Bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất thấy trong phòng ông trưởng giả Duy Ma Cật không có giường ghế gì cả thì nghĩ rằng, các Bồ tát và các đại Đệ tử sẽ ngồi ở đâu?
Trưởng giả Duy Ma Cật biết ý nghĩ ấy, mới nói với tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Thưa tôn giả, ngài đến vì pháp hay vì chỗ ngồi?”
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Tôi đến vì pháp, chẳng phải vì chỗ ngồi.”
Duy Ma Cật nói: “Dạ thưa ngài Xá Lợi Phất, phàm cầu pháp thì thân mạng cũng không tiếc, huống gì chỗ ngồi.
“Phàm cầu pháp, thì chẳng có cầu sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng có cầu (mười hai) nhập, (mười tám) giới, chẳng có cầu ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc.
“Dạ thưa ngài Xá Lợi Phất, phàm cầu pháp thì không tham luyến Phật mà cầu, không tham luyến Pháp mà cầu, không tham luyến Tăng mà cầu.
Pháp đây là pháp tánh hay Phật tánh, người cầu pháp mà chẳng có cầu năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, chẳng có cầu nơi ba cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, không tham luyến tướng Phật, tướng Pháp, tướng Tăng mà cầu, thì chính ngay nơi tâm không cầu tướng đó, tâm không bị các tướng ngăn ngại đó, Phật tánh hay pháp tánh hiển lộ. Tâm không có tướng, tâm đó là một với Phật tánh, với pháp tánh.
“Thấy các tướng là chẳng phải tướng, đó là thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương).
“Phàm cầu pháp là không thấy Khổ mà cầu, không đoạn Tập mà cầu, không tạo ra sự chứng Diệt, tu Đạo mà cầu. Bởi vì sao thế? Pháp không có hý luận. Nếu nói, “Tôi phải thấy Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt, tu Đạo”, thì đó là hý luận, không phải cầu pháp.
“Thưa ngài Xá Lợi Phất! Pháp là tịch diệt. Nếu hành sanh diệt, đó là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp.
Thấy Khổ nghĩa là thấy tướng khổ mà cầu pháp, thì pháp trở thành một tướng để đối trị với tướng khổ kia, pháp do đó mà thành pháp sanh diệt. Đoạn Tập, tức là đoạn trừ nguyên nhân của khổ, thấy có tướng nguyên nhân của phiền não để dùng pháp đối trị, lại ra sức đoạn diệt, thì pháp đó cũng ở bình diện của tướng phiền não, pháp đó cũng chỉ là một tướng, một phương tiện đối trị nên cũng là pháp sanh diệt. Tiếp theo, tạo ra sự chứng Diệt, tu Đạo là dùng một pháp hữu vi để đối trị với phiền não hữu vi. Thật ra, lối tu trên tướng, dùng pháp sanh diệt, hữu vi để đối trị này vẫn có kết quả, nhưng thứ nhất là nhọc mệt, thứ hai là khó triệt để, thứ ba là dễ bị chấp vào phương tiện để đối trị.
Như chúng ta đã nói ở trước, sự tu hành bắt đầu bằng cái thấy (tri kiến, quan điểm) sau đó là thiền định, và hạnh (tức là quả). Cái thấy như thế nào thì thiền định và hạnh như vậy. Cái thấy theo hình tướng thì thiền định và hạnh theo hình tướng, do đó mà có Khổ, Tập, Diệt, Đạo theo hình tướng.
Cái thấy của Đại thừa nhìn vào bản thể của sự việc, nghĩa là nhìn theo tánh. Lối tu của Thanh văn về Khổ Tập Diệt Đạo có thể ví như thấy có sóng (có khổ do những tư tưởng khởi lên tạo ra một bản ngã giả tạo) và dùng những sóng khác, tức những tư tưởng khác (các pháp quán Không, Vô Thường, Khổ, Vô ngã…) để triệt tiêu các sóng tạo thành cái ngã gây khổ kia. Lối tu của Đại thừa thì nhìn thấu vào bản chất của sóng (của tư tưởng), sóng vốn là nước, là đại dương, một khi nhận biết đại dương thì sóng cũng theo sự tịch lặng của đại dương mà lặng xuống. Từ đó dù khởi hay lặng, sóng cũng không ra ngoài đại dương. Cũng vậy, một khi nhận biết tư tưởng khởi từ tâm mà tâm vốn không hình tướng, không nền tảng, không có tự tánh, thì tư tưởng cũng thế, không tự tánh, và do đó mà tư tưởng tự-giải thoát vậy.
Nhìn sâu hơn nữa, thì tư tưởng vốn luôn luôn tự giải thoát vì vô tự tánh.
Bởi thế mà ngài Duy Ma Cật nói: “Pháp (tánh) là tịch diệt. Nếu hành sanh diệt (theo tư tưởng mà hành), đó là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp (tánh)”. Pháp tánh này là cứu cánh cần phải thấy biết, nhưng đồng thời nó là phương tiện nền tảng cho mọi sanh khởi của sự tu hành.
“Pháp là vô nhiễm. Nếu nhiễm nơi pháp, dù cho đến cả Niết bàn, thì đó là nhiễm trước, chẳng phải cầu pháp. Pháp không có chỗ hành, nếu hành nơi pháp, đó là có chỗ hành, chẳng phải cầu pháp. Pháp không lấy bỏ, nếu lấy bỏ pháp, đó là lấy bỏ, chẳng phải cầu pháp. Pháp không nơi chốn, nếu bám mắc vào nơi chốn, đó là bám mắc nơi chốn, chẳng phải cầu pháp. Pháp thì vô tướng, nếu theo tướng mà hiểu biết thì đó là cầu tướng, chẳng phải cầu pháp. Pháp thì không trụ, nếu trụ nơi pháp, đó là bám trụ, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thể thấy nghe hay biết, nếu hành theo thấy nghe hay biết, đó là thấy nghe hay biết, chẳng phải cầu pháp. Pháp là vô vi, nếu hành hữu vi, đó là cầu hữu vi, chẳng phải cầu pháp.
“Thế nên, ngài Xá Lợi Phất! Nếu cầu pháp, thì với tất cả pháp phải không có chỗ cầu.”
Khi trưởng giả nói lời ấy, năm trăm thiên tử đắc pháp nhãn thanh tịnh đối với các pháp.
Vấn đề then chốt vẫn là pháp, pháp là cái gì? Bởi vì có thấy được cái pháp, mới tu hành (tương ưng với nó, thiền định về nó) và mới đi đến chỗ dần dần chứng quả (nghĩa là chứng pháp). Cho nên người sơ học trước phải tin là có pháp này, nó vẫn hiện sờ sờ trước mắt từ vô thủy đến vô chung đấy thôi, và bao nhiêu cuộc đời của các thiền sư, các hành giả đã minh chứng cho điều đó. Khi có được niềm tin vào nó rồi, thì phải tìm cách thấy nó bằng tư duy và thiền định. Cùng với tư duy và thiền định của cá nhân, tốt đẹp hơn nữa là có người đã có kinh nghiệm về nó chia xẻ cho cái thấy Pháp. Khi thấy được mới là thực sự tin bằng sự xác quyết của mình. Bằng tư duy và thiền định của bản thân, lần lần các che chướng bớt dần, và một lúc nào, người ta đắc “pháp nhãn tinh”, con mắt thanh tịnh của pháp, hay con mắt thanh tịnh thấy pháp.
Chúng ta có thể lấy những câu kinh trên để tư duy thiền định về pháp. Khi cầu pháp đã đúng, thì pháp hiện ra. Khi tất cả những tâm sanh diệt đã vô phương cầu kiếm bèn chết lặng, thì pháp không sanh diệt hiện ra: “Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền.” Lúc đó mới thấy những câu kinh trên là việc dĩ nhiên, không cần giải thích (vì có giải thích cho một tâm sanh diệt, cho một tâm cầu pháp sai, một tâm “chẳng phải cầu pháp”, thì pháp kia cũng trở thành sanh diệt).
Bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật hỏi ngàỉ Văn Thù Sư Lợi: “Nhân giả đã từng đi nơi vô số quốc độ. Vậy cõi Phật nào có những tòa sư tử do công đức tạo thành tốt đẹp hơn hết?”
Văn Thù Sư Lợi nói: “Cư sĩ, về phương đông vượt qua ba mươi sáu hằng hà sa thế giới, có thế giới tên Tu Di Tướng, đức Phật hiện giờ ở đó hiệu là Tu Di Đăng Vương. Thân Ngài cao tám vạn bốn ngàn do tuần, tòa sư tử cũng cao tám vạn bốn ngàn do tuần, trang nghiêm đẹp đẽ bật nhất.”
Lúc ấy trưởng giả Duy Ma Cật nhập định hiện thần thông lực, tức thời Phật Tu Di Đăng Vương khiến ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ đến trong phòng trưởng giả Duy Ma Cật. Các Bồ tát, Đại Đệ tử, Đế thích, Phạm thiên, Bốn Thiên vương… trước kia chưa từng được thấy. Căn phòng bấy giờ rộng lớn, bao dung ba mươi hai ngàn tòa sư tử mà không ngăn ngại, ở nơi thành Tỳ Da Ly và châu Diêm Phù Đề cùng ba Châu lục kia cũng không bị dồn ép chật chội, tất cả thấy đều y nguyên như cũ.
Đây là lần thứ nhất ngài Duy Ma Cật nhập định hiện thần thông lực. Và ở trong chương thứ nhất chúng ta cũng đã thấy Phật hiện thần thông lực. Phải hiểu những thần biến của chư Phật, chư đại Bồ tát theo tinh thần nào? Đó có phải là những biểu diễn có tính chất phép lạ mang dấu ấn cá nhân? Tất cả mọi thần biến này đều dựa vào, y vào pháp tánh (hay pháp) mà biểu hiện. Hay đứng về mặt pháp tánh mà nói, thì đấy là những sinh hoạt, những hoạt dụng, những phẩm tính tự nhiên của pháp tánh. Thí dụ tính chất của pháp tánh là dung thông vô ngại, nên có sự việc căn phòng của ngài Duy Ma Cật bao dung ba mươi hai ngàn tòa sư tử mà không chật chội, không ngăn ngại. Chính vì tính chất vô ngại của pháp tánh này, mà dù căn phòng dung chứa ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng cũng không đụng chạm gì đến thế giới sắc tướng đang sinh hoạt theo nghiệp riêng của nó, cụ thể là thành Tỳ Da Ly và bốn châu lục trong đó có Châu Diêm Phù Đề. Năng lực của tánh nước là vô ngại, thông suốt khắp mọi làn sóng mà không hủy hoại tướng sóng, năng lực của pháp tánh thông qua mọi hình tướng thế gian mà không làm thay đổi hình tướng và nghiệp của thế gian. Chính từ pháp tánh chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu những câu nói như, “Đại Bồ tát cầm lấy thế giới tam thiên đại thiên ném qua hằng sa thế giới rồi đặt lại chỗ cũ mà thế giới vẫn nguyên trạng và chúng sanh trong đó cũng không hay biết gì”. Tất cả đều xảy ra trong pháp tánh, tức là bản tâm sâu xa vi tế nhất, vì thế không động chạm gì đến thế giới hình tướng. Một thí dụ như khi ta nằm mộng, tức là một loại tâm thức tinh tế hơn tâm thức đang ở trong thế giới vật chất, chúng ta có những hành động tự do hơn, trong một thế giới “mềm dẻo” hơn, nhưng việc ấy chẳng liên quan gì thế giới vật chất. Hoặc trong khi thiền định, tâm thức còn tinh tế hơn giấc mộng, dù chưa hẳn là chánh định mà chỉ là trạng thái tâm thức cao của sanh tử, có khi chúng ta thấy mình lớn hơn quang cảnh chung quanh, cao hơn cả mặt trăng, tuy như vậy nhưng chẳng làm cho thế giới vật chất này biến đổi hình tướng chút nào.
Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nói với ngài Văn Thù Sư Lợi: “Mời ngài cùng các Bồ tát thượng nhơn ngồi tòa sư tử, quý ngài nên tự chuyển hóa thân cho vừa tòa ngồi.” Các vị Bồ tát đắc thần thông bèn tự biến hình cao bốn mươi hai ngàn do tuần, ngồi lên tòa sư tử. Các Bồ tát mới phát tâm và hàng đại Đệ tử đều không lên được.
Lúc đó trưỏng giả Duy Ma Cật nói với tôn giả Xá Lợi Phất: “Mời ngài lên ngồi tòa sư tử.”
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Cư sĩ, tòa này cao rộng quá tôi không lên được.”
Duy Ma Cật thưa: “Dạ thưa ngài Xá Lợi Phất! Xin ngài đảnh lễ Như Lai Tu Di Đăng Vương thì có thể ngồi được.”
Khi ấy các Bồ tát mới phát tâm và các đại Đệ tử đảnh lễ Như Lai Tu Di Đăng Vương liền ngồi được tòa sư tử.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Thưa cư sĩ! Thật chưa từng có! Như cái phòng nhỏ này dung chứa số tòa ngồi cao rộng thế này, mà nơi thành Tỳ Da Ly không có gì trở ngại, thôn xóm thị thành của Diêm Phù Đề cùng cung điện chư thiên, long vương, quỷ thần trong ba châu lục khác cũng không dồn ép chật chội.”
Những vị Bồ tát mới phát tâm và các vị đại Đệ tử không lên tòa ngồi được vì mức độ thâm nhập pháp tánh hay bản tâm chưa sâu, đủ để có sự tự do vô ngại của pháp tánh. Lên được vì tâm đã rộng đã sâu. Lên không được vì tâm còn hẹp còn cạn. Đến đây ngài Duy Ma Cật đề nghị các vị đảnh lễ Phật Tu Di Đăng Vương thì sau đó các vị lên ngồi được. Ý chính của sự việc này là trong sự đảnh lễ một đức Phật, bậc đã thâm nhập hoàn toàn pháp tánh, chúng ta liền tương ưng hơn với pháp tánh, do đó chúng ta có thêm sự tự do vô ngại của pháp tánh, hay là thần lực bất khả tư nghì của pháp tánh.
Trưởng giả Duy Ma Cật nói: “Thưa ngài Xá Lợi Phất! Chư Phật Bồ tát có sự giải thoát gọi là Bất khả tư nghi (Chẳng thể nghĩ bàn). Nếu Bồ tát trụ trong giải thoát ấy thì đem núi Tu Di đặt vào trong hạt cải mà không làm lớn hạt cải cũng không làm nhỏ núi Tu Di. Núi Tu Di vẫn y nguyên, mà bốn Thiên vương cùng chư thiên Đao Lợi không hay biết đã đi vào đó, chỉ có người đáng được hóa độ bằng sự này mới thấy núi Tu Di vào trong hạt cải. Đó gọi là pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn.
“Lại lấy nước của bốn đại dương để vào trong một lỗ chân lông mà không khuấy động các loài dưới nước, các đại dương ấy vẫn y nguyên. Các loài rồng, quỷ, thần, a tu la… đều chẳng hay biết đã đi vào đó, các chúng sanh này cũng không bị khuấy nhiễu gì.
“Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn với bàn tay phải ngắt lấy thế giới tam thiên đại thiên như bánh xe của người thợ gốm ném ra ngoài hằng sa thế giới, chúng sanh trong đó không hay biết mình có đi đâu, rồi đặt nó lại chỗ cũ mà vẫn y nguyên.
“Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh ưa sống lâu ở đời mới có thể hóa độ, Bồ tát kéo dài bảy ngày ra làm một kiếp, khiến chúng sanh kia cho đó là một kiếp. Hoặc có chúng sanh không ưa sống lâu ở đời mới có thể hóa độ, Bồ tát bèn thâu ngắn một kiếp thành ra bảy ngày, khiến chúng sanh kia cho đó là bảy ngày.
“Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn, đem tất cả sự trang nghiêm của công đức của tất cả cõi Phật tập hợp lại nơi một cõi nước chỉ bày cho chúng sanh. Hoặc Bồ tát đem tất cả chúng sanh trong một quốc độ để trong bàn tay phải và bay đến mười phương chỉ bày cho khắp cả mà chẳng lìa khỏi mình.
“Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Những đồ cúng dường chư Phật của chúng sanh trong mười phương Bồ tát làm cho thấy cả nơi một lỗ chân lông. Lại bao nhiêu nhật nguyệt tinh tú của mười phương quốc độ đều làm cho tất cả thấy nơi một lỗ chân lông. Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Bao nhiêu gió của mười phương thế giới Bồ tát đều có thể hút vào trong miệng mà thân thể không tổn hại, cây cối bên ngoài cũng không gãy đổ. Lại khi kiếp tận thiêu cháy mười phương thế giới, Bồ tát hút tất cả lửa vào bụng, lửa vẫn y nguyên mà chẳng bị hại. Lại quá hằng sa thế giới chư Phật ở phương dưới, lấy một cõi Phật để lên quá hằng sa thế giới ở phương trên như cầm mũi kim ghim lấy một lá táo mà không gây nhiễu loạn gì.
“Lại nữa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn có thể dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Bích Chi Phật, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân Thế Chủ, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương. Bao nhiêu âm thanh có trong mười phương thế giới cung bậc cao vừa thấp đều có thể biến thành âm thanh Phật, diễn xuất Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã và vô số pháp mười phương chư Phật nói đều khiến tất cả được nghe qua âm thanh ấy.
“Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nay tôi chỉ nói sơ lược sự thể nhập cảnh giới của Bồ tát sống trong giải thoát không thể nghĩ bàn, nếu giải thích cho ngài giáo lý về sự thể nhập trọn vẹn vào cảnh giới của Bồ tát sống trong giải thoát không thể nghĩ bàn thì hết kiếp nói cũng không đủ.”
“Đem núi Tu Di đặt vào trong hạt cải”: tính vô ngại của đất, địa đại. “Lấy nước của bốn đại dương để vào trong một lỗ chân lông”: tính vô ngại của nước, thủy đại. “Hút tất cả lửa của tận kiếp vào bụng”: tính vô ngại của hỏa đại. “Gió của mười phương thế giới hút cả vào bụng”: tính vô ngại của gió, phong đại. Đất, nước, lửa, gió, bốn đại, mỗi cái đều dung thông vô ngại với chính nó và với các cái kia, và sở dĩ chúng dung thông vô ngại với nhau như vậy vì chúng đồng pháp tánh, mà pháp tánh thì dung thông vô ngại tuyệt đối, tự do tuyệt đối.
Không những không gian vô ngại mà thời gian cũng vô ngại: “Kéo dài bảy ngày ra làm một kiếp”, “thâu ngắn một kiếp thành bảy ngày”. Cái thấy cũng vô ngại: “Bao nhiêu nhật nguyệt tinh tú của mười phương đều làm cho tất cả thấy nơi một lỗ chân lông”. Sự biến hóa cũng vô ngại: “Hiện làm thân Phật, Bích Chi Phật, Thanh Văn, các Vua Trời…”, khi đã đạt đến cái Một thì có thể biến hiện ra tất cả. Có thể chuyển hóa thế giới thành cõi Phật, tất cả âm thanh đều biến thành âm thanh Phật và một âm thanh ‘diễn xuất’ tất cả sự thuyết pháp của chư Phật mười phương… Đó là những điều ngài Duy Ma Cật nói sơ lược về sự thể nhập cảnh giới sống trong giải thoát không thể nghĩ bàn của Bồ tát.
Thể nhập cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn này không gì khác hơn là thể nhập pháp tánh hay pháp giới tánh. Sự thể nhập càng sâu thì càng tự do vô ngại. Có bốn cảnh giới hay thế giới từ phàm phu cho đến bậc đại Bồ tát:
Thế giới của Sự: Thế giới của giác quan bình thường, cạn cợt, chỉ nhìn thấy những sự vật, những hình tướng cứng đặc ngăn ngại lẫn nhau. Đây là thế giới sanh tử của người bình thường, hay dùng thí dụ là thế giới của sóng.
Thế giới của Lý: Thế giới của pháp tánh, của tánh Không. Đây là thế giới của người giải thoát, của bậc Thanh Văn, giải thoát tất cả mọi sự vào pháp tánh (Lý), mọi sắc vào Không, đạt đến tự do vô ngại của bản thể nhưng bỏ qua thế giới hiện tượng nên không được sự tự do vô ngại của hiện tượng, do vậy, pháp tánh này chưa ở phần sâu, vì không dung nổi thế giới hiện tượng. Đây là thế giới của Niết bàn diệt thọ tưởng định nhưng chưa phải là Vô trụ xứ Niết bàn, vì Niết bàn này chống lại sanh tử, là một cực biên đối nghịch của cực biên sanh tử. Thế giới của Lý là thế giới của nước thuần túy.
Thế giới của Lý Sự vô ngại: Bồ tát cũng chứng pháp tánh như bậc Thạnh Văn nhưng đi xa hơn, không chỉ đi về chiều sâu mà còn về chiều rộng, không chỉ nhắm vào bản thể mà còn dung chứa thế giới hiện tượng, do đó đạt đến sự vô ngại của pháp tánh và hình tướng, hay sự vô ngại của Niết bàn và sanh tử, sự vô ngại của nước và sóng.
Thế giới của Sự Sự vô ngại: Khi sự thâm nhập Lý càng sâu và sự mở rộng ra Sự càng rộng, nghĩa là căn bản trí hay vô phân biệt trí về Lý (pháp tánh) và hậu đắc trí hay sai biệt trí về Sự (hiện tượng) càng thâm nhập được và hòa trộn với nhau, thì thế giới Sự Sự vô ngại hay cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn hiện ra, và Bồ tát tự tại trong đó để thể hiện thành những thần thông (tức là những năng lực tự do vô ngại của pháp tánh và của thế giới hiện tượng) được kể ra một phần ở trên. Đây là sự vô ngại của sóng với sóng.
Như vậy từ thế giới của phàm phu, người ta trước hết phải chứng ngộ được pháp tánh hay tánh Không, hay bản tâm… đó là cấp độ đầu tiên của sự thoát khỏi thế giới phàm phu. Với người tu hành Bồ tát đạo, người ấy không chứng rốt ráo pháp tánh (học Không bất chứng) mà dùng cái thấy pháp tánh soi chiếu vào cuộc đời, vào thế giới hiện tượng. Hễ ánh sáng của pháp tánh dung nhiếp được bao nhiêu phần thế giới hiện tượng, thì chúng ta có từng ấy phần thế giới Lý-Sự vô ngại. Giai đoạn thứ hai này có thể gọi là bắt đầu của Một Vị (Một Vị của sanh tử và Niết bàn). Giai đoạn thứ ba cũng là Lý Sự vô ngại này nhưng được chứng ngộ thâm sâu đến mức cũng chính thế giới đó trở thành thế giới Sự Sự vô ngại.
Có thể lấy thí dụ: cấp độ bình thường của phàm phu là sống trong thế giới của những hình bóng sai biệt trong gương, không thấy gương đồng nhất, bình đẳng một vị ở đâu cả. Trong thí dụ này chúng ta có thể hiểu cùng một cách khi xét về phương diện tâm, với những tư tưởng sai biệt là những hình bóng, và bản tánh của tâm thức là mặt gương. Khi ngộ ra được một phần pháp tánh, nghĩa là thấy được một phần mặt gương, thấy gương là thấy Lý. Tuy phân chia về mặt lý thuyết thì cấp bậc Lý vô ngại ở trước cấp bậc Lý – Sự vô ngại, nhưng trong thực tế, hễ thấy một phần của lý tức là có một phần của sự được bao gồm trong đó, thấy được một phần của gương tức là đã có một phần hình bóng trong phần gương đó. Hành giả tiếp tục mở rộng mặt gương, gương được mở rộng tới đâu thì bao hàm thế giới hình bóng đến đó, đây là sự tu hành ở mức Lý Sự vô ngại. Khi mức độ Lý-Sự vô ngại đã đủ, đủ về độ sáng của gương và độ rộng của thế giới hình bóng, bấy giờ các hình bóng bắt đầu viên dung vô ngại với nhau. Đây là thế giới Sự Sự vô ngại, hay là Pháp giới Sự Sự vô ngại.
Khi ấy ngài Đại Ca Diếp nghe nói pháp môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn của Bồ tát bèn ca ngợi chưa từng có, nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Ngài Xá Lợi Phất! Ví như có người ở trước người mù hiện bày các thứ hình sắc, người mù kia cũng không thấy được. Tất cả hàng Thanh Văn nghe pháp môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn này thì không thể hiểu cũng như vậy. Người trí nghe pháp môn này có ai mà chẳng phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tại sao chúng ta đối với Đại thừa ấy lại đoạn tuyệt căn nguyên, tự mình như hạt giống hư? Tất cả hàng Thanh Văn, nghe được pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn này, đều nên than khóc cho chấn động tam thiên đại thiên thế giới, còn tất cả hàng Bồ tát nên hết sức vui mừng, đội đầu vâng lãnh pháp này! Nếu có Bồ tát nào tin hiểu pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn này thì tất cả chúng ma không làm gì được.”
Khi tôn giả Đại Ca Diếp nối lời này rồi có ba vạn hai ngàn thiên tử đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nói với tôn giả Đại Ca Diếp: “Nhân giả! Các vị làm Ma vương trong vô lượng vô số thế giới phần nhiều là Bồ tát trụ trong giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, dùng phương tiện lực giáo hóa chúng sanh nên hiện làm Ma vương.
“Lại nữa, ngài Ca Diếp! Vô lượng Bồ tát mười phương có ai đến xin tay chân, tai mũi, đầu mắt, tủy não, máu thịt, da xương, thôn xóm, thành ấp, vợ con, tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, châu báu, đồi mồi, y phục, ăn uống, thì người xin đó phần lớn là Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn đến thử thách làm cho các Bồ tát kia thêm kiên cố. Vì sao thế? Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn có lực oai đức, nên hiện làm những việc bức bách để chỉ dạy cho chúng sanh những sự việc khó làm như vậy. Người phàm phu yếu kém không có thế lực, không thể bức bách Bồ tát như vậy. Thí như rồng voi dẫm đạp thì sức lừa không chịu nổi. Đó gọi là môn Phương tiện Trí huệ của Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn.”
“Đoạn tuyệt căn nguyên, như hạt giống hư” là do thiếu Bồ đề tâm, không vì sự cứu độ chúng sanh thành thử không thoát ra được khỏi cái định diệt tận về pháp tánh, nửa đường chấm dứt mà không thể khai triển pháp tánh về mặt thế giới hiện tượng. Nói theo bốn cấp độ trên thì hàng Thanh Văn có giải thoát, nhưng chỉ ở mức độ Lý giải thoát, không thể tiến lên để chứng ngộ mức độ giải thoát của Lý-Sự vô ngại được.
Muốn không đoạn tuyệt căn nguyên, không như hạt giống hư thì phải thường trực trau dồi Bồ đề tâm, không dứt mất với thế giới hiện tượng của chúng sanh. Từ đó mà có hạnh Bồ tát như đoạn kinh sau đó giảng dạy. Thầy dạy là bậc Bồ tát trụ giải thoát không thể nghĩ bàn thị hiện làm Ma vương, hay người đến thử thách bức bách… và người học là Bồ tát mới phát tâm.
Nói tóm, giải thoát mà không có Bồ đề tâm thì chỉ là giải thoát của Lý. Chính nhờ Bồ đề tâm không bỏ chúng sanh mới kết hợp được Lý và Sự, từ đó mà tiến lên Phương tiện Trí huệ của Bồ tát trụ trong giải thoát không thể nghĩ bàn.