A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, như Phật Thế Tôn vì chúng con giảng nói tướng nhân duyên, tự nhiên, các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa khai ngộ, nay lại nghe khi thấy mà có tướng thấy thì chẳng phải là tánh thấy bèn càng thêm mê muội. Cúi mong Phật mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại huệ, khai thị cho chúng con tâm giác sáng tỏ thanh tịnh. Nói xong A Nan buồn khóc cúi lạy, vâng nghe lời dạy.
Khi ấy Thế Tôn thương xót A Nan cùng đại chúng, đang muốn diễn bày đại tổng trì, con đường tu hành vi diệu các tam ma đề, nên mới bảo A Nan rằng: Ông tuy nhớ giỏi nhưng chỉ thêm phần đa văn, đối với xa ma tha quán chiếu vi mật, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt chỉ bày, cũng khiến cho những người hữu lậu ở tương lai được quả Giác ngộ.
………………………………..
Do thói quen (nghiệp) lâu đời nên chúng sanh chúng ta khi nói đến thấy thì phải thấy cái gì. Do thói quen mà thấy có sắc tướng, “mờ tối thành có hư không, trong cái hư không mờ tối ấy, kết cái mờ tối thành sắc, sắc xen lẫn với vọng tưởng…”. Cho nên khi nói “thấy mà chẳng có tướng thấy, đó là tánh thấy” thì sanh nghi ngờ.
Xa ma tha quán chiếu vi mật là chỉ quán vi mật. Chỉ quán vi mật thì mới thấy được sự vọng thấy điên đảo phân biệt Đức Phật sắp chỉ dạy.