Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
 
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)
 
 
-o0o-

 

Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri

 

Quyển Thứ Bốn Mươi

 

NÓI RÕ PHẦN CÒN LẠI CỦA 141 PHÁP BA-DẠ-ÐỀ

134- GIỚI: DU HÀNH TRONG LÚC AN CƯ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy đang mùa An cư, Tỉ-kheo-ni Ca-lê nhận giường nệm của Tăng xong rồi bỏ đi du hành. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy nói với Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di ... Cuối cùng, Phật hỏi rồi cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao trong lúc an cư mà ngươi du hành? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni du hành trong lúc an cư thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

An cư: Tức là Tiền An cư và Hậu An cư.

Du hành: Ít nhất là đi đến trú ngụ trong thôn xóm thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu trong lúc An cư mà Tỉ-kheo-ni rời khỏi cương giới một đêm thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nhưng nếu vì nạn vua, hoặc bọn giặc từ nơi khác đến, hoặc sợ bị mất mạng, hoặc sợ tổn thương phạm hạnh mà bỏ đi, thì không có tội.

Trong lúc An cư, nếu Tỉ-kheo-ni không làm yết-ma cầu thính mà vì việc của tháp, của Tăng đi du hành (thì phạm tội Ba-dạ-đề). Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

135- GIỚI: AN CƯ XONG KHÔNG DU HÀNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo-ni An cư tại thành Xá-vệ xong bèn đi đến nhà bà con của Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la tại Tì-xá-li. Những người bà con ấy hỏi:

- Các cô An cư ở đâu vậy?

- Ở thành Xá-vệ.

- Tại thành Xá-vệ có những gì tốt đẹp không?

- Rừng cây Kỳ Hoàn, hoa trái sum suê, hồ nước trong mát, tinh xá như thế đó, chỗ ở của Thế Tôn như thế đó, tôn giả Xá-lợi-phất, Ðại-mục-liên như thế, cư sĩ Tu-đạt như thế.

- Ðấy thật là chân chính xuất gia. Còn Bạt-đà-la của tôi thì sinh ra nơi đây, trưởng thành tại đây, từ bé đến giờ chẳng chịu đi đâu, giống như người không có tay chân.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng cô đáp khi Phật hỏi: 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao An cư xong mà ngươi không du hành? Từ nay Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni An cư xong mà không du hành thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

An cư xong: Tức hết ba tháng.

Không du hành: Ít nhất là không rời khỏi xóm làng để vân du thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Khi An cư xong mà không rời khỏi cương giới (542c) ít nhất là trong một đêm thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nhưng nếu vì già yếu bệnh hoạn không thể đi được thì không có tội. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

136. GIỚI: RỦ AN CƯ, SAU TRÁCH CỨ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nói với Thọ-đề: "Chúng ta hãy An cư tại đây". Rồi cô đi đến nhà đàn việt ca ngợi: "Tỉ-kheo-ni Thọ-đề hiền thiện, giữ giới, bà nên cúng dường". Ðúng là Thọ-đề có oai nghi đoan chính, cử động nhìn ngó không trái phép tắc, khiến đàn việt thấy thế sinh tâm hoan hỉ. Thế nhưng, sau đó, Thâu-lan-nan-đà lại trách móc làm não loạn Thọ-đề.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, cô đáp khi Phật hỏi:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc xấu.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni nói với Tỉ-kheo-ni khác rằng: "Này thánh giả, chúng ta hãy An cư tại đây", nhưng sau đó trách cứ, xúc não thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Nếu Tỉ-kheo-ni nói với Tỉ-kheo-ni khác rằng: "Chúng ta hãy An cư tại đây", nhưng trong lúc An cư lại tự mình dùng thân, miệng, hoặc sai người khác dùng thân miệng xúc não người kia, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu trường hợp người đó không giữ giới, sợ họ làm điều phi pháp nên đuổi đi, thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo-ni xúc não Thức-xoa-ma-ni, Sa-di-ni thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu xúc não người thế tục thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

137- GIỚI: NHIỄU LOẠN NGƯỜI AN CƯ TRƯỚC MÌNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, đến ngày An cư thì Tỉ-kheo-ni Ca-lê bèn đi nơi khác. Ðến khi thọ An cư xong, cô trở về thì phòng ốc đã được phân chia hoàn tất. Cô liền đến phòng cũ của mình đòi người đang ở trong phòng:

- Ðây là phòng của tôi, hãy trả lại cho tôi.

- Tôi đã nhận rồi, cô không được đòi.

Thế là hai người gây lộn nhau. Lúc ấy có thiện Tỉ-kheo-ni gọi cô, nói: "Này thánh giả, hãy đến phòng này mà ở". Cô bèn đem những đồ lau nhà, củi, cỏ chất đống trong phòng. Vị Tỉ-kheo-ni ở trước liền nói:

- Này thánh giả, đấy là những vật không cần dùng đừng để trong phòng.

- Này hiền giả, ngươi mua căn phòng này chăng?

- Căn phòng này của Tăng, theo thứ tự mà tôi nhận được.

- Nếu căn phòng này của Tăng thì tại sao tôi lại không chất đồ được?

Thế là cô dùng thân miệng nhiễu loạn người kia. 

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi, cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc xấu. Vì sao ngươi biết người khác đã an cư trước mà sau đó đến nhiễu loạn? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết Tỉ-kheo-ni khác đã an cư trước, rồi sau đó mình đến tự nhiễu loạn hoặc sai người khác nhiễu loạn thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Biết người khác đã an cư trước: Tức là Tiền An cư và Hậu An cư.

Nhiễu loạn: Nếu tự mình dùng thân miệng, hoặc sai người dùng thân miệng nhiễu loạn thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Nếu nhiễu loạn Tỉ-kheo-ni thì phạm tội Ba-dạ-đề, nhiễu loạn Thức-xoa-ma-ni, Sa-di-ni thì phạm tội Việt tì-ni. Cuối cùng, (543a) nếu nhiễu loạn người thế tục thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

138- GIỚI: ÐỔ ÐỒ BẤT TỊNH KHÔNG COI TRƯỚC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo-ni không xem trước bên ngoài tường mà đem đổ đồ đại tiểu tiện, không ngờ ngay khi ấy có người Bà-la-môn vừa mới tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới đang đi trên con đường hẻm, bị phẩn uế đổ nhằm trên đầu. Ông Bà-la-môn liền nổi giận mắng: "Bọn Sa-môn ni con của nhiều người làm bẩn ta như thế này đây!".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đi đến bạch với Phật. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc xấu. Vì sao ngươi không chịu xem kỹ trước mà đổ đồ bất tịnh? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không xem trước ngoài bờ tường mà đổ đồ bất tịnh ra ngoài, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Ngoài bờ tường: Ngoài hàng rào bờ tường.

Ðổ đồ bất tịnh: Như đại tiểu tiện, đàm dãi, rác rưởi và nước rửa tay chân, tóc, móng tay.v.v... 

Không xem: Không xem trước mà đổ. Khi muốn đổ vật gì thì phải xem kỹ trước, nếu có nhiều người đi thì phải chờ lúc vắng người rồi mới đổ. Nếu người đi thưa thớt thì phải khảy móng tay rồi mới đổ. Nếu không xem, không khảy móng tay mà đổ thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Nếu Tỉ-kheo không xem mà đổ thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

139- GIỚI: ÐẠI TIỂU TIỆN TRÊN CỎ TƯƠI.
140- GIỚI: ÐẠI TIỂU TIỆN TRONG NƯỚC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc không cấm Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni vào chơi trong hoa viên, hồ nước ở phía Ðông. Do thế, nhóm sáu Tỉ-kheo-ni vào trong hoa viên ấy nói những chuyện thế tục, đại tiểu tiện, khạc nhổ trên cỏ tươi, rồi hái lá sen gói đồ bất tịnh (phân) bỏ vào trong hồ nước. Sáng sớm, vua Ba-tự-nặc cùng hậu cung phu nhân đi đến hoa viên, hồ nước để du ngoạn. Vì bọn cung nữ bị cấm cung lâu ngày không được ra ngoài, giờ đây mới được du ngoạn nên rất phấn khởi thích chí, ai nấy đều chiếm những đám cỏ tươi, nói: "Ðây là bãi cỏ của tôi", rồi chạy lại nắm cỏ, liền bị bẩn tay. Thế là họ đến hồ nước để rửa, thì lại thấy có những gói lá trên hồ nước, bèn suy nghĩ: "Chắc là các chàng thanh niên nghe chúng ta sắp du ngoạn nên họ gói những gói hương để tặng chúng ta đây", liền chạy đến giành lấy, nên bị bẩn tay. Họ bèn đến tâu với vua: "Ðây là những thứ gì mà dơ bẩn thế này?". Vua liền gọi người giữ vườn đến hỏi: 

- Ai làm bẩn công viên này vậy?

- Hôm qua, nhóm sáu Tỉ-kheo-ni vào công viên tắm rửa, đùa giỡn rồi ra về, chứ không ai khác cả.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Ðó là việc xấu". Cho đến: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ tươi thì phạm tội Ba-dạ-đề.

-- Nếu Tỉ-kheo-ni đại tiểu tiện trong nước thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

(543b) Cỏ: Gồm tất cả mọi loại cỏ, nếu đại tiểu tiện trên đó thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu vào mùa mưa, cỏ mọc phủ đất, thì nên tìm chỗ không có cỏ mà đại tiểu tiện. Nếu không có chỗ đất trống thì nên đại tiện trên gạch, ngói, cây cỏ khô, trên phân trâu ngựa hay chỗ mà người ta đại tiện. Nếu cũng không có thì ít nhất tìm một khúc cây, đại tiện cho rơi trên khúc cây trước rồi mới rơi trên cỏ.

Nếu chỗ đi kinh hành có cỏ thì nên để một ống nhổ ở đầu đoạn đường đi kinh hành. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Nước: Gồm có 10 loại như trên đã nói. Nếu đại tiểu tiện khạc nhổ trong nước thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Nếu vào mùa mưa nước ngập tràn lan thì nên đại tiểu tiện trên chỗ cao. Nếu không có chỗ cao thì nên đại tiểu tiện trên gạch, đá, cây cỏ khô, trên phân bò, phân ngựa. Nếu cũng không có thì nên dùng cây, cỏ, cành để lót, đại tiểu tiện cho rơi trên cây cỏ trước rồi mới rơi xuống nước sau. Nếu đào cầu tiêu mà ở dưới có nước chảy ra thì không được đi tiểu tiện trước trong đó; mà nên bảo tịnh nhân đại tiểu tiện trước, rồi Tỉ-kheo-ni mới đi sau. Nếu ở dưới cầu có dòng nước chảy thì nên đặt một tấm ván, để khi đi cầu rơi trên tấm ván trước rồi mới rơi xuống nước sau. Nếu khi đi thuyền có cầu tiêu thì nên đặt một tấm ván, để khi đi cầu phân rơi trên tấm ván trước rồi mới rơi xuống nước sau. Nếu không có tấm ván thì đặt một cành cây để khi đi cầu phân rơi trên cành cây trước, rồi mới rơi xuống nước sau.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

141- GIỚI: CHUYỂN LỢI CỦA TĂNG CHO MỘT NHÓM NGƯỜI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đi du hành khuyến hóa, nói với người phụ nữ rằng: "Bà hãy cúng dường các thực phẩm để tôi sắm thức ăn cho các Tỉ-kheo". Người phụ nữ bèn đưa thực phẩm, rồi dặn: "Ðến ngày cúng dường, cô tin cho tôi biết để tôi đến nấu nướng". Thế rồi, họ mời tôn giả Xá-lợi-phất, Ðại-mục-liên, Li-bà-đa, Kiếp-tân-na, tôn giả La-hầu-la; đồng thời mời nhóm sáu Tỉ-kheo, rồi sắp hai dãy ghế, một dãy dành cho Tỉ-kheo trưởng lão, một dãy dành cho nhóm sáu Tỉ-kheo. Khi đến giờ, các trưởng lão Tỉ-kheo bèn khoác y cầm bát đi đến nhà thí chủ, ngồi theo thứ tự. Thế rồi, họ dọn cho tôn giả Xá-lợi-phất cơm gạo trắng, canh mông cự và các loại sữa. Cứ thế chuyển dần đến thức ăn thô. Họ dọn cho tôn giả Mục-liên cơm gạo thô, canh ma-sa, dầu, sữa. Còn các Tỉ-kheo khác thì dọn cơm gạo đỏ, canh ma-sa, hoặc có chỗ thì có cơm mà không có canh, hoặc có canh mà không có cơm. Cuối cùng, đến tôn giả La-vân, họ dọn cơm gạo đỏ, canh rau tạp. Khi những phụ nữ bưng các thức ăn ngon lên hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo-ni rằng: "Dọn những thứ này cho ai?", thì các Tỉ-kheo-ni ấy bèn dùng thân mình che các trưởng lão Tỉ-kheo mà chỉ nhóm sáu Tỉ-kheo, bảo dọn cơm trắng canh ngon, các món sữa; đồng thời (543c) tự tay mình bưng dọn phủ phê.

Khi các Tỉ-kheo thọ trai xong trở về, Phật biết nhưng vẫn hỏi Xá-lợi-phất:

- Này Xá-lợi-phất, được ăn các thức ngon đầy đủ không?

- Ðã ăn rồi, bạch Thế Tôn!

Phật hỏi ba lần như vậy thì thầy cũng đều đáp giống nhau. Phật lại hỏi từng trưởng lão Tỉ-kheo như vậy, họ cũng đều đáp giống y như thế. Cuối cùng, Phật hỏi La-vân:

- Vì sao mà trông sắc diện, sức lực của ông có vẻ không đầy đủ? Có được ăn những thức ngon no nê không?

- Bạch Thế Tôn! Ăn dầu thì có sức lực, ăn sữa thì có sắc diện, còn ăn canh rau thì không có sắc diện, sức lực.

Ðoạn, Phật hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo:

- Các ông có được ăn ngon không?

- Bạch Thế Tôn! Chúng con được cơm gạo trắng, canh ngon, các món sữa và những thức ăn ngon lành đều do các chị em có niềm tin ân cần dâng cúng.

- Người ngồi trên hết (Thượng tọa) là ai vậy?

- Là tôn giả Xá-lợi-phất.

Phật liền hỏi Xá-lợi-phất:

- Ông có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðây là cách ăn phi pháp. Vì sao ông ngồi nhìn Tỉ-kheo Tăng bị nhiễu loạn mà vẫn giữ thái độ thản nhiên?

- Nếu Thế Tôn dạy rằng đó là bữa ăn phi pháp thì dù trải qua một kiếp hay hơn một kiếp cũng không tiêu hóa được.

Thế là tôn giả bèn dùng chiếc lông chim ngoáy vào yết hầu cho mửa thức ăn ra. Ðồng thời, khi ấy Phật bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đến. Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:

- Các ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc xấu. Vì sao các ngươi biết đó là lợi ích của cả chúng mà lại xoay về cho một nhóm người? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết đó là lợi ích của cả chúng mà xoay về cho một nhóm người thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Biết: Hoặc tự biết hoặc do nghe người khác mà biết.

Chúng: Tức là chúng Tỉ-kheo, chúng Tỉ-kheo-ni.

Lợi: Gồm có 8 thứ sau đây: Thuốc dùng đúng lúc, thuốc dùng ban đêm, thuốc dùng trong bảy ngày, thuốc dùng trọn đời, vật tùy thân, vật nặng, vật bất tịnh, vật vừa tịnh vừa bất tịnh.

Xoay về: Nếu vật ấy thí chủ đã định cúng chỗ này mà xoay sở để họ cúng chỗ khác thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. 

Nếu có người đến hỏi: "Tôi muốn cúng dường, vậy nên cúng dường nơi nào?", thì nên đáp: "Tùy theo ý ông, thích cúng dường nơi nào thì cúng dường nơi ấy". Nếu họ hỏi: "Ở đâu có công đức lớn?", thì nên đáp: "Cúng dường cho Tăng". Nếu họ hỏi: "Ở đâu có chúng Tăng giữ giới tinh nghiêm?", thì nên đáp: "Không có chúng Tăng nào lại phạm giới cả". Nếu họ hỏi: "Ở đâu có Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni giữ giới, ít việc, ngồi thiền, tụng kinh, ít đi vân du để tôi thường được thấy vật cúng dường này?", thì được nói: "Nên cúng dường cho mỗ giáp".

Nếu Tỉ-kheo-ni biết vật đó thí chủ định cúng cho Tăng mà vận động họ cúng cho mình thì phạm tội Ni-tát-kì-ba-dạ-đề. Nếu vận động họ cúng cho người khác thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu biết họ định cúng cho chúng này mà vận động họ cúng cho chúng khác thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu họ định cúng cho nhóm người bà con này mà vận động họ cúng cho nhóm người bà con khác cũng phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu vật họ định cúng cho người này mà vận động họ cúng cho người khác thì phạm tội Việt tì-ni. 

Nếu Tỉ-kheo biết vật thí chủ định (544a) cúng cho chúng này mà vận động họ cúng cho chúng khác thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

Kệ tóm tắt:

"Giáo huấn, mụt chỗ kín,
Ngủ lang, không du hành.
An cư, sau trách cứ,
An cư rồi mới đến.
Cách tường vứt chất bẩn,
Cỏ, nước, xoay Tăng vật
Hết phần thứ mười bốn".

Trong 141 giới Ba-dạ-đề của Tỉ-kheo-ni thì 70 giới giống với giới của Tỉ-kheo còn 71 giới thì khác. 

Ðến đây thuyết minh xong giới Ba-dạ-đề. 

NÓI RÕ PHẦN ÐẦU CỦA 8 TÁM GIỚI ÐỀ-XÁ-NI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, Ngài nói với Ðại Ái Ðạo: "Một thuở nọ, Như Lai ở tại thành Xá-vệ, nhóm sáu Tỉ-kheo-ni hễ gặp cửa hàng sữa thì xin sữa, gặp cửa hàng dầu thì xin dầu, gặp cửa hàng mật thì xin mật, gặp cửa hàng đường phèn thì xin đường phèn, gặp cửa hàng thịt thì xin thịt, gặp cửa hàng cá thì xin cá, gặp cửa hàng sửa tươi thì xin sữa tươi, gặp cửa hàng sữa đông lạnh thì xin sữa đông lạnh về ăn, nên bị người đời chỉ trích rằng: "Vì sao Sa-môn Cù-đàm ca ngợi thiểu dục, đả kích đa dục.v.v..." (như trong nhân duyên của Tỉ-kheo đã nói rõ). Tỉ-kheo-ni Cù-đàm-di cũng phải học như vậy.

Lại nữa, này Cù-đàm-di, một thuở nọ Ta đang sống ở tại tinh xá của dòng họ Thích, nơi thành Ca-duy-la-vệ, từng cho phép Tỉ-kheo có bệnh được xin thức ăn ngon".

Thế rồi, Phật bảo Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không có bệnh mà vì muốn sướng thân, tự mình đến nhà bạch y xin sữa, hoặc sai người đi xin về để ăn hoặc uống, thì Tỉ-kheo-ni này phải đến Tỉ-kheo-ni khác sám hối như sau: "Thưa thánh giả, tôi phạm điều đáng trách, xin sám hối tội Ba-la-đề-đề-xá-ni này".

Giải thích:

Tám loại thực phẩm ngon: 1- Sữa đóng váng; 2- Dầu; 3- Mật; 4- Ðường phèn; 5- Sữa tươi; 6- Sữa đông lạnh; 7- Cá; 8- Thịt. 

Vì muốn sướng thân: Chỉ tự cung phụng cho thân mình.

Bệnh: Nếu bị bệnh mà dùng thì Thế Tôn nói là không có tội. Thế nào gọi là bệnh? - Như bị già yếu, hoặc lúc uống thuốc xổ, lể đầu chảy máu, đại loại các thứ bệnh như thế.

Nhà: Tức nhà của bốn chủng tánh.

Sữa đóng váng: Như sữa bò, sữa trâu, sữa dê.

Xin: Tư mình đi xin hoặc sai người đi xin.

Hoặc ăn hoặc uống: Tỉ-kheo-ni này phải đến Tỉ-kheo-ni khác sám hối như sau: "Thưa thánh giả, tôi phạm điều đáng trách, xin sám hối với thánh giả". Vị chủ sám nên hỏi:

- Cô có thấy tội này không?

- Dạ thưa thấy.

- Cô đừng có tái phạm nhé.

- Xin cúi đầu vâng lệnh.

Ba-la-đề-đề-xá-ni: Tội này phải phát lồ, còn gọi là hối quá.

Nếu Tỉ-kheo-ni bị bệnh nhiệt cần sữa (544b) thì được phép xin; nhưng không được đến nhà không có niềm tin để xin, mà nên đến nhà có lòng tin để xin. Khi đi khất thực, thấy người bán sữa liền chào: 

- Lão trượng mạnh khỏe xhứ?

- Thánh giả muốn thứ gì?

- Muốn xin thức ăn.

- Tôi không có thức ăn, chỉ có sữa thôi, nếu cô cần sữa thì tôi cho.

Gặp trường hợp như vậy thì được lấy đầy bát, đồng thời cũng được khuyên họ cúng dường cho người khác.

Nếu gặp người bán dầu cũng được làm như vậy. Nếu bị bệnh phong cũng được xin dầu, nhưng không nên đến nhà ép dầu để xin, mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Nếu đi khất thực mà thấy người bán dầu, thì nên chào:

- Lão trượng mạnh khỏe chứ?

- Thánh giả cần thứ gì?

- Cần xin thức ăn.

- Tôi không có thức ăn mà chỉ có dầu, nếu thánh giả cần, tôi sẽ cúng dường.

Gặp trường hợp như vậy thì được lấy đầy bát không có tội. Khi ấy cũng được khuyên họ cúng cho bạn như mật, hoặc nước. Khi bị bệnh thì được xin mật; nhưng không được đến những nhà lấy mật để xin mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Ðồng thời cũng được khuyên họ cúng dường cho bạn như là đường phèn.

Nếu có bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống nước đường phèn, thì được xin đường phèn; nhưng không được đến nhà làm đường phèn xin mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Nếu khi đi khất thực mà thấy người cân đường phèn.v.v..., cho đến cũng được khuyên họ cúng cho bạn.

Nếu có bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống sữa tươi, thì được xin sữa tươi. Nếu đi khất thực mà thấy nhà nuôi bò đang vắt sữa tươi, thì nên chào:

- Lão trượng mạnh khỏe chứ?

- Thánh giả có muốn thứ gì không?

- Tôi muốn xin thức ăn.

- Tôi không có thức ăn mà chỉ có sữa tươi, nếu thánh giả cần tôi sẽ cho.

Nếu như thế thì được lấy. Hoặc xin sữa đông lạnh mà họ nói không có sữa đông lạnh mà chỉ có sữa tươi, cũng được lấy.

Nếu bị bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống sữa đông lạnh, thì được xin sữa đông lạnh.

Nếu khi đi khất thực mà thấy người đang đong sữa đông lạnh thì nên chào:

- Lão trượng mạnh khỏe chứ?

- Thánh giả có cần thứ gì không?

- Tôi muốn xin thức ăn.

- Tôi không có thức ăn mà chỉ có sữa đông lạnh.

Khi ấy mình được lấy. Ðồng thời cũng được khuyên họ cúng cho bạn. Nếu đi xin sữa đông lạnh đã biến chế thành nước mà họ cho sữa đông lạnh cũng được lấy.

Nếu Tỉ-kheo-ni uống thuốc xổ, rồi thầy thuốc bảo nên uống nước cá hầm, thì được xin cá. Nếu khi đi khất thực, xin sữa đông lạnh mà gặp cá thì cũng được nhận lấy.

Nếu khi lể đầu chảy máu, rồi thầy thuốc bảo nên ăn thịt, thì được xin thịt, nhưng không được đến nhà mổ thịt để xin mà nên đến nhà có lòng tin để xin.

Khi đi khất thực, xin nước rau, nếu thí chủ nói: "Không có nước rau mà chỉ có nước thịt", mà mình cần thì được lấy.

Nếu tự biết mình vào những lúc ấy thường phát sinh bệnh, mà lúc ấy tìm thuốc rất khó, thì được xin để dự trữ không có tội. Nhưng nếu lúc không bệnh mà xin rồi lúc có bệnh đem ăn thì phạm tội Việt tì-ni. Lúc có bệnh xin, lúc không bệnh ăn, thì không có tội. Lúc có bệnh xin, lúc có bệnh ăn cũng không có tội. Lúc không bệnh xin, lúc không bệnh ăn, thì phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni.

Nếu (544c) không tùy theo bệnh mà nấu thức ăn rồi tùy theo bệnh mà ăn thì không có tội. Nếu tùy theo bệnh nấu thức ăn, không tùy theo bệnh mà ăn thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu tùy bệnh nấu thức ăn, rồi tùy bệnh mà ăn thì không có tội. Nếu không tùy theo bệnh nấu thức ăn, không tùy theo bệnh mà ăn cũng không có tội; vì lẽ người xuất gia nhờ người khác mà sống còn. Thế nên đức Thế Tôn nói về tám thức ăn ngon: Sữa đóng váng, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi, sữa đông lạnh, thịt và cá.

Giới Ba-la-đề-đề-xá-ni của Tỉ-kheo-ni đến đây là hết.

Về Chúng học pháp, chỉ trừ việc nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ tươi và trong nước, ngoài ra các giới khác hoàn toàn giống như giới của Tỉ-kheo mà ở trước đã nói rõ.

BẢY PHÁP DIỆT TRÁNH:

1- Hiện tiền tì-ni (Khi giải quyết việc tranh chấp phải có sự hiện diện của đương sự).
2- Ức niệm tì-ni (Ðể can phạm nhớ lại những vi phạm của mình).
3- Bất si tì-ni (Xác định can phạm hết bệnh cuồng si).
4- Tự ngôn tì-ni (Cho can phạm đề nghị mức độ hình phạt đối với mình).
5- Mích tội tướng tì-ni (Tìm những chứng cứ về tội phạm).
6- Ða mích tì-ni (Giải quyết sự việc theo biểu quyết của đa số).
7- Bố thảo tì-ni (Hai bên hòa giải như rải cỏ trên đất để dập tắt tranh chấp).

Pháp, tùy thuận pháp như trong phần của Tỉ-kheo trên kia đã nói rõ.

Về phần khác nhau của giới bổn Tỉ-kheo-ni đến đây là hết.

NÓI VỀ PHẦN ÐẦU CỦA NHỮNG PHÁP LINH TINH

PHÉP TẮC NGỒI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni ngồi kiết già vào đầu đêm, cuối đêm, bị một con rắn chui vào trong cửa mình. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Ðại Ái Ðạo. Ðại Ái Ðạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Nên đổ thứ thuốc mỗ giáp vào, con rắn không chết mà sẽ bò ra". Thế là họ đổ thứ thuốc ấy vào, con rắn liền chui ra. Phật liền quở trách Tỉ-kheo-ni ấy: "Vì sao ngươi ngồi xếp bằng? Từ nay về sau, Ta không cho phép ngồi như thế. Khi ngồi nên co lại một chân, dùng gót chân bịt vào chỗ cửa mình. Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi xếp bằng thì phạm tội Việt tì-ni". 

PHÉP SỬ DỤNG CHIẾU ÐAN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni trải chiếu đan ra ngồi để vá y, bị cật tre đâm vào đường tiểu tiện chảy máu. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ-kheo-ni ngồi trên chiếu tre. Khi vá y, nên dùng giẻ lau sạch giảng đường hay phòng sưởi rồi trải y ra vá. Nếu không có chỗ thì nên trải y trên giường, trên đầu gối mà vá. Nếu ai ngồi trên chiếu tre thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là phép dùng chiếu tre".

PHÉP DÙNG ÐAI LƯNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà cùng với nhiều phụ nữ khác ra sông A-kì-la cởi y phục rồi xuống tắm. Thế rồi, cô lên trước, lấy đồ trang sức thắt lưng của phụ nữ đeo vào lưng mình, rồi hỏi họ:

- Xem tôi có đẹp không?

- Chúng tôi là những người còn tham dục, nên dùng đai buộc để cho lưng có eo, hầu mong được chồng yêu chuộng, còn thánh giả (545a) dùng nó để làm gì?

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế, bèn đem việc ấy đến bạch đầy đủ với Ðại Ái Ðạo. Cuối cùng, khi Phật hỏi, cô liền đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc xấu. Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ-kheo-ni buộc đai lưng. Nếu ai dùng đai lưng của phụ nữ để buộc lưng mình thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu có ung nhọt thì buộc đai lưng không có tội.

KHÔNG ÐƯỢC MẶC TRANG PHỤC PHỤ NỮ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà cùng với các phụ nữ ra sông A-kì-la, cởi y phục để một chỗ rồi xuống nước tắm. Ðoạn, cô lên bờ trước, mặc váy của phụ nữ vào, rồi hỏi họ:

- Xem tôi mặc cái này có thích hợp không?

- Tôi là người thế tục mặc cái này là muốn được chồng yêu thương, còn cô mặc nó để làm gì?

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép mặc váy. Nếu váy được dùng các loại vỏ ốc, lưu ly, chân trâu, ngọc, vàng, bạc, ma ni trang điểm thì không được phép mặc. Ít nhất là nếu dùng vải sợi đóng váy thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu trên âm hộ có mụt nhọt, nên phải bọc nó thì không có tội. Ðó gọi là váy.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có Tỉ-kheo-ni (cho đến) xuống tắm rồi lên bờ trước, mặc trang phục của phụ nữ vào. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép mặc trang phục phụ nữ. Những trang phục của phụ nữ như: Trên đầu chít khăn, trước trán treo những tua vàng, lỗ tai đeo vòng có nạm ngọc anh lạc, ngón tay đeo nhẫn, cổ tay, cổ chân đeo xuyến; đại loại tất cả các dụng cụ mà phụ nữ dùng để trang sức như thế đều không được đeo. Nếu ai đeo thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nhưng, nếu trên mình có mụt nhọt phải rịt thuốc, rồi buộc những thứ kể trên thì không có tội. Ðó gọi là những thứ trang sức của phụ nữ.

KHI ÐỘ XUẤT GIA PHẢI ÐỔI TRANG PHỤC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc bấy giờ Tỉ-kheo-ni độ những người phụ nữ thuộc dòng họ Thích, họ Ma-la, họ Li-xa và những phụ nữ con nhà đại phú xuất gia, để họ mặc nguyên xi những trang phục thế tục. Khi ấy, con gái của những nhà nghèo lúc ra khỏi nhà và đi dự các lễ hội thường đến thuê những trang phục ấy, nên bị người đời chê trách rằng: "Ðây là kẻ cho thuê y phục, không phải phép tắc xuất gia". 

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, khi độ phụ nữ xuất gia không nên để họ mặc nguyên cả y phục thế tục, mà phải bảo họ cởi bỏ rồi mới độ. Phép xả bỏ như sau: Nếu phụ nữ đến xin xuất gia thì nên bảo họ cởi bỏ những trang phục thế tục. Nếu họ nghĩ rằng: "Có thể vào lúc ấy thóc gạo đắt đỏ, khất thực khó khăn hoặc là già bệnh cần đến thuốc men, mà phụ nữ thì khó được những vật cần thiết", thì nên để gởi ở nhà dân.

(545b) Nếu phụ nữ mặc trang phục thế tục đến mà để nguyên như vậy độ họ xuất gia thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là để nguyên trang phục thế tục xuất gia. 

KHÔNG ÐƯỢC NUÔI DÂM NỮ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, những phụ nữ con dòng họ Thích, họ Ma-la, họ Li-xa, con nhà hào quí dẫn theo người hầu đoan chính xuất gia, rồi bảo người hầu bán thân cho người ngoài để giúp mình nuôi sống, nên bị người đời chê cười rằng: "Ðấy không phải là người xuất gia mà là dâm nữ".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi nuôi dâm nữ để giúp mình nuôi sống? Từ nay về sau, Ta không cho phép nuôi dâm nữ để giúp mình sinh sống. Nếu ai nuôi thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là dâm nữ.

KHÔNG ÐƯỢC BẢO NGƯỜI LÀM VƯỜN BÁN DÂM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Thế Tôn chế giới không cho nuôi dâm nữ thì Tỉ-kheo-ni lén nuôi phụ nữ làm vườn, rồi để họ tự bán thân để nuôi miệng, nên bị người đời chê trách rằng: "Ðấy không phải là phép tắc xuất gia mà là dâm nữ".

Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép lén nuôi phụ nữ làm vườn rồi bảo họ bán dâm để tự nuôi sống. Nếu ai nuôi thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là phụ nữ làm vườn.

CẦN PHẢI MẶC YẾM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo-ni trẻ tuổi đoan chính nhũ hoa của cô rịn sữa, người đời thấy thế đều cười. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi, thì cô đáp:

- Ðúng như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau phải may yếm. Cách may yếm như trên đã nói. Trước hết nên mặc yếm che vú rồi mới mặc y khác. Nếu ai không sắm yếm thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu có mà không mặc cũng phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là yếm (tăng-kì-chi).

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, như trong nhân duyên của Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la ở trên đã nói rõ. Thế rồi, Phật dạy: "Ta không cho phép tắm khỏa thân mà phải mặc áo khi tắm. Ðồng thời không cho phép khỏa thân vào trong sông, trong hồ nước để tắm mà phải mặc áo tắm khi tắm. Nếu ai tắm khỏa thân thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu tại chỗ vắng vẻ không có người thì tắm khỏa thân không có tội. Ðó gọi là áo tắm.

Kệ tóm tắt:

"Phép ngồi, ngồi chiếu tre,
Thắt lưng và mặc váy
Mặc trang phục thế tục,
Ðộ người mặc đồ đời.
Người hầu, người làm vườn,
Sắm yếm và áo tắm.
Hết phần đầu linh tinh".

KHÔNG ÐƯỢC DÙNG TAY VỖ VÀO ÂM HỘ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy chỗ ở của Tỉ-kheo-ni chỉ cách chỗ ở của người thế tục qua một bức tường. (545c) Vì dục tâm sinh khởi, Tỉ-kheo-ni bèn dùng tay vỗ vào âm hộ của mình. Khi ấy người chồng nghe tiếng liền hỏi vợ:

- Ðó là tiếng gì vậy?

- Không hiểu vì sao mà có tiếng kêu như vậy?

- Người xuất gia này tu phạm hạnh, dục tâm sinh khởi không tự kiềm chế được nên vỗ vào âm hộ mà phát ra tiếng kêu như thế.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép vỗ vào âm hộ. Vỗ nghĩa là dùng tay mà vỗ. Nếu ai dùng chén hoặc tô vỗ để cho lắng dịu dục tâm thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là dùng tay vỗ vào âm hộ.

KHÔNG ÐƯỢC DÙNG CAO NẮN NAM CĂN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo-ni bị dục tâm sinh khởi bèn dùng cao làm nam căn (dương vật) rồi buộc dưới chân giường. Sau đó căn phòng bị hỏa hoạn, sợ giường nệm bị cháy nên đem ra ngoài. Rồi có người thế tục thấy hỏa hoạn, bèn đi xem xem nơi nào bị lửa cháy, phát hiện được bèn chê trách rằng: "Vì sao người xuất gia mà làm chuyện đồi bại này!".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng cao làm nam căn. Nam căn bằng cao nghĩa là dùng cao để làm, hoặc dùng đồng, thiếc, chì, bạch lạp, hoặc răng, hoặc sáp ong, đại loại làm các loại nam căn như thế. Nếu ai sử dụng nam căn bằng cao để làm cho lắng dịu lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Ðó gọi là nam căn bằng cao.

CÁCH LÀM VỆ SINH ÂM HỘ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Ðại Ái Ðạo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên, bạch với Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nữ nhân hình (bộ phận sinh dục của người nữ) xú uế có dược rửa ráy không?

- Ðược rửa.

Thế rồi, Tỉ-kheo-ni rửa bên ngoài, nhưng bên trong vẫn còn xú uế, bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, họ hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có được rửa bên trong không?

- Ðược rửa. Cách rửa là rửa vào trong chừng một lóng tay chứ không được sâu hơn mức đó. Nếu như rửa sâu hơn mức đó để cho lắng dịu lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Ðó gọi là cách rửa ráy (âm đạo).

CÁCH DÙNG VẢI THẤM KINH NGUYỆT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni có kinh nguyệt khiến cho giường nệm bị dơ bẩn. Ðại Ái Ðạo bèn đến bạch với Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Có thể may một tấm vải dùng để thấm kinh nguyệt được không?

- Ðược, nên dùng miếng vải cũ để may, nhưng không được dùng vật cứng, cũng không được dùng vật cạ sâu vào âm hộ để kích thích dâm dục, mà nên dùng vật mềm mại để che đường tiểu tiện. Nếu ai dùng vật cứng để cạ sát trong âm hộ cho dịu bớt lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Ðó gọi là cách dùng tấm vải thấm kinh nguyệt.

CÁCH GIẶT VẢI THẤM KINH NGUYỆT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni đến chỗ tắm rửa của phụ nữ giặt váy thấm kinh nguyệt, bị phụ nữ chê trách rằng: "Sa-môn ni ấy làm bẩn chỗ nước này, khiến cho đỏ thắm như vậy đó".

(546a) Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép đem váy thấm kinh nguyệt đến chỗ tắm rửa của phụ nữ để giặt. Nếu ai giặt thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là cách giặt váy thấm kinh nguyệt của phụ nữ.

KHÔNG ÐƯỢC GIẶT ÐỒ DƠ CHỖ ÐÀN ÔNG TẮM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, sau khi Thế Tôn chế giới không cho đem đồ thấm kinh nguyệt đến giặt tại chỗ tắm rửa của phụ nữ, thì các Tỉ-kheo-ni bèn đem đến chỗ tắm rửa của nam tử để giặt. Cuối cùng, Phật dạy: 

- Nếu Tỉ-kheo-ni đem đồ thấm kinh nguyệt đến giặt tại chỗ tắm rửa của nam tử thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là giặt đồ tại chỗ tắm của nam tử.

KHÔNG ÐƯỢC GIẶT ÐỒ DƠ CHỖ DU KHÁCH GIẶT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, sau khi Thế Tôn chế giới không cho phép đem đồ thấm kinh nguyệt đến giặt tại chỗ tắm rửa của nam tử thì các Tỉ-kheo-ni bèn đem đến chỗ giặt đồ của du khách để giặt. Cuối cùng, Phật dạy: "Ta không cho phép đem váy thấm kinh nguyệt đến chỗ giặt đồ của hành khách để giặt, mà nên dùng cái thau hoặc cái chậu sành đem đến chỗ vắng vẻ để giặt. Khi giặt xong không được đem đổ nước bẩn trên đất, mà nên đem đổ xuống khe, lạch, nơi không có người trông thấy, rồi đem chiếc váy ấy phơi khô để sau này khi cần sẽ dùng đến. Nếu Tỉ-kheo-ni đem váy thấm kinh nguyệt đến chỗ giặt đồ của du khách mà giặt thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là chỗ giặt y phục của du khách.

KHÔNG ÐƯỢC DÙNG ÂM HỘ HỨNG CHỖ NƯỚC XỐI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni bị lòng dục sinh khởi bèn đưa âm hộ ra hứng ngay chỗ những giọt nước xối, liền bị xuất bất tịnh (tinh khí), nên tâm sinh nghi ngờ. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Ðại Ái Ðạo. Ðại Ái Ðạo lại bạch với Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép đưa âm hộ ra hứng tại chỗ giọt nước xối. Nước xối nghĩa là những giọt nước từ trên cao chảy xuống. Nếu Tỉ-kheo-ni muốn tắm tại chỗ có nước xối thì nên dùng tấm vải che ở trên. Nếu ai đưa âm đạo ra hứng ngay chỗ giọt nước xối, chỗ giọt nước mái nhà dột để dịu bớt lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Khi muốn tắm tại chỗ giọt nước xối, chỗ giọt nước mái nhà dột thì không được ngửa thân mình về phía giọt nước mà phải quay lưng lại. Nếu ai ngửa thân mình về phía giọt nước cho vơi bớt lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Ðó gọi là chỗ giọt nước xối".

KHÔNG ÐƯỢC LỘI NGƯỢC DÒNG NƯỚC CHẢY.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni xuống tắm chỗ dòng nước chảy xiết, rồi lòng dục sinh khởi, bèn lội ngược lên dòng nước, khiến tinh khí bị xuất ra. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép lội ngược dòng nước chảy xiết để cho nước xoáy vào đường tiểu tiện. Nếu ai đi ngược lên dòng nước từ trên núi đổ xuống, dòng nước đang chảy xiết, hoặc cố ý lội ngược lên dòng nước để cho vơi bớt lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Khi tắm tại dòng nước chảy xiết không được hướng mặt về phía dòng nước mà nên quay lưng lại. Nếu ai hướng mặt về phía dòng nước chảy xiết thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là dòng nước chảy".

KHÔNG ÐƯỢC DÙNG CỦ LÀM NAM CĂN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo-ni dùng các vật đút vào âm hộ cho xuất tinh, (546b) như dùng các thứ củ cải, củ hành đưa vào âm hộ cho xuất tinh. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như thế. Nếu Tỉ-kheo-ni nào dùng củ cải, củ hành đút vào âm hộ cho xuất tinh để làm dịu bớt lòng dục thì phạm tội Thâu-lan-giá. Ðó gọi là củ".

Kệ tóm tắt:

"Vỗ âm hộ, dùng cao,
Lóng tay, váy kinh nguyệt.
Giặt chỗ phụ nữ tắm,
Chỗ nam tử cũng vậy.
Giặt chỗ khách giặt áo
Chỗ nước xối, dòng chảy.
Dùng củ làm xuất tinh
Kết thúc phần thứ hai".

KHÔNG ÐƯỢC LÀM YẾT-MA CỬ TỘI TỈ-KHEO.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo tập họp mà không biết làm yết-ma cử tội, liền sai Tỉ-kheo-ni làm. Khi làm xong, Tỉ-kheo-ni sinh tâm nghi ngờ, hối hận bèn nói với Ðại Ái Ðạo. Ðại Ái Ðạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền khiển trách: "Ðó là chúng đáng tôn kính, vì sao ngươi dám làm yết-ma cử tội? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm yết-ma cử tội Tỉ-kheo. Nếu trong các Tỉ-kheo không ai có thể tụng đọc được thì có thể sai Ni tụng, và khi làm yết-ma, nếu không thể làm được thì (Tỉ-kheo-ni có thể) từ xa trao ( pháp yết-ma) không có tội. Nếu Tỉ-kheo-ni làm yết-ma cử tội Tỉ-kheo thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng Tỉ-kheo được làm yết-ma cho Tỉ-kheo-ni mà không có tội. Ðó gọi là làm yết-ma.

KHÔNG ÐƯỢC MẶC Y KIỀU-XÁ-DA.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la mặc y Kiều-xá-da đến nhà bà con. Trên đường đi, gặp trận mưa to khiến thân thể cô ướt sũng, nhìn vào thấy suốt thân cô như tượng thủy tinh. Dân chúng hiếu kì vây quanh đến xem, nên người đệ tử y chỉ phải đứng che một bên cho cô. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau Tỉ-kheo-ni không được phép mặc y Kiều-xá-da. Y Kiều-xá-da gồm có hai loại: Một là loại tơ sống, hai là loại tơ dệt. Loại sống sợi mỏng manh, loại dệt thì sợi được săn lại. Nếu ai mặc y Kiều-xá-da bằng tơ mỏng thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu mặc loại tơ được dệt dày thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối. Nhưng Tỉ-kheo mặc thì không có tội. Ðó gọi là y Kiều-xá-da.

KHÔNG ÐƯỢC MẶC YẾM MỎNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà có đôi nhũ hoa lớn mà mặc một lớp Tăng-kỳ-chi (yếm) đi kinh hành trên gác. Những người thế tục từ xa trông thấy thế bảo nhau: "Hãy xem kìa, giống như quả bầu nổi trên mặt nước".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, nên may Phú kiên y (tấm vải che vai). Tấm vải che vai này được gấp nhiều lớp rồi buộc vào trên vai. Nếu ai không may, không mặc loại này thì phạm tội Việt tì-ni. Ta (546c) không cho phép Tỉ-kheo-ni mặc một lớp Tăng-kỳ-chi đi kinh hành trên chỗ cao. Nhưng ở chỗ vắng vẻ thì mặc một lớp Tăng-kỳ-chi không có tội. Ðó gọi là Tăng-kỳ-chi".

KHÔNG ÐƯỢC TRANG ÐIỂM CHO PHỤ NỮ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có những cô gái của dòng họ Thích, họ Ma-la, họ Li-xa, con gái nhà quí tộc xuất gia, rất thiện nghệ trang điểm. Rồi các cô gái lấy chồng, chàng trai cưới vợ đều thuê họ trang điểm, nhờ đó mà được ăn ngon, nên bị người đời nhạo báng rằng: "Ðấy không phải là người xuất gia mà là những chuyên viên trang điểm".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau không được trang điểm cho phụ nữ. Trang điểm nghĩa là: chải đầu, bôi mắt, thoa phấn lên mặt, sơn môi.v.v.. Nếu ai dùng nghề trang điểm để tự nuôi sống thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu bị đau đầu, đau mắt thì được bôi thuốc, nhỏ thuốc không có tội. Ðó gọi là trang điểm.

KHÔNG ÐƯỢC TRỒNG HOA RỒI ÐEM BÁN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các cô gái thuộc dòng họ Thích, họ Ma-la, gia đình vọng tộc xuất gia; họ trồng hoa Ưu-bát-la, rồi hái đem đi bán. Vì thế bị người đời chê bai rằng: "Ðấy không phải là người xuất gia mà là những phụ nữ bán hoa".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì họ đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép trồng hoa đem bán để tự nuôi sống. Nếu Tỉ-kheo-ni trồng hoa Ưu-bát-la đem bán để tự nuôi sống thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu vì tháp, vì cúng dường Phật mà trồng thì không có tội. Ðó gọi là hoa Ưu-bát-la.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni trồng hoa Tu-mạn-na, cho đến Phật dạy: "Nếu vì tháp, vì cúng dường Phật thì không có tội".

KHÔNG ÐƯỢC XÂU VÒNG HOA ÐEM BÁN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, sau khi Thế Tôn chế giới không cho trồng hoa, thì những Ni cô xuất thân từ họ Thích, họ Ma-la bèn kết vòng hoa đem bán để tự nuôi sống. Vì thế bị người đời chỉ trích rằng: "Ðấy không phải là người xuất gia mà là những cô gái bán vòng hoa".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép kết vòng hoa. Vòng hoa như các loại: Hoa Ưu-bát-la, hoa Ma-lê, hoa Tu-mạn-na. Nếu ai kết các loại vòng hoa này đem bán để nuôi sống thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu gặp các ngày đại hội Phật đản sinh, Phật thành đạo, Chuyển pháp luân, kỷ niệm A-nan, La-hầu-la, ngày đại hội 5 năm một lần, rồi đàn việt nói: "Thánh giả giúp con kết vòng hoa này", thì khi ấy được kết các vòng hoa mà không có tội. Ðó gọi là kết vòng hoa.

KHÔNG ÐƯỢC XE SỢI ÐEM ÐI BÁN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các cô gái dòng họ Thích, họ Ma-la, họ Li-xa xuất gia (547a) rồi xe sợi đem bán, bị người đời mỉa mai rằng: "Ðấy không phải là người xuất gia mà là những kẻ bán chỉ sợi".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép xe sợi. Xe sợi gồm có các loại như: sợi kiếp-bối, sợi sô-ma, sợi kiều-xá-da, sợi xá-na-ma. Nếu ai xe sợi đem bán để nuôi sống thì phạm tội Việt tì-ni. Nhưng nếu muốn làm túi lọc nước, dây buộc lưng mà xe thì không có tội. Ðó gọi là xe sợi.

KHÔNG ÐƯỢC HỦY HOẠI OAI NGHI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tu-đề-na qua đời, bà vợ bèn xuất gia làm Tỉ-kheo-ni, người chú thường thường mong cô thôi tu. Một hôm, cô vào thôn khất thực, ông chú trông thấy định bắt về, cô liền chạy vào một gia đình hào phú nói với người đàn bà:

- Có chuyện đột ngột, vì có kẻ muốn hủy hoại phạm hạnh của tôi.

- Tại sao vậy?

- Ông chú muốn tôi bỏ đạo.

- Cô đừng sợ, tôi sẽ bảo vệ cô.

- Tôi muốn trở về chỗ của Hòa thượng.

- Cô muốn đi thì phải cải trang mặc đồ thế tục mới có thể thoát được.

Thế là cô mang xuyến vào cổ tay, đeo vòng vàng vào tai, mặc đồ thế tục, dẫn theo 4, 5 người tùy tùng mà ra đi. Khi ấy, ông chú đứng ở ngoài thấy thế suy nghĩ: "Ðây không phải là Tỉ-kheo-ni mà là người thế tục".

Khi cô về đến trú xứ, các Tỉ-kheo-ni thấy thế, liền khiển trách:

- Vì sao ngươi ăn mặc như thế?

- Người chú định bắt tôi, vì để tự bảo vệ, nên phải phương tiện cải trang như thế này.

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Ðại Ái Ðạo. Ðại Ái Ðạo lại đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi hủy hoại oai nghi? Từ nay về sau, Ta không cho phép hủy hoại oai nghi. Nếu ai quyết định hủy hoại oai nghi thì chẳng phải là Tỉ-kheo-ni. Nếu ai vì phương tiện tự vệ mà hủy hoại oai nghi thì phạm tội Việt tì-ni, nhưng vẫn còn là Tỉ-kheo-ni. Nếu Tỉ-kheo-ni nào quyết định hủy hoại oai nghi thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nhưng nếu vì phương tiện để tự vệ thì không có tội.

Kệ tóm tắt:

"Yết-ma, Kiều-xá-da,
Tăng-kì-chi, trang điểm,
Trồng hoa Tu-mạn-na,
Kết vòng hoa, xe sợi.
Hoại oai nghi sau cùng,
Kết thúc phần thứ ba".

CÁCH ÐẬY VÀ MỞ NẮP BÁT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà đi khất thực đến một nhà hào phú thì có một người đàn bà bị sẩy thai nói với cô:

- Nhờ cô đem vứt giùm tôi cái này.

- Tôi không thể làm được.

- Tôi sẽ tặng cho cô chừng ấy thứ.

Thế là cô lấy bào thai bỏ vào trong bát rồi ra đi. (547b) Lúc ấy, Ðại Ca-diếp đi khất thực thường suy nghĩ như sau: "Khi được thức ăn đầu tiên ta sẽ cúng dường cho Tỉ-kheo hoặc Tỉ-kheo-ni". Do đó, lúc thấy Tỉ-kheo-ni ấy, ngài liền bảo: "Lấy bát lại đây". Nhưng cô ta vẫn đậy kín không cho xem. Tôn giả bèn gọi lần nữa, nhưng cô cũng không cho xem. Ðại Ca-diếp vốn có uy phong, liền lớn tiếng gọi. Cô hoảng sợ bèn mở nắp bát cho xem. Khi thấy thế, tôn giả quở trách: "Ôi chao! Vì sao mà ngươi làm việc ác này?" Ðoạn, tôn giả nói với các Tỉ-kheo-ni. Các Tỉ-kheo-ni liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Ðó là việc ác, phi pháp. Vì sao ngươi đậy bát lại (không cho xem?). Từ nay về sau Ta không cho phép đậy bát lại (không cho xem), cũng không được cầm bát để trống. Khi khất thực đầy rồi đậy lại mà thấy Tỉ-kheo thì phải dở ra đưa cho xem. Nếu ai cầm bát để trống thì phạm tội Việt tì-ni, đồng thời khi thấy Tỉ-kheo mà không dở cho xem cũng phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là vấn đề liên quan đến bát.

CÁCH NHẬN THÍ VẬT CỦA NGƯỜI PHẠM TỘI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có viên đại thần vi phạm pháp luật của vua, gia tài của ông đều bị sung công. Vua bèn sai quân lính đến gìn giữ. Khi ấy, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà đi khất thực tuần tự đến nhà ấy, bà vợ viên quan nói với cô:

- Này thánh giả, chồng tôi phạm vương pháp có thể bị tử hình, tài sản đều bị sung công. Tôi có ít vật báu dùng trang điểm muốn gởi cho cô. Nếu tôi thoát chết thì xin cô hoàn lại, còn nếu tôi chết, thì xem như tôi đã cúng dường.

Thế rồi, Tỉ-kheo-ni liền đưa bát, bà kia bèn bỏ vật báu vào đậy nắt lại, rồi cô bưng đi. Lúc ấy lính giữ cửa trông thấy bèn hỏi cô: "Trong bát có vật gì mà không đưa xem?" Rồi y quát nạt khiến cô hoảng sợ bèn đưa cho xem. 

Tỉ-kheo-ni nghe được chuyện ấy bèn bạch với Phật. Cuối cùng, khi Phật hỏi thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép bỏ vật báu trong bát rồi đậy lại. Nếu có người vi phạm quốc pháp mà chưa bị bắt, tài sản chưa bị tịch thu, họ muốn gởi gấm tài sản thì được nhận. Nhưng nếu kẻ ấy đã bị vua bắt, tài sản đã bị tịch thu (mà họ muốn gởi) thì nên nói: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho phép tôi nhận những vật này". Nếu họ nói: "Tôi gởi cho cô để cúng cho tháp, cho Tăng", thì được nhận. Nhưng khi nhận rồi không được đậy nắp bát lại mà phải để trống bưng đi. Nếu quân lính hỏi thì nên đáp: "Ðây là vật của tháp, của Tăng, của tôi". Nếu họ cho đi thì tốt. Nếu họ không cho đi thì phải trả lại cho họ. Ðó gọi là trường hợp đậy nắp bát.

KHI LÀM CẦU TIÊU KHÔNG ÐƯỢC ÐẬY NẮP.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni làm cầu tiêu mà dùng đồ vật đậy miệng cầu lại. Các người nữ bèn đem thai nhi bị chết bỏ vào trong đó. Sau đó, có kẻ hạ tiện Chiên-đà-la, dở nắp cầu ra, thấy thế, nói: "Ðây là của Tỉ-kheo-ni bị sẩy thai rồi ném vào trong này".

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép đậy nắp cầu tiêu, (547c) mà phải dở ra trong khi làm. Nếu đậy nắp cầu tiêu trong khi làm thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là phép dùng cầu tiêu.

KHÔNG ÐƯỢC VÀO NHÀ TẮM THẾ TỤC ÐỂ TẮM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có cô gái thuộc dòng họ Thích, họ Ma-la xuất gia, rồi vào trong nhà tắm thế tục để tắm, bèn bị kẻ thanh niên côn đồ vào phòng tắm hủy hoại phạm hạnh của cô. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Ðại Ái Ðạo. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép vào trong nhà tắm thế tục. Nếu bị bệnh thì được đốt lửa trong phòng, thoa dầu lên mình rồi kỳ cọ. Nếu Tỉ-kheo-ni vào nhà tắm thế tục để tắm thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là phép tắc vào nhà tắm".

KHÔNG ÐƯỢC Ở TẠI A-LUYỆN-NHÃ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Ngài chưa chế giới, các Tỉ-kheo-ni ở nơi a-luyện-nhã, vì trong thôn xóm chưa có chỗ trú. Do đó, 500 Tỉ-kheo-ni với Ðại Ái Ðạo là Thượng thủ phải ở trong vườn của nhà vua. Các cô vốn là con gái của dòng họ Thích, họ Ma-la còn son trẻ, đoan chính nên các thanh niên trai trẻ đầu đêm rình rập để bắt cóc. Tỉ-kheo-ni thấy chúng liền vọt lên hư không mà chạy thoát. Ðến nửa đêm chúng trở lại, họ cũng thoát được. Thế rồi, lúc cuối đêm chúng trở lại, trong số các cô có người chậm lụt, không nhập định mà ngủ gục nên không chạy thoát được, bị chúng xâm phạm. Ðại Ái Ðạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ-kheo-ni sống tại a-luyện-nhã. Nhưng nếu tại đó có bốn chúng tập họp thuyết pháp suốt đêm thì được ở, nhưng lúc ấy không được ở trong bóng tối. Nếu Tỉ-kheo-ni sống nơi a-luyện-nhã thì phạm tội Việt tì-ni. Ðó gọi là sống tại a-luyện-nhã.

VẤN ÐỀ Y CA-HI-NA.

Tỉ-kheo thọ y Ca-hi-na khác với Tỉ-kheo-ni. Tỉ-kheo-ni thọ y Ca-hi-na khác với Tỉ-kheo. Tỉ-kheo xả y Ca-hi-na khác với Tỉ-kheo-ni. Tỉ-kheo-ni xả y Ca-hi-na khác với Tỉ-kheo. Tỉ-kheo A-đề-ha-lỗ, A-na-đề-ha-lỗ khác với Tỉ-kheo-ni. Tỉ-kheo-ni A-đề-ha-lỗ, A-na-đề-ha-lỗ khác với Tỉ-kheo. 

Kệ tóm tắt:

"Ðậy bát, bát đựng của, 
Mở cầu vào nhà tắm.
Sống tại A-luyện-nhã.
Tỉ-kheo thọ Ca-hi,
Khác với Tỉ-kheo-ni.
Tỉ-kheo xả Ca-hi,
Khác với Tỉ-kheo-ni
Kết thúc phần thứ tư".

VẤN ÐỀ THỰC PHẨM GIỮA TĂNG VÀ NI.

Có những thực phẩm đối với Tỉ-kheo không thanh tịnh nhưng đối với Tỉ-kheo-ni thì thanh tịnh. Có những loại thực phẩm đối với Tỉ-kheo-ni không thanh tịnh, nhưng đối với Tỉ-kheo thì thanh tịnh. Tỉ-kheo được phép sai Tỉ-kheo-ni trao thức ăn cho mình, ngoại trừ vàng bạc, tiền mặt và năm loại tác tịnh. Tỉ-kheo-ni được phép nhận thức ăn từ Tỉ-kheo, ngoại trừ vàng bạc, tiền mặt và năm loại tác tịnh.

Có ba nguyên nhân làm cho mất bản chất Tỉ-kheo, đó là: Quyết tâm xả giới; có tội thực sự bị Tăng trục xuất; nam căn chuyển thành nữ căn. Ðó gọi là ba yếu tố làm mất bản chất Tỉ-kheo.

(548a) Nếu Tỉ-kheo bị nam căn biến thành nữ căn thì nên bảo qua tinh xá của Tỉ-kheo-ni, nhưng không được ở cùng phòng với Tỉ-kheo-ni mà phải ở phòng riêng. Nếu sau đó nữ căn biến thành nam căn trở lại, thì được trở về với Tỉ-kheo Tăng, được xem là một Tỉ-kheo hoàn toàn, và được tính tuổi đạo như cũ.

Có ba nguyên nhân làm cho Tỉ-kheo-ni mất bản chất Tỉ-kheo-ni, đó là: Quyết tâm hủy hoại oai nghi; có tội thực sự bị Tăng trục xuất; nữ căn biến thành nam căn; như trong trường hợp Tỉ-kheo đã nói ở trên.

Tỉ-kheo-ni không được làm phép tàn thực (làm phép để được ăn thêm), mà chỉ ngồi xuống một lần ăn no rồi thôi. 

CÁCH SẮP XẾP THỨ TỰ.

Khi Phật an trú trên bờ sông A-kì-la tại thành Xá-vệ có đàn việt mời hai bộ Tăng cúng dường trai phạn. Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni đều muốn qua sông. Tỉ-kheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho phép hai bên cùng đi chung thuyền". Thế là Tỉ-kheo cứ hai người, ba người ngồi trên thuyền nhẹ nhàng qua sông. Họ qua rồi, Tỉ-kheo-ni mới được qua. Khi qua tới nơi lại phải hỏi tuổi tác để sắp xếp chỗ ngồi, thì mặt trời đã quá ngọ. Vì thế Ðại Ái Ðạo mất bữa ăn đói lả, Ni sư đi đến chỗ Thế Tôn cúi đầu đảnh lễ, đứng hầu một bên. Phật thấy thế, biết nhưng vẫn hỏi: "Vì sao mà sắc diện bà có vẻ đói khát như thế?". Ni sư bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, trong 8 vị Thượng tọa đầu phải ngồi theo thứ tự đúng pháp, còn những người khác thì tùy nghi, ai đến trước thì ngồi trước. Nếu vào dịp 5 năm đại hội một lần có nhiều người tụ hội thì tám vị Thượng tọa đầu của Tỉ-kheo-ni phải ngồi theo thứ tự, còn những người khác thì tùy ý mà ngồi. Nếu trong 8 người đầu không ngồi theo thứ tự thì phạm tội Việt tì-ni". Cuối cùng Thế Tôn dạy (tóm tắt bằng bài kệ):

"Hai chúng tịnh không đồng,
Hơn nữa có ba việc,
Làm cho mất bản chất,
Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni.
Không tàn, tám Thượng tọa,
Kết thúc phần thứ năm".

Trong phần linh tinh của Tỉ-kheo thì 9 việc: "Biệt trụ, tỏi, ô dù, xe cộ, dùng dao chữa bệnh, giày dép, ngồi chung một giường, nằm chung một giường, ca nhạc" nên để ra ngoài không bàn đến. Ngoài ra 13 việc còn lại thì Tỉ-kheo-ni khác biệt. Năm phần linh tinh thuộc về oai nghi thì các việc: "Ở a-luyện-nhã, vào nhà tắm, làm cầu tiêu, vá y, chiếu đan" nên để ra ngoài không nói đến. Ngoài ra, giống với Tỉ-kheo-ni (?)

Hai bộ Tu-đa-la (kinh) và 500 học giới được đức Thế Tôn chia ra thuyết minh tuần tự: Bài tựa của giới kinh; 8 Ba-la-di, 19 Tăng-già-bà-thi-sa; 30 Ni-tát-kì-ba-dạ-đề; 141 Ba-dạ-đề; 8 Ba-la-đề-đề-xá-ni; 64 pháp Chúng học, 7 pháp Diệt tránh; sau cùng là bài kệ nói về Pháp và tùy thuận pháp.

Giới bổn của Tỉ-kheo-ni đến đây là hết.

-ooOoo-

GHI CHÚ RIÊNG VỀ LUẬT MA-HA TĂNG-KÌ.

(548b) Ngày xưa tại Trung Thiên Trúc có vị ác vương tạm thời cai trị, các Sa-môn phải lánh đi khắp nơi; những Tỉ-kheo tinh thông tam tạng còn rất thưa thớt. Ðến khi ác vương băng hà, Thiện vương lên ngôi, bèn mời các Sa-môn về nước cúng dường. Lúc ấy, tại ấp Ba-liên-phất có 500 vị Tăng muốn giải quyết công việc nhưng không có Luật sư, lại không có Luật văn, không lấy gì để làm cơ sở, liền sai người đến tinh xá Kỳ Hoàn chép được bản luật còn truyền đến ngày nay (tức bộ Luật này đây).

Pháp Hiển tôi chép được bản luật này bằng chữ Phạn tại tinh xá Thiên Vương, phía Nam tháp A-dục vương, ấp Ba-liên-phất, nước Ma-kiệt-đề, rồi đem về Dương Châu. Thế rồi, tôi cùng Thiền sư (Phật-bà-bạt-đà-la) dịch từ chữ Phạn sang chữ Tần (Hán), tại chùa Ðấu Trường, từ tháng 11 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hi thứ 12 (416) đời Tấn đến cuối tháng 2 năm Nghĩa Hi thứ 14 (418) thì hoàn thành; do đó ghi lại đôi dòng để biết.

Sau khi Phật Nê-hoàn, tôn giả Ðại Ca-diếp tập họp các vị Ðại sư tinh thông tám vạn pháp tạng để kết tập Luật Tạng. Thế rồi, sau khi Ðại Ca-diếp nhập diệt, tôn giả A-nan lại kế thế giữ gìn đầy đủ tám vạn pháp tạng. Kế đến tôn giả, Mạt-điền-địa cũng giữ gìn đầy đủ tám vạn pháp tạng. Kế đến tôn giả Xá-na-bà-tư cũng giữ gìn đầy đủ tám vạn pháp tạng. Kế đến, tôn giả Ưu-ba-quật-đa (người được Thế Tôn thọ ký là Phật Vô Tướng, như trong nhân duyên hàng ma đã nói rõ) không thể giữ gìn đầy đủ tám vạn pháp tạng, do đó mà phát sinh ra tên của năm bộ phái. Ðầu tiên, Ðàm-ma-quật-đa lập riêng ra một bộ. Tiếp theo, Di-sa-tắc lập riêng ra một bộ. Tiếp theo, Ca-diếp-duy lại lập ra một bộ. Tiếp theo là Tát-bà-đa mà Tát-bà-đa nước Tấn (Hán) dịch là Thuyết Nhất Thiết Hữu, nghĩa là ý nghĩa và tôn chỉ của các bộ trên đều chủ trương khác nhau. Bộ này cho rằng thân trung ấm trong ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và vị lai đều có tính cách khác nhau, do đó mà gọi Nhất thiết hữu.

Thế rồi, năm bộ này [ở đây chỉ nêu có 4 bộ - người dịch chú] lập ra thuyết riêng, ai nấy đều tự cho chủ trương của mình là đúng. Khi ấy, vua A-dục suy nghĩ: "Nay ta phải làm sao để biết ai là đúng, ai là sai?". Thế rồi vua hỏi chư tăng làm cách nào để phán đoán Phật pháp, thì họ cho biết là phải theo nguyên tắc đa số. Vua nói: "Nếu vậy thì phải rút thăm để biết bên nào nhiều người". Ðoạn, vua cho tiến hành việc rút thăm và kết quả những người theo quan điểm cũ nhiều nhất. Vì họ thuộc số đông nên gọi là Ma-ha-tăng-kì, nghĩa là Ðại chúng hay chúng lớn.

PHẬT NÓI KINH TỘI BÁO NẶNG NHẸ VỀ VIỆC PHẠM GIỚI.

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Phật trú tại thành Vương Xá, lúc ấy vào buổi xế, tôn giả Mục-liên xả thiền định, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, bạch với Phật rằng:

- (548c) Bạch Thế Tôn! Tâm con có điều nghi ngờ, nay xin hỏi Thế Tôn, mong Thế Tôn chuẩn thuận.

- Ta cho phép ông hỏi, rồi Ta sẽ trả lời cho ông.

- Bạch Thế Tôn! Nếu Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni không có tâm hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm giới chúng học, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Ba-dạ-đề, Thâu-lan-giá, Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-la-di thì mắc bao nhiêu tội lỗi bất lợi? Kính mong Thế Tôn hãy chỉ rõ.

- Này Mục-liên hãy lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ nói rõ để ông biết. Nếu Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni không biết hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm giới chúng học, thì như Tứ Thiên Vương thọ 500 tuổi, bị đọa vào địa ngục, mà theo cách tính của nhân gian là chín trăm nghìn năm.

Này Mục-liên, nếu Tỉ-kheo... không biết hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm giới Ba-la-đề-đề-xá-ni, thì giống như chư Thiên ở cõi trời 33 thọ 1000 tuổi, bị đọa vào địa ngục, mà theo cách tính của nhân gian là ba ức sáu mươi nghìn năm.

Này Mục-liên, nếu Tỉ-kheo... không biết hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm giới Ba-dạ-đề, thì giống như chư Thiên ở cõi trời Dạ-ma thọ 2000 tuổi, bị đọa vào địa ngục, mà theo cách tính của nhân gian là hai mươi ức bốn mươi nghìn năm.

Này Mục-liên, nếu Tỉ-kheo... không biết hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm tội Thâu-lan-giá, thì giống như chư thiên ở cõi trời Ðâu-suất thọ 4000 tuổi, bị đọa vào địa ngục, mà theo cách tính của nhân gian là năm mươi ức sáu mươi nghìn năm.

Này Mục-liên, nếu Tỉ-kheo... không biết hổ thẹn coi thường lời Phật dạy, phạm giới Tăng-già-bà-thi-sa thì giống như chư thiên ở cõi trời Bất Kiêu lạc (Hóa Lạc Thiên) thọ 8000 tuổi, bị đọa vào địa ngục, mà theo cách tính của nhân gian là hai trăm ba mươi ức bốn mươi nghìn năm.

Này Mục-liên, nếu Tỉ-kheo... không biết hổ thẹn, coi thường lời Phật dạy, phạm giới Ba-la-di, thì giống như chư thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại thọ 16.000 tuổi, bị đọa vào địa ngục mà theo cách tính của nhân gian là chín trăm hai mươi mốt ức sáu mươi nghìn năm.

Khi ấy, tôn giả Mục-liên nghe Phật tuyên thuyết như vậy, liền hoan hỉ phụng hành; rồi tôn giả đọc kệ:

"Vì nguyên nhân khinh mạn,
Khi chết rơi đường ác.
Do nguyên nhân tu thiện,
Nhờ thế sinh lên trời.
(549a) Nương vào đây tu phước,
Lìa ác được giải thoát.
Không khéo quán nhân duyên,
Thân hoại vào địa ngục".

Xem mục lục