Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

6  Tiểu Sử Ngắn của Namkhai Norbu

Namkhai Norbu Rinpoche sinh ở Đông Tây Tạng, ngày mồng tám tháng mười năm Dần-Thổ (1938). Cha ngài là một thành viên của một gia đình quý phái và trước đây làm quan chức cho nhà nước.

Khi lên hai tuổi, ngài được hai thiền sư công nhận là tái sanh của Adzom Drugpa. Adzom Drugpa, một đại sư Dzogchen của đầu thế kỷ này, là đệ tử của Khyentse Rinpoche thứ nhất và cũng là đệ tử của Patrul Rinpoche. Hai vị thầy nổi tiếng này là những lãnh tụ của phong trào Rimed hay “không bộ phái” vào thế kỷ thứ mười chín ở Đông Tây Tạng. Adzom Drugpa trở thành một terton, hay người khám phá những bản văn kho tàng được cất dấu, đã nhận được những cái nhìn thấy trực tiếp từ Jigme Lingpa (1730-1798) khi ngài ba mươi tuổi. Sau đó Adzom Drugpa trở thành thầy của nhiều vị thầy đương thời của Dzog-chen. Trong số những vị này có người chú của Norbu Rinpoche, Togdan, người trở thành vị thầy Dzogchen đầu tiên của Norbu.

Khi lên tám tuổi, Norbu Rinpoche lại được cả Karmapa thứ mười sáu và rồi Situ Rinpoche công nhận là một tái sanh của đại sư nổi danh của phái Drugpa Kagyu là Padma Karpo (1527-1592), người sáng lập nhà nước Bhutan theo lịch sử.

Từ tám tuổi đến mười bốn tuổi, Norbu Rinpoche tham dự trường học trong tu viện, làm những cuộc nhập thất, và nghiên cứu với những vị thầy nổi danh gồm cả nữ đạo sư Ayu Khandro (1838-1953). Vào thời gian này bà đã một trăm mười ba tuổi và đã nhập thất trong bóng tối khoảng năm mươi sáu năm. Norbu Rin-poche nhận nhiều trao truyền từ bà và sau đó đã thực hành nhập thất kịch liệt.

Năm 1954 ngài được mời thăm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc như là một đại diện của thanh niên Tây Tạng. Từ 1954 ngài là một người dạy Tạng ngữ ở Đại Học Tây Nam của những Dân Tộc Thiểu Số ở Chengdu, Sichuan, Trung Quốc. Khi sống ở Trung Quốc ngài thông thạo tiếng Hoa và Mông Cổ.

Khi mười bảy tuổi, trở lại quê hương Derge theo một cái nhìn thấy nhận được trong giấc mộng, Norbu Rinpoche đến gặp Bổn Sư của mình, Changchub Dorje, sống trong một thung lũng hẻo lánh ở miền đông. Là một thầy thuốc, Changchub Dorje Rinpoche cầm đầu một cộng đồng gồm những hành giả cư sĩ, những yogi nam và nữ. Từ đạo sư này, Norbu Rinpoche nhận thêm những nhập môn và trao truyền giáo lý thiết yếu của Dzogchen. Ngài ở với thầy một năm, thường giúp Changchub Dorje Rinpoche trong việc y khoa và phục vụ như người biên chép và thư ký.

Sau đó, Norbu Rinpoche bắt đầu một cuộc hành hương dài đến Trung Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ và Bhu-tan. Trở về Derge, nơi sanh của ngài, ngài thấy những điều kiện chính trị xấu đi đã dẫn đến sự bạo động. Ngài đi du hành, trước ở Trung Tây Tạng, và cuối cùng đến Sikkim. Từ 1958 đến 1960 ngài sống ở Gangtok, Sikkim, được dùng như một tác giả và nhà biên tập những sách bản văn Tây Tạng của Văn Phòng Phát Triển của Chính Phủ Sikkim. Năm 1960, khi hai mươi hai tuổi, với lời mời của giáo sư Giuseppe Tucci, ngài đến Ý và ở vài năm ở Rome.

Từ 1964 đến nay, Norbu Rinpoche là giáo sư ở Istituto Orientale, Đại học Naples, nơi đó ngài dạy Tạng ngữ, Mông Cổ ngữ, và lịch sử văn hóa Tây Tạng. Ngài đã làm một cuộc nghiên cứu sâu rộng vào những nguồn gốc lịch sử của văn hóa Tây Tạng, truy tầm những nguồn gốc văn hóa ít được biết từ truyền thống đạo Bon. Năm 1983, Norbu Rinpoche chủ trì Hội Nghị Quốc Tế lần thứ nhất về Y học Tây Tạng, diễn ra ở Venice, Ý. Dù vẫn còn hoạt động dạy học ở đại học, trong mười năm qua Norbu Rinpoche đã hướng dẫn những nhóm nhập thất ở nhiều nước khác nhau. Trong những cuộc nhập thất này, ngài đã ban cho giáo huấn thực tiễn trong những thực hành Dzogchen theo thể thức không bộ phái, cũng như dạy những khía cạnh của văn hóa Tây Tạng, đặc biệt Yantra Yoga, Y học Tây Tạng và chiêm tinh. Norbu Rinpoche cũng là tác giả của hơn mười cuốn sách về thiền định Dzogchen, như Pha Lê và Đường của Ánh Sáng, và Chu Kỳ Ngày và Đêm.

Thông tin ở trên được trích bởi John Reynolds từ một tiểu sử Tây Tạng, và được người biên tập xem lại.

Xem mục lục