Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

II- CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN

Kinh : Ông Anan bạch với Phật : “Thưa Thế Tôn, tất cả mười loài chúng sanh ở thế gian đều cho cái Thức Tâm Hay Biết là ở trong thân. Thiết nghĩ, thì con mắt như hoa sen xanh của Như Lai cũng ở trên mặt Phật. Nay tôi thấy con mắt vật chất của tôi cũng ở trên mặt tôi. Như vậy thì cái Thức Tâm thật ở trong Thân”.

Phật bảo Ông Anan : “Hiện nay ông ngồi trong giảng đường của Như Lai. Ông hãy xem rừng Kỳ Đà ở đâu ?”

- Thưa Thế Tôn, giảng đường cao lớn thanh tịnh này ở trong vườn Cấp Cô Độc, còn rừng Kỳ Đà hiện thật ở ngoài giảng đường.

- Anan, nay ông ở trong giảng đường, thì ông thấy cái gì trước tiên ? 

- Thưa Thế Tôn, tôi ở trong giảng đường, trước hết là thấy Như Lai, sau đó là đại chúng, rồi nhìn ra ngoài thấy vườn rừng.

- A Nan, do đâu ông thấy được vườn rừng ? 

- Thưa Thế Tôn, do các cửa giảng đường mở rộng, nên tôi ở trong này mà thấy được ra ngoài xa.

Thông rằng : Phù Căn Tứ Trần(64) cũng giống như sáu Căn, đây chỉ về Nhãn Căn mà thôi. Đất, Nước, Lửa, Gió : Tánh chúng xưa nay vốn trong sạch; mà Tướng của Đất, Nước, Lửa, Gió mỗi mỗi đều dao động như bụi bặm, gọi là Trần. Khi sáu Căn tạo thành thì nương theo tứ Trần này : sáu Căn chìm vào trong, bốn Đại trôi nổi ở bên ngoài, cho nên gọi là Phù Căn Tứ Trần. Với cả mười loài, Thức Tâm đều ở trong, mắt ở trên mặt thì không nói cũng biết rồi. Con mắt của Như Lai ở trên mặt, nhưng không dám xác quyết Thức Tâm là ở trong, vì Như Lai đã rời lìa cái Thức rồi, vì cái Pháp Thân thì tròn đầy không có trong hay ngoài vậy. Anan nói ra thật đắn đo, mà người dịch cũng cẩn thận. Thế Tôn muốn bày rõ cái nghĩa “Tâm chẳng ở trong”, nên trước hết lấy giảng đường, rừng vườn, cửa nẻo làm ví dụ. Giảng đường ví như trong thân, vườn rừng ví như ngoại vật, cửa nẻo ví như lục căn. Nếu Ông Anan là người tỏ suốt, thấy được con người đích thực của Anan, vốn chẳng thuộc giảng đường, chẳng thuộc vườn rừng, chẳng thuộc cửa nẻo, thì ông sẽ đến đi tự tại, không làm gì có trong có ngoài. Nếu chấp chặt tâm này, lầm lạc cho là ở trong Sắc Thân, lấy tạng phủ làm nhà nhốt kín, lấy sáu căn làm cửa nẻo, ôm lấy ngoại cảnh làm vườn rừng, rồi nghĩ rằng ngoài những thứ đó thì không có chỗ an thân. Một mai, nhà hư cửa nát, cảnh đổi, cái Thấy tiêu vong, thì còn chỗ nào để an được. Thế Tôn tuy nương theo chỗ bình thường biện biệt thứ tự trong ngoài, cũng chỉ rõ ràng sắc thân vốn như huyễn, chẳng phải là chỗ để bám chấp được. Như giảng đường, cửa cái, cửa sổ đối với ta chẳng có tương can gì. 
Ngài Trí Huy Thiền sư trước khi tịch có bài kệ :

“Ta có một căn nhà
Xây lợp bởi mẹ cha
Tám mươi năm lui tới
Gần đây rõ sắp hoại
Sớm liệu dời nơi khác
Nào có chuyện ghét thương
Đợi lúc kia sập nát
Đây kia không ngăn ngại”.

(Ngã hữu nhất gian xá
Phụ mẫu vị tu cái
Vãng lai bát thập niên
Cận lai giác tổn hoài
Tảo nghị di biệt xứ
Sự thiệp hữu tắng ái
Đãi tha tồi hủy thời
Bỉ thử vô phòng ngại).

Rồi ngồi kiết già mà đi. Đó là thương ghét đều quên, đến đi không trở ngại, cái Năng Kiến(65) đã tiêu vong thì còn nói gì đến chuyện trong ngoài nữa. 

Kinh : Khi ấy, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, đưa cánh tay sắc vàng xoa đầu Ông Anan, dạy ông và đại chúng rằng : “Có Pháp Tam Ma Đề, tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, gồm đủ muôn hạnh. Mười phương Như Lai, đều do một pháp môn là con đường Diệu Trang Nghiêm ấy mà siêu xuất. Nay ông hãy nghĩ kỹ !” 
Ông Anan đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy.

Thông rằng : Một pháp môn siêu xuất này rõ ràng chỉ ra con đường Đốn Ngộ cốt ở chỗ chuyển Thức thành Trí. Tinh thuần dùng Kim Cang Càn Huệ mới có thể nói là con đường đạo Chân Thật. Sau này, trong kinh có nói : “Diệu Pháp này, vô lượng Chư Phật trong hằng sa kiếp đời quá khứ, nhờ khai ngộ cái tâm này mà được đạo Vô Thượng. Thức Ấm tận hết, thì ngay đây các Căn của ông có thể dùng thay cho nhau được(66). Từ trong chỗ dùng thay nhau đó mà có thể thấu vào Kim Cương Càn Huệ của Bồ Tát. Cái Tâm thuần nhất tròn sáng ở trong phát chiếu ra, như ngọc lưu ly trong sạch, ngậm mặt trăng quý báu ở trong. Như vậy rồi vượt lên hàng Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hành, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh Tâm, đến chỗ tu hành của Kim Cương Thập Địa Bồ Tát, đến địa vị Đẳng Giác Tròn Sáng, nhập vào cái Biển Trang Nghiêm Mầu Nhiệm của Như Lai, tròn đầy cái Đạo, quy về trong cái Vô Sở Đắc”.

Đầu đuôi ứng nhau, tất lấy việc siêu xuất Thức Ấm làm cái quy tắc rốt ráo. Đức Thế Tôn thấu suốt rằng sự tiếp nối nhau của sanh tử thế gian chỉ là sự tiếp nối nhau của mỗi mỗi vọng tưởng, mê mờ chẳng hề biết quay trở lại. Thức Ấm hết ráo, đó là Chân Tâm Thường Trụ, hiện bày trước mắt, Thể Tánh trong sạch sáng soi, cùng Phật không khác. Cho nên, phá được Thức Ấm, tức nhập Đốn Môn. Ông Anan tuy thông minh học rộng, rốt cuộc chẳng ra khỏi thức tình phân biệt. Thức tình chưa trừ, chỉ là ở chỗ “Có đắc”. Mà chứng Bồ Đề, chỉ ở tại chỗ “Không đắc”. Cho nên, phần sau của kinh, nơi bảy chỗ hiển bày cái Tâm, Ông Anan mỗi mỗi cứ lấy chỗ “Có đắc” mà tự trói, còn Thế Tôn thì thảy thảy đều lấy chỗ “Không đắc” mà quét sạch. Kinh Lăng Già nói : “Có tướng để đắc là Thức, không có tướng để đắc là Trí”. Đây thật là Đốn Môn liền chứng Bồ Đề vậy.

Đức Nhị Tổ Thần Quang(67), chặt tay trước mặt Sơ Tổ Đạt Ma cầu xin pháp môn An Tâm. 
Tổ nói : “Đem cái tâm lại đây ta an cho !” 
Ngài Thần Quang thưa : “Tìm hết tâm rồi, rốt là không thể đắc(68) !”
Sơ Tổ nói : “Ta an tâm cho ông rồi đó”.
Nếu Ông Anan có thể tin được bảy chỗ trưng bày tâm đều bất khả đắc, thì y bát đâu có riêng truyền cho Ông Ca Diếp ! 

Kinh : Phật bảo Ông Anan : “Như lời ông nói: ở giảng đường, do cửa mở rộng nên ông thấy được vườn rừng ở xa. Liệu có chúng sanh nào ở trong giảng đường, không thấy Như Lai mà lại thấy được ngoài giảng đường không ?” 

Ông Anan thưa : “Thưa Thế Tôn, ở trong giảng đường không thấy Như Lai mà lại thấy được rừng suối bên ngoài, thật không có lẽ đó”.

Phật dạy : “Anan, ông cũng như thế. Cái tâm linh của ông, hết thảy đều rõ biết. Nếu hiện nay cái tâm rõ biết đó của ông thật ở trong thân, thì trước hết nó phải rõ biết trong thân thể. Vậy có chúng sanh nào, trước thấy bên trong thân rồi sau mới thấy những vật ở bên ngoài không ? Dầu không thấy được tim, gan, tì, vị nhưng móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch nhảy, đúng ra phải rõ, sao lại không biết ? Đã không biết bên trong, làm sao biết được bên ngoài ? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay rõ biết đó trụ ở thân, không có lẽ nào như vậy”.

Thông rằng : Do mắt thấy mà tâm biết, chẳng rời căn trần, do bởi phía trong mà biết phía ngoài, đó là cái thấy bình thường thế tục. Đức Thế Tôn bèn ở nơi cái thấy thường tình mà bác bỏ rằng “Đã không biết phía trong làm sao ở phía trong ?” Tuy người có Trí cũng phải khuất phục bởi lý luận này. Thật ra, tim gan tì vị, không gì mà chẳng biết rõ. Móng tóc gân mạch, không gì mà chẳng hay. Nếu không hay biết, thì hóa ra chỉ là một vật ù lì vậy sao ? 
Ngài Phó Đại Sĩ(69) có bài kệ :

“Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy
Đứng ngồi vẫn theo nhau
Nói nín đồng vừa vặn
Mảy tơ chẳng lìa nhau
Tương tự như hình, bóng
Muốn biết chỗ Phật ở
Lời nói âm thanh đó”.

(Dạ dạ bảo Phật miên
Triêu triêu hoàn cọng khởi
Khởi tọa trấn tương tùy
Ngữ mặc đồng cư chỉ
Túng hào bất tương ly
Như thân ảnh tương tự
Dục thức Phật khứ xứ
Chỉ giá ngữ thanh thị).

Theo lời nói này đây, thì nói rằng “Cái tâm rõ biết ở trong Thân” cũng chẳng phải là không đúng ! 

Ngài Vân Môn(70) nói rằng : “Luận Bảo Tạng nói “Trong trời đất, giữa vũ trụ, có một vật báu, ẩn tại Non Hình (thân thể). Cầm lồng đèn hướng vào trong Phật điện, đem ba cửa đến để trên lồng đèn, để làm gì?”

Ngài tự thay thế mà nói : “Theo vật, ý dời”. 

Lại nói : “Mây nổi sấm động”.

Ngài Tuyết Đậu(71) tụng rằng :

Xem đi,
Bến cổ ai kia nắm cần câu
Mây trùng trùng, nước mênh mông
Trăng sáng, bông lau, anh tự thấy !.

Đoạn công án này nói cái Năng Tri Tỏ Biết và cái Bổn Giác Tròn Sáng rất dễ lẫn lộn, cũng tương tợ như trăng sáng và bông lau, nên cần soi xét phân biệt. Nếu soi xét phân biệt ra được, thì không chỉ lồng đèn và lộ trụ(72), mà còn đốn triệt được Tâm Tông của Tổ Vân Môn, và cái vật báu trong thân cũng cùng với Tăng Triệu(73) khế hợp.. Đâu phải là bọn ma mị tinh hồn giỡn cợt tầm thường có thể mượn lời mà nói được.

Xem mục lục