịch Việt ngữ cũng giữ y nguyên cách dịch rất khoa học này của Cưu Ma La Thập, ngoài ra việc sử dụng khái niệm "Chủ thể Tự Ngã" trong tiếng Việt dịch thuật ngữ Bản Trụ-本住 còn cốt để thuận với cấu trúc luận lý của Nagarjuna, đồng thời với ý nghĩa đặc hữu như trên, phân biệt với " Ngã"-Self theo thuật ngữ tâm lý học, hay được hiểu như "cái Tôi" thông dụng, và cả "cái Tôi-Cogito-Chủ thể Tư duy" trong triết học Tây phương, những khái niệm này có một độ lệch rất lớn, không thể nào đồng nhất với nhau được.

______

 

眼耳等諸根

苦樂等諸法

誰有如是事

是則名本住

9.1

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể cho đến ý thức, là sáu cơ năng nhận tri (Lục Căn-六根_xem chú thích ở Phẩm 3.1) .

Tất cả những xúc cảm thụ nhận tử đó như: khổ đau, vui mừng...

"Ai"_là chủ thể của tất cả những sự thể này?

Người ta gọi "Ai" đó là chủ Thể Tự Ngã (Bản Trụ-本住).

 

若無有本住

誰有眼等法

以是故當知

先已有本住

9.2

Nếu không có Chủ Thể Tự Ngã,

Thì "Ai" là kẻ thụ nhận những cảm giác từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức?

Vì thế, trước tiên hãy giả thiết rằng:

Vốn có một cái gọi là Tự ngã, Chủ thể của (thụ nhận và tác vi) của chúng.

 

若離眼等根

及苦樂等法

先有本住者

以何而可知

9.3

Nếu lìa khỏi sáu tri năng:mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức,

Cho đến lìa khỏi cả những xúc cảm thụ nhận được từ chúng như mừng vui, đau khổ...

Thì cái Chủ Thể Tự Ngã vốn đã có trước ấy,

Có thể nhận tri được cái gì?

 

若離眼耳等

而有本住者

亦應離本住

而有眼耳等

9.4

Nếu lìa ra khỏi những tri nhận của mắt, tai…ý thức,

Mà vẫn cứ tồn tại một chủ thể Tự ngã,

Và nếu lìa ra khỏi chủ thể Tự ngã,

Mà vẫn cứ tồn tại những tri nhận của mắt, tai…ý thức

 

以法知有人

以人知有法

離法何有人

離人何有

9.5

Thì, chủ thể nhận tri có khả năng nhận biết đối tượng,

Và, đối tượng có thể được nhận biết bởi chủ thể nhận tri.

Nếu lìa khỏi đối tượng, thì làm sao chủ thể nhận tri tồn tại?

Và, lìa khỏi chủ thể nhận tri, thì làm sao đối tượng đó tồn tại?

 

一切眼等根

實無有本住

眼耳等諸根

異相而分別

9.6

Tất cả những cơ năng nhận tri (Căn-根) như: mắt, tai…ý thức

Đều tự nó không thực sự tồn tại chủ thể Tự ngã.

Bởi vì, những phương thức nhận tri này,

Chỉ có thể nhận tri được những dạng thông tri đặc thù của chúng thôi (mắt: nhận ra màu, sắc…; tai: âm, thanh…).

若眼等諸根

無有本住者

眼等一一根

云何能知塵

9.7 

Nếu mỗi cơ năng nhận tri như mắt, tai...ý thức

Tự nó vốn không tồn tại của chủ thể Tự ngã,

Thì mỗi một cơ năng cơ bản như mắt, tai...
Làm sao có khả năng nhận tri những dạng thông tri đặc thù riêng của nó?

 

見者即聞者

聞者即受者

如是等諸根

則應有本住

9.8

Như thế thì mỗi một cơ năng nhận tri: mắt, tai, mũi...ý thức,

Đều tương ứng với một chủ thể nhận tri (Bản Trụ-本住) riêng biệt:

Chủ thể của mắt nhận màu sắc, chủ thể của tai nhận âm thanh,

Thân thể nhận cảm giác nóng lạnh...

 

若見聞各異

受者亦各異

見時亦應聞

如是則神多

9.9

Nếu cùng một lúc có nhiều chủ thể khác nhau,

Để nhận tri những cảm giác khác nhau từ mắt, tai...ý thức,

Lúc chủ thể của mắt nhận màu sắc, thì chủ thể của tai nhận âm thanh...

Như thế thì phải có nhiểu "Thần Ngã".

 

10 

眼耳等諸根

苦樂等諸法

所從生諸大

彼大亦無神

9.10

Những quan năng như: mắt, tai... ý thức,

Và những cảm xúc thụ nhận được: đau khổ, mừng vui…

Vốn nguyên do từ những Thực thể Tối sơ (Đại-大:Đất, Nước, Gió, Lửa...),

Cả Bốn Thực thể Tối sơ này cũng không hề tồn tại "Thần ngã".

 

11 

若眼耳等根

苦樂等諸法

無有本住者

眼等亦應無

9.11

Nếu những cơ năng nhận tri như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức,

Và cả những cảm xúc thụ nhận được: đau khổ, mừng vui…

Đều vốn không có chủ thể (Bản Trụ-本住) riêng biệt,

Thì cũng không có chủ thể Tự Ngã (Bản Trụ-本住) chung cho những cơ năng nhận tri ấy.

 

12 

眼等無本住

今後亦復無

以三世無故

無有無分別

9.12

Ở sáu cơ năng nhận tri: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, cho đến ý thức, vốn đã không hề tồn tại chủ thể Tự ngã.

Bây giờ cũng không tồn tại, sau này cũng không tồn tại.

Trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều không tồn tại.

Vì nó không hề tồn tại, nên không thể phân biệt ra nó được.

Xem mục lục