Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Bát-Nhã

THỨ HAI

 1.– Qua ngày sau Vi Sử-Quân xin Lục-Tổ Đại-sư giảng dạy thêm. – Tổ bèn lên tòa nói cùng đại chúng rằng : “Các ngươi đều phải tịnh tâm niệm Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La Mật-Đa.”  

2.– Lại nói : “Nầy thiện-tri-thức ! – Trí Bồ-đề bát-nhã, người đời ai cũng tự có, chỉ vì tâm mê muội, nên tự mình chẳng tỏ ngộ được ; vậy phải nhờ bực đại-tri-thức chỉ dẫn cho, thì thấy rõ tự tánh. – Phải biết rằng : người ngu kẻ trí, tánh Phật vẫn in nhau ; chỉ nhơn mê với ngộ chẳng đồng, mà thành có ngu có trí. – Nay ta và các ngươi nói pháp “Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật” là khiến cho các ngươi đều được trí-huệ ; vậy phải chí tâm xét nghe những lời ta nói.
3.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Người đời trọn ngày miệng niệm câu Bát-nhã mà chẳng biết tự tánh Bát-nhã ; ví như nói ăn mà chẳng ăn, thì sao no đặng ; miệng chỉ nói không, thì muôn kiếp chẳng thấy tánh được, trọn không ích gì.
4.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là tiếng Phạm, – Tàu dịch là : đại-trí-huệ đáo bỉ ngạn, nghĩa là : cái trí lớn đến tận bờ bên kia ; vậy nên phải làm ở nơi tâm, chớ chẳng phải niệm ở nơi miệng ; nếu miệng niệm mà tâm chẳng làm, thì chẳng khác như đồ mỵ-thuật, như thứ biến-hóa, như sương-mù, như chớp điện. – Còn miệng niệm và tâm làm, thì tâm với miệng tương ứng lẫn nhau, bổn-tánh là Phật, lìa tánh ra không có Phật nào khác.

 5.– “Sao gọi là : Ma-ha ? “Ma-ha”, nghĩa là : lớn, – là nói : tâm-lượng rộng lớn như hư-không, không có giới-hạn, cũng không vuông, tròn, lớn, nhỏ ; cũng không xanh, vàng, đỏ, trắng ; cũng không trên, dưới, vắn, dài ; cũng không giận, không mừng, không phải, không quấy, không lành, không dữ, không có đầu-đuôi ; quốc-độ của chư-Phật đồng như hư-không mà diệu-tánh của người đời gốc là rỗng-trống, không có một pháp gì khá đặng ; tự-tánh chơn-không cũng như vậy.

 6.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Đừng nghe ta nói không mà trở lại chấp Không. – Thứ nhứt chớ nên chấp Không ; nếu Không-Tâm mà ngồi yên lặng, tức là mắc vào cái không “vô ký”.

7.– “Nầy thiện-tri-thức ! Thế-giới hư-không, bao hàm cả sắc tượng muôn vật : nào mặt-nhựt, mặt-nguyệt, các ngôi tinh-tú núi sông, đất liền, suối nguồn, khe rạch, cỏ cây, rừng rú, người dữ, người lành, người ác, pháp thiện, thiên-đường, địa-ngục, cho đến hết thảy các biển lớn và các núi Tu-Di đều ở trong hư-không đó cả. – Người đời tánh-không cũng như vậy.

8.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Tự-tánh bao hàm cả muôn pháp là lớn. – Muôn pháp đều ở trong tự-tánh của các người ; nếu thấy hết thảy những người dữ, người lành, mà đều chẳng chấp-lấy và chẳng phóng xả, cũng mắc dính đến, tâm như hư-không, ấy gọi là lớn ; cho nên nói rằng : Ma-ha.

 9.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Người Mê ở nơi miệng kẻ Trí làm ở nơi tâm. – Lại cũng có hạng người Mê cứ không-tâm ngồi yên-lặng, trăm việc đều không nghĩ tới, rồi tự cho vậy là lớn ; những hạng người ấy không nên nói với họ, vì họ chấp theo tà-kiến.

10.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Tâm-lượng rộng lớn khắp cả pháp-giới, dùng ra thì lảu-lảu phân minh – khi ứng dụng thì biết hết thảy, hết thảy tức là một, một tức là hết thảy, lui tới tự-do, tâm thể vốn không trở-trệ, ấy tức là : Bát-nhã.

11.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Hết thảy trí Bát-nhã đều do tự-tánh sanh ra, chẳng phải ở ngoài vào, chớ dụng ý lầm, mới gọi là mình dùng theo chơn-tánh. – Hễ một cái chơn thì hết thảy đều chơn. – Tâm-lượng rộng lớn, chớ làm theo đạo nhỏ, miệng chớ trọn ngày nói không, mà trong tâm chẳng tu theo hạnh Bát-nhã, thì cũng giống như kẻ phàm-phu tự xưng mình là vị Quốc-vương, trót không thể được, ấy chẳng phải là đệ-tử của ta.

12.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Sao gọi là : Bát-nhã ? “Bát-nhã” tiếng Tàu gọi là : trí huệ. – Hết thảy trong xứ-sở nào và trong thời khắc nào, niệm-niệm chẳng mê, hằng làm theo trí huệ, tức là : hạnh Bát-nhã.

13.– “Một niệm ngu, tức là bát-nhã tuyệt ; một niệm trí, tức là Bát-nhã sanh. – Người đời vì ngu mê nên chẳng thấy trí Bát-nhã ; miệng nói Bát-nhã mà trong tâm hằng ngu, cứ tự xưng rằng ta tu Bát-nhã mà trong tâm “không” mà chẳng biết sao là : “chơn không” ; Bát-nhã không hình tướng, tâm trí-huệ của mình tức là Bát-nhã. – Nếu hiểu biết như thế, tức gọi là : trí Bát-nhã.

 14.– “Sao gọi là : Ba-la-mật ? “Ba-la-mật” là tiếng nói bên Tây-quốc, Tàu gọi là : Đáo bỉ ngạn, nghĩa là : đến tận bờ bên kia. – Giải nghĩa là lìa sanh diệt ; đắm cảnh sanh diệt dấy, như nước có nổi sóng, tức là bờ bên nầy ; lìa các cảnh không sanh diệt, như nước thường thông lưu, tức là bờ bên kia nên gọi rằng Ba-la-mật.

15.– “Nầy thiện-tri-thức ! Người mê chỉ miệng niệm, thì đang lúc niệm, có dối, có quấy ; bàng niệm niệm làm theo, ấy mới gọi rằng : chơn tánh. – Ngộ được pháp ấy tức là : pháp Bát-nhã ; tu được hạnh ấy tức là : hạnh Bát-nhã chẳng tu tức là phàm, một niệm tu hành, thân mình sánh bằng Phật.

16.– “Nầy thiện-tri-thức ! Phàm phu tức là : Phật ; phiền não tức là : Bồ-đề ; niệm trước mê tức là : phàm phu, niệm sau ngộ tức là : Phật ; niệm trước đắm cảnh tức là : phiền não ; niệm sau lìa cảnh tức là : Bồ-đề.

17.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật rất lớn, rất cao tột bực nhứt ; không ở, không đi, cũng không tới ; các Phật ba đời do đó ra. – Vậy phải dùng trí-huệ đánh tan ngũ-uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), phiền não, trần-lao ; tu hành như thế, chắc thành Phật-đạo. – Đổi ba độc (tham, sân, si) mà làm Giới-Định-Huệ.

18.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Pháp môn ta đây do một Bát-nhã mà sanh ra tám vạn bốn ngàn trí-huệ. – Bởi cớ sao ? – Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần-lao ; bằng không trần-lao, thì trí-huệ thường hiển hiện, chẳng lìa tánh mình.

“Ngộ được pháp ấy, tức là không nghĩ, không nhớ, không đắm, chẳng khởi lòng dối quấy. – Dùng tánh chơn-như của mình, lấy trí-huệ quán chiếu, đối với hết thảy các pháp, chẳng lấy, chẳng bỏ, tức là thấy tánh thành Phật.

19.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Nếu muốn vào đến pháp-giới rất sâu và Bát-nhã tam muội, thì phải tu hạnh Bát-nhã và trì tụng kinh Kim-Cang bát nhã, tức là đặng thấy tánh. – Vậy biết công-đức kinh ấy vô lượng vô biên, trong kinh rõ ràng khen ngợi, không thể nói. – Pháp-môn đó là Tối-thượng-thừa, để nói cho bực người đại-trí thượng-căn nghe.

 20.– “Bằng kẻ tiểu-căn tiểu-trí nghe, thì sanh lòng chẳng tin. – Bởi tại sao ? – Ví như con rồng lớn rót xuống một trận mưa to ở cõi Diêm-Phù-Đề, thì thành ấp xóm làng đều trôi hết cả, cũng như nước trôi lá táo ; còn nếu mưa xuống nơi biển lớn kia, thì chẳng thấy nước thêm bớt chút nào.

21.– “Hoặc bực người Đại-thừa hay bực người Tối-thượng-thừa nghe nói kinh Kim-Cang, thì tâm mở mang tỏ-ngộ ; nên biết bổn-tánh mình vẫn có trí Bát-nhã, tự dùng trí-huệ mình quán chiếu luôn luôn, chớ chẳng cần mượn tới văn-tự ; ví như nước mưa chẳng phải do trời mà có, gốc thiệt là năng-lực của rồng làm thành, khiến cho tất cả chúng-sanh và tất cả cây cỏ, nào là loài hữu-tình, loài vô-tình, thảy đều nhờ ơn nhuần-thấm ; trăm sông ngàn dòng đều chảy vào biển lớn, hiệp làm một thể ; trí Bát-nhã ở nơi bổn tánh của chúng-sanh cũng như vậy.

22.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Những người tiểu-căn nghe pháp Đốn-giáo cũng như loài cỏ cây căn-tánh nhỏ, mà gặp trận mưa to thảy đều ngã rạp, không thể thêm được sức lớn ; những người tiểu-căn nghe Đốn-giáo cũng như vậy.

23.– “Cái trí Bát-nhã sẵn có ấy với người đại-trí kia vốn không riêng khác, mà vì sao nghe pháp chẳng tỏ ngộ ? – Đó là bởi tà kiến che lấp quá nặng, phiền-não rễ bấm quá sâu ; ví như đám mây lớn che án mặt-nhựt chẳng hiện rõ được. – Trí Bát-nhã cũng không lớn nhỏ, nhưng vì tự tâm của tất cả chúng-sanh có mê có ngộ chẳng đồng, nên mê chấp cái thấy ở ngoài tâm tu hành tìm Phật mà chưa tỏ ngộ được tự tánh, tức là : tiểu-căn.

24.– “Còn như tỏ ngộ được Đốn-giáo, không chấp sự tu ở bề ngoài, chỉ do nơi tâm mình hằng phát khởi cái thấy chơn chánh, những thứ phiền-não trần-lao thường không nhiễm được, tức là : kiến tánh.

25.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Trong ngoài chẳng lưu trụ, lui tới hằng tụ-do, trừ dứt cái tâm chấp trước, thông suốt không ngăn ngại ; tu được hạnh ấy, thì đối với kinh Bát-nhã vốn không riêng khác.

26.– “Thiện-tri-thức ! – Phải biết rằng : hết thảy các kinh-điển cùng các văn-tự, đại-thừa, tiểu-thừa, mười hai bộ kinh, đều do nơi người đặt ra, vì người có tánh trí huệ mới gầy dựng được ; nếu không người đời, thì hết thảy muôn pháp vốn thiệt chẳng có, cho nên biết muôn pháp gốc tự nơi người dấy tạo, hết thảy kinh sách cũng do nơi người thuyết ra.

 27.– “Nhưng bởi trong loài người, có kẻ ngu, có người trí, ngu là tiểu nhơn, trí là đại nhơn. – Kẻ ngu thì hỏi người trí, người trí thì thuyết-pháp cho kẻ ngu nghe ; nếu kẻ ngu nào tâm thoạt tỏ ngộ, thì đối với người trí vốn không khác gì.

28.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Nếu chẳng ngộ thì Phật là chúng-sanh ; còn trong lúc một niệm ngộ rồi, thì chúng-sanh là Phật. – Vậy nên biết muôn Pháp đều ở nơi tự tâm, sao lại chẳng do trong tự-tâm mà tỏ ngộ liền cái bổn tánh chơn như ?

 29.– “Kinh Bồ-Tát-Giới nói : “Tự-tánh bổn nguyên của ta vẫn thanh-tịnh ; Nếu biết được tự-tâm, thấy được tự-tánh, thì đều thành Phật đạo.” – Kinh Tịnh-Danh nói : “Tức thời rỗng-rang hoàn được cái bổn-tâm trở lại.” – Nầy thiện-tri-thức ! – Ta hồi ở nơi bổn-sư Nhẫn Hòa-thượng, vừa nghe qua lời nói thì tỏ ngộ, thấy liền cái bổn-tánh chơn-như, nên ta đem giáo-pháp ấy truyền-bá ra, khiến cho những kẻ học đạo chứng tỏ đạo Bồ-đề mà đều tự soi lấy tâm, tự thấy lấy tánh.

30.– “Nếu tự mình chẳng tỏ ngộ, thì phải bực Đại-thiện-tri-thức là người hiểu rõ phép Tối-thượng-thừa, chỉ bảo con đường chơn-chánh. – Thiện-tri-thức ấy có cái nhơn-duyên lớn, nghĩa là giáo-hóa cho người được thấy tánh, hết thảy pháp lành đều nhờ nơi người thiện-tri-thức ấy phát khởi ra vậy.31.– “Các Phật ba đời(1) mười hai bộ kinh(2) ở trong tánh người vốn sẵn có đủ. – Nếu mình chẳng ngộ được, thì phải cầu người thiện-tri-thức chỉ bảo cho mới thấy. – Bằng mình ngộ được thì chẳng đợi cầu ai.(3) – Nếu cứ chấp rằng : cần phải có người thiện-tri-thức kia, để trong cậy người làm cho mình được giải thoát thì không có lẽ.

32.– “Bởi cớ sao ? – Bởi trong tâm mình có sẵn tri-thức tự tỏ ngộ rồi. – Bằng khởi tâm tà-mê vọng niệm điên-đảo, thì người thiện-tri-thức ở ngoài, dầu có chỉ dạy cũng không thể cứu được.

33.– “Còn như phát khởi cái trí Bát-nhã quán-chiếu chơn-chánh, trong một sát-na, vọng niệm đều tiêu diệt cả ; cho nên nếu biết được tự-tánh thì một phen tỏ ngộ, tức là đến địa vị Phật.

34.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Trí huệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết rõ bổn tâm ; mà biết rõ bổn tâm, tức là gốc giải thoát ; bằng được giải thoát, tức Bát-nhã tam-muội ; mà Bát-nhã tam-muội tức là vô niệm.

35.– “Sao gọi là : vô-niệm ? Nếu thấy hết thảy các pháp mà tâm chẳng nhiễm tới, ấy là : vô-niệm, dùng ra thì khắp cả mọi chỗ, mà cũng chẳng chấp trước một chỗ nào, chỉ thanh tịnh lấy bổn tâm, khiến cho sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không ô-nhiễm, không xen-tạp, đi tới tự do, thông dụng không trệ, tức là : Bát-nhã tam-muội ; tự tại giải-thoát, ấy gọi là : hạnh vô-niệm. – Bằng như trăm việc chẳng nghĩ đến, làm cho cái niệm phải dứt, tức là pháp-phược (pháp trói) và cũng là : biên-kiến (thấy một bên).

 36.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Ngộ được pháp vô-niệm thì muôn pháp đều thông ; ngộ được pháp vô-niệm thì thấy cảnh-giới của chư Phật ; ngộ được pháp vô-niệm, thì đến địa-vị Phật.

37.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Đời sau những người được pháp của ta mà đem môn Đốn-giáo nầy đối với những kẻ đồng thấy đồng làm phát nguyện thọ trì, như thể thờ Phật, trọn đời chẳng sụt lui, muốn vào cho được Thánh-vị, thì phải truyền trao cho họ những cái “truyền ngầm dặn kỹ” từ xưa đến nay, chớ chẳng được dấu riêng chánh pháp.

38.– “Bằng những người chẳng đồng thấy đồng làm, tu theo pháp khác, thì chẳng nên truyền phú, mà làm tổn đến người trước, trọn không ích gì, là sợ kẻ ngu chẳng rõ, trở lại dèm chê pháp-môn nầy, rồi trăm kiếp ngàn đời dứt mất chủng tánh Phật.

39.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Ta có một bài tụng vô-tướng, mỗi người đều phải tụng lấy, kẻ tại gia và người xuất gia cứ tu theo đây ; nếu mình chẳng tự tu mà chỉ ghi nhớ lời ta, thì cũng vô ích !

 40.– “Vậy phải nghe bài tụng ta đây :

Thuyết thông(4) và tâm thông,(5)

Như nhựt ở trên không,(6)

Chỉ truyền pháp kiến-tánh,(7)

Ra đời dẹp tà-tông.(8)

Pháp vốn không đốn tiệm,

Mê ngộ có chậm mau,(9)

Chỉ môn kiến-tánh ấy,

Người ngu dễ thấu đâu.(10)

Nói tuy có nhiều cách,

Rút về một lý thôi,(11)

Trong nhà phiền não tối,

Ánh huệ phải hằng soi.(12)

Tà đến phiền não đến,

Chánh về phiền não trừ,(13)

Chánh tà đều chẳng dụng,

Thanh tịnh vốn vô dư.(14)

Bồ-đề gốc tự tánh,

Khởi tâm tức là vọng,(15)

Tịnh tâm ở trong vọng,

Vẫn chánh không ba chướng.(16)

Người đời nếu tu đạo,

Chẳng hại gì hết thảy,

Thường xét thấy lỗi mình,

Cùng đạo in nhau vậy.(17)

Sắc loại sẵn có đạo,

Đều chẳng phòng não nhau,

Lìa đạo mà tìm đạo,

Trọn đời thấy đạo đâu.(18)

Lao xao trót cả đời,

Rốt cuộc rồi áo-não,

Muốn được thấy đạo chơn,

Làm chánh tức là đạo.(19)

Mình nếu không tâm đạo,

Đi tới chẳng thấy đàng,

Bằng thiệt người tu đạo,

Không thấy lỗi thế gian.(20)

Nếu thấy sự quấy người,

Mình chê tức là dở,

Người quấy mình đừng chê,

Mình chê mình có lỗi.(21)

Dẹp bỏ tâm chê bai,

Đánh tan phiền não thảy,

Ghét thương chẳng bận lòng,

Nằm giũi hai chân nghỉ.(22)

Nghĩ muốn độ người kia,

Mình phải có phương tiện,

Đừng để kia nghi lầm,

Tức là tự tánh hiện.(23)

Phật-pháp ở trong đời,

Chẳng lìa đời mà có,

Lìa đời tìm Bồ-đề,

Nào khác cầu sừng thỏ.(24)

Thấy chánh kêu xuất-thế,

Thấy tà gọi thế-gian,

Chánh tà đều đánh dẹp,

Tánh Bồ-đề rõ ràng.(25)

Tụng nầy là Đốn-giáo,

Cũng kêu Đại-pháp thuyền,

Mê, nghe trải nhiều kiếp,

Ngộ, trong sát-na liền.(26)

41.– Tổ lại nói : “Nay ta ở nơi chùa Đại-phạm nói pháp Đốn-giáo nầy, khắp nguyện cho chúng-sanh trong cõi Pháp-giới nghe rồi liền thấy tánh thành Phật.”

42.– Khi ấy Vi-Sử-Quân cùng các quan-liêu, kẻ đạo người tục, nghe lời Tổ giảng dạy, không ai chẳng tỉnh ngộ, rồi cùng nhau làm lễ, đều khen thật hay ! – Nào dè xứ Lãnh-Nam có Phật xuất thế.

--------------------------

 (1) Các Phật ba đời  là nói : Một ngàn đức Phật trong kiếp Trang-Nghiêm về đời quá khứ và một ngàn đức Phật trong kiếp Hiền về đời hiện tại, với một ngàn đức Phật trong kiếp Tinh-Tú về đời vị lai.

Nếu nói rộng ra thì chẳng những ba ngàn đức Phật ấy thôi, lại trước kiếp Trang-Nghiêm còn có đời quá khứ nữa và sau kiếp Tinh-Tú có đời vị lai nữa, trước trước không cùng, sau sau chẳng tột, đời kiếp đã trùng trùng vô tận như vậy, thì chư-Phật cũng vô lượng vô biên.

(2) Mười hai bộ kinh : 1. “Tu-đa-la” – Tàu dịch : Khế kinh – là những văn trường hàng nói thẳng trong các kinh ; 2. “Kỳ-dạ“ – Tàu dịch : Trùng-tụng – là trùng tuyên lại những nghĩa trong văn trường hàng kinh đã nói ; 3. “Dà-đà” – Tàu dịch : Phúng-tụng – là những lời kệ tụng trong các kinh, chẳng do theo văn trường hàng ; 4. “Ni-đà-na” – Tàu dịch : Nhơn-duyên – là những chỗ trong kinh nói về cái nhơn-duyên thấy Phật, nghe Pháp và Phật và nói Pháp giáo-hóa ; 5. “Y-đế-mục-đa” – Tàu dịch : Bản-sự – là những kinh Phật tự nói việc đời trước của đệ tử ; 6. “Xà-đa-dà” – Tàu dịch : Bản sanh – Những kinh Phật tự nói việc đời trước của Phật ; 7. “A-tỳ-đạt-ma” – Tàu dịch : Vị tằng hữu – là những kinh nói về việc thần lực của Phật hiện ra chưa từng có ; 8. “A-ba-đà-na” – Tàu dịch : Thí dụ – những chỗ nói ví dụ trong kinh ; 9. “Ưu-bà-đề-xá” – Tàu dịch : Luận nghĩa – là những kinh lấy pháp-lý mà luận nghĩa vấn đáp ; 10. “Ưu-đà-na” – Tàu dịch : Tự thuyết – là những kinh không ai hỏi mà Phật tự nói ; 11. “Tỳ-Phật-lược” – Tàu dịch : Phương-quảng – là những kinh Đại-thừa nói về chơn-lý chánh đáng rộng lớn ; 12. “Hòa-đa-la” – Tàu dịch : Thọ-ký – là những kinh mà Phật thọ ký cho đệ tử làm Phật.

Cũng bởi chúng-sanh có nhiều nghiệp bịnh mà Phật nói ra thuốc pháp có nhiều phương, nên theo từng bộ loại mà khai làm mười hai phần, gọi là mười hai bộ. – Nhưng chư-Phật tuy nhiều mà cũng đồng một bản thể sáng suốt.

Mười hai bộ kinh tuy đối cơ thi giáo, mỗi khác nhau mà đồng một phương pháp, chuyển mê khai ngộ, để hoàn về nơi bản thể sáng suốt mà cái bản thể sáng suốt ấy chính là cái sẵn có đủ ở trong tự tánh của mọi người, cho nên đây nơi “Các Phật ba đời, mười hai bộ kinh, ở trong tánh người vốn sẵn có đủ” là nghĩa như vậy.

(3) Nếu mình chẳng ngộ được thì phải cầu người thiện-tri-thức chỉ bảo cho mới thấy ; bằng mình ngộ được thì chẳng cầu đợi ai. Câu nói nầy cũng như câu nói “Khi mê thì thầy độ, lúc ngộ thì mình độ lấy mình” ở trước ; vì nghĩa chẳng “ngộ” tức là ”mê”, – nghĩa “thiện tri thức” tức là ”thầy”, – nghĩa “chỉ bảo” tức là ”độ” ; – nghĩa ”chẳng đợi cầu ai” tức là ”mình độ lấy mình”.

Lại ý nghĩa câu nói nầy cũng như ý nghĩa câu chuyện lược thuật sau đây : Khi ngài Huy-Sơn Đại-Viên thiền sư qua tỉnh Giang-Tây tham với Tổ Bá-Trượng, Tổ vừa thấy liền cho vào bực nhập thất (là học đã tới chỗ sâu kín, cũng như đã vào được nhà trong) làm đầu trong các chúng tham học.

Một hôm nọ, ngài Huy-Sơn đứng hầu, Tổ bảo bươi lò lấy lửa, Sơn bươi rồi nói : “Không lửa.”

Tổ đứng dậy tự bươi sâu vào trong, gắp được chút lửa, giơ lên cho Sơn coi và nói rằng : “Ngươi nói không, chớ cái gì đây ?”

Sơn nhơn đó mà tỏ ngộ, mới lạy tạ và bày chỗ tỏ-ngộ cho Tổ nghe.

Tổ nói : “Đó chẳng qua con đường trẽ trong tạm-thời đó thôi, thiệt ra kinh có nói rằng : “Muốn biết nghĩa Phật-tánh, phải coi thời tiết nhơn-duyên ; thời tiết đến rồi, cũng như người mê thoạt tỉnh, người quên thoạt nhớ, mới biết là vật của mình, không phải do đâu mà đặng.”

Trong câu chuyện nầy nói : ngài Huy-Sơn bươi lửa không có, tức là nghĩa : “mình chẳng ngộ được” ; – nói : Tổ gắp được chút lửa giơ cho ngài Huy-Sơn coi, tức là nghĩa : “thiện-tri-thức chỉ bảo cho mới thấy” ; – còn nói : mới biết là vật của mình, không phải do đâu mà đặng, tức là nghĩa : “bằng mình ngộ được, thì chẳng đợi cầu ai”.

(4)Thuyết thông : là thuyết pháp được thông suốt, gồm đủ bốn thứ biện-giải không ngăn ngại : 1. Đối với văn-cú của giáo pháp đều rành-rẽ, tức là : “Pháp không ngăn ngại” ; 2. Đối với nghĩa lý của giáo-pháp đều biết rõ, tức là : “nghĩa không ngăn-ngại” ; 3. Đối với tiếng nói của mỗi xứ đều thông hiểu, tức là : “lời không ngăn-ngại” ; 4. Đối với chúng-sanh thì thường dùng ba thứ trí không ngăn-ngại ấy mà vui-vẻ biện-giải tức là : “biện nói không ngăn-ngại”.

(5) Tâm thông : là tâm đã lìa hết ngã-chấp, không còn phiền-não chướng, dù lại lìa hết pháp-chấp, không còn sở-tri-chướng, nên tâm được thông-suốt, gọi là : “tâm thông”.

(6) Như nhựt ở trên không là nói : tâm thông thuyết thông, tức là : Bát-nhã-trí hiện tiền, bày rõ cái diệu-dụng quán-chiếu, cũng như mặt-nhựt ở giữa hư-không, soi khắp bầu trời, không chỗ nào che ngăn khuất lấp.

(7) Chỉ truyền pháp kiến tánh : Cũng gọi là : pháp trực chỉ, tức là chỉ thẳng nơi tâm người, thấy tánh thành Phật vậy.

(8) Ra đời dẹp tà tông : Tức là chín mươi sáu thứ ngoại đạo tu theo tông chỉ tà vọng, không đúng với chơn-lý.

(9) Pháp vốn không đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau : Pháp Phật vẫn bình đẳng (thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ), và tiếng Phật nói ra vẫn viên dung (Phật dỉ viên âm diễn thuyết pháp), thì có chi là đốn tiệm ; nhưng vì căn tánh của chúng-sanh có lợi độn (bén lụt) khác nhau mà thành chỗ nghe pháp có kẻ chóng tỏ và có người chậm tỏ.

“Chóng tỏ” gọi là : đốn ; “chậm tỏ” gọi là : tiệm.

(10) Chỉ môn kiến-tánh ấy, người ngu dễ thấu đâu : Pháp môn kiến tánh tức là pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, chớ không theo giai-cấp tu chứng mà lên lần, cũng gọi là pháp Đốn-giáo.

Còn “người ngu” là thông chỉ cả phàm phu, ngoại đạo và nhị thừa ; vì phàm phu thì còn mê ở trong lồng bát-thức mà vọng chấp cái thân “ngũ uẩn giả hiệp” làm ta ; ngoại đạo thì tuy thông minh mà cũng không khỏi bị bát-thức làm mê, rồi nể-chấp trong thân người thiệt có cái “thần ngã” ; cho đến bực nhị thừa mà cũng chưa phá được tạng thức. – Thế thì biết nếu chưa thoát ra ngoài phạm vi bát-thức, thì không làm sao thấy được tự tánh ; vậy nên gọi là : ngu.

(11) Nói tuy có nhiều cách, rút về một lý thôi : “Nhiều cách”, là những pháp nói ra tuy có tam-thừa ; ngũ-giáo, phương-tiện nhiều môn, mà rốt lại cũng hiển rõ cái lý nhứt-thừa thiệt-tướng.

(12) Trong nhà phiền não tối, ánh huệ phải hằng soi : “Nhà phiền não tối” nói đây có hai nghĩa thích :

1. Nói về phần cá-kỷ của một chúng-sanh, thì nhà phiền-não ấy tức là nhà Ngũ-uẩn ;

2. Nói về toàn-thể của hết thảy chúng-sanh, thì nhà phiền-não ấy tức là nhà Tam-giới.

Vì nhà Ngũ uẩn và nhà Tam-giới cũng đều do nơi vô-minh pháp nghiệp mà tạo thành ra, mà vô minh chính cái tâm-thể si-ám, không có huệ sáng-suốt, nó làm căn-bản cho hết thảy các thứ phiền-não, vậy nên gọi là : nhà phiền-não tối.

Còn “ánh huệ” là nói : quán-chiếu bát-nhã. – Quán-chiếu bát-nhã có năng lực diệt trừ hết cái si-mê hôn-ám của căn-bản phiền não (tham, sân, si) mà hoàn cái tánh bản minh trở lại ; cũng như ánh sáng mặt trời có năng lực phá tan hết cái tối tăm trong thế gian trở nên sáng láng. – Cho nên người tu cần phải thường dùng nó, để chiếu phá cái tối phiền não.

(13) Tà đến phiền não đến, chánh về phiền não trừ : “Tà” là tà kiến, tức là cái thấy sai lầm, cho rằng không có nhơn quả, nên đối với sự ác không đủ sợ, đối với sự lành không đủ mừng. – Cái thấy tà ấy chính là một cái trong năm cái thấy (thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiến-thủ-kiến, giới-cấm-thủ-kiến), nó thuộc về chi mạt phiền não ; mà chi mạt phiền não chính do nơi căn bản phiền não sanh ra, cho nên nói : “tà đến phiền não đến”.

Còn “chánh” là chánh trí, tức là trí bát-nhã ; mà trí bát-nhã là do nơi giác (bồ-đề) sanh ra, phiền não là do nơi mê (vô-minh) mà có, nếu người đem cái giác trở về, thì lẽ tất nhiên cái mê phải hết ; cũng ví như người trong khi đã thức giấc, thì đâu còn chiêm bao nữa ; cho nên nói : ”chánh về phiền não trừ”.

(14) Chánh tà đều chẳng dụng, thanh tịnh đến vô dư : “Vô-dư” là vô-dư niết-bàn.

Niết-bàn là tiếng Phạm, – Tàu dịch : Diệt-độ nghĩa là : Dứt hết cái nhơn quả sanh tử và qua khỏi cái biển lớn sanh tử, không còn hai thứ sanh tử “phân đoạn và biến dịch” làm khổ hoạn nữa nên gọi là : Vô-dư niết-bàn.

Trong khi còn tại mê, thì còn phân biệt nói tà nói chánh, để lấy chánh trị tà cho tà hườn lại chánh ; chớ khi đã giác ngộ tự tánh rồi, thì chẳng những tà kiến là thứ sanh phiền não, không còn dùng nó vẫn đành, mà đến như chánh trí là món diệt trừ phiền não cũng không dùng đến nó nữa ; ví như người qua biển mà đã đi đến bờ biển bên kia rồi thì phải bỏ thuyền, vậy mới gọi là : thanh tịnh đi đến cảnh giới vô-dư niết-bàn.

Bằng như đã bỏ hết tà rồi mà còn giữ lấy cái chánh, tức là tâm còn chấp pháp, còn bị pháp làm chướng ngại, thì không sao thanh tịnh được, ấy chẳng khác nào những kẻ đã qua tới bờ biển bên kia mà còn vác cái thuyền đi theo bên mình, thì chẳng bao giờ có phần tự tại.

Huống chi cái bản thể của tự tánh gốc vẫn thanh tịnh, mà nếu còn khởi tâm phân biệt tà chánh, dứt bỏ cái nầy chấp lấy cái khác, tức là trái hẳn với bản thể thanh tịnh rồi, thì làm sao vào được vô-dư niết-bàn.

(15) Bồ-đề gốc tự tánh, khởi tâm tức là vọng : “Bồ-đề” là tiếng Phạm, – Tàu dịch : giác, là nghĩa thức tỉnh, sáng suốt là chẳng tối, tự tánh giác ấy lúc nào vẫn cũng thanh tịnh luôn. – Nếu khởi tâm động niệm tức là trái với cái tự tánh giác ; mà đã trái với giác tức là mê là tối, thì thuộc về vọng, chớ không phải chơn.

Nhưng phải biết : câu “khởi tâm tức là vọng” nói đây, không phải chỉ nói khởi tâm : tham, sân, si, mạn, vân vân… mà gọi là “vọng” thôi, nhẫn đến khởi tâm : học thiền, học đạo, cầu ngộ, cầu chứng, ấy cũng gọi là “vọng” nữa. – Vì tự tánh giác bản lai chẳng loạn động tức là thiền, – bản lai hằng chơn chánh tức là đạo, – bản lai không mê tức là ngộ, – bản lai làm Phật tức là chứng – còn có gì mà học mà cầu ; thế nên cái khởi tâm ấy cũng tức là vọng.

Ví như cái biển trong trẻo đứng lặng, mà thoạt nhiên cảm gió thành sóng, thì bao nhiêu làn sóng kia dầu đục dầu trong dầu nhơ dầu sạch gì, cũng đều là thứ sóng, làm cho biển nước lay động cả – tâm phàm tâm thánh gì, cũng đều là thứ tâm làm cho tự tánh giác mất thể thanh tịnh, cho nên nói : “Khởi tâm tức vọng” là thế.

(16) Tịnh tâm ở trong vọng vẫn chánh không ba chướng : “Tịnh tâm” là tâm chơn như gốc vẫn thanh tịnh. – “Ở trong vọng”, là ở xen lộn trong vọng thức. “Ba chướng”, là : phiền não chướng, nghiệp chướng, và báo chướng.

Chơn tâm tuy ở xen lộn trong vọng thức mà lúc nào nó cũng thanh tịnh luôn, nó không khởi ra những hoặc : tham, sân, si… cho nên không có phiền não chướng – nó không tạo những nghiệp : ngũ nghịch, thập ác, cho nên không có nghiệp chướng ; nó đã không khởi hoặc, tạo nghiệp, thì không thọ những cái khổ báo : địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ; cho nên không có báo chướng.

(17) Người đời nếu tu đạo, chẳng hại gì hết thảy, thường xét lấy lỗi mình, cùng đạo in nhau vậy : “Đạo” là nghĩa : “hay thông”, vì có năng lực thông cái nhơn đi đến cái quả và thông cái quả trả lại cái nhơn, nên gọi là : đạo. – Đại khái có ba :

1. “Hữu lậu đạo”, là nói : Những thiện nghiệp hay thông cho người đi đến đường phước thiện, như đường Trời Tiên và Người, vân vân…, lại những ác nghiệp hay thông cho người đi đến đường tội báo, như đường địa ngục, ngạ quỷ, và súc-sanh, vân vân…

2. “Vô-lậu-đạo” là nói : Những pháp thất giác (trạch pháp, tinh tấn, hỷ, trừ, xả, định, niệm), bát chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh ngiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) hay thông cho người đi đến Niết bàn.

3. “Cái thể niết bàn”, cái thể ấy bài trừ hết thảy các thứ chướng ngại, nó vẫn rỗng trống, vắng lặng mầu nhiệm, dung-thông, nên gọi là : Đạo.

Mà nghĩa “Đạo” nói trên đây, chính là nói nghĩa “Đạo” thứ ba ấy. – Đại ý nói : Nếu người đời biết được nghĩa “Đạo” tức là cái thể Niết-bàn ; cái thể Niết-bàn tức là Đạo ; mà Đạo hay là thể Niết-bàn với cái tâm chân như thanh tịnh của ta đương xen lộn ở trong vọng thức ngày nay đây, nó vẫn không hai không khác, biết được như vậy mà dùng cái tâm ấy thiệt hành cái Đạo, thì không có chi phòng ngại tất cả.

Nhưng thiệt hành (tu) bằng cách nào ? – Nghĩa là phải thường thường tự thấy lỗi mình là cái lỗi khởi tâm động niệm vì khởi tâm tức là sai, động niệm tức là trái, tức là sai hẳn trái với bản thể rỗng trống vắng lặng của Đạo ; cho nên tự mình thường thấy cái lỗi ấy, mà đừng khởi đừng động, thì tự nhiên khế hiệp với đạo ngay.

(18) Sắc loại sẵn có đạo, đều chẳng phòng não nhau, lìa đạo mà tìm đạo, trọn đời thấy đạo đâu : “Sắc loại” là những vật tượng có hình sắc chất ngại như : xanh, vàng, đỏ, trắng, núi, sông, cây, đá, vân vân… Đây nói : “sắc loại sẵn có đạo” cũng như trong kinh Lăng Nghiêm nói : “Từ nơi sắc thân nhẫn đến ngoài, thì núi, sông, hư không, đất liền, đều là vật ở trong diệu minh chơn tâm.

Lại trong luận Duy Thức nói : “hết thảy sắc pháp là tướng phần của thức A-lại-da biến hiện”, mà thức A-lại-da chính là do một niệm bất giác, mê tâm chơn như mà thành ra.

Nếu sắc loại đã là tướng phần của thức A-lại-da và là vật ở trong diệu minh chơn tâm sở hiện, thì nó vẫn là có đạo mà nó đã có đạo tức là nó với ta đồng một bản thể, thì có cái gì làm phòng ngại não loạn đến ta đâu !

Nếu ta không rõ thấu cái bản tâm “muôn vật một thể” ấy là đạo, mà lìa ngoài vũ trụ vạn hữu để tìm đạo thì ta với đạo càng phân cách xa mà trọn đời không thấy đạo được.

(19) Lao xao trót cả đời, rốt cuộc rồi áo não ; muốn được thấy đạo chơn, làm chánh tức là đạo : Bởi câu trên nói : lìa đạo mà tìm đạo, trọn đời không thấy đạo, mà nếu đã không thấy đạo thì nẻo tu hành chắc lạc vào lối thiên ma ngoại đạo rồi rốt cuộc không khỏi bị hoặc nghiệp lôi kéo vào trong biển khổ sanh tử mà mình tự làm áo não (uất-giận) lấy mình.

Nhưng muốn thấy được chơn đạo, thì phải làm cách nào ? – Nghĩa là : phải làm theo cái tâm chơn-chánh là cái tâm xa lìa hết thảy các thứ thiên-chấp (chấp có, chấp không, chấp ngã, chấp pháp) của phàm phu, nhị thừa và các thứ tà-kể (thường kể không thường, không thường kể thường) của ngoại đạo, thì tức là thấy đạo.

(20) Mình nếu không tâm đạo, đi tới chẳng thấy đàng ; bằng thiệt người tu đạo, không thấy lỗi thế gian – Trong bốn câu tụng nầy, thì hai câu trên là nói : những người không tâm đạo thì không thấy được đạo ; – hai câu dưới là nói : những người thiệt tu đạo, thì không thấy lỗi người.

Sao gọi là : người không tâm đạo ? – Bởi vì người nhận lầm cái thức-tâm, sanh diệt, tiếp xúc với hoàn cảnh ấy làm thiệt, rồi khởi ra các nghiệp, tham sân, phiền-não, làm cho mê mất cái bản thể rỗng trống, vắng lặng của đạo mà thành không thấy được cái đạo ; cũng ví như người đi lúc đêm tối mà bị cái tối làm cho không thấy được đường.

Sao gọi là : người thiệt tu đạo ? – Nguyên lai không phải tập quán, ngồi thiền, trì tụng, nghiên cứu gọi là : tu ; thiệt ra những người không thấy cái lỗi của thế gian mới thiệt là người chơn tu. – Vì những người ấy là người đã chứng tỏ cái toàn-thể thanh tịnh của pháp giới, trong tâm không còn cái ngã chấp phân biệt nên không thấy lỗi của phàm phu, và cũng không còn cái pháp chấp phân biệt nên không thấy lỗi của nhị thừa ; – mà ngã pháp phân biệt của ý thức đã không hiện hành luôn luôn thì ngã pháp cu-sanh của Mạt-na-thức cũng không còn lực lượng gì mà huân thành chủng tử đưa vào trong ruộng bát thức A-lại-da được nữa, tức là cu-sanh ngã pháp cũng phải tiêu-dung mà hoàn lại cái bản thể chơn không tịch-diệt. – Như thế mới thiệt là người chơn tu đạo.

Thế gian có ba thứ : 1. Khí thế gian, – 2. Chúng-sanh thế gian, – và 3. Trí chánh giác thế gian mà thế gian nói đây là chúng-sanh thế gian vậy.

(21) Nếu thấy sự quấy người, mình chê tức là dở, người quấy mình đừng chê, mình chê mình có lỗi : Người quấy là bởi người còn tại mê, nên khởi hoặc, tạo nghiệp thành ra quấy mà mình còn thấy sự quấy của người là mình còn tánh ngã-chấp phân biệt, thì mình cũng mê như người, không khác gì !

Mình cũng mê như người mà mình chê người, thì mình càng thêm có lỗi ; Vì trong sự chê ấy gồm đủ ba nghiệp chẳng lành : 1. Chê ở trong tâm là ý nghiệp chẳng lành, – 2. Chê phát ra lời nói là khẩu nghiệp chẳng lành, – 3. Chê hình ra diện mạo là thân nghiệp chẳng lành.

Nếu ba nghiệp đều chẳng lành, thì còn có lỗi gì hơn nữa !

(22) Dẹp bỏ tâm chê bai, đánh tan phiền-não thảy, – ghét thương chẳng bận lòng, nằm giũi hai chân nghỉ : Tâm chê bai tức là tâm “ngã chấp phân biệt” ; bởi ngã chấp phân biệt mới lãnh nạp những hoàn cảnh thuận nghịch ở ngoài, cảnh nào thuận với cái “ta” thì khen, cảnh nào nghịch với cái “ta” thì chê, vì vậy mà gây nên các nghiệp phiền não (căn bản phiền não và chi mạt phiền não). – Bây giờ nếu dẹp bỏ được tâm (ngã chấp phân biệt) ấy, thì không do đâu có nghiệp phiền não, tức là nghĩa “đánh tan phiền não” vậy.

Sau khi đánh tan nghiệp phiền não rồi, chẳng những oán thân bình đẳng, không ghét kẻ thù, không thương người nghĩa mà cũng chư pháp bình đẳng, không ghét sanh tử, không thương Niết-bàn, tức là sự ghét sự thương không vướng buộc vào tâm mà tâm được thanh tịnh ; đến lúc ấy là lúc vô sự của người tu hành, lìa cả ngã chấp và pháp chấp mà biểu lộ cái bản tướng cứu cảnh Niết-bàn, cho nên nói : nằm giũi hai chân nghỉ.

Nằm nghỉ là hiển thị cái nghĩa “cứu cảnh Niết-bàn” ; – giũi hai chơn, là hiển thị cái nghĩa “lìa hết ngã chấp và pháp chấp”.

(23) Nghĩ muốn độ người kia, mình phải có phương tiện – đừng để kia nghi lầm, tức là tự tánh hiện : “Phương” là phương pháp, – “tiện” là tiện dụng là tiện dùng cái phương pháp hợp với căn cơ của chúng-sanh ; tức như mình muốn hóa độ người mê trở nên ngộ, vọng trở về chơn, thì tự mình phải đủ phương tiện, tùy cơ nói pháp, tùy bịnh cho thuốc, khiến người rõ được cái lý : mê ngộ đồng nguồn, chơn vọng một gốc, ngoài mê không ngộ, ngoài vọng không chơn, cũng như nước với sóng, nguyên lai một thể, đừng để cho người còn có cái nghi “tâm là tự, Phật là tha” ; hay “chúng-sanh là phàm, Phật là thánh”, mà thành tự tha phàm thánh phân cách ; mỗi mỗi nói ra một câu gì hay một pháp gì cũng thâu về nơi tự tánh bản-giác thì người hết sự nghi lầm, tức là tự tánh hiển hiện.

(24) Phật pháp ở trong đời, chẳng lìa đời mà có, – lìa đời tìm Bồ-đề, nào khác cầu sừng thỏ : Phật pháp với thế gian cũng không ngoài tự tánh ; tự tánh mê là thế gian, tự tánh giác là Phật pháp ; tự tánh vọng là thế gian, tự tánh chơn là Phật pháp ; chơn ở trong vọng, ngoài vọng không chơn, giác ở trong mê, ngoài mê không giác ; chơn với vọng như nước với sóng, giác với mê như thức với ngủ ; ngoài sóng không nước, ngoài ngủ không thức ; cho nên nói : không thể lìa thế gian mà có Phật pháp là vậy.

Nếu lìa thế gian mà tìm Bồ-đề Phật-pháp, thì không bao giờ có ; cũng chẳng khác nào thỏ vốn không sừng mà đi tìm sừng thỏ, thì làm sao có đặng.

(25) Thấy chánh kêu xuất thế, thấy tà gọi thế gian, – chánh tà đều đánh dẹp, tánh Bồ-đề rõ ràng : Thấy chánh (chánh kiến) là một món trong tám món chánh đạo, do nơi huệ vô lậu mà thấy rõ bốn pháp Diệu đế, không còn các thứ kiến hoặc trong Tam giới, nên kêu là : xuất thế.

Thấy tà (tà kiến) là một món trong năm món thấy, tức là cái thấy tà vọng, không tin nhơn quả, không sợ tội phước nó chính do nơi căn bản phiền não sanh ra, làm cho chúng-sanh không thoát khỏi luân hồi sanh tử ; cũng bởi nơi nó, nên gọi là : thế-gian.

Nhưng tự nơi mê ngộ phân biệt mà nói, thì có chánh kiến tà kiến ; thiệt ra thì cái thể Bồ-đề Niết-bàn gốc vẫn thanh tịnh vốn không có chi là tà là chánh, cho nên đánh dẹp hết các thứ tà chánh, tức là tâm không còn thủ xả phân biệt, thì tánh thể Bồ-đề y nhiên thanh tịnh vậy.

(26) Tụng nầy là Đốn-giáo, cũng kêu Đại-pháp-thuyền – “mê” nghe trải nhiều kiếp, “ngộ” trong sát-na liền : Đốn-giáo là một giáo-lý xứng tánh mà nói, chẳng do nơi giai cấp tu chứng ; mà giáo-lý đã chẳng do nơi giai cấp tu chứng ; thì không phải dễ nghe ; cho nên những người mê giáo lý ấy tức là mê tự-tánh, thì dầu nghe đến nhiều kiếp cũng chưa chắc hiểu, – còn những người ngộ giáo lý ấy tức là ngộ tánh, thì nghe nói hiểu liền trong sát-na.

“Sát-na“ là một thời gian rất ngắn. – Trong Đại-tạng pháp số nói : trong một niệm có chín mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt.

Xem mục lục